Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Rèn luyện đạo đức nhà giáo theo tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 25/12/2016 22:19
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh  rất coi trọng vai trò của giáo dục - đào tạo, cho đó là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của đất nước , Người đã nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Giáo dục là con đường chủ yếu nhất để tạo ra nguồn lực con người chất lượng cao. Việc phát huy được tính tích cực, lòng nhiệt tình, khả năng sáng tạo của nhân tố con người trong công tác giáo dục sẽ là cách làm hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.
Trong giáo dục, Người nhấn mạnh: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”, và “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huy chương, song những thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.  Như vậy, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục chính là phẩm chất đạo đức, lẽ sống khiêm nhường, thanh cao của nhà giáo Việt Nam.
Trong lý luận và thực tiễn đội ngũ giảng viên luôn được xem là lực lượng nòng cốt, một trong những yếu tố quyết định đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo. Đây là xương sống của nhà trường, là cơ sở tạo lập nên chất lượng dạy và học, công việc của họ sẽ để lại dấu ấn trong xã hội tương lai. Phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn và sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên không chỉ phụ thuộc vào chương trình giáo dục và sách giáo khoa và nhân cách của sinh viên, mà còn phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ chuyên môn và khả năng tay nghề của giảng viên - “nhân vật chủ đạo” trong nhà trường. Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các phương tiện dạy học ngày càng hiện đại nhưng cũng không thể thay thế được vai trò của người giảng viên. 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đạo đức gắn liền với năng lực, tài năng. Có đức mà không có tài không thể phục vụ tốt nhiệm vụ cách mạng. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, sẽ không mang lại hiệu quả đích thực. Như vậy, theo Người đức và tài gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đức phải có tài, trong tài phải có đức, trong đó đức làm gốc. Chính nhờ có đạo đức cách mạng mà mỗi người tự phấn đấu để hoàn thiện mình, hình thành những năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện đạo đức người thầy giáo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần phải quan tâm đến một số giải pháp như:
Thứ nhất, người thầy giáo phải thường xuyên rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Đạo đức cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Đạo đức cách mạng của người giáo viên thể hiện trên lĩnh vực giáo dục hàng ngày đó là sự say mê với công việc giảng dạy, nghiên cứu; là trung thành với khoa học; là lao động sáng tạo và không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục của Đảng; là lấy tự phê bình và phê bình để phát huy ngày càng cao những ưu điểm và sửa chữa những khuyết điểm; là khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị nhưng thể hiện đầy đủ phong cách mô phạm của một người thầy, là sự tôn trọng, quý mến học sinh, sinh viên của mình, là đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
Tu dưỡng đạo đức cách mạng phải gắn với nhiệm vụ được giao, với thực tiễn của nhà trường và xã hội, kiên trì, bền bỉ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Ngoài những phẩm chất đạo đức chung mà mỗi người phải có, người thầy giáo còn phải rèn luyện phẩm chất đạo đức của người thầy, đạo đức nghề nghiệp xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Người thầy giáo phải nêu cao tấm gương về đạo đức cho học sinh, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, có như vậy mới thuyết phục được học sinh, học sinh mới tin vào người thầy mà nỗ lực phấn đấu học tập. Người thầy giáo phải rèn luyện ý chí, tình cảm, có lòng yêu nghề, yên tâm, tận tình trong công tác.
Thứ hai, người thầy giáo phải phấn đấu giữ gìn đạo đức, nhân cách, lối sống lành mạnh, trong sáng, yêu thương và tôn trọng học sinh, sinh viên.
Đối với người thầy giáo, người cán bộ quản lý giáo dục, trước hết, phải thể hiện một tâm hồn trong sáng, lối sống lành mạnh, có sự yêu thương học sinh, sinh viên và đồng nghiệp. Chính nhờ lối sống lành mạnh, tâm hồn, lòng yêu thương đối với học sinh, sinh viên mà mỗi lời giảng của thầy mới dễ thấm sâu vào tâm hồn của học sinh, sinh viên khắc sâu vào tâm trí họ những hình ảnh đẹp trong hành trang bước vào đời của mỗi người. Lòng yêu thương của thầy phải gắn với sự tôn trọng con người, “Trong trường cần có dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò”.
Thứ ba, người thầy giáo phải có ý thức đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; sự tín nhiệm của đồng nghiệp, học sinh và nhân dân; có tinh thần đoàn kết trung thực trong công tác và quan hệ đồng nghiệp; tích cực thực hiện cuộc vận động “chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, chống vi phạm đạo đức nhà giáo và chống tình trạng học sinh không đạt chuẩn lên lớp. Phải lên án mạnh mẽ những hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo như: chưa tuân thủ quy chế chuyên môn; cố ý đánh giá sai kết quả của học sinh; xâm hại thân thể, xúc phạm danh dự của học sinh….
Xây dựng đội ngũ nhà giáo phải gắn liền với phong trào thi đua khen thưởng, tuyên dương những tấm gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, để người thầy giáo thật sự là người thầy giáo có vinh dự lớn lao trong sự nghiệp “trồng người”.
Thứ tư, người thầy giáo phải không ngừng tự học tập, bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn để phục vụ cho công tác giảng dạy và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và chuẩn cán bộ quản lý giáo dục với nhiệm vụ được giao, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong quá trình công tác, người thầy giáo cần phải khắc phục khó khăn, phải không ngừng tự học để hoàn thiện bản thân, có kế hoạch tự học và ý chí vươn lên rèn luyện kỹ năng, phương pháp tự học, tự nghiên cứu để trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học công nghệ và nghiệp vụ sư phạm.
Nhân kỷ niệm 34 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2016 là dịp nhắc nhở đội ngũ thầy, cô giáo luôn nghĩ về phẩm cách của mình trong sự nghiệp trồng người. Bởi trong hành trang vào đời ở mỗi người, dù ở cương vị nào, lứa tuổi nào thì hình ảnh người thầy vẫn luôn trong tâm trí mỗi người, đầy nhân văn cao cả. Phẩm cách người thầy theo đạo đức Hồ Chí Minh là thắp sáng niềm tin để làm tốt sự nghiệp trồng người.

Tác giả bài viết: Hoàng Thu Phương

Nguồn tin: Tổ Lí luận Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_f980317bb1fcab160a94f29fa0b90ab8.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)