Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Cảm xúc về ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11 – 2015

Chủ nhật - 15/11/2015 22:47
 
                                                                            
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là ngày hội của toàn dân, là dịp các thế hệ học trò tôn vinh nghề Dạy học - Nghề “kỹ sư tâm hồn” đồng thời tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô  giáo -  “chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, Người quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục và đào tạo của mỗi nhà trường.

Cách đây 58 năm, từ ngày 26 đến ngày 30/5/1957, tại thủ đô Vacsava, Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngay sau đó một năm, ngày 20/11/1958 - ngày hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức ở miền Bắc Việt Nam. Và từ đó, ngày 20/11 hàng năm đã được tổ chức trọng thể trong cả nước ta. Ngày 20/11 dần dần khắc sâu vào trí nhớ, tình cảm của mọi người, mọi tầng lớp nhân dân. Quyết định số 167, ngày 28/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Như vậy, ngày 20/ 11 hàng năm, giáo giới tiến bộ thế giới vẫn kỷ niệm ngày mang tên “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Còn ở nước ta, kể từ ngày 20/ 11/ 1982 trở đi, có tên gọi riêng là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Những mốc son ghi dấu ấy đã giúp chúng tôi, những người làm nghề dạy học thêm nhận thức sâu sắc về  lịch sử ra đời của ngày nhà giáo Việt Nam, gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước ta về vị trí, vai trò của giáo dục trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ngày 20/ 11 đã trở thành ngày hội của toàn dân. Điều đó càng cổ vũ động viên chúng tôi - các thầy giáo, cô giáo trong việc thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Ngày 20 tháng 11 hàng năm, là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thày. Dù quý vị là ai, kỹ sư, bác sỹ hay nguyên thủ quốc gia, chúng ta đều ghi nhớ: cha mẹ là người có công sinh thành, nuôi dưỡng; và thày, cô giáo là người đắp xây kiến thức, chắp cánh ước mơ, cho mỗi chúng ta trưởng thành, để là con người hữu ích cho gia đình, xã hội.

Với riêng tôi, khi còn nhỏ ở trường làng, mỗi lời nói của thầy cô đều để lại ấn tượng hết sức sâu đậm trong tâm trí. Tôi tin những lời dạy  về chuẩn mực đạo lý của thày, hướng cho tôi những bước chập chững đầu tiên để học làm người. Thầy cô đã gieo trong tâm hồn tuổi thơ tôi ngọn lửa ấm, và nốt nhạc hay về bài ca sư phạm. Bây giờ, dù đã đi qua vạn nẻo đường, nhưng ký ức vẫn không quên hình ảnh ngôi trường và thày, cô giáo:
 "Đi suốt cuộc đời quên sao nổi công ơn
Quên sao nổi mái tóc thầy bạc trắng
Đi một đời quên làm sao vạt nắng
Tỏa xuống đường, sưởi ấm tuổi thơ tôi".

Những tháng năm qua, tôi và nhiều đồng nghiệp đã có thêm trải nghiệm về sự nghiệp “trồng người”; đã chứng kiến nhiều bước thăng trầm, nhiều chặng đường gian nan nhưng thật vẻ vang của các nhà giáo ở trường CĐSP Lạng Sơn. Tương lai không xa, Nhà trường sẽ trở thành Đại học Lạng Sơn. Những thành quả to lớn ấy đã và sẽ được đóng góp bởi trí tuệ và sức lực của biết bao thế hệ thầy, trò. Tôi đã có thể tự hào với mơ ước tuổi thơ tôi, rằng tôi đã viết thêm những nốt nhạc mới về bài ca sư phạm; đã góp phần đào tạo biết bao thầy cô giáo, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Lạng Sơn.

 

Lãnh đạo TỈnh chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ  nhà giáo trường CĐSP Lạng Sơn
 
Kỷ niệm 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn Ngành tiếp tục triển khai, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp quản lý về giáo dục. Các nhà trường đang tích cực thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, gắn với tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đặc biệt là Nghị quyết 29/NQ- TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tôi và các đồng chí, đồng nghiệp trường CĐSP Lạng Sơn cần phải vượt lên thách thức lớn đang đặt ra: làm thế nào để phát triển tối đa tiềm năng, giúp học sinh, sinh viên hình thành được các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và định hướng được những giá trị tích cực? Làm thế nào để  nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội?

Để trả lời các câu hỏi đó, tôi thấm nhuần quan điểm của giáo sư Hoàng Tuỵ. Ông nói: "Vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố có liên quan trực tiếp tới người thầy". Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh ”.


Lãnh đạo Tỉnh và  Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo trường CĐSP Lạng Sơn
 

  Chương trình “Chào tân sinh viên” trường CĐSP Lạng Sơn năm 2015
 

 
Chúng ta kỷ niệm 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam với niềm xúc động về sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và niềm tự hào trước những thành tựu đã đạt được của trường CĐSP Lạng Sơn trong hơn 50 năm qua. Trong niềm vui hôm nay, tôi cũng suy nghĩ rằng, chúng ta vẫn còn nhiều nhà giáo, nhiều học sinh đang phải chịu đựng khó khăn, thiếu thốn về trường học, nhà ở, sách vở, áo ấm,.. Vì thế, ở năm học này, tôi và các đồng nghiệp tiếp tục hưởng ứng Lời kêu gọi của Ngành, thực hiện quyên góp, ủng hộ cho trẻ em mầm non; quan tâm, chia sẻ với những học sinh, giáo viên ở các vùng khó khăn, đang phải vượt lên những lo toan cơm áo hàng ngày để bám trường, bám lớp.

Nhân ngày 20/11, kỷ niệm lần thứ 33 ngày Nhà giáo Việt Nam, xin kính chúc  các đồng chí cán bộ, giảng viên sức khỏe, chuyên tâm trong công việc, chèo thuyền mát mái để đưa học sinh sinh viên cập bến bờ hạnh phúc và thành công. Chúc các em sinh viên chăm chỉ học tập, rèn luyện để trở thành người công dân tốt, người thầy giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, có sức khỏe, có bản lĩnh để gieo những hạt giống tâm hồn cho thế hệ trẻ ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên ải của Tổ Quốc.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/24-12-2024_ddb2a028d16ac345a4426689c7eddc2a.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)