Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Nhìn nhận mô hình trường học mới bậc THCS từ góc độ giảng viên sư phạm (những thách thức và yêu cầu mới)

Thứ năm - 10/03/2016 22:49
Sự phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã đặt ra cho toàn xã hội Việt Nam, mà trước hết là cho hệ thống giáo dục, nhiệm vụ phải đào tạo ra những con người năng động, sáng tạo, có đủ năng lực và phẩm chất để dẫn dắt sự phát triển xã hội.
Định hướng cho đổi mới giáo dục và đào tạo, ngày 02/11/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt         Nam giai đoạn 2006 - 2020. Ngày 4/11/2013, Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 8 khóa XI đã ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 28/11/2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quyết định số 44/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam...
Nhiệm vụ ấy đòi hỏi hệ thống giáo dục Việt Nam phải thay đổi căn bản để đáp ứng những yêu cầu mới, hết sức coi trọng vấn đề con người và cơ sở vật chất. Con người trong hệ thống giáo dục chính là đội ngũ giáo viên, giảng viên và đội ngũ quản lí giáo dục nói chung. Những yêu cầu cơ bản về con người Việt Nam thời kỳ mới căn bản đã được xác lập, “mẫu đặt trước” của xã hội cho giáo dục và đào tạo đã được công bố.
Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở khái lược mô hình trường học mới (THM) bậc THCS chúng tôi đề xuất một số việc cần làm ngay cho giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (CĐSPLS) nói riêng nhằm đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

1. Khái quát về thực nghiệm mô hình THM bậc THCS
Từ năm học 2011 - 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình THM đối với bậc tiểu học. Mục tiêu cụ thể là đổi mới đồng bộ các hoạt động sư phạm trong nhà trường; bảo đảm cho học sinh được tự quản, tự tin trong học tập, chiếm lĩnh được kiến thức, kỹ năng qua tự học và hoạt động tập thể; phù hợp với điều kiện về năng lực đội ngũ giáo viên, thiết bị giáo dục của hầu hết các trường học Việt Nam, đồng thời có giải pháp thu hút các gia đình và cộng đồng tích cực tham gia cùng nhà trường thực hiện chức năng giáo dục. Sau 03 năm triển khai, mô hình THM ở bậc tiểu học đã khẳng định tính tiên tiến và tương đối phù hợp với mục tiêu đổi mới, đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh THCS học theo mô hình THM, nhất là những học sinh đã học theo mô hình THM cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo 6 tỉnh (Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kon Tum) triển khai thực nghiệm thành công mô hình ở 48 lớp 6 của 24 trường THCS. Từ năm học 2015 - 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực điểm mô hình THM ở lớp 7 tại 6 tỉnh nói trên với các học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 6; đồng thời nhân rộng chương trình lớp 6 ra 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (trong đó có tỉnh Lạng Sơn). Hiện nay đã có hơn 1600 trường THCS đăng kí tham gia triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6 năm học 2015 - 2016.

2. Đặc điểm nổi bật của mô hình THM bậc THCS
Mô hình THM bậc THCS được triển khai dựa trên sự phối hợp giữa hoạt động học tập cá thể với sự tương tác học sinh - học sinh và học sinh - giáo viên; hướng học sinh đến sự phát triển toàn diện, không chỉ hoạt động lĩnh hội kiến thức mà còn rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế sinh động, năng lực tự học, kỹ năng sống, tự phục vụ bản thân, tự quản tập thể, bồi dưỡng hứng thú học tập để học tập suốt đời.
Mô hình THM bậc THCS chú trọng phát huy năng lực riêng của từng học sinh, không ứng xử một cách đồng loạt bằng cách quan tâm đến từng học sinh ngay trong quá trình học, kịp thời động viên kết quả đạt được, phát hiện những điểm mạnh để khuyến khích, những khó khăn để hướng dẫn, trợ giúp; đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh theo yêu cầu giáo dục, không so sánh học sinh này với học sinh khác.
Những đặc điểm nổi bật của mô hình THM bậc THCS hiện nay là:
- Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Học sinh tự thiết lập tiến độ và các bước đi cho quá trình học tập, với một chương trình tự học theo từng bước và tăng cường sự ưu việt của hoạt động nhóm. Học sinh được khuyến khích, tạo cơ hội tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, đặc biệt là hoạt động theo nhóm và tự học. Từ đó, các em có thể khám phá và chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng mới; đồng thời phát triển nhiều phẩm chất và năng lực quan trọng như: tính chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, năng lực tư duy phê phán và tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác. Giáo viên tận dụng khả năng tổ chức các hoạt động để giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng vào cuộc sống.
- Tài liệu hướng dẫn học tập được thiết kế theo 03 hoạt động chính (cơ bản - thực hành - ứng dụng); dùng chung cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Trong tài liệu, cấu trúc các hoạt động học tập theo các chủ đề; cung cấp kiến thức học kết hợp hướng dẫn phương pháp, hình thức học và phương pháp tư duy; nội dung học lồng ghép với các bước của các hoạt động học tập.
- Giáo viên duy trì một môi trường học tập cởi mở, thân thiện, hiệu quả và đóng vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến  thức của học sinh. Thông qua tổ chức các hoạt động của Hội đồng tự quản học sinh, góc học tập, góc cộng đồng,… và hoạt động nhóm để hỗ trợ tích cực cho học tập và giáo dục học sinh. Từ đó học sinh được tự chủ, có trách nhiệm với hoạt  động học tập của mình; rèn luyện, phát triển khả năng giao tiếp và lãnh đạo; nâng cao các phẩm chất và phong cách con người.
- Nhà trường thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh và cộng đồng, trong đó các thành viên của gia đình được tham gia vào quá trình giáo dục và các dự án học tập tại cộng đồng.
- Đánh giá học sinh thường xuyên theo quá trình học tập nhằm kiểm tra và hướng dẫn phương pháp học tập có hiệu quả cho học sinh. Coi trọng việc học sinh tự  đánh giá, đánh giá lẫn nhau và đánh giá của cha mẹ học sinh, cộng đồng. Kết hợp đánh giá kiến thức, kỹ năng với đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh.
- Giáo viên có vị trí mới, được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ và năng lực nghề nghiệp, đáp ứng vai trò quan trọng là người hướng dẫn, tổ chức và quyết định trong các hoạt động học tập, giáo dục, đánh giá học sinh và phối hợp  với cha mẹ học sinh và cộng đồng.

3. Một số yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng giảng viên cao đẳng đáp ứng mô hình THM bậc THCS
Trong việc phát triển đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục Việt Nam nói riêng, đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định bởi “Thành công của các cuộc cải cách giáo dục phụ thuộc dứt khoát vào ý chí muốn thay đổi cũng như chất lượng giáo viên. Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó” [1]. Luật giáo dục Việt Nam cũng khẳng định “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục” [4]. Do vậy, để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và cơ cấu thực sự trở thành cấp bách hiện nay.
3.1. Quán triệt và thực hiện tốt định hướng mục tiêu “đổi mới căn bản, toàn diện”
          Mỗi GV phải xuyên suốt mục tiêu đổi mới và phát triển giáo dục, từ đó mới xác định đúng tư tưởng, thái độ, lựa chọn đúng nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học... ý thức rõ sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược trong các nội dung và giải pháp đối với các nhiệm vụ được nhà trường giao phó. Muốn vậy, GV cần ghi nhớ những yêu cầu cụ thể sau đây:
          - Chuẩn hóa về trình độ chuyên môn (học vấn), về nghiệp vụ sư phạm, về phẩm chất tư cách đạo đức
          - Hiện đại hóa bản thân bằng cách tự học, tự nghiên cứu, luôn cập nhật tri thức mới; Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu.
          - Xã hội hóa bằng cách đa dạng hóa hình thức tự học, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
          - Có trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực, quốc gia, quốc tế.
3.2. Đổi mới tư duy và hoạt động ở bản thân mỗi giảng viên sư phạm
Cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của các trường sư phạm nói chung, CĐSPLS nói riêng với tư cách tổ chức giáo dục và nghiên cứu khoa học là môi trường để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên phục vụ sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Thực tế tổ chức hoạt động hiện nay cho thấy đã hình thành 2 nhóm giảng viên tách rời: nhóm dạy các môn khoa học giáo dục và nhóm dạy nội dung khoa học cơ bản; để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chuyên ngành thì cấu trúc tổ chức này là tốt, nhưng giải quyết vấn đề mới như nghiên cứu khoa học liên ngành hay xây dựng, triển khai chương trình dạy tích hợp thì đang gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, điều này thúc đẩy một tầm tư duy mới đối với mỗi giảng viên để đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển giáo dục.
Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học liên ngành, xây dựng chương trình và tổ chức dạy học tích hợp còn đặt ra vấn đề thay đổi chức năng, nhiệm vụ của người giảng viên, thay đổi thiết kế công việc của người giảng viên trường sư phạm. Điều này cần được tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm những con đường mới. Nhưng trước nhất phải xuất phát từ mỗi giảng viên và quan trọng là ở họ phải tự có ý thức “đổi mới” thì mới có được hành động thiết thực. 
3.3. Phát triển mỗi giảng viên hội tụ đủ 03 chức năng chính: nhà giáo, nhà khoa học, nhà cung ứng dịch vụ
Mỗi giảng viên của nhà trường phải tự ý thức và bắt đầu từ việc xác định mô hình nhân cách nghề nghiệp cho bản thân. Nghĩa là phải hội tụ đủ 03 chức năng chính nhà giáo, nhà khoa học, nhà cung ứng dịch vụ.
Công thức: Giảng viên = nhà giáo + nhà khoa học + nhà cung ứng dịch vụ
Từ đó có thể xây dựng mô hình nhân cách nghề nghiệp cho người giảng viên đáp ứng đổi mới giáo dục hiện nay như sau:
- Phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực đạo đức, năng lực tự học, sáng tạo, có ý thức kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo thế chủ động trong môi trường sống và làm việc.
- Hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết về thái độ nghề nghiệp, khả năng ứng xử (đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong làm việc, kỉ luật lao động, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân...) đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với người lao động trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa (xem thêm văn bản quy định về đạo đức nhà giáo - Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).
- Có ý thức học tập và rèn luyện nâng cao các Các năng lực cốt lõi của người giảng viên sư phạm, bao gồm:
+ Năng lực phát triển chương trình giáo dục. Giảng viên sư phạm cần phải có các kĩ năng cụ thể về xác định mục tiêu chương trình; lựa chọn nội dung học vấn cốt lõi; lựa chọn các mô hình giáo dục, các phương án giáo dục; phân tích bối cảnh, khảo sát nhu cầu của thị trường lao động (gồm các kĩ năng cụ thể của giáo viên phổ thông).
+ Năng lực tổ chức dạy học và đánh giá. Kế hoạch dạy học chi tiết của giảng viên sư phạm hiện nay phải được thể hiện rõ ở các hình thức dạy học cơ bản của giáo dục đại học như: diễn giảng (tương ứng với cách dạy học thuyết trình nêu vấn đề); tự học (bài tập); nghiên cứu khoa học (thực hành) và seminar (thảo luận).
+ Năng lực tự bồi dưỡng về học vấn giáo dục đại học hướng đến đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia giáo dục.
+ Năng lực hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu bao gồm trong đó cả năng lực quản lý xung đột và đàm phán.
+ Năng lực giải quyết vấn đề và ra quyết định.
+ Năng lực sử dụng công nghệ trong giảng dạy (các công nghệ truyền thống và đặc biệt các công nghệ mới như Power Point, máy tính, web, các phần mềm sử dụng trong chuyên môn...).
- Có ý thức rèn luyện thể lực tốt đáp ứng mọi công việc, nhiệm vụ được giao phó.
Như vậy, trong mô hình nhân cách nghề nghiệp, ngoài việc xác định “Đức” và “Tài” là hai phạm trù cơ bản và then chốt nhất, mỗi giảng viên cũng cần nêu cao tính thống nhất những giá trị về văn hóa - tinh thần trong tập thể sư phạm nhà trường.
Kinh nghiệm cho thấy, để đáp ứng những thách thức của thời đại bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa thì thay đổi văn hóa hàn lâm [dẫn theo 2], thay đổi có tính hệ thống bản thân các tổ chức giáo dục [2] là đặc biệt quan trọng. Những vấn đề đặt ra cho hệ thống các trường sư phạm trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là hết sức sâu sắc. Những định hướng và giải pháp nâng cao năng lực giảng viên các trường sư phạm là hết sức cấp bách. Tuy vậy, còn nhiều thách thức và mong đợi đang tiếp tục bàn tính. Do vậy, chúng tôi mong rằng sau bài viết này sẽ có thêm nhiều ý kiến cùng nhau suy nghĩ, trao đổi của giảng viên nhà trường để cùng tìm kiếm những cách thức, con đường, biện pháp mới khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng nhằm phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm, phát triển bản thân nhà trường như lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay.
 
Tài liệu tham khảo:
[1] Raja Roy Singh, Nền GD cho Thế kỷ XXI: những triển vọng của châu Á-Thái Bình Dương, Hà Nội, 1994, tr. 115.
[2] Lê Quang Sơn, “Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên các trường Đại học sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Những định hướng và giải pháp”, Kỷ yếu Hội thảo “Bồi dưỡng năng lực cho giảng viên các trường sư phạm”, Tr.5-11
[3] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
[4] Luật Giáo dục, 2005, Điều 15.
[5] Một số vấn đề chung về trường học mới, http://truonghocketnoi.edu.vn

Tác giả bài viết: Nguyễn Thế Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/02-05-2024_ed50e0e407122a4616435f0bc05c261c.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)