Trường CĐSP Lạng Sơn

https://bak16.lce.edu.vn


Lựa chọn và sử dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương

Lựa chọn và sử dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
Trong công cuộc cải cách giáo dục, việc đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp dạy học ở tất cả các cấp học, bậc học là mũi nhọn quan trọng nhằm đào tạo người lao động tự chủ, năng động, sáng tạo, giàu lòng nhân ái và đậm đà bản sắc dân tộc. Việc nghiên cứu và ứng dụng những phương pháp dạy học mới, kỹ thuật dạy học ở các trường sư phạm đã và đang được tiến hành. Những phương thức tiếp cận nội dung dạy học thông qua hứng thú, qua làm, vận dụng và ứng dụng vào thực tiễn ngày được khai thác một cách triệt để.
          Trong công cuộc cải cách giáo dục, việc đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp dạy học ở tất cả các cấp học, bậc học là mũi nhọn quan trọng nhằm đào tạo người lao động tự chủ, năng động, sáng tạo, giàu lòng nhân ái và đậm đà bản sắc dân tộc. Việc nghiên cứu và ứng dụng những phương pháp dạy học mới, kỹ thuật dạy học ở các trường sư phạm đã và đang được tiến hành. Những phương thức tiếp cận nội dung dạy học thông qua hứng thú, qua làm, vận dụng và ứng dụng vào thực tiễn ngày được khai thác một cách triệt để.
          Học phần Tâm lý học đại cương trừu tượng, chứa đựng nhiều thuật ngữ, khái niệm phức tạp. Lần đầu tiên sinh viên được tiếp cận với học phần này nên còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Vì vậy, việc dạy học gắn liền với thực tiễn, với kinh nghiệm sống của sinh viên là hết sức quan trọng và cần thiết. Vì vậy, chúng tôi tìm hiểu vấn đề "Lựa chọn và sử dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương" với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học, gắn liền giữa lý luận và thực tiễn, sử dụng vốn sống và kinh nghiệm của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc dạy học ở trường CĐSP.
1. Vài nét về thực trạng giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
          Tâm lý học có đối tượng nghiên cứu là các hiện tượng tâm lý, những hiện tượng đó xảy ra trong đầu óc con người nên người khác không thể trực tiếp nhận biết. Muốn nghiên cứu tâm lý phải dựa vào những biểu hiện bên ngoài như: cử chỉ, hành vi, lời nói, ánh mắt, nét mặt, sản phẩm của hoạt động.... Những biểu hiện này không phải lúc nào cũng phản ánh đúng, trung thực các hiện tượng tâm lý. Các hiện tượng tâm lý có quan hệ với nhau, chuyển hoá lẫn nhau, làm cho việc xác định chính xác về mặt định tính, định lượng hết sức khó khăn.
          Tâm lý học đại cương là học phần mang tính nghiệp vụ, giúp sinh viên hiểu được đặc điểm, bản chất, quy luật hình thành và phát triển tâm lý của con người. Hiểu được tâm lý người giúp sinh viên ứng dụng vào đời sống đồng thời hình dung ra bức tranh sinh động về việc tổ chức các hoạt động sư phạm trong tương lai.
          Ngay từ những ngày đầu học tập tại trường CĐSP, sinh viên đã làm quen với khoa học tâm lý hết sức trừu tượng, phức tạp. Việc lĩnh hội tri thức là một thách thức đối với sinh viên, làm thế nào để sinh viên có phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả là một vấn đề lớn. Với phương pháp học - tự học - tự nghiên cứu ở các trường chuyên nghiệp, với việc nghiên cứu các giáo trình khác nhau đã làm nhiều sinh viên “choáng váng”.  Đặc biệt, sinh viên gặp khó khăn nhiều hơn khi học Tâm lý học đại cương. Sinh viên phải thi lại, học lại hoặc có điểm tổng kết thấp hơn các học phần khác, khiến các em không khỏi bối rối, lo lắng. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi đã cố gắng gắn liền bài học với thực tiễn cuộc sống, với kinh nghiệm sống của sinh viên, hiệu quả đã được cải thiện nhưng chưa cao. Những năm gần đây, chúng tôi đã tìm ra nhiều phương án nâng cao chất lượng dạy học: sinh viên làm nhiều bài tập hơn, thực hành nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn,  tham gia trò chơi học tập…Đặc biệt, việc lựa chọn và sử dụng tục  ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương giúp cho nội dung bài học trở nên sống động hơn, tạo ra môi trường học tập tích cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học.
2. Vai trò của tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
2.1. Khái niệm tục ngữ, ca dao
2.1.1. Khái niệm tục ngữ
          Tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dân ta đã được đúc kết dưới hình thức tinh giản và xúc tích. Tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giới tự nhiên, xã hội và con người. Nói như Gorki "Tục ngữ diễn đạt rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội - lịch sử của nhân dân lao động, đồng thời tục ngữ cũng biểu hiện thái độ ứng xử và tình cảm của nhân dân đối với những vấn đề của cuộc sống”. Tục ngữ thể hiện một phần quan trọng của tư liệu khoa học dân gian và triết lý dân gian nhưng được chứa đựng dưới hình thức từng đơn vị lời nói. Tục ngữ không ngừng được sáng tạo, với thời gian có những câu đã mất đi, nhưng phần lớn tục ngữ có sức sống rất lâu bền trong trí nhớ và lời nói của nhân dân. Cho tới nay, chúng ta đã được thừa hưởng một tài sản quý báu gồm hàng ngàn câu tục ngữ mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo, gìn giữ và truyền lại.
            Để phân biệt giữa tục ngữ và thành ngữ, theo Vũ Ngọc Phan: “Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý - một nhận xét, một kinh  nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán, còn thành ngữ là một phần câu có sẵn, nó là một bộ phận của một câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó là không diễn được một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp một thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải là một câu hoàn chỉnh, còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng là một câu hoàn chỉnh”.
          2.1.2. Khái niệm ca dao
          Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán-Việt. Theo sách Mao truyện thì khúc hát có nhạc đệm theo lời là ca, còn hát trơn tru thì gọi là dao. Trong sách Cổ dao ngạn, bài “Phàm lệ” lại phân biệt thêm “ca và dao khác nhau ở chỗ dao có thể  là lời của nhiều bài ca”.
          Trước kia, người ta còn gọi ca dao là phong dao vì có những bài ca dao phản ánh phong tục của mỗi địa phương, mỗi thời đại. Ca dao có thể được ngâm, bài ca dao để hát thì bài ca dao sẽ biến thành dân ca. Vì vậy, có thể định nghĩa: Ca dao là một loại thơ dân gian có thể ngâm được như các bài thơ khác và có thể xây dựng được thành các điệu dân ca, còn dân ca là một câu hát đã thành khúc điệu.       
          Ca dao là một thể loại thơ trữ tình của văn học dân gian. Ca dao phản ánh lịch sử, miêu tả khá chi tiết phong tục, tập quán trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân lao động, nhưng trước hết là bộc lộ tâm hồn dân tộc trong đời sống riêng tư, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Từ cuộc sống lao động vất vả của nhân dân đã nảy sinh nhiều câu ca dao thể hiện các hình thức lao động và nghề nghiệp khác nhau, thể hiện tình yêu nam nữ, tình cảm vợ chồng, cha con, anh em, họ hàng... Có thể nói, ca dao phản ánh khá phong phú tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và hiện thực đời sống của nhân dân ta.
2.2. Vai trò của tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
          Tục ngữ, ca dao là một kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý báu của cha ông ta, được đúc kết từ ngàn đời nay qua lao động vất vả, qua cuộc đấu tranh quyết liệt với tự nhiên, với xã hội. Đó là những kinh nghiệm trong lao động sản xuất “ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”; kinh nghiệm về dự báo thời tiết “quá mù ra mưa”; kinh nghiệm đấu tranh với tự nhiên và xã hội “quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”.
          Tục ngữ, ca dao là bài học vô cùng quý giá về cách đối nhân, xử thế giữa con người với nhau trong đời sống tình cảm cộng đồng. Tục ngữ, ca dao còn chứa đựng những lời khuyên con cháu về thái độ đối với quê hương, đất nước, với thiên nhiên, với lao động và những người lao động. Tục ngữ, ca dao phản ánh sự quan sát tài tình về ngoại hình, hành vi con người để biết được đặc điểm tâm lý bên trong cũng như bản chất của họ. Tục ngữ, ca dao còn phản ánh sức mạnh kiên cường, ý chí của con người mang lại sự thành công trong cuộc sống…
Tục ngữ, ca dao phần lớn gắn liền với nội dung trong chương trình giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương. Nội dung tục ngữ, ca dao rất thâm thuý, cụ thể và tường minh, gần gũi với đời sống tâm lý con người, gắn liền và minh hoạ cho khoa học tâm lý hết sức hiệu quả.
3. Quy trình, cách thức lựa chọn và sử dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
3.1. Quy trình và cách thức lựa chọn tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
  3.1.1. Quy trình lựa chọn tục ngữ, ca dao
          Chúng tôi thường tiến hành theo các bước sau:
          Bước 1:  Hiểu và phân tích sâu sắc nội dung bài học.   
          Bước 2:  Tìm  và đọc những câu tục ngữ , ca dao có liên quan đến nội dung bài học.
          Bước 3: Phân tích nội dung câu tục ngữ, ca dao theo nhiều góc độ khác nhau
Bước 4: Lựa chọn câu tục ngữ, ca dao phù hợp nhất với nội dung bài học.
3.1.2. Cách thức lựa chọn tục ngữ, ca dao
   * Lựa chọn về nội dung: Có nhiều câu tục ngữ, ca dao cùng phản ánh nội dung một hiện tượng tâm lý hoặc một câu tục ngữ, ca dao phản ánh nhiều hiện tượng tâm lý khác nhau vì vậy giảng viên cần lựa chọn những câu có tính chất điển hình. Chẳng hạn: ảnh hưởng của tình cảm đối với nhận thức, chúng ta có thể lựa chọn những câu sau:
                                      “ Chẳng ưa thì dưa có dòi”
                                        “Yêu nhau cau sáu bổ ba
                                   Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười” 
                                      “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”
          Trong các câu trên thì câu “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” là điển hình nhất.
   * Lựa chọn một số lượng câu sử dụng phù hợp: Thời gian học trên lớp có hạn nên giảng viên nêu lên một câu điển hình để phân tích, có phê phán, đánh giá đầy đủ sẽ gây hứng thú cho sinh viên. Phải biết kết hợp việc sử dụng  tục ngữ, ca dao với các trích dẫn khác, giúp sinh viên độc lập suy nghĩ, tránh nhàm chán và phân tán chú ý. Do đó, nên kết hợp giữa tục ngữ, ca dao, văn thơ với thuyết trình một cách hợp lý để  nâng cao hiệu quả dạy học.
   * Lựa chọn thời điểm sử dụng: Giảng viên luôn luôn suy nghĩ thời điểm sử dụng một cách hiệu quả, chẳng hạn: tạo hoàn cảnh có vấn đề khi giảng một chương mới hoặc một phần mới, củng cố, ôn tập hoặc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
   * Yêu cầu lựa chọn:  Có thể giáo viên lựa chọn để đưa ra nhiệm vụ học tập cho học sinh hoặc  yêu cầu sinh viên sưu tầm những câu tục ngữ, ca dao phản ánh nội dung bài học (trước, trong hoặc sau khi học bài mới). Sau đó kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức Tâm lý học để giải thích các câu tục ngữ, ca dao; phân tích mặt đúng, sai của nội dung các câu tục ngữ, ca dao.
3.2. Cách thức sử dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
          Chúng tôi sử dụng các câu tục, ngữ ca trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương một cách cơ động và linh hoạt không theo một quy trình cụ thể, cứng nhắc. Tùy nội dung bài học, chúng tôi đưa ra các ý tưởng sử dụng tục ngữ, ca dao khác nhau nhưng tựu chung sử dụng tục ngữ, ca dao dựa theo hai con đường nhận thức cơ bản là quy nạp và diễn dịch. Cụ thể:
          *  Tạo hình huống có vấn đề khi lĩnh hội tri thức mới
          Việc tạo hình huống có vấn đề trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương là vô cùng quan trọng, góp phần kích thích hứng thú và tính tích cực nhận thức của sinh viên trong quá trình lĩnh hội tri thức mới. Sử dụng tục ngữ, ca dao trong việc tạo hình huống có vấn đề góp phần làm cho kiến thức bộ môn trở nên gần gũi với đời sống của sinh viên, dễ chấp nhận, dễ tiếp thu. Đồng thời huy động vốn hiểu biết, kích thích tư duy của sinh viên trong việc tiếp cận vấn đề mới của Tâm lý học.
          Chẳng hạn: Có thể  sử dụng  nội dung câu ca dao sau để dẫn nhập chương “Tâm lý học  là một khoa học”:
                             “Sông sâu còn có kẻ dò
                             Lòng người ai dễ mà đo cho cùng”
                   Hoặc   “Ở sao cho vừa lòng người
                       Ở rộng người cười ở hẹp người chê”
          Vậy “lòng người” ở đây được hiểu như thế nào cho đúng, cho đầy đủ? Thực chất “lòng người’ là gì? Làm thế nào để đo, hiểu, làm vừa “lòng người”? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cùng tìm hiểu chương Tâm lý học là một khoa học.
          * Giảng giải tri thức mới
          Sử dụng tục ngữ, ca dao trong việc giảng dạy vấn đề tri thức mới đối với học phần Tâm lý học đại cương có thể thông qua nhiều cách khác nhau.
       Khi bàn tới các thuộc tính cơ bản  của ý thức trong đó có khả năng tự ý thức của con người, có thể đưa ra câu “Cả giận mất khôn” để sinh viên phân tích, từ đó liên hệ với thái độ của bản thân (khả năng tự ý thức).
          Với hình thức này, chúng ta không nên quá lạm dụng đưa quá nhiều câu tục ngữ, ca dao vào bài giảng. Điều đó có thể dẫn tới sự phân tán chú ý của sinh viên hoặc sự nhàm chán trong quá trình dạy học.
          * Ôn tập, củng cố tri thức
          Để việc ôn tập có hiệu quả, chúng tôi đã sử dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cùng với những cách ôn tập khác, việc sử dụng tục ngữ, ca dao sẽ góp phần đa dạng hoá việc ôn tập tri thức Tâm lý học mà xưa nay sinh viên cho là khó, khô khan, trừu tượng. Khi ôn tập có thể đưa ra những tình huống tục ngữ, ca dao đơn giản như:
          Em hãy cho biết câu tục ngữ “trông mặt bắt hình dong” đề cập tới loại tri giác nào? Tại sao? Từ đó hướng dẫn sinh viên củng cố bài “tri giác”, đặc biệt là phần “các loại tri giác”?
          * Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên
          Sử dụng tục ngữ, ca dao để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Giáo viên có thể kiểm tra theo các mức độ kiến thức của Bloom như biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá. Đặc biệt phù hợp với hình thức tự luận được sử dụng tài liệu. Thông qua hình thức này sẽ phát triển khả năng tổng hợp, phân tích và tư  duy phê phán cho sinh viên.
          Ví dụ:
          - Ở mức độ biết, hiểu và phân tích với câu hỏi sau:
            Ca dao Việt Nam có câu:
“Năng mưa thì giếng năng đầy
Anh năng đi lại, mẹ thầy năng thương”
                Câu cao dao trên phản ánh quy luật nào của đời sống tình cảm? Tại sao? Hãy rút ra kết luận sư phạm trong công tác giáo dục học sinh.
          - Ở mức độ tổng hợp và đánh giá như:
                             “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”
          Có quan điểm cho rằng: Câu tục ngữ trên phản ánh quy luật về sự tác động lẫn nhau giữa các cảm giác nhưng cũng có quan điểm cho rằng phản ánh mức độ thấp nhất của tình cảm đó là màu sắc xúc cảm của cảm giác.
          Anh (chị) hãy nhận xét về các quan điểm trên.
4. Nguyên tắc lựa chọn và sử dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
          Lựa chọn và sử dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương đã tuân thủ  theo các nguyên tắc dạy học sau:
          - Kết hợp tính khoa học và tính tư tưởng: Đánh giá nội dung các câu tục  ngữ, ca dao dựa trên kiến thức Tâm lý học, từ đó phê phán những quan điểm duy tâm, siêu hình, phản khoa học. Đồng thời bồi dưỡng cho sinh viên văn  hoá thẩm mãy, văn hoá ứng xử của nhân dân ta.
          - Kết hợp lý luận và thực tiễn: Tục ngữ, ca dao là sự kết tinh những kinh nghiệm của cha ông về cuộc sống, sản xuất và con người, do đó việc sử dụng tục ngữ, ca dao trong dạy học cũng chính là góp phần thực hiện nguyên tắc này.
          -  Kết hợp tính trực quan và phát triển tư duy trìu tượng: Tri thức Tâm lý học  trừu tượng, khó hiểu, trong dạy học phải kết hợp việc sử dụng trực quan sinh động  qua những câu tục, ngữ ca dao hết sức cụ thể từ đó triển tư duy trừu tượng giúp sinh viên dễ hiểu và dễ nhớ bài học hơn.
          - Chú ý đặc điểm tâm sinh lý của sinh viên: Hiện nay, sinh viên năng động hơn, có nhiều nguồn tìm kiếm tài liệu khác nhau. Vốn sống của sinh viên không đồng đều đặc biệt việc hiểu nội dung, ý nghĩa của những câu tục ngữ, ca dao chưa triệt để. Vì vậy, trong giảng dạy, giảng viên cần gắn liền giữa vốn sống với tục ngữ, ca dao và những khái niệm tâm lý học phức tạp, trừu tượng giúp cho việc học tập của sinh viên hiệu quả hơn.
          - Thực hiện nguyên tắc kết hợp giữa vai trò chủ đạo của giáo viên và vai trò tự giác, tích cực của sinh viên: Đa số sinh viên đều có vốn tri thức ít nhiều về tục ngữ - ca dao nhưng khá nhút nhát trong việc thể hiện ý kiến của mình. Mặt khác, các em chưa biết cách sử dụng, vận dụng trong học tập và cuộc sống. Do đó trong quá trình giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương, chúng tôi thường sử dụng trò chơi học tập, kỹ thuật động não để kích thích tính tích cực của sinh viên, đồng thời động viên sinh viên mạnh dạn nêu lên quan điểm của mình. Nhiều câu tụ ngữ ca dao thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống tâm lý con người vì vậy, khuyến khích sinh viên chọn câu tục ngữ ca dao phù hợp nhất, điển hình nhất cho một nội dung kiến thức nào đó, giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu vốn tri thức Tâm lý hơn và hiểu sâu sắc hơn.
          - Thực hiện nguyên tắc vững chắc của tri thức, kỹ năng, kỹ xảo: chúng tôi tuân thủ theo 2 con đường nhận thức chung của loài người đó là quy nạp và diễn dịch.        
          Một là, yêu cầu sinh viên lựa chọn tục ngữ, cao dao rồi  phân tích để dẫn dắt sinh viên đến nội dung bài học.
          Hai là, phân tích nội dung bài học rồi yêu cầu sinh viên lựa chọn tục, ngữ ca dao để minh hoạ cho nội dung bài học đó.
          Ba là, đưa sinh viên vào các tình huống có vấn đề, dựa vào nội dung bài học yêu cầu sinh viên nhận xét, phê phán câu tục ngữ, ca dao.
   Với  nhiều phương thức khác nhau như vậy, làm cho sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng trong cuộc sống và trong học tập.
5. Lựa chọn tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương ở trường CĐSP Lạng Sơn
          Chúng tôi lựa chọn và sử dụng một số câu tục ngữ - ca dao điển hình cho các nội dung như sau:
Chương 1: Tâm lý học là một khoa học
-  Tâm lý người mang tính chủ thể:
                                      “Sống mỗi người mỗi nết
                                          Chết mỗi người mỗi tật”
- Tâm lý người mang bản chất xã hội lịch sử, hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển và biến đổi của lịch sử cá nhân, cộng đồng và dân tộc:
                                      “Trai khôn tìm vợ chợ đông
                                    Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”
- Tâm lý người giữ vai trò định hướng, điều chỉnh, giúp con người thích nghi với môi trường sống:
                                      “Muốn ăn thì lăn vào bếp”
- Nghiên cứu tâm lý người thông qua việc quan sát, đối thoại, lời ăn tiếng nói:                                               “Mua cá thì phải xem mang
                                    Người khôn xem lấy hai hàng tóc mai”.
                                      “ Chim khôn hót tiếng rảnh rang
                                       Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”.
Chương 2: Cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội của tâm lý người
- Vai trò của hoạt động đối với tâm lý người:
                                      “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
- Vai trò của giao tiếp đối với tâm lý người:
                                      “Trẻ lên ba cả nhà học nói”.
 Chương 3: Sự hình thành và phát triển tâm lý, ý thức
- Vai trò của ý thức:  “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”
- Ý thức không tham gia đầy đủ vào quá trình điều khiển, điều chỉnh hoạt động:
                                      “No bớt ngon giận mất khôn”
Chương 4: Hoạt động nhận thức
1- Cảm giác
- Ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau giữa các cảm giác:
           “Nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm”
- Vai trò định hướng ban đầu của cảm giác:
                         “ Trăm nghe không bằng một thấy”
- Cảm giác cung cấp nguyên liệu cho quá trình nhận thức cao hơn:
                             “Người khôn con mắt đen sì
                              Người dại con mắt chì nửa thau” .
                             “Nhìn mặt mà bắt hình dong
                             Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”.
2- Tri giác
 - Quan hệ bộ phận và quan hệ toàn vẹn trong tri giác:
                               “Người đẹp vì lụa lúa tốt vì phân”
- Quy luật  về tính có ý nghĩa của tri giác:
                                      “Xấu đều còn hơn tốt lỏi”
- Quy luật ảo giác:                   “ Nhìn gà hoá cuốc”
- Vai trò của tri giác:            “Người ta đi cấy lấy công
                                      Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
                                       Trông trời, trông đất, trông mây
                             Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm…”
3- Tư  duy
- Tư duy có quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính:
                             “Xem trong bếp biết nết đàn bà”
- Tư duy mang bản chất xã hội lịch sử, dựa vào kinh nghiệm của con người:
                             “Mẹ dạy con khéo, bố dạy con khôn”
- Tư duy giúp con người nhận thức, sáng tạo và cải tạo hiện thực, bản thân:
                                     “Ba năm ở với người đần
                             Chưa bằng một lúc ghé gần người khôn”.
4- Tưởng tượng
-  Phương pháp chắp ghép:
                             “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
- Phương pháp thay đổi kích thước, số lượng sự vật hiện tượng:
                                 “Lỗ mũi mười tám gánh lông
                             Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho”.
- Phương pháp nói ngược (nhấn mạnh)
                               “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
                         Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.
                                  Bao giờ cây cải làm đình
                           Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta”.
- Phương pháp sử dụng ngôn ngữ hình tượng hoá:
                                       “Ước gì sông rộng bằng gang
                                Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.
Chương 5: Trí nhớ
                                      “Anh đi anh nhớ quê nhà
                                Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.
                                      Nhớ ai dãi nắng dầm sương
                               Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.
                                       “Thuyền về có nhớ bến chăng
                                  Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.
                                      “Nhớ gì như nhớ thuộc lào
                                  Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.
Chương 6: Tình cảm và ý chí
- Quy luật thích ứng của tình cảm:   “Xa thương gần thường”
- Quy luật di chuyển của tình cảm:  “Giận cá chém thớt”
-  Quy luật lây lan của tình cảm:  “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”
- Quy luật pha trộn của tình cảm :
                                                       “Ớt nào mà ớt chẳng cay
                                                Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”.
- Quy luật hình thành tình cảm:
                                          “Dao năng liếc thì sắc
                                          Người năng chào thì quen”.
                                        “Năng mưa thì giếng năng đầy
                                   Anh năng đi lại, mẹ thầy năng thương”.
- Tình cảm thẫm mỹ:
                                         “Cơm trắng ăn với chả chim
                                      Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no”.
-   Sự nỗ lực của ý chí để đạt mục đích :
                                      “Lửa thử vàng gian nan thử sức”.
-  Tính kiên trì của ý chí:
                                      “Trăm hay không bằng tay quen”
Chương 7: Nhân cách và sự hình thành phát triển nhân cách
- Tính cách:           “Cái nết đánh chết cái đẹp”
- Khí chất:                      “Thẳng như ruột ngựa”
- Năng lực
                                      “Nói ngọt thì lọt đến xương”
- Quan niệm duy tâm về sự hình thành và phát triển nhân cách:
                                      “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”
- Vai trò của di truyền đối với sự hình thành và phát triển nhân cách:
                                      “Con ai mà chẳng giống cha
                                   Cháu ai mà chẳng giống bà giống ông”.
- Vai trò của môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân cách
                                      “ Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”
- Vai trò của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách
                                      “Không thầy đố mày làm nên”
                                      “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
                                      “Có chí thì nên”
                            
          Tóm lại, việc lựa chọn và sử dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy các môn khoa học xã hội nói chung và môn Tâm lý học nói riêng có một ý nghĩa thiết thực. Sinh viên được gắn liền giữa kinh nghiệm sống và tri thức khoa học, giữa lý luận và thực hành, đảm bảo giáo dục thái độ và tình cảm cho sinh viên. Biện pháp đó có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, cố gắng của sinh viên và tài năng sư phạm của giáo viên. Chính vì vậy, giảng viên phải luôn trau dồi thêm những hiểu biết về kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam. Đặc biệt phải biết cách khai thác, chọn lọc và phân tích ý nghĩa của chúng để sử dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong các bài học. Giảng viên cần kết hợp việc sử dụng tục ngữ, ca dao với các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khác. Ngoài ra, việc sử dụng kết hợp  tục ngữ, ca dao thông qua hoạt động ngoại khóa của sinh viên cũng mang lại hiệu quả không nhỏ. Nếu làm được như vậy,  hoạt động dạy học học phần Tâm lý học đại cương thực sự  gắn liền với đời sống của sinh viên.
 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Bùi Thị Tuyết Mai, 2004 - Sử dụng kết hợp các câu tục ngữ - ca dao trong dạy học môn Tâm lý ở trường CĐSP - Khoá luận tốt nghiệp.
2. Nguyễn Hữu Long, 1997 - Đi tìm bức tranh tam lý trong kho tàng tục ngữ Việt Nam - Tạp chí nghiên cứu giáo dục.
3. Nguyễn Hữu Long, 1997- Ca dao tình yêu lứa  đôi trong dạy học môn Tâm lý - Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.
4.  Nguyễn Quang Uẩn - 2005 - Giáo trình Tâm lý học đại cương - Nhà xuất  bản Đại học sư phạm.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/29-03-2024_5d57af5e2601a59b0a59a748dec0d7a7.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)