1. Sự cần thiết phải giúp đỡ sinh viên trong đợt thực tập sư phạm Trong mỗi khóa học, sinh viên trường CĐSP Lạng Sơn nói chung và sinh viên sư phạm Khoa Tự nhiên nói riêng thường tham gia 2 vòng thực tập sư phạm (TTSP). Mỗi vòng TTSP đều có đặc trưng riêng với những yêu cầu khác nhau. Ở vòng 1, lần đầu tiên sinh viên được ra trường phổ thông với nhiều bỡ ngỡ về việc tiếp xúc và làm quen với công tác thực tế, thực tập, công việc chủ yếu là làm công tác chủ nhiệm lớp. Vòng 2 thực hiện chủ yếu là làm công tác dạy học. Sinh viên có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn trước yêu cầu khắt khe về kỷ luật lao động đối với giáo sinh; về nội dung dạy học; về việc cập nhật phương pháp thiết kế bài học và lên lớp; về sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học; về quan hệ ứng xử với giáo viên và học sinh ở trường phổ thông. Vì vậy, việc giúp đỡ sinh viên ở các cơ sở thực tập nói chung, ở trường phổ thông nói riêng trong đợt thực tập là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với sinh viên. Cụ thể:
- Tạo cho sinh viên cảm giác an toàn, vui vẻ, phấn khởi khi có sự xuất hiện của thầy cô giáo trường CĐSP trong đợt thực tập sư phạm, dự giờ của giáo sinh.
- Hướng dẫn sinh viên phương pháp ứng xử sư phạm trong các mối quan hệ, đặc biệt là đối với giáo viên và học sinh phổ thông.
- Tư vấn, bổ sung cho sinh viên về kiến thức chuyên ngành ở trường phổ thông phù hợp với các lớp học.
- Tư vấn cho sinh viên cách thiết kế kế hoạch bài học với những hoạt động học tập tích cực, sử dụng phương pháp, phương tiện và hình thức dạy học…đa dạng, hiệu quả.
- Tham dự đánh giá rút kinh nghiệm các giờ giảng của sinh viên cùng giáo viên phổ thông, giúp sinh viên hiểu được mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng về những yêu cầu đối với năng lực nghề nghiệp hiện nay…
Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, Khoa Tự nhiên luôn quan tâm đến công tác chỉ đạo giảng viên giúp đỡ sinh viên trong đợt thực tập sư phạm. Hoạt động này có tác dụng kép vừa giúp sinh viên đạt hiệu quả trong đợt thực tập sư phạm vừa rút ra được bài học kinh nghiệm trong việc đào tạo giáo viên trong thời gian tới. Đồng thời giúp giảng viên cập nhật thực tế phổ thông, nâng cao hiệu quả công tác, phát triển năng lực nghề nghiệp cho bản thân.
2. Đánh giá công tác chỉ đạo giảng viên giúp đỡ sinh viên trong đợt thực tập sư phạm Thực hiện kế hoạch TTSP của trường CĐSP Lạng Sơn cũng như kế hoạch năm học 2014- 2015 của khoa Tự Nhiên; chúng tôi đã chỉ đạo cử giảng viên trong Khoa đến các cơ sở thực tập với mục đích giúp đỡ sinh viên thích ứng nhanh và hoàn thành chương trình thực tập đạt kết quả tốt nhất. Trong năm học 2014-2015, chúng tôi đã cử giảng viên trong khoa Tự nhiên giúp đỡ sinh viên các lớp thực tập tại các cơ sở thực tập như sau: Số lượng giảng viên giúp đỡ sinh viên: 40 lượt; Số tiết giảng viên dự và góp ý cho sinh viên trong tập giảng và thi giảng: 30 tiết. Sau mỗi đợt giảng viên dự giờ góp ý cho sinh viên, trong các buổi giao ban Lãnh đạo Khoa đều yêu cầu các giảng viên báo cáo kết quả công tác giúp đỡ sinh viên trong đợt thực tập. Kết quả thực tập của sinh viên đạt hoặc vượt mức chỉ tiêu đề ra: 100% sinh viên đạt loại Khá, Giỏi trở lên( Có bảng số liệu kèm theo). Qua bảng số liệu cho thấy kết quả thực tập giữa khóa và thực tập tốt nghiệp năm học 2014-2015 so với năm học 2013-2014 tăng lên rõ rệt ( tỉ lệ thực tập giữa khóa loại xuất sắc tăng từ 32-91%; tỉ lệ thực tập tốt nghiệp loại xuất sắc tăng từ 52,6- 87,3%; loại khá giảm từ 11,7% xuống còn 0,7%...)
Đạt được những kết quả trên là do: - Khoa đã chỉ đạo sát sao công tác thực tập của sinh viên. Đặc biệt chú ý các đồng chí giảng viên dạy môn phương pháp; trong quá trình đào tạo đi sâu việc rèn kĩ năng nghề cho sinh viên. Cụ thể chúng tôi đã xây dựng kế hoạch rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên. Các lớp theo đặc trưng của chuyên ngành, khối lớp mà rèn những kĩ năng cụ thể thiết thực. Ví dụ: năm thứ nhất rèn các kĩ năng viết bảng, thảo luận nhóm, thuyết trình. Khối năm thứ 2 chuyên ngành Sinh - Hóa, Lí đi sâu rèn các kĩ năng làm thí nghiệm, tập giảng; còn đối với các lớp Toán, Sinh làm đồ dùng dạy học. Lớp Tin rèn kĩ năng lập trình. Ngoài các kĩ năng đó, trong các buổi thực hành bộ môn phương pháp, giảng viên trực tiếp dự giờ góp ý chỉnh sửa cho sinh viên từng kĩ năng nhỏ. Đến năm thứ 3, để chuẩn bị cho đợt thực tập tốt nghiệp, sinh viên tiếp tục được rèn luyện qua các buổi tập giảng. Đặc biệt các đồng chí dạy học phần Phương pháp chủ động liên hệ với trường phổ thông cho sinh viên được dự giờ rút kinh nghiệm ngoài các đợt thực tập.
- Có được những thành tích trên ngoài sự chỉ đạo của Khoa, còn là sự quan tâm của GVCN, các giảng viên giảng dạy môn phương pháp. Đặc biệt là sự nỗ lực của các em sinh viên.
- Giảng viên đã nhận thức đúng đắn và xây dựng kế hoạch khả thi, tăng cường giúp đỡ sinh viên trong đợt TTSP một cách cụ thể, kịp thời và hiệu quả.
3. Hạn chế của sinh viên trong các đợt thực tập sư phạm Trong các đợt thực tế cơ sở cũng như khi đi thăm sinh viên thực tập tại các trường phổ thông, chúng tôi đều được giáo viên các trường phản ánh cũng như sự tìm hiểu, chứng kiến trực tiếp, sinh viên còn bộc lộ một số hạn chế sau:
- Viết bảng chưa khoa học
- Kĩ năng đặt câu hỏi, thảo luận nhóm còn hạn chế
- Kĩ năng thuyết trình còn lúng túng
- Việc thiết kế bài học nhiều khi còn dập khuôn theo các giáo án sưu tầm trên mạng
- Việc ứng dụng CNTT còn ít; sử dụng đồ dùng trực quan chưa khoa học.
- Kĩ năng giao tiếp còn rụt rè, thiếu tự tin. Kĩ năng ứng xử đôi khi còn chưa thật sự khéo léo dẫn đến hiệu quả chưa được như mong muốn.
4. Đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo giảng viên giúp đỡ sinh viên trong đợt thực tập sư phạm4.1 Đầu mỗi năm học, Khoa xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác giảng viên giúp đỡ sinh viên nói chung và giúp đỡ sinh viên trong đợt thực tập sư phạm nói riêng về các nội dung trong đợt TTSP.
4.2. Trên cơ sở xác định được những hạn chế của sinh viên trong các đợt thực tập sư phạm, Khoa xây dựng kế hoạch rèn nghề cho sinh viên, tăng cường giúp đỡ sinh viên trong các đợt thực tập sư phạm đặc biệt là về kỹ năng sư phạm.
4.3. Thành lập nhóm giảng viên tư vấn cho sinh viên trước, trong và sau đợt thực tập sư phạm về chuyên môn và nghiệp vụ.
4.4. Động viên, khuyến khích giảng viên đặc biệt là giảng viên trẻ tăng cường thực tế và cập nhật giáo dục phổ thông.
4.5. Khuyến khích, động viên sinh viên trao đổi với giảng viên về những khó khăn mà các em gặp phải trong đợt TTSP để giảng viên tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho sinh viên.
4.6. Chủ động trao đổi với giáo viên phổ thông về những đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá trong dạy học và giáo dục học sinh hiện nay cũng như những khó khăn mà sinh viên gặp phải để nhà trường phổ thông chủ động giúp đỡ sinh viên.
TỔNG HỢP KQ THỰC TẬP GIỮA KHÓA VÀ TỐT NGHIỆP NĂM HỌC 2013 – 2014
I. Giữa khóa: Lớp | Xuất sắc | Giỏi | Khá |
K16B | 15 | 26 | 0 |
K16A | 23 | 30 | 2 |
K4VL | 5 | 27 | 1 |
K7CN | 5 | 10 | 0 |
K7Tin | 1 | 5 | 3 |
Tổng số (153 SV) | 49 | 98 | 6 |
Tỉ lệ | 32% | 64% | 4% |
II. Tốt nghiệp: Lớp | Xuất sắc | Giỏi | Khá |
K15B | 19 | 13 | 2 |
K15A | 21 | 11 | 8 |
K3VL | 14 | 19 | 6 |
K5CN | 18 | 6 | 0 |
Tổng số (137 SV) | 72 | 49 | 16 |
Tỉ lệ | 52,6% | 35,8% | 11,6 |
NĂM HỌC 2014 – 2015
I. Giữa khóa: Lớp | Xuất sắc | Giỏi | Khá |
K17B | 23 | 02 | 0 |
K17A | 36 | 04 | 0 |
K5VL | 22 | 02 | 0 |
Tổng số (89 SV) | 81 | 8 | 0 |
Tỉ lệ | 91,1% | 8,9% | 0 |
II. Tốt nghiệp: Lớp | Xuất sắc | Giỏi | Khá |
K16B | 42 | 00 | 0 |
K16A | 49 | 03 | 01 |
K4VL | 33 | 01 | 0 |
K7 Tin | 09 | 0 | 0 |
K6CN | 5 | 15 | 0 |
Tổng số (158 SV) | 138 | 19 | 01 |
Tỉ lệ | 87,3% | 12% | 0,7% |