Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Văn Tri đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Thứ sáu - 26/06/2020 00:29
Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ, phên dậu địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trải qua nhiều trận đánh cam go, vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như: Ải Chi Lăng - Chiến thắng Chi Lăng, Pha Lũy, Bông Lau Lũng Phầy, Đường số 4…. Nơi đây giàu truyền thống cách mạng, bao người con Xứ Lạng đã góp phần tạo nên những trang sử hào hùng của truyền thống đấu tranh yêu nước kiên trung, bất khuất của dân tộc ta.  
Qua mỗi thời kỳ lịch sử, những người con Xứ Lạng luôn có ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của ông cha ta để lại. Theo mạch nguồn của dòng chảy truyền thống cách mạng yêu nước, yêu quê hương Xứ Lạng, mảnh đất biên cương với địa hình đồi núi điệp trùng này đã sản sinh ra những người con ưu tú của dân tộc. Một trong những người con ưu tú ấy là đồng chí Lương Văn Tri.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910 - 17/8/2020), chúng ta cùng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lương Văn Tri đã cống hiến cho quê hương Lạng Sơn và cho cách mạng Việt Nam. Đồng thời giúp cho thế hệ trẻ - những người con yêu dấu của quê hương Xứ Lạng sẽ hiểu hơn về truyền thống yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910 - 17/8/2020)
(Ảnh tư liệu)
 
I. Tóm tắt về tiểu sử của đồng chí Lương Văn Tri
1. Quê hương
Đồng chí Lương Văn Tri, người dân tộc Tày, sinh ngày 17 tháng 8 năm 1910 (tức ngày 13 tháng 7 năm Canh Tuất) trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và hiếu học, tại làng Bản Hẻo, xã Mỹ Liệt, tổng Mỹ Liệt, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).
 Cuối năm 1917, theo Quyết định số 2505 ngày 19 tháng 12 năm 1917 của quyền Thống sứ Bắc Kỳ Le Gallen, châu Điềm He được thành lập trên cơ sở phần đất của bốn tổng thuộc châu Văn Uyên trước đây là tổng Quang Bí, tổng Mỹ Liệt, tổng Chu Túc, tổng Dã Nam và tổng Tràng Quế thuộc ôn Châu trước đây; lập thêm tổng mới là tổng Khánh Khê, xã Mỹ Liệt, tổng Mỹ Liệt thuộc châu Điềm He, tỉnh Lạng Sơn.
  Sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc (1954), xã Mỹ Liệt được sáp nhập với xã Phù Hê thành xã mới là xã Trấn Ninh, thuộc huyện Điềm He, tỉnh Lạng Sơn. Tháng 8 năm 1964, huyện Văn Quan được thành lập trên cơ sở hợp nhất huyện Điềm He với 6 xã của huyện Bằng Mạc là Yên Phúc, Bình Phúc, Tri Lễ, Hữu Lễ, Lương Năng và Tú Xuyên, xã Trấn Ninh thuộc huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
 

Làng Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn
(Ảnh: Sưu tầm)
2. Gia đình, thời niên thiếu
Theo gia phả dòng họ Lương, từ bốn đời về trước, cụ Lương Lưu Vượng đã cùng với gia đình rời xã Vân Mộng đến định cư làm ăn tại địa bàn xã Mỹ Liệt. Cụ Lương Lưu Vượng có 6 người con, ba trai, ba gái. Trong đó có cụ Lương Viết Bạn là ông nội thân sinh ra ông Lương Lợi Tiên là cha của Lương Văn Tri.
Mẹ của Lương Văn Tri là bà Hoàng Thị Liềm, con của dòng họ Hoàng ở Mỹ Liệt từ lâu đời. Bà là một nữ nông dân thuần phác, giỏi việc nữ công gia đình, nhất mực thương yêu chồng. Ông bà Lương Lợi Tiên, Hoàng Thị Liềm sinh được 03 người con là Lương Thị Tích, Lương Văn Tri và Lương Văn Hành. Tuổi thơ êm đềm bên tình yêu thương chăm chút của cha mẹ, trong những năm tháng thuở thiếu thời là ký ức đẹp đẽ không bao giờ phai mờ trong suốt thời thơ ấu của Lương Văn Tri. Năm Lương Văn Tri lên 6 tuổi, cả gia đình đã phải gánh chịu nỗi đau thương không bù đắp được. Do bệnh nặng, bà Hoàng Thị Liềm đã qua đời, chị em Tri đã sớm phải chịu mồ côi mẹ. Trước cảnh "gà trống nuôi con" của ông Lương Lợi Tiên, xuất phát từ tình yêu thương, đồng cảm với ông, bà Lương Thị Nịnh đã trở thành người vợ thứ hai của ông, cùng ông gánh vác việc gia đình, chăm lo nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ già. Ông Lương Lợi Tiên và bà Lương Thị Nịnh sinh được hai người con là Lương Văn Nhàn và Lương Thị Thêm. Bà đã dành cho chị em Lương Văn Tri sự chăm chút ân cần của một người mẹ với các con của mình.

Ngôi nhà đồng chí Lương Văn Tri
tại làng Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan
(Ảnh: Lan Hương)
Năm lên 7 tuổi, Lương Văn Tri được cha cho theo học cùng với các bạn trong xã. Hai năm đầu tiên, học sinh được học chữ Hán - Nôm do thầy giáo Long dạy. Năm thứ ba, học sinh được học chữ Quốc Ngữ do thầy giáo Nhân dạy.  
Sau ba năm, Lương Văn Tri học ở trường làng, thấy con mình chăm chỉ, ham học, tiến bộ, ông bà Lương Lợi Tiên đã liên hệ cho Lương Văn Tri theo học tại trường Sơ học yếu lược được mở ở phố Điềm He, châu lỵ Điềm He. Trong thời gian học tại Điềm He, năm nào Lương Văn Tri cũng là học sinh giỏi của lớp, luôn được thầy giáo khen ngợi, bạn bè khâm phục, noi gương.  
Là học sinh xuất sắc ở trường Sơ học Điềm He, Lương Văn Tri đã được chọn tuyển vào học tại trường Tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Lạng Sơn. Ngày 4 tháng 8 năm 1924 (tức ngày 4 tháng 7 năm Giáp Tý), Lương Văn Tri rời quê hương Mỹ Liệt ra thị xã Lạng Sơn theo học tại trường Tiểu học Pháp - Việt. Trong thời gian học tại trường Tiểu học Pháp - Việt, Lương Văn Tri và người bạn đồng môn học giỏi, cùng chí hướng là Hoàng Văn Thụ luôn chứng kiến người dân bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột.
3. Những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Lương Văn Tri
Cùng với nhiều biến động của phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước, Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ luôn trăn trở, quyết chí phải làm gì để người dân và quê hương xứ sở thoát khỏi chế độ hà khắc của bọn thực dân, phong kiến. Nung nấu ý chí đó, Lương Văn Tri tích cực tham gia hoạt động trong nhóm thanh niên yêu nước ở trường Tiểu học Pháp - Việt, Lạng Sơn.
Lương Văn Tri, Hoàng Văn Thụ và nhóm học sinh yêu nước trong trường Tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn đã đọc nghiên cứu báo Thanh niên, các tài liệu tuyên truyền khác của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham gia tuyên truyền tài liệu này sâu rộng trên địa bàn thị xã Lạng Sơn.
Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ là nhân tố nòng cốt trong mọi hoạt động của nhóm thanh niên yêu nước ở Trường Tiểu học Pháp - Việt, Lạng Sơn đã làm dấy lên phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên ở thị xã Lạng Sơn đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925) và để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926) do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động trong cả nước.  
Phong trào đấu tranh do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động cùng với việc Hội tổ chức cho học viên ở trong nước sang dự các lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã lay động mạnh mẽ ý chí, thôi thúc người thanh niên yêu nước Lương Văn Tri quyết tâm tham gia hoạt động trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
    Năm 1925, cùng với việc bí mật phát hành, tuyên truyền Báo Thanh Niên ở Lạng Sơn, một số cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Công Thu phụ trách đã tích cực vận động, giác ngộ thanh niên, học sinh ở thị xã Lạng Sơn hưởng ứng, tham gia phong trào đấu tranh cách mạng vì mục tiêu giải phóng dân tộc do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức. Nhóm học sinh yêu nước ở Trường Tiểu học Pháp - Việt đọc nghiên cứu Báo Thanh niên, các tài liệu tuyên truyền khác do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ấn hành.
Năm 1925, cùng với việc tổ chức thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phát hành tuần báo Thanh niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn chỉ đạo mở lớp đào tạo cán bộ Việt Nam. Các lớp huấn luyện chính trị, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phụ trách mở tại số nhà 131, phố Văn Minh sau là số 422, đường Diên An 2, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). Mỗi lớp huấn luyện chính trị với thời gian từ một tháng rưỡi đến hai tháng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là giảng viên chính. Ngoài ra có đồng chí Lê Hồng Sơn, đồng chí Hồ Tùng Mậu và một số cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là giảng viên phụ.
Từ đầu năm 1925 đến 1927, trường Huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức đã mở được 10 lớp cho khoảng 200 học viên. Khi học xong, các học viên đều ra tuyên thệ tại mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, trước khi được gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau đó, một số học viên đã được lãnh tụ Nguyễn Ái quốc giới thiệu vào học Trường Quân sự Hoàng Phố, một số được cử về nước để vận động thanh niên yêu nước và đưa họ ra Quảng Châu dự lớp huấn luyện. Một số về nước xây dựng cơ sở, còn một số ít ở lại tham gia đấu tranh cách mạng ở Trung Quốc. Nhờ những hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều thanh niên yêu nước tiếp tục được gửi sang Quảng Châu học tập.
Cuối năm 1926, khoảng 20 học viên trong nước, trong đó có các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sơn, Nguyễn Đức Cảnh, Phùng Chí Kiên, Trần Văn Cung đã đi từ Hà Nội theo con đường xe lửa, xuống ga xép Bản Trang. Từ đó, đoàn được đồng chí Nguyễn Công Thu và một số đồng chí khác dẫn đường, bí mật tập kết tại Bản Đầy, Bằng Tường, Nam Ninh tới Quảng Châu (Trung Quốc).
Phong trào đấu tranh do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động  cùng với việc Hội tổ chức cho học viên ở trong nước sang dự các lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo mở ở Quảng Châu (Trung Quốc), đi qua địa phận châu Văn Uyên, châu Thoát Lãng (Lạng Sơn) để sang Trung Quốc, đã lay động mạnh mẽ ý chí, thôi thúc người thanh niên yêu nước Lương Văn Tri quyết tâm tham gia hoạt động trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức.
Trong kỳ nghỉ hè năm học 1926 - 1927, Lương Văn Tri cùng người bạn học Hoàng Văn Thụ đã quyết định không tiếp tục theo học tại trường Tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn, tìm cách qua biên giới, sang Trung Quốc, liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tham gia hoạt động cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian truân, nhưng vẻ vang của đồng chí Lương Văn Tri bắt đầu từ đây.
II. Những đóng góp của đồng chí Lương Văn Tri đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
1. Quá trình tham gia vào các tổ chức hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Văn Tri
Tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch bắt đầu trở mặt khủng bố những người cách mạng Việt Nam hoạt động trên đất Trung Quốc. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu. Các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ cách mạng Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng địa điểm đã phải rời từ Quảng Châu về huyện Long Châu (Quảng Tây- Trung Quốc) sát biên giới Việt - Trung, khoảng giáp biên giới địa phận tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng (Việt Nam). Địa bàn hoạt động chủ yếu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên đất Trung Quốc thời gian này là ở Long Châu, Bằng Tường và Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc).
Tháng giêng năm 1928, Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ đã bí mật từ Cốc Nam, xã Tân Yên, châu Văn Uyên (nay là xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) sang Trung Quốc bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở khu vực Bằng Tường, Long Châu, Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc).
Cùng thời gian này, chính quyền Tưởng Giới Thạch (Quốc dân Đảng) tiến hành khủng bố gắt gao phong trào cách mạng của Trung Quốc và hoạt  động của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trên đất Trung Quốc. Lương Văn Tri cùng Hoàng Văn Thụ được ông Bùi Ngọc Thành bố trí vào làm công  nhân tại xưởng cơ khí Nam Hưng, thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) để che mắt và tránh sự khủng bố của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Xưởng cơ khí Nam Hưng trở thành địa điểm liên lạc bí mật, tổ chức huấn luyện cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở khu vực Nam Ninh, Long Châu. Trong thời gian học và làm việc tại xưởng cơ khí Nam Hưng, Lương Văn Tri luôn được đồng nghiệp khen ngợi là người thông minh, khéo léo, chăm chỉ, làm việc hiệu quả. 

Nhà số 82, phố Bát Bảo, thị trấn Long Châu, Quảng Tây (Trung Quốc) -
Cơ sở hoạt động bí mật của đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí  Lương Văn Tri
 từ năm 1930 - 1934 (Ảnh tư liệu)
 
Năm 1929, tình hình trong nước có bước chuyển biến quan trọng. Trước đòi hỏi bức thiết của nhiều Hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ, tháng 3 năm 1929, dưới sự vận động, tổ chức của Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên được thành lập tại Hà Nội. Trên cơ sở đó, ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập, chính cương và tuyên ngôn của Đảng được công bố. Tờ báo Búa liềm, cơ quan tuyên truyền của Đông Dương cộng sản Đảng ra đời.
Sự ra đời và phát triển của Đông Dương cộng sản Đảng đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng Việt Nam. Trước tiên, ảnh hưởng đến tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở trong nước và nước ngoài. Tiếp theo sự ra đời của Đông Dương cộng sản Đảng. Mùa thu năm 1929, An Nam cộng sản Đảng ra đời. Tháng 01 năm 1930, Đông Dương cộng sản Liên đoàn được thành lập. Năm 1930, phong trào cách mạng Việt Nam có 3 tổ chức cộng sản với tên gọi khác nhau.
Với phương châm phát triển đảng viên từ tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở trong và ngoài nước, với tiêu chuẩn cụ thể là "người nào có đủ tư cách là một đảng viên cộng sản thì được nhận vào Đông Dương cộng sản Đảng", cuối năm 1929, đại diện Đông Dương cộng sản Đảng từ trong nước đã liên hệ với chi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở khu vực Nam Ninh, Long Châu (Trung Quốc) để tuyên truyền, vận động kết nạp đảng viên.
Sau một thời gian tham gia hoạt động, nghiên cứu điều lệ, mục tiêu, nhiệm vụ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Với quyết tâm hướng theo lý tưởng đã lựa chọn, cuối năm 1928, ông Bùi Ngọc Thành, đại diện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tuyên bố kết nạp Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được tổ chức phân công sinh hoạt tại chi hội Nam Ninh.
Cuối năm 1929, cùng với Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Bùi Ngọc Thành, Hồ Đức Thành, Hoàng Hồng Việt, Nguyễn Nam Hồng, Đoàn Thế Vinh, Hoàng Phúc An, Lương Văn Tri được kết nạp trở thành đảng viên của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (một trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng nhà máy cơ khí Nam Hưng được thành lập.
2. Tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng và chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lạng Sơn
Ngày 03/02/1930, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, cùng với đội ngũ đảng viên của 3 tổ chức cộng sản, đồng chí Lương Văn Tri đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cùng với hoạt động của các tổ chức Đảng ở trong nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đứng lên đấu tranh chống kẻ thù của giai cấp, kẻ thù của dân tộc đã  làm dấy lên cao trào cách mạng rộng khắp trên toàn quốc. Chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt - Trung được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt... do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Thực hiện sự phân công của Chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt - Trung, đồng chí Lương Văn Tri được phân công chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào quần chúng cách mạng tỉnh Lạng Sơn.
Từ giữa năm 1930 đến đầu năm 1931, thông qua đường dây giao liên bí mật từ Long Châu qua Bằng Tường, Lũng Nghịu, được sự hỗ trợ tích cực của các quần chúng trung kiên giữa người Việt Nam sinh sống trên đất Trung Quốc là Mã Khánh Phương, Nông Kén Chang và Nông Khỉ Chay, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri đã xây dựng được 3 tổ chức quần chúng trung kiên ở Lũng Nghịu (Bằng Tường, Trung Quốc).
        Từ 3 tổ chức quần chúng trung kiên ở Lũng Nghịu đã tuyên truyền, phát triển các tổ quần chúng trung kiên ở xóm Khưa Lếch (Bằng Tường, Trung Quốc), giáp giới địa phận châu Văn Uyên (Lạng Sơn) tới các xóm Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài thuộc xã Tân Yên, châu Văn Uyên (Lạng Sơn). Phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn bắt đầu được xây dựng qua việc hình thành các tổ chức quần chúng trung kiên ở khu vực biên giới, đã thiết lập được đường dây liên lạc giữa phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn, dưới sự lãnh đạo thường xuyên của chi bộ Đảng vùng núi biên giới Việt - Trung. 
        Sau cao trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở trong nước, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố ác liệt đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Chúng cấu kết với chính quyền Tưởng Giới Giới Thạch ở Trung Quốc, ráo riết phong toả khu vực biên giới Việt - Trung để đàn áp phong trào cách mạng địa bàn hai tỉnh biên giới Việt - Trung là Lạng Sơn và Cao Bằng.
 Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Đình Giong, Bí thư Chi bộ Đảng vùng núi biên giới Việt - Trung vận động Tỉnh ủy Cao Bằng hỗ trợ kinh phí, mở xưởng dệt Định Hưng đặt tại đầu cầu Hợp Long, trên phố Hợp Long, thị trấn Long Châu (Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc). Đồng chí Lương Văn Tri và các đồng chí của mình ở Nam Ninh đã rút về hoạt động tại Long Châu, làm việc tại xưởng dệt Định Hưng.

Nhà số 176, phố Bạch Sa, thị trấn Long Châu, huyện Long Châu, Quảng Tây (Trung Quốc)-
Cơ sở hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ
và đồng chí Lương Văn Tri từ năm 1930 - 1934 (Ảnh tư liệu
)
        Cuối năm 1931, do yêu cầu của phong trào cách mạng trong nước, công tác đào tạo cán bộ chính trị, quân sự trở thành nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.  Đồng chí Lương Văn Tri được Chi bộ Đảng vùng núi biên giới Việt - Trung bố trí vào học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Chi bộ Đảng phân công đồng chí Lương Văn Tri phụ trách tổ cán bộ học tại Trường quân sự Hoàng Phố trong khóa học từ cuối năm 1931 đến đầu năm 1935. Trong thời gian học Trường Quân sự Hoàng Phố, đồng chí Lương Văn Tri luôn có tinh thần chuyên cần học tập, tiếp thu nhanh kiến thức quân sự, đọc thông, viết thạo, truyền đạt, hướng dẫn kiến thức quân sự bằng tiếng Trung cho các lớp huấn luyện.
        Năm 1935, đồng chí Lương Văn Tri đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khoá học của mình tại Trường Quân sự Hoàng Phố.
Sau khi tốt nghiệp Trường quân sự Nam Ninh, đồng chí Lương Văn Tri cùng đồng chí Phạm Hồng Việt và Nguyễn Nam Hồng được tổ chức phân công nhiệm vụ là thành viên của Ban chỉ đạo xây dựng phát triển phong trào cách mạng 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên do đồng chí Hoàng Văn Thụ phụ trách.
 Được sự phân công của đồng chí Hoàng Văn Thụ, trong khoảng từ cuối năm 1935 đến đầu năm 1936, từ Long Châu, Bằng Tường thông qua giao liên là đồng chí Mã Khánh Phương, đồng chí Lương Văn Tri đã về địa bàn Văn Uyên, Thất Khê (Lạng Sơn) tuyên truyền, vận động, tổ chức lựa chọn thanh niên yêu nước để đưa qua Lũng Nghịu, đến Long Châu dự các lớp huấn luyện cách mạng do Đảng bộ đặc biệt ở Long Châu tổ chức. Tại đây, đồng chí Lương Văn Tri được phân công vừa là cán bộ quản lý lớp huấn luyện, vừa trực tiếp là giảng viên huấn luyện kiến thức quân sự cơ bản cho các học viên. Trong thời gian này, học viên các lớp huấn luyện ở Long Châu chủ yếu là người quê ở Lạng Sơn và Cao Bằng.
Theo hồi ức của một số học viên từng tham dự các lớp huấn luyện cách mạng tại Long Châu lúc bấy giờ, kỹ năng truyền đạt, trình độ, kiến thức về quân sự của đồng chí Lương Văn Tri đã bộc lộ rõ tư chất khoa học, bản lĩnh sáng tạo của nhà quân sự chiến lược.
Thực hiện chủ trương của Đảng, thông qua mối liên hệ với Đồng Kỳ Tân, một thanh niên yêu nước quê Bắc Sơn (Lạng Sơn) sang thăm họ hàng ở Long Châu. Mùa hè năm 1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ, đồng chí Lương Văn Tri và đồng chí Mã Khánh Phương từ Lũng Nghịu (Bằng Tường, Trung Quốc), từ biên giới vào nội địa trong nước, qua địa bàn châu Văn Uyên, châu Điềm He, châu Bằng Mạc, theo đường núi vào địa phận châu Bắc Sơn, tổ chức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng cách mạng trung kiên, làm nòng cốt cho phát triển phong trào cách mạng ở Bắc Sơn.
Trong chuyến đi thâm nhập địa bàn Bắc Sơn hè năm 1936, qua địa bàn châu Điềm He, qua đồng chí Mã Khánh Phương liên hệ với người thân của gia đình, ngày 26 tháng 6 năm 1936 (tức ngày 8 tháng 5 âm lịch năm Bính Tý), đồng chí Lương Văn Tri đã bí mật về Bản Hẻo, xã Trấn Ninh thăm gia đình sau 8 năm xa cách. Trong thời gian ngắn ngủi thăm gia đình, anh Lương Văn Tri không trực tiếp nói với cha mình là anh tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi anh Lương Văn Tri đi, Lương Văn Hành mới thưa với ông Lương Lợi Tiên là anh Lương Văn Tri thma gia hoạt động cách mạng, đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, không phải đi học làm Ký ga xe lửa.
Là một người vốn có tâm huyết yêu nước, căm thù thực dân Pháp xâm lược, nghe Lương Văn Hành nói xong, ông Lương Lợi Tiên cùng mọi người trong gia đình đều vui mừng tự hào, mong cho Lương Văn Tri tiếp tục hoạt động đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Được về thăm những người thân trong gia đình hè năm 1936, cũng là lần cuối cùng đồng chí Lương Văn Tri trở lại bản Hẻo, xã Trấn Ninh, châu Điềm He - nơi sinh thành, bồi đắp tâm hồn, nhân cách của người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
        Tại địa bàn Bắc Sơn, được sự hỗ trợ tích cực của nhóm thanh niên trung kiên yêu nước ở Bắc Sơn là Đường Kỳ Tân, Nguyễn Văn Phòng (tức Mai Huyền), Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc) và Đường Văn Từ, sau hai tháng tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng, lớp lớp phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri đã xây dựng được các cơ sở chính quyền cách mạng ở các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Nghi Viễn, Hưng Vũ...
Trên cơ sở phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn, ngày 25 tháng 9 năm 1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức kết nạp đảng viên, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng. Chi bộ gồm 4 đảng viên là Đường Kỳ Tân, Nguyễn Văn Phòng (Mai Huyền), Đương Văn Tư, Hoàng Doãn Tạo (Hà Khai Lạc), do đồng chí Đường Kỳ Tân làm Bí thư.
Phong trào quần chúng cách mạng với sự ra đời của chi bộ Đảng ở Bắc Sơn đã góp phần mở rộng địa bàn cách mạng, tạo địa bàn liên lạc quan trọng cho Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo phát triển phong trào cách mạng của 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, từng bước nối liền với phong trào cách mạng các tỉnh miền xuôi, với trung tâm Hà Nội.
Trong thời gian từ cuối năm 1936 đến giữa năm 1938, đồng thời với nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, đồng chí Lương Văn Tri được phân công tiếp tục chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở địa bàn huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Đồng chí đã nhiều lần đến huyện Tràng Định, liên hệ tuyên truyền vận động tổ chức lại nhóm thanh niên trung kiên yêu nước Bế Văn Bính, Mỗ Văn Hải, Lương Như Ý... làm nòng cốt cho cuộc vận động xây dựng phong trào cách mạng ở Tràng Định, tập hợp một số thanh niên yêu nước đưa ra dự các lớp huấn luyện cách mạng tại Long Châu.
Ngày 11 tháng 4 năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri đã tới thôn Nà Han, xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương), huyện Tràng Định tổ chức kết nạp đảng viên, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Tràng Định. Đồng chí Bế Văn Bính được chỉ định làm Bí thư.
Hoạt động của đồng chí Lương Văn Tri từ năm 1931 đến giữa năm 1938 đã góp phần quan trọng cho việc hình thành phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí Lương Văn Tri đã giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức tập hợp thanh niên yêu nước tỉnh Lạng Sơn, tham gia các lớp huấn luyện cách mạng tại Long Châu. Với vai trò là cán bộ có trình độ, kiến thức quân sự, đồng chí đã góp phần trang bị những kiến thức quân sự cơ bản, thiết thực ban đầu cho cho các học viên. Uy tín, công lao đóng góp của đồng chí Lương Văn Tri đối với hoạt động của Đảng bộ bên ngoài nước, của Xứ ủy Bắc Kỳ giai đoạn 1931 -1938 đã được Xứ ủy Bắc Kỳ ghi nhận, đánh giá cao.
       3. Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác quân sự, Chỉ huy trưởng Đội du kích Bắc Sơn; xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn -Võ Nhai    
Bước sang năm 1939, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến lớn, chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra khi phát xít Đức tấn công Ba Lan ngày 01 tháng 9 năm 1939. Trước sự tiến công của Phát xít Đức - Ý vào nước Pháp, Chính phủ Pháp đã phải đầu hàng phát xít. Chính quyền thực dân phong kiến ở Việt Nam lâm vào tình thế hoang mang, lo sợ.
 Hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Trung ương Đảng đã họp từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 11 năm 1939 tại Bà Điểm (Gia Định) do đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng chủ trì. Hội nghị đề ra chủ trương chuyển đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam trước bối cảnh tình hình mới, về phương pháp cách mạng, Hội nghị chỉ rõ: "Vừa xây dựng những tổ chức hợp pháp, đơn giản, rộng rãi, vừa xây dựng các đoàn thể quần chúng bí mật sang tất cả các cuộc đấu tranh của quần chúng vào chống đế quốc và tay sai. Dự hội nghị điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc".
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng đã triển khai nhiệm vụ vừa đẩy mạnh mở rộng tập hợp rộng rãi quần chúng cách mạng ở các địa phương, nhà máy, hầm mỏ, vừa tiến hành tổ chức huấn luyện quân dự chuẩn bị lâu dài cho khởi nghĩa vũ trang, bạo động giành chính quyền sau này.
Cuối tháng 11 năm 1939, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Ngô Thế Sơn (tức Đinh Mạnh), Xứ ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ liên hệ với đồng chí Mã Khánh Phương đón đồng chí Lương Văn Tri từ Long Châu (Trung Quốc) về nước để nhận nhiệm vụ do Xứ ủy phân công. Ngay khi đồng chí Lương Văn Tri về đến cơ quan Xứ ủy đóng tại Hà Đông, đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp thông báo quyết định của Trung ương chỉ định đồng chí Lương Văn Tri tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, là Ủy viên Ban thường vụ Xứ ủy, phụ trách công tác quân sự, chỉ đạo tổ chức mở các lớp huấn luyện quân sự đầu tiên để làm nòng cốt cho tiếp tục nhân rộng huấn luyện quân sự ra các địa phương ở Bắc Kỳ.  
Đầu năm 1940, sau khi thị sát một số địa bàn vùng căn cứ cách mạng thuộc các tỉnh xung quanh Hà Nội, đồng chí Lương Văn Tri (tức Huy) đã xin ý kiến Xứ ủy và đồng chí Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ, đề nghị chọn địa bàn tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang làm nơi tổ chức huấn luyện quân sự. Đồng chí Lương Văn Tri báo cáo Xứ ủy về địa bàn, điều kiện của tổng.
Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà: Ở đây rất vững về địa thế, có thể xây dựng thành một căn cứ. Từ đây sang Bắc Ninh rồi về Phủ Lỗ được, sang Đông Triều được; đi Thái Nguyên hay sang Đồng Mỏ rồi lên Lạng Sơn cũng thuận, chỗ này là đầu mối giáp ranh miền xuôi và miền ngược, nếu trở thành một căn cứ thì vừa tiện cho việc liên lạc giữa các tỉnh phía Bắc, lại dễ dàng chỉ huy xuống phía Nam. Nhân dân nơi đây có tinh thần yêu nước, đời tiếp đời nêu cao ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong quá trình xâm lăng mở rộng lấn chiếm, thực dân Pháp đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Hiệp Hòa, trong đó, tiêu biểu là nhân dân ở tổng Hoàng Vân mà thực dân Pháp gọi là "dân bất trị".
Sau khi nghe đồng chí Lương Văn Tri tự báo cáo, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định chọn địa bàn tổng Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang làm căn cứ địa bàn tổ chức huấn luyện quân sự của Xứ ủy.
Tháng 7 năm 1940, đồng chí Lương Văn Tri trực tiếp chỉ đạo việc đón tiếp, bố trí học viên, tiến hành công việc giảng dạy, hướng dẫn học viên luyện tập. Đồng chí Lương Văn Tri với bí danh là Huy trực tiếp đảm nhận vai trò là giảng viên chính cả về quân sự và chính trị. Giảng viên chính về chính trị là đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Các học viên đều do Xứ ủy triệu tập từ đội ngũ cán bộ Xứ ủy, cán bộ từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Xứ ủy trang bị vũ khí để học viên luyện tập, còn ăn nghỉ đều do các cơ sở quần chúng trung kiên và nhân dân tổng Hoàng Vân ủng hộ, giúp đỡ bố trí. Đồng chí Lương Văn Tri được các cơ sở quần chúng trung kiên bố trí ăn nghỉ tại gia đình ông Quốc (thường gọi là soi ông Quốc) ở xã Thanh Vân, tổng Hoàng Vân.
Do có dáng người nhỏ bé, linh lợi, hoạt hoạt, dễ gần gũi, chan hòa, thân thiết, chu đáo, ân cần với mọi người nên nhân dân ở Hoàng Vân gọi đồng chí Lương Văn Tri với biệt danh là anh "Huy Còm". Biệt danh "Huy Còm" của đồng chí Lương Văn Tri bắt đầu có từ những ngày đồng chí trực tiếp chỉ đạo huấn luyện quân sự cho tự vệ và du kích ở Hoàng Vân, Hiệp Hoà, Bắc Giang năm 1940.
Đối với các học viên đã từng luyện tập quân tự tại Hoàng Vân, Hiệp Hòa, năm 1940 với sự giảng dạy hướng dẫn của anh Huy Còm, hình ảnh một người giáo viên am hiểu sâu sắc, thành thục kỹ chiến thuật, vận động du kích chiến đấu, thông thạo vũ khí, luôn tận tình với học viên. Trong hồi ức của mình, Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã tham gia học khóa huấn luyện quân sự 12 ngày tại Hoàng Vân năm 1940, với sự hướng dẫn của đồng chí Lương Văn Tri kể lại, anh Huy là một con người rất nhạy bén, sâu sắc trong công việc, là người lãnh đạo, chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, luôn tận tình chăm lo chu đáo cho cán bộ.
Với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy phụ trách quân sự, tâm sự với đồng chí Hoàng Văn Thái, một cán bộ quê Thái Bình, được Xứ ủy lựa chọn lên Hiệp Hoà luyện tập quân sự để tăng cường cho địa phương, đồng chí Lương Văn Tri nói: "Xứ ủy chủ trương nơi nào có thể phát triển du kích chiến tranh thì biến đội tự vệ thành đội du kích để tuỳ thời đánh úp các đồn trại, cướp khí giới tiêu diệt bọn phản quốc, tịch thu tài sản của chúng chia cho dân nghèo. Huyện Hiệp Hoà, tự vệ phát triển khá lắm đấy! Đặc biệt ở đây, Lý trưởng, Phó lý cho đến trương tuần lại là những người được cách mạng bí mật đưa ra làm việc chính quyền để giữ thế hợp pháp với địch. Việc đi lại của cán bộ ta vì thế cũng dễ dàng hơn".
Đồng chí Hoàng Văn Thái khi ấy bày tỏ tâm trạng được thể hiện qua hồi ức của mình: "Tôi ngắm nhìn anh Huy, đôi mắt của anh như mỗi lúc một sáng hơn, đôi mắt chứa chan sự từng trải và không kém thông minh, sống bên cạnh anh, một con người như thế, tôi thấy thật sự yên tâm và tin tưởng. Không ngờ, một con người thấp bé, gầy guộc vậy mà tiếng Pháp, tiếng Tàu đều nói làu làu, tiếng các dân tộc Tày, Nùng anh nói thành thạo". 
Giữa lúc đồng chí Lương Văn Tri tiếp tục chỉ đạo, tổ chức các khóa huấn luyện quân sự tại Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang, ngày 27 tháng 9 năm 1940, dưới sự lãnh đạo tổ chức của Đảng bộ Bắc Sơn, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ tại châu Bắc Sơn, Lạng Sơn gây tiếng vang khắp toàn quốc làm cho kẻ thù hoang mang, lo sợ và dùng mọi thủ đoạn dã man để đàn áp, khủng bố.
Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ lên châu Bắc Sơn, kịp thời chỉ đạo Đảng bộ, Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tiếp tục duy trì thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, đồng thời củng cố thành lập đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt cho phát triển phong trào chiến tranh du kích, tiến tới xây dựng căn cứ địa trên địa bàn châu Bắc Sơn (Lạng Sơn) nối với châu Võ Nhai (Thái Nguyên).
Hội nghị Trung ương Đảng họp ngày 06 đến ngày 09/11/1940 tại Đình Bảng, Bắc Ninh đã quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập đội du kích, bằng hình thức vũ trang công tác, khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mạng và tài sản của Nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng, tiến tới thành lập căn cứ địa du kích, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương giao nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết này. Tháng giêng năm 1941, đồng chí Lương Văn Tri được đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp giao nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo củng cố Đội du kích Bắc Sơn, trực tiếp đảm nhận Chỉ huy trưởng Đội du kích Bắc Sơn, triển khai kế hoạch của Trung ương xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.   
Sau khi nắm tình hình hoạt động, khó khăn của các cơ sở quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn, đồng chí Lương Văn Tri đã bắt tay vào chỉ đạo, tập hợp, củng cố đội du kích Bắc Sơn, sắm thêm vũ khí, tổ chức luyện tập theo kỹ chiến thuật đánh du kích cho các đội viên. Tại khu rừng Khuổi Nọi (Vũ Lễ, Bắc Sơn), đồng chí Lương Văn Tri đã chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho Đội du kích Bắc Sơn và cán bộ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh với nội dung huấn luyện về chiến thuật quân sự, vận động quần chúng, tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh từ hình thức thấp đến hình thức cao, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang.
Với sự nỗ lực chỉ đạo hoạt động của đồng chí Lương Văn Tri cùng một số đồng chí cán bộ tăng cường của Xứ ủy Bắc Kỳ, trong một thời gian ngắn, cơ sở cách mạng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), Võ Nhai (Thái Nguyên) có bước phát triển mới, vùng rừng núi hiểm trở có địa thế nối liền nhau thuộc các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn (Bắc Sơn) và Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá (Võ Nhai) đã trở thành khu căn cứ địa vững mạnh của Đội du kích, trong đó căn cứ Khuổi Nọi là trung tâm. Từ đây có thể triển khai nhanh chóng lực lượng đến Võ Nhai sang Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), xuống Yên Thế (Bắc Giang), lên Na Rì (Bắc Cạn), qua Hữu Lũng, Bằng Mạc (Lạng Sơn). Các lớp huấn luyện quân sự, huấn luyện chính trị ở Xứ ủy Bắc Kỳ do đồng chí Lương Văn Tri phụ trách được mở tại căn cứ Khuổi Nọi đã đào tạo được nhiều cán bộ cho phong trào cách mạng các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang...
 Với sự chỉ huy tài tình của đồng chí Lương Văn tri, trong thời gian ngắn, từ đội du kích đầu tiên được đồng chí Trần Đăng Ninh thành lập đã hình thành trung đội du kích Bắc sơn. Phong trào cách mạng ở Bắc Sơn sau thời gian bị thực dân Pháp khủng bố đã được khôi phục và phát triển, đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển phong trào cách mạng ở các châu lân cận như Bình Gia, Bằng Mạc và Hữu Lũng.
Trong thời gian cuối năm 1940, đầu năm 1941, ở Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn - nơi tập kết của Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn trở thành trung tâm, căn cứ quan trọng của phong trào cách mạng Lạng Sơn và Thái Nguyên. Với lợi thế về địa hình, Khuổi Nọi thực sự là một căn cứ thuận lợi được đồng chí Lương Văn Tri và Ban chỉ huy đội du kích Bắc Sơn củng cố như một "Tiền đồ” cho hoạt động của đội du kích Bắc Sơn và cho sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ triển khai xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.
Hệ thống đường mòn liên lạc được hình thành từ Bản Loỏng, Bản Khế, Bản Ví đến Gia Hòa, nối liền với các cơ sở ở địa bàn các xã Hưng Vũ, Tân Lập, Hữu Vĩnh, hình thành một hành lang thuận lợi cho quan sát, nắm tình hình hoạt động của địch ở Đàng Lang và Mỏ Nhài.
4. Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Đội cứu quốc quân Bắc Sơn
Tháng 2 năm 1941, đoàn đại biểu Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập, đã dừng chân ở Khuổi Nọi, Vũ Lễ (Bắc Sơn). Tại đây, các đồng chí Trung ương đã họp với Đảng bộ Bắc Sơn và Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn để nắm tình hình, phổ biến chủ trương của Đảng và các biện pháp công tác cần kíp. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã thông báo, phổ biến quyết định của Trung ương, đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành “Đội cứu quốc quân Bắc Sơn”. 
Tại buổi lễ trang nghiêm, đồng chí Hoàng Văn Thụ, thay mặt Trung ương Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ của Đội cứu quốc quân Bắc Sơn là: Tích cực dùng hình thức vũ trang công tác, củng cố và mở rộng căn cứ du kích, nhanh chóng phát triển lực lượng về mọi mặt, để kịp thời cơ đến, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
Nhiệm vụ trước mắt của Đội cứu quốc quân để anh em địa phương khác đến học tập. Đồng chí đã trao cho Đội cứu quốc quân lá cờ đỏ sao vàng do Hội Phụ nữ phản đế Hà Nội có thêu dòng chữ "Tặng du kích Bắc Sơn".
Ngày 23 tháng 02 năm 1941, Đội cứu quốc quân Bắc Sơn làm lễ chính thức thành lập tại căn cứ Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn gồm có 32 cán bộ, chiến sĩ. Trung ương chỉ định đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm chỉ huy trưởng, đồng chí Chu Văn Tẩn làm chỉ huy phó.
Đồng chí Lương Văn Tri thay mặt Đội cứu quốc quân Bắc Sơn, hứa với Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương giao. Dưới lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng và trước các đồng chí Trung ương, đồng chí Lương Văn Tri - Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn nghiêm trang đọc 5 lời thề danh dự của Đội:
- Một, không phản Đảng.
- Hai, tuyệt đối trung thành với Đảng.
- Ba, kiên quyết chiến đấu trả thù cho các đồng chí đã hy sinh.
- Bốn, không hàng giặc.
- Năm, không hại dân.
Toàn thể Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn cùng đồng thanh tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Với vai trò người Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri đã trực tiếp chỉ đạo Đội cứu quốc quân Bắc Sơn cho ra đời Bản tin “Du kích” do đồng chí là chủ bút, để làm tài liệu tuyên truyền trong quá trình vận động, phát triển phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.
Nhằm khơi dậy khí thế của quần chúng cách mạng, ngày 01/5/1941, Đội cứu quốc quân Bắc Sơn đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn nhân ngày Quốc tế Lao động tại khu rừng Khuổi Nọi với sự tham gia của đông đảo quần chúng cách mạng ở châu Bắc Sơn (Lạng Sơn) và châu Võ Nhai (Thái Nguyên). Đồng chí Lương Văn Tri thay mặt Ban Chỉ huy, công bố quyết định của Trung ương Đảng phát triển Đội du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Các đại biểu quần chúng cách mạng đã biểu thị tinh thần tin tưởng, sẵn sàng hưởng ứng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn trong phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng, củng cố và mở rộng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.
Tháng 6 năm 1941, trước yêu cầu hoạt động của Đội cứu quốc quân và việc xây dựng củng cố căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ định Ban lãnh đạo mới của căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng được Trung ương chỉ định làm Chỉ huy trưởng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, kiêm Chỉ huy trưởng Đội cứu quốc quân Bắc Sơn. Đồng chí Lương Văn Tri, Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ  uỷ Bắc Kỳ được Trung ương chỉ định làm Chính trị viên Đội cứu quốc quân Bắc Sơn.

Đài tưởng niệm khởi nghĩa Bắc Sơn - Đồn Mỏ Nhài – ( Ảnh sưu tầm)
5. Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc
Lo sợ trước hoạt động mạnh mẽ của Đội cứu quốc quân Bắc Sơn, ngày 25/7/1941, thực dân Pháp huy động lực lượng tiến hành một cuộc đàn áp khốc liệt quy mô lớn đối với căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Trong cuộc đàn áp quy mô lớn này, thực dân Pháp và tay sai đã gây nhiều tội ác đối với nhân dân Bắc Sơn, nhiều làng bản bị đốt phá, nhiều quần chúng cách mạng bị giết, bị bắt và bị tra tấn giã man, chúng dồn dân tập trung ở Đàng Lang, xã Quỳnh Sơn (nay là xã Bắc Quỳnh) để hòng “tát nước bắt cá” tập trung tiêu diệt Đội cứu quốc quân Bắc Sơn.
Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, đồng chí Chỉ huy trưởng - Phùng Chí Kiên, đồng chí Chính trị viên - Lương Văn Tri đã họp bàn với Đảng bộ Bắc Sơn quyết định rút toàn bộ Đội cứu quốc quân chia làm 2 phân đội theo hai hướng lên Cao Bằng và ra khu vực biên giới Việt - Trung. Phân đội do đồng chí Lương Văn Tri và đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy rút ngày 10/8/1941 sang địa phận Bình Gia (Lạng Sơn) qua Na Rì, Ngân Sơn (Bắc Kạn) để lên Cao Bằng.
Do một tên chánh tổng phản động ở châu Na Rì khai báo, đồng chí Lương Văn Tri cùng các đồng chí của mình bị quân địch bao vây, buộc phải nổ súng ngăn chặn địch để rút khỏi địa bàn. Trong cuộc chiến đấu anh dũng ấy, đồng chí Phùng Chí Kiên đã hy sinh oanh liệt, đồng chí Lương Văn Tri trúng đạn bị thương nặng, bị địch bắt và giam ở nhà tù Cao Bằng. Kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn cực hình, hòng buộc đồng chí phải khai báo hoạt động của tổ chức, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trong vòng một tháng giam cầm, tra tấn dã man, kẻ địch vẫn không khuất phục được đồng chí Lương Văn Tri, các cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng do đồng chí phụ trách vẫn được giữ vững và an toàn. Do bị địch tra tấn dã man, ngày 29/9/1941, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù của thực dân Pháp ở thị xã Cao Bằng. Đồng chí đã anh dũng hy sinh, để lại tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
III. Ảnh hưởng của đồng chí Lương Văn Tri đối với phong trào cách mạng trong trong nước và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Ba mươi mốt tuổi đời, 13 năm liên tục trên con đường sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc (1928 - 1941), người chiến sĩ cộng sản kiên cường Lương Văn Tri, người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Lạng Sơn đã đi vào cõi trường sinh bất tử trong niềm tiếc thương vô hạn và cảm phục, tự hào của các thế hệ cán bộ và quần chúng cách mạng khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Từ năm 1930, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam sinh hoạt tại Đảng bộ đặc biệt hoạt động trên đất Trung Quốc, cho đến năm 1938, trước khi đồng chí được chỉ định tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, hoạt động của đồng chí Lương Văn Tri đã góp phần tổ chức thành công các khoá huấn luyện cách mạng cho đội ngũ cán bộ trong nước, trong đó, có nhiều cán bộ của hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Sát cánh cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ, đồng chí Lương Văn Tri đã có nhiều công lao trong xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí đã trực tiếp đi sâu, đi sát cơ sở để xây dựng, củng cố phong trào cách mạng ở địa bàn Văn Uyên từ năm 1930 - 1934, Bắc Sơn, Tràng Định từ năm 1936 đến năm 1938.
Từ năm 1938 đến năm 1941, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, được Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ quan trọng, phụ trách công tác quân sự của Xứ ủy, đồng chí Lương Văn Tri đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng, củng cố địa bàn an toàn khu của Trung ương và của Xứ ủy Bắc Kỳ tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, đồng chí Lương Văn Tri cùng một số đồng chí lãnh đạo Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ đã tổ chức mở được các lớp huấn luyện quân sự cho đội ngũ cán bộ nòng cốt của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong số các học viên, có đồng chí sau này đã trở thành tướng lĩnh tài năng nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam như Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Với cương vị là Chỉ huy trưởng Đội du kích Bắc Sơn, Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, Chính trị viên Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, đồng chí Lương Văn Tri đã có nhiều công lao trong việc xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, phát triển Đội du kích Bắc Sơn trở thành Đội cứu quốc quân Bắc Sơn (Đội Cứu quốc quân 1), là một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân      
dân Việt Nam. Ghi nhận công lao của Đội du kích Bắc Sơn, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 14/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 163-SL “Thưởng tặng Huân chương Quân công hạng nhất” cho Đội du kích Bắc Sơn.
Hoạt động chỉ đạo, chỉ huy của đồng chí Lương Văn Tri, cùng với sự nỗ lực của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đã góp phần quan trọng mở rộng phong trào cách mạng từ Bắc Sơn tới địa bàn các châu, huyện trong tỉnh Lạng Sơn: Bình Gia, Bằng Mạc, Hữu Lũng, Thoát Lãng và Tràng Định.
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Lương Văn Tri cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh  thời kỳ (1930 - 1945).
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lương Văn Tri luôn nêu cao tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, có lý tưởng cao đẹp, lối sống trong sáng, trọng đạo lý, trọng nghĩa tình, gần gũi yêu thương đồng chí, đồng đội, mãi mãi là tấm gương sáng ngời có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ, để lớp lớp con cháu chúng ta học tập và noi theo.

Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri tại bản Hẻo - xã Trấn Ninh
 huyện Văn Quan - tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh sưu tầm) 
Tuổi thanh xuân hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, sự hy sinh thầm lặng, oanh liệt của người chiến sỹ cộng sản kiên cường Lương Văn Tri đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Lạng Sơn đã ghi nhận tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Tên tuổi của đồng chí Lương Văn Tri sống mãi với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn; với non sông đất nước Việt Nam.  
Để các thế hệ muôn đời sau luôn nhớ đến đồng chí Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã thành lập trường trung học phổ thông Lương Văn Tri tại trung tâm thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

     Trường THPT Lương Văn Tri - Văn Quan - Lạng Sơn
( Ảnh: Lan Hương)
IV. Bài học từ những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Văn Tri đối với sự nghiệp Việt Nam, đối với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn
          Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, sự hy sinh thầm lặng, oanh liệt của người chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất của đồng chí Lương Văn Tri đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đồng chí Lương Văn Tri đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, đóng vai trò nòng cốt cho việc phát triển phong trào cách mạng trên địa bàn khá rộng lớn được phân công phụ trách: Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên… cả trong và ngoài nước. Trực tiếp tham gia tổ chức huấn luyện các lớp cán bộ cách mạng do Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ, trực tiếp huấn luyện, chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.
Đồng chí Lương Văn Tri đã anh dũng hy sinh, nhưng tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí sống mãi với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, với non sông đất nước Việt Nam. Đồng chí là tấm gương sáng về lòng trung thành với Đảng, hết lòng phụng hết sức sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Đồng chí để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý thức tự phê bình và phê bình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tình thương yêu đồng chí, đồng đội và Nhân dân. Đồng chí Lương Văn Tri đã mãi ra đi, nhưng tấm gương yêu nước của anh sẽ luôn tỏa sáng để lớp lớp thế hệ hôm nay học tập noi theo, luôn đoàn kết thống nhất trong thực hiện mọi nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống quê hương, đất nước, dân tộc.
Trong thời đại hiện nay, mỗi chúng ta cần có ý thức trách nhiệm công dân trước cộng đồng; giúp đỡ những người xung quanh; đoàn kết, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; trọng tình, trọng nghĩa, có tấm lòng nhân hậu; có tri thức, có sức khoẻ và lao động giỏi; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính, tự hào về truyền thống dân tộc; sống năng động, sáng tạo, làm chủ được khoa học và công nghệ mới trong thời đại 4.0 kết nối toàn cầu hiện nay.
Chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong thời bình, không còn tiếng súng, không còn áp bức bóc lột bất công là một điều hết sức may mắn. Chúng tôi được sống, học tập, làm việc, được thể hiện những khả năng và những đam mê của mình. Tất cả những điều đó có được đều nhờ sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ cách mạng, bao thế hệ cha ông ta đã anh dũng đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Ngày nay trước yêu cầu đổi mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng tôi nguyện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Sự phân công lao động trong xã hội mỗi người phụ trách một lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề, lao động sản xuất khác nhau. Nếu như mỗi chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ học tập và lao động thuộc lĩnh vực mình phụ trách thì sẽ góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước của ông cha ta, xây dựng quê hương đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. 
Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xứ Lạng anh hùng, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, tôi nhận thấy những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng - quê hương của đồng chí Lương Văn Tri, Hoàng Văn Thụ, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo, đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, xây dựng vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ổn định.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ trở thành một tỉnh miền núi phía Bắc có nền kinh tế xã hội phát triển bền vững về mọi mặt, an sinh xã hội được duy trì, quốc phòng, an ninh vững chắc, chính trị ổn định; xứng tầm với những ưu đãi thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất biên ải nơi địa đầu tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của bao lớp thế hệ ông cha ta đã ngã xuống vì độc lập - tự do hôm nay. Nhiệm vụ của chúng ta là hãy đồng lòng, đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để đưa đất nước ta phát triển bền vững.
 
KẾT LUẬN
          “Cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Văn Tri đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam” đã giáo dục thế hệ trẻ ôn lại lịch sử, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910-17/8/2020), góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cũng như trong quần chúng nhân dân về thân thế sự nghiệp, những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Văn Tri đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng nơi địa đầu tổ quốc Lạng Sơn nói riêng. Qua cuộc thi tìm hiểu này đã giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho những thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình hiểu được sự đấu tranh gian khổ, hy sinh xương máu của bao lớp thế hệ của ông cha ta đã ngã xuống để có được độc lập - tự do như hôm nay, để mỗi chúng ta trân trọng hơn lịch sử dân tộc Việt, phát huy tinh thần yêu nước, thực hiện tốt vị trí việc làm của mình, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh.
          Là người con của mảnh đất Xứ Lạng anh hùng - quê hương cách mạng, nơi sinh thành và nuôi dưỡng những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam là đồng chí Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri, chúng tôi sẽ tiếp tục học tập, trau dồi và phấn đấu trở thành người công dân tốt, người đảng viên  gương mẫu. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chín trị  trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Khơi dậy trong chúng ta niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước, tự hào vì chúng ta là con dân đất Việt. Mỗi chúng ta sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn đoàn kết, sống gương mẫu, tham gia tích cực vào các phong trào hoạt động xã hội để trở thành những người công dân tốt, giúp đỡ những người xung quanh khi họ cần, sống có ích và có giá trị cho xã hội góp phần công sức nhỏ xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh./.                                          
                                                                                                   
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
         1. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn (1994), Hoàng Văn Thụ, người chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất.
         2. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn (1998), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1930 - 1954, Tái bản lần thứ nhất.
         3. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (2014), Đồng chí Lương Văn Tri - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 2014.
         4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đảng toàn tập 1936 - 1939, Nxb Chính trị Quốc gia.
         5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đảng toàn tập 1940 - 1945, Nxb Chính trị Quốc gia.
         6. Đại tướng Lê Đức Anh, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 với việc tổ chức  lực lượng vũ trang cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
         7. Địa chí Lạng Sơn (1999), Nxb Chính trị Quốc gia
         8. Huyện uỷ Bắc Sơn (2011), Lịch sử phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Sơn 1930 -1954 (tái bản lần thứ nhất có bổ sung chỉnh lý), Nxb Văn hoá - Thông tin.
         9. Huyện uỷ Hiệp Hoà (1992), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa 1938 - 1954.
        10. Lê Hồng Phong tiểu sử (2007), Nxb Chính trị Quốc gia
        11. Tỉnh uỷ Cao Bằng (1984), Đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong
        12. Tỉnh uỷ Bắc Giang (2009), Lịch sử An toàn khu II của Trung ương Đảng ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.
        13. Viện Lịch sử Quân sự: Các Đội cứu quốc quân.
        14. Gia phả gia đình đồng chí Lương Văn Tri.
        15. Đặng Văn Cáp - Hồi ký
        16. Mã Khánh Phương - Hồi ký
        17. Vi Đức Minh - Hồi ký
        18. Bùi Ngọc Thành - Hồi ký
        19. Vi Nam Sơn - Hồi ký
        20. Hoàng Văn Thái - Hồi ký
        21. Hồ Đức Thành - Hồi ký
        22. Lê Dục Tôn - Hồi ký
 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TƯ LIỆU VỀ ĐỒNG CHÍ LƯƠNG VĂN TRI
 

Đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910 - 17/8/2020)
(Ảnh tư liệu)
 

Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri tại làng bản Hẻo - xã Trấn Ninh
- huyện Văn Quan - tỉnh  Lạng Sơn  - (Ảnh tư liệu)


          Không gian phòng khách gia nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri (Ảnh tư liệu)
 

Tóm tắt tiểu sử đồng chí Lương Văn Tri tại nhà lưu niệm (Ảnh tư liệu)


Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa nhà lưu niệm
đồng chí Lương Văn Tri - (Ảnh tư liệu)
 

Không gian bếp tại nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri
(Ảnh tư liệu)
 


Không gian phòng ngủ của gia đình đồng chí Lương Văn Tri
tại nhà lưu niệm - (Ảnh tư liệu)
 

Đoàn viên thanh niên dâng hương tại nhà lưu niệm Lương Văn Tri
Tại Làng Bản Hẻo - Trần Ninh - Văn Quan - Lạng Sơn - (Ảnh: Phùng Khiêm)
 

Đoàn viên thanh niên dâng hương tại nhà lưu niệm Lương Văn Tri
Tại Làng Bản Hẻo - Trần Ninh - Văn Quan - Lạng Sơn - (Ảnh tư liệu)
 

Lễ nhập tượng, Tượng đài đồng chí Lương Văn Tri
tại Thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn - (Ảnh tư liệu)
 

Đảng bộ, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể, nhân dân các dân  tộc huyện Văn Quan - tỉnh Lạng Sơn dâng hương tượng đài đồng chí Lương Văn Tri - (Ảnh tư liệu)
 

Các Ban, ngành, đoàn thể huyện Văn Quan dâng hương tượng đài
đồng chí Lương Văn Tri tại trung tâm thị trấn Văn Quan - Lạng Sơn - (Ảnh tư liệu)
 

Tượng đài đồng chí Lương Văn Tri tại trung tâm thị trấn Văn Quan

 
                   Toàn cảnh Làng Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan - (Ảnh sưu tầm)

Một số hình ảnh về quê hương Bắc Sơn
         nơi đồng chí Lương Văn Tri đã trực tiếp chỉ huy Đội cứu quốc quân Bắc Sơn
 

Toàn cảnh thị trấn Bắc Sơn - Lạng Sơn ngày nay (Ảnh Bùi Thuận)
 

Bắc Sơn - Nơi đồng chí Lương Văn Tri đã từng chỉ huy đội cứu quốc quân
(Ảnh Bùi Thuận)
 

Toàn cảnh Bắc Sơn nơi đồng chí Lương Văn Tri đã sống và hoạt động
cách mạng  (Ảnh Bùi Thuận)
 

      Tượng đài đồng chí Lương Văn Tri Bên trong khuôn viên Trường THPT Lương Văn Tri.
Văn Quan - Lạng Sơn -  (Ảnh: Lan Hương )
 

Tượng đài đồng chí Lương Văn Tri bên trong khuôn viên Trường THPT Lương Văn Tri
Văn Quan - Lạng Sơn  - (Ảnh: Lan Hương )
 

Hình ảnh trường THPT Lương Văn Tri, thị Trấn Văn Quan - Lạng Sơn
(Ảnh: Lan Hương )
 


Toàn cảnh Trường THPT Lương Văn Tri - (Ảnh: Sưu tầm )


Toàn cảnh thị trấn Văn Quan ngày nay - (Ảnh: Lan Hương )

Tác giả bài viết: Triệu Thị Lan Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/13-11-2024_57374a16da88abb1423c0b870ad08a8c.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)