Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Tản mạn về hiện thực trong Văn học…

Thứ năm - 02/03/2017 21:38
          Có ý kiến cho rằng: “Chân lý nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với chân lý đời sống”. Trước tiên, muốn biết nhận định đúng hay không? Ta cần nắm được những khái niệm liên quan: chân lý nghệ thuật, chân lý đời sống. Theo Từ điển Tiếng việt: “Chân lý đời sống là sự phản ánh hiện thực vào nhận thức của con người, đúng như chúng tồn tại trong thực tế khách quan”. Còn Từ điển Thuật ngữ Văn học đưa ra khái niệm về chân lý nghệ thuật như sau: “Để đạt tới chân lý nghệ thuật cần phải có vai trò của tưởng tượng, của cá tính sáng tạo của nghệ sĩ, của việc sử dụng các phương thức tạo hình và biểu hiện trong phản ánh nghệ thuật”. Qua hai định nghĩa ta có thể phần nào khẳng định nhận định trên là đúng. Nó gồm hai mệnh đề lớn và rất rõ ràng: Một là, chân lý nghệ thuật thống nhất với chân lý đời sống. Hai là, chân lý nghệ thuật không đồng nhất với chân lý đời sống. Như vậy, chúng ta đi xem xét hai mệnh ấy cũng chính là đi tìm câu trả lời cho nhận định.
          Thứ nhất, chân lý nghệ thuật thống nhất với chân lý đời sống.
          Có sự thống nhất vì văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức mà phản ánh luận Mác - Lênin đã khẳng định rằng: nguồn gốc của ý thức chính là thế giới vật chất. Cho nên văn học phải bắt nguồn từ đời sống, hút nhụy từ đời sống. Cuộc sống vừa là nơi xuất phát vừa là nơi đi tới của văn học. Thế thì rõ ràng nguồn gốc của văn học chính là cuộc sống, chính là hiện thực.. Vì lí do như thế nên nó có sự thống nhất.
Biểu hiện của sự thống nhất là: bất kì hiện thực nào cũng lên men, cũng bắt nguồn, thoát thai từ tính hiện thực. Từ tác phẩm văn học cho đến nhà văn, trào lưu cũng như phương pháp sáng tác đều có nguồn gốc từ hiện thực. Ta chỉ có thể lấy hiện thực để giải quyết những vấn đề đó.
          Xuân Diệu và Huy Cận là hai tác giả cùng sống, lao động và sáng tác nghệ thuật trong giai đoạn 1930 - 1945, thời kì cả dân tộc kháng chiến chống đế quốc - thực dân Pháp. Vì thế cuộc sống chỉ thấy toàn những cảnh chết chóc đau thương, những cuộc tiến công hay chống phá kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm ròng rã cho nên cuộc sống vô cùng hỗn loạn. Điều này tác động lớn tới tầm hồn, cách nhìn cách cảm của hai nhà thơ. Họ luôn cảm thấy mình là kẻ lạc loài, bị bỏ rơi, bước vào một ngã rẽ cụt, vô cùng bế tắc chưa tìm thấy lối ra. Và trong tác phẩm, họ mới khát khao, hướng tới những điều tốt đẹp của cuộc sống, niềm vui giữa cuộc đời.
          Ở bài “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng vậy, từ một thôn Vĩ thực đầy ắp tình yêu trong lòng Huế thương, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp:
 
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
                         (Đây thôn Vĩ Dạ)
          Bức tranh thôn Vĩ trong buổi ban mai tràn ngập ánh sáng, đầy nhựa sống mới mẻ. Đó là một Vĩ Dạ của thơ, của nhạc, của tình yêu và nỗi nhớ, một Vĩ Dạ đậm sắc màu dân tộc, một Vĩ Dạ ngọt lịm giai điệu dân ca xứ Huế.
          Có lẽ Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm mà độc giả có thể nhận biết giá trị hiện thực khá dễ dàng. Nó thể hiện ở chỗ vạch trần bộ mặt thật của chế độ phong kiến, từ đó tố cáo việc chà đạp lên quyền sống của con người, phản ánh những chân lí của đời sống: khát vọng tự do, khát vọng về tình yêu trong xã hội thối nát với sự lên ngôi, chiếm lĩnh của đồng tiền. Mặt khác, cũng nêu cao giá trị nhân đạo chủ nghĩa tôn trọng con người.
          Cho đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng xuất phát từ tình hình thực tế cuộc đấu tranh của quân và dân ta Người đã từng viết:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong   
                        (Nhật kí trong tù)
          Những tâm trạng, suy nghĩ của Bác dùng văn chương làm vũ khí chiến đấu còn được xuất phát từ tình cảm lớn, rung động lớn của một trái tim nồng nhiệt. Cái cá nhân đã động đến cái chung là vấn đề đấu tranh, vấn đề giải phóng dân tộc và đặc biệt hơn là vấn đề về lí tưởng sống, chiến đấu.
          Tóm lại, hiện thực như những bông hoa muôn hương sắc mà mỗi nghệ sĩ là con ong cần mẫn, bay tới vườn hoa hiện thực cố gắng kiếm tìm cho mình một loài hoa để tô điểm vẻ đẹp cho hoa, để hút nhụy ngọt, để đem lại hương thơm cho đời. Nói cách khác, tư tưởng nào của người nghệ sĩ cũng phải bắt nguồn từ mảnh đất hiện thực. Đó chính là sự thống nhất giữa chân lý nghệ thuật với chân lý đời sống.
          Thứ hai, chân lý nghệ thuật không đồng nhất với chân lý đời sống.
          Học thuyết Mác - Lênin về phản ánh chính là cội nguồn, cơ sở để ta giải quyết về mối quan hệ giữa văn học với đời sống. Như vậy, hiện thực đời sống chính là  nguồn gốc, cơ sở để văn học nhận thức và phản ánh. Nhưng phản ánh luận Mác - Lênin cũng khẳng định phản ánh không phải là cái sao chép, là mô phỏng, là copy, là bê nguyên xi cuộc sống một cách máy móc mà phản ánh luôn gắn liền với sáng tạo, gắn liền với tính tích cực - chủ động của người nghệ sĩ. Tất cả những gì ở ngoài cuộc sống khi bước vào văn học đều trải qua những dằn vặt, những trăn trở, những suy tư nghiền ngẫm của người nghệ sĩ. Cho nên hiện thực trong văn học là hiện thực khách quan mang tính chủ quan, là hiện thực thứ hai - hiện thực được tái tạo lại. Bởi nó được soi chiếu qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Như vậy nó không thể đồng nhất với hiện thực thứ nhất (hiện thực cuộc sống).
Hiện thực thứ hai này có không gian riêng, thời gian riêng, có âm thanh, màu sắc riêng và có những quy luật riêng…
          Hiện thực trong văn học có không gian riêng. Đó là không gian nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra để thể hiện quan điểm của mình về hiện thức.
          Nếu đọc những truyện ngắn của Nam Cao viết về tầng lớp tiểu tư sản trí thức chúng ta sẽ bắt gặp một không gian riêng: tù túng, chật hẹp. Đó là một ngôi làng, một ngôi nhà hay một căn gác xép và trong không gian chật chội ấy người trí thức mới cảm nhận hết tất cả những cái vô tích sự, nhỏ nhoi, thảm hại về cuộc sống của chính mình. Họ cảm thấy đời mình đang mốc lên, đang gỉ đi và đang mòn ra; họ cảm thấy mình đang tồn tại nhưng không phải là đang sống; họ cảm thấy mình chết ngay trong lúc đang còn sống. Như vậy, nhờ có không gian như ngôi nhà, như căn gác xép chật hẹp, bẩn thỉu đó thì những anh trí thức như Hộ, Thứ… mới cảm nhận hết sự tù túng của đời mình, cảm thấy chất độc đang ngấm dần vào da thịt mình. Mình đang tồn tại đang kéo lê cuộc sống của mình chứ không phải mình đang sống theo đúng nghĩa của nó. Trường hợp những nhân vật trí thức này mà được vẫy vùng, bơi lội trong một không gian rộng lớn như biển Đông thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ cảm thấy hết sự tù túng cũng như cuộc đời nhỏ bé của mình. Cho nên Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng một không gian riêng cho nhân vật của ông tự bộc lộ và suy ngẫm về chính cuộc đời họ.
          Trong thơ Hàn Mặc Tử cũng có không gian riêng. Thơ ông luôn có sự đi về giữa hai bến bờ hư­ và thực tương ứng với hai thế giới: ngoài kia và trong này. Đó chính là hai không gian đối lập nhau: trong này (ở đây) thì chẳng có mùa, thiếu ánh sáng, thiếu tình yêu, không trăng, không nhạc, âm u, mờ mờ nhân ảnh, là lãnh cung, là địa ngục, trời sầu cô đơn khổ hạnh, gắn liền với bệnh tật, chết chóc, gắn liền với đau thương, với máu với hồn.
Trời ở trong đây chẳng có mùa,
Không có niềm trăng và ý nhạc
                          (Nhớ thương)
Không gian ấy làm nhà thơ quằn quại, bấn loạn cả về thể xác lẫn linh hồn.
Ta trút linh hồn giữa lúc đây,
Gió sầu vô hạn nuối trong cây.
Còn em sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày
                      (Trút linh hồn)
Còn ngoài kia là mùa xuân thắm tư­ơi, là niềm trăng, ý nhạc, là cuộc đời trần thế tràn đầy ánh sáng, niềm vui, là thiên đ­ường hạnh phúc và hi vọng. Không gian ấy của sự hồi sinh gắn liền với sự sống, với tình yêu và tuổi trẻ. Nhà thơ luôn đặt ra một câu hỏi:
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa?
                                    (Nhớ thương)
Đó là nỗi niềm ước vọng về thế giới bên ngoài. Ông còn luôn nhận thấy có sự chia ly giữa hai không gian như thế.
Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
                                  (Những giọt lệ)
          Nhà thơ ý thức được không gian hiện tại của mình. Mình đang ở đây và người ở ngoài cuộc đời kia trở về đây thăm mình để sau đấy chỉ là sự biệt li. Như thế ở đây chỉ còn có thể về lại ngoài kia trong niềm ­ước ao thầm lén, bằng hoài vọng khắc khoải mà thôi.
          Khi phân tích bài “Đây thôn Vĩ Dạ” ta cũng thấy hai thế giới ấy tương ứng với hai không gian: ngoài kia là thôn Vĩ và trong này (ở đây) thi sĩ đang hiện ra nh­ư một người khắc khoải, hoài vọng về thôn Vĩ: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” để tác giả vẫn hoài nghi về bên ngoài “ai biết tình ai có đậm đà?” không thể biết hết được! Và thôn Vĩ đó không còn là thôn Vĩ cụ thể nữa mà nó đã trở thành biểu tượng cho không gian bên ngoài, biểu tượng cho thế giới ánh sáng, thế giới tình yêu, cho vẻ đẹp trinh nguyên của trần thế. Vì thế nhà thơ ở không gian trong này khao khát được trở về với Vĩ Dạ, một khao khát tưởng như trong tầm tay mà không thể thực hiện được. Cho nên mới đau đớn, khẩn thiết tuyệt vọng và viết nên những vần thơ rớm máu như thế.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
                           (Đây thôn Vĩ Dạ)
          Không biết tối nay là tối nào? nhưng ta biết chắc chắn rằng nếu như thuyền không chở trăng về kịp tối nay thì nhà thơ sẽ không kịp về với thế giới bên ngoài, không biết gì về thế giới bên ngoài nữa. Cũng như chẳng bao giờ được gặp lại vầng trăng, gặp lại cố nhân.
Như vậy đọc thơ Hàn Mặc Tử cái dễ nhận biết nhất là hai không gian đối lập nhau, không gian bên ngoài và không gian bên trong. Không gian của mơ ước, không gian nghệ thuật khác hẳn với không gian vật lí của đời thường. 
          Nếu như bạn yêu thơ Xuân Quỳnh, khi đọc ta cũng sẽ cảm nhận thấy hai không gian tồn tại trong hồn thơ mà khác biệt hoàn toàn. Không gian thứ nhất gắn liền với hiện thực hằng ngày, không gian của một người phụ nữ với bao nỗi lo toan của cuộc sống thường nhật. Ở đó là căn phòng chật hẹp, có bếp dầu, có những phích nước, những hoa trong bình gốm cũ, thậm chí có cả những cái quạt để quạt cho chồng… Tất cả đều quen thuộc và vô cùng bình dị. Đối lập lại là không gian thứ hai - không gian mơ ước, tưởng tượng của nhà thơ. Ở đó không còn căn phòng nhỏ hẹp mà là cả khoảng không rộng lớn vì nhà thơ đang đứng trước biển. Một khung cảnh bao la bát ngát, rộng lớn vô cùng:
Trước muôn trùng sóng bể 
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên
                       (Sóng)
Không gian thứ hai bao la đối lập với không gian thường nhật của cuộc sống hàng ngày. Nó không còn những bếp dầu, những hoa trong bình gốm cũ hay những phích nước đã nguội lạnh mà xuất hiện một vùng biển khơi với sóng với gió rất rộng lớn, khoáng đạt.
Thơ của Nguyễn Bính lại hiện lên không gian của một mảnh vườn quê, mảnh làng quê rất riêng biệt. Với ông cái đẹp nhất có giá trị nhất là mảnh vườn, mảnh làng quê, bởi nơi đó lưu giữ nhiều vẻ đẹp và chứa đựng cả hồn của dân tộc. Nếu nhân vật của Nguyễn Bính mà đi ra khỏi mảnh vườn quê, mảnh làng quê thì dễ bị đánh mất mình.
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
                                      (Chân quê)
Nhà thơ chỉ mong muốn có một điều rằng:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
                                        (Chân quê)
Không muốn cho người yêu, bạn bè, người thân của mình bước chân ra khỏi cánh cổng làng vì ra khỏi làng sẽ nhuốm màu thành thị, dễ đánh mất hồn quê trong con người.
Đến với trang thơ Xuân Diệu ta như lạc bước vào không gian của một khu vườn tình ái, đang mời gọi, đầy sức quyến rũ.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Và tiếng oanh này đây những khúc tình si
                                                   (Vội vàng)
          Bữa tiệc trần gian của hồn thơ Xuân Diệu trong “Vội vàng” thật là thịnh soạn, có mùi vị, h­ương sắc, có đủ đầy những của ngon vật lạ đất trời ban tặng cho con ng­ười tận h­ưởng đến “no nê, chếnh choáng”. Nào là ong b­ớm, yến anh, nào là hoa đồng nội, lá cành tơ, ánh sáng, mùa xuân… tất cả đều đ­ược liệt kê ra một cách rất “vội vàng”, nh­ư đang nảy nở sinh sôi, hối hả, rạo rực nồng nàn lên bởi một niềm si mê khao khát sống, tất cả đều nh­ư muốn đ­ược cùng nhau tận hưởng mọi mật ngọt, men say của cuộc đời. Ong b­ướm thì dập dìu với “tuần tháng mật”, hoa cũng ngan ngát sắc hư­ơng giữa đồng nội xanh rì, lá cành non tơ phơ phất nh­ư giỡn đùa với gió, thơ mộng đến phong tình, khúc nhạc thiên nhiên yến anh, ríu rít làm say mê lòng ng­ười như­ một “khúc tình si” buổi bình minh, để mỗi sớm mai t­ươi sáng như­ thần vui gõ cửa tâm hồn, mùa xuân rạo rực nh­ư “một cặp môi gần”. Và mảnh vườn tình ái này nếu thiếu đi tình yêu thì sẽ trở thành hoang mạc cô liêu, trở thành hoang mạc chỉ có gió và cát. 
          Như vậy, hiện thực trong văn học có một không gian riêng khác hẳn với không gian vật lí ở bên ngoài, nó có những chiều kích, những số đo và cả những quan niệm thẩm mĩ riêng.
          Bên cạnh không gian riêng ta còn thấy hiện thực trong văn học có một thời gian riêng, thời gian nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra để thể hiện quan niệm về thế giới.
          Đọc Hai đứa trẻ của Thạch Lam chúng ta sẽ thấy thời gian trong tác phẩm trôi đi rất chậm chạp. Ông viết: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru” hay “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm nh­ư nhung và thoảng qua gió mát”. Thời gian chậm chạp vô cùng, không một chút gấp gáp vội vã, thậm chí cũng không trôi chảy bình thường như quy luật vốn có mà có vẻ như ngưng đọng, đứng yên. Với việc miêu tả thời gian như thế tác giả đã diễn tả được sự trì trệ, đơn điệu, nhàm chán, tẻ nhạt, lặp đi lặp lại của bản thân cuộc sống không biến đổi, không vận động và cuộc sống dường như đang chết dần như thế. Từng ấy con người, từng ấy số phận cứ lặp lại nguyên xi. Chiều nào cũng thế, chị Tí lại dọn hàng mặc dù biết cũng chẳng bán được cái gì. Bác phở Siêu vẫn gánh hàng phở ra bán mà bác vẫn thừa biết món phở là thứ rất xa xỉ nơi phố huyện này. Rồi đến cả chị em Liên cũng lại ngồi đợi đoàn tàu đi qua… khiến cho cuộc sống trở nên mòn mỏi, quẩn quanh. Ta có cảm giác tác phẩm như màn kịch không đổi cảnh mà chỉ có duy nhất một cảnh. Đúng như nhà thơ Huy Cận từng viết:
Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu
Tới hay lui cũng từng ấy mặt người
          Tác phẩm văn học nước ngoài cũng chú trọng tới thời gian được nói tới. Đối với tập thơ Manyoshu (Vạn diệp tập) thời gian chỉ là một trong muôn vàn những yếu tố nghệ thuật khác làm cho Vạn diệp tập trở thành “cây đại thụ với mười ngàn chiếc lá”, trở thành “ngọn hải đăng của thơ ca Nhật Bản” dẫn đường cho những thể loại thơ Haiku và thơ hiện đại sau này. Tuy nhiên thời gian được khẳng định là thời gian nghệ thuật, thời gian tâm trạng, có thể xuất hiện trực tiếp (thời gian trong ngày: đêm, ban mai, hoàng hôn; thời gian mùa vụ: thu, xuân…)
- Đêm đầy trăng…
- Buổi sáng
Ngoài đồng sương mù giăng…
- Vào mỗi chiều sương xám…
- Tiếc là đã mùa thu
-… Ngủ giữa mùa xuân
          Hay thời gian gián tiếp biểu hiện qua thị giác: sương, tuyết, mưa, trăng, cây lá, hoa…;thính giác: tiếng chim hót, tiếng nai tác…
- Chắc trăng muốn nhìn giọt sương
- Ôi mưa xuân
Đừng mưa như thế
Vì gặp mưa
Những cánh hoa anh đào rơi lặng lẽ
Mà tôi buồn khi hoa rơi.
          Như vậy, thời gian trong Manyoshu không còn là thời gian vật lí đơn thuần, chúng đã được ghi nhận và biến thành thời gian nghệ thuật, trở thành những quý ngữ để bộc lộ tâm tư tình cảm, quan niệm về cuộc đời, vận tiết vũ trụ, cái đẹp và tình yêu.
          Ngoài ra, hiện thực trong văn học còn có màu sắc riêng, âm thanh riêng. Bao giờ mỗi nhà văn, nhà thơ cũng đều đi tìm cho mình một màu sắc riêng, âm thanh riêng để thể hiện quan niệm thông qua cách nhìn cách cảm của mình về thế giới.
          Thơ của Chế Lan Viên ở những giai đoạn khác nhau thì lại có những màu sắc khác nhau. Giai đoạn trước cách mạng tháng tám chỉ có màu đen và màu trắng, màu của tang tóc và u tối. Thế nhưng đọc thơ của giai đoạn sau cách mạng (đặc biệt là tập Ánh sáng và phù sa) thì màu sắc chủ đạo lại là màu hồng. Như vậy màu sắc trong thơ Chế Lan Viên có sự chuyển biến rất rõ rệt, nó không chỉ còn là màu sắc đơn thuần mà đã trở thành màu của hi vọng, màu của tương lai, màu của cách mạng. 
Trong thơ Hồ Xuân Hương cũng mang âm thanh, màu sắc riêng biệt. Nó không phải là những màu sắc dịu nhẹ, những âm thanh êm tai mà mà rất chói gắt, kinh dị. Với màu những màu đỏ loét, xanh rì:
Cửa con đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
                              (Đèo Ba Dội)
Còn âm thanh thì toàn những rền, những khua cũng inh ỏi, inh tai, không có cái gì là dễ nghe. Tất cả đều thể hiện cá tính, sức sống đang trỗi dậy, dường như không có gì có thể khuôn người phụ nữ  đang tràn trề sức sống như thế vào. Khát vọng sống, khát vọng yêu và được yêu như  những đợt sang liên tiếp xô vào thành đá rất mạnh mẽ, mãnh liệt. Cho nên màu sắc và âm thanh cứ chói thêm và gắt thêm.
Ngược lại với Đèo Ba Dội, màu sắc trong bài Cảnh thu lại thiên về màu lạnh hơn, những màu sắc hài hoà, nhẹ nhàng
  Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ  
Đặc biêt, hiện thực trong văn học còn mang tính ước lệ có những quy luật riêng. Có những điều tưởng như là phi lí, không có thật ngoài đời sống nhưng nó lại hiển hiện và có lí trong nghệ thuật. Chính vì thế, ta không thể dùng tư duy lôgic thông thường để cảm nhận được.
Như bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay
                                                 (Ca dao)
          Trên thực tế, nụ tầm xuân có màu hồng và ở đây tác giả dân gian lại đưa ra cái vô lí là nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Nhưng trong nghệ thuật người ta chấp nhận được điều đó, cái vô lí đã trở thành cái hữu lí. Bởi màu xanh biếc ấy mới diễn tả hết nỗi tê tái, luyến tiếc trong lòng người con trai. Đó chính là cách cảm nhận về màu xanh. Còn ai mà đi tìm cho ra nụ tầm xuân màu xanh (ngoài đời đã có người tìm được) thì người đó quả rất vô duyên. Vì màu xanh ở đây là màu của nghệ thuật, màu trong mắt của chàng trai si tình khi trái tim đang rỉ máu bởi mũi tên của con tạo nghiệt ngã.
Hay trong bài ca dao sau cũng vậy:
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em có chồng rồi trả yếm lại anh
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi
          Việc hoa cúc vàng nở ra màu tím, màu xanh là hoàn toàn vô lí trong đời sống thực tế nhưng khi bước vào trang tâm trạng của nhân vật trữ tình nó lại trở nên rất có lí và dễ dàng được chấp nhận.
          Tóm lại, hiện thực trong văn học có rất nhiều nét riêng. Tuy nhiên chúng ta chỉ đi tìm hiểu những nét tiêu biểu nhất như không gian, thờii gian, màu sắc, âm thanh, và cả những quy luật biến cái vô lí ngoài đời sống trở thành cái hữu lí trong nghệ thuật. Hiện thực thứ hai này đã được nhào nặn lại, gọt giũa lại bởi bàn tay của những người nghệ sĩ. Nó gắn liền với tư tưởng tình cảm chủ quan của người nghệ sĩ.
Chính vì “Chân lý nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với chân lý đời sống” cho nên chúng ta phải có thái độ tiếp nhận, cách tiếp nhận hiện thực trong văn học nó khác với hiện thực của cuộc sống. Tức là khi tiếp nhận ta đừng có đem hiện thực trong tác phẩm ra để đối chiếu với hiện thực đời sống theo kiểu nó đã giống chưa? nguyên xi chưa? nó đã phản ánh sát sao chưa? anh đã diễn tả được bao nhiêu phần trăm sự thật?... Để có những ý kiến cho rằng: nhà văn đã bôi nhọ hiện thưc, xuyên tạc hiện thưc. Đó là thái độ và cách tiếp nhận rất cứng nhắc. Bởi vì hiện thực trong văn học là hiện thưc đã được tái tạo lại.
 

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_a5270c6d842fb774fbea20c05467a34b.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)