Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Mối quan hệ giữa bố mẹ vợ và con rể qua “Kho tàng ca dao người Việt”

Thứ tư - 11/01/2017 11:06
TÓM TẮT: Nghiên cứu về "Mối quan hệ bố mẹ vợ và con rể qua Kho tàng ca dao người Việt" là tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị của truyền thống, là một trong những định hướng để góp phần vào việc xây dựng gia đình trong xã hội ngày hôm nay. Với việc  thống kê, khảo sát văn bản, so sánh, phân tích tổng hợp, định lượng... Bước đầu nghiên cứu chúng tôi đã nhận thấy trong cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với chàng rể và trong cách ứng xử của chàng rể đối với bố mẹ vợ có những biểu hiện tích cực như: những tình cảm chân thành, thiêng liêng, sự hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng… Đồng thời còn những điểm còn hạn chế như: sự phân biệt đối xử không công bằng với chàng rể qua những lời trách than của chàng rể, hay là thái độ phản kháng quyết liệt, không nể sợ đối với những việc làm sai trái không hợp tình, hợp lý của bố mẹ vợ và kèm theo có đó là sự châm biếm, giễu cợt cũng rất sâu sắc. Nhìn chung đây là những mối quan hệ thuận ít, nghịch nhiều, hiện lên trên đó là sự đôi co, cãi cọ cũng còn nhiều. Đây là những vấn đề nhức nhối, trăn trở trong gia đình người Việt.
 
1. Mở đầu
            Trong sự phát triển của xã hội hôm nay, gia đình cũng như những mối quan hệ gắn kết trong một gia đình là một vấn đề cần được quan tâm. Việc đi tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị của truyền thống thông qua những bài ca dao, là một trong những định hướng để góp phần vào việc xây dựng gia đình trong xã hội ngày nay: "Ca dao Việt Nam là kho tàng văn học quý giá của đất nước. Thông qua nghệ thuật ngôn từ, ca dao đã đúc kết trí tuệ, tình cảm của nhân dân và phản ánh nhiều mặt của xã hội trong đó có phong tục, tập quán, các mối quan hệ trong gia đình" [5,5].
            Trong muôn vàn các mối quan hệ của gia đình người Việt, ta thấy có những mối quan hệ chung huyết thống nhưng cũng có những mối quan hệ dựa trên sợi dây tình nghĩa. Trong phạm vi nghiên cứu chúng tôi xin đi sâu vào tìm hiểu: “Mối quan hệ giữa bố mẹ vợ và con rể qua Kho tàng ca dao người Việt”. Từ đó biết gìn giữ và đề cao những nếp sống mang nét đẹp của dân tộc, đồng thời tìm ra và loại bỏ những hủ tục, những tồn tại để từ đó góp phần củng cố và xây dựng gia đình theo truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt.
1. Giới thiệu những bài ca dao viết về mối quan hệ giữa bố mẹ vợ và con rể qua “Kho tàng ca dao người Việt”
1.1. Hệ thống phân loại nội dung của “Kho tàng ca dao người Việt”
            Kho tàng ca dao người Việt là kết tinh những giá trị văn hoá tinh thần của con người Việt, của dân tộc Việt. Bộ sách là sản phẩm của quá trình sưu tầm và biên soạn đầy công phu, tâm huyết của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật, Phan Đăng Tài, Nguyễn Thuý Loan, Đặng Diệu Trang. Với quy mô hơn ba nghìn trang và hơn 12487 đơn vị các bài ca dao cho ta thấy được sự đồ sộ, quy mô của bộ sách về mặt dung lượng cũng như sự phong phú về mặt biểu hiện nội dung. Để thuận tiện cho việc tra cứu các bài ca dao được dễ dàng, tác giả của bộ sách cung cấp cho người đọc một bảng tra rất tiện ích, đó là Bảng tra cứu theo chủ đề. Dựa vào bảng tra cứu này sẽ tìm thấy được những đơn vị ca dao theo từng nhóm chủ đề cần tìm. Ở đó sẽ hiện lên mã của các bài ca dao viết theo cùng một nội dung, cùng một chủ đề và được sắp xếp theo thứ tự A, B, C... trong tổng thể ca dao người Việt.
            Dựa trên Bảng tra cứu theo chủ đề ta thấy bộ Kho tàng ca dao người Việt gồm: "chín mục chủ đề với dụng ý phản ánh những nét chính của cuộc đời con người, tâm hồn Việt và bộ mặt của xã hội cũ" [9,2627]: Đất nước và lịch sử; Lao động và nghề nghiệp; Tình yêu đôi lứa; Sinh hoạt văn hoá và văn nghệ; Những lời bông đùa, khôi hài, giải trí; Những nỗi khổ, cảnh sống lầm than; Những thói hư tật xấu và các tệ nạn xã hội; Kinh nghiệm sống và hành động; Chủ đề gia đình xã hội. Nghiên cứu của chúng tôi đề cập đến vấn đề: “Mối quan hệ giữa bố mẹ vợ và con rể qua Kho tàng ca dao người Việt” là những bài ca dao nằm trong các nhóm ca dao có chủ đề về quan hệ gia đình xã hội.
1.2. Những tiêu chí để khu biệt những bài ca dao phản ánh mối quan hệ giữa bố mẹ vợ và con rể qua “Kho tàng ca dao người Việt”
            Chúng tôi dựa vào Bảng tra cứu theo chủ đề nằm ở Kho tàng ca dao người Việt - Tập 2 và thống kê được có 29 bài ca dao viết về mối quan hệ bố mẹ vợ và con rể và chúng tôi nhận thấy yếu tố nội dung rất quan trọng và nó đóng vai trò chủ chốt cho việc phân loại. Những bài ca dao viết về mối quan hệ bố mẹ vợ con rể được chúng tôi khu việc dựa vào hai phương diện sau:
* Phương diện hình thức ngôn ngữ
            Qua quá trình cọ xát với văn bản ca dao, chúng tôi thấy được sự khu biệt của những đơn vị ca dao có nội dung phản ánh mối quan bố mẹ vợ con rể được căn cứ vào các dạng xưng hô của chủ thể phát ngôn trong các bài ca dao với các cách sử dụng ngôn ngữ xưng hô điển hình như: khi tiếp xúc với bộ phận ca dao viết về quan hệ vợ chồng, thì chúng ta thấy các từ ngữ quen thuộc như: "rể", "con rể", "làm rể", "chàng rể"...
            A446 :                        Anh ở sao mà rể gọi là con
                                    Thì bia vàng khắc chữ sơn son để đời!
                                                                                     DCBTT 197  
            C1337:                 Có khi cháu ăn cưới bà
                                    Chàng rể ăn cưới mụ gia có ngày.
                                                                                     CDTD 82
            Đ428:             Đêm nằm nước mắt láng lai
Mẹ thương con rể hơn trai trong nhà.
CDTCM 180
            Đây là những từ ngữ tiêu biểu cho cách xưng hô trong mối quan hệ bố mẹ vợ con rể. Song, ngôn ngữ tiếng Việt vô cùng phong phú và được sử dụng một cách linh hoạt chính bởi vậy mà theo chúng tôi sự phân định, nét khu biệt của các bài ca dao này với các bài ca dao thuộc chủ đề khác chỉ mang tính chất tương đối mà thôi, có khi chúng ta có thể bắt gặp những từ ngữ này ở những nhóm chủ đề khác.
* Phương diện  nội dung
            Nội dung của những ca dao nó được truyền tải và thể hiện ngay trong chính tên chủ đề đã được đề cập đến trong Bảng tra cứu theo chủ đề của Kho tàng ca dao người Việt, không nằm ngoài sự phân loại đó khi đọc những bài ca dao viết về mối quan hệ bố mẹ vợ con rể chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận biết được bài ca dao đó được nằm trong mối quan hệ nào.
2. Phân loại những bài ca dao phản ánh mối quan hệ bố mẹ vợ con rể qua “Kho tàng ca dao người Việt”
2.1. Tiêu chí phân loại
            Như đã trình bày ở trên chúng tôi dựa vào hình thức ngôn ngữ và nội dung để xác định và khu biệt những bài ca dao phản ánh mối quan hệ bố mẹ vợ con rể. Đồng thời để hiểu một cách sâu sắc, cụ thể hơn về mối quan hệ này chúng tôi tiến hành phân tích các đơn vị ca dao theo mối quan hệ và cách ứng xử của từng cá nhân.
Nhóm những bài ca dao phản ánh mối quan hệ bố mẹ vợ con rể chúng tôi đã khảo sát và thống kê được 29 đơn vị ca dao. Chúng tôi tiến hành phân loại theo cách ứng xử trong mối quan hệ một chiều đó là cách ứng xử của bố mẹ vợ và con rể và ngược lại là cách ứng xử của chàng rể đối với bố mẹ vợ. Sau đó thống kê ra những đơn vị ca dao phản ánh mối quan hệ hai chiều tác động giữa bố mẹ vợ và chàng rể. Hướng phân loại các bài ca dao này chúng tôi cũng tiến hành thao tác sàng lọc những đơn vị ca dao mang những biểu hiện tích cực và những bài ca dao mang biểu hiện tiêu cực và phần còn lại sẽ phân loại vào nhóm mang những sắc thái khác.
2.2. Kết quả và nhận xét định lượng
            Dựa vào Bảng tra theo chủ đề của Kho tàng ca dao người Việt chúng tôi tập hợp được 29 đơn vị ca dao có nội dung phản ánh mối quan bố mẹ vợ con rể. Ở đây chúng tôi sử dụng phương pháp định lượng để phân loại 29 đơn vị ca dao với những biểu hiện cụ thể biệt và tổng kết số liệu thành:
Mối quan hệ giữa bố mẹ vợ với con rể Số lượng Tỷ lệ % Tích cực Tiêu cực
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
1. Cách ứng xử của bố mẹ vợ với con rể 15 51,7 4 26,7 11 73,3
2. Cách ứng xử của con rể với bố mẹ vợ 10 34,5 7 70,0 3 30,0
3. Quan hệ hai chiều 2 6,9 0 0 2 0
4. Sắc thái ý nghĩa khác 2 6,9 0 0 2 0
  29 100 11 37,9 18 62,1
 
Dựa vào bảng số liệu trên, chúng tôi thấy số bài ca dao mang những biểu hiện tiêu cực chiếm một tỷ lệ lớn hơn 18/29 chiếm 62,1%, còn những bài ca dao mang những biểu hiện tích cực là 11/29 chiếm 37,9%, nhiều hơn 24,2% và gấp đến 1,64 lần. Điều đó ta thấy được trong mối quan hệ này cũng tồn tại những mâu thuẫn nhất định.
Đi vào tìm hiểu sâu hơn vào mối quan hệ này ta thấy trong cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với con rể gồm có 15/29 bài ca dao chiếm 51,7% nhưng trong đó có 4/15 bài mang yểu tố tích cực chiếm 26,7% và 11/15 bài ca dao mang yếu tố tiêu cực chiếm 73,3%.
            Xét mối quan hệ trong chiều ngược lại ta thấy có 10/29 bài ca dao nói về thái độ, cách ứng xử của chàng rể với bố mẹ vợ chiếm 34,5%, nhưng có một điều đáng nói ở đây đó là có 7/10 bài ca dao chiếm 70%, nói về những biểu hiện tích cực của chàng rể đối với bố mẹ vợ nó thể hiện tình cảm với đạo làm con của chàng rể đối với bố mẹ vợ và những bài ca dao mang tính tích cực chỉ chiếm có 3/10 bài ca dao và chiếm 30%.
            Bên cạnh đó chúng tôi cũng khảo sát về mối quan hệ hai chiều giữa bố mẹ vợ và con rể song cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 2/29 bài ca dao và chiếm 6,9%. Phần còn lại là những bài ca dao mang những sắc thái ý nghĩa khác cũng chiếm một tỷ lệ nhỏ 2/29 bài ca dao và cũng chỉ chiếm 6,9%.
3. Giá trị nội dung của những bài ca dao phản ánh mối quan hệ bố mẹ vợ con rể
3.1. Tục ở rể
            Tục "Ở rể" cũng là một trong những tục lệ cưới xin của văn hóa dân gian Việt Nam. Để giải thích nguyên nhân có tục ở rể thì như Nguyễn Bách Khoa trong Kinh thi Việt Nam ở chương V khi nghiên cứu về Gia tộc phụ hệ đã dẫn giải theo công trình khảo cứu của ông Louis Finot (tài liệu lưu trữ trong Trường Viễn đông Bắc Cổ) thì xã hội Việt Nam xưa sống theo chế độ gia đình mẫu hệ. Và để giải thích cho tục "Ở rể" ông đã viện dẫn về chế độ mẫu hệ làm căn nguyên, làm nguồn gốc cho tục lệ này.
            Tục "Ở rể" là một phong tục có ở nhiều vùng quê Việt Nam, người con trai phải đến sống ở nhà bố mẹ vợ một thời gian ngắn và việc cưới xin sẽ còn tuỳ thuộc vào thái độ của bố mẹ vợ. Việc chàng rể đến nhà bố mẹ vợ tương lai và thái độ, cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với chàng rể có hai xu hướng chính:
            Trước hết, đối với những gia đình nhà gái giàu có, có của ăn của để mà không có con trai nên tìm một chàng rể nghèo về làm rể nhà mình. Những chàng rể nghèo sống trong tình cảnh phải chịu nhiều khổ sở, nhiều lời ra tiếng vào trong thiên hạ "Giai ở nhà vợ như chó chui gầm chạn". Thân làm rể - đến sống ở nhà vợ, phải sống dựa vào nhà vợ, nên phải có trách nhiệm làm việc như những người tôi ở. Nhà gái làm vậy cũng có thể là để dò xét ý tứ làm ăn, thái độ của chàng rể như thế nào rồi mới cho cưới. Nhưng những trường hợp như vậy thường là có ý lợi dụng sức lao động của chàng rể, cũng chính bởi vậy mà chúng ta thường thấy những lời than vãn, trách than của chàng rể:
               C1781:               Công anh làm rể ba năm
                                    Ăn những cơm hớt với hàm cá trê
                                           Ba năm anh trở ra về,
                                    Cơm hớt phần chó, hàm trê phần mèo.
                                                                                     NASL I 43a NASL IV 49b
Nhưng cũng không ít những chàng rể sau một thời gian "ăn kham, uống khổ" bị vắt kiệt sức lao động vất vả là thế, nhưng lại bị cha mẹ vợ không chịu gả con gái cho.
Hay cũng có những trường hợp ngược lại, có những chàng trai mang tiếng là đi ở rể nhưng không phải làm gì cả chỉ phải chuyên tâm vào chuyện đèn sách. Với những gia đình nhà vợ như này họ thường có tâm lý: "Nhiều người kén rể nghèo để nuôi cho thành đạt, như vậy sau này con gái mình sẽ được hưởng tất cả sự thành đạt của chàng rể" [1,183]. Theo như trong cuốn Đất lề quê thói Nhất Thanh đã nói về những chàng rể này là: trong trường hợp này thì chàng trai phải đến nhà gái để đi học, đi thi bố vợ ở đây có thể là người thầy trực tiếp dạy học cho chàng rể hoặc là người nuôi thầy dạy cho chàng rể đi học. Những chàng rể học trong khoảng thời gian bốn hoặc năm năm khi nào đỗ đạt mới được cưới vợ. Theo ông thì ở rể như vậy là không bị mất đi nhân vị, địa vị của chàng rể mà còn được cái danh, được tiếng thơm.
            Qua tục ở rể hay còn gọi là gửi rể ta lại thấy được nét đặc sắc trong tục cưới xin của người Việt. Nó làm phong phú cho tâm hồn Việt, tinh thần Việt.
3.2. Cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với chàng rể
a) Các biểu hiện tích cực
            Tìm hiểu cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với chàng rể theo những biểu hiện tích cực, đó là những tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng của người cha, người mẹ dành cho những người con.
            Không chỉ dừng lại ở những cử chỉ mang tính chất xã giao ban đầu khi bố mẹ vợ kén rể, với biểu hiện mang tính tích cực chúng tôi nhận thấy đó là tình cảm của bố mẹ vợ dành cho con rể như tình cảm của cha mẹ dành cho những đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, coi con rể như con trai trong gia đình:
                        Đ428 :       Đêm nằm nước mắt láng lai
                                    Mẹ thương con rể hơn trai trong nhà.
                                                                                         CDTCM 180
            Tác giả dân gian đã đặt tình cảm của người mẹ vợ dành cho chàng rể được đặt trong thế đối sánh với tình cảm đối với người con do chính mình sinh ra qua lời người mẹ. Câu ca dao như một lời trách giận nhẹ nhàng của người mẹ nhằm nhấn mạnh tình cảm của mình đối với chàng rể:
                        C1568:           Con mẹ có thương mẹ đâu                        
                                    Để cho chàng rể, nàng dâu thương cùng.
                                                                        ANPT 18a ĐNQT 82a HHĐN 95 HT 214
                                                  LHCD 7a NNPD 43 TNPD I 65 VNP1 I 145 VNP7 307
            Hay cũng có những câu ca dao thông qua lời của người con gái mà chúng ta thấy được tình cảm của bố mẹ vợ đối với người con rể đó là sự quan tâm đến cuộc sống của chàng rể. Nó thể hiện được sự tâm lý, sự quan tâm của gia đình nhà vợ mà cụ thể là của bố mẹ vợ dành cho con rể:
                        N670:                         Nhà ta ba bốn chị em
                                    Mẹ ta còn thèm một chút rể xa
                                                Ta về ta bảo mẹ ta
                                    Rể gần cho ruộng, rể xa cho tiền.
                                                                            TCBD I 218 TNPD II 133
            Với những gì những đã phân tích ở trên chúng tôi thấy được những tình cảm tốt đẹp mà bố mẹ vợ dành cho người con rể đó là tình thương, sự cảm thông, sự quan tâm của bố mẹ vợ dành cho người con rể, coi người con rể như con trai trong nhà.
b)Các biểu hiện tiêu cực và nỗi khổ của chàng rể khi ở nhà vợ
            Bên cạnh những biểu hiện mang tính tích cực trong cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với chàng rể thì chúng ta thấy trong thực tế cũng không ít những chàng rể đã rơi vào những hoàn cảnh éo le, có những câu ca dao là sự biểu hiện một cách trực diện cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với người con rể:
                        M741:              Muốn lấy con tao
                                           Bắc cầu qua bể
                                           Làm rể cho lâu
                                           Nuôi lợn mười năm
                                           Chăn tằm mỏi gối
                                           Nhà ngói năm gian       
                                           Bức bàn cho rộng
                                           Ông Cống, ông Nghè
                                           Dù che ngựa cưỡi...
                                                                         CDTCM 206 – 207
            Ở đây, bố mẹ vợ đòi hỏi, yêu cầu cao, gay gắt, xen lẫn một chút chua ngoa đối với chàng rể tương lai. Đồng thời, tác giả dân gian đã viện dẫn một loạt những việc mà người con trai sẽ phải làm khi về làm rể. Ta thấy yêu cầu của bố mẹ vợ đó là sự đòi hỏi một người rể "nhân vô thập toàn" điều đó quả là khó, bởi trên đời đâu mấy người được như vậy.
            Cách ứng xử của bố mẹ vợ còn được thể hiện qua sự phân biệt, sự đối xử không công bằng giữa đối với người con rể. Đồng thời bộc lộ tâm sự của chàng rể sống trong gia đình nhà vợ, đó là nỗi niềm băn khoăn về vị trí của mình trong gia đình nhà vợ  đặc biệt là trong việc thờ cúng hương hoả tổ tiên, điều đó khiến cho chàng rể cảm thấy chạnh lòng xót xa cho thân phận làm rể của mình:
                        N752:             Nhất ngon là mía Lan Điền                       
                                    Dâu ngoan ngồi đấy, rể hiền ngồi đâu.                           
QHBN 175
            Hay là: P86:          Phụ mẫu em không có con trai
Kiếm nơi rể thảo một mai phượng thờ
- Không con trai thời có cháu trai
Phải anh là rể đứng ngoài ngó vô.
                                                                          HHĐN 191 TCBD I 219
            Để phản ánh một cách toàn vẹn hơn về cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với chàng rể thì các tác giả dân gian xưa đã thông qua lời than thở của chàng rể với những công việc lao động nặng nhọc khi ở rể nhà vợ:
                        T1930. (a) Trời mưa cho ướt lá khoai
                                    Công anh làm rể đã hai năm ròng
                                                Nhà em lắm ruộng ngoài đồng
                                    Bắt anh tát nước, cực lòng anh thay
                                                Tháng chín mưa bụi gió bay
                                    Cất lấy gàu nước hai tay rụng rời.
                                                TCDG 73 TNPD II 180 – 181 VNP1 II 21 VNP7 333
                                       (b) Nhà em có ruộng giữa đồng
                                    Bắt anh tát nước cực lòng anh thay
                                                Gặp cơn mưa bụi gió to
                                    Tay tát gàu nước, hai tay lạy trời.
                                                                        THQP 18
Hình ảnh chàng rể được hiện lên trong cảnh lao động với công việc tát nước nặng nhọc và đòi hỏi cần nhiều sức lao động. Và chàng rể trong bài ca dao đã phải cất tiếng thở than cho sự tình ở rể của mình với một khối lượng công việc lớn và nặng nhọc hàng ngày. Làm việc vất vả là vậy nhưng chàng rể đã phải chịu sự bạc đãi của bố mẹ vợ:
                        C1785:      Công anh làm rể đã lâu
                                    Chỉ ăn cơm hớt với đầu cá rô
                                           Bao giờ anh lấy được cô
                                    Cơm hớt phần chó, đầu rô phần mèo.
                                                                                     HT 190
            Hay: C1784:  Công anh làm rể Chương Đài
                                    Ăn hết mười một, mười hai vại cà                          
                                           Giếng đâu thì dắt anh ra                                             
                                    Chẳng thì anh chết với cà đêm nay.                                 
                                                                           NGCK 98b
Hoặc là: C1783:    Công anh làm rể ba năm
                                    Chiếu chẳng được nằm, đất lại cắm chông.
                                                                           CDTCM 180
            Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi khổ của những chàng trai khi đến ở rể tại nhà vợ. Cũng từ những lời thở than, oán trách đó ta có thể nhận thấy được cách ứng xử của bố mẹ vợ đối với họ. Họ đã phải sống một cuộc sống bị tận dụng sức lao động một cách triệt để như người giúp việc và đổi lại là sự bạc đãi của gia đình nhà vợ. Hình ảnh bố mẹ vợ được hiện lên trong sự đau khổ về cả mặt vật chất cũng như tinh thần của chàng rể.
3.3. Cách ứng xử của chàng rể đối với bố mẹ vợ
a) Những biểu hiện của đạo làm con (biểu hiện tích cực)
Người con rể trong mối quan hệ bố mẹ vợ con rể cũng là những người con trong gia đình nhà vợ, đã là con cái trong gia đình thì phải có những bổn phận và trách nhiệm làm tròn chữ "hiếu" đối với cha mẹ. Tác giả dân gian đã cho chúng ta biết đến những tình cảm cũng không kém phần xúc động, thiêng liêng của những người con rể dành cho bố mẹ vợ:
                        A446: Anh ở sao mà rể gọi là con
                                    Thì bia vàng khắc chữ sơn son để đời!
                                                                                    DCBTT 197
Hay trong câu: 
P84:    Phụ mẫu bên anh cũng như phụ mẫu bên nàng
Lẽ thường anh cũng phải tạc đá bia vàng để thờ chung.
                                                                                     DCBTT 197
  Hình ảnh người con rể được hiện lên đã làm tròn nghĩa vụ của một người con đối với cha mẹ, bố mẹ vợ cảm động và coi như là con trai trong gia đình, coi cha mẹ bên vợ như cha mẹ đã sinh thành ra mình, bởi vậy việc "tạc đá bia vàng thờ chung" là một lẽ đương nhiên. Chàng rể ở đây đã cố gắng, chuyên tâm vào gánh vác những công việc của nhà vợ, chăm sóc bố mẹ vợ như những người con trai thực thụ trong gia đình với sự chân thành của một người con đã làm cảm động được bố mẹ vợ và để lại tiếng thơm cho đời.
Sự hiếu thảo, chân thành càng được thể hiện bằng những hành động thiết thực của chàng rể đối với bố mẹ vợ. Bằng những sản phẩm quen thuộc, gần gũi đặc trưng cho nông thôn, đã thể hiến sự hiếu thảo của chàng rể qua những món quà vô cùng giản dị để cảm ơn công ơn sinh thành cũng như dưỡng dục để ngày hôm nay anh có được một người vợ như ý muốn:
                        T72:                Tay anh bưng quả nếp
                                                Tay anh xách con gà
                                                Công thầy nghĩa mẹ sinh ra
                                    Phận anh đây là rể gọi chút là trả ơn.
                                                DCBTT 196 - 197
Ngoài ra, những tình cảm, những hành động của chàng rể còn được gửi gắm thông qua lời của bố mẹ vợ đặt niềm tin những ước mong, hy vọng vào sự hiếu kính của chàng rể, cho dù cuộc sống vợ chồng có không được thuận buồm xuôi gió, nhưng những người làm bố, làm mẹ vợ luôn mong người con rể vẫn yêu thương, quan tâm đến họ, đừng vì vợ hư mà từ cha mẹ.
                        B496:        Bình phong cẩn ốc xà cừ
                                     Vợ hư để vợ, đừng từ mẹ cha.
                                                                                     HHĐN 267
            Nếu ở trên chúng ta thấy được tình cảm của bố mẹ vợ dành cho người con rể với những biểu hiện là coi như con, thương như con trai trong gia đình thì ở đây để đáp lại những công ơn của cha mẹ vợ đó là sự hiếu thảo, chăm sóc cho cha mẹ vợ như với chính cha mẹ đẻ của mình cùng với đó là thái độ kính cẩn, tôn trọng bố mẹ vợ của chàng rể.
b) Thái độ của chàng rể trước nỗi khổ khi ở nhà vợ
            Sống lâu ngày trong nỗi khổ của chàng rể khi ở gia đình nhà vợ, ta sẽ thấy được thái độ của chàng rể đối với bố mẹ vợ, đó có thể là thái độ mỉa mai, châm biếm từ phía người con rể:
                        T1507:     Trăng khuyết rồi trăng lại buồn
                                    Mụ già kén rể con còn hóa lâu.                            
                                                                                    TCBD I  418, 626 TNPD I 308
            Ở đây nói về sự ứng xử không khéo léo và tế nhị của người mẹ vợ. Đó chính là nguyên nhân để khiến con gái mẹ sẽ còn phải ở cô đơn lẻ bóng trong một thời gian dài. Hay cũng có những câu ca dao khi đọc lên chúng ta cũng thấy được thái độ có vẻ coi thường người mẹ vợ với những thật gì có vẻ khác với lẽ thường và cũng đầy ẩn ý:
                        C1337:           Có khi cháu ăn cưới bà
                                    Chàng rể ăn cưới mụ gia có ngày.
                                                                                     CDTD 82
            Cũng có khi thái độ của chàng rể được thể hiện một cách trực diện hướng vào bố mẹ vợ:
                        C1836:             Công tôi làm rể Chương Đài
                                           Con bà gả bán cho ai đã rồi
                                           Bà liệu công tôi
                                           Không bằng tôi liệu
                                           Mấy lời nói khéo
                                           Tôi để ngoài sân
                                           Bà chê tôi đần
                                           Gả cho chú hắn
                                           Chú hắn cậy rằng
                                           Mười phân có tài
                                           Giàu thì mặc ngài
                                           Đói tôi không sợ...        
                                                                           PCTH 283 - 284
            Lời ca dao như một sự phản ánh một cách quyết liệt từ phía người con rể đối với gia đình bố mẹ vợ mà đối tượng mà chàng rể hướng đến trách móc đó chính là người mẹ vợ. Đó là sự lật lọng, không giữ lời của người mẹ vợ. Chàng rể "hờ" đã đến làm công cho gia đình cô gái nhưng người mẹ vợ tham giàu sang, quyền quý đã gả con gái cho người người khác mà phụ lòng chàng rể. Chàng rể "hờ" đã cứng rắn, cương quyết phản ứng một cách mãnh liệt bằng cách nộp đơn kiện lên quan để đòi vợ và thể hiện một thái độ coi khinh sự giàu sang.
            Nói về thái độ của chàng rể đối với bố mẹ vợ tuy những bài ca dao đề cập về cách ứng xử này không nhiều nhưng cũng đã làm nổi bật được thái độ phản kháng quyết liệt, không nể sợ đối với những việc làm sai trái không hợp tình, hợp lý của bố mẹ vợ và kèm theo có đó là sự châm biếm, giễu cợt cũng rất sâu sắc.
3.4. Mối quan hệ hai chiều giữa bố mẹ vợ và con rể
            Khi tìm hiểu về mối quan hệ hai chiều giữa bố mẹ vợ và con rể dựa theo sự khảo sát trên văn bản chúng tôi đã thống kê thì mối quan hệ hai chiều giữa cách ứng xử của bố mẹ vợ với con rể và ngược lại là cách ứng xử của chàng rể đối với bố mẹ vợ chỉ được thể hiện qua cái nhìn tiêu cực của dưới con mắt của những người bình dân:
                        C1786:      Công anh làm rể đánh tranh
                                    Con mẹ, mẹ gả khoá sanh đã rồi
                                           Con mẹ, mẹ gả thời thôi
                                    Tôi đánh tranh rồi, tôi tháo tranh ra
                                           -Tao đố mày dám tháo tranh ra
                                    Cơm ngày ba bữa với ba mươi đồng tiền thuê
                                           -Mẹ ơi! Mẹ đừng nói thuê
                                    Ba mươi đời chàng rể có nói tiền thuê bao giờ.
                                                                                     DCNTB II 37
            Bài ca dao là sự đối đáp qua lại giữa bố mẹ vợ và chàng rể. Trước hết trong cách ứng xử của chàng rể đối với bố mẹ vợ, người con trai vào làm rể trong gia đình nhà vợ với nghề đánh tranh, người con rể ở đây đã có những cách ứng xử rất rõ ràng phản ứng lại bố mẹ vợ khi người mẹ vợ đã bội ước, đó là một thái độ như muốn xoá bỏ tất cả những thành quả mà mình đã làm được từ trước đến giờ trong nhà vợ bằng hành động "tháo tranh", hành động tháo tranh chỉ là cái cớ mà tác giả dân gian nói đến để thấy được sự dứt khoát, thái độ phản kháng của chàng rể. Cùng với hành động đó là sự khẳng định của chàng rể về sự lật lọng, giả dối và tham lam của người mẹ vợ "Ba mươi đời chàng rể có nói tiền thuê bao giờ". Ngược lại trong cách ứng xử của mẹ vợ đối với con rể thì ta thấy hiện lên là một bà mẹ vợ đầy chua ngoa, đanh đá, dùng những lời lẽ bốp chát để đối đáp lại chàng rể "Cơm ngày ba bữa với ba mươi đồng tiền thuê". Ngoài ra, người mẹ vợ còn hiện lên là một bà mẹ mang đầy những giả tạo, tính toán, suy tính trong người. Bài ca dao thể hiện mối quan hệ hai chiều đầy căng thẳng và thể hiện những mâu thuẫn trong mối quan hệ bố mẹ vợ con rể.
            Bên cạnh những câu ca dao thể hiện mối quan hệ căng thẳng và đầy xung đột giữa bố mẹ vợ và con rể cũng có những bài ca dao mang những nét hóm hỉnh, bông đùa:
                        C467 :              Chàng rể mà đến mụ gia
                                    Đánh một cái « ủm » chết ba con mèo                             
                                                  Mụ gia cắp nón chạy theo
                                    Vợ chồng nhà đỏ đền mèo cho tao.                                   
                                                                                     DCTH 82
            Bài ca dao là hình ảnh chàng rể đến nhà bố mẹ vợ tương lai chơi. Chàng rể đã xuất hiện cùng với một hành động gây hài cho bài ca dao, đó là đánh «ủm» cùng với đó cái cái chết của ba con mèo. Các tác giả dân gian đã đặt người mẹ vợ và con rể tương lai vào một bối cảnh cụ thể để thấy được cách ứng xử của chàng rể đối với bố mẹ vợ đó dường như là một thái độ không được tôn kính và ngược lại cách ứng xử của mẹ vợ đối với con rể cũng không mấy thân thiện, gần gũi.
 
4. Kết luận:
            Nhìn chung, khi tìm hiểu bộ phận những bài ca dao viết về mối quan hệ bố mẹ vợ con rể chúng ta thấy phần nhiều đó là những bài ca dao phản ánh mối quan hệ của mẹ vợ và con rể, hình ảnh của người cha vợ trong bộ phận ca dao này còn mờ nhạt. Ở đây chúng ta cũng thấy được sự phong phú, đặc sắc của các cung bậc cảm xúc. Khi nhìn nhận về mối quan hệ bố mẹ vợ con rể, thì người bình dân thường có quan niệm người con rể là khách nên chúng ta thấy  mối quan hệ này cũng ít căng thẳng hơn mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, nhưng tình cảm biểu hiện trong mối quan hệ này cũng không mấy mặn nồng, mà có khi còn thể hiện sự khách sáo.
Tài liệu tham khảo:
  1. Toan Ánh (1992), Nếp cũ con người Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Đỗ Thị Bảy (1999), Sự phản ánh quan hệ gia đình xã hội trong tục ngữ ca dao người Việt, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), Hà Nội.
  3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, .
  4. Lan Hương (Tuyển chọn) (2008), Ca dao Việt Nam về tình cảm gia đình, NXB Thanh niên, Hà Nội.
  5. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2005), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  6. Vũ Ngọc Khánh (1998), Văn hoá gia đình Việt Nam, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
  7. Nguyễn Bách Khoa - Trương Tửu (2000), Kinh thi Việt Nam, NXB Thông tin, Hà Nội.
  8. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2001), Kho tàng ca dao người Việt tập 1, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
  9. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2001), Kho tàng ca dao người Việt tập 2, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
  10. Phạm Việt Long (2002), Tục ngữ, ca dao và việc phản ánh phong tục tập quán của người Việt  (trong quan hệ gia đình), Luận án tiến sĩ Ngữ Văn, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), Hà Nội.
  11. Nhất Thành (Vũ Văn Khiếu) (2001), Đất lề quê thói (Phong tục Việt Nam), NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
  12. Lê Trung Vũ (1999), Nghi lễ vòng đời người, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

Tác giả bài viết: Triệu Minh Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/25-12-2024_99e0c4f0fce55a4c62d70533e6ef7c45.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)