Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường CĐSP Lạng Sơn thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước đợt 1 năm học 2017 - 2018 và 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017) Tiểu ban Chuyên môn nghiệp vụ đã chỉ đạo các đơn vị thi đua tổ chức sân chơi cho học sinh – sinh viên (HSSV) nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, trải nghiệm sáng tạo, gắn lý thuyết với thực hành nghề nghiệp.
Do điều kiện và đặc thù đặc thù đào tạo năm học 2017 – 2018, năm nay nhà trường chỉ đạo tổ chức Hội thi Kỹ năng nghề nghiệp cho HSSV gồm các khoa độc lập và ghép khoa: Khoa Ngoại ngữ, khoa Mầm non, Khoa Giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở. Đây cũng là năm thứ 2 nhà trường giao nhiệm vụ cho các khoa tự thiết kế và tổ chức Hội thi kỹ năng nghề nghiệp nhằm phát huy tối đa các nguồn lực của đơn vị.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt các đơn vị đã chuẩn bị và tổ chức thành công Hội thi, mang lại cho HSSV những giây phút sôi nổi, vui tươi và cũng đầy trí tuệ.
Các Hội thi đã diễn ra trong 3 ngày: Khoa Giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở tổ chức ngày 09/11/2017 tại cơ sở 2, khoa Ngoại ngữ tổ chức ngày 13/11/2017, khoa Giáo dục Mầm non tổ chức ngày 14/11/2017 tại cơ sở 1. Tiểu ban Chuyên môn nghiệp vụ đã cử các thành viên tham dự và phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công Hội thi. Chúng tôi xin đánh giá một số nét cơ bản, những vấn đề đã thực hiện tốt và tồn tại qua Hội thi của các đơn vị.
1. Công tác chuẩn bị và tổ chức: Các đơn vị tổ chức đã chuẩn bị khá tốt về cơ sở vật chất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Việc thành lập các đội trong Hội thi cũng khá hợp lý. Các đơn vị như khoa Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở đã mạnh dạn bố trí sinh viên tham gia dẫn chương trình Hội thi.
Khoa Ngoại ngữ chia thành 4 đội chơi dành cho sinh viên năm thứ 2,3 sư phạm tiếng Anh và Trung Quốc. Mỗi đội đều có sinh viên tiếng Anh và Trung Quốc đã tạo nên sự gắn kết, bổ sung kiến thức hiểu biết về nghiệp vụ khi trả lời các câu hỏi đặt ra. Khoa Giáo dục Mầm non đã mạnh dạn bố trí cho học sinh hệ Trung cấp Sư phạm Mầm non thành lập một đội chơi đua tài cùng hệ Cao đẳng. Khoa Giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác tổ chức, tạo nên sự ganh đua đầy hấp dẫn.
Nhìn chung, tất cả các đơn vị đã có nhiều cố gằng trong khâu chuẩn bị và tổ chức nhưng vẫn bộ lộ một số hạn chế như sau:
- Phần dẫn chương trình của sinh viên và giảng viên chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn, đôi khi chưa khớp với nội dung thi.
- Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất chưa thật chu đáo, chưa duyệt tổng thể chương trình trước khi tổ chức chính thức (khoa Ngoại ngữ).
2. Nội dung thiết cho Hội thi: Trên cơ sở định hướng của Tiểu ban Chuyên môn nghiệp vụ, các đơn vị đã chủ động xây dựng nội dung các phần thi bám sát những định chung và đặc thù đào tạo của đơn vị.
Một điều đáng ghi nhận ở Hội thi năm nay là việc thiết kế chương trình của các đơn vị rất sáng tạo và có nhiều sự khác biệt, không rập khuôn, sao chép như những năm trước. Mỗi khoa đã thiết kế nội dung chương trình thể hiện rõ mục tiêu đào tạo nghề nghiệp của đơn vị mình: khoa ngoại ngữ tập trung vào nghề sư phạm tiếng Anh và nghiệp vụ du lịch cho sinh viên Tiếng Trung; các khoa còn lại đi sâu giải quyết các vấn đề về nghề sư phạm. Điều đó thể hiện sự đổi mới, đầu tư chất lượng rèn nghiệp vụ của các đơn vị.
Một trong những chương trình hấp dẫn và phong phú nhất là khoa Giáo dục Mầm non. Khoa đã vận dụng sáng tạo các chương trình truyền hình thực tế để lồng ghép các nội dung thi (Giải ô chữ, Đuổi hình bắt chữ, SV, …) đã tạo nên một không khí sôi nổi, hào hứng, bùng nổ trong khán trường. Phần thi ứng xử tình huống nghề nghiệp của khoa Giáo dục Mầm non đã tổ chức dưới dạng sân khấu hóa cách đặt câu hỏi và trả lời, đấu vòng tròn giữa các đội, không bị áp đặt nội dung khô cứng của Ban tổ chức.
Tại Hội thi năm nay, phần thi Tài năng sinh viên đã được đẩy lên một tầm cao mới. HSSV đã chuẩn bị những kịch bản rất ấn tượng. Nếu như ở khoa Giáo dục Trung học cơ sở, Lớp K9C chỉ có 8 sinh viên nam nhưng vẫn thể hiện bài Múa nón (Việt Nam quê hương tôi), mặc áo dài truyền thống rất duyên dáng không kém gì nữ sinh, khoa Ngoại ngữ lại kể một câu chuyện về tìm kiếm việc làm có sự kết nối từ Màn chào hỏi đến phần thể hiện Tài năng.
Hạn chế lớn nhất bộc lộ qua Hội thi là nhiều câu hỏi phần Hiểu biết còn nặng về các con số khô khan khiến sinh viên nhầm lẫn khi trả lời. Thời gian bố trí cho từng loại câu hỏi (ứng xử, hiểu biết) chưa thật hợp lý, không đặt đồng hồ tính thời gian khi trình chiếu, …
3. Sự tham gia của giảng viên, HSSV: Các đơn vị đã bố trí thời gian khá hợp lý để cán bộ, giảng viên và HSSV tham gia đầy đủ. Tuy nhiên, một số giáo viên chỉ xuất hiện ở đầu buổi và xem đó như là nhiệm vụ của Ban tổ chức và HSSV. Đại đa số HSSV đến tham gia, cổ vũ đông đủ, nhiệt tình, văn hóa và có sự tương tác tốt với Ban tổ chức, các đội chơi.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò các khoa, chúng tôi tin tưởng rằng công tác rèn kỹ năng nghề nghiệp sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn không chỉ qua các Hội thi mà ngay trong quá trình dạy và học./.
Một số hình ảnh của hội thiPhát biểu khai mạc của thầy giáo Đặng Quốc Minh Múa nón của nam sinh K19C Màn chào hỏi của khoa Giáo dục Tiểu họcTài năng của của khoa Ngoại ngữ