Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên - NCS hệ Sau đại học, thực hiện sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo; tạo diễn đàn học thuật cho học viên - NCS Sau đại học thuộc các chuyên ngành Ngữ văn chia sẻ những quan điểm lí luận mới, kết quả nghiên cứu ứng dụng chuyên môn. Vì thế, ngày 30/9/2016 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Sau Đại học chuyên ngành Ngữ văn” lần thứ 2, đây chính là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà giáo dục cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, tìm ra các hướng đi mới trong nghiên cứu ngữ văn và các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học. GV Triệu Minh Thùy (Khoa Xã hội, trường CĐSP Lạng Sơn) đang học Thạc sĩ chuyên ngành Văn học dân gian cũng có bài viết tham gia Hội thảo với đề tài
“Mối quan hệ giữa bố mẹ vợ và con rể qua Kho tàng ca dao người Việt”.
GV Triệu Minh Thùy và Đặng Thế Anh tham dự Hội thảo Nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 65 năm thành lập Khoa Ngữ văn, ngày 1/10/2016, Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Ký hiệu học: Từ lý thuyết đến ứng dụng trong nghiên cứu và dạy học Ngữ văn” thu hút hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trên cả nước. Giảng viên Đặng Thế Anh, Nguyễn Ngọc Thanh và Triệu Minh Thùy tham dự Hội thảo.
GV Đặng Thế Anh chụp ảnh cùng một số đại biểu dự Hội thảo Hội thảo đã bước đầu xác định nền tảng lí thuyết kí hiệu học, lịch sử nghiên cứu kí hiệu học và khuynh hướng tiếp cận kí hiệu học trong nghiên cứu văn học - ngôn ngữ - văn hóa ở Việt Nam, xác định vị trí, triển vọng, khả năng tương tác của khuynh hướng nghiên cứu này trong nghiên cứu ngữ văn hiện đại, nêu và đánh giá những khuynh hướng, những giải pháp ứng dụng kí hiệu học vào nghiên cứu và dạy học ngữ văn. Trên cơ sở đó, Hội thảo xem xét đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu và dạy học ngữ văn theo hướng tiếp cận kí hiệu học, đáp ứng những yêu cầu bức thiết của sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, sự nghiệp giáo dục đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, việc nâng cao chất lượng đào tạo trở thành một vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết trong chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo. Hai Hội thảo đã đưa ra một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.