Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Hình thành năng lực ứng xử sư phạm cho sinh viên ở các cơ sở đào tạo

Tóm tắt: Năng lực ứng xử sư phạm là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong hoạt động nghề nghiệp của người thầy giáo, giúp học sinh nghe, tin và làm theo; được đồng nghiệp và xã hội tín nhiệm. Thực tế đã chỉ ra rằng, có rất nhiều yếu tố tạo nên năng lực ứng xử sư phạm trong đó phải kể đến kinh nghiệm sống, quá trình học tập và rèn luyện cũng như phẩm chất đạo đức, nhân cách của người thầy giáo. Năng lực ứng xử sư phạm được hình thành trong quá trình đào tạo nghề và được phát triển trong hoạt động sư phạm. Bài viết phân tích việc hình thành năng lực ứng xử sư phạm cho sinh viên ở các cơ sở đào tạo.
Từ khóa: Năng lực, sinh viên, ứng sử sư phạm, tình huống sư phạm, kỹ năng sư phạm, giải quyết vấn đề, cơ sở đào tạo.

Sinh thời, Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Trong nhà trường, điều quan trọng không phải là nhồi nhét cho học trò một mớ kiến thức hỗn độn, tuy rằng kiến thức là cần thiết. Điều chủ yếu là giáo dục cho học trò phương pháp suy nghĩ, phương pháp suy luận, phương pháp diễn tả, rồi đến phương pháp nghiên cứu, phương pháp học tập, phương pháp giải quyết vấn đề”(2). Quan điểm này đã nhấn mạnh đến việc dạy học trong nhà trường phải hướng đến sự phát triển năng lực cho người học.
Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá XI) đã nêu rõ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Nội dung trọng tâm của việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là sự phát triển năng lực của người học, từ đó nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển đất nước.
Một trong những yếu tố đảm bảo sự thành công trong hoạt động sư phạm của người giáo viên đó chính là năng lực ứng xử sư phạm. Thực tế cho thấy, có một số giáo viên ở các trường mầm non, tiểu học, trung học hiện nay còn lúng túng trong việc ứng xử các tình huống sư phạm dẫn đến việc thực hiện các hành vi phi sư phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội cũng như để lại ấn tượng không tốt đối với học sinh cho mãi về sau. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực ứng xử sư phạm trong đó có nguyên nhân sinh viên không được đào tạo bài bản trong quá trình học nghề. Vì vậy, trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm, sinh viên cần được trang bị năng lực ứng xử sư phạm (năng lực giải quyết các tình huống sư phạm) để giúp các em tự tin hơn trong các đợt thực tập cũng như là hành trang để hoạt động nghề nghiệp sau này.
          Các tình huống sư phạm mà sinh viên thường gặp trong các mối quan hệ với giáo viên, với học sinh (dạy học và giáo dục), cha mẹ học sinh cũng như hội đồng sư phạm nhà trường. Việc giải quyết các tình huống sư phạm luôn là một nội dung quan trọng của nghệ thuật sư phạm, thể hiện kĩ năng sống, kĩ năng nghề nghiệp của người thầy giáo. Thậm chí, có người còn coi xử lí tình huống sư phạm là một trong những thông số quan trọng để đánh giá năng lực của người giáo viên. K.Đ Usinxki đã từng nói: “Sự khéo léo ứng xử về sư phạm mà nếu không có nó thì các nhà giáo dục học dù có giỏi đến mức độ nào cũng không bao giờ trở thành nhà giáo dục tốt”(3,4).
Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo giáo viên nói chung, Trường CĐSP Lạng Sơn nói riêng luôn chú trọng phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên trong đó có kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm. Vậy, làm thế nào để các kỹ năng đó ngày được phát triển và hoàn thiện để hình thành các năng lực sư phạm là nhiệm vụ mà các nhà trường cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
1. Một số khái niệm cơ bản
          1.1. Khái niệm năng lực
Khái niệm năng lực được dùng trong đời sống hàng ngày và nhiều ngành khoa học khác nhau quan tâm, đặc biệt là Tâm lý học. Theo tác giả Nguyễn Quang Uẩn "Năng lực là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu của hoạt  động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả" (7).
Năm 1997, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khởi động một dự án nghiên cứu về nền tảng lý thuyết của khái niệm năng lực. Theo OECD "Năng lực là khả năng đáp ứng thành công các yêu cầu phức hợp trong một bối cảnh cụ thể (8).
          Ở Việt Nam, “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể" do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo năm 2015 thì "Năng lực là khả năng thực hiện thành công hoạt động trong một bối cảnh nhất định nhờ sự huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí...Năng lực của cá nhân được đánh giá qua phương thức và kết quả hoạt động của cá nhân đó khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống"(1).
       Như vậy có thể thấy, khái niệm năng lực được sử dụng ở Việt Nam khá tương đồng với cách hiểu về khái niệm này tại nhiều nước khác nhau.
       Thống nhất các khái niệm trên, chúng tôi đưa ra khái niệm năng lực như sau: Năng lực là khả năng huy động tổ hợp các thuộc tính cá nhân như kiến thức, kỹ năng, thái độ, ý chí để thực hiện thành công một hoạt động trong một bối cảnh nhất định.
          Có rất nhiều yếu tố tạo nên năng lực nhưng yếu tố cốt lõi là hệ thống các kỹ năng bởi kĩ năng là tổng hợp các thao tác, cử chỉ, phối hợp hài hoà, hợp lí nhằm đảm bảo cho hoạt động đạt kết quả cao với sự tiêu hao năng lượng tinh thần, cơ bắp ít nhất trong điều kiện thay đổi.
          Theo Bernard Rey (2003), năng lực được xem xét ở ba cấp độ (5):
          - Cấp độ 1 (năng lực sơ cấp): Kiến thức thu nhận được qua xây dựng tình huống kiến thức (lý thuyết).   
          - Cấp độ 2:  Áp dụng kiến thức giải thích được tình huống, năng lực được hình thành qua tình huống kỹ năng.         
          - Cấp độ 3: Năng lực phức hợp, giải quyết tình huống thực tiễn.
1.2. Tình huống sư phạm
Có rất nhiều khái niệm về tình huống sư phạm nhưng dựa vào khái niệm tình huống (6), chúng tôi đưa ra khái niệm tình huống sư phạm như sau:
Tình huống sư phạm là những sự kiện không phải do thầy giáo chủ động tạo ra nhưng lại có quan hệ mật thiết đòi hỏi thầy giáo phải chủ động tìm cách xử lí để giải quyết được vướng mắc đã nảy sinh trong môi trường giáo dục.
          Có thể chia các loại tình huống sư phạm:
         - Cách 1: Tình huống "tĩnh" và tình huống "động".
         - Cách 2: Tình huống giáo dục và tình huống dạy học.
         - Cách 3: Tình huống với phương án trả lời mở và tình huống với phương án trả lời đóng.
          - Cách 4: Tình huống nảy sinh trong giao tiếp đối với giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
          - Cách 5: Tình huống xảy ra trên lớp, ngoài lớp, ngoài trường.
 Giải quyết (ứng xử) tình huống sư phạm là một quá trình tư duy, gồm:
          Bước 1: Xác định tình huống sư phạm: Xảy ra với ai, ở đâu, ở mức độ, nguyên nhân xảy ra tình hình huống (nếu có).
          Bước 2: Huy động những kiến thức liên quan đến việc xử lý tình huống: Hiểu biết về đối tượng, kiến thức về giáo dục học, kinh nghiệm ứng xử…
          Bước 3: Lựa chọn phương án xử lý tối ưu.
          Bước 4:  Xử lý tình huống sư phạm.
          Bước 5: Kiểm chứng kết quả xử lý tình huống sư phạm.
1.3. Kĩ năng giải quyết tình huống sư phạm
 Kỹ năng xử lý tình huống về bản chất là khả năng giải quyết một cách linh hoạt và có hiệu quả các tình huống nảy sinh trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Theo đó, các kĩ năng bộ phận tạo nên kĩ năng giải quyết tình huống sư phạm gồm:
- Kĩ năng phát hiện ra mâu thuẫn chứa đựng trong tình huống.
- Kĩ năng huy động những tri thức, kinh nghiệm có liên quan đến tình huống.
- Kĩ năng xây dựng các giả thuyết và cách giải quyết.
- Kĩ năng lựa chọn cách giải quyết tối ưu và giải quyết.
- Kĩ năng kiểm tra, đánh giá kết quả giải quyết tình huống
Những kĩ năng này không có sẵn mà là kết quả của quá trình học tập trong đào tạo ở trường sư phạm và tiếp tục được rèn luyện trong quá trình hoạt động nghề nghiệp sau này.
1.4. Khái niệm năng lực ứng xử sư phạm
"Ứng xử sư phạm" về bản chất là "ứng phó" và "xử lý" các tình huống sư phạm. Từ đó, chúng tôi rút ra khái niệm năng lực ứng xử sư phạm như sau:
Năng lực ứng xử sư phạm (giải quyết tình huống sư phạm) là khả năng huy động tổ hợp các thuộc tính cá nhân như kiến thức, kỹ năng, thái độ, ý chí để  ứng phó và xử lý thành công tình huống sư phạm trong những điều kiện nhất định, đảm bảo cho hoạt động sư phạm có hiệu quả.
Việc ứng xử sư phạm thành công tạo nên sự đối xử khéo léo sư phạm, là thành phần cơ bản nhất trong nghệ thuật sư phạm của người giáo viên. Về bản chất khéo léo sư phạm chính là khả năng xử lý một cách linh hoạt, có hiệu quả tất cả những tình huống nảy sinh trong quá trình dạy học và giáo dục. Nhờ năng lực này mà người thầy giáo có thể làm cho học sinh nghe, tin và làm theo những tác động sư phạm giúp người thầy giáo có thể làm tốt “sứ mệnh" trồng người của mình.
  2. Nguyên nhân dẫn tới khó khăn hoặc thất bại trong ứng xử sư phạm
            Ứng xử sư phạm là một quá trình giải quyết các tình huống xảy ra trong hoạt động nghề nghiệp của người thầy giáo. Đây là một quá trình giải quyết các vấn đề nảy sinh đòi hỏi làm hài lòng người "đối diện" nhưng vẫn phải đảm bảo tính sư phạm và những nguyên tắc, quy chế, quy định của hoạt động nghề nghiệp. Năng lực ứng xử sư phạm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, môi trường sống cũng như những thói quen giao tiếp, ứng xử và việc trau dồi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử của bản thân. Chúng tôi nhận thấy, giáo viên thường gặp khó khăn hoặc thất bại trong ứng xử sư phạm là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
            2.1. Thiếu kinh nghiệm giáo dục
          Người ứng xử tốt phải là người có bản lĩnh tự tin trên cơ sở vốn sống kinh nghiệm phong phú và nghệ thuật giáo dục. Thực tế trong công tác giáo dục là những bài học rất phong phú và sinh động để nhận biết đối tượng giáo dục. Tâm tính học sinh mỗi em mỗi khác, điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của mỗi học sinh không giống nhau. Để hiểu được đối tượng giáo dục, giáo viên phải thông qua các mối quan hệ nhiều chiều, trực tiếp hoặc gián tiếp, biết nhận xét các mối quan hệ của học sinh với bạn bè, với người lớn tuổi, cách ăn nói, đi đứng và sự đánh giá của tập thể đối với những học sinh đó. Để thấy được mình sẽ thực hiện các tình huống sư phạm như thế nào trong mỗi lần ứng xử, vì ít kinh nghiệm giáo dục, không ít giáo viên khi xử lý tình huống thường đặt đối tượng vào vị trí của mình, đòi hỏi quá nhiều hoặc chỉ nhượng bộ cho êm ả. Những giáo viên thiếu kinh nghiệm ứng xử thường không xuất phát từ một ngụ ý lấn át hoặc bình dân mà chủ yếu là lúng túng trước mỗi tình huống bất chợt chưa quen biết, chưa tìm ra được lối thoát trong cách cư xử thoả mãn nhu cầu của đối tượng, mặc dù sự thoả mãn chỉ được xét tới như là sự chấp nhận có ý thức của đối tượng ứng xử trước yêu cầu của giáo viên. Do thiếu kinh nghiệm nên giáo viên thường nóng vội, chủ quan trong cách xử lý các tình huống sư phạm dẫn đến những sai sót có thể xẩy ra.
          2.2. Sự lạm dụng uy quyền của chủ thể ứng xử
          Nguyên nhân thứ hai phải kể tới là vấn đề sử dụng uy quyền của mình do nghề nghiệp đem lại một cách thái quá. Trong ứng xử sư phạm, uy quyền của giáo viên là cơ sở vững chắc tạo cho họ vị trí chủ đạo. Uy quyền của giáo viên do nhiều yếu tố tạo nên như quy định, nề nếp học đường, truyền thống đạo đức xã hội... Nhưng điều chủ yếu lại do mối quan hệ thầy trò và nhân cách của giáo viên. Gìn giữ và tạo lập uy quyền của mỗi giáo viên phải luôn được bản thân coi là ý thức thường trực trong công tác giáo dục, đặc biệt là trong ứng xử sư phạm. Trong sự phát triển, mỗi cá nhân chịu sự chi phối của nhiều uy quyền: Thể chế, pháp luật nhà nước, tập thể trường lớp và đoàn thể, uy quyền của văn hoá, truyền thống đạo đức, song trực tiếp là uy quyền của cha mẹ và của thầy cô giáo.  Nếu như ở trẻ nhỏ, uy quyền của cha mẹ và nhà giáo dục là tuyệt đối thì càng lớn lên khi nhận thức xã hội của học sinh được mở rộng, các mối quan hệ xã hội được thiết lập trên cơ sở giữa tình cảm và lý trí trở nên mạnh mẽ hơn thì không phải lúc nào sức mạnh uy quyền của thầy cô giáo cũng là tuyệt đối. Sự so sánh giữa chuẩn mực đạo đức xã hội với lòng nhân ái và năng lực thực sự của người giáo viên tạo nên sức mạnh uy quyền trong suy cảm của học sinh. Do đó, một sự thái quá, bất chấp những đặc điểm tâm lý của đối tượng ứng xử, không nhận ra hoặc lãng quên những gì mình có thể tạo nên uy quyền sẽ dẫn tới nguy cơ thất bại trong ứng xử. Có thể nói, uy quyền của thầy giáo đối với học sinh chính là sự tự nguyện chấp nhận cái chân, thiện, mỹ trong mối quan hệ, qua những hành động thường nhật của giáo viên. Lạm dụng uy quyền của giáo viên trong ứng xử sư phạm dẫn tới những biểu hiện trong hành vi thiếu chuẩn mực ứng xử của họ đối với học sinh như quát nạt, sừng sộ, thậm chí có những hành động xúc phạm nhân phẩm, thân thể của học sinh; Không kiềm chế được tình cảm, xúc cảm của mình trước những đột biến do đối tượng gây ra, đôi khi  kéo theo sự hỗn láo tiêu cực đáng ra không thể có ở học sinh, làm cho tình huống ứng xử  thêm gay cấn.
          Bất cứ ai còn trong độ tuổi học trò, một trong những điều ảnh hưởng sâu sắc tới tâm hồn họ là đạo đức và nhân cách của thầy cô giáo. Truyền thống đạo lý dân tộc Việt Nam rất coi trọng quan hệ thầy trò, giáo viên không chỉ là người đem đến cho học sinh nguồn tri thức mà còn là tấm gương sống về tư cách, phẩm hạnh được học sinh quan tâm theo dõi và noi theo.
          2.3. Tính mặc cảm của học sinh và định kiến của giáo viên
          Một trong những khó khăn mà giáo viên thường gặp phải trong ứng xử sư phạm là tính mặc cảm của học sinh và định kiến của giáo viên. Sống trong tập thể, chúng ta có thể phân biệt được trong đó có những học sinh có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, song đồng thời luôn tồn tại một bộ phận học sinh chậm tiến. Biểu hiện trong mỗi ứng xử của những học sinh này là khác nhau.
          Ở bộ phận những học sinh chậm tiến, trước một tình huống do họ gây ra, thái độ và hành vi ứng xử thường mang tính thụ động, chờ đợi cơn giận dữ của giáo viên trút lên đầu họ nhiều hơn là sự khuyên nhủ và thuyết phục. Trong suy nghĩ của học sinh này luôn có sự mặc cảm với chính mình rằng đúng hay sai thì phần thua thiệt vẫn là mình để từ đó dẫn tới phản ứng bằng việc im lặng hoặc cố gắng lẩn tránh trước câu hỏi của giáo viên, cốt mau chóng thoát được sự truy cứu trách nhiệm của giáo viên hoặc sự chú ý của tập thể, thậm chí có những học sinh hỗn láo, biểu hiện những hành vi vô giáo dục với thầy cô và tập thể, chỉ vì họ cho rằng đằng nào cũng bị trì triết và phê bình, rằng muốn đi tới đâu cũng được.
          Trong ứng xử, những học sinh kém cỏi thường ít được giáo viên tạo ra cơ hội để họ trình bày có ngọn ngành những gì đã xảy ra, hoặc lắng nghe những gì họ muốn. Trong nhiều trường hợp một số học sinh đã xuất phát từ một động cơ đúng đắn, nhưng thiếu suy nghĩ chín chắn dẫn tới những hành vi sai (đánh người để cứu bạn, cho bạn chép bài trong giờ kiểm tra...) nhưng với định kiến về sự hư đốn của học sinh đó, giáo viên thường không giữ được bình tĩnh, quy chụp một cách vội vàng, phê bình nhiều hơn là phân tích đúng sai.
          Do phải lập đi lặp lại sự trừng phạt trong ứng xử, giao tiếp với không ít chủ thể xử lý tình huống khác nhau, học sinh dần tạo lập được cho mình con đường thụ động: trơ ỳ, phá quấy hoặc liều lĩnh. Về phía giáo viên, định kiến đi kèm với nó là sự bảo thủ trong khi nhìn nhận nhân cách của học sinh. Dưới cách nhìn định kiến, hầu như mọi hành vi của những học sinh kém đều bị quy tụ về chiều hướng tiêu cực còn những học sinh ngoan thì ngược lại. Cách nhìn thiếu biện chứng, tĩnh tại này thường dẫn tới sự bất ổn trong ứng xử với học sinh. Từ định kiến trong suy nghĩ dẫn tới định kiến trong cách xử sự, các tình huống không được giáo viên xem xét kỹ càng, những liệu pháp rắn trong ứng xử thường được áp dụng, những nhân tố tích cực trong tình huống dễ bị bỏ qua. Tính bất biến trong quan niệm về sự phát triển nhân cách của học sinh là một sai lầm trong giáo dục, hiệu quả của nó đem lại là sự mất niềm tin trong học sinh đối với lẽ phải, đối với  bạn bè, tập thể và giáo viên. Định kiến không bao giờ mang lại hiệu quả trong ứng xử sư phạm, nó luôn tạo ra sự quay lưng của học sinh đối với các tác động  giáo dục, những dòng nước ngầm bao gồm sự thờ ơ, chống đối và mặc cảm được bắt nguồn từ định kiến của giáo viên. Ứng xử sư phạm đòi hỏi người giáo viên cần có chủ kiến chứ không phải là định kiến. Chủ kiến trong ứng xử sư phạm tạo ra vị trí và uy quyền, song nó phải được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển biện chứng của tình huống sư phạm, đó chính là sự khác biệt giữa uy quyền sư phạm đích thực với uy quyền sư phạm cứng nhắc được sinh ra từ định kiến.
          2.4. Sự yếu kém của tập thể lớp
          Nguyên nhân thứ ba tạo nên khó khăn trong ứng xử sư phạm là sự thiếu đồng cảm của tập thể đối với cách xử lý của giáo viên và điều đó cũng có nghĩa là giáo viên thiếu một chỗ dựa cho toàn bộ quá trình ứng xử.
          Tập thể được coi là chỗ dựa về dư luận và sức mạnh giáo dục. Nếu một tập thể yếu cũng có nghĩa là mất đi khả năng chế ngự những hiện tượng tiêu cực của học sinh. Một tập thể yếu luôn tồn tại trong nó những cán bộ lớp non kém, ít có sự đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, luôn tìm cách bao che khuyết điểm cho nhau. Với những yếu điểm này, uy tín của tập thể không cộng hưởng với uy quyền của giáo viên trong ứng xử sư phạm. Hiện tượng đơn độc trong ứng xử sư phạm của giáo viên đối với nhiều tình huống tạo ra những khó khăn về nắm bắt tình hình đối tượng, ứng xử một cách toàn diện và sâu  sắc, không có một môi trường tốt để răn đe, thuyết phục những học sinh hay quậy phá trong tập thể. Trong ứng xử sư phạm, không có gì thuận lợi bằng khi xử lý tình huống, người giáo viên có được sự giúp đỡ  và ủng hộ của tập thể lớp, tổ và những nhóm bạn bè của đối tượng ứng xử. Những tập thể này ngoài tác dụng như là chỗ dựa cho chủ thể ứng xử, họ còn là những vec tơ giáo dục thuận chiều, cùng hướng tới mục đích hoàn thiện nhân cách cho mỗi cá nhân trong tập thể.
3. Những khó khăn trong việc hình thành năng lực ứng xử sư phạm cho sinh viên
          Trong quá trình hình thành năng lực ứng xử sư phạm cho sinh viên, chúng tôi nhận thấy một số khó khăn như sau:
* Về phía giảng viên
- Phần lớn giảng viên chú trọng các năng lực dạy học như thiết kế bài giảng; sử dụng các phương pháp, hình thức, phương tiện dạy học; kiểm tra - đánh giá người học… mà xem nhẹ việc giải quyết các tình huống dạy học cũng như giáo dục học sinh.
- Thiếu cập nhật những diễn biến tâm lý của học sinh cũng như các tình huống thực tiễn giáo dục ở trường mầm non, phổ thông của các giảng viên.
- Giảng viên trẻ còn non nớt về việc giải quyết các tình huống sư phạm trong thực tiễn nghề nghiệp.
* Về phía sinh viên
- Chưa nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của việc giải quyết các tình huống sư phạm trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp dẫn tới động cơ học tập và rèn luyện không cao; thái độ tham gia học tập và rèn luyện chưa đúng đắn.
- Vốn tri thức về Tâm lí học, Giáo dục học của sinh viên còn có những hạn chế. Vốn tri thức này là cơ sở vững chắc và khoa học cho việc hình thành các phương án giải quyết các tình huống sư phạm. Thiếu những tri thức này, sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết một tình huống sư phạm.
- Vì tuổi đời còn khá khiêm tốn nên thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như thực tiễn hoạt động nghề nghiệp do đó cách giải quyết thường khuôn sáo, cứng nhắc, thiếu linh hoạt.
- Thiếu mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, ứng xử đặc biệt là giao tiếp và ứng xử sư phạm.
* Nội dung và phương pháp dạy học
- Các tình huống chủ yếu trên lý thuyết (giả định trong tình huống sư phạm) nên khó khăn cho sinh viên trong việc ứng dụng. Mặt khác, tình huống sư phạm thường xảy ra nhanh trước dự kiến của giáo viên vì vậy đòi hỏi sự nhanh trí trong tư duy và nhạy bén trong cách xử lý tình huống. Do vậy cần phải có thời gian dài, được thực hành nghề nghiệp mới đem lại hiệu quả cao.
- Số giờ rèn luyện năng lực ứng xử sư phạm ít hoặc lồng ghép vào các giờ học khác nên sinh viên không được rèn luyện thường xuyên, liên tục.
4. Hình thành năng lực ứng xử sư phạm cho sinh viên ở các cơ sở đào tạo giáo viên
Trong chương trình đào tạo tại nhà trường, số giờ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm để hình thành năng lực ứng xử sư phạm cho sinh viên chưa nhiều hoặc lồng ghép vào các học phần khác. Hình thành năng lực ứng xử sư phạm cho sinh viên được thực hiện theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1. Trang bị kiến thức về cách thức giải quyết tình huống sư phạm (hình thành năng lực cấp 1)
Mục tiêu: sinh viên hiểu được các nội dung sau:
- Các khái niệm cơ bản: tình huống, tình huống sư phạm, giải quyết tình huống sư phạm, kĩ năng giải quyết tình huống sư phạm, năng lực ứng xử sư phạm.
- Vai trò của năng lực ứng xử sư phạm trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp.
- Các loại tình huống nảy sinh trong hoạt động sư phạm.
- Quy trình, điều kiện thực hiện ứng xử sư phạm.
Tiến trình tác động vào nhận thức:
Bước 1. Giảng viên đưa ra tình huống (lý thuyết) cho sinh viên.
Bước 2. Định hướng cho sinh viên giải quyết tình huống (lý thuyết) do giảng viên đưa ra nhằm khai thác vốn hiểu biết của sinh viên.
 Bước 3. Yêu cầu sinh viên phân tích một số sai lầm khi không nắm vững khái niệm, các dạng tình huống và cách thức, điều kiện của việc giải quyết tình huống sư phạm.
Giai đoạn 2. Hình thành năng lực ứng xử sư phạm qua tình huống kỹ năng (hình thành năng lực cấp 2)
Mục tiêu: Hình thành kĩ năng giải quyết tình huống sư phạm.
Tiến trình thực hiện:
Bước 1. Yêu cầu sinh viên đưa ra tình huống sư phạm (tình huống thực tiễn được nghe thấy hoặc chứng kiến). Nêu cách giải quyết tình huống sư phạm đó bằng cách sắm vai tình huống và cách giải quyết tình huống).
Bước 2. Tổ chức cho sinh viên nhận xét các nội dung sau:
1/ Tình huống đã nêu ra thuộc loại tình huống nào? (để định hướng nhận xét cách xử lí)
2/ Dữ kiện trong tình huống đã nêu ra thể hiện đầy đủ hay bị ẩn, thiếu? (cho thấy tình huống đã đảm bảo yêu cầu hay chưa)
3/ Quy trình giải quyết tình huống như thế nào?
- Phát hiện ra mâu thuẫn chứa đựng trong tình huống như thế nào?
+ Phát hiện  được tất cả các mâu thuẫn chứa đựng trong tình huống?
+ Xác định được mâu thuẫn mấu chốt (cơ  bản) cần phải giải quyết trong tình huống?
+ Xác định được các lực lượng tham gia tình huống?
- Huy động được những tri thức, kinh nghiệm nào có liên quan đến tình huống để giải quyết?
- Xây dựng các giả thuyết và các cách giải quyết như thế nào?
- Lựa chọn cách giải quyết tối ưu và giải quyết?
- Kiểm tra, đánh giá kết quả giải quyết tình huống?
Bước 3. Thống nhất quy trình giải quyết tình huống sư phạm và đưa ra một số lưu ý khi giải quyết tình huống.
Giai đoạn 3. Vận dụng giải quyết các tình huống sư phạm trong thực tiễn (năng lực cấp 3)
Mục tiêu: Hình thành năng lực ứng xử sư phạm trong đợt thực tập sư phạm vòng I, vòng II.
Tiến trình thực hiện:
 Bước 1. Sinh viên được trải nghiệm hoạt động sư phạm, bắt gặp những tình huống nảy sinh trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.
Bước 2. Lựa chọn và giải quyết tình huống.
- Đối với những tình huống đơn giản, tình huống “động”, sinh viên có thể giải quyết tức thì sau đó trao đổi với giảng viên về cách giải quyết và đánh giá mức độ hiệu quả của phương thức đã thực hiện.
- Đối với những tình huống phức tạp, tình huống “tĩnh”, sinh viên có thể tham khảo ý kiến của giảng viên hướng dẫn, giáo viên phổ thông hoặc giảng viên bộ môn Tâm lý học - Giáo dục học tư vấn, trợ giúp.
Bước 3. Đánh giá những ưu điểm và hạn chế khi giải quyết tình huống sư phạm và phương hướng khắc phục.
- Sinh viên tự đánh giá những ưu điểm và hạn chế cũng như những thuận lợi và khó khăn trong quá trình ứng xử sư phạm. Từ đó định hướng cho bản thân những nội dung cần hoàn thiện. Chẳng hạn:
+ Về kiến thức: Hiểu biết về tâm lý của đối tượng tiếp xúc, hoàn cảnh xảy ra tình huống, kiến thức về tâm lý - giáo dục học sinh…
+ Kỹ năng: Nhận diện mức độ xảy ra của tình huống; quan sát và điều khiển đối tượng; làm chủ trạng thái cảm xúc của bản thân; chủ động xử lý tình huống đảm bảo tính sư phạm…
+ Thái độ: Bình tĩnh, tự tin, chủ động và tôn trọng hoàn cảnh, chủ thể và đối tượng trong tình huống; giải quyết tình huống có lý, có tình thiên về nội dung tâm lý hơn là công việc.
*****
Năng lực ứng xử sư phạm là một bộ phận quan trọng trong năng lực giáo dục của người thầy giáo, thể hiện khả năng giải quyết một cách hợp lý và hiệu quả những vấn đề sư phạm nảy sinh, đảm bảo thành công trong hoạt động sư phạm. Năng lực giải quyết tình huống sư phạm được hình thành không chỉ trong quá trình đào tạo mà còn được rèn luyện, phát triển trong quá trình hành nghề. Năng lực ứng xử sư phạm không chỉ phụ thuộc vào vốn hiểu biết về hoạt động dạy học, giáo dục; đối tượng giao tiếp; phương thức xử lý tình huống sư phạm; kinh nghiệm sống và thâm niên nghề nghiệp mà còn phụ thuộc vào lòng yêu nghề, mến trẻ, lương tâm nghề nghiệp của người thầy. Do vậy, bên cạnh việc trau dồi kỹ năng xử lý tình huống sư phạm đòi hỏi người giáo viên không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách trong suốt hành trình hoạt động nghề nghiệp của mình.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
          1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự thảo tháng 4/2015.
2. Phạm Văn Đồng. Hãy tiến mạnh trên mặt trận khoa học và kĩ thuật. NXB sự thật Hà Nội, 1969
3. GS.TS. Bùi Văn Huệ, TS. Nguyễn Trí, TS. Nguyễn Trọng Hoàn, ThS. Hoàng Thị Xuân Hoa. Nghệ thuật ứng xử sư phạm. NXB ĐHSP, 2004.
4. Trịnh Trúc Lâm, Nguyễn Văn Hộ. Ứng xử sư phạm. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005
            5. Nguyễn Thị Mỹ Lộc. Dạy học phát triển năng lực. Tạp chí Quản lý Giáo dục (Học viện quản lý giáo dục) số đặc biệt tháng 4/2015
            6. Phạm Trung Thanh. Thực tập sư phạm năm thứ 2,3. NXB Đại học Sư phạm, 2003.
            7. Nguyễn Quang Uẩn. Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Sư phạm, 2005.
            8. Ryhen D.S &Salganik, L.H. (Eds). Summary of the final report, Key Competencies for a Successful Life and a Well - Functioning Society". Gottinggen, Germany: Hogrefe &Huber, 2003
  Thông tin chi tiết
Tên file:
Hình thành năng lực ứng xử sư phạm cho sinh viên ở các cơ sở đào tạo
Phiên bản:
N/A
Tác giả:
Nguyễn Thị Phương Loan
Website hỗ trợ:
N/A
Thuộc chủ đề:
Bài viết - nghiên cứu
Gửi lên:
10/04/2017 02:35
Cập nhật:
10/04/2017 03:01
Người gửi:
admin
Thông tin bản quyền:
N/A
Dung lượng:
461.20 KB
Xem:
1628
Tải về:
28
  Tải về
Từ site Trường CĐSP Lạng Sơn:
   Đánh giá
Bạn đánh giá thế nào về file này?
Hãy click vào hình sao để đánh giá File

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/02-05-2024_45c21e710a168d2fc80472790acf022c.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)