Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Mô hình cốt truyện “gặp gỡ - tai biến - bi kịch” - một cách tiếp cận đặc điểm cơ bản nhất của truyện thơ các dân tộc thiểu số

Thứ hai - 10/10/2016 09:18
Truyện thơ là một sản phẩm văn hóa độc đáo và có vị trí đặc biệt trong kho tàng văn hóa dân gian của nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta. Từ những góc độ khác nhau, Truyện thơ đã được nói đến ở nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình và bài viết của nhiều nhà khoa học. Giới hạn chật hẹp của bài viết không cho phép chúng tôi trình bày toàn bộ về điều đó, chỉ xin khái quát như sau:
Giới thuyết khái niệm, nguồn gốc và quá trình phát triển của Truyện thơ cũng như nội dung Truyện thơ qua các nhóm đề tài là một phần quan trọng trong công trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam của tác giả Võ Quang Nhơn, hơn thế, riêng phần Truyện thơ được trích in lại trong giáo trình Văn học dân gian(1); ở cuốn Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam(2) tác giả Phan Đăng Nhật dành trọn Chương VII để trình bày về Truyện thơ; cùng bàn, có tác giả Vũ Anh Tuấn nhưng công trình này chỉ đi sâu tìm hiểu Truyện thơ Tày(3).
Về các đặc điểm thi pháp Truyện thơ, ở đôi chỗ của những công trình kể trên các tác giả đã dừng lại để nói về một số đặc điểm thi pháp nhưng vẫn còn tản mạn và mang tính điểm xuyết. ­Đến chuyên luận Đặc điểm thi pháp Truyện thơ các dân tộc thiểu số(4), tác giả Lê Trường Phát đã chọn vấn đề này làm đối tượng nghiên cứu cho luận án Phó Tiến sĩ của mình. Gần với vấn đề tôi đang quan tâm hơn, Hợp tuyển các công trình nghiên cứu của khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội, tác giả có bài Về mô hình cốt truyện của Truyện thơ các dân tộc thiểu số(5). Nói rõ hơn, ở đây, tôi lựa chọn “mô hình cốt truyện” trong nhiều đặc điểm thi pháp của Truyện thơ để tiếp cận và cố gắng chứng tỏ tính cơ bản nhất của nó.
Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn tụ (chữ dùng của Đặng Thanh Lê) là mô hình quen thuộc mà chúng ta thường gặp trong Truyện Nôm. Câu truyện mở đầu với bức tranh người con trai gặp người con gái, bén tình - kết duyên rồi cùng nhau hẹn ước. Vượt qua trắc trở, chia ly, câu truyện khép lại bằng bức tranh đoàn viên đầm ấm, tràn ngập hạnh phúc.
Nhiều nhà nghiên cứu Truyện Nôm đã nhất trí rằng “phần lớn” cốt truyện của thể loại này được xây dựng theo mô hình trên. Nhưng, nói “phần lớn” vì mô hình cốt truyện này chỉ áp dụng với những tác phẩm mà đề tài chủ đạo là tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, đây là đề tài chủ yếu, cơ bản của thể loại. Theo tôi, đây vừa là địa hạt vừa là cơ sở tìm ra sự khác biệt giữa Truyện thơ dân gian với Truyện Nôm, giữa Truyện thơ các dân tộc thiểu số với Truyện Nôm được cho là tác phẩm dân gian của người Việt.
Như thế, tiếp cận “mô hình cốt truyện” như là một đặc điểm cơ bản nhất của Truyện thơ các dân tộc thiểu số chắc là một hướng đi, một cách làm không sai? Nhưng điều vẫn làm tôi băn khoăn là căn cứ vào một nhóm đề tài mà đưa ra kết luận khái quát cho cả thể loại thì khó mà thỏa đáng cho được. Mặc dù vẫn biết đây là “đề tài chủ yếu, cơ bản nhất của thể loại” mà chủ yếu, cơ bản nhất thì sẽ mang chở đặc điểm cơ bản nhất, điều đó cũng phù hợp với logic suy luận và thực tiễn. Nhưng, với sự cẩn trọng, nghiêm túc trong nghiên cứu, tôi cho đây là một lí do buộc bài viết này phải khuôn hẹp lại nội dung tìm hiểu và cách thức trình bày.
Trước hết, ta hãy đặt giả thiết và xem xét chúng trong mối quan hệ với đề tài chủ đạo nói trên. Mô hình này liệu có mặt ở các nhóm đề tài khác không, chẳng hạn  đề tài về người nghèo khổ hay đề tài về bảo vệ chính nghĩa?
Dẫn ra một trường hợp làm ví dụ: Truyện Nàng con côi (Mường) nói về một cô gái sớm mồ côi mẹ, cha đi bước nữa. Vì không sống được với dì ghẻ nên người cha buộc phải đưa cô vào rừng sống một mình. Với nghị lực của bản thân cô gái đã tự xây dựng được một cuộc sống đầy đủ, sung túc. Một hôm, một Lang trẻ đi qua, xin vào ở tạm, hai người đem lòng yêu nhau và nên vợ nên chồng.
Cuối cùng, Nàng con côi đã có được hạnh phúc và rõ ràng truyện kết thúc có hậu nhưng không theo mô hình cốt truyện ở đề tài tình yêu. Bởi đề tài về người nghèo khổ muốn hướng tới ngợi ca nghị lực, sự phấn đấu của bản thân để có được hạnh phúc trọn vẹn, qua đó làm nổi bật ước mơ, khát vọng của con người (cụ thể là những thân phận nghèo khổ) về cuộc sống tươi đẹp hơn. Có lẽ, ở đây, đề tài tình yêu xuất hiện chỉ như “chất xúc tác” để đẩy câu truyện đến kết thúc có hậu chứ căn bản của kết thúc chưa hẳn đã thế. Như vậy, lại thêm một lí do nữa để tôi khuôn hẹp vấn đề hơn và chỉ xin tiếp cận “mô hình cốt truyện” Truyện thơ trong nhóm đề tài tình yêu.
Theo tác giả Võ Quang Nhơn(6), tất cả các tình tiết cơ bản của nhóm Truyện thơ thuộc đề tài tình yêu đôi lứa trải qua ba giai đoạn chủ yếu:
1.     Đôi bạn tình yêu nhau tha thiết;
2.     Tình yêu bị tan vỡ - nỗi khổ đau của những chàng trai và cô gái bị cha mẹ ép duyên, gả bán cho người khác
3.     Đôi bạn tìm cách thoát ra khỏi cảnh ép buộc ngang trái.
Ta có thể thấy kết cấu này khác với kết cấu ba chặng của Truyện Nôm người Việt. Cụ thể hóa nhận định trên, tác giả Lê Trường Phát(7) đã khảo sát Truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam và kết quả là có 7 tác phẩm theo mô hình Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn Tụ; 13 tác phẩm theo mô hình Gặp gỡ - Tai biến - Bi kịch. Từ đó tác giả rút ra một số nhận xét khá đích đáng và rất cần thiết:
- Mô hình “kết cấu cốt truyện” kết thúc có hậu với 3 chặng không phổ biến, không tiêu biểu mà mô hình “kết thúc bi kịch” mới là phổ biến và tiêu biểu cho kiểu kết cấu cốt truyện của thể loại Truyện thơ của các dân tộc thiểu số.
- Ở tất cả các nhóm truyện thơ hầu như kiểu “kết thúc bi kịch” chiếm tỉ lệ lấn át kiểu “kết thúc có hậu” - có trường hợp chiếm 100% (Mường, Chăm).
Bây giờ ta hãy đi vào một vài tác phẩm cụ thể và “thử” lí giải cho chặng 3 - Bi kịch (nhìn vào hai mô hình thì đây là chặng quan trọng nhất và đáng quan tâm hơn cả) trong mô hình mà phần lớn có ở nhiều tác phẩm thuộc đề tài tình yêu. Cũng cần nói thêm, dưới đây tôi không đi tìm nguyên nhân ở đặc điểm thi pháp thể loại vì nó đã được chỉ ra rất rõ trong chuyên luận (đã dẫn). Mà, tôi chỉ đi lý giải nguyên nhân dẫn đến kết thúc bi kịch trong từng tác phẩm cụ thể.
Thứ nhất, truyện Út Lót - Hồ Liêu(8) (Mường). Út Lót là con gái Út của một lang đạo, vừa xinh đẹp vừa thông minh. Vì nhà không có con trai nên nàng đã giả trai thay cha đi chầu Vua. Trên đường đi, Út Lót gặp Hồ Liêu - con trai của một lang đạo khác cũng lên Kinh làm công việc như nàng. Hai người kết làm bạn. Trong suốt thời gian chầu Vua, Út Lót luôn tỏ ra thông minh, khéo léo để người khác không biết được thân phận nữ nhi của mình. “Chín năm mười hai tháng” trôi qua, Út Lót - Hồ Liêu cùng trở về quê. Lúc này, Út Lót mới cởi bỏ “nam phục” trở lại “nguyên hình” một cô gái dịu dàng, lộng lẫy. Hai người thề nguyền son sắt và tạm chia tay, đợi ngày Hồ Liêu mang lễ vật sang cưới hỏi. Không ngờ, ở nhà cha mẹ đã cưới vợ cho chàng, Hồ Liêu không thể cưỡng lại nổi, sau đó sinh bệnh “thất tình” rồi chết. Còn Út Lót cũng chiều theo ý cha mẹ nhận lấy một người của đạo(9) Cun Cun - nhà ở về hướng mộ của Hồ Liêu. Câu chuyện khép lại vào ngày Út Lót lên kiệu hoa, nàng xin ghé thăm mộ người yêu lần cuối, nghe thấy bạn tình cất tiếng gọi, Hồ Liêu liền chống cửa mộ đón Út Lót vào để được gần nhau mãi mãi.
Ta có thể mô hình hóa cốt truyện như sau:
Đôi bạn trẻ gặp gỡ,
yêu thương và thề nguyền
  … Hai bên chào hỏi qua lại,
Mới hay:
Khác bái nhưng chung đàng,
Khác làng nhưng chung lối bước   [Tr.35]

Anh ơi, quả cau này
Rìu sắt bổ không chuyển,
Dao bạc tiện không ra,
Răng đen ta cắn làm ba,
Chia về hai ta, mỗi người một miếng
Còn một miếng,
Đặt lên đá ta nguyện một lời     [Tr.58,59]
   
Điều đáng tiếc xảy ra,
đôi bạn trẻ phải chia ly
  … Chào ông đi chầu vua đã lại,
Ở nhà đã cưới bà, cưới gái, cưới vợ cho ông,
                                                    ông hỡi    [Tr.61]

Lang trở về bên này, lang đã có vợ
Nàng ở bên đó, nàng đi lấy chồng     [Tr.66]
   
Cả hai cùng chết   … Thương bạn tình ta như cây lim héo cội
Ta sống sao nổi, hỡi trời!
Kêu dứt lời,
Hồn đã về nơi kiếp khác     [Tr.76]

Nàng bước đến bên mồ giậm gót,
Kêu rằng:
- Đạp đất, đạp rã!
Đạp đá, đá rời!
Đạo Hồ Liêu anh ơi
Chống nắp săng cho em vào với!
Đạo Hồ Liêu, trong săng đang ngồi đan lưới,
Nghe tiếng gọi, chống cửa mộ cao,
Đón bạn tình vào,
Bây giờ mới gần nhau mãi mãi      [Tr.83]
 
Vấn đề dường như là quan trọng và phải nói ngay từ đầu rằng kết thúc truyện Út Lót - Hồ Liêu là có hậu hay bi kịch? Ở đây có hai góc độ nhìn nhận và biện giải vấn đề này:
Một là, từ góc độ văn hóa tâm linh với quan niệm có thế giới bên kia - tức thế giới dành cho người chết thì sẽ xếp Út Lót - Hồ Liêu vào mô hình kết thúc có hậu.
Hai là, từ góc độ hiện thực cuộc sống với quan niệm “chưa một ai đến cõi chết rồi có thể quay trở lại để nói cho ta biết cái gì diễn ra sau đó” (Chuông nguyện hồn ai - W.Shakespeare) thì sẽ xếp Út Lót - Hồ Liêu vào mô hình có kết thúc bi kịch.
Theo tôi không nên quá “rạch ròi” trong việc nhìn nhận và biện giải về một cách thức biểu hiện mang tính nghệ thuật trong một tác phẩm văn học như vậy. Bởi lẽ Út Lót - Hồ Liêu tìm được sự hội ngộ, đoàn viên ở một thế giới khác thì đối với hiện thực cuộc sống ngoài tác phẩm, thậm chí với tất cả các nhân vật trong tác phẩm cũng chỉ mang ý nghĩa “cứu cánh” bằng hình thức nghệ thuật, xuất phát từ quan niệm và mong muốn của dân gian. Nó chưa bao giờ hiện hữu ngoài đời thực nhưng lại phổ biến trong thế giới nghệ thuật để nói lên ước mơ và khát vọng của con người. Đồng thời, là hình ảnh khúc xạ của thực tại nhằm lên án chính thực tại đó.
Vì vậy, cái kết thúc nửa vời của Út Lót và Hồ Liêu một mặt phản ánh sự bế tắc của xã hội, một mặt có giá trị như bức thông điệp gửi thế hệ trẻ thời sau hãy dấn tiếp lên nữa, đấu tranh cho quyền tự do trong tình yêu và hôn nhân.  
Thứ hai, truyện Ariya Cam - Bini(10) (Chăm). Truyện nói về một chàng trai Bà Ni và một cô gái Chăm (các thông tin như tên tuổi, quê quán, thời gian, đại điểm của hai nhân vật đều không rõ), ngay mở đầu truyện chỉ biết hai người yêu nhau tha thiết. Gia đình cô gái biết chuyện và ra sức ngăn cấm bởi lẽ chàng trai là người khác đạo. Nhưng, cô gái kiên quyết không từ bỏ tình yêu của mình, ngay cả khi bị cha mẹ đánh đập, hành hạ thậm tệ. Cuối cùng cô gái đã chết. Chàng trai đã đứng ra lo tang lễ rất chu đáo vì gia đình cô gái không đoái hoài đến. Quá thương người yêu và muốn ở mãi bên nhau, chàng trai đã nhảy vào giàn lửa đang thiêu thi thể cô gái chết theo.
Mô hình 3 chặng như sau:       
Đôi bạn trẻ
yêu nhau tha thiết
  - Em e rằng chàng sẽ ngại ngần
Bỏ em lạc lõng trong vòng gian truân
- Ơi người nhớ, lòng này không nỡ
Sợ cái tình cha mẹ bên em
- Tình em em đã dâng chàng
Mẹ cha, em nguyện một bên tôn thờ
Thì chàng hỡi, em bàn vậy nhé
Phận chúng mình khổ đã dường bao
Mẹ cha người có hiểu đâu
Người đời chê trách, em nào oán thán
- Cứ mặc kệ họ hàng nhạo báng
Vào Bà Ni em nguyện theo anh
Nhà mồ có vẽ hình con chim
Hay Kajang cắm xung quanh hàng cờ
Nếu có chết em về thiên giới
Thì chàng ơi hãy tới cùng em     [Tr.138]
   
Cha mẹ cấm đoán với nỗi khổ của đôi bạn trẻ   … Lời em thốt mẹ nghe như thật
Cha gọi sang vặn hỏi cớ chi
Xóm làng bàn tán xầm xì
Rằng mày với đứa Bà Bi có tình?
Ôi, đau rát tấm thân nhỏ bé!
Bao ngọn roi gãy vỡ, đành cam   
… Mẹ cha em quyết chia ngăn tình này   [Tr.139]

Tội yêu người! Chết thân vàng đành thôi
Họ xúm tới, này đây roi vọt
Và này đây muối ớt cho cay      [Tr.141]

Thế là khắp mình em lở loét
Rờ nghe đau, em khóc kêu trời
… Ví đường trần có nên duyên phận
Chân trời nào, chàng dắt dìu em
Ví cho trời đất thương tình
Mà người ghét bỏ, ta đành ở đâu?     [Tr.142]
   
Cả hai cùng chết   … Em mất rồi, thôi thì đã hết
… Lửa lên, ta vỡ khóc òa
Lao vào giàn lửa, ném thơ gửi đời
Lửa bùng cháy hết cả đôi
Gương tình chung thủy cho người soi chung  [Tr.142]
 
Có thể khẳng định, toàn bộ 118 câu thơ lục bát Yriya Cam - Bini là sự kéo dài của bi kịch, nước mắt và nỗi đau (cả thể xác lẫn tâm hồn) xuất hiện “đầy rẫy” trong tác phẩm. Chàng Bà Ni và cô gái Chăm không có lỗi khi yêu nhau nhưng vẫn phải gánh chịu bất hạnh. Bởi một lí do rất đơn giản là ngay từ khi sinh ra họ đã là nạn nhân của một “không gian sống” - nơi mà tôn giáo, tập tục là những thế lực “thống trị” vô hình. Hơn thế, tình yêu - hôn nhân là yếu tố “nhạy cảm” và “dai dẳng” nhất. Cái chết của đôi trai gái chính là lời lên án đanh thép cho những luật tục hà khắc trong tình yêu và hôn nhân ngoại đạo.
Tóm lại, xã hội Mường và Chăm sẽ còn phải trải qua nhiều thay đổi căn bản nữa thì khát vọng tự do yêu đương và xây dựng hạnh phúc lứa đôi mới thành hiện thực. Nỗ lực của những cô gái, chàng trai như Út Lót, Hồ Liêu, chàng Bà Ni, cô gái Chăm mởi chỉ là khúc dạo đầu của một bản giao hưởng được viết bằng những âm thanh mạnh mẽ, quyết liệt.
Với bài viết nhỏ này, tôi mong muốn góp thêm một cách nhìn, một cách tiếp cận Truyện thơ. Nếu những giả thiết, khái quát trên về mối quan hệ (tương đồng và khác biệt) giữa Truyện thơ các dân tộc thiểu số với Truyện Nôm dân gian của người Việt cũng như sự xuất hiện chủ đạo của mô hình Gặp gỡ - Tai Biến - Bi kịch trong nhóm Truyện thơ về đề tài tình yêu đúng là một đặc điểm nổi bật nhất của Truyện thơ các dân tộc thiểu số.


(1) Đinh Gia Khánh (Chủ biên) - Văn học dân gian, Nxb Giáo dục, H. 2003
(2) Nhiều tác giả - Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.1997
(3) Vũ Anh Tuấn - Truyện thơ Tày - nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại, Nxb ĐHQG, H.2004
(4) Lê Trường Phát - Đặc điểm thi pháp Truyện thơ các dân tộc thiểu số, Luận án PTS, H.1997
(5) Nhiều tác giả - Hợp tuyển công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, H.2001  
(6) Đinh Gia Khánh (Chủ biên) - Văn học dân gian, Sđd, Tr.798
(7) Xem thêm công trình và bài viết của tác giả đã dẫn. 
(8) Minh Hiệu và Hoàng Anh Nhân (sưu tầm và giới thiệu) - Truyện thơ Mường, Nxb Văn học, H.1963
(9) Đạo là danh xưng một chức sắc truyền thống vùng Mường chứ không phải là từ trỏ một đơn vị hành chính thời Trần
(10) Inrasara - Ariya, Nxb Văn nghệ, Tp HCM.2006               
 
Tài liệu tham khảo chính:
1. Đinh Gia Khánh (Chủ biên) - Văn học dân gian, Nxb Giáo dục, H. 2003
2. Nhiều tác giả - Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.1997
3. Nhiều tác giả - Hợp tuyển công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, H.2001 
4. Lê Trường Phát - Đặc điểm thi pháp Truyện thơ các dân tộc thiểu số, Luận án PTS, H.1997
5. Vũ Anh Tuấn - Truyện thơ Tày - nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại, Nxb ĐHQG, H.200
  

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/28-04-2024_523c6b2b856f2700c94d705fccd0b138.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)