Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Thiết kế dạy học hợp đồng cho bài học “Vành tai cụt và người thủ lĩnh nghĩa quân” trong chương trình Ngữ văn Địa phương trung học cơ sở

Thứ hai - 05/11/2018 21:17
            Tóm tắt
            Bài viết này nhằm xác định nội dung Ngữ văn địa phương ở Lạng Sơn với những đóng góp ở những mức độ nào đó cho việc phát triển các năng lực chung bên cạnh năng lực đặc thù mà môn học Ngữ văn đảm nhiệm. Bởi, Ngữ văn địa phương là một bộ phận nằm trong môn học Ngữ văn, cấu thành chương trình tổng thể ở trường phổ thông. Trên cơ sở quy trình, phương pháp, biện pháp, cách thức tổ chức quá trình dạy học hợp đồng cho bài học Ngữ văn địa phương để hình thành và phát triển năng lực cho học sinh Trung học cơ sở, chúng tôi tiến hành thiết kế bài học minh họa cụ thể.
            Từ khóa: Phát triển năng lực, dạy học hợp đồng, Ngữ văn địa phương, học sinh trung học cơ sở.
            Abstract
            The article aims to define the content of Local Linguistic Literature in Lang Son with some contribution to the development of general capacities in addition to the specific competences that Literature is responsible for. Because, the Local Linguistic Literature is a part of the curriculum of language arts,constitutes the overall program in high school. Based on the process, methodology, measures and methods of organizing the contract teaching process, we conducted the desiging of specific illustration lesson plans in order to formulate and develop capacity for secondary schools.
            Keywords: Develop capacity, contract teaching, local linguistic Literature.
           
           
            1. Mở đầu
          Thế kỉ XXI, xu hướng giáo dục trên thế giới và ở Việt Nam đang có những bước chuyển mạnh mẽ, tốc độ phát triển tri thức đến với giáo viên (GV), học sinh (HS) ngày càng nhanh và từ nhiều nguồn đa dạng, phong phú. Do đó, mô hình giáo dục ở nhà trường phổ thông nói chung, trường Trung học cơ sở (THCS) nói riêng theo hướng tiếp cận nội dung không còn phù hợp nữa, điều đó buộc GV phải thay đổi phương pháp dạy học (PPDH) sang hướng tiếp cận năng lực để sản phẩm đào tạo là HS phải “biết làm”, nghĩa là mang tính ứng dụng cao. Vì vậy, phát triển năng lực cho người học là mục tiêu cao nhất và cần thiết để người học có thể khẳng định được bản thân trong cộng đồng phức tạp, đa dạng, tạo sự thích ứng cao với mọi hoàn cảnh.
          Bài viết xác định nội dung Ngữ văn địa phương (NVĐP) ở Lạng Sơn với những đóng góp ở mức độ nào đó cho việc phát triển các năng lực chung bên cạnh năng lực đặc thù mà môn học Ngữ văn đảm nhiệm. Bởi, NVĐP là một bộ phận nằm trong môn Ngữ văn, cấu thành chương trình tổng thể ở trường phổ thông. Trên cơ sở quy trình, phương pháp, biện pháp, cách thức tổ chức quá trình dạy học hợp đồng cho bài học NVĐP để hình thành và phát triển năng lực (PTNL) cho HS THCS và thiết kế bài học minh họa cụ thể.

          2. Hệ thống năng lực Ngữ văn và năng lực đặc thù được hình thành, phát triển cho HS THCS trong dạy học NVĐP

            2.1. Hệ thống năng lực Ngữ văn

            Trong dạy học hiện đại, HS với tư cách là chủ thể nhận thức, chủ thể của hoạt động học phải tham gia vào các hoạt động trải nghiệm để tìm ra kiến thức bằng hành động của chính mình dưới sự hướng dẫn của GV. Vì thế, mục tiêu căn bản và đặc thù của hoạt động dạy học môn Ngữ văn theo định hướng hình thành và PTNL ở trường THCS được xác định là: - PTNL giải quyết vấn đề thông qua hoạt động tiếp nhận một thể loại văn học, tạo lập một loại văn bản và có liên hệ văn học với đời sống, đánh giá một hiện tượng xã hội; - PTNL tư duy sáng tạo, đặc biệt là tư duy phản biện nhằm phát hiện và sáng tạo ra cái mới; - PTNL hợp tác với sự tự tin, tính tự lập, sự chia sẻ và tinh thần cộng đồng; - PTNL tự quản và khám phá bản thân, thế giới xung quanh thông qua những hiểu biết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn học với đời sống xã hội; - PTNL giao tiếp tiếng Việt ở tất cả các hình thức: nghe, nói, đọc, viết. Ngoài ra, môn Ngữ văn cũng chú ý PTNL giao tiếp bằng các phương tiện nghe nhìn hay phương tiện phi ngôn ngữ (tranh ảnh, biểu đồ, phim...); - PTNL thưởng thức văn học, năng lực cảm thụ thẩm mĩ thông qua những hiện tượng ngôn ngữ và tác phẩm văn học đặc sắc.

            2.2. Năng lực đặc thù - năng lực NVĐP

            Như đã trình bày ở trên, NVĐP là một bộ phận nằm trong môn Ngữ văn, cấu thành chương trình tổng thể ở trường phổ thông. Bộ phận này cũng hướng tới hai lĩnh vực chính, đó là: ngôn ngữ và văn học. NVĐP cũng phát triển cho HS các năng lực chung thuộc hệ thống năng lực Ngữ văn. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở tính địa phương, cụ thể ngữ liệu dạy học của Lạng Sơn có cả nội dung dạy tiếng Tày, Nùng và nằm trong bối cảnh văn hóa địa phương. Vì thế, ngoài hệ thống năng lực Ngữ văn, bộ phận này còn hình thành và phát triển một số năng lực đặc thù do tính địa phương đưa lại. Các năng lực đó có thể định danh và mô tả như sau:
          - PTNL tiếng tộc người thiểu số (tiếng Tày/Nùng), hiểu và sử dụng tiếng Tày/Nùng phù hợp có hiệu quả ở 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết nhằm đạt mục đích trao đổi thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
          - PTNL bảo tồn di sản văn hóa, nhận diện và đánh giá được vai trò, ý nghĩa của các loại hình di sản văn hóa địa phương liên quan đến nội dung học tập, có hành động bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của các di sản đó.

          3. Dạy học hợp đồng

          Dạy học hợp đồng là một PPDH, theo đó HS được giao một hợp đồng trọn gói, bao gồm các nhiệm vụ/bài tập bắt buộc hoặc tự chọn khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. HS chủ động và độc lập quyết định về thời gian cho mỗi nhiệm vụ/bài tập và thứ tự thực hiện các nhiệm vụ/bài tập đó theo khả năng của mình.
          PPDH hợp đồng có thể áp dụng khi bài học/chủ đề được tổ chức dạy học bằng dự án và thường phù hợp với những nội dung, yêu cầu về thực hành hoặc vận dụng.
          PPDH hợp đồng cho phép phân hoá nhịp độ, trình độ và tăng cường tính độc lập của HS; Nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ học tập có kế hoạch; Hoạt động phong phú hơn; Lựa chọn đa dạng hơn; Tránh chờ đợi. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất mà GV cần lưu ý và khắc phục trong quá trình tổ chức dạy học, đó là sự khó khăn trong quản lí HS.
          Để áp dụng PPDH theo góc hiệu quả, GV phải nằm lòng các bước tiến hành sau:
          - Bước 1: Chuẩn bị: + Lựa chọn nội dung bài học phù hợp; + Xây dựng hợp đồng: Thiết kế các nhiệm vụ/hoạt động bao gồm cả phương tiện, tài liệu (tư liệu nguồn, bản hướng dẫn theo mức độ hỗ trợ, đáp án...); Biên soạn hợp đồng.
          - Bước 2: Tổ chức hoạt động dạy học, bao gồm: + Giới thiệu bài học, giới thiệu hợp đổng; + Tổ chức cho HS kí và thực hiện hợp đổng; + Tổ chức trao đổi/chia sẻ/đánh giá kết quả học tập.
          4. Giới thiệu kế hoạch bài học
          Tiết 70 (Lớp 6)  - Vành tai cụt và người thủ lĩnh nghĩa quân
          A. Mục tiêu
          1. Kiến thức: Xác định được các nhân vật (Hoàng Đình Kinh, tên phỉ, cha của Hoàng Đình Kinh), nhân vật chính (Hoàng Đình Kinh) và thông tin về nhân vật chính được thể hiện trong văn bản; Kể lại truyện; Hình dung về nhân vật Hoàng Đình Kinh trong văn bản; Đóng vai nhân vật Hoàng Đình Kinh; Tạo lập văn bản ngắn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ Tổ quốc.
          2. Kĩ năng: Kĩ năng đọc hiểu văn bản truyền thuyết lịch sử; Kĩ năng thuyết trình; Kĩ năng phản hồi.
          3. Thái độ: Tích cực, thoải mái, tự giác tham gia vào các hoạt động; Hợp tác, chủ động, sáng tạo trong học tập; Có ý thức phấn đấu, nuôi dưỡng ước mơ/đam mê trong học tập và cuộc sống.
          4. Năng lực: NL đọc hiểu văn bản truyền thuyết theo đặc trưng thể loại; NL giải quyết vấn đề và sáng tạo; NL giao tiếp; NL hợp tác; NL bảo tồn di sản văn hóa.
          B. Chuẩn bị
          1. Đồ dùng dạy học: Hợp đồng, bảng phụ, phiếu học tập, các thẻ giấy; Máy tính, máy chiếu Projector, bìa màu, băng dính, A0, kéo...; Tài liệu dạy - học, vở ghi...
          2. Phương pháp dạy học: Dạy học theo hợp đồng, theo nhóm nhỏ.
          C. Các hoạt động dạy học
          1. Hoạt động - Nội dung 1: Hệ thống kiến thức về thể loại truyền thuyết
          - Thời gian: 5 phút
          - Phương tiện/Thiết bị dạy học: máy tính, máy chiếu Projector, giấy A0, các thẻ giấy.
          - Hoạt động của GV và HS
          + GV: Đặt vấn đề: Các em đã biết đến khái niệm truyền thuyết từ bài học Tổng quan về văn học, hôm nay chúng ta sẽ quay trở lại với khái niệm này trước khi đọc hiểu văn bản “Vành tai cụt và người thủ lĩnh nghĩa quân”.
          Yêu cầu HS chia sẻ hiểu biết về thể loại truyền thuyết ở một số khía cạnh: thể loại, nội dung, nghệ thuật.
          +  HS: Lắng nghe và trả lời
          + GV: chốt vấn đề bằng sơ đồ và dẫn dắt vào bài.
          +  HS: Quan sát và lắng nghe.
                + GV: Chia lớp làm 4 nhóm
          Mỗi nhóm có các thẻ giấy ghi thông tin về thể loại truyền thuyết đã học (được cắt ra thành nhiều phần). Yêu cầu SV dán các thẻ giấy vào chỗ (...) tương ứng trên bản giấy A0 để có nội dung đúng.
1
          Gợi ý: Quan sát kĩ các tấm thẻ dán vào vị trí thích hợp, sau đó thảo luận, bổ sung thông tin cho đầy đủ.
          Tổ chức nhận xét, đánh giá,bổ sung.
          + HS: Chia nhóm, thực hiện nhiệm vụ, treo sản phẩm, quan sát, so sánh, nhận xét, bổ sung.
            2. Hoạt động - Nội dung 2: Nghiên cứu, kí kết hợp đồng
          - Thời gian: 5 phút
          - Phương tiện/Thiết bị dạy học: máy tính, máy chiếu Projector, hợp đồng (in sẵn)
          - Hoạt động của GV và HS
          + GV: Giao hợp đồng cho từng cá nhân.
 
          Phổ biến nội dung, yêu cầu của từng nhiệm vụ: Hợp đồng gồm 6 nhiệm vụ, trong đó có 4 nhiệm vụ bắt buộc (1-4); 2 nhiệm vụ tự chọn (5, 6) là nhiệm vụ không bắt buộc phải thực hiện.
          Nhiệm vụ 1, 2 làm việc theo cá nhân, HS có thể tùy chọn nhiệm vụ nào làm trước, nhiệm vụ nào làm sau.
          Nhiệm vụ 1: Tìm câu trả lời nhanh
          Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu chung về văn bản
          1. Tóm tắt cốt truyện “Vành tai cụt và người thủ lĩnh”.
          2. Trình bày những thông tin chung về văn bản truyện.
          Nhiệm vụ 2 có hai phiếu hỗ trợ: phiếu màu đỏ là hỗ trợ nhiều; màu vàng là hỗ trợ ít.
 
Phiếu hỗ trợ nhiệm vụ 2 (Phiếu vàng - hỗ trợ ít)
 

Phiếu hỗ trợ nhiệm vụ 2 (Phiếu đỏ - hỗ trợ nhiều)
          Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu nhân vật Hoàng Đình Kinh
          Phân tích nhân vật Hoàng Đình Kinh - người thủ lĩnh trong truyện.
          Nhiệm vụ 3 có một phiếu hỗ trợ màu xanh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, HS có thể lựa chọn sử dụng các phiếu hỗ trợ tùy theo năng lực, nhịp độ của mỗi cá nhân.

Phiếu hỗ trợ nhiệm vụ 3
          Nhiệm vụ 4: Cảm nhận về nhân vật Hoàng Đình Kinh
      Nhân vật Hoàng Đình Kinh gợi cho anh/chị tình cảm gì? Và, anh/chị có suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc?
      Nhiệm vụ 3,4 làm theo nhóm. Sau khi hoàn thành 4 nhiệm vụ bắt buộc; HS có thể tự chọn làm thêm nhiệm vụ 5 hoặc 6 hay làm theo cá nhân hoặc theo nhóm đôi.
          Nhiệm vụ 5: Thử tài của bạn
          Hãy sử dụng sơ đồ tư duy (trình bày trên giấy A3) để tóm tắt lại cốt truyện và nội dung tìm hiểu về nhân vật Hoàng Đình Kinh.
          Nhiệm vụ 6: Giới thiệu, quảng bá hình hành
       Dự án này mời anh/chị tìm về không gian văn hóa gắn liền với sự sinh thành, lưu truyền, biến đổi của truyền thuyết vừa đọc. Hãy giới thiệu về khu di tích khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh và nhân vật lịch sử này bằng một hình thức tự chọn mà anh/chị thấy thú vị nhất (bài viết, bản trình bày PowerPoint, poster, cuốn phim...).
          Hãy lập kế hoạch cá nhân cho việc thực hiện dự án vào phiếu học tập và trình bày trước nhóm để cùng thống nhất và bắt tay thực hiện.
          + HS: Từng cá nhân nhận hợp đồng. Quan sát, theo dõi ghi nhận nội dung của từng nhiệm vụ.
          + GV: Chia sẻ các thắc mắc của HS về hợp đồng (nếu có). Tổ chức kí kết hợp đồng.
          + HS: Nêu câu hỏi về hợp đồng (nếu có). Lựa chọn nhiệm vụ và kí hợp đồng.
            3. Hoạt động - Nội dung 3: Thực hiện hợp đồng
          - Thời gian: 25 phút
          - Phương tiện/Thiết bị dạy học: Các phiếu giao nhiệm vụ, hỗ trợ, giấy A0, bút viết, kéo, keo dán...             
          - Hoạt động của GV và HS
          + GV: Trợ giúp cho cá nhân hoặc nhóm HS gặp khó khăn và yêu cầu trợ giúp.
          + HS: Thực hiện nhiệm vụ trong hợp đồng đã kí.
            4. Hoạt động - Nội dung 4: Thanh lí hợp đồng
          - Thời gian: 10 phút
          - Phương tiện/Thiết bị dạy học: máy tính, máy chiếu Projector
          - Hoạt động của GV và HS
          + GV: Dành ít phút cho HS tham quan sản phẩm.
          + HS: Trưng bày, tham quan các sản phẩm học tập.
 
          + GV hướng dẫn khai thác các sản phẩm có được từ hợp đồng; HS ghi nhận, đối chiếu kết quả của bản thân, nhóm và có phản hồi tích cực.
          Nhiệm vụ 1: GV đối chiếu đáp án, yêu cầu HS so sánh, đối chiếu, tự đánh giá; HS quan sát, đối chiếu, tự đánh giá trên phiếu học tập.
          Nhiệm vụ 2, 3: GV tổ chức cho HS chỉnh sửa trên một số bài tự làm và đối chiếu đáp án (nếu cần); HS nhận xét, góp ý, bổ sung.
          Nhiệm vụ 4: GV tổ chức đại diện một vài nhóm báo cáo kết quả và nhận xét, đánh giá; HS đại diện nhóm báo cáo kết quả học tập.
          Nhiệm vụ 5: GV tổ chức HS chia sẻ kết quả; HS quan sát, so sánh, nhận xét.
          Nhiệm vụ 6: GV yêu cầu đại diện một vài HS trình bày và đánh giá, nhận xét; Cá nhân HS trình bày, cả lớp lắng nghe và nhận xét.
          + GV yêu cầu HS tự đánh giá theo các nội dung trên bản hợp đồng. HS tiến hành tự đánh giá
          + Tổng kết lớp học: GV yêu cầu HS tự rút ra những kết quả đạt được (về kiến thức, kĩ năng, phương pháp học tập); HS tự nhận xét, đánh giá, tổng kết bài học, cùng lắng nghe và ghi nhớ.

          3. Kết luận
          Từ cơ sở lí luận và thực tiễn, chúng tôi định hướng thiết kế cho một giờ học NVĐP, cụ thể là tìm hiểu văn bản “Vành tai cụt và người thủ lĩnh” với hi vọng GV và HS sẽ nhận thức đúng đắn việc học NVĐP cũng giống như các bài học ở chương trình chính khóa của mỗi lớp, mỗi cấp học và góp phần làm phong phú hơn, sâu sắc hơn hiểu biết, tình yêu của những người dạy - người học về truyền thống văn hóa - văn học trên quê hương xứ Lạng.
_______________
Tài liệu tham khảo
[1] Phạm Thị Thu Hương (chủ biên), Giáo trình Thực hành dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2018.
[2] Phùng Quý Sơn, Hướng đổi mới chương trình và dạy học Ngữ văn địa phương THCS tỉnh Lạng Sơn, Tạp chí Giáo dục, số 357/2015, tr. 30-32.
[3] Trần Thị Thanh Thùy (chủ biên), Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh  (quyển 2), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2016
[4] Trần Thị Trang, Đặng Thị Phin (biên soạn), Ngữ văn địa phương cấp THCS  (Sách học sinh), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, 2009.
[5] Lê Đình Trung, Phan Thị Thanh Hội, Dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học ở trường phổ thông, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2016.
[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Hà Nội, tháng 7/2017.
 

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_88ee31fb70ae20d82f7b8c145313f4db.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)