Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Bước đầu khảo sát motif loạn luân trong truyện kể dân gian Việt Nam

Thứ tư - 25/05/2016 06:11
Bước đầu khảo sát motif loạn luân trong truyện kể dân gian Việt Nam
 
Tóm tắt:
            Motif loạn luân là một trong những motif khá phổ biến trong truyện kể dân gian Việt Nam. Nó được xem như một công thức nghệ thuật đặc sắc, có vai trò quan trọng trong toàn bộ kết cấu type truyện, góp phần thể hiện một cách nhìn sâu sắc của dân gian về thời kì hôn nhân huyết thống trong lịch sử quá vãng. Trong bài viết, tác giả xây dựng khái niệm công cụ “motif loạn luân” và trình bày những kết quả bước đầu khảo sát về motif này trong truyện kể dân gian Việt Nam.

The initial results of the Incest Motif in Vietnamese folk stories: Incest is one of the common motifs within Vietnamese folk stories. The motif is considered a great art formula which plays a crucial role in the whole structure of the story type and contributes in to true and lively “bloodline marriages” in the past. The author builds a new tool concept “incest motif” and presents the initial results on it, in Vietnamese folk stories. 

Nghiên cứu văn học dân gian theo hướng tiếp cận từ góc độ type và motif từ lâu đã trở thành một trong những khuynh hướng nghiên cứu khả dụng trong việc bóc tách, lý giải những tầng bậc cấu trúc trong chỉnh thể của tác phẩm tự sự dân gian. Ở nước ta, hướng nghiên cứu này đã gặt hái nhiều thành công nhất định trong thời gian qua.
Vấn đề motif loạn luân trong truyện kể dân gian ở Việt Nam và thế giới trong những năm gần đây tuy đã được lưu ý, đặt ra nhưng có thể nói nó vẫn còn ở phạm vi một tác phẩm xác định hay một số tác phẩm nằm trong cùng hệ thống thể loại, chứ chưa trở thành một đối tượng nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu một cách chính thức, hoàn chỉnh.
Do khuôn khổ, bài viết này chỉ trình bày những kết quả bước đầu khảo sát về motif loạn luân trong truyện kể dân gian với tư cách như một đối tượng nghiên cứu hoàn chỉnh. Đó cũng là cơ sở khoa học để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu với sự kỳ vọng về một bức tranh tổng thể mang tính hệ thống của motif này trong truyện kể dân gian mà hiện nay vẫn còn đang bỏ ngỏ.
1. Khái niệm motif loạn luân
Trong nghi lễ vòng đời, hôn nhân vẫn được xem là một nghi lễ quen thuộc và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mỗi người. Nó không chỉ đánh dấu mốc trưởng thành của đời người mà còn mang theo khúc ca bất diệt về sự “tái tạo” và duy trì nòi giống. Hiện thực của đời sống hôn nhân đã vẽ nên bức tranh muôn màu muôn vẻ và tôn vinh đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc qua nhiều chuyện kể được lưu truyền ở các vùng miền cho đến tận ngày nay.
Ngược dòng thời gian, trở về cái thuở “cá cua chưa thấy mặt người”, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra bức tranh toàn cảnh về các hình thức từ  hôn nhân hồn tạp đến hôn nhân huyết thống của buối bình minh của loài người; từ hôn nhân ngoại tộc đến hôn nhân từng cặp riêng rẽ; từ hôn nhân một vợ một chồng đến hôn nhân “đa thê thiếp”; từ môn đăng hộ đối đến trai tài gái sắc... Trong số đó, hình thức hôn nhân huyết thống - loạn luân với tư cách là motif nổi bật.
   Motif chính là phần tử đơn vị cấu tạo lên cốt truyện (đơn vị của type). Trong trường hợp truyện có một motif thì motif đó được xem như type. Trong truyện kể dân gian, type là những cốt kể độc lập. Vì thế, truyện nào được kể với một cốt kể độc lập, dù đơn giản chỉ với một motif hay phức tạp khi chứa đựng rất nhiều motif đều được coi là type.
Meletinsky trong quyển Thi pháp của huyền thoại, phần Suy nguyên luận của thực thể xã hội, đã đưa ra nhận xét mang tính đúc kết về sự hình thành xã hội loài người là dựa trên cơ sở vi phạm cấm kỵ về loạn luân. Có nghĩa là sự giằng co giữa hai hình thức hôn nhân nội tộc và ngoại tộc. Một bên muốn giữ cho mình thế ưu thắng trong lợi ích vật chất, phần còn lại là sự cố gắng thoát ra khỏi những cấm kỵ đó. Theo đó, khái niệm loạn luân theo cách hiểu thông thường, tức là cách hiểu thiên về xã hội học hiện đại của thời đại chúng ta được tác giả lưu ý như sau:“...Từ loạn luân ở nghĩa đen, như người thời nay hiểu, là có quan hệ tình dục hat kết hôn giữa bố mẹ và con cái, giữa các chị em ruột, nghĩa là loạn luân trong một “tiểu gia đình”, nó hẹp hơn cách hiểu loạn luân trong xã hội kể đại”. [5,262]. Lý giải về hệ thống phân chia họ hàng trong quan niệm của người kể đại, tác giả cho rằng: “Mẹ ở đây không chỉ là mẹ đẻ mà còn bao hàm cả các chị em gái của mẹ hay vợ của các em trai của bố, chị em gái không chỉ là các chị em ruột mà còn là các chị em họ...trong phạm vi bên bố hoặc bên mẹ. Danh sách về họ hàng thân thuộc không nói đến mối quan hệ máu mủ theo cách hiểu hoàn toàn sinh học mà nói đến thuộc tính của một nhóm người nhất định, đến một tầng lớp những người thuộc họ hàng thân thích hay cùng một thuộc tính. Theo một trật tự như vậy, sự loạn luân trên thực tế có nghĩa là sự vi phạm chế độ ngoại hôn (chế độ kết hôn với người ngoài thị tộc) và chính hàng loạt những truyện về mối quan hệ loạn luân giữa các anh trai và em gái ruột hay giữa con trai và mẹ (kiểu huyền thoại Oedipe) đã phản ánh chính sự vi phạm chế độ ngoại hôn này” [5,262].
Do xuất phát từ điểm nhìn của huyền thoại học nên quan điểm của Meletinsky và cách giải thích phân tâm học của Freud (trong Vật tổ và cấm kỵ) gần như không tìm được điểm tương đồng. Meletinsky đã tỏ ra  không đồng tình với quan niệm của học giả người Áo. Và, ông phê phán như sau: “Chính vì điều này (sự vi phạm chế độ ngoại hôn - chúng tôi nhấn mạnh)  hàm ý rằng sự khởi đầu của xã hội trong huyền thoại còn được hiểu gián tiếp, được sưởi ấm bằng các kiểu quan hệ máu  mủ sinh học và không được đối chiếu với cách nghĩ hiện đại, và ở ý nghĩa này, chúng được nhập làm một. Chính vì thế mà thật ra dù có quan hệ với mặc cảm Oedipe theo thuyết Freud thế nào đi chăng nữa (có nghĩa là thừa nhận hay không thừa nhận  nhóm truyện đó như là sự lặp lại một cách bệnh hoạn tình dục trẻ em), thì quan niệm thuần túy mang tính sinh học về nguồn gốc thực thể xã hội trong cuốn Vật tổ và cấm kỵ không thể được coi là thỏa đáng” [5,262].
Như vậy, trên cơ sở tiếp thu quan niệm của Meletinsky, chúng tôi hiểu khái niệm loạn luân trong truyện kể dân gian như sau: Motif loạn luân là motif có chứa các tình tiết quan hệ xác thịt hay hôn nhân giữa những người có quan hệ huyết thống trực hệ (cha mẹ với con cái), hay đồng hệ (anh em ruột với nhau), hay những người có quan hệ họ hàng gần gũi bên cha hoặc mẹ (cô, chú, dì, dượng, cậu, mợ...).
2. Khảo sát motif loạn luân qua tư liệu truyện kể dân gian
2.1. Phạm vi khảo sát: Chúng tôi tiến hành khảo sát motif trên những văn bản truyện kể của người Kinh và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được tuyển chọn, giới thiệu phổ biến hiện hành. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ trung thành với các tư liệu hiện có.
2.2. Các tiêu chí khảo sát:
- Tiêu chí thể loại: văn bản khảo sát phải là tự sự dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích…), không nằm ngoài phạm vi khảo sát.
- Tiêu chí nội dung: văn bản khảo sát phải chứa motif loạn luân phù hợp với phần giới thuyết khái niệm của chúng tôi ở phần trên.
- Tiêu chí nhân vật: các nhân vật thuộc motif loạn luân phải là nhân vật chính (NVC), đóng vai trò quyết định trong sự vận hành và kết thúc của truyện.
2.3. Kết quả:
TT Tên truyện Dân tộc MQH loạn luân Thể loại Thuộc type
1 Bok Kơi Dơi - Bok Sơgor Ba Na Anh - em Thần thoại Hai vợ chồng khổng lồ khai phá, kiến tạo mặt đất.
2 Truyện ông bà trống Ba Na Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
3 Hồng Thủy Ba Na Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
4 Vợ chồng trời đất Cao Lan Anh - em Thần thoại Hai vợ chồng khổng lồ khai phá, kiến tạo mặt đất.
5 Nguồn gốc loài người Cơ Tu Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
6 Dạ dờng (Nước lớn) Cơ Ho Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
7 Ông Sấm, mụ Sét Cơ Ho (Xrê) Anh - em Thần thoại Sự tích các vị thần
8 Núi Lang Biang và nguồn gốc của các dân tộc ở Việt Nam Cơ Ho (Chil) Anh - em Thần thoại Hai vợ chồng khổng lồ khai phá, kiến tạo mặt đất.
9 Sự tích về tổ tiên các dòng họ Châu Mạ Cặp Anh - em, Chị - em Thần thoại Hai vợ chồng khổng lồ khai phá, kiến tạo mặt đất.
10 Nai Krao Chao Phò Chăm Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
11 Sự tích sấm, sét Chu Ru Anh - em Truyện cổ tích Giải thích phong tục, tập quán...
12 Chang Lôcô - Phu Hay (1) Dao Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
13 Chang Lôcô - Phu Hay (2) Dao Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
14 Chang Lôcô - Phu Hay (3) Dao Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
15 Nguồn gốc các dòng họ dân tộc Dao Dao Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
16 Quả bầu vàng Ê Đê Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
17 Nước ngập trời Giáy Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
18 Bà mẹ của trăm con Hà Nhì Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
19 Truyện quả bầu Hà Nhì Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
20 Đất mẹ Na Ma À Mé Hà Nhì Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
21 Nguồn gốc các dân tộc Hà Nhì Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
22 Sự tích con người và chim gò sóng Hà Nhì Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
23 Hồng thủy Hmông Chị - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
24 Nạn hồng thủy Hmông Chị - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
25 Vườn địa đàng (2) Hmông Chị - em Thần thoại Nguồn gốc các dân tộc
26 Sự tích hình thành loài người Khơ Me 12 cặp Anh - em Thần thoại Nguồn gốc các dân tộc
27 Nguốn gốc vũ trụ và muôn loài (2) Khơ Me Các cặp Anh - em Thần thoại Nguồn gốc các dân tộc
28 Truyện quả bầu Khơ Mú Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
29 Quả bầu mẹ Khơ Mú Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
30 Truyện thần núi Vọng Phu Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
31 Sự tích đá Vọng Phu Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
32 Sự tích hòn Vọng Phu Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
33 Hòn Vọng Phu Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
34 Sự tích đá Bà Rầu Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
35 Nàng Tô Thị Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
36 Nàng Tô Thị (1) Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
37 Nàng Tô Thị (2) Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
38 Thai Dương thần nữ Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
39 Vọng phu Kinh Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
40 Khau Lư, Vọng Phu ở về Lạng Sơn Kinh Anh - em Truyền thuyết Truyền thuyết địa danh
41 Truyền thuyết về xóm Gà Kinh Chị - em Truyền thuyết Truyền thuyết địa danh
42 Ông Đùng bà Đà Kinh Chị - em Truyền thuyết Giải thích phong tục, tập quán...
43 Nạn lụt Lô Lô Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
44 Sáng tạo loài người Lô Lô Anh - em (2 người nam và nữ không có cha mẹ nhưng truyện cho biết họ đều do Kếtdơ và Cagie nặn từ đất mà nên, do đó xét đến cùng vẫn là anh em) Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
45 Hồng thủy (2) Lô Lô Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
46 Rum Rúp Rau I Mạ Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
47 Rum Rúp Rau VII Mạ Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
48 K’Đòng và Ka Ròng Mạ Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
49 Nguồn gốc các dân tộc Mảng Anh - em Thần thoại Nạn lụt và tổ tiên của loài người
50 Nguồn gốc loài người Mảng Anh - em Thần thoại Nạn lụt và tổ tiên của loài người
51 Nguồn gốc người Mảng Mảng Anh - em Truyền thuyết Sự hình thành dân tộc
52 Sự tích suối Gium Bai và sông Gium Na Mảng Anh - em Thần thoại Nạn lụt và tổ tiên của loài người
53 Hai anh em Ndrok và Ok Mơ Nông Anh - em Truyện cổ tích Giải thích phong tục, tập quán...
54 Chuyện kể theo Mo: Đẻ đất đẻ nước” Mường Anh - em Thần thoại Nguồn gốc các dân tộc
55 Đá trông chồng Nùng   Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
56 Nguồn gốc loài người Phù Lá Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
57 Sự tích người Phù Lá nói nhanh Phù Lá Anh - em Thần thoại Nạn lụt và tổ tiên của loài người
58 Cơi Masrĩh Mỏq Vila Raglai Anh - em Thần thoại Nạn lụt và tổ tiên của loài người
59 Nguồn gốc loài người (Kay Misiriq và Muq Pila) Raglai Anh - em Thần thoại Nạn lụt và tổ tiên của loài người
60 Mở trười dựng đất Sán Dìu Chị - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
61 Nguồn gốc người Tà Ôi Tà Ôi Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
62 Nước ngập trời Tày Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
63 Phú Lương Quân Tày Anh - em (người con trai và người con gái đều do trời sinh ra nên xét đến cùng vẫn là anh em) Truyền thuyết Sự hình thành dân tộc
64 Đá trông chồng Tày Anh - em Truyện cổ tích Sự tích đá vọng phu
65 Hồng thủy Thái Các cặp Anh - em Thần thoại Nạn lụt và tổ tiên của loài người
66 Hồng Thủy Thái Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
67 Truyện Ải Cắp - Ý Kèo Thái Anh - em
 
Thần thoại Hai vợ chồng khổng lồ khai phá, kiến tạo mặt đất
68 Pù Cấp và Nhạ Ké Thái Anh - em Thần thoại Nạn lụt và tổ tiên của loài người
69 Quả bầu mẹ Thái Anh - em
 
Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
70 Nước lụt Thái Anh - em
 
Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu
71 Lịch sử đất Điện biên Thái Anh - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
72 Nguồn gốc các dân tộc Xơ Đăng Chị - em Thần thoại Nạn lụt và sự tái tạo loài người
73 Nguồn gốc loài người Xtiêng Anh - em (người con trai và người con gái đều hiện ra từ một tảng đá vỡ, do đó xét đến cùng vẫn là anh em) Thần thoại Nguồn gốc loài người
74 Nguồn gốc  họ B’yung Đrên và họ B’yung Ro Xtiêng Anh - em Thần thoại Nguồn gốc tộc người
 
         
2.4. Nhận xét:
Về số lượng, căn cứ vào kết quả thống kê, phân loại ở trên, có thể thấy motif loạn luân khá phổ biến trong truyện kể dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ vào đó chúng tôi thấy được, tương quan về số lượng truyện kể chứa motif loạn luân của các dân tộc anh em không đồng đều. Loại bỏ yếu tố giống nhau về cốt truyện, chúng tôi thấy dân tộc Kinh có tới 13 truyện; dân tộc Thái có 07 truyện; dân tộc Hà Nhì có 05 truyện... nhưng rất nhiều dân tộc chỉ có 1 truyện như: Cao Lan, Chăm, Ê Đê, Xơ Đằng, Giáy, Mường, Mơ Nông, Nùng, Sán Dìu, Tà Ôi... Chắc chắn số lượng truyện mà chúng tôi khảo sát được chỉ mang tính tương đối. Nhưng có thể khẳng định, rất nhiều dân tộc có truyện đại diện cho dân tộc mình (29/54 dân tộc chiếm 54%). Điều đó nói lên tính phổ biến của vấn đề này, đồng thời cũng cho thấy những nét tương đồng về văn hóa, sự ảnh hưởng qua lại về đời sống tinh thần giữa các dân tộc, giữa các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam.
Về thể loại, motif loạn luân tập trung chủ yếu ở mảng thần thoại suy nguyên nói chung (53 truyện chiếm 72%) với nhóm truyện nổi bật lên là “Nạn lụt và sự tái tạo loài người”, ở truyền thuyết (05 truyện chiếm 7%) gắn với kiểu truyện “lí giải địa danh” đến truyện cổ tích (16 truyện chiếm 21%), motif loạn luân chủ yếu đọng lại ở kiểu truyện “đá Vọng Phu”.
Về nội dung, trong những truyện mà chúng tôi khảo sát, các tác giả dân gian đã đưa ra những cách giải thích khác nhau, bằng các hình thức hôn nhân loạn luận khác nhau: hôn nhân đồng huyết anh - em và chị - em, kèm theo đó là thái độ của cộng đồng với những hình thức hôn nhân được phản ánh trong truyện. Có thể thấy, bốn hình thức hôn nhân loạn luân cơ bản: Hôn nhân tự nguyện là cuộc hôn nhân do chính người trong cuộc đồng ý, không có sự can thiệp của những nhân vật hay yếu tố khác. Hôn nhân sau thăm dò (có yếu tố ma thuật) là cuộc hôn nhân chỉ được tiến hành sau khi đã trải qua những “phép thử” do thần linh hoặc nhân vật khác chỉ bảo và hướng dẫn. Hôn nhân do nhầm lẫn là cuộc hôn nhân được tiến hành sau một thời gian dài xa cách của hai người trong cuộc. Còn, hôn nhân bị cấm đoán là cuộc hôn nhân không được cộng đồng chấp nhận, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.
Tóm lại, motif loạn luân là dấu vết của một thời kì hôn nhân huyết thống còn phổ biến. Nó thể hiện một cách sâu sắc cách nhìn của dân gian về các sự kiện của đời sống xã hội. Qua thời gian, những dạng thức của hình tượng, những ý nghĩa của motif cũng đã thay đổi với quan niệm khác nhau về hôn nhân trong lịch sử. Ở thần thoại, motif loạn luân tôn vinh hành động lấy nhau, để duy trì nòi giống với chủ đề giải thích nguồn gốc tộc người. Thì, bước sang truyện cổ tích, motif này có ý nghĩa phê phán, lên án những hành động sai lầm của con người.
Tài liệu tham khảo chính:
1. Trần Thị An, Nghiên cứu văn học dân gian dưới góc độ Type và Motif - những khả thủ và bất cập, Tạp chí Nghiên cứu Văn học (7), H.2008.
2. Nguyễn Tấn Đắc, Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, Nxb Khoa học Xã hội, H. 2001.
3. Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.1974.
4. E.B.Taylor, Văn hóa nguyên thủy, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H.2000.
5. E.M.Meletinsky. Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2004.
6. Đinh Gia Khánh (Chủ biên), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, H.2000.
7. Phan Đăng Nhật, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trước Cách mạng tháng Tám 1945), Nxb Văn hóa, H.1981.
8. Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.1983.
 
Tác giả: Đặng Thế Anh (CĐSPLS), Phạm Thị Hà (Trường CĐKT Lý Tự Trọng Tp HCM)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/13-11-2024_61849053e00d39a9798bf8514626ae17.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)