Cái hay của HAIKU - Thể thơ ngắn nhất thế giới
Đặng Thế Anh
2017-03-02T22:03:19-05:00
2017-03-02T22:03:19-05:00
https://bak16.lce.edu.vn/vi/news/Tin-tuc-Su-kien-43/cai-hay-cua-haiku-the-tho-ngan-nhat-the-gioi-666.html
https://bak16.lce.edu.vn/uploads/news/2017/haiku_1.jpg
Trường CĐSP Lạng Sơn
https://bak16.lce.edu.vn/uploads/about/empty.png
Thứ năm - 02/03/2017 21:59
Haiku là viết tắt của từ Haikanoku. Từ này bắt đầu thông dụng từ cuối thế kỉ XVII. Nó dùng để chỉ một bài thơ với 17 âm tiết thể hiện trong ba dòng 5/7/5. Haiku bắt nguồn từ Hôkku (âm hán việt là phát cú) dùng làm màn mở đầu cho một bài Lenka (một loại thơ xuất hiện khá lâu đời ở Nhật Bản).
Thơ Haiku bắt đầu hình thành vào thế kỉ XVI. Đến thế kỉ XVII thì đạt tới đỉnh cao với tác giả BaSho, sau đó là Bu-son, K.It-sa, M.Si-ki, ... Cho đến nay, thơ Haiku vẫn tiếp tục được yêu thích và sáng tác.
Haiku thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người và thiên nhiên. Hầu hết các bài thơ trong Haiku đều xuất hiện hình ảnh thiên nhiên. ở Haiku thiên nhiên và con người có mối tương giao thầm lặng mà khăng khít. Cộng thêm hình thức cực tiểu, cô đọng và hàm xúc nên thơ Haiku thường sử dụng quý ngữ (từ chỉ mùa). Hơn tất cả, cái hay của thơ nằm ở chỗ không bao giờ nói đủ tất cả và “chỉ gợi chứ không tả”. Mỗi bài thơ là mỗi cách cảm nhận riêng có của tác giả cũng như người đọc, tuỳ vào kinh nghiệm của cá nhân. Và Haiku chấp nhận tất cả, miễn là có lí do hợp lí, cái mơ hồ và đa nghĩa ấy không phải là nhược điểm mà là ưu điểm của thể thơ này. Đó cũng chính là tính chất mở thu lượm được từ ngôn ngữ như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói rằng: “Bài thơ anh chỉ làm một nửa mà thôi; Còn một nửa để mùa thu làm lấy”.
Do trình độ và kinh nghiệm có được từ cuộc sống còn hạn chế nên người viết chỉ mạnh dạn đưa ra cảm nhận về một bài thơ. Một sự giới thiệu chi tiết và cảm nhận về nhiều tác phẩm Haiku xin hẹn ở một dịp sau.
“Ao cũ
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao”
(Nhật Chiêu dịch)
Bài thơ được ví như một công án thiền. Là bài thơ thể hiện triết lí vô thường của Phật Giáo Thiên Tông. Chiếc ao có thể hiểu là ao đời, là chiếc ao của vũ trụ. Thực ra hình ảnh ao trong thơ hoặc truyện vẫn được hiểu là chuyện đời. Ví như trong truyện “Toả Nhị Kiều” của Xuân Diệu. Ông đã xem cuộc đời như một chiếc ao tù bình lặng muôn đời không đổi, chiếc ao vũ trụ vĩnh cửu. Hình ảnh con ếch chẳng khác gì thân phận của mỗi chúng ta, sự xuất hiện của con ếch trong trưa hè tĩnh mịch khiến cho không gian chỉ xao động lên trong một khoảnh khắc, cú nhảy của con ếch vào trong ao chỉ khiến cho tiếng nước xao động lên một chút làm cho những vòng sóng trên mặt nước lan toả, rồi tất cả lại chìm trong yên bình, trong tĩnh mịch. Sau đó, con ếch sẽ biến mất như nó chưa từng xuất hiện bao giờ. Cũng như vậy mỗi chúng ta xuất hiện trong vũ trụ này khoảng 100 năm và khoảng 100 năm sau con cháu chúng ta sẽ thắp hương mời chúng ta về vào những ngày giỗ tết ... Nhưng rồi 100 năm sau nữa chúng ta sẽ bị lãng quên và biến mất như chưa từng xuất hiện trên thế giới này.
Bài thơ góp phần khẳng định tư thế tầm với của con người trong vũ trụ bao la. Mặc dù sự xuất hiện của con người rất là ngắn ngủi chỉ là trong khoảnh khắc nhưng đủ đánh thức cả vũ trụ, làm xao động cả trưa hè tĩnh mich. So sánh với “Ngôn Hoài” của Không Lộ thiền sư.
“Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”
Có thể hiểu là: chọn được một mảnh đất tốt có thể ở được sẽ có những lúc rảnh rỗi bước lên trên đỉnh núi đi thẳng và cất lên lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời. Vì vậy, tư thế của con người trước vũ trụ này mới lớn lao làm sao.
Bài thơ còn là nỗi khát khao được giao hoà với vũ trụ bao la. Đối với ao đời - vũ trụ, con ếch nhảy vào trong ao là một bán thể của con người chúng ta, hành động nhảy vào là biểu tượng của nỗi khát khao đem cái bản ngã hoà nhập với vũ trụ bao la để cho cái ta tan chảy vào trong mạch sống đang không ngừng cuồn cuộn trong vũ trụ này. Còn tiếng nước xao phải chăng là âm thanh của niềm hạnh phúc ngất ngây khi cái ta đã hoà nhập vào trong vũ trụ. Triết lý này thể hiện cái nhìn biện chứng về mối quan hệ tương giao, đồng nhất, chuyển hoá lẫn nhau giữa con người với vạn vật trong vũ trụ. Cái nhìn biện chứng ấy là cái nhìn sự vật trong mối quan hệ và trong sự phát triển không nhìn sự vật rời rạc mà nhìn trong mối quan hệ. Nó được kế thừa từ Trang Tử: "Trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta cùng là một".
Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh
Nguồn tin: Khoa Xã Hội