1. Đặt vấn đềKhi Công nghệ thông tin (CNTT) ngày một phát triển, thì việc ứng dụng CNTT vào trong dạy học ở mọi cấp học luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích và quan tâm. Trong đó phải kể đến bậc Mầm non, bậc học nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Do đó việc ứng dụng CNTT trong giáo dục mầm non điều hết sức cần thiết. Nó giúp giáo viên có thể sáng tạo, chủ động tạo ra các bài giảng sinh động, phong phú.
Hiện nay một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh Lạng sơn đang rất tích cực ứng dụng CNTT vào trong các hoạt động giáo dục. Nên rất cần sinh viên mầm non sau khi ra trường có kiến thức CNTT để có thể ứng dụng vào trong giảng dạy. Cũng qua việc sinh viên mầm non đi thực tập, thực tế tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh Lạng sơn, nhận thấy sinh viên vẫn còn khá lúng túng, mất nhiều thời gian trong việc sử dụng phần mềm ứng dụng vào trong bài dạy cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non. Xuất phát từ thực tế trên bài viết đề xuất một số phần mềm ứng dụng vào trong thiết kế bài giảng điện tử cho dạy học ở Mầm non.
2. Nội dung 2.1. Khái quát về phần mềmTheo Luật Công nghệ thông tin, mục 12 điều 4 Chương I: Phần mềm là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định.
Phần mềm ứng dụng là phần mềm máy tính được viết để giúp giải quyết các công việc hàng ngày cũng như những hoạt động nghiệp vụ như soạn thảo văn bản, quản lý học sinh, quản lý kết quả học tập, lập thời khóa biểu [1].
Phần mềm dạy học là phần mềm máy tính có nhiệm vụ chính là hỗ trợ dạy học hoặc tự học [2].
Hiện nay, có rất nhiều phần mềm hữu ích hỗ trợ thiết kế bài giảng trong bậc mầm non. Trong đó có thể kể đến một số phần mềm ứng dụng đơn giản, dễ sử dụng:
- Microsoft PowerPoint, là phần mềm cho phép tạo dựng các slide thể hiện những chủ điểm, thông điệp đi kèm với các hiệu ứng. PowerPoint thường được dùng để xây dựng bài giảng điện tử, thuyết trình, thậm chí là để quảng cáo, làm phim hoạt hình và trình diễn ảnh.
- Leawo PowerPoint to Video Free, là phần mềm chuyển các trình diễn PowerPoint thành các file video. Mục đích để trình diễn bài giảng điện tử mà không cần cài đặt phần mềm PowerPoint trên máy tính, hay có thể xem các bài trình diễn trên Tivi. Phần mềm này sẽ giữ nguyên các yếu tố ban đầu của trình chiếu PowerPoint, đặc biệt là các hiệu ứng như: hình động, hiệu ứng chuyển tiếp, nhạc, ...
- Phần mềm Window Movie Maker là một công cụ soạn giáo án điện tử khá tiện ích đối với giáo viên mầm non, phần mềm dùng để tạo các đoạn phim, có thể đưa các hình ảnh, video, chữ viết, âm thanh vào bài giảng, kết hợp với những hiệu ứng tạo bài giảng sống động, bắt mắt.
2.2. Hiện trạng dạy và học của học phần Tin học cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Lạng sơn2.2.1. Vài nét về phân phối chương trình Tin họcNội dung chương trình gồm 5 chương, được thực hiện trong thời lượng 20 tiết lý thuyết và 20 tiết thực hành, sau mỗi chương đều có các câu hỏi bài tập và thực hành. Tuy nhiên, chúng tôi thấy lượng kiến thức phục vụ cho chuyên ngành mầm non còn tương đối ít, công cụ hỗ trợ cho việc tạo bài giảng điện tử chỉ dừng ở phần mềm PowerPoint. Việc được làm quen và tiếp cận của sinh viên với một số phần mềm hỗ trợ khác trong quá trình dạy học còn hạn chế.
2.2.2. Thực trạng dạy học ở học phần Tin họcHoạt động dạy học theo phương pháp truyền thống, chủ yếu hướng dẫn sinh viên biết cách sử dụng phần mềm, nhưng sử dụng phần mềm đi sâu vào thực tế chuyên ngành đào tạo lại rất ít được chú trọng. Do đó sinh viên ít có cơ hội được cọ sát với chuyên ngành đang học, và gặp khó khăn trong việc vận dụng các tính năng của phần mềm để thể hiện ý tưởng vào chuyên môn.
2.2.3. Thực trạng học của sinh viên giáo dục mầm nonThông qua phiếu khảo sát, nhận thấy sinh viên phần lớn học thụ động, chưa có sự tìm tòi, nghiên cứu giáo trình, tài liệu. Không có tinh thần vượt khó, dễ chán nản, không có sự sáng tạo trong quá trình học tập. Một số sinh viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của tin học với ngành nghề theo học, nên có thái độ xem nhẹ về vai trò của môn học.
2.3. Hướng dẫn sinh viên sử dụng một số phần mềm ứng dụng trong dạy học ở mầm non2.3.1. Nguyên tắc sử dụng phần mềm ứng dụng để xây dựng bài giảng điện tử- Đảm bảo mục tiêu trong giáo dục mầm non: Sử dụng một số phần mềm ứng dụng tạo ra các bài giảng điện tử, đưa vào giảng dạy trong các buổi hoạt động của trẻ phải đảm bảo mục tiêu trong giáo mầm non
- Đảm bảo phù hợp yêu cầu về nội dung giáo dục mầm non: Để thiết kế tạo ra các bài giảng sinh động, lôi cuốn thì việc cấu trúc lại nội dung bài cần tuân thủ nguyên tắc không thay đổi tinh thần của bài mà các tác giả đã dày công xây dựng.
- Đảm bảo phù hợp yêu cầu về phương pháp giáo dục mầm non: giáo án điện tử không thể thay thế toàn bộ vai trò của người giáo viên, các phương pháp trực quan khác. Do vậy, việc thiết kế giáo án điện tử cần đảm bảo về phương pháp theo chương trình giáo dục mầm non.
- Đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương: việc sử dụng các phần mềm ứng dụng thiết kế giáo án điện tử phải dựa trên cơ sở vật chất của từng lớp học trong nhà trường để có sự lựa chọn các phần mềm sao cho phù hợp.
2.3.2. Quy trình sử dụng một số phần mềm ứng dụng trong dạy họcBước 1: Xác định mục tiêu, lựa chọn bài giảng phù hợp
Xác định mục tiêu bài học, chỉ ra kết quả học sinh tiếp thu được sau bài học. Việc lựa chọn kiến thức, xác định đúng nội dung trọng tâm giúp sắp xếp lại cấu trúc của bài để lên ý tưởng đưa phần mềm vào thiết kế bài giảng.
Bước 2: Khai thác các tư liệu hình ảnh trên internet
Bước tiếp theo tìm kiếm nguồn tài liệu phong phú trên internet như các con vật ngộ nghĩnh, các đoạn âm thanh hay những thước phim sống động,..
Đề tìm kiếm tài liệu, vào trang
https://www.google.com/ và gõ nội dung cần tìm. Khi tìm kiếm, lựa chọn tư liệu phù hợp liên quan đến nội dung bài giảng. Tư liệu tìm kiếm cần chọn lọc và lượng thông tin bổ sung vừa đủ, không quá ít cũng quá nhiều gây loãng nội dung.
Bước 3: Lựa chọn phần mềm để thể hiện kịch bản trên máy tính
Tùy vào cách tổ chức hoạt động hoạt động tích cực để lựa chọn phần mềm phù hợp, trong bài viết giới thiệu phần mềm: PowerPoint, Leawo và Movie Maker.
Đối với các hoạt động văn học, hoạt động làm quen với chữ cái, làm quen với toán..., nội dung chủ yếu sử dụng hình ảnh và ngôn từ cô đọng trên bài giảng để khơi gợi kích thích sự tưởng tượng của trẻ. Chúng ta có thể dùng phần mềm PowerPoint và khai thác các hiệu ứng hoạt hình trong phần mềm để xây dựng bài giảng điện tử.
- Sử dụng phần mềm PowerPoint để soạn thiết kế slide theo trình tự tiết học, kết hợp với hiệu ứng cho các đối tượng trên slide để tạo sự lôi cuốn cho bài giảng.
- Để tiện cho việc trình chiếu bài giảng điện tử khi máy tính không cài đặt phần mềm văn phòng, hoặc khi muốn sử dụng bài giảng điện tử để chiếu trên tivi. Chúng ta có thể sử dụng phần mềm Leawo to Video Free để chuyển đổi đuôi PowerPoint sang định dạng Video.
Đối với bài giảng điện tử là các đoạn phim hoạt hình phục vụ trong hoạt động vui chơi của trẻ. Chúng ta có thể xây dựng kịch bản bằng cách sử dụng phần mềm Windows Movie Maker để thực hiện ý tưởng này.
- Tập hợp các hình ảnh, thước phim để đưa video vào phần mềm theo trình tự bài học. Chèn chữ viết lên hình ảnh hay thước phim để minh họa chúng.
- Lồng ghép lời thoại ghi âm sẵn hoặc ghi âm trực tiếp lên từng thước phim, hoặc cũng có thể đưa nhạc làm nên cho đoạn phim thêm hấp dẫn. Tạo hiệu ứng chuyển cảnh, hiệu ứng chữ viết trên các hình ảnh để tạo sự thu hút.
Bước 4: Chạy thử chương trình, kiểm tra lỗi, sữa chữa và hoàn thiện
Sau khi thiết kế, tiến hành chạy thử chương trình để phát hiện ra những sai sót để kịp thời sửa chữa và hoàn thiện.
2.3.3. Phương pháp nghiên cứu- Phương pháp kiểm tra thực hành: Thông qua việc chấm sản phẩm của 83 sinh viên chuyên ngành Sư phạm mầm non hệ cao đẳng sử dụng Microsoft PowerPoint, Leawo PowerPoint to Video Free và Window Movie Maker 2.6 trong tổ chức hoạt động có chủ đích cho trẻ ở trường mầm non. Dựa trên tiêu chí: Hiểu, vận dụng cách sử dụng phần mềm và quy trình soạn giáo án điện tử để tạo được sản phẩm cụ thể có chất lượng.
- Phương pháp điều tra: Thông qua phiếu khảo sát để kiểm tra mức độ nhận thức và thái độ của sinh viên trong việc sử dụng phần mềm vào thiết kế giáo án điện tử.
2.4. Kết quảKết quả thực nghiệm trên 83 sinh viên ở 2 lớp K12MNA, K12MNB chuyên ngành Sư phạm mầm non hệ cao đẳng thu được như sau:
- Kết quả từ bài kiểm tra thực hành cho thấy sinh viên đã biết cách vận dụng các phần mềm PowerPoint, Leawo và Movie Maker vào soạn giáo án điện tử dựa trên quy trình đã được xây dựng. Được thể hiện qua số liệu sau: Xuất sắc: 24,1%; Giỏi: 39,8%, Khá: 32,5%; TBK 3,6%. Qua đó cho thấy sinh viên đã biết tạo ra các bài giảng điện tử sinh động, có nội dung phù hợp và lôi cuốn người xem.
- Kết quả từ phiếu khảo sát cho thấy sinh viên đã nhận biết quy trình vận dụng một số phần mềm vào xây dựng giáo án điện tử. Sinh viên thấy thích thú với các phần mềm khi sử dụng (79,8%) và rất hào hứng, say mê tìm tòi, biết sử dụng phần mềm trong quá trình học tập (81,7%). Sinh viên thấy việc học các phần mềm PowerPoint, Leawo và Movie Maker hỗ trợ rất thiết thực vào việc tạo các bài giảng điện tử, tạo các video hoạt hình sinh động, phù hợp với chuyên ngành học (80,7%).
Dưới đây là một số sản phẩm điển hình của sinh viên: Sử dụng phần mềm PowerPoint và Leawo thiết kế câu truyện “Đôi bạn tốt”, sử dụng Movie Maker thiết kế đoạn phim về một số động vật sống trong rừng.
Thiết kế câu chuyện “Đôi bạn tốt”Thiết kế video “Động vật sống trong rừng” 3. Kết luậnChỉ với một số phần mềm quen thuộc trong giảng dạy: PowerPoint, Leawo và Movie Maker, chúng ta có thể tạo ra những bộ phim hoạt hình đơn giản, làm sinh động cho bài giảng và thu hút được sự chú ý, tham gia vào bài giảng của không chỉ học sinh bậc mầm non mà cả học sinh các bậc học phổ thông nếu vận dụng một cách hợp lý, phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng giảng dạy. Để phát huy tốt các phần mềm trong thiết kế giáo án điện tử yêu cầu người sử dụng cần tập trung, sáng tạo trong quá trình phối hợp sử dụng các phần mềm.
4. Tài liệu tham khảo[1]. Hồ Sĩ Đàm (Chủ biên), Đào Kiến Quốc, Hồ Đắc Phương, Giáo trình Tin học cơ sở, NXB Đại học sư phạm, năm 2003
[2]. Chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên, mã module THCS 22: Sử dụng một số phần mềm dạy học – Trần Trung, năm học 2014-2015
[3]. Luật Công nghệ thông tin, năm 2006
[4]. Chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên bậc Mầm non, mã module MN 32: Thiết kế và sử dụng giáo án điện tử, năm học 2015-2016.