Trong không khí hân hoan chuẩn bị lễ kỷ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam, tôi bồi hồi nhìn lại chặng đường biết bao thế hệ thầy và trò đã đi qua mà lòng vô cùng khâm phục những người đồng nghiệp ấy. Họ đã dành tuổi trẻ và nhiệt huyết của mình để viết nên câu chuyện “Những trái tim thắp lửa” dành tặng mái trường thân yêu này.
Thầy và trò trong tiết học thực địa
Chúng ta sẽ cùng nhau ngược dòng thời gian trở về mùa thu năm 1980, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các thầy giáo Ninh Văn Hưng và Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Tuấn và cô giáo Đặng Thị Phin, Đặng Thị Tuyết Nhung…từ biệt gia đình, từ Ninh Bình, Bắc Giang, Hải Dương.. tình nguyện lên trường CĐSP Lạng Sơn nhận công tác. Khi đó, có chiến tranh biên giới, trường ta phải sơ tán từ huyện Hữu Lũng về huyện Bắc Sơn nên các thầy các cô không chỉ vất vả mang cái chữ từ miền xuôi lên miền ngược mà còn trải qua bao khó nhọc đi tìm tre nứa về làm lớp học, đóng từng chiếc bảng, từng bộ bàn ghế cho các học trò. Đầu những năm thập kỷ 80 cũng là mốc thời gian hoàn cảnh kinh tế nước ta vô cùng khó khăn, mỗi tháng lương của các thầy cô chỉ có 60 đồng nhưng một năm nhà nước vẫn chậm của các thầy từ 2 đến 3 tháng lương. Nhà nước có giải pháp là cấp đất cho giáo viên tự tăng gia sản xuất để hỗ trợ lương thực những tháng không có lương. Hằng ngày, sau khi dạy học xong, các thầy phải đi bộ 10 cây số qua đèo, qua suối để đến được nơi huyện cấp đất trồng sắn trồng ngô. Những ngày nắng chang chang, đường đầy bụi đất, còn những ngày mưa là đất bùn bết dính, chỉ bước chân thôi cũng khó nhọc, sang mùa rét nước suối buốt lạnh thấu xương, mùa nóng là lũ cuồn cuộn ập về bất chợt. Cuộc sống dạy học nơi núi cao rừng sâu miền biên giới thiếu thốn trăm bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm thế nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và trái tim đong đầy tình yêu với nghề với trường và học trò, các thầy vẫn bám trường bám lớp, bền bỉ cùng nhà trường vượt qua những tháng ngày gian khó để kiến tạo nên ngôi trường khang trang sạch đẹp, giàu truyền thống hôm nay.
Các thầy các cô tăng gia sản xuất sau giờ học
Đại hội Đoàn TNCS HCM trường CĐSP Lạng Sơn năm học 1987 - 1988
Tôi có tám năm tuổi nghề, sáu năm gắn bó với nhà trường, đó chưa phải là một hành trình dài nhưng tôi may mắn được nghe kể, được chứng kiến nhiều kỷ niệm về những người đồng nghiệp tận tụy với học trò, với nhà trường. Trong đó, khi nhớ về những trái tim thắp lửa, tôi luôn xúc động hồi tưởng về một kỷ niệm của cô giáo Nguyễn Thị Hợi – khi tôi có cơ hội phối hợp làm việc với Khoa Giáo dục Mầm non. Đó là một buổi chiều muộn mùa đông năm 2011, cô học trò nhỏ nói trong dòng nước mắt: “Cô ơi! Mẹ em sức khỏe yếu, bố em là lao động chính trong gia đình nhưng ba tháng nay bố em bị suy gan, suy thận phải nằm viện, bao nhiêu tiền của trong gia đình đều dồn vào chữa bệnh mà hôm qua bệnh viện vẫn trả bố em về, gia đình không thể giúp em theo học được nữa nên em xin cô cho em thôi học”. Khi đó, cô Hợi đã ân cần động viên và trích một phần lương để giúp đỡ học trò tiếp tục đến trường. Hành động của cô có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi bởi tôi biết thời điểm ấy, hai con cô còn nhỏ, bản thân cô giáo Hợi đang mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo, phải giành giật từng phút, từng giây của cuộc sống, hàng tháng cô phải chia đồng lương eo hẹp của mình làm 3 phần, phần để chăm sóc gia đình, phần lo đối nội đối ngoại, phần để chữa bệnh, thế mà cô vẫn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người học trò nghèo. Bây giờ, cô học trò năm xưa đã trưởng thành và dạy học ở một huyện trong tỉnh còn tôi chuyển về nhận công tác ở Phòng Khảo thí – Kiểm định chất lượng và Công nghệ thông tin nhưng cô Hợi đã để lại trong tôi và học trò ký ức sâu đậm, bài học sâu sắc về một cô giáo giàu ý chí, nghị lực, tận tụy, yêu nghề, yêu học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hợi và các đồng chí giáo viên khoa GD Mầm non (Cô Hợi đứng vị trí thứ 5 từ trái qua phải)
Ở trường chúng tôi, bên cạnh thầy Hưng, thầy Tuấn, cô Phin, cô Nhung, cô Hợi… còn có rất nhiều đồng nghiệp đều có chung nhiệt huyết tất cả vì học sinh thân yêu và tình yêu ấm áp, tha thiết với mái trường này. Trong một buổi sớm đến trường, nghe tiếng chổi tre xào xạc của chị Hoàng Thị Hiến, chúng ta sẽ cảm nhận ở chị một trái tim cũng đang thổn thức muốn góp sức mình vào sự nghiệp trồng người của nhà trường. Bất kể ngày nắng nóng hay gió rét cắt da cắt thịt, chị vẫn đến trường sớm hơn chúng tôi, và khi những tia nắng cuối ngày sắp tắt, chúng tôi tấp nập lấy xe để về thì chị vẫn lặng lẽ ở lại quét dọn hành lang, phòng học, sân lớn sân nhỏ, sân trong sân ngoài, đường đi lối lại đều có bàn tay của chị. Quét dọn xong sân trường, chị đi nhổ cỏ, tưới cây, chăm sóc bồn hoa cây cảnh. Mỗi lần đến trường, thấy trường lớp sạch đẹp và những bông hoa đua nhau khoe sắc. Lòng tôi lại lâng lâng một niềm vui khó tả. Tôi thầm cảm ơn chị, chị là người đã đem mật ngọt cho đời, chăm chỉ thầm lặng tô đẹp cho trường lớp. Công việc của chị là nguồn cổ vũ, động viên chúng tôi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thầy trò tôi thi đua dạy tốt, học tốt.
Chị Hiến âm thầm tô điểm mái trường
Kỷ niệm về những người đồng nghiệp của tôi đã phần nào tái hiện lại chặng đường năm mươi bảy năm xây dựng và phát triển của trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Năm mươi bảy năm đã trải qua với biết bao thế hệ đồng nghiệp người còn, người đã khuất, có người tóc đã điểm hoa râm, mỗi đồng chí phụ trách một công việc khác nhau, người làm công tác quản lý, người làm giáo viên trực tiếp giảng dạy, người làm tạp vụ nhưng trong trái tim của thế hệ hôm qua và của 161 cán bộ giảng viên hôm nay đều có chung ngọn lửa nhiệt huyết với học trò, là tình yêu thiêng liêng với mái trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Tôi may mắn được công tác dưới ngôi trường thân yêu này, mỗi ngày được làm việc và tiếp xúc với những đồng nghiệp có trái tim thắp lửa tôi lại tự nhủ sẽ nỗ lực để xứng đáng truyền thống và sứ mệnh của nhà trường, với niềm tin của học trò và sự cố gắng của biết bao thế hệ đồng nghiệp đã qua.
Trường CĐSP Lạng Sơn 57 xây dựng và phát triển