Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở tổ Tâm lý học – Giáo dục học

Thứ bảy - 15/10/2016 22:31
Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) thực chất không phải là sự thay thế các PPDH cũ bằng một loạt các PPDH mới. Về mặt bản chất, đổi mới PPDH là đổi mới cách tiến hành các phương pháp, đổi mới các phương tiện và hình thức triển khai phương pháp trên cơ sở khai thác triệt để ưu điểm của các phương pháp cũ và vận dụng linh hoạt một số phương pháp mới nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Như vậy, mục đích cuối cùng của đổi mới PPDH là làm thế nào để người học phải thực sự tích cực, chủ động, tự giác, tìm tòi, suy nghĩ và sáng tạo trong quá trình lĩnh hội tri thức và lĩnh hội cả cách thức để có được tri thức ấy nhằm phát triển và hoàn thiện nhân cách của mình. Bên cạnh đó sự phát triển của khoa học công nghệ đã mở ra những khả năng và điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng phương tiện công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Việc sử dụng có tính sư phạm những thành quả của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi hiệu quả của quá trình dạy học, hiệu quả của việc sử dụng các PPDH.
Đổi mới chương trình giáo dục và cùng với nó là đổi mới PPDH và đổi mới đánh giá là những phương diện thể hiện sự quyết tâm cách tân, đem lại những thay đổi về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Chính vì thế những câu hỏi như: Làm thế nào để có một giờ học tốt? Đánh giá một giờ học tốt như thế nào cho chính xác, khách quan, công bằng? luôn có tính chất thời sự và thu hút sự quan tâm của các giảng viên (GV), cán bộ quản lí trường CĐSP nói chung và GV tổ TLH-GDH nói riêng.
Có thể khẳng định, việc đánh giá một giờ học tốt là một giờ học phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học nhằm nâng cao tri thức, bồi dưỡng năng lực hợp tác, năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn, bồi dưỡng phương pháp tự học, tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, đem lại hứng thú học tập cho người học dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Trong đó phần đa chúng ta đánh giá dựa trên tiêu chí giờ học đó có sự kết hợp giữa học tập cá thể (hình thức học cá nhân) với học tập hợp tác (hình thức học theo nhóm, theo lớp) hay không; giờ học có chú trọng kết hợp học với hành, nâng cao tri thức với rèn luyện các kỹ năng, gắn với thực tiễn cuộc sống không; giờ học có phát huy được thế mạnh của các PPDH tiên tiến, hiện đại; có ứng dụng các phương tiện, thiết bị dạy học vào giảng dạy không; GV có chú trọng các hoạt động đánh giá và tự đánh giá của SV hay không....

Giờ dạy giỏi - Giải nhất hội thi GV giỏi khối các trường chuyên nghiệp
 năm học 2014-2015 của Đ/c Đinh Thị Tình tổ TLH-GDH
 
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin trao đổi thêm một số vấn đề về đổi mới PPDH đối với bộ môn Giáo dục học dựa trên các tiêu chí ở trên mà trong nhiều năm học qua chúng tôi đã triển khai và ứng dụng rất hiệu quả.
1. Một số những yêu cầu về xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án)
          Trước tiên, để đảm bảo cho một giờ dạy tốt thì hoạt động chuẩn bị cho một giờ dạy hay còn gọi là giáo án thực sự quan trọng. Vì thông qua thiết kế bài dạy chúng ta sẽ dễ dàng đánh giá được một phần trình độ chuyên môn và tay nghề sư phạm của GV, đồng thời cũng thấy rõ được những quan niệm, nhận thức của các GV về các vấn đề giáo dục qua phần thiết kế mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, cách sử dụng PPDH, thiết bị DH, hình thức tổ chức dạy học...
* Để xây dựng kế hoạch bài dạy hiệu quả, chúng tôi quán triệt các GV trong tổ chuyên môn cần tuân thủ một số yêu cầu cơ bản sau
+ Thứ nhất : Xác định rõ mục tiêu của bài học căn cứ vào chuẩn kiến thức (KT), kĩ năng (KN) và yêu cầu về thái độ trong chương trình. Việc xác định đúng mục tiêu bài dạy sẽ giúp GV xác định rõ các nhiệm vụ sẽ phải làm trên cơ sở đó dẫn dắt người học tìm hiểu, liên hệ, vận dụng những KT, KN, thái độ nào sẽ hình thành cho người học? phạm vi, mức độ kiến thức trang bị cho người học đến đâu? Thông qua kiến thức đã cung cấp cần giáo dục cho người học những bài học gì?
- Thứ hai: GV cần nghiên cứu kỹ giáo trình và các tài liệu liên quan đến nội dung bài dạy để hiểu và có thêm những thông chính xác, đầy đủ và phong phú thêm về nội dung bài dạy....lựa chọn các thông tin cơ bản nhưng đảm bảo tính khoa học và tính giáo dục trước khi đưa vào bài soạn.
- Thứ ba : Xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập thực hành phù hợp : Trước tiên là hệ thống câu hỏi phải đảm bảo theo thang mức độ : Biết – hiểu – vận dụng – phân tích – tổng hợp – đánh giá. Một bài dạy có hay và phát huy được tính tích cực của người học hay không phụ thuộc rất lớn vào việc GV hỏi gì, cho người học làm gì trong quá trình giảng dạy. Nếu thiết kế hệ thống câu hỏi và bài tập không hiệu quả sẽ dễ dẫn đến bài dạy đơn điệu, người học không hiểu bài, giờ học nhàm chán....không đáp ứng được mục tiêu bài dạy ban đều đã định. Do vậy, để làm tốt yêu cầu này, GV cần hiểu và có kiến thức về tâm lý lứa tuổi, dự kiến được những tình huống có thể xảy ra, các phương án giải quyết..
- Thứ 4: Lựa chọn PPDH, phương tiện dạy học, hình thức tổ chức dạy học và cách thức đánh giá phù hợp với nội dung dạy học. Mỗi PPDH đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định, do đó trong quá trình dạy học người GV cần chú vận dụng linh hoạt nhiều PPDH khác nhau. Chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để tăng sự hứng thú của người học. Cần quan tâm tới việc phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, tinh thần hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào những tình huống khác nhau trong học tập và trong thực tiễn; tác động đến tư tưởng và tình cảm để đem lại niềm vui, hứng thú trong học tập cho người học. Thực tiễn dạy học hiện nay cho thấy phần đa các GV vẫn quen với lối dạy học truyền thống, các nhiệm vụ học tập giao cho người học ít có tính phân hoá, việc chú ý tới năng lực học tập của từng đối tượng người học còn hạn chế. Chính vì vậy việc chú ý lựa chọn các PPDH, hình thức tổ chức dạy học phù hợp sẽ giúp GV cải thiện được lối dạy học thiếu phân hóa trên.
- Thứ 5: Để có một tiết dạy hay thì việc thiết kế một kế hoạch bài dạy được xem là khâu quan trọng và thứ yếu của người GV. Trong thực tế, có nhiều GV khi soạn bài thường chỉ đọc mỗi giáo trình hoặc một số GV lại chỉ căn cứ vào những gợi ý của giáo trình để thiết kế bài dạy mà bỏ qua các khâu xác định mục tiêu bài học, xác định khả năng đáp ứng nhiệm vụ học tập của người học...
* Một số yêu cầu trọng tâm trong quá trình xây dựng bài soạn :  
+ Thiết kế mục tiêu bài học: Xác định rõ yêu cầu về KT, những KN đạt được, thái độ hình thành...
+ Chuẩn bị về phương pháp và phương tiện dạy học: GV chuẩn bị các thiết bị dạy học (tranh ảnh, mô hình, hiện vật, hoá chất...), các phương tiện dạy học (máy chiếu, TV, đầu video, máy tính, máy projector...) và tài liệu dạy học cần thiết;  Hướng dẫn người học chuẩn bị bài học (soạn bài, làm bài tập, chuẩn bị tài liệu và đồ dùng học tập cần thiết).  
+ Tổ chức các hoạt động dạy học: Trình bày rõ cách thức triển khai các hoạt động dạy- học cụ thể. Với mỗi hoạt động cần chỉ rõ:  Tên hoạt động; Mục tiêu của hoạt động; Cách tiến hành hoạt động; Thời lượng để thực hiện hoạt động; Kết luận của GV về những KT, KN, thái độ HS cần có sau hoạt động; những tình huống thực tiễn có thể vận dụng KT, KN, thái độ đã học để giải quyết; những sai sót thường gặp; những hậu quả có thể xảy ra nếu không có cách giải quyết phù hợp;...
+ Hướng dẫn các hoạt động tiếp nối: xác định những việc người học cần phải tiếp tục thực hiện sau giờ học để củng cố, khắc sâu, mở rộng bài cũ hoặc để chuẩn bị cho việc học bài mới.
2. Thiết kế một giờ học Giáo dục học theo hướng đổi mới PPDH
Trong không khổ bài viết có hạn nên chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược quy trình một giờ dạy theo hướng đổi mới PPDH theo các bước cơ bản sau:
* Bước 1: Ổn định tổ chức
- Kiểm tra bài học cũ và những KT, KN đã học có liên quan đến bài mới thông qua hoạt động khởi động trò chơi thi đua giữa các tổ “ Tam sao thất bản” các đội sẽ cử 2 đại diện sinh viên (SV) lên, 1 SV sẽ dùng ngôn ngữ mô tả hình ảnh quan sát được cho bạn SV thứ hai ở đội mình, SV thứ hai dựa vào sự mô tả đó để đoán ra đồ vật? Câu danh ngôn? Tên bài hát?
- Hoạt động này nhằm tạo không khí thoải mái, vui vẻ trước khi vào giờ học. Đồng thời nhắc lại kiến thức cũ cho SV và liên hệ với một số kiến thức mới sẽ hình thành trong bài sắp được học
* Lưu ý: Hoạt động này chỉ diễn ra 5 phút, nhưng đòi hỏi GV phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các câu đố phù hợp, có kỹ năng về soạn powerpoint, thành thạo về tin học ứng dụng...GV có thể khai thác nhiều hình thức khởi động khác nhau như một số trò : Nghe nhạc hiệu đoán chương trình, giải ô chữ, đố vui, thi ai nhanh hơn, đuổi hình bắt chữ, đi tìm ẩn số, ai là triệu phú, Ong tìm mật, vì bạn xứng đáng....
* Bước 2: Tổ chức dạy và học bài mới
- GV giới thiệu bài mới: nêu nhiệm vụ học tập thông qua hệ thống câu hỏi thiết kế trên bài soạn và hình ảnh trên các slides
- Ví dụ : Ở bài dạy : Người giáo viên ở trường THCS, trong tiết dạy này GV cung cấp cho SV nội dung chính tìm hiểu đó là “đặc điểm lao động sư phạm của người GV”, nhưng nội dung này được chúng tôi thiết kế nhiều câu hỏi nhỏ nhằm làm sáng tỏ những đặc điểm cơ bản như : Mục đích lao động? Công cụ lao động? Sản phẩm lao động  
- Ở khâu này, để cho giờ học sinh động, SV vừa có hứng thú khám phá tri thức mới, vừa tích cực động não tư duy thì ngoài việc thiết kế hệ thống câu hỏi phù hợp với bài dạy và trình độ nhận thức của SV, chúng tôi đưa vào một số các hình ảnh và video clip đã được trích, cắt để SV quan sát thảo luận nhằm làm sáng tỏ các vấn đề GV đang cung cấp.
* Lưu ý: Hoạt động này là cơ bản nhất trong toàn bộ quá trình dạy học, do đó GV phải chuẩn bị bài soạn thật kỹ, thiết kế hệ thống câu hỏi đa dạng và khoa học. Các hình ảnh lựa chọn trên các slides phải phù hợp với bài dạy và phải được khai thác hiệu quả (tránh việc đưa hình ảnh lên chỉ mang tính chất trình chiếu cho có lệ hoặc có hình ảnh nhưng không khai thác được), các video clip cần được chọn lọc có tính giáo dục, liên quan đến bài học, video phải được cắt dán cho phù hợp với thời lượng (tránh các video dài dòng, phản giáo dục....trình chiếu xong không có câu hỏi khai thác mà chỉ để SV xem cho vui...)
* Bước 3: Luyện tập, củng cố
- GV hướng dẫn SV củng cố, khắc sâu những KT, KN, thái độ đã có thông qua hoạt động thực hành luyện tập có tính tổng hợp, nâng cao theo hệ thống câu hỏi đã xây dựng nhằm kiểm tra lại khả năng lĩnh hội kiến thức mới ở mỗi SV cũng như cả lớp học.
- Ngoài các câu hỏi tái hiện, củng cố lại kiến thức, chúng tôi thiết kế bài tập thực hành thông qua hình thức trò chơi đuổi hình bắt chữ.
* Lưu ý: Hoạt động này cũng giống như ở khâu đầu (Ổn định tổ chức) chỉ diễn ra 5 phút, nhưng GV cũng phải tìm tòi soạn thảo các câu đố phù hợp với phần kiến thức vừa cung cấp cho SV, đồng thời cũng đòi hỏi về kỹ năng soạn powerpoint và tin học.
* Bước 4: Đánh giá
- Xác định việc đánh giá cũng là một khâu quan trọng của quá trình đổi mới PPDH, nên khi kết thúc giờ học, chúng tôi luôn đối chiếu lại với mục tiêu bài học đã định ban đầu để dự kiến một số câu hỏi, bài tập tình huống... từ đó tổ chức cho SV tự đánh giá về kiến thức đã lĩnh hội được và nhận xét về các SV khác. Đánh giá về năng lực hoạt động của bản thân trong quá trình lĩnh hội…
- Cuối cùng chúng tôi đánh giá chung, tổng kết về thái độ nhận thức, ý thức học tập của cá nhân SV nói riêng và cả lớp nói chung.
* Lưu ý : Quá trình nhận xét phải chính xác, khách quan. Không mang tính chất phê bình, chì trích. Tăng cường khuyến khích, động viên những SV có thái độ tích cực trong giờ học...
- Hướng dẫn SV biết tự phê bình, đánh giá bản thân và có kỹ năng nhận xét bạn bè. Thẳng thắn, tự tin và không tự ái cá nhân khi nhận xét và bị nhận xét.
* Bước 5: Giao nhiệm vụ và hướng dẫn SV cách hoàn thành nhiệm vụ
- GV giao nhiệm vụ về nhà và yêu cầu SV chuẩn bị bài mới thông qua hệ thống các câu hỏi hoặc bài tập tình huống.
* Lưu ý : Các nhiệm vụ giao về nhà GV cần phải hướng dẫn SV cách tìm hiểu, tra cứu các tài liệu liên quan...các nhiệm vụ đưa ra phải có tính thời sự, buộc SV phải tìm tòi nghiên cứu ở nhiều nguồn khác nhau, không cứng nhắc rập khuôn trong giáo trình để SV biết cách liên hệ thực tiễn và đọc nhiều tài liệu khác nhau cũng như khuyến khích các em lên thư viện tra cứu nguồn thông tin.
3. Kết luận
Sự thành công của một giờ dạy theo định hướng đổi mới PPDH phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của cả người dạy và cả người học. Những phần trình bày trên đây chỉ là những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn chỉ đạo triển khai đổi mới PPDH trong nhiều năm qua ở tổ Tâm lý học – Giáo dục học chúng tôi đã làm. Chính sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tổ và sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường mà nhiều năm qua tổ bộ môn của chúng tôi luôn đạt được những thành tích cao trong giảng dạy và chúng tôi cũng luôn là một trong những đơn vị đi tiên phong trong công tác đổi mới PPDH ở trường CĐSP Lạng Sơn.
Cuối cùng chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng: Dù ở điều kiện và hoàn cảnh nào, sự chuẩn bị chu đáo theo quy trình trên đều đem lại những giờ học có hiệu quả, bổ ích và hứng thú đối với cả người dạy, người học và cũng tùy theo đặc trưng môn học, nội dung dạy học, đặc điểm và trình độ nhận thức của SV, điều kiện cơ sở vật chất phòng học… các đồng chí GV có thể vận dụng các bước thực hiện một giờ dạy học như trên một cách linh hoạt và sáng tạo, tránh sự đơn điệu, cứng nhắc, máy móc hoặc giáo điều./
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Ngọc Hải, Trần Khánh Đức (2013) Hệ thống giáo dục hiện đại trong những năm đầu thế kỷ XXI. NXB giáo dục.
2. Nguyễn Thiện Mỹ Tâm, Lê Khắc Thìn, Vũ Thị Hòa, Lê Thị Bích Huệ (2007), Thực hiện kế hoạch đào tạo ngành Tâm lý – Giáo dục học. NXB Đại học sư phạm.
3. Phan Trọng Ngọ (2013). Dạy học và phương pháp trong dạy học nhà trường. Nhà xuất bản Đại học sư phạm

Tác giả bài viết: Đinh Thị Tình

Nguồn tin: Tổ Tâm lí học - Giáo dục học

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_e5a401af0b55212c3fba0ecaf43a6aa9.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)