Trường cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn - nơi gửi trọn niềm tin
Nguyễn Thị Phương Loan
2017-03-01T02:58:20-05:00
2017-03-01T02:58:20-05:00
https://bak16.lce.edu.vn/vi/news/Tin-tuc-66/truong-cao-dang-su-pham-lang-son-noi-gui-tron-niem-tin-664.html
https://bak16.lce.edu.vn/uploads/news/1_1.jpg
Trường CĐSP Lạng Sơn
https://bak16.lce.edu.vn/uploads/about/empty.png
Thứ tư - 01/03/2017 02:54
Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn - “cái nôi” giáo dục và đào tạo của tỉnh Lạng Sơn có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục từ bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở. Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã trải qua những thời kì thăng trầm của lịch sử, gắn liền với sự nghiệp giáo dục, hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn giao phó.
Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Lạng Sơn - tỉnh miền núi Đông Bắc, nơi biên cương địa đầu của Tổ Quốc, nghèo nàn và lạc hậu. Hơn 90% dân số không biết chữ, trẻ em không được cắp sách tới trường, người lớn không được đi học, toàn tỉnh có rất ít giáo viên, chủ yếu dạy lớp vỡ lòng và các lớp đầu cấp I. Trong hoàn cảnh đó, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, Ty Giáo dục, các Trường Sơ cấp Sư phạm (Sư phạm cấp I), Trung cấp Sư phạm 7+2 (Sư phạm cấp II) được thành lập. Năm 1968, Trường Trung học Sư phạm bồi dưỡng Lạng Sơn được ra đời. Những năm 70, Trường Sơ cấp Cô nuôi dạy trẻ, Trường Sư phạm Mẫu giáo được thành lập và Trường Sơ cấp Sư phạm, Trung cấp Sư phạm 7+2 được nâng cấp trình độ đào tạo thành Trường Trung học Sư phạm 10+2; Trường Trung học Sư phạm 10+3. Năm 1984, Trường Sơ cấp Cô nuôi dạy trẻ sáp nhập với Trường Sư phạm Mẫu giáo thành Trường Sư phạm Mẫu giáo. Năm 1991 đến năm 1994, lần lượt 04 trường sáp nhập thành Trường Trung học Sư phạm Lạng Sơn. Năm 1997, Trường Trung học Sư phạm Lạng Sơn nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Trong hành trình ấy, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo và nhân viên nhà trường đã không ngại gian khổ, hy sinh cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẻ vang. Từ những ngày đầu thành lập cho đến những năm dài của thời kì bao cấp và bắt đầu thời kì đổi mới cùng với cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ và chiến tranh Biên giới 1979 là thời kì đầy khó khăn, thử thách của các nhà trường. Trường Sư phạm cấp 1,2 phải chuyển địa điểm nhiều lần. Cơ cấu tổ chức chưa đồng bộ, đội ngũ giáo viên còn thiếu. Chất lượng đào tạo bồi dưỡng phụ thuộc vào tài năng của thầy và sự tự giác, tích cực học tập, rèn luyện của học sinh. Trường lớp chủ yếu là tranh, tre, nứa, lá; đồ dùng, thiết bị dạy học, thư viện, phòng nghiệm hầu như chưa có gì. Các trường phải di chuyển liên tục: Tràng Định, Văn Lãng, Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn tránh bom đạn của chiến tranh. Thầy và trò vừa dạy học, vừa lao động xây trường dựng lớp, tham gia lao động giúp địa phương. Nhiều giáo viên và học sinh trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đời sống vật chất vô cùng khó khăn, thiếu nước, lương thực thực phẩm, lương chậm, giáo viên phải làm thêm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp. Những năm tháng gian nan tưởng chừng không thể vượt qua nhưng ý chí quyết tâm bám trường, bám lớp, lòng yêu nghề trở nên mãnh liệt. Chính vì lẽ đó, các nhà trường đã vượt qua những khó khăn chồng chất, ổn định và từng bước phát triển. Đến đầu những năm 90, cơ cấu tổ chức của các nhà trường bước đầu hoàn chỉnh, hoạt động giáo dục, đào tạo đi vào nền nếp. Sự hợp nhất các trường Sư phạm và Trường Cán bộ Quản lý là bước trưởng thành về các mặt, tạo tiền đề cho sự ra đời của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Từ khi được nâng cấp lên cao đẳng, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã tiến những bước tiến về mọi mặt. Trường lớp khang trang hơn, điều kiện cơ sở vật chất phục vục tương đối tốt cho hoạt động học tập và sinh hoạt. Tập thể nhà trường đồng tâm hiệp lực đổi mới tư duy, lao động sáng tạo, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tô thắm những trang sử vẻ vang của sự nghiệp giáo dục tỉnh Lạng Sơn nói chung và của nhà trường nói riêng. Bộ máy quản lí hoàn chỉnh, đồng bộ và ngày càng chuyên nghiệp. Công tác đào tạo được mở rộng với 26 mã ngành với trình độ trung cấp, cao đẳng; liên kết đào tạo đại học; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; đặc biệt là liên kết đào tạo sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc với các trường của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Về công tác quản lý nhà trường: Tập trung đổi mới, hoàn thiện các văn bản nội bộ như Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế dân chủ, cụ thể hóa Quy định thi đua khen thưởng, Quy chế chuyên môn, Quy chế học sinh sinh viên… cho mỗi năm học.
Năm 2008 triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VN ISO 9001-2000. Đến năm 2012 tiếp tục triển khai quản lý theo tiêu chuẩn VN ISO 9001-2008 và áp dụng quản lý chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Năm 2009 nhà trường triển khai xây dựng Báo cáo tự đánh giá theo tiêu chí các trường Đại học, Cao đẳng; Thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức xây dựng chuẩn đầu ra đối với các ngành đào tạo giáo viên tiểu học, mầm non, trung học cơ sở.
Năm học 2009 phổ biến, triển khai thực hiện Thông tư số 14/2009/TT-BGD-ĐT ngày 28/5/2009 về Điều lệ trường Cao đẳng. Nhà trường ban hành Quyết định số 138/QĐ-CĐSP ngày 05/6/2009 về Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Đây là văn bản có tính pháp lý rất quan trọng, xác định tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của trường. Quy chế này làm cơ sở tạo nên sự ổn định đồng thời mở ra thế chủ động từ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và từ đó tạo nên sự năng động, sức sáng tạo của nhà trường.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng: Với chủ đề "Đổi mới - nề nếp - Hiệu quả - Chất lượng - Phát triển bền vững" và với phương châm "kiến thức là nền tảng, năng lực là then chốt", nhà trường tập trung chỉ đạo đổi mới, chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra. Hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng học sinh sinh viên giỏi luôn được nhà trường quan tâm, có kế hoạch bồi dưỡng và tạo điều kiện tham gia các kỳ thi quốc gia. Trong Hội thi Nghiệp vụ sư phạm- Văn nghệ thể thao các trường Sư phạm toàn quốc lần thứ IV tại Thái Nguyên năm 2009 đạt 04 Huy chương đồng; Hội thi Nghiệp vụ sư phạm - Văn nghệ thể thao các trường Sư phạm toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội năm 2013, sinh viên nhà trường tham gia đầy đủ 7 nội dung thi nghiệp vụ sư phạm và được xếp loại Khá. Trong đó có 01 Huy chương vàng, 03 Huy chương bạc, 08 Huy chương đồng, màn Chào hỏi (giải Thân thiện). Kết quả chung của Hội thi: Đạt Giải Ba Toàn đoàn trong tổng số 13 trường Cao đẳng Sư phạm tham gia dự thi và được tặng Cờ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2012 đạt 01 giải Nhì, 01 giải Ba, 01 giải Khuyến khích trong kỳ thi Olimpic Toán toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Phú Yên. Năm học 2011 - 2012 sinh viên nhà trường đạt 01 giải Nhì, 02 giải Ba trong cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” do Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn tổ chức. Những thành tích đạt được thể hiện bước tiến mới của nhà trường trong quá trình đào tạo giáo viên đồng thời là nguồn cổ vũ động viên nhà trường tiếp tục nghiên cứu và triển khai những giải pháp hữu hiệu trong công tác đào tạo.
Hơn nửa thế kỷ qua, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng trên 28.850 lượt học sinh sinh viên, giáo viên trung học cơ sở, tiểu học, Mầm non và cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với 7 trường đại học trong khu vực đào tạo Đại học tại chức, hệ vừa làm vừa học cho khoảng 2.330 học viên. Từ ngôi trường này, hàng vạn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục từ bậc học Mầm non, Tiểu học đến Trung học Cơ sở đã đem ánh sáng văn hóa đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh cho học sinh các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Nhiều cán bộ ngành Văn hóa - Du lịch, Công nghệ thông tin, Tiếng Trung quốc đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Tỉnh.…
Về công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từng bước được nâng cao, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, hoàn thiện về chất lượng. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, Đề án 281 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2007 - 2010”, “Chiến lược phát triển giáo dục 2010 - 2020”, nhà trường tiến hành quy hoạch đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý. Đến thời điểm này, tổng số cán bộ, giảng viên và nhân viên là 184, trong đó có 03 tiến sỹ, 75 thạc sỹ (02 nghiên cứu sinh), 88 đại học (11 đang theo học thạc sỹ) và 18 trình độ khác. Nhà trường chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục với phương châm “nhân cách giáo dục nhân cách, năng lực đào tạo năng lực”. Đội ngũ vững vàng về chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân, dù hoàn cảnh nào cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trải qua các thời kỳ, đội ngũ nhà giáo luôn có tinh thần đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nghề, bám trường, bám lớp, có ý tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn-nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhiều cán bộ, giảng viên Nhà trường được phong tặng danh hiệu cao quý như: Nhà giáo ưu tú, giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua các cấp đặc tặng Huy chương, kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục", Bằng khen của Chính phủ, Bộ GD ĐT và UBND tỉnh… Mái trường Sư phạm đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều thế hệ thầy, cô giáo từ miền xuôi đến miền núi. Từ mái trường này, nhiều thầy, cô giáo đã trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng đất nước, quê hương Xứ Lạng ngày càng giàu đẹp, tiêu biểu như: TS. Phạm Ngọc Thưởng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn), PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), ThS. Trần Quốc Tuấn (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT), nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Yên (nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh), nhà giáo ưu tú Hồ Mạnh Hưng (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo), ThS. Đoàn Thị Xuân Hiền (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nước Cộng hòa Kazakstan); ThS. Đoàn Thị Hậu (Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn), ThS. Trịnh Tuyết Mai (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ), TS. Hoàng Thị Hương (Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI), ThS. Hà Thị Thúy Hằng (Nguyên Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XIII), ThS. Ngàn Phương Loan (Đại biểu Quốc hội khóa XIII),…
Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế ngày càng được quan tâm mở rộng và phát triển. Cho đến thời điểm này, Nhà trường bảo vệ thành công 02 đề tài cấp Bộ; 4 đề tài cấp tỉnh; 03 đề tài của Dự án Việt - Bỉ; 02 đề tài Dự án Phát triển giáo dục Trung học cơ sở; 06 đề tài Dự án đào tạo giáo viên Trung học cơ sở; 27 đề tài cấp trường trong đó có đề tài nghiên cứu về lịch sử nhà trường. Đồng thời có trên 1000 sản phẩm nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên được nghiên cứu, triển khai, áp dụng; khoảng 50 bài đăng trên Tạp chí Giáo dục và Tạp chí chuyên ngành; 15 số Thông báo khoa học; đồng thời hướng dẫn hàng trăm lượt sinh viên làm tiểu luận học phần. Ngoài ra còn viết bài tham gia hội thảo các cấp và đăng trên website của nhà trường. Tổ chức được nhiều hội thảo khoa học các cấp về nhiều lĩnh vực trong đó có Hội thảo Quốc gia về lĩnh vực ngoại ngữ. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo cũng được quan tâm đúng mực. Năm 2008, nhà trường đã ký Hợp đồng Thỏa thuận Hợp tác giáo dục với Học viện Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc đưa sinh viên chuyên ngành Tiếng Trung Quốc thực tập tại nước ngoài. Năm 2010, được sự cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường xây dựng và thực hiện Đề án Liên kết đào tạo 2+ 1 với Học viện Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 2013, mời giảng viên Trung Quốc sang giảng dạy một số học phần cho sinh viên và tập huấn cho giảng viên Tiếng Trung Quốc. Năm 2013, trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn mở rộng liên kết, hợp tác với trường Ngoại ngữ Đông Nam Á, Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên chuyên ngành Tiếng Trung Quốc. Bên cạnh việc học tập, thực tập sinh viên còn tham gia trại hè tại Học viện Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc. Cho đến nay, nhà trường đã tổ chức được 10 đợt thực tập tốt nghiệp với 336 sinh viên và 5 đợt học tập theo chương trình Liên kết đào tạo 2+1 với 66 sinh viên. Bên cạnh đó, Lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn và 02 trường liên kết đào tạo của Trung Quốc còn có những hoạt động trao đổi, giao lưu, hội đàm. Từ năm học 2013-2014, trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tham gia Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, có sự trợ giúp của các chuyên gia Hội Đồng Anh tại Việt Nam tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ngoại ngữ.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm bổ sung, tăng cường hàng năm. Hệ thống phòng học được trang bị thiết bị hiện đại, phòng thư viện, thí nghiệm thực hành, nhà đa năng, sân tập thể thao, khu ký túc xá khang trang sạch đẹp; đầu tư, tăng cường ứng dụng các phần mềm quản lý, hệ thống giáo trình tài liệu cập nhật,... cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên cũng như học sinh, sinh viên.
Công tác đoàn thể: Công đoàn cùng với chính quyền tổ chức chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cán bộ công chức. Phát động, tổ chức triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua như: cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Hằng năm vào những ngày lễ kỉ niệm như 8/3, 20/10, 22/12, Công đoàn đã tổ chức cho công đoàn viên tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; tổ chức các hoạt động giao lưu, bổ ích như: Hội thi “Khéo tay hay làm”, “Công đoàn viên khéo tay - giỏi nội trợ”, “Nét đẹp giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Lạng sơn”; phối hợp tổ chức tọa đàm cùng Chi hội cựu chiến binh nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Hội Quốc phòng toàn dân; tổ chức giải thể thao cán bộ viên chức; tham gia và đạt giải cao Hội thi “Tiếng hát công đoàn viên ngành Giáo dục và đào tạo”, Hội thi “Cán bộ công đoàn giỏi” và Hội thi Nét đẹp giảng viên.
Công tác thi đua khen thưởng: Nhà trường chú trọng, triển khai công tác thi đua khen thưởng, nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức thi đua, chú trọng phát động phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị cũng như tình hình thực tiễn của nhà trường. Hằng năm, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của tỉnh, ngành, nhà trường phát động đợt thi đua toàn diện trên các lĩnh vực tư tưởng chính trị, chuyên môn - nghiệp vụ, tổ chức Diễn đàn tư tưởng chính trị, Hội thi Giảng viên giỏi, Giáo viên chủ nhiệm giỏi cho giảng viên và Hội thi kỹ năng nghề nghiệp, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên. Tổ chức hội diễn văn nghệ, các hoạt động thi đấu thể thao, thực hiện văn minh công sở, văn minh giảng đường, văn minh kí túc xá… Các hoạt động thi đua đã tạo cơ hội cho cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên thể hiện năng lực, sở trường, phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp các đơn vị.
Thành tích nổi bật: Hơn nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ thầy, trò đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, bền bỉ, nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, không ngừng đổi mới và sáng tạo, tập thể nhà trường đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Từ năm 2007 đến nay, nhà trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh; Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh và Trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng như các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương phong tặng nhiều danh hiệu và các phần thưởng cao quý; tiêu biểu được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhì (năm 2001); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2011) và Cờ thi đua của Thủ tưởng Chính phủ (năm 2016). Phần thưởng cao quý này đánh dấu mốc son quan trọng thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của nhà trường đặc biệt là sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đối với công tác đào tạo của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Nhân dịp này, một số đơn vị có thành tích tiêu biểu trong công tác quản lý cũng như công tác chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của nhà trường như: Phòng Tổ chức - Công tác học sinh sinh viên, Phòng Quản lý Đào tạo, Khoa Xã hội, Khoa Tự nhiên, Tổ Tâm lý học - Giáo dục học, Tổ Lý luận chính trị. Một số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu được tặng Bằng khen của Thủ tưởng chính phủ, Bộ GD ĐT và của Ủy ban nhân dân Tỉnh.
Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, cho đến hôm nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã có những bước tiến dài, có sự trưởng thành vượt bậc. Sự phát triển của nhà trường gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Từ những lớp học tranh tre, nứa, lá, điều kiện học tập và sinh hoạt còn nhiều gian khó, đội ngũ thầy cô giáo còn khiêm tốn về số lượng (6 giáo viên), đến nay nhà trường đã trở thành trung tâm đào tạo giáo viên lớn của tỉnh Lạng Sơn (184 cán bộ, giảng viên và nhân viên) có thể sánh kịp với các trường Cao đẳng trong khu vực; cơ sở vật chất đảm bảo cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của cán bộ, giảng viên cũng như học sinh, sinh viên. Có được những thành tựu như vậy là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của Hội đồng sư phạm qua các thời kỳ đã tích lũy và hình thành được các giá trị cốt lõi:
1/ Xây dựng được tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh; bộ máy tổ chức khoa học, đồng bộ và thích ứng với nhiệm vụ; cơ chế quản lý lãnh đạo hiệu quả; bộ máy quản lý của nhà trường đã kết hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng hoạt động nhịp nhàng, không ngừng nâng cao hiệu quả các mặt hoạtđộng.
2/ Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên thấm nhuần tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; yên tâm công tác; vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, năng động sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hội đồng sư phạm luôn đoàn kết, có ý thức trách nhiệm cao và có ý chí tiến thủ, thích ứng với hoạt động nghề nghiệp theo yêu cầu đòi hỏi của xã hội trong mỗi thời kỳ của lịchsử.
3/ Hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học luôn được chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của cơ sở sử dụng, tạo nên thương hiệu, khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường đối với các cơ sở sử dụng nhânlực.
4/ Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốctế.
Giá trị cốt lõi của nhà trường là: Đoàn kết - Trách nhiệm - Sáng tạo và Đổi mới.
Thành tích và giá trị cốt lõi của nhà trường trong suốt hành trình xây dựng và phát triển là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, các ngành trong và ngoài tỉnh. Kết quả ấy cũng là sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo và học sinh- sinh viên, học viên trong suốt hành trình xây dựng và phát triển. Chúng ta trân trọng, tự hào về truyền thống và những thành tích đã đạt được; càng ý thức sâu sắc về sự cố gắng trong thời gian tới, nhằm tạo ra những bước chuyển biến mới, thực sự là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có uy tín của tỉnh Lạng Sơn không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà còn phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn - một địa chỉ đào tạo tin cậy, trung tâm khoa học, văn hóa - xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện và triệt để theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn có nhiều thời cơ thuận lợi song cũng không ít khó khăn, thách thức. Kế thừa truyền thống vẻ vang 55 xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và sự chung sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát triển, thực hiện tốt “sứ mệnh” trong thời kỳ mới, xứng đáng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có uy tín trên các lĩnh vực cho tỉnh Lạng Sơn cũng như vùng Đông Bắc của Tổ quốc./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan
Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN