I. Khái quát về lịch sử thành lập tỉnh Lạng SơnTừ thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang, tư liệu thành văn về địa danh Lạng Sơn rất ít chủ yếu là tư liệu khảo cổ học về cư dân cổ trên đất Lạng Sơn ngày nay. Hai cuộc khai quật mới đây trên đất Lạng Sơn do Bảo Tàng tổng hợp Lạng Sơn và Viện Khảo cổ học (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia) đã xác lập nên nền văn hóa Mai Pha và cả một giai đoạn trước nó cùng những tín hiệu về các văn hóa tiếp nối góp phần rất lớn trong việc nghiên cứu xuyên suốt quá trình lịch sử ở Lạng Sơn.
Lạng Sơn từ khi mới hình thành đã là một vùng đất có vị trí quan trọng, là cửa ngõ với phương Bắc, có tầm quan trọng về quân sự, chính trị và ngoại giao. Trong
Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có viết: "Lạng Sơn Nam giáp An Quảng, Bắc giáp Ai Quán, Tây tiếp Kinh Bắc, Đông liền Cao Bằng - Hàng nghìn ngọn núi la liệt, hàng muôn khe suối quanh vòng, khí núi độc đường đất hiểm trở đi lại khó khăn..."; Trong sách
Dư địa chí của Nguyễn Trãi, một trong những cuốn địa chí đầu tiên và mẫu mực về nhiều phương diện viết cách đây 560 năm (1438) tức là 10 năm sau thắng lợi ách đô hộ của nhà Minh cũng đã cho biết: "Lạng Sơn xưa là Bộ Lục hải" (Lục hải là một trong 15 bộ thời các Vua Hùng). Cũng trong
Lịch Triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú đã xác định địa giới của Lạng Sơn qua từng thời kỳ "Lạng Sơn đời cổ là đất Lạc Long. Tần là Quận Nam Hẩi, Hán thuộc quận Giao chỉ, đường đổi là Giao Châu".
Lạng Sơn từ xưa đã là mảnh đất địa đầu nóng bỏng, nơi chứng kiến nhiều cuộc phân tranh tương tàn, nhiều đoàn Xứ bộ qua lại. Ngay thời kỳ cuối của các Vua Hùng, Lạng Sơn cũng là nơi diễn ra cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Tần kéo dài 6 năm từ 214 - 208 TCN của người Tây Âu yà Lạc Việt.
Từ thời kỳ Bắc thuộc đường vào Trung Châu qua Lạng Sơn còn rất khó đi cho nên phong kiến phương Bắc thường xuyên xâm chiếm nước ta theo đường biển cụ thể như quân của Mã Viện năm 42, quân của Hầu Nhân Bảo năm 981 và cũng chính năm 981 sử sách mới ghi lại địa danh Lạng Sơn trong Đại Việt sử ký toàn thư (lúc ghi Lạng Sơn, lúc thì ghi Châu Lạng).
Vào thời nhà Đường năm 679 đặt An Nam đô hộ phủ cai quản 41 Châu Kimi. Như vậy ở khu vực Việt Bắc ngày nay và Lạng Sơn cũng được đặt các Châu Kimi, từ đó và trực thuộc thẳng An Nam đô hộ phủ không qua cấp trung gian nào. Đến năm 791 khi nhà Đường lập Phong châu đô đốc phủ (Sơn tây Hưng hóa cũ) thì các Châu Kimi của Lạng Sơn lại do Phong Châu đô đốc phủ quản lý.
Trong thời kỳ đầu mới giành được độc lập dưới 3 Triều: Ngô, Đinh, Tiền Lê thì Lạng Sơn vẫn được quản lý theo chế độ các Châu Kimi của Triều đình phong kiến Trung ương. Mặc dù vậy, như đã nói ở trên Lạng Sơn có vị trí địa lý đặc biệt là hàng rào của Tổ quốc giáp với Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) nên Triều đình Trung ương giao cho các tù trưởng miền núi Lạng Sơn việc điều tra xem xét tình hình chính trị quân sự ở bên kia biên giới để từ đó chủ động hơn cho việc phòng chống giặc ngoại xâm.
Đến Triều Lý (1010 - 1225) trở đi Lạng Sơn càng trở nên quan trọng trong cơ cấu tổ chức hành chính tuyến biên giới phía Bắc. Lúc này Lạng Sơn thực sự đóng vai trò là hàng rào của Tổ quốc che chắn cho Kinh đô Thăng Long và đây cũng là trận tuyến đầu tiên mà bọn xâm lược vấp phải khi có ý định xâm lược nước ta.
Thời nhà Lý nước ta được chia làm 24 đơn vị hành chính gọi là Lộ, khu vực tỉnh Lạng Sơn ngày nay gọi là Lạng Châu Lộ. Vì Lạng Sơn có vị trí địa lý quan trọng như vậy mà lại ở xa Triều đình, chế độ cai trị có ít nhiều dị biệt nên đây cũng là một vấn đề quan tâm của Triều đình phong kiến. Thời Lý các ông Vua Việt Nam đã sử dụng nhiều biện pháp rất khôn khéo và mềm dẻo nhằm nắm chặt các tù trưởng miền núi thiểu số bằng cách gả Công chúa cho họ để lấy tinh thần gia tộc, quan hệ hôn nhân hoặc phong chức tước để ràng buộc họ về quan hệ, thông qua đó kiểm soát chặt chẽ hơn vùng biên cương vị trí xung yếu này.
Đến thời Trần thì vị trí địa lý hành chính có sự thay đổi Trần Thái Tông (năm Thiên ứng Chính Bình thứ 11, năm 1292) đã đổi đất nước thành 12 lộ thay vì 24 lộ như trước đây, nhưng riêng Xứ lạng vẫn giữ nguyên là Lạng Châu Lộ sau đổi thành trấn Lạng Giang.
Năm Quang Thái thứ 10 (1397) đời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly đã đổi trấn Lạng Giang làm trấn Lạng Sơn. Vào năm 1407 thế kỷ XV khi nhà Minh thôn tính nước ta, chúng đã phá bỏ hệ thống hành chính cũ và chia nước ta thành 16 phủ và lúc này trấn Lạng Sơn lại được đổi thành phủ Lạng Sơn.
Sau chiến thắng chống quân Minh năm 1427 tướng giặc Liễu Thăng cùng hàng vạn quân Minh bị giết trên đất ải Chi Lăng kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chống quân Minh xâm lược vào năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) Lê Thái Tổ đã chia nước ta làm 5 đạo: Tây đạo, Đông đạo, Bắc đạo, Nam đạo và Hai tây đạo, trấn Lạng Sơn là một đơn vị hành chính trực thuộc Bắc Đạo. Đến năm Quang Thuận thứ 10 Lê Thánh Tông định lại bản đồ toàn quốc chia cả nước thành 12 thừa tuyên theo đó trấn Lạng Sơn đổi thành Lạng Sơn thừa tuyên gồm 1 phủ 7 châu là Phủ Tràng Khánh và các châu Lộc Bình, Yên Bác, Văn Uyên, Văn Lan, Thất Nguyên, Thoát Lăng. Đứng đầu Lạng Sơn thừa tuyên là Đô Ty do võ quan chức tổng binh, phó tổng binh kiêm nhiệm.
Năm Hồng Đức thứ 26 (1495) Lê Thánh Tông cho tu bổ lại thành Lạng Sơn (Đoàn Thành) nay vẫn còn nhưng đã hư hỏng nhiểu tại địa phận phường Chi Lăng thị xã Lạng Sơn cạnh quốc lộ 1A. Mai Thế Chuẩn quê ở Nga Sơn - Thanh Hóa được bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn đã cho tu bổ lại. Sử cũ không ghi chép cụ thể nhưng tương truyền Thành này do Trương Phụ xây dựng vào thời Minh (1407-1418).
Thế kỷ XVI nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê tồn tại hơn 60 năm (1527-1592) thì bị tập đoàn Lê Trịnh đánh bật khỏi kinh thành Thăng Long. Nhà Mạc bỏ chạy lên Cao Bằng, Lạng Sơn và cát cứ ở đó. Đến thời Lê Trung Hưng trở về sau đến đầu triều Nguyễn Lạng Sơn thừa tuyên lại được đổi thành trấn Lạng Sơn chức Đồ Ty bị bãi bỏ và đặt chức đốc trấn Lạng Sơn. Năm Chính Hòa thứ 24 (1703) đời vua Lê Huy Tông bắt đầu sai quan văn tại kinh đô hoặc đứng đầu một nội trấn kiêm coi trấn Lạng Sơn. Từ năm Vĩnh Khánh thứ 8 (1712) đời vua Lê Dụ Tông theo đề nghị của tham tụng Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Thế Bá đã bỏ lệ kiêm coi trấn, sai các trấn quan đến trấn làm việc bắt đầu từ đó có quan văn làm đốc trấn Lạng Sơn.
Lạng Sơn là một vùng biên trấn quan trọng và cũng là đại bản doanh của Nhà Mạc trước đó nên các chúa Trịnh thường cử các quan văn có tiếng lên trấn trị, tiêu biểu là viên quan Ngô Thì Sĩ (thân phụ của Ngô Thì Nhậm) - ông làm đốc trấn Lạng Sơn từ 1777-1780.
Vào triều Nguyễn các ông vua Gia Long, Minh Mạng đặc biệt quan tâm đến vùng biên giới phía Bắc nói chung và trấn Lạng Sơn. Năm 1831 vua Minh Mạng đã bỏ trấn và đặt đơn vị hành chính mới là tỉnh. Nước ta được chia làm 29 tỉnh, chính năm ấy Lạng Sơn có 1 phủ và 7 châu huyện.
Năm 1835 Minh Mạng đặt chức lưu quan ở các châu huyện của toàn tỉnh Lạng Sơn. Tức là chế độ bổ nhiệm quan lại của triều đình Trung ương có thể thay đổi mà không phụ thuộc vào địa phương. Năm 1836 Minh Mạng lại cắt 4 châu, huyện phía Bắc sông Kỳ Cùng là châu Văn Uyên huyện Văn Quan, huyện Thất Khê, châu Thoát Lãng thành lập phủ mới là phủ Tràng Định, từ năm 1836 Lạng Sơn chính thức có 2 phủ là phủ Tràng Khánh và phủ Tràng Định cùng 7 châu huyện. Cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính này được duy trì cho đến cuối thế kỷ XIX.
Xin được trở lại với lịch sử phân chia địa giới hành chính Lạng Sơn. Trong sách
Đại Việt sử ký toàn thư và sách
Việt sử lược có ghi chép một số châu nhỏ còn gọi là Châu Văn (Văn Uyên), châu Thất Nguyên (Thất Khê), châu Kỳ Lạng (Ôn châu), châu Vạn Nhai xưa thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Thời nhà Trần, Thái Tông đổi 24 lộ thành 12 lộ trong đó có tôn Lạng Châu tức Lạng Sơn. Dưới thời Trần, Lạng Sơn còn được gọi là Lạng Giang trấn. Sang đầu thế kỷ XV nhà Minh xâm lược và thôn tính toàn bộ nước ta. Tháng 6 năm 1407 nhà Minh lập ra 15 phủ gồm 36 châu 181 huyện, 5 châu trực thuộc thẳng vào quận gồm 29 huyện, Lạng Sơn lúc đó có tên là phủ Sách.
Thời Nguyễn một lần nữa các địa danh, địa giới lại được thay đổi. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) gọi trấn Lạng Sơn là tỉnh Lạng Sơn.
Đến thế kỷ XIX thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ địa danh hành chính tỉnh Lạng Sơn lại bị thay đổi ít nhiều. Nhưng nhìn chung địa giới so với ngày nay không có thay đổi là bao, ngoại trừ việc cắt một phần về tỉnh Bắc Giang là huyện Yên Bác nay là huyện Sơn Động. Tách 5 tổng của Võ Nhai về Lạng Sơn lập nên châu Bắc Sơn.
Tổ chức hành chính của tỉnh sau năm 1945 gồm có 10 huyện với 144 xã, 6 thị trấn và thị xã Lạng Sơn (tỉnh lỵ) đóng tại huyện Cao Lộc. Hiện nay Lạng Sơn có tất cả 11 huyện thị với 225 xã, phường, thị trấn, 11 huyện thị là: thị xã Lạng Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Văn Lãng và Tràng Định.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Lạng Sơn trở thành một trong 6 tỉnh của căn cứ địa Việt Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang được thành lập ngày 19-8-1956.
Ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá V quyết định bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính. Tháng 4/1976, tỉnh Lạng Sơn hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng. Đến tháng 12/1978, tỉnh Cao Lạng tách ra thành 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
Như vậy, hoàn cảnh và căn cứ xác định ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn được sử sách lưu giữ rất rõ ràng và chi tiết. Đặc biệt, sách Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn), chính biên đệ nhị kỷ ghi rõ “Tân Mão, năm Minh Mệnh thứ 12 [1831] mùa Đông, tháng Mười, ngày mồng 1 làm Lễ Đông hưởng” (tức ngày 04/11/1831), triều đình phong kiến nhà Nguyễn chia định địa hạt phía Bắc, đặt thành 18 tỉnh từ Quảng Trị trở ra, trong đó, có tỉnh Lạng Sơn. Khi thành lập, tỉnh Lạng Sơn bao gồm 1 phủ là Trường Khánh; 7 châu là: Ôn Châu, Thất Tuyền, Lộc Bình, Thoát Lãng, Yên Bác, Văn Quan và Văn Uyên.
Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều tên gọi khác nhau, nhưng từ ngày 04/11/1831 cho đến nay, cụm từ tên gọi "Tỉnh Lạng Sơn" mới chính thức xuất hiện và được sử dụng ổn định trong suốt 185 năm qua.
II. Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Các kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn và mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân Lạng sơn vốn cần cù trong lao động, thông minh dũng cảm trong chiến đấu, năng động sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đã viết nên những trang sử hào hùng của mình. Những trang sử chói lọi ấy càng đậm nét và rực rỡ hơn khi Đảng ra đời và lãnh đạo. Cùng với cả nước, nhân dân Lạng Sơn đã nhất tề đứng lên chiến đấu chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, tiếp tục xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh, ấm no hạnh phúc, tiến lên Chủ nghĩa xã hội.* Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn bắt đầu phát triển mạnh mẽ, một số thanh niên đầy nhiệt huyết của Lạng Sơn, trong đó tiêu biểu là đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri... đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1928, các anh được kết nạp vào Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1929, anh Hoàng Văn Thụ cùng các anh Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng-một trong ba tổ chức cộng sản tiêu biểu của những người cộng sản Việt Nam trong buổi bình minh của cuộc vận động giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời ngày 03-02-1930. Chi bộ Đảng cộng sản vùng biên giới Cao-Bắc-Lạng, chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt-Trung được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt... do đồng chí Hoàng Đình Giong làm bí thư. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công cùng đồng chí Lương Văn Tri phụ trách chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn.
Những năm 1931-1933, trong khi phong trào cách mạng ở nhiều nơi gặp khó khăn thì tại Lạng Sơn phong trào cách mạng lại khá phát triển. Nhờ các hoạt động tích cực của đồng chí Hoàng Văn Thụ, cùng với sự ủng hộ hết lòng của quần chúng, một đường dây liên lạc đã được hình thành từ Văn Uyên, hay còn gọi là Châu Văn Uyên (nay là huyện Cao Lộc-Lạng Sơn) qua biên giới Việt-Trung, Văn Uyên qua Thất Khê lên Cao Bằng, Văn Uyên qua Hội Hoan, Bình Gia vào Bắc Sơn sang Võ Nhai, rồi từ đó về xuôi. Các con đường này là nơi đưa đón các chiến sĩ cách mạng ra nước ngoài hoạt động và ngược lại. Đặc biệt, nhiều tổ chức quần chúng cách mạng được nhanh chóng gây dựng và phát triển ở khu vực Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Yên, Thuỵ Hùng trong những năm 1932, 1933, tạo nòng cốt quan trọng cho việc mở rộng phong trào cách mạng ra nhiều nơi khác trong tỉnh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, chi bộ Đảng vùng biên giới Cao-Bắc-Lạng quyết định thành lập một cơ sở Đảng ở Văn Uyên để cán bộ Đảng có điều kiện thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo phong trào quần chúng. Thực hiện quyết định đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã về xã Thuỵ Hùng, châu Văn Uyên trực tiếp vận động, giác ngộ quần chúng và tổ chức kết nạp những người hăng hái, trung kiên vào Đảng.
Đến giữa năm 1933, chi bộ Đảng Thụy Hùng-Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được thành lập tại xã Thuỵ Hùng, châu Văn Uyên, do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp làm Bí thư. Ngay sau ngày thành lập, chi bộ đã nhanh chóng lãnh đạo, tổ chức việc tuyên truyền cách mạng trong quần chúng. Trong hai năm 1933-1934, nhất là dịp kỷ niệm phong trào Xô Viết Nghệ Tình (12-9) và cách mạng tháng Mười Nga, truyền đơn cách mạng đã xuất hiện khắp các thị trấn, các ngả đường quan trọng của Lạng Sơn như Na Sầm, Đồng Đăng, chợ Kỳ Lừa, trường Pháp Việt Lạng Sơn, công trường làm đường Đồng Đăng, Điềm He... Đặc biệt, truyền đơn còn được tung vào các trại lính khố xanh, nơi được căn phòng rất nghiêm ngặt.
Phong trào cách mạng phát triển, đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung thống nhất. Giữa năm 1934, Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn được thành lập, đảm nhận chức năng lãnh đạo của một Tỉnh ủy lâm thời, với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Những năm sau đó, lần lượt các chi bộ Đảng được thành lập ở các địa phương: ngày 25-9-1936, chi bộ Đảng cộng sản thành lập ở Vũ Lăng (Bắc Sơn); ngày 11-4-1938, chi bộ Đảng cộng sản thành lập ở Phi Mỹ (nay là Tri Phương, Tràng Định).
* Hội nghị kiện toàn củng cố tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn: Trước yêu cầu có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất và trực tiếp của Đảng bộ tỉnh đối với phong trào cách mạng đang trên đà phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, giữa tháng 5 năm 1945, được sự Lãnh đạo trực tiếp của Liên Tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng, Hội nghị kiện toàn củng cố Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Lạng Sơn đã được tổ chức tại khu rừng Khau Kham, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia. Hội nghị đã nhận định và đánh giá tình hình phong trào cách mạng đang diễn ra trong tỉnh; cử ra Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Lạng Sơn gồm các đồng chí: Lô Quang Nam, Bảo An, Phan Mạnh Cư và Hoàng Văn Kiểu. Đồng chí Lô Quang Nam được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ I (Từ ngày 15 đến 19-6-1948, tại Bản Đao, Tân Văn, Bình Gia): Đại hội diễn ra giữa lúc cuộc kháng chiến của quân và dân Lạng Sơn đang trên đà giành được những thắng lợi mới; tập trung thảo luận, đề ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ tiếp tục tiến hành kháng chiến của quân và dân trong tỉnh; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá I
1. Đồng chí Hoàng Văn Kiểu được bầu làm Bí thư Tính uỷ. Năm 1948, cơ quan Tỉnh uỷ đóng tại Nà Dài, xã Tân Văn, huyện Bình Gia.
*
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ II (Từ ngày 25 đến 29-6-1949, tại Nà Đồng, Tân Văn, Bình Gia): Đại hội diễn ra khi các huyện, thị trong tỉnh đẩy mạnh củng cố các đơn vị bộ đội địa phương, du kích chiến đấu và lập được nhiều thành tích vẻ vang trong chiến đấu; đánh giá về tình hình công cuộc kháng chiến của quân và dân trong tỉnh; bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá II
2. Đồng chí Hoàng Văn Kiểu được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đồng chí Phan Mạnh Cư được phân công Thường trực Tỉnh uỷ. Sau Đại hội, Ban chỉ đạo kháng chiến của tỉnh được kiện toàn gồm các đồng chí Hoàng Văn Kiểu, Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Phan Mạnh Cư, Thường trực Tỉnh uỷ và đồng chí Lê Huyền Trang, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ III (Từ ngày 25 đến 31/8/1951, tại Khòn Quyền, Hồng Phong, Văn Uyên): Đại hội diễn ra sau chiến thắng biên giới (1950), đặc biệt từ ngày 17-10-1950, tỉnh Lạng Sơn được hoàn toàn giải phóng trở thành một tỉnh hậu phương tiếp tục chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc đang trên đà thắng lợi; đề ra nghị quyết về phương hướng và nhiệm vụ của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III
1. Đồng chí Hoàng Văn Kiểu được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Phan Mạnh Cư được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ. Ngày 19-12-1956, Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh đã bầu bổ sung 2 đồng chí uỷ viên, bầu đồng chí Bế Chấn Hưng làm Bí thư Tỉnh uỷ, thay đồng chí Hoàng Văn Kiểu đã đi nhận công tác khác.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần IV (Từ ngày 15 đến 25/3/1961, tại Thị xã Lạng Sơn): Đại hội tập trung thảo luận đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965, theo nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 3; bầu BCH Đảng bộ tỉnh khoá IV
2, Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Bế Chấn Hưng được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Trịnh Xuân Đức được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần V (Từ ngày 11 đến 19/9/1963, tại Thị xã Lạng Sơn): Đại hội đã kiểm điểm nghiêm túc tình hình thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tính lần thứ IV và hơn 2 năm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Từ đó, đề ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ chung trong những năm tiếp theo; Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá V
3; Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyên Đức làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Bế Chấn Hưng và đồng chí La Thăng được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần VI (Từ ngày 15 đến 24/6/1971, tại Thị xã Lạng Sơn): Đại hội kiểm điểm đánh, giá việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ V, các nghị quyết của Hội nghị BCH Đảng bộ khoá V được đề ra trong thời kỳ chống chiên tranh phá hoại của giặc Mỹ; biểu dương thành tích chiến đấu của quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã bắn rơi 66 máy bay Mỹ, bắt sông giặc lái; đề ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá 3 năm 1971-1973; bầu BCH Đảng bộ tỉnh khoá VI
4, BTV gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí La Thăng và đồng chí Bế Chấn Hưng được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Lạng lần I (Từ 31/03 đến 8/04/1977, tại Thị xã Cao Bằng): Đại hội đã tập trung phân tích những đặc điểm cơ bản của tỉnh Cao Lạng trong bước chuyển giai đoạn cách mạng hiện chỉ ra những thiếu sót, tồn tại và khó khăn; đề ra chủ trương cùng những yêu cầu lớn về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cao Lạng trong kế hoạch 5 năm (1976-1980); bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Lạng khoá I
1, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Trường Minh là Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Bế Chấn Hưng được bầu làm Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ.
*
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần VIII (Từ ngày 15 đến 17/9/1980, tại Đồng Bành, Chi Lăng, Lạng Sơn): Đại hội đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuât sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là quân và dân các dân tộc các xã, các huyện biên giới đã góp phần to lớn giành thắng lợi trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới của Tổ quốc; đề ra phương hướng nhiệm vụ chuẩn bị bước phát triển mới trong những năm sau; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá VIII
2. Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Trường Minh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí La Thăng được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Bế Chu Lang làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần IX (Từ ngày 03 đến 05/02/1983, tại Đồng Bành, Chi Lăng, Lạng Sơn): Đại hội đánh giá về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng trong quá trình thực hiện nghị quyết Đại hội VIII; đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá IX
3. Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí La Thăng, ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Trần Rỹ được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Bế Chu Lang được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần X (Từ ngày 10 đến 15/10/1986, tại Hội trường Tỉnh ủy, P. Chi Lăng, Thị xã Lạng Sơn): Đại hội đã đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX; đề ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ trong những năm trước mắt; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá X
1. Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí La Thăng được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Vi Xuân Thanh được hầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Vũ Ngọc Chương và đồng chí Nguyễn Minh Quát được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần XI (Từ ngày 18 đến 21/11/1991, tại Hội trường Tỉnh ủy, P. Chi Lăng, Thị xã Lạng Sơn): Đại hội đã đánh giá tình hình và kết quả thực hiện công cuộc đổi mới theo nghị quyết Đại hội VI của Đảng; đề ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu của Lạng Sơn trong 5 năm 1991-1995; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI
2. Ban Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Tanh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Vi Xuân Thanh được bầu lại làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Dương Công Đá được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần XII (Từ ngày 24 đến 26/4/1996, tại Hội trường Tỉnh ủy, P. Chi Lăng, Thị xã Lạng Sơn): Đại hội đã kiểm điểm đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XI, khẳng định những chuyển biến tiến bộ và kết quả quan trọng đã đạt được trong 5 năm (1991-1995), làm rõ những khuyết điểm, yếu kém và rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các mặt công tác; đề ra Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ thời kỳ 1996-2000; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XII
3. Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Hoàng Tanh, uỷ viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Vi Xuân Thanh được bầu lại làm Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Dương Công Đá được bầu lại làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần XIII (Từ ngày 01 đến ngày 04/01/2001, tại Hội trường Tỉnh ủy, P. Chi Lăng, Thị xã Lạng Sơn): Đại hội tiến hành kiểm điểm 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu giải pháp trong 5 năm tới, đảm bảo kinh tế-xã hội của tỉnh có bước phát triển nhanh, bền vững, tạo tiền đề thuận lợi cho những năm tiếp theo của thế kỷ XXI; Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII
1. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Dương Công Đá được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Hoàng Công Hoàn được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần XIV (Từ ngày 01 đến 03/4/2006, tại Hội trường Tỉnh ủy, P. Chi Lăng, Tp. Lạng Sơn): Đại hội đánh giá toàn diện kết quả các mặt công tác trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng, giải pháp nhằm tổ chức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2006-2010; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII
2. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Vũ Huy Hoàng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Phùng Thanh Kiểm được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần XV (Từ ngày 14 đến 19/9/2010, tại Hội trường Tỉnh ủy, P. Chi Lăng, Tp. Lạng Sơn): Đại hội đánh giá về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng trong quá trình thực hiện nghị quyết Đại hội XIV; đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới; bầu BCH Đảng bộ tỉnh khoá XV
3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Phùng Thanh Kiểm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần XVI (Từ ngày 27 đến 29/10/2015, tại Hội trường Tỉnh ủy, P. Chi Lăng, Tp. Lạng Sơn): Đại hội khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được, cũng như nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI
4. Ban Thường vụ gồm 14 đồng chí. Đồng chí Trần Sỹ Thanh được Bộ Chính trị điều động tham gia BCH, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.
* Mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động mọi nguồn lực; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững.
Nhiệm vụ trọng tâm: - Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
- Phát triển nhanh nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật, đội ngũ công nhân, lao động có chất lượng cao, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài.
- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; huy động tối đa mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ và hiện đại, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển toàn diện lĩnh vực nông, lâm nghiệp gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
- Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết, đảm bảo an sinh xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc.
* Một số hình ảnh về các kỳ Đại hội và các đồng chí Bí thư Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳIII. Truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng SơnTruyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn là những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp bao đời nay trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, xứ sở.* Truyền thống đấu tranh yêu nước: Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trên vùng đất cửa ngõ phên dậu, địa đầu của Tổ quốc có ải Pha Luỹ (Đồng Đăng), ải Chi Lăng hiên ngang kiên cường, các thế hệ những người con của quê hương Xứ Lạng đã không ngừng đứng lên kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước đánh bại những cuộc xâm lăng của các thế lực phương bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ yên bờ cõi.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược thế kỷ XI, hỗ trợ quan quân triều đình nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy, các đội dân binh vùng Văn Uyên, Thoát Lãng do các thủ lĩnh Thân Thừa Quý, Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã tiến hành những cuộc chiến đấu anh dũng tiêu diệt quân xâm lược, lập nên những chiến công vang dội ở vùng biên ải.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, các đội dân binh Văn Uyên, Thoát Lãng do thủ lĩnh Nguyễn Thế Lộc chỉ huy đã chiến đấu kiên cường, ngăn chặn, tiêu hao binh lực của giặc ngay tại cửa ải Pha Luỹ, góp phần cùng quan quân nhà Trần đánh bại cuộc xâm lăng của giặc Nguyên - Mông.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh thế kỷ XV, các đội dân binh Văn Uyên, Thoát Lãng sát cánh cùng quân Lam Sơn do hai tướng Lê Lựu và Lê Bôi chỉ huy đã chặn đánh giặc quyết liệt từ ải Pha Luỹ đến Khau Cấp (Kỳ Lừa), tiêu diệt hàng nghìn tên giặc. Trong trận quyết chiến chiến lược tại ải Chi Lăng lịch sử, các đội quân dân binh vùng Chi Lăng do Đại Huề chỉ huy đã cùng với các đội quân Lam Sơn chiến đấu anh dũng, đánh bại hoàn toàn quân xâm lược Minh.
Trong chiến dịch thần tốc của quân Tây Sơn do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy tiêu diệt quân Thanh xâm lược năm 1789, các đội quân vùng Văn Uyên, Thoát Lãng do phiên thần Nguyễn Đình Vượng chỉ huy đã liên tục tiến hành tập kích giặc ở Đoàn Thành, Kỳ Lừa, Hoàng Đồng. Phối hợp với quân Tây Sơn chặn đánh tướng Tôn Sĩ Nghị rút chạy từ Đoàn Thành đến ải Pha Luỹ, góp phần làm nên chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập của quốc gia, dân tộc.
Kế thừa truyền thống đấu tranh yêu nước của các thế hệ đi trước, ngay khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã đứng lên chiến đấu chống kẻ thù. Tiêu biểu là hoạt động của nghĩa quân vùng Hữu Lũng, Chi Lăng do Hoàng Đình Kinh chỉ huy, liên tục chiến đấu tấn công địch từ năm 1883 đến 1888.
Truyền thống đấu tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm ở vùng biên ải quốc gia từ đời này qua đời khác đã nuôi dưỡng sức mạnh, tạo nên khí phách bất khuất của các thế hệ những con người sống trên vùng đất phên dậu, cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc.
* Truyền thống đoàn kết: Lạng Sơn là một tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tuy có đôi nét khác nhau về ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhưng cộng đồng các dân tộc ở Lạng Sơn đã cùng nhau chung sống hoà thuận, đoàn kết suốt từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, từ thời dựng nước Văn Lang - Âu Lạc đến nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cộng đồng các dân tộc Lạng Sơn là một khối đại đoàn kết vững vàng như núi Mẫu Sơn, thuỷ chung như nàng Tô Thị, trường tồn như sông Kỳ Cùng, đồng lòng, chung sức, xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương thành một tỉnh giàu mạnh ở vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
* Truyền thống văn hoá: Từ mạch nguồn văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Mai Pha đã hình thành vùng văn hoá Xứ Lạng đặc sắc với các giá trị văn hoá phi vật vật thể và văn hoá vật thể.
Về văn hoá phi vật thể ở Lạng Sơn là ngôn ngữ Tày, Nùng; là tục thờ cúng tổ tiên, thờ thần linh, dân ca sli, lượn, then, ca dao tục ngữ Tày Nùng; là cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân Đại Huề, Nguyễn Thế Lộc, Thân Cảnh Phúc, Vi Đức Thắng, Thân Công Tài, Ngô Thì Sỹ, Hoàng Đình Kinh, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri... đến những thành tựu tiêu biểu của văn hoá nghệ thuật Lạng Sơn hiện đại.
Ở Lạng Sơn có những danh thắng nổi tiếng là động Tam Thanh (chùa Tam Thanh), động Nhị Thanh, Chùa Tiên, tượng đá nàng Tô Thị; quần thể núi Mẫu Sơn; quần thể các hang động gắn liền với di chỉ khảo cổ Văn hoá Bắc Sơn, Văn hoá Mai Pha ở Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn; những cánh rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn thiên nhiên ở Hữu Lũng và Bắc Sơn.
Những giá trị văn hoá tiêu biểu, những tinh hoa, đặc trưng dân tộc, gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên bản sắc văn hoá Xứ Lạng, đó là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, sự tinh tế trong ứng xử, trung thực, nhân ái trong lối sống.
* Truyền thống chuyên cần, sáng tạo trong lao động: Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới có khí hậu, thời tiết phức tạp, nhiều mưa, bão lũ, gió mùa đông bắc và rừng núi thường có mây mù bao phủ. Mỗi mùa, mỗi vùng, khí hậu thay đổi khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Địa hình phức tạp, nhiều núi cao, suối sâu, vực thẳm, diện tích đất canh tác hẹp, hệ thống giao thông gặp nhiều khó khăn. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có truyền thống chuyên cần, sáng tạo trong lao động sản xuất, chống chọi với thiên tai để sinh tồn, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác những thuận lợi, vượt qua những cam go, thách thức, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả quan trọng trên những chặng đường xây dựng và phát triển.
IV. Những chiến công của quân và dân các dân tộc Lạng Sơn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và chống Mỹ cứu nước (1955-1975)Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn với kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975)Sau cách mạng tháng Tám, Lạng Sơn là một trong những tỉnh đầu tiên của nước ta bị quân Tưởng và bè lũ tay sai đặt chân tới sớm nhất hòng triển khai mưu đồ tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động đánh đổ chính quyền nhân dân, lập nguỵ quyền tay sai của chúng. Song song với việc ngăn chặn và đập tan âm mưu của quân Tưởng và bè lũ tay sai, ngày 06/01/1946, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cho hàng vạn đồng bào các dân tộc trong tỉnh đi bầu cử đại biểu Quốc hội, thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam. Thành quả xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân đã tạo động lực mạnh mẽ cho tỉnh Lạng Sơn sớm bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở màn bằng cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta chống lại cuộc tấn công gây hấn của thực dân Pháp ở thị xã Lạng Sơn ngày 25/11/1946.* Những chiến công của quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954)Ngày 19/12/1946,
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hòa cùng khí thế kháng chiến của cả dân tộc, quân và dân Lạng Sơn anh dũng bước vào trận chiến đấu chống quân thù xâm lược với tất cả quyết tâm sắt đá: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Giữa năm 1947, toàn tỉnh hình thành hai vùng chiến lược theo hình thái các khu căn cứ liên hoàn với nhau từ Bình Gia, Bắc Sơn, Bằng Mặc, Điềm He cho đến Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Nổi lên là khu căn cứ du kích Ba Sơn (Cao Lộc), Chi Lăng (Lộc Bình) và Nà Thuộc (Đình Lập).
Bước sang năm 1948, địch thay đổi chiến lược, ta vẫn liên tiếp giành nhiều chiến công ở Bó Củng, Bản Bẻ, Nà Cáy, Lũng Phầy, Bản Trang, Đồng Đăng và một số địa bàn thuộc Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Uyên, Thoát Lãng, Tràng Định và vùng quanh các khu căn cứ du kích Ba Sơn, Chi Lăng, Nà Thuộc mở đầu thời kỳ thi đua giết giặc lập công.
Năm 1949, từ khu du kích Ba Sơn, bộ đội ta liên tiếp tập kích, cắt đứt đường giao thông huyết mạch của địch và tiến công giải phóng hoàn toàn hai xã Cao Lâu, Xuất Lễ. Tại khu du kích Chi Lăng, khu du kích Nà Thuộc, quân và dân địa phương đã đẩy lùi hàng chục đợt tiến công càn quét, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khống chế sự tiếp viện của chúng từ Tiên Yên qua Đình Lập, Lộc Bình.
Tháng 02/1950, hoạt động của các đại đội địa phương và bộ đội chủ lực đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Tháng 4/1950, khu du kích Ba Sơn, Cao Lộc cùng với đại đội 815 bao vây đồn Bản Sâm, quân giặc bỏ đồn tháo chạy về thị xã, ta truy kích tiêu diệt nhiều tên. Trên trục đường 1, quân và dân các huyện Hữu Lũng, Ôn Châu tăng cường quấy rối các đồn bốt, phá hủy các đầu máy xe lửa, toa xe và hàng chục km đường sắt gây cho địch nhiều khó khăn.
Ngày 16/9/1950, Chiến dịch biên giới bắt đầu, quân ta nổ súng tấn công tiêu diệt đồn Đông Khê, mở màn giành thắng lợi cho chiến dịch. Ta liên tiếp chủ động tiến công tiêu diệt địch trên toàn bộ tuyến đường số 4.
Ngày 03 đến ngày 08/10/1950, hai binh đoàn chủ lực của Pháp bị đánh tan, cánh quân cứu viện từ Hà Nội lên cũng bị ta tiêu diệt. Ngày 10/10/1950, địch rút khỏi Thất Khê; ngày 13/10/1950, địch rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng; ngày 17/10/1950, địch rút khỏi thị xã Lạng Sơn, Cao Lộc, các huyện, thị xã lần lượt được giải phóng. Đêm 30 rạng 31/10/1950, quân ta tiến vào tiếp quản Đình Lập. Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng và trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược.
Hiểu rõ nhiệm vụ của tỉnh hậu phương phục vụ tiền tuyến, hướng tới chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Lạng Sơn đã thi hành triệt để Sắc lệnh thuế nông nghiệp, kịp thời ủng hộ lương thực cho Nhà nước. Lực lượng vũ trang được tăng cường củng cố. Công tác tuyển quân được đẩy mạnh. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, rất nhiều chiến sĩ của quê hương Xứ Lạng đã có mặt khắp mặt trận nóng bỏng, anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xương máu của mình vào thắng lợi chung của toàn quân và toàn dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng (07/5/1954).
* Những chiến công của quân và dân các dân tộc Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1955 - 1975)- Từ năm 1955 đến năm 1960Năm 1955, toàn tỉnh tổ chức phát động giảm tô đợt 8 ở 51 xã thuộc Văn Uyên, Ôn Châu, Bằng Mạc, Cao Lộc, Lộc Bình và thị xã Lạng Sơn; trợ giúp các hộ nông dân thiếu đói 40 tấn thóc, 70.000 mét vải; tổ chức các lớp học về chủ trương thành lập Khu tự trị Việt Bắc; tổ chức các lớp học văn hóa ở hầu hết các vùng nông thôn, thị xã, thị trấn; triển khai công tác sửa sai.
Ngày 23/02/1960, tỉnh Lạng Sơn vinh dự và tự hào được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác đã ân cần nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn tại sân vận động Đông Kinh. Bác biểu dương “trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và thành tích. Đó là những ưu điểm, Trung ương và Chính phủ vui lòng khen ngợi toàn thể cán bộ và đồng bào”.
- Từ năm 1961 đến năm 1965Trong giai đoạn này, tỉnh Lạng Sơn mở hàng trăm km đường dân sinh, cơ cấu sản xuất bước đầu hình thành với các vùng chuyên canh, ngành cơ khí của tỉnh sản xuất được hàng vạn công cụ cải tiến, các địa phương đều có những chuyển biến mới.
Ngày 28/8/1964, huyện Văn Uyên và huyện Thoát Lãng được hợp nhất thành huyện Văn Lãng, huyện Ôn Châu sáp nhập với một phần huyện Bằng Mạc thành huyện Chi Lăng, một phần huyện Bằng Mạc với huyện Điềm He hợp nhất thành huyện Văn Quan.
Đến cuối năm 1965, tổng số đường giao thông nông thôn trong toàn tỉnh có gần 1.500 km. Toàn tỉnh, diện tích lúa chiêm được tưới tiêu là 142.181 ha, diện tích lúa mùa được tưới tiêu là 22.961 ha. Ngành bưu điện sửa chữa và lắp đặt được 16 trạm máy mới. Tổ chức được 200 trạm bưu chính khu vực, 12 trạm truyền thanh, có gần 3.000 loa kim với gần 200 km đường dây dẫn. Ngành văn hóa tổ chức được 120 đội tuyên truyền lưu động, 14 đội chiếu bóng lưu động. Ngành y tế xây dựng được 160 trạm y tế cơ sở.
- Tiến hành chống chiến tranh phá hoại của đế quốc MỹCuối năm 1964, máy bay Mỹ liên tiếp xâm phạm vùng trời Lạng Sơn. Lạng Sơn từ thời bình chuyển sang thời chiến.
Ngày 20/9/1965, máy bay Mỹ đánh vào các mục tiêu ở Lạng Sơn: Đồng Mỏ, Sông Hóa, Mẹt..., đại đội 101 đã bắn rơi một máy bay phản lực. Ngày 05/10/1965, dân quân Chi Lăng và Hữu Lũng bắn cháy 02 máy bay địch. Dân quân xã Tân Thành bắn rơi 01 máy bay địch. Ngày 01/12/1965, tiểu đội dân quân nữ Quang Lang (Chi Lăng) bắn rơi 1 máy bay địch.
Ngày 01/6/1966, đơn vị phòng không cầu Sông Hóa bắn rơi 1 máy bay địch. Ngày 20/6 và ngày 05/7, bắn rơi 02 máy bay địch ở cầu Sông Hóa. Ngày 11/7, ở ga Phố Vị và thị trấn Mẹt, quân dân Lạng Sơn bắn rơi 02 máy bay Mỹ. Tháng 11/1966, ở cầu Sông Hóa, ta bắn rơi tại chỗ 01 chiếc F-4H của giặc Mỹ.
Sang năm 1967, địch đánh phá ác liệt hơn, ta bắn rơi 01 chiếc F-4 ở ga Voi Xô. Ngày 25/8/1972, chúng đánh phá dữ dội thị xã Lạng Sơn, ta bắn tan 01 chiếc F-4H, bắt sống giặc lái. Ngày 12/9/1972, địch tiếp tục đánh phá ác liệt thị xã Lạng Sơn, các đơn vị phòng không đã anh dũng bắn tan 01 máy bay phản lực của địch. Đây là chiếc máy bay thứ 3.900 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên Miền Bắc.
Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng và Quân khu I, Tỉnh đã thành lập 2 tiểu đoàn tăng cường để chi viện cho tiền tuyến có phiên hiệu Bắc Sơn 1, Bắc Sơn 2. Các tiểu đoàn này đã lập công xuất sắc trên các chiến trường miền Nam.
Từ tháng 5/1972, Lạng Sơn được Trung ương giao cho nhiệm vụ bảo quản và vận chuyển tốt hàng hóa, bảo đảm giao thông và hoàn thành hơn 40km đường ống dẫn dầu qua địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng thành lập Ban giải tỏa hàng hóa và điều hòa vận tải.
- Củng cố khôi phục và phát triển kinh tế xã hội ở Lạng Sơn từ năm 1966 đến năm 1972Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế xã hội, năm 1966, nhiều hợp tác xã trong tỉnh đạt năng suất 5 tấn/ha; hoàn thành 120 công trình thủy điện nhỏ với công suất gần 2.000 KW; ngành lâm nghiệp trồng được 3.000 ha rừng; chăm sóc có kết quả gần 2.000 ha cây thuốc lá và hàng nghìn ha cây chè. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các huyện Tràng Định, Hữu Lũng, và Lộc Bình phát triển ngành nuôi cá.
Đến cuối năm 1970, diện tích gieo trồng toàn tỉnh là 53.649 ha, sản lượng thu được hơn 80.000 tấn lương thực; về y tế xây dựng được 9 bệnh viện tuyến huyện; về giáo dục tất cả các huyện đều đã có trường phổ thông cấp III.
Năm 1972 là năm Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn huy động tới mức tối đa mọi khả năng ý chí, nghị lực và công sức cho hoàn thành nhiệm vụ của “cảng nổi” kiên cường, xứng đáng với sự tin yêu của cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã phát huy những truyền thống tốt đẹp của ông cha, cùng nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.
* Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1954 do Ty thông tin Lạng Sơn phát hành được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Tranh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đối phó với cuộc tấn công của Pháp Tranh tuyên truyền nhân dân đề cao cảnh giác bảo vệ xóm làng không để Việt gian vào do thám * Những hình ảnh về tinh thần chiến đấu của quân và dân Lạng Sơn: Bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương Đại hội 25 công binh thường xuyên có mặt trên các trọng điểm Xe thiết giáp của Pháp bị quân ta phá hủy trong chiến dịch Biến giới 1950 Anh hùng Nông Văn Nghi đang tháo bom nổ chậm Mỹ ném bom cầu Kỳ Cùng Nữ dân quân tự vệ Lạng Sơn đang bắn máy bay Mỹ Nữ dân quân Quan Lang sẵn sàng chiến đấu * Hình ảnh về những hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tang tỉnh Lạng Sơn: vũ khí đánh Pháp của quân và dân ta, chiến lợi phẩm thu được... cùng chỉ thị, truyền đơn, biên lai ghi đóng góp ủng hộ cách mạng...* Hình ảnh về những hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tang tỉnh Lạng Sơn: xác máy bay Mỹ, ổ súng 6 nòng trên máy bay Mỹ bị bắn rơi, vỏ bom bi, pháo sáng, quần áo phi công Mỹ...* Những hình ảnh về Lạng Sơn năm 1950 do Carl Midans của Tạp chí Life thực hiện: Một ngôi làng khang trang ở Lạng Sơn, với những ngôi nhà gạch, mái ngói Lính Pháp trên Quốc lộ 4 chạy dọc tuyến biên giới với Trung Quốc Người dân địa phương tò mò đứng nhìn khi một chiếc xe chở lính Pháp chạy qua Một ngôi chùa ở Lạng Sơn Trẻ em nhặt củi phục vụ quân Pháp Đồn biên phòng Chi Ma (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) sát biên giới với Trung Quốc Dinh công sứ Pháp ở Lạng Sơn Sĩ quan Pháp (ngoài cùng bên trái) và các binh sĩ người Việt ở đồn Chi Ma Cầu bắc qua sông Kỳ Cùng, con sông chảy ngược lên Trung Quốc Người dân và binh lính qua lại trên cầu Một góc phố trung tâm thị xã Lạng Sơn với nhiều cửa hàng Một hiệu ảnh nằm cạnh cửa hàng tạp hóa Khung cảnh bình dị trên một con phố Những người bán mía ở chợ Kỳ Lừa, ngôi chợ lâu đời nhất Lạng Sơn Quầy bán nón Khu vực bán gạo Bé gái bóc củ đậu Hàng bán chai lọ Một nông dân người Tày thử chiếc lưỡi cày ở chợ Quầy sách báo cũ khá đông khách Trên đường làng Ngôi nhà đơn sơ ở vùng quê nghèo Lạng Sơn Trẻ em nông thôn Lạng Sơn Thiếu nữ dệt vải Một dinh thự bỏ hoang Giặt giũ ở cầu ao Cậu bé xay lúa V. Đôi điều cảm nhận về quê hương Lạng Sơn Xứ Lạng là một phần lãnh thổ gắn bó từ lâu đời của Việt Nam, là nơi chung sống của nhiều dân tộc, là miền đất thân thương còn vang vọng mãi trong câu ca trữ tình "Ai lên xứ Lạng cùng anh..." Thật gần gũi, nhưng xứ Lạng vẫn có dáng nét, cá tính riêng. Vậy cái riêng của xứ Lạng là gì và do đâu lại có những sắc thái ấy.
Xứ Lạng - Lạng Sơn - một xứ địa đầu đón nhận những trận gió rét mùa đông khốc liệt để hooa đào màu xuân nở thắm; một xứ núi non trùng điệp, ruộng đồng ít ỏi, đá sỏi đất cằn; một xứ ở mãng trũng Cao Lạng mà lại cao, nước sông Kỳ cùng không đủ tưới nhuần đất mẹ; một xứ mang trong mình lịch sử hình thành và phát triển đã hàng ngàn năm; một xứ kiêu hãnh với những vẻ đẹp tiềm ẩn của nhiều tầng văn hóa cổ xưa, của những dấu ấn và truyền thuyết mang đậm chất dân gian; một xứ của những con người kiên cường trụ lại để tạo dựng cuộc sống cho mình và cho đất nước...
Người Kinh lên, chung lưng đấu cật với anh em Tày, Nùng,... và cả người Hoa sang. Họ kề vai sát cánh xây dựng một miền quê biên ải phồn vinh. Và cũng chính họ tạo nên văn hóa xứ Lạng - nền văn hóa hội nhập, giao lưu nhiều dòng nguồn.
Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, việc làm riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu mỗi cá nhân mà phát huy được cái riêng đó trên cơ sở nâng cao ý thức chính trị, tư tưởng vững vàng, cống hiến năng lực, tâm huyết, sức lực làm việc vì tập thể, ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái ác thì chắc chắn quê hương Xứ Lạng sẽ mãi giàu đẹp và bền vững.
Việc xác định mục tiêu và hành động là việc cần thiết và phải có. Tuy nhiên, cuộc sống vốn rất phong phú và đa dạng nên trước mỗi hành động, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà tất cả chúng ta cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đừng để ta trở thành mối bận tâm quá lớn đối với người khác hoặc tránh làm tăng thêm gánh nặng xã hội vì những hành động của bản thân. Suy nghĩ và hành động có trách nhiệm là một lối sống đẹp. Đó là một phẩm chất cao đẹp, là thước đo giá trị con người, là cơ sở để xây dựng hạnh phúc. Đồng thời tinh thần trách nhiệm cũng góp phần tạo nên các mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Thiết nghĩ, dựa trên tiềm lực sẵn có, Lạng Sơn có thể:
- Phát triển kinh tế từ đột phá từ kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp hàng hóa, coi đây là mũi nhọn. Cùng với đó là xây dựng cơ cấu kinh tế thương mại-du lịch khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên với các danh thắng nổi tiếng, các khu di tích và kinh tế cửa khẩu. Công nghiệp ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, nông sản và một phần công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
- Điều chỉnh các chính sách, cùng với mô hình sản xuất phù hợp trong sản xuất theo hướng giảm dần quy mô nông hộ nhỏ lẻ.
- Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa vào công tác xóa đói giảm nghèo.
- Đảm bảo giữ gìn môi trường sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Cường, Hoàng Văn Nghiệm (2000),
Xứ Lạng văn hóa và du lịch, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.
2. Nguyễn Cường (2002),
Văn hóa Mai Pha, Sở VHTT Lạng Sơn xuất bản.
3. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (2002),
Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn từ Đại hội đến Đại hội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.
4. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1998),
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1930 - 1954, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ấn hành.
5. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1996)
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1955 - 1985, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ấn hành.
6. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (2010)
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1986 - 2000, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ấn hành.
7. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn,
Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn từ khóa I đến khóa XVI, Văn phòng Tỉnh ủy.
8. Hoàng Giáp, Hoàng Páo (2012),
Văn hóa Lạng Sơn (Địa dư chí - Văn bia - Câu đối), Nxb Văn hóa Thông tin, H.
9. Hội Văn học Nghệ thuật (1988),
Lạng Sơn ngày nay, Hội VHNT Lạng Sơn xuất bản.
10. Hội Văn học Nghệ thuật (2009),
Hoàng Văn Thụ tên anh sáng mãi, Nxb Hội nhà văn, H.
11. Triệu Thu Hường (2010),
Địa lí địa phương tỉnh Lạng Sơn, Nxb Đại học Sư phạm, H.
12. Vũ Ngọc Khánh chủ biên (1990),
Thị xã Lạng Sơn xưa và nay, UBND Thị xã Lạng Sơn xuất bản.
13. Hoàng Thị Nhu, Nguyễn Văn Tuấn (2010),
Lịch sử địa phương tỉnh Lạng Sơn, Nxb Đại học Sư phạm, H.
14. Phùng Quý Sơn, Nguyễn Ngọc Thanh (2010),
Văn hóa, Văn học và ngôn ngữ địa phương tỉnh Lạng Sơn, Nxb Đại học Sư phạm, H.
15. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn (2005),
Lạng Sơn nơi địa đầu Tổ quốc, Nxb Văn hóa Sài Gòn - Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt, Tp Hồ Chí Minh.
16. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn (2005),
Lạng Sơn - thế và lực, Nxb Chính trị Quốc gia, H.
17. Mã Thế Vinh (2012),
Lạng Sơn vùng đất của Chi Lăng - Đồng Đăng - Kỳ Lừa, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
18. Phạm Vĩnh (2001),
Lạng Sơn vùng văn hóa đặc sắc, Nxb Văn hóa Thông tin, H.
19. UBND tỉnh Lạng Sơn (1999),
Địa chí Lạng Sơn, Nxb Chính trị Quốc gia, H.
20. Một số website: langson.gov.vn; baotanglangson.vn; baolangson.vn; nhandan.com.vn...
1 BCH Đảng bộ tỉnh khoá I gồm 13 đồng chí: Hoàng Văn Kiểu, Phan Mạnh Cư, Hà Nhân Nghĩa, Phan Minh Tuệ, Trương Lạc Dương, Trần Minh Tước, Lê Huyền Trang, Liên Đoàn, Thế Kỳ, Thành Ngọc, Ma Thế Dân, Bế Chấn Biên, và Khánh Vinh. 2 BCH Đảng bộ tỉnh khoá II gồm 16 đồng chí: Hoàng Văn Kiểu, Phan Mạnh Cư, Lê Huyền Trang, Thế Kỳ, Lâm Trọng Thư, Hà Khai Lạc, La Thăng, Lý Thế Kim, Trần Định, Nguyễn Hanh, Lê Thị Ngọc, Bê Chấn Biên, Hoàng Cường, Nguyễn Can, Nông Trọng Bình và Hà Thái Nam. 1 BCH Đảng bộ tỉnh khoá III gồm 15 đồng chí: Hoàng Văn Kiểu, Phan Mạnh Cư, Lê Huyền Trang, Hà Khai Lạc, Thế Kỳ, Bế Chấn Biên, Lâm Trọng Thư, La Thăng, Hoàng Cường, Nông Trọng Bình, Hà Thái Nam, Lý Thế Kim, Lê Thị Ngọc, Nguyễn Hanh, Trần Định. 2 BCH Đảng bộ tỉnh khoá IV gồm 21 đồng chí Ủy viên chính thức: Bế Chấn Hưng, Trịnh Xuân Đức, Chu Việt Thắng, Trương Quốc Sính, Hoàng Văn Thạch, Nông Thiệu Minh, Phạm Công Dỉnh, Chu Việt Cường, Vi Gia Lễ, Nông Giang Nam, Lương Toàn Thắng, Nguyễn Ngọc Thoại, Lê Toàn, Hà Tân Cương, Nông Tuấn Phong, Âu Thị Lê Thơm, Triệu Văn Liêm, Mã Trọng, Lăng Thế Gia, Hoàng Liên Đoàn và Nguyễn Khắc Bảy; 5 Ủy viên dự khuyết: Nguyễn Đình Đông, Hoàng Việt Thanh, Lương Đình Đốc, Trần Xuân Lễ, Hoàng Văn Thoại. 3 BCH Đảng bộ tỉnh khoá V3 gồm 17 Ủy viên chính thức: Bế Chấn Hưng, Nguyễn Đức, Chu Việt Cường, Lê Toàn, Chu Việt Thắng, Phan Mạnh Cư, Hoàng Việt Thanh, Triệu Văn Liêm, Hoàng Văn Thạch, La Thăng, Nguyễn Ngọc Thoại, Nông Thiệu Minh, Nông Gia Khánh, Hoàng Văn Thoại, Trịnh Minh An, Nguyễn Đình Đông và Nguyễn Vượng; 4 Ủy viên dự khuyết: Hướng Tân Việt, Vi Văn Vinh, Đường Thị Kim, Triệu Kim Tiến; Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí: Bế Chấn Hưng, Nguyễn Đức, La Thăng, Lê Toàn, Phan Mạnh Cư, Trịnh Minh An, Nông Thiệu Minh, Chu Việt Cường, Nông Gia Khánh. 4 BCH Đảng bộ tỉnh khoá VI gồm 21 uỷ viên chính thức: Nguyễn Đức, Bế Chấn Hưng, Trịnh Minh An, Hoàng Lâm, La Thăng, Hoàng Văn Thạch, Vi Gia Lễ, Đường Thị Kim, Lưu Bá Thịnh, Chu Việt Thắng, Triệu Văn Liêm, Ngô Thìn, Nguyễn Vượng, Lê Trần Quốc, Triệu Kim Tiến, Hoàng Văn Thoại, Nông Gia Khánh, Hướng Tân Việt, Lương Đình Đốc, Nguyễn Hơn và Trần Xuân Lễ; 4 Ủy viên dự khuyết: Chu Dũng Tâm, Bế ích Cự, Phùng Lê Chương, Hoàng Việt Hoa, Ban thường vụ gồm 9 đồng chí: Bế Chấn Hưng, Nguyễn Đức, Trịnh Minh An, Hoàng Lâm, La Thăng, Lưu Bá Thịnh, Chu Việt Thắng, Hoàng Văn Thạch và Nông Gia Khánh. 1 BCH Đảng bộ tỉnh Cao Lạng khoá I gồm 35 Ủy viên chính thức: Hoàng Trường Minh, Bế Chấn Hưng, Nông Trọng Bình, Vương Dương Tường, Nông Quốc Long, Đàm Ngọc Côn, Đào Đình Bảng, Hoàng Văn Thạch, Nguyễn Trương, Hoàng Lâm, Vi Gia Lễ, Đường Thị Kim, Nông Phi Phong, Lê Minh, Mạc Văn Mến, Phương Thị Vân Anh, Bế Cự, Nguyễn Sĩ Minh, Nguyễn Khánh Trực, Chu Việt Thắng, Nông Đặng Long, Hướng Tân Việt, Lê Bình Thanh, Vũ Ngọc Bộ, Chu Điển, Hoàng Hồng Cao, Hoàng Văn Phôi, Bế Chu Lang, Chu Thông, Hoàng Đình Nam, Lương Ích Lập, Bế Thanh Long, Mã Trọng, Dương Việt Toàn và Vi Hồng Nhân; 3 uỷ viên dự khuyết: Bàn Thượng Đức, Hoàng Văn Ấp, Đàm Du. Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí: Hoàng Văn Minh, Bế Chấn Hưng, Nông Quốc Long, Đào Đình Bảng, Nông Trọng Bình, Vương Dương Tường, Nguyễn Trương, Hoàng Văn Thạch, Đàm Ngọc Côn, Lương Ích Lập, Hoàng Lâm. 2 BCH Đảng bộ khoá VIII gồm 39 uỷ viên chính thức: Hoàng Trường Minh, La Thăng, Bế Chu Lang, Đào Đình Bảng, Bùi Xuân, Lê Sơn, Đường Thị Kim, Trần Rỹ, Phương Mai, Nguyễn Minh Quát, Triệu Việt Hương, Vũ Ngọc Chương, Lã Thanh Thuỷ, Hoàng Thi, Hoàng Văn Kiềm, Chu Thông, Vi Hồng Nhân, Nông Lân Anh, Bố Long, Đặng Tăng Phúc, Hoàng Kim Thụ, Lô Phát Miễn, Hoàng San, Hoàng Đình Sâm, Nguyễn Kim Tiền, Hoàng Quang Hiểu, Chu Sẹc, Trịnh Hùng, Cao Ngọc Oanh, Vi Văn Vinh, Dương Thị Nguyệt, Hoàng Đình Nam, Hoàng Thị Ngọ, Hoàng Ngôn, Hoàng Việt Thanh, Hoàng Quốc Khánh, Bế Mẫn, Vi Văn Thoa và Vi Gia Lễ; 2 uỷ viên dự khuyết: Triệu Minh Hoa và Hoàng Tiến. Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí: Hoàng Trường Minh, La Thăng, Bế Chu Lang, Đào Đình Bảng, Lê Sơn, Trần Rỹ, Bùi Xuân, Đường Thị Kim, Nguyễn Minh Quát, Triệu Việt Hương và Phương Mai. 3 BCH Đảng bộ tỉnh khoá IX gồm 41 ủy viên chính: La Thăng, Bế Chu Lang, Trần Rỹ, Bùi Xuân, Nguyễn Minh Quát, Đào Đình Bảng, Đoàn Độ, Vũ Ngọc Chương, Hoàng Ngôn, Hà Hạp, Vi Xuân Thanh, Hoàng San, Lục Văn Dịch, Dương Công Đá, Hoàng Kim Hải, Hoàng Văn Hon, Hoàng Quang Hiểu, Nguyễn Xưng Kỳ, Hoàng Kham, Vương Ký Lùng, Bế Thanh Long, Trịnh Mạc, Chu Hạp, Bế Mẫn, Chu Nẹ, Hoàng Thị Ngọ, Vi Hồng Nhân, Đặng Tăng Phúc, Nông Tiến Phong, Triệu Tủ, Hoàng Tự, Hoàng Tanh, Hoàng Tiến, Triệu Tùng, Hoàng Thị Diệu Tuyết, Hoàng Thi, Hoàng Kim Thụ, Vi Văn Thoa, Lã Thanh Thuỷ, Hoàng Đức Vệ, Lô Phát Miễn và 4 ủy viên dự khuyết: Chu Viết Nhằm, Hà Nhuận, Đinh Ích Toàn, Chu Thông. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí: La Thăng, Trần Rỹ, Bế Chu Lang, Bùi Xuân, Nguyễn Minh Quát, Đào Đình Bảng, Đoàn Độ, Vũ Ngọc Chương, Hoàng Ngôn, Hà Hạp, Chu Hạp, Vi Xuân Thanh, Hoàng San. 1 BCH Đảng bộ tỉnh khoá X gồm 45 uỷ viên chính thức: La Thăng, Vũ Ngọc Chương, Nguyễn Minh Quát, Vi Xuân Thanh, Trần Rỹ, Hoàng Tiến, Dương Công Đá, Hà Hạp, Trần Xuân Minh, Hoàng Áp, Lê Tuấn, Chu Hạp, Hoàng Tanh, Nguyễn Xưng Kỳ, Vương Ký Lùng, Bế Mẫn, Hà Nhuận, Nông Tiến Phong, Triệu Tủ, Đinh Ích Toàn, Hoàng Thị Diệu Tuyết, Lương Thế Dũng, Hứa Hạnh, Lương Nuôi, Đặng Quý Thiệp, Hoàng Quang Hiểu, Trịnh Mạc, Đặng Tăng Phúc, Hoàng Tự, Hoàng Kim Thụ, Trần Bường, Đoàn Bá Nhiên, Hà Tám, Vi Văn Trường, Trịnh Ngọc, Hoàng Sự, Nguyễn Thị Yên, Hoàng Kham, Chu Viết Nhằm, Hoàng San, Triệu Tùng, Hoàng Đức Vệ, Hoàng Giai, La Rinh, Nguyễn Thị Phương Thi và 13 uỷ viên dự khuyết: Hoàng Mạmh Bảo, Nông Thị Mồng, Nguyễn Phong, Nguyễn Thị Thuỷ, Phùng Văn Mục, Hoàng Phưng, Linh Văn Tít, Nguyễn Phú Cường, Ngô Xuân Từ, Chu Xuân Điềm, Lý Mình, Hoàng Tiến và Nguyễn Văn Phúc. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí: La Thăng, Vũ Ngọc Chương, Nguyễn Minh Quát, Vi Xuân Thanh, Hà Hạp, Trần Xuân Minh, Trần Rỷ, Hoàng Tiến, Dương Công Đá, Chu Hạp, Hoàng Tanh, Hoàng Áp và Lê Tuấn. 2 BCH Đảng bộ tỉnh khoá XI gồm 47 uỷ viên chính thức: Trần Bương, Hoàng Thanh Bình, Dương Công Đá, Chu Hạp, Hà Hạp, Hứa Hạnh, Hoàng Quang Hiểu, Lâm Thanh Hiền, Nguyễn Xưng Kỳ, Hoàng Kham, Phạm Xuân Lan, Bế Xuân Lập, Vương Ký Lùng, Nguyễn Như Luyện, Hoàng Thị Bích Ly, Bế Mẫn, Vi Hải Mão, Lý Văn Mai, Phùng Văn Mục, Chu Viết Nhằm, Trần Ngát, Đoàn Bá Nhiên, Lý Viết Mình, Hà Nhuận, Hà Nhung, Trịnh Ngọc, Hà Nghiên, Nguyễn Phong, Nguyễn Văn Phúc, Đặng Tăng Phúc, La Rinh, Hoàng Sự, Dương Công Sửu, Hoàng Tanh, Đàm Quang Tả, Vi Xuân Thanh, Nguyễn Thị Phương Thi, Đặng Quý Thiệp, Nguyễn Đình Thư, Linh Văn Tít, Vi Trường, Triệu Tủ, Hoàng Thị Diệu Tuyết, Triệu Tùng, Ngô Xuân Từ, Chu Hồng Vân và Nguyễn Thị Yên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí: Hoàng Tanh, Vi Xuân Thanh, Dương Công Đá, Chu Hạp, Hà Hạp, Chu Viết Nhàm, Hứa Hạnh, Linh Văn Tít, Trần Ngát, Dương Công Sửu, Nguyễn Phong. 3 BCH Đảng bộ tỉnh khoá XII3 gồm 47 uỷ viên: Trần Bường, Hứa Văn Báu, Nguyễn Khắc Du, Dương Công Đá, Lương Minh Định, Vi Đức Được, Dương Thời Giang, Hứa Hạnh, Lâm Thanh Hiền, Hoàng Công Hoàn, Nguyễn Xưng Kỳ, Hoàng Thị Bích Ly, Nguyễn Như Luyện, Bế Xuân Lập, Phùng Văn Mục, Vi Hải Mão, Bế Mẫn, Lý Viết Mai, Trần Ngát, Chu Viết Nhằm, Đoàn Bá Nhiên, Chu Nẹ, Lường Đăng Ninh, Hà Nhung, Bế Viết Nghệ, Hà Nghiên, Nguyễn Phong, Nguyễn Văn Phúc, Đặng Tăng Phúc, Hoàng Phưng, Nguyễn Đúc Quyền, La Rinh, Dương Công Sửu, Hoàng Sự, Hoàng Tanh, Vi Xuân Thanh, Linh Văn Tít, Hoàng Thị Diệu Tuyết, Nguyễn Thị Phương Thi, Ngô Xuân Từ, Vy Trọng Thuỷ, Nguyễn Đình Thư, Dương Công Tuất, Mông Xuân Vanh, Lý Kiều Vân, Chu Hồng Vân và Nguyễn Thị Yên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí: Hoàng Tanh, Vi Xuân Thanh, Dương Công Đá, Trần Ngát, Chu Viết Nhằm, Linh Văn Tít, Hứa Hạnh, Hoàng Diệu Tuyết, Đoàn Bá Nhiên, Phùng Văn Mục, Dương Công Sửu, Nguyễn Phong và La Rinh. 1 BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII gồm 47 ủy viên: Dương Công Đá, Hoàng Công Hoàn, Dương Thời Giang, Hứa Hạnh, Dương Hiền, Phùng Thanh Kiểm, Hoàng Thị Bích Ly, Phùng Văn Mục, Trần Ngát, Chu Viết Nhằm, Đoàn Bá Nhiên, Vi Văn Thành, Linh Văn Tít, Hồ Mạnh Hưng, Vi Đức Được, Hà Hồng, Hoàng Quang Khôn, Nguyễn Thế Tuy, Lâm Thanh Hiền, Triệu Đình Khánh, Lường Đăng Ninh, Bế Viết Nghệ, Nông Văn Thìn, Dương Công Tuất, Hà Nhung, Ngô Xuân Từ, Lý Kiều Vân, Hứa Văn Báu, Hoàng Sự, Bế Xuân Lập, Vũ Đình Truy, Tô Hùng Khoa, Nguyễn Như Luyện, Vũ Văn An, Nguyễn Duy Sinh, Nguyễn Đức Quyền, Lộc Thuý Ngay, Đặng Ngọc Thanh, Lương Viết Kiểm, Mông Xuân Vanh, Nông Văn Thới, Hoàng Đức Bình, Bế Ngọc Trình, Vi Văn Phương, Hoàng Xuân Túc, Hoàng Trung Tuyến và Nông Văn Tăng. Ban Chấp hành đã bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm các đồng chí: Dương Công Đá, Hoàng Công Hoàn, Đoàn Bá Nhiên, Chu Viết Nhằm, Trần Ngát, Hứa Hạnh, Phùng Văn Mục, Linh Văn Tít, Dương Thời Giang, Phùng Thanh Kiểm, Dương Hiền, Hoàng Thị Bích Ly, Vi Văn Thành. 2 BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII gồm 49 ủy viên, BCH đã bầu 11 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. 3 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV gồm 55 ủy viên. 4 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI gồm 53 ủy viên: Lương Đình Khải, Đặng Văn Cường, Vũ Văn Quang, Đàm Văn Trường, Hồ Thị Lan Anh, Hoàng Minh Trường, Ngô Văn Vũ, Nông Lương Chấn, Hồ Tiến Thiệu, Nguyễn Trung Thực, Dương Xuân Huyên, Nguyễn Đức Quyền, Lý Đức Thanh, Vũ Văn An, Hướng Văn Độ, Trần Thanh Hải, Hoàng Đình Hôm, Nguyễn Quốc Khánh, Nông Thị Lâm, Nguyễn La Thông, Tô Hùng Khoa, Dương Xuân Hòa, Nông Văn Thảm, Vũ Thị Yến, Nghiêm Văn Hải, Giáp Thị Bắc, Trần Quốc Tuấn, Dương Công Vỹ, Hà Xuân Quang, Đào Đức Hoan, Lý Vinh Quang, Lô Tiến Sơn, Vũ Hồng Thủy, Lý Văn Thăng, Hoàng Văn Nghiệm, Hoàng Đình Trúc, Nguyễn Thế Lệ, Vũ Trọng Bắc, Nguyễn Hoàng Tùng, Lê Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thu Hà, Đoàn Thị Hậu, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Chiến, Hứa Hải Quỳnh, Đoàn Thị Loan, Nông Thanh Bình, Nguyễn Phúc Hà, Đặng Thị Kiều Vân, Nguyễn Công Trưởng, Bùi Văn Côi, Triệu Văn Lạng, Hoàng Văn Tạo. Ban Chấp hành đã bầu 14 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm: Giáp Thị Bắc, Đào Đức Hoan, Nông Thị Lâm, Lương Đình Khải, Tô Hùng Khoa, Hoàng Văn Nghiệm, Vũ Văn Quang, Trần Sỹ Thanh, Nông Văn Thảm, Lý Văn Thăng, Hồ Tiến Thiệu, Nguyễn La Thông, Nguyễn Trung Thực và Phạm Ngọc Thưởng.