Đặc trưng là gì? Đặc trưng là những dấu hiệu, những đặc điểm riêng biệt nổi bật của sự vật - hiện tượng, mà dựa vào đó người ta có thể nhận diện nó, phân biệt nó với sự vật - hiện tượng khác.
Thuộc loại hình nghệ thuật ngôn từ, văn học dân gian có nhiều điểm tương đồng với văn học viết. Song, do sống lưu truyền trong dân gian nên văn học dân gian mang những đặc trưng riêng có, ví như: tính truyền miệng, tính tập thể, tính nguyên hợp... Dưới đây, chúng tôi xin trình bày vấn đề
tính nguyên hợp của Văn học dân gian từ các kết quả khảo sát và phân tích các tài liệu đến nhận thức khái quát về lý thuyết.
1. Đôi điều nhắc lại về khái niệm “nguyên hợp” Nguyên hợp nguyên nghĩa là “sự kết dính ngay từ ban đầu” (
nguyên: nguồn gốc, bắt đầu;
hợp: kết dính, kết hợp). Đó là cách hiểu thông thường về khái niệm nguyên hợp và tính nguyên hợp.
Trong việc nghiên cứu Văn học dân gian, vấn đề thuật ngữ, khái niệm (như tính nguyên hợp, tính truyền miệng…) luôn được chú ý giải quyết đầu tiên. Theo nghĩa rộng, tính nguyên hợp là
“sự dính liền nhau ngay từ ban đầu của các loại hình khác nhau trong sáng tạo văn hóa”(1) [5,Tr.15]. Đây chính là đặc tính chỉ xuất hiện ở giai đoạn sớm nhất trong sự phát triển của các hiện tượng văn hóa - nghệ thuật. Hiểu một cách giản dị hơn,
“nguyên hợp: có sự hòa lẫn, trộn lẫn với nhau một cách tự nhiên, vốn có, của nhiều yếu tố khác nhau, ở dạng những yếu tố này chưa từng bị phân hóa” [3,Tr.16]. Mặc dù, các cách định danh có khác nhau, nhưng tất cả vẫn châu tuần quanh cái lõi là sự hòa lẫn làm một và ban đầu của Folklore nói chung, văn học dân gian nói riêng. Và, có thể nói, văn học dân gian
“là hình thức sơ khai của nghệ thuật. đồng thời cũng là hình thức nguyên hợp của sự sản xuất tinh thần nói chung” [6,Tr.19].
Vì vậy, GS. Vũ Anh Tuấn đã khẳng định: “nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc đặc trưng nguyên hợp của VHDG trong tất cả các biểu hiện của VHDG giữa đời sống, từ hoạt động sáng tác, hoạt động trình diễn đến hoạt động tiếp nhận, là một yêu cầu có tính nguyên tắc đối với mọi lĩnh vực nghiên cứu của khoa VHDG” [7, Tr.11]
2. Đặc trưng nguyên hợp của Văn học dân gian (VHDG)2.1. Về mặt nguồn gốcVHDG là một hình thái ý thức xã hội mang tính nguyên hợp nên vẫn còn nguyên một khối, điều này có nguồn gốc từ sự nhận thức nguyên hợp của người nguyên thủy, ở đây cần lưu ý, không chỉ có nhận thức đời sống nói chung mà bao gồm cả nhận thức thẩm mĩ nghệ thuật. Nhận thức thời nguyên thủy chưa có sự phân hóa rõ rệt thành những hình thức cụ thể như đạo đức, tôn giáo, triết học, nghệ thuật, khoa học… Chính vì thế, VHDG
“có sự hòa lẫn những hình thức khác nhau của ý thức xã hội và đó là bản chất chung của toàn bộ cơ cấu văn học dân gian cổ truyền” [6, Tr.19].
Ban đầu, VHDG nói riêng không tách rời đời sống sinh hoạt, lao động của con người. Sau một ngày săn bắt, hái lượm… mệt mỏi, đêm xuống mọi người ngội quây quần bên bếp lửa, họ vừa kể vừa diễn lại cảnh săn bắt, hái lượm ban ngày và họ thể hiện niềm vui bằng cách nhảy múa bên những thành quả lao động ấy. Vô hình chung, các hình thức nghệ thuật cứ thế ra đời một cách hết sức tự nhiên, không có “chủ định làm nghệ thuật” từ trước, nó ra đời và tồn tại như một tất yếu của đời sống. Bàn về nhảy múa, một trong các hình thức nghệ thuật nguyên thủy, M.O.Kosven đã viết:
“không còn nghi ngờ gì nữa, nhảy múa nguyên thủy có liên quan với ma thuật và sự sùng bái tô tem. Nhảy múa cũng liên quan mật thiết với âm nhạc - thanh nhạc và khí nhạc. Trong tiếng nói của nhiều bộ lạc, thường dùng một từ để chỉ nhảy múa và ca hát… Ở nhiều bộ tộc, có truyền bá những bài hát tả lại cả quá trình cày cấy, từ khi gieo hạt cho đến lúc thu hoạch, những bài hát đó có nhạc đệm theo, đồng thời nhảy múa là sự mô tả bằng kịch của quá trình đó” [4, Tr.267]. Rõ ràng, VHDG thời nguyên thủy là sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa ngôn ngữ với nhiều thành phần nghệ thuật khác như âm nhạc, nhảy múa… và nhiều yếu tố quan trọng như tôn giáo, nghi lễ, phong tục, tập quán…
2.2. Biểu hiện tính nguyên hợp của VHDG2.2.1. Tác phẩm VHDG là chỉnh thể chưa bị chia cắt, phán ánh toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dânTính chất này này trước hết có cơ sở ở mối quan hệ tự nhiên giữa VHDG với thực tiễn đời sống. VHDG ra đời, phát triển và biến đổi, thậm chí mất đi trong đời sống lao động, sản xuất của con người. Duy chỉ ở đó, nó mới phát huy hết cái hay, cái đẹp vốn có. VHDG không bao giờ tách rời môi trường và phương thức tồn tại đặc thù của nó. Như đã trình bày ở phần
nguồn gốc, trong xã hội nguyên thủy, nhận thức, tư duy cũng như các hình thái ý thức xã hội chưa phân tách rạch ròi. Vì thế, những thể loại VHDG không tách rời mà gắn với hoạt động thực tiễn của con người. Cụ thể, mỗi tác phẩm VHDG, một cách tự nhiên, luôn chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa khác nhau về lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán…
Thần thoại chính là một thể loại tiêu biểu cho điều này, nó vừa là khoa học, vừa là tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục… của người nguyên thủy.
Ví dụ:
Thần thoại về
“Thần Nước” đã kể rằng thần có
một hình thù rất vĩ đại, cho thấy tín ngưỡng thờ thần tự nhiên của người nguyên thủy.
Thần làm vua tất cả 3.600 giống thủy tộc. Có một số giống thủy tộc được làm tướng tá bộ hạ của thần. Mỗi tướng tá bọ hạ chia nhau cai quản một khu vực. Chức của mỗi vị bộ hạ lớn hay bé tùy theo pham vi địa phương rộng hay hẹp của vị đó. Những chi tiết này là tri thức về lịch sử - xã hội, biểu hiện những nét đầu tiên của sự phân hóa xã hội gắn với hệ thống tổ chức - nhà nước từ trên xuống dưới. Người đứng đầu là vua, người giúp vua cai quản là các tướng tá bộ hạ phân chia theo các khu vực quản lý, chức vụ to hay nhỏ tùy vào phạm vi cai quản. Ngoài ra còn có khoa học về địa lý thủy văn, giải thích hiện tượng tại sao sông, suối lại có mùa nước to, mùa lũ, vì
mỗi năm vào khoảng tháng tám, thần dâng nước để lấy gỗ chò. Bất kỳ gỗ ấy ở đâu: đã làm vào nhà cửa trần gian hoặc còn nguyên cả cây, thần Nước đều lấy tất. Hoặc
Thần thoại về
Thần Núi - Sơn Tinh, vùng Sông Đà có kể khi Sơn Tinh đưa Mỵ Nương về núi, lúc qua sông gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Trên thực tế, đó là kiến thức có được nhờ kinh nghiêm quan sát của nhân dân về mùa nước trong và mùa nước đục của con sông…
Khi nghiên cứu, bóc tách từng chi tiết trong
Thần thoại ta sẽ thấy nội dung chứa đựng trong thể loại này là sự kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hơn thế, những nội dung ấy ngay từ đầu đã kết hợp và có mối liên hệ với nhau.
Ở
Truyền thuyết, tính nguyên hợp cũng được thể hiện rất đậm đặc. Mỗi tác phẩm đều mang chứa nhiều nội dung, nhiều chức năng. Đó là văn học (thẩm mĩ), sử học (phản ánh lịch sử), dân tộc học (phản ánh phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng), triết học - tâm lý học (suy tư, chiêm nghiệm), giáo dục (vốn sống, ứng xử)… Tất cả được kết dính tự nhiên ngay từ ban đầu nhưng bản chất của mỗi yếu tố ấy là khoa học. Về Truyền thuyết
Sơn Tinh - Thủy Tinh, phản ánh thời kỳ lịch sử - Hùng Vương dựng nước, kết lồng tục lệ hôn nhân mới với quan niệm một vợ, một chồng, với tục thách cưới, cuộc thi tài của các chàng trai cầu hôn…; Xuất hiện tâm lý ghen tuông; Là bản tổng kết những tri thức về địa lý, thủy văn vùng Châu thổ sông Hồng, sông Đà; Ngợi ca lao động, khắc phục những trở ngại của thiên nhiên… Có thể thấy, bên cạnh sự đa yếu tố thì sự đa chức năng đã nói lên tính nguyên hợp của văn học dân gian.
Trong truyện kể dân gian, cốt truyện và thậm chí là mỗi thành tố nhỏ hơn cốt truyện đều có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của một bộ môn khoa học. Nhiều nhà khoa học khác đã căn cứ vào VHDG để tìm kiếm những dữ kiện lịch sử, văn hóa trong sự kết dính của nó với yếu tố nghệ thuật - thẩm mĩ (văn học). Ví như truyện
Sự tích trầu cau cùng việc phản ánh phong tục ăn trầu của nhân dân ta là sự phản ánh tình trạng xã hội chuyển từ chế độ quần hôn sang chế độ hôn nhân gia đình nên có nhiều mâu thuẫn và sự lạ lẫm. Truyện
Tấm cám lại phản ánh tình trạng xã hội có phân hóa giai cấp, có xung đột và đấu tranh xã hội thông qua phạm vi gia đình. Truyện
Sự tích ba ông đầu rau, có lớp lịch sử gần là phản ánh tục thờ thần Bếp, tập quán đưa tiễn Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Nhưng lớp lịch sử xa hơn, sớm hơn là phản ánh công cuộc vĩ đại khi loài người tìm ra lửa, gắn với tín ngưỡng thờ thần Lửa.
Với sự phân hóa dần của tồn tại xã hội và ý thức xã hội, khối nguyên hợp dần mất đi tính chất phổ quát. Theo đó mà các loại hình nghệ thuật và các thể loại được phân chia, được tách ra và có đời sống, số phận riêng. Tuy vậy, Folklore nói chung, VHDG nói riêng vẫn bảo lưu tính nguyên hợp và có những hình thức mới cho tính nguyên hợp của nó.
Chẳng hạn như sử thi
Đẻ đất đẻ nước. Ban đầu sử thi này chính là lời ca của những bài
Mo được dùng trong tang lễ. Thầy
Mo sẽ hát từng đoạn gắn với từng bước tiến hành nghi lễ. Hay
truyện thơ Khảm Hải cũng vậy, ban đầu chỉ là một chương khúc trong lời của những bài
Then nghi lễ miêu tả lại một chặng đường gian nan khổ cực của đoàn quân
Then trong hành trình lên trời. Đến hiện giờ sự chuyển hóa và tồn tại ở một thể mới đã ít nhiều làm mất đi những hình thức nguyên hợp, diễn xướng vốn có. Đó là chưa kể tới sự sân khấu hóa, không cần có nghi lễ nhưng
Mo, Then vẫn được hát. Tuy nhiên, các yếu tố khác trong khối nguyên hợp như âm nhạc, điệu múa… vẫn được bào lưu.
Trở lại với hình thức nguyên khối ban đầu được tạo ra từ tư duy nguyên hợp đã làm nên đặc tính riêng biệt cho VHDG. Sự vật - hiện tượng luôn được kiểu tư duy này “nhận diện” trong trạng thái không có sự phân tách. Chúng là khối đa yếu tố, có liên hệ với nhau và không tách rời đời sống cộng đồng với những hoạt động của nhân dân, phong tục tập quán của họ. Vì thế, VHDG có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa yêu cầu, giá trị ích dụng và yêu cầu, giá trị thẩm mĩ. VHDG vừa là văn học vừa là văn hóa, là sự kết hợp hài hòa ba yếu tố: sáng tác, trình diễn và thưởng thức. Nhân dân vừa là tác giả, vừa là diễn viên, vừa là công chúng không có sự phân biệt như sân khấu hiện đại. Điều này ta thấy rõ ở
Chèo sân đình. Sau những giờ lao động mệt nhọc, không phân biệt già hay trẻ, gái hay trai… mọi người lại quây quần bên chiếu chèo để cùng xem, cùng diễn và cùng sáng tạo. Ví dụ một chi tiết nhỏ trong vở
Quan Âm Thi Kính khi nhân vật Thị Mầu xuất hiện và có hát:
“Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?” những người xem sẽ đế theo:
“Không xưng danh ai biết là ai?”... Hay Trường hợp khác, khi người đóng Mãng Ông hay Thiện Sĩ… không đạt thì người xem có thể bước lên chiếu chèo hướng dẫn sau đó lại trở về ngồi xem và người kia sẽ diễn lại theo sự góp ý ấy. Thế mới nòi trong chèo không có bức tường ngăn cách giữa người xem và người diễn. Đó chính là tính mở của VHDG.
Mỗi tác phẩm VHDG ngoài việc sử dụng phương tiện diễn đạt là ngôn từ còn kết hợp với một vài phương tiện khác như âm nhạc, vũ điệu, động tác… Ví dụ trong sinh hoạt nghi lễ của người Tày có nghi lễ
Then. Bên cạnh lời ca với nội dung và hình thức biểu hiện nội dụng rất phong phú, còn xuất hiện yếu tố âm nhạc. Có thể nói, ca và nhạc là hai phương diện nghệ thuật riêng biệt nhưng ở đây nó gắn bó khăng khít với nhau. Lời ca là nghệ thuật của ngôn từ, âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Ca và nhạc là phương tiện để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của con người. Chính âm nhạc tạo nên làn điệu cho
Then, nhờ đó mới phân biệt được
Then của vùng nào, địa phương nào… Múa - yếu tố tạo hình cũng tham gia vào khối nguyên hợp này, tạo nên chỉnh thể Folklore -
Then. Bản chất của múa là những động tác diễn xướng trong khi thực hành nghi lễ. Tùy theo nội dung lời
Then mà các điệu múa như múa chầu, múa Sluông (múa chèo thuyền), múa tán hoa… được sử dụng thích hợp.
Khi nghiên cứu thể loại
Ca dao chúng ta nên đặt nó trong môi trường diễn xướng đích thực để tìm hiểu, xin đơn cử câu ca dao khi chưa được ghép thêm phần nhạc như sau:
Chàng về để áo lại đâyÁo thời thiếp mặc gối mây đợi chờ Sau khi được ghép nhạc (tức là được diễn xướng) sẽ có diện mạo khác:
(Cởi áo lại đây)
Chàng về để áo lại đâyÁo (thì)
thì thiếp mặc gối mây (gối mây)
đợi chờNgoài sự lặp lại một số yếu tố, còn có sự khác biệt ở từ “thì” và “thời”
(1). Có lẽ, đây mới là hình thức tồn tại đầy đủ và vốn có của câu ca dao này. Trong đó, lời hát thể hiện nét e thẹn mà cũng có nét mạnh bạo của cô gái trong cách giao duyên với chàng trai. Quan trọng hơn, một niềm khao khát tình yêu đã được gửi gắm qua lời hẹn “đợi chờ” dễ thương nhưng không được cô gái nói ra một cách lưu loát mà ngập ngừng, ngập ngừng “gối mây”. Rõ ràng, ở đây âm nhạc đã làm nên nhạc điệu, nhịp điệu cho lời ca. Đó là nhịp điệu của cuộc sống, của tâm tình.
2.2.2. VHDG là kết tinh trí tuệ và tâm hồn của tập thể nhân dân ở những thời đại khác nhau và địa phương khác nhau Nếu tác phẩm Văn học viết được xem là sản phẩm sáng tạo của một cá nhân, thuộc về một cá nhân thì tác phẩm văn học dân gian lại mang tính tập thể, thuộc về tập thể từ khi nó ra đời cho đến lúc nó được tập thể lưu truyền và diễn xướng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không thừa nhận vai trò của cá nhân trong quá trình sáng tác và lưu truyền, diễn xướng và gìn giữ các sáng tác ấy. Bởi, rất có thể sáng tác VHDG ban đầu do một cá nhân sáng tạo ra nhưng trong quá trình lưu truyền theo không gian, thời gian với sự tham gia của nhiều cá nhân cho nên vai trò của tác giả đầu tiên đã từng bước bị làm mờ đi và dần dần những sáng tác ấy trở thành sản phẩm sáng tạo chung cho cả cộng đồng. Hơn thế, sự sáng tác, kế tiếp nhau mở rộng từ nhiều người đến nhiều dân tộc, thậm chí nhiều thời đại khác nhau đã kết hợp với nhau một cách tự nhiên theo những quy luật vận động và phát triển của tiếp biến văn hóa. Vì vậy, khi xem xét VHDG nhất thiết phải bóc tách trên hai phương diện đồng đại và lịch đại.
Ở chương 1 - Đất nước vùng Trung Châu kể chuyện ông Dóng trong công trình
Người anh hùng làng Dóng, Cao Huy Đỉnh đã kể lại 15 mẩu truyện về ông Dóng, có thể khái quát như sau: Trước hết là hình ảnh dấu chân khổng lồ trên một tảng đá ở Dóng Mốt. Dấu chân này là đầu mối truyện ông Dóng; Thứ hai, sự tích thống đá, liếm đá và chõng đá; Thứ ba, ông tổ nghề thợ rào (thợ rèn) ở quê Dóng; Thứ tư, làng Mòi nơi rèn ngựa sắt cho ông Dóng. Thứ năm, Lý Tiến người đi đánh giặc Ân trước Dóng; Thứ sáu, những người theo Dóng đi đánh giặc Ân
(1) (có tới 06 chuyện kể trong mục này); Thứ bảy, chuyện về ông Dóng ở làng Ngườm; Thứ tám, chuyện về ông Dóng ở làng Mã; Thứ chín, đất nước vùng Trung Châu kể những nơi mà ống Dóng phóng ngựa đuổi giặc. Mỗi truyện kể có thể coi là một lát cắt đồng đại về truyện ông Dóng. Trên cơ sở cốt truyện gồm 4 chặng: sinh nở thần kì - em bé khổng lồ - đánh thắng giặc - hóa thân, mỗi địa phương (mỗi không gian) đã thêm bớt hoặc thay đổi một vài chi tiết và đã sáng tạo ra những bản kể về ông Dóng. Đó chính là sự kết tinh trí tuệ và tâm hồn của nhiều địa phương, nhiều thế hệ khác nhau. Nói như, Cao Huy Đỉnh
“truyện ông Dóng có nhiều cái hay, cái đẹp. Nó nói rằng thiên tài sáng tạo là thuộc về tập thể người dân ở nhiều nơi và nhiều thời” [2, Tr. 507].
Nếu ở chương 1, từ điểm xuất phát khoa học hoàn toàn khách quan, đưa tư liệu lên trước và mô tả chân thành tư liệu, tác giả làm nổi bật phương diện đồng đại khi xem xét đối tượng thì đến chương 2 - Từ chuyện anh hùng bộ lạc đến chuyện anh hùng dân tộc, tác giả làm nổi bật phương diện lịch đại, không chỉ kể chuyện mà còn tóm tắt cốt truyện bằng cách sơ đồ hóa cốt truyện. Đó chính là phương pháp cấu trúc, nghiên cứu theo cách quy nạp - con đường đi đúng và phù hợp với việc nghiên cứu VHDG. Tác giả đưa ra 2 kết cấu lịch sử ủa truyện ông Dóng:
1- Sóc Sơn - Núi Trâu - Sóc Sơn
2- Phù Đổng - Núi Trâu - Hồ Tây - Sóc Sơn
Như vậy, từ việc sơ đồ hóa đến việc so sánh hai kết cấu, Cao Huy Đỉnh đi đến kết luận: kết cấu 1 ít tình tiết hơn thì cổ hơn, đúng với nguyên tắc kết cấu truyền thống của truyện anh hùng bộ lạc. Và kết hợp với kết cấu 2, giúp tác giả có cái nhìn lịch đại để khẳng định truyện ông Dóng đi từ chuyện anh hùng bộ lạc đến chuyện anh hùng dân tộc.
Tóm lại trí tuệ của nhân dân nhiều miền, nhiều thời đã tích tụ trong truyện ông Dóng nói riêng, tác phẩm VHDG nói chung. Quá trình thu hút, chọn lọc những giá trị tinh hoa của văn hóa ấy chính là kết quả sáng tạo bền bỉ qua nhiều nơi, nhiều đời của nhân dân.
2.3. Tính nguyên hợp về chức năng của VHDGNhư đã nói ở trên, nội dung của các thể loại văn học dân gian nói chung và các tác phẩm văn học dân gian nói riêng không những chứa nội dung thẩm mĩ, mà còn chứa đựng các nội dung khác. Nó là bộ
“Bách khoa của tri thức đời sống”. Vì thế, bên cạnh chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, dự báo, giải trí… chức năng sinh hoạt - thực hành xã hội đóng vai trò không nhỏ, và các chức năng ấy thống nhất với nhau.
Các thể loại của văn học dân gian đã lần lượt trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học.
Thần thoại vừa là đối tượng của ngành thiên văn học khám phá những tri thức nguyên sơ của con người về vũ trụ, vừa là đối tượng của ngành triết học tìm hiểu về quan niệm duy tâm, duy vật… Hoặc, tục ngữ vừa là đối tượng của ngành xã học học quan tâm đến những kinh nghiệm về xem xét, đánh giá, quan hệ và ứng xử của con người… vừa là đối tượng của ngành nông nghiệp chú ý về kinh nghiệm sản xuất… Việc trở thành đối tượng nghiên cứu cùng lúc của nhiều khoa học đã củng cố đặc trưng nguyện hợp của VHDG. Đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của VHDG.
Văn học dân gian có mối quan hệ khăng khít, gắn bó với thực tiễn, nó tham gia vào thực tiễn với tư cách là một yếu tố làm nên các chỉnh thể sinh hoạt đời thường của nhân dân như lao động, sinh hoạt nghi lễ, sinh hoạt gia đình… Như thế, từ việc diễn xướng đến việc thực hành các nghi lễ (trừ trường hợp không phải “đích thực”) đều là minh chứng rõ nét cho sự trộn lẫn, hòa trộn vào nhau giữa các yếu tố một cách hết sức tự nhiên. Văn học dân gian
sống trong, sống cùng, sống với sinh hoạt thực tế cho nên chức năng thực hành làm cho văn học dân gian gắn bó với đời sống con người một cách chặt chẽ, từ lúc trẻ thơ đến lúc già cả…
Trở lại với ví dụ về loại hình nghi lễ
Then của người Tày, xuất phát từ thực tiễn mà nghi lễ này được chia làm nhiều loại khác nhau, tương ứng với nó là lời ca, âm nhạc, vũ điệu… phù hợp. Đó chính là chức năng sinh hoạt thực hành của Văn hóa dân gian nói chung, VHDG nói riêng.
Then cầu mong (cầu thọ, cầu đường tình duyên, con cái),
Then chữa bệnh (giải sầu, đuổi tà ma),
Then tống tiễn (đưa linh hồn người chết về với tổ tiên),
Then cầu mùa (đón “nàng Hai” xuống ăn cơm mới),
Then chúc tụng (mừng thọ, sinh con),
Then đại lễ cấp sắc (phong chức cho người hành nghề
Then)…
Trong những lúc lao động mệt nhọc, người ta có thể cất lên một câu hò để xua tan những nỗi nhọc nhằn, vất vả bằng cách điều tiết nhịp điệu lao động của tập thể: Hò giã gạo, Hò giựt chì, đi cấy…
Tay ôm bó mạ xuống đồngMiệng ca tay cấy mà lòng nhớ aiGiai điệu của câu hát cho thấy bước chân nhịp nhàng, háo hức của người nông dân khi đem mạ xuống đồng cấy vụ mùa mới. Đồng thời biểu lộ đời sống riêng tư với nỗi nhớ người bạn cùng phường cấy.
Thừa nhận chức năng sinh hoạt thực hành của VHDG nhưng cũng không thể coi nhẹ chức năng thẩm mĩ của nó và xu hướng vận động ngày càng hướng tới chức năng này là một nhu cầu tất yếu. Mà, tác phẩm VHDG phần văn bản chính là những gì tinh túy nhất, bởi chức năng thẩm mĩ được biểu đạt nhiều nhất, mạnh nhất thông qua yếu tố ngôn từ. Cho nên mới có hiện tượng đêm giã gạo, thóc đã giã hết nhưng bài ca chưa dừng, người ta đổ trấu vào giã tiếp. Những em bé đã ngủ say, nhưng lời hát ru của bà, của mẹ, của chị vẫn chưa có “điểm dừng” mà cứ thế nối tiếp nhau:
Ầu ơ... con chim se sẻ nó đậu trên cột đình… Ầu ơ!... Bà ngoại đẻ má, má mới đẻ mình bạn ơi…. Ầu ơ… Con chim se sẻ… Tóm lại,
“mỗi tác phẩm VHDG phản ánh nhiều mặt, nhiều phương diện khác nhau của đời sống vật chất và đời sống tinh thần của xã hội. Do vậy, tác phẩm vừa thực hiện chức năng của văn học (thẩm mĩ), vừa thực hiện chức năng sử học (phản ánh lịch sử), vừa thực hiện chức năng dân tộc học (phản ánh phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân trong những không gian và thời gian khác nhau), vừa thực hiện chức năng triết học, tâm lý học (phản ánh cách nhân dân suy tư, chiêm nghiệm, triết lí về thiên nhiên, xã hội, con người, phản ánh tư tưởng nguyện vọng của nhân dân), vừa thực hiện chức năng giáo huấn (truyền thụ vốn sống và đạo lý ứng xử) [8, Tr.6]… Như thế, mỗi tác phẩm VHDG cùng một lúc “hút vào” trong lòng nó rất nhiều tri thức của nhân dân ở dạng thức chưa bị phân chia, phân hóa (tức là trạng thái nguyên hợp).
Qua việc khảo sát và phân tích một số tư liệu VHDG, chúng tôi xin rút ra một vài nhận thức khái quát về mặt lý thuyết như sau:
1. Tính nguyên hợp là một trong những đặc trưng cơ bản nhất đã nói lên bản chất vừa là văn học, vừa là văn hóa của VHDG.
2. Tính nguyên hợp đòi hỏi người nghiên cứu, người thưởng thức phải tiếp cận tác phẩm VHDG đồng thời từ nhiều chiều, nhiều phương diện.
___________________Tài liệu tham khảo chính:1. Chu Xuân Diên,
Mấy vấn đề văn hóa và văn học dân gian Việt Nam, Nxb Văn nghệ, TpHCM.2004
2. Cao Huy Đỉnh,
Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động và Trung tâm văn hóa Đông Tây, H.2004
3. Đinh Gia Khánh (Chủ biên),
Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, H. 2003
4. M.O.KOSVENB,
Sơ yếu lịch sử văn hóa nguyên thủy, Nxb Khoa học Xã hội, H.2005
5. Lê Chí Quế (Chủ biên),
Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, H.1996
6. Đỗ Bình Trị,
Văn học dân gian Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, H. 1991
7. Vũ Anh Tuấn (Chủ biên),
Giáo trình Văn học dân gian, Nxb Giáo dục, H.2012
8. Phạm Thu Yến (Chủ biên),
Giáo trình Văn học dân gian, Nxb Đại học Sư phạm, H.2007
9. Viên nghiên cứu văn hóa,
Folklore - một số thuật ngữ đương đại, Nxb Khoa học Xã hội, H.2005
10. Viên nghiên cứu văn hóa,
Folklore - một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học Xã hội, H.2005
(1) Sự thay đổi này hẳn có liên quan tới tục kị húy: Tên khai sinh của vua Tự Đức là “Thì”, cho nên khi văn bản hóa buộc phải chuyền thành “thời”. Còn câu hát dân gian “thì” vẫn được giữ nguyên, phải chăng đó chính là bản chất, là “đặc quyền”của dân gian”. (1) Đoàn trẻ chăn trâu bò ở Hội Xá, ông Cầm Vồ ở làng Trung Mầu, hai anh em sinh đôi ở làng Võ Giàng, năm anh em ở làng Y Na, hai anh em Dục và Minh ở làng Hà Lỗ và Hà Phong, ông Trấn ở làng Phù Đổng, ông Trâu ở làng Lệ Chi và làng Trung, Bạch San ở làng Phù Đổng.