Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Ứng dụng dạy học vi mô trong dạy học Sinh học cho sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn

Thứ năm - 22/10/2015 20:44
1.Tầm quan trọng của dạy học vi mô
 Trong những năm gần đây, việc dạy học tích cực đã và đang trở thành một vấn đề được Ngành giáo dục quan tâm và thực hiện. Có nhiều phương pháp dạy học tích cực đã được vận dụng hiệu qủa nhằm nâng cao tính tích cực, chủ động của người học. Tuy nhiên tùy theo từng học phần, môn học mà vận dụng các phương pháp cho phù hợp. Môn Sinh học là môn khoa học thực nghiệm ,việc vận dụng tích cực hóa các phương pháp dạy học  như : quan sát tìm tòi, trực quan nêu vấn đề, đàm thoại orixtic, thực hành thí nghiệm...đã được các giảng viên Sinh trường CĐSP Lạng Sơn vận dụng tương đối triệt để. Đặc biệt với học phần Phương pháp dạy học Sinh học THCS, thì việc áp dụng các lí thuyết về dạy học vi mô vào thực tế giảng dạy đã được thực hiện, song hệ thống cơ sở lí luận về vấn đề này cũng như việc vận dụng lí thuyết về dạy học vi mô thì vẫn còn là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Vậy, tại sao cần vận dụng dạy học vi mô trong dạy học học phần Phương pháp dạy học Sinh học THCS? Chúng ta biết rằng có nhiều phương pháp để đào tạo giáo sinh môn Sinh học có hiệu quả ở trường CĐSP. Tuy nhiên với đặc thù môn học, có thể sử dụng dạy học vi mô để hình thành cho giáo sinh các năng lực như năng lực hướng dẫn HS quan sát, năng lực hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm, năng lực hướng dẫn cho HS học tập hợp tác trong nhóm nhỏ. Qua thực tiễn dạy học học phần phương pháp dạy học Sinh học THCS ; chúng tôi nhận thấy đây là học phần rất thích hợp để ứng dụng lí thuyết dạy học vi mô để tổ chức quá trình dạy học. Khi đi tìm hiểu thực tế phổ thông, trao đổi với cấp quản lí giáo viên môn Sinh học dạy học tại các trường phổ thông, cũng như qua các đợt  sinh viên thực tập sư phạm tại các trường THCS, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những ưu điểm, sinh viên vẫn tồn tại một số khuyết điểm như còn hạn chế về các  kĩ năng trình bày bảng, kĩ năng quan sát, thảo luận nhóm, kĩ năng đặt câu hỏi, kĩ năng xây dựng phiếu học tập...
2.Một số vấn đề về dạy học vi mô  
2.1. Thế nào là dạy học vi mô ?
      Thuật ngữ ‘’dạy học vi mô’’ để mô tả một tập hợp kĩ thuật đào tạo GV nhất là những GV mới vào nghề, được thực hành hoặc rèn luyện những kĩ năng dạy học mới. Bản chất của dạy học vi mô được xác định bởi các yếu tố cơ bản, đó là:
- Dạy học vi mô thực chất là dạy học trong đó sự phức tạp của lớp học bình thường đã được làm đơn giản hóa đi để: tập trung huấn luyện sinh viên hoàn thành những bài tập đặc biệt về kĩ năng, đồng thời cho phép tăng cường giám sát thực hành rút kinh nghiệm kịp thời về những ý kiến phản hồi.
- Nói cách khác dạy học vi mô được bắt đầu bằng một pha chuẩn bị trong đó kĩ năng dạy học cần thực hành được giới thiệu thông qua băng video mẫu( xem băng video giờ giảng mẫu)
- Tiếp theo việc xem băng hình là pha thực hành hay còn gọi là ‘‘dạy’’ trong đó các sinh viên có cơ hội tự mình thực hành những kĩ năng mới. Sau đó là pha phản hồi hay còn gọi là bình luận sau khi các sinh viên và người hướng dẫn đã cùng nhau xem đoạn băng quay cảnh dạy của người thực hành.
- Tiếp đến là pha ‘’dạy lại’’, trong đó người sinh viên thực hành lại kĩ năng  mà họ đã được góp ý trong lần dạy lại dầu tiên. Sau đó họ được giảng viên và các bạn đóng góp ý kiến, nhận xét bổ sung. Sinh viên tiếp thu và hoàn thiện bài giảng của mình.
2.2. Cơ sở lí thuyết của việc dạy học vi mô
      Dạy học là một hoạt động phức tạp, do đó cần nắm được các thành phần của nó, từ đó biết được một số hành vi và cách ứng xử, một số năng lực đặc thù. Dạy học vi mô chủ trương tạo cho giáo sinh các năng lực riêng biệt, xác định chứ không tạo cho  sinh viên năng lực sư phạm trong mọi hoàn cảnh.
       Sự phân tích và tinh giản hành động sư phạm thành các năng lực sư phạm riêng biệt này là cơ sở của dạy học vi mô. Dạy học vi mô cần dựa trên những nguyên tắc sau đây:
- Tình huống thực tế của lớp học quá phức tạp, không thuận lợi cho việc tiếp thu nhanh các năng lực sư phạm, nhất là với người mới bắt đầu, do đó cần phải tạo ra tình huống thật của lớp học nhưng đơn giản hóa: Dạy học vi mô đề nghị một bài học ngắn hơn với số lượng học sinh thực tế.
- Mọi việc học đều tiến hành trong thực tế bằng quan sát và hành động, chính trong quá trình tự mình hành động mà sinh viên tiếp thu được những kĩ năng dạy học và ứng xử sư phạm cần thiết cho việc lên lớp.
       Một yếu tố cơ bản khác của dạy học vi mô là thông tin phản hồi: sự đánh giá ngay tức thì và khách quan đối với thành tích đã đạt được sẽ giúp cho việc hoàn thiện sửa đổi dễ dàng. Cố gắng để cho sinh viên đứng lớp có thông tin chính xác tối đa, trong thời gian ngắn nhất, về thành tích của mình, qua việc phân tích các thông tin phản hồi, bản thân sinh viên cần đưa ra trước tiên việc tự nhận xét, sau đó tiếp thu có chọn lọc các ý kiến nhận xét đánh giá của người khác
2.3.  Ích lợi của dạy học vi mô
          Dạy học vi mô tập trung vào các kĩ năng dạy học cụ thể hơn là các kĩ năng dạy học chung. Có thể thử nghiệm các ý tưởng mới, thực hành các kĩ năng mới trong một tình huống đơn giản hơn các lớp bình thường. Dạy học vi mô tạo điều kiện cho các sinh viên được học các kĩ năng dạy học thông qua kinh nghiệm và thực hành trực tiếp. GV có thể tiến bộ  ngay lập tức khi xem đoạn băng quay lần giảng thứ nhất và thứ hai và nhờ đó thấy được sự tiến bộ của mình trong quá trình dạy học. SV có thể nhận dược phản hồi ngay về các kĩ năng cụ thể mà họ đang cố gắng phát triển thông qua xem băng hình. Dạy học vi mô cho phép chuyển giao những gì đạt được về đào tạo trong tình huống bình thường được hiệu quả hơn so với phương pháp đào tạo truyền thống.
2.4. Thực trạng của việc ứng dụng dạy học vi mô trong dạy học học phần Phương pháp dạy học Sinh THCS.
          Trong chương trình dạy học Sinh học THCS, có giành thời lượng phần thực hành tập giảng cho sinh viên các lớp. Tuy nhiên hình thức tập giảng theo thông thường giảng viên yêu cầu các nhóm soạn bài, sau đó lên tập giảng. Giảng viên và sinh viên đóng góp ý kiến. Nếu chỉ đơn thuần như vậy, sinh viên cũng rút ra được kinh nghiệm từ việc giảng của thầy, của bạn. Tuy nhiên chưa đi sâu khai thác từng kĩ năng nhỏ. Trong những năm qua, giảng viên giảng dạy các học phần phương pháp dạy học nói chung và phương pháp dạy học Sinh nói chung đã có nhiều phương pháp phát huy tính tích cực của người học nên đã đào tạo được những sinh viên có kiến thức và phương pháp dạy học tốt, cơ bản đáp ứng được việc giảng dạy ở phổ thông. Qua việc đi thực tế phổ thông hoặc qua các đợt thực tập sư phạm  đã khẳng định được điều đó. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ một số hạn chế về kiến thức, phương pháp và kĩ năng dạy học. Vậy để khắc phục những điều đó, các giảng viên dạy phương pháp đã cố gắng tìm tòi những phương pháp phù hợp, đặc trưng bộ môn để đạt được những kết quả tốt nhất trong dạy học. Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy: Đối với học phần Phương pháp dạy học Sinh học THCS, là một học phần trang bị cho người học những kiến thức và kĩ năng cần thiết về nội dung chương trình, phương pháp dạy học Sinh học ở THCS, đặc biệt các kĩ năng tổ chức các hoạt động học tập trong giờ Sinh học- có thể áp dụng phương pháp dạy học vi mô. Phương pháp dạy học vi mô tạo điều kiện cho sinh viên được học các kĩ năng dạy học thông qua kinh nghiệm và thực hành trực tiếp.
2.5.  Một số biện pháp ứng dụng dạy học vi mô trong dạy học học phần
     Trong quá trình dạy học học phần, cụ thể đối với các chuyên ngành Sinh Hóa chúng tôi đã áp dụng các biện pháp dạy học vi mô: Tổ chức cho sinh viên soạn và tập giảng từng trích đoạn; Tổ chức cho sinh viên xem băng hình một số giáo án mẫu; Tổ chức cho sinh viên đi phổ thông dự giờ giáo viên phổ thông; tổ chức rút kinh nghiệm giờ dạy; tổ chức rèn một số kĩ năng cụ thể.
2.5.1. Tổ chức cho sinh viên tập giảng từng trích đoạn theo nhóm nhỏ
Trong quá trình dạy học học phần, chúng tôi đã tổ chức cho sinh viên soạn và tập giảng. Tuy nhiên nếu các em soạn bài rồi tập giảng trong phạm vi cả lớp, hoặc giảng cả bài, đôi khi hiệu quả không cao. Với số lượng sinh viên trong lớp thường là 20-30  sinh viên  thì việc cùng lắng nghe, rút kinh nghiệm không hiệu quả bằng việc chia từng nhóm nhỏ, giảng từng đoạn rồi tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá giờ giảng đó.
2.5.2. Tổ chức cho sinh viên đi phổ thông dự giờ giáo viên phổ thông                                           
      Trong quá trình dạy học học phần Phương pháp Sinh học THCS, chúng tôi đã tổ chức cho sinh viên đi thực tế phổ thông, dự giờ các giáo viên phổ thông. Đặc biệt thuận lợi có trường THCS Chi Lăng là trường THCS ở địa điểm gần trường CĐSP, có đội ngũ giáo viên vững vàng, nhiều năm hướng dẫn sinh viên thực tập. Trong đợt thực tập sư phạm vòng 1 các em sinh viên đã có cơ hội được thực tập tại trường đó, được dự giờ, tập giảng 1 tiết. Khi dạy học học phần, tương ứng với các phần kiến thức dạy học Sinh học 6, 7, 8, 9; chúng tôi đã liên hệ cho sinh viên tiếp tục được dự giờ giáo viên phổ thông bằng những định hướng cụ thể.
2.5.3. Rèn một số kĩ năng
      Không chỉ trong các giờ tập giảng, trong qúa trình dạy học, chúng tôi còn yêu cầu sinh  viên rèn một số kĩ năng: Kĩ năng đặt câu hỏi, kĩ năng xây dựng đề kiểm tra, kĩ năng xây dựng phiếu học tập, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, kĩ năng thực hành ... cũng được chúng tôi tổ chức cho sinh viên nghiên cứu, thảo luận theo nhóm, thực hành có phản hồi rút kinh nghiệm
 Trong quá trình rèn kĩ năng trên được tiến hành song song với việc hình thành và phát triển các khái niệm, đảm bảo vừa rèn luyện các thao tác thực hành, phân tích, nghiên cứu vừa rèn luyện năng lực tư duy và tính độc lập sáng tạo cho sinh viên.
 Trong quá trình dạy học; chúng tôi đã tổ chức rèn các kĩ năng cụ thể như:
- Tập xây dựng các đề kiểm tra
- Tập xây dựng phiếu học tập
- Tập xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm
Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không trình bày chi tiết việc rèn các kĩ năng  đó mà sẽ viết trong một bài khác.
3.Kết luận
      Với  việc ứng dụng dạy học vi mô trong dạy học Sinh học, chúng tôi nhận thấy, chất lượng dạy học học phần phương pháp dạy học Sinh học THCS  đã thu được những kết quả  bước đầu.
    Chúng tôi nhận thấy với những biện pháp đưa ra về ứng dụng dạy học vi mô trong dạy học học phần phương pháp dạy học Sinh THCS là phù hợp. Việc cho sinh viên dự giờ phổ thông; tổ chức rút kinh nghiệm theo nhóm nhỏ có phản hồi; việc dạy từng trích đoạn với quy mô nhỏ; xem băng hình có phản hồi rút kinh nghiệm và tổ chức dạy lại hay việc rèn một số kĩ năng nhỏ trong các kĩ năng như kĩ năng xây dựng đề kiểm tra, xây dựng phiếu học tập; kĩ năng đặt câu hỏi, tổ chức thực hành thí nghiệm đã được sinh viên thực hiện và thu được những kết quả bước đầu như trên đã nêu. Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp và các phương pháp khác nhau  phát huy tính tích cực của người học, nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
    Tuy nhiên dạy học vi mô không phải là liều thuốc vạn năng và nhất là như một kĩ thuật cứng nhắc mà chỉ là một trong những công cụ có thể dùng để đào tạo giáo viên có hiệu quả

Tác giả bài viết: Vũ Thị Hoàn

Nguồn tin: Khoa Tự Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/05-01-2025_7191e84cacb79bd5c4997c2c538ced63.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)