Tóm tắt
Hoạt động dạy và hoạt động học có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, hướng tới mục tiêu là vì HS. Lý thuyết và thực tiễn đã chỉ ra, dạy học chỉ có hiệu quả khi hình thành và phát triển năng lực của HS. Việc tổ chức hoạt động dạy học cần được thống nhất và đồng bộ từ mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá. Mục đích chủ yếu của đánh giá năng lực là xác nhận mức độ đạt được về năng lực của HS, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm phát triển khả năng của họ. Bài viết khái lược một số phương pháp, kỹ thuật và công cụ đánh giá năng lực của HS, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học cũng như vì sự tiến bộ của HS.
Từ khóa: Đánh giá, năng lực, phương pháp, kỹ thuật, công cụ, học sinh, hoạt động học tập….
Abstract
Teaching and learning activities are closely related to supporting and complementing each other, towards the goal of the student. Theory and practice have shown that teaching is only effective when forming and developing students' competences. The organization of teaching activities need to be linked from the objective, content, method and assessment. The main purpose of a competency assessment is to confirm the student's level of achievement and to provide solutions to develop their abilities. The article outlines some methods, techniques and tools for assessing student’s competences in order to carry out well the teaching tasks as well as the student’s progress.
Keywords: Assessment, competences, methods, techniques, tools, students, learning activities…
1. Đặt vấn đề
Một trong những vấn đề mà giáo dục hiện đại quan tâm chính là giáo dục định hướng phát triển năng lực (PTNL). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã chỉ rõ: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học [1]. Ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT công bố “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, trong đó quy định rõ các năng lực và phẩm chất cần hình thành và phát triển cho học sinh (HS). Năng lực chung gồm năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo,được hình thành và phát triển từ tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Những năng lực chuyên môn/đặc thù gồm năng lực ngôn ngữ, toán học, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất và được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học nhất định. Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của HS [2]. Theo Tâm lý học, năng lực được hình thành, phát triển và thể hiện thông qua hoạt động [7, tr. 242]. Vì vậy, việc tổ chức hoạt động dạy học và đánh giá được năng lực của HS là việc làm cần thiết. Vậy làm thế nào để đánh giá được năng lực và sự PTNL của HS trong và sau một quá trình học tập là vấn đề được các nhà giáo dục quan tâm.
....