Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

“Thư gửi mẹ” của Êxênin tiếp cận từ lý thuyết ẩn dụ tri nhận

Thứ ba - 06/12/2016 23:55
       Ẩn dụ tri nhận là một trong các bộ phận quan trọng của lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận, một lý thuyết thuộc loại hiện đại nhất của nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay. Theo lý thuyết này, ẩn dụ không chỉ được hiểu đơn thuần là loại cấu trúc “so sánh gồm có một vế” hay là “so sánh ngầm”... mà còn được hiểu như một cách thức tri nhận thế giới thông qua cách biểu đạt của tư duy lôgic được định hình trong ý thức của mỗi cộng đồng ngôn ngữ nhất định. “Ẩn dụ tri nhận (hay còn gọi là ẩn dụ ý niệm) - đó là một trong những hình thức ý niệm hóa, một quá trình tri nhận có chức năng biểu hiện và hình thành những ý niệm mới và không có nó thì không thể tri nhận được tri thức mới" [1;293]. Như vậy, ẩn dụ tri nhận là con đường ý niệm hóa về sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan thông qua các từ, ngữ đã có liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa dân tộc. Có thể mô thức hóa thành các mô hình cấu trúc ý niệm, lược đồ con đường tri nhận như sau:


       Nói tới thơ ca, người ta không thể không nói tới phương thức ẩn dụ. Bởi vì, hơn bất cứ thể loại văn học nào khác, thơ ca là một thể loại văn học có hình thức ngôn ngữ đặc biệt. Ngôn ngữ thơ với số lượng hữu hạn các đơn vị từ ngữ vẫn phải phản ánh mọi cung bậc đa dạng của tư tưởng, tình cảm và sự phong phú nhiều mặt của các hoạt động trong đời sống con người. Để có thể hiện thực hoá khả năng này, mỗi nhà thơ luôn phải tìm tòi những con đường riêng để khai thác triệt để tính đa trị của ngôn ngữ. Một trong những con đường ấy chính là phương thức ẩn dụ. Ẩn dụ đem đến cho thơ ca những cái mới trong cảm nhận thế giới và mở ra cho con người những khả năng tìm tòi, khám phá về các mối liên hệ, quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Thông qua ẩn dụ, người ta có thể nhận ra phong cách cá nhân của mỗi nhà thơ cùng những sáng tạo nghệ thuật được xây dựng từ một cái nền riêng của thơ ca mỗi dân tộc. Chính vì vậy, có ý kiến khẳng định: “ẩn dụ, từ cội nguồn đã có tác dụng nhận thức luận, vào thơ, nó giúp cho người ta nhận thức sự vật một cách thẩm mỹ, góc độ hình tượng - cảm xúc qua một từ mới lại được nhà thơ sáng tạo theo tinh thần của một thi pháp”.
Với sự trân trọng tài năng Êxênin, lòng say mê và một sự lựa chọn của riêng mình, bài viết hy vọng sẽ góp thêm tiếng nói cho việc nghiên cứu và giảng dạy bài “Thư gửi mẹ” (trong nhà trường phổ thông), để tìm hiểu giá trị đẹp đẽ, bất tử của thơ Êxênin.
       Khi tiến hành khảo sát ngôn ngữ bài thơ (bản dịch thơ trong Sách giáo khoa), chúng tôi đã chú ý và thống kê 08 từ ngữ (tương đương với 06 hình ảnh và 02 màu sắc) đáng quan tâm. Cụ thể như sau:
Stt Từ ngữ Tần số xuất hiện Tỉ lệ (%) Ghi chú
1 Mẹ 15 49.4  
2 Con 13 36.1  
3 Mái nhà 2 3.3  
4 Vườn 1 2.8  
5 Áo choàng 2 3.3  
6 Quán rượu 1 2.8  
7 Xanh ngắt 1 2.8  
8 Trắng 1 2.8  
 
       Căn cứ vào số liệu, chúng ta có thể thấy đối tượng phát gắn với nhân vật trữ tình là “con” và đối tượng nhận là “mẹ”. Và điều muốn nói nhiều hơn cả là tình cảm của “con” dành cho “mẹ”. Dưới đây, bài viết xin phân tích những hình ảnh đã nói ở trên, để tìm ra sự chuyển di ý nghĩa trong quá trình phát triển nhận thức của nhà thơ. Từ đó gắn với mạch cảm xúc nhằm làm rõ vẻ đẹp bài thơ cũng như phong cách thơ bình dị, trữ tình của Êxênin.
       - Cặp hình ảnh “mẹ” và “con”: từ khái niệm “mẹ” với các nét nghĩa chỉ người phụ nữ có con, xét trong quan hệ với con cái; là người gần gũi, gắn bó che chở cho con cái hơn cả; là người mà đứa con hay nghĩ về đầu tiên, trước nhất… đã xuất hiện hiện tượng chuyển di ý niệm gợi nên chốn bình yên của con người là ngôi nhà, nơi con người được sinh ra và lớn lên là quê hương, gợi nên những tình cảm yêu thương, dịu dàng, ấp áp của tâm hồn mỗi con người. Cũng như thế, từ khái niệm “con” với các nét nghĩa người thuộc thế hệ sau, xét trong quan hệ với bố mẹ của chúng; sự nhỏ bé cần được bảo vệ, chở che… đã gợi liên tưởng đến sự hữu hạn cũng nhu cầu cần có tình thương, sự chở che của con người. Cao hơn cả, chính là tình mẫu tử thiêng liêng. 
       - Cặp hình ảnh “mái nhà” và “vườn”: từ khái niệm “nhà” với các nét nghĩa chỉ công trình xây dựng có mái, tường bao quanh, cửa ra vào; là chỗ ở và sinh hoạt của một gia đình; đặc biệt gắn bó với con người… tương tự, từ khái niệm “vườn” với các nét nghĩa là khu đất quanh nhà dùng để trồng cây… đã gợi đưa đến ý niệm về gia đình, về những người ruột thịt, rộng hơn là quê hương, là Tổ quốc. Điều này gắn liền với truyền thống văn hoá của dân tộc Nga la tư, ngôi nhà gỗ Izơba luôn ở vị trí trung tâm của bức hoạ đồng quê, nó nổi bật giữa vườn tược, cánh đồng với dòng sông… ngôi nhà thực sự là biểu tượng về vẻ đẹp vĩnh hằng của thôn quê Nga. Vì thế, hình ảnh “mái nhà” chuyển di mạnh hơn hình ảnh “vườn” vào thơ Êxênin với biết bao ý nghĩa. Ngôi nhà, mái nhà là gia đình, là những người ruột thịt mà thi sĩ luôn thương yêu, gắn bó khi mỗi lần nghĩ về nó. Ở đây, mái nhà chính là mẹ, là niềm thương, là tình yêu khôn nguôi, là điểm dừng trong tâm hồn nhà thơ. Mái nhà trên một bình diệm nào đó, cũng là Tổ quốc, là quê hương của kẻ tha hương (phù hợp với hoàn cảnh sáng tác bài thơ).
       - Hình ảnh “quán rượu”: từ khái niệm “quán rượu” với các nét nghĩa nhà nhỏ để bán rượu; gắn liền với không gian đô thị… đã xuất hiện hiện tượng chuyển di ý niệm về một cuộc sống xô bồ, bế tắc, thậm chí là đổ vỡ. So với các nước phương Đông, ở các nước phương Tây tốc độ phát triển về mọi mặt là rất nhanh, nếu như không muốn nói là “chóng mặt”. Cho nên văn hoá đô thị len lỏi, thâm nhập cực mạnh vào lối sống của con người. Những quán rượu nhỏ ra đời và phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội chính là một hệ quả trong vô vàn những hệ quả thuộc về cái gọi là văn hoá đô thị này. Nếu hình ảnh “mái nhà” gắn liền với làng quê, với cõi yên bình thì hình ảnh “quán rượu” lại tiêu biểu cho không gian đô thị bế tắc, chật hẹp. Như thế, vô hình chung “quán rượu” đã trở thành trung tâm của không gian đô thị, trở thành biểu tượng của cuộc sống xô bồ, bất an, đầy lẫm lỗi. Nó gắn liền với sự đổ vỡ trong thế giới tinh thần, phản ánh quãng thời gian đầy bi kịch và giông bão của nhà thơ. “Xây dựng hình ảnh quán rượu và cái tôi ngông cuồng phá phách trong thơ mình chính là lời tự thú đau đớn nhất nhưng cũng đầy dũng cảm và chân thành nhất của Êxênin” [5;98].
       - Hình ảnh “áo choàng”: từ khái niệm “áo choàng” với các nét nghĩa đồ mặc che thân; khoác bên ngoài cho ấm… có nét tương đồng với ý niệm sự quen thuộc, gần gũi, nét bình dị “lặn” sâu trong tâm hồn con người. Và chứa đựng tình cảm thương yêu khôn cùng! Có lẽ cứ nhìn thấy tấm áo choàng ấy, người dân Nga nào cũng nhận ra một phụ nữ nông dân nghèo. Bởi người ta nhận ra chiếc áo Sarafan - chiếc áo mang chở nét văn hoá cổ của người nông dân Nga. Trong bài thơ, hình ảnh “áo choàng” đâu chỉ đứng một mình, theo sau nó là những tính ngữ “xưa”, “cũ nát”… cho thấy người “mẹ đã già lại nghèo”! [4;179]. Thế mới thấy nỗi buồn của nhà thơ, buồn vì cuộc sống nghèo khổ, cơ cực vẫn còn đó - nơi quê hương mình.
       - Màu “trắng”: từ khái niệm “trắng” với các nét nghĩa thuộc gam màu lạnh; có tính tác động mạnh vào thị giác nên dễ gợi cảm giác… đã chuyển di và thích hợp để nói tới cái u sầu, buồn, cái bàng bạc của con người, cái lưng chừng của thiên nhiên, cái mong manh của đồng quê. Và ít nhiều cũng là cái thanh khiết, sự biến đổi trong tâm hồn con người. Màu trắng xuất phát từ đâu? Đó chính là màu văn hoá của vùng quê Riazan. Sắc trắng ngời của thiên nga, trắng mịn của thân bạch dương, trắng xoá của vườn cây, trắng mù của sương khói và đặc biệt là sắc trắng mênh mông của tuyết mùa đông: “Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc”.    
       - Màu “xanh ngắt”: từ khái niệm “xanh ngắt” với các nét nghĩa thuộc gam màu lạnh; có màu như màu của lá cây, nước biển; sắc đậm trên một diện rộng… gợi liên tưởng đến ý niệm về nỗi buồn, sự lo lắng, mất mát. Màu xanh có màu của cây phong, cánh đồng, mây trời và hồ nước… Như vậy, màu của đất - màu của nước - màu của bầu trời đã hợp thành màu của cuộc sống. Trong bài thơ, sắc xanh đã lồng vào cùng lúc hai tâm trạng của Êxênin và của người mẹ: đó là buồn thương, lo lắng, với sự mất mát và tiếc nuối: “Trong bóng tối chiều hôm xanh ngắt”.
       Khép lại bài thơ với sự lặp lại của hình ảnh “đi đi lại lại trên đường, khoác tấm áo choàng xưa cũ nát” đã khảm vào tâm trí người đọc hình ảnh một người mẹ nông dân Nga vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng tình cảm, lòng thương yêu lại mênh mông, bao la khôn cùng. Ở đầu bức thư, hình ảnh này là câu miêu tả nhưng lại hàm chứa yếu tố nghi vấn. Còn cuối thư, nó xuất hiện với câu cầu khiến đã thể hiện sự kính yêu, chân thành. Nếu PGS.TS. Hà Thị Hoà cho rằng: “Khổ thơ cuối láy lại ý thơ ban đầu, nhưng lại được thể hiện dưới hình thức lời cầu mong, tạo nên một kết cấu vòng tròn đặc sắc rất gần gũi với thơ ca dân gian, đồng thời phù hợp với hình thức của một bức thư… Kết thúc như thế nghĩa là không có kết thúc…” [4;181].  Thì chúng tôi cho rằng: đó là kết cấu “hình xoắn ốc” chắc cũng chẳng sai! Bởi sự lặp lại đâu có nguyên xi, giống hệt. Ở đây, nó đã thuộc về một “vòng xoắn” cao hơn. Mở đầu là miêu tả nhưng có nghi vấn, cuối cùng là khẳng định và cầu mong. Rõ ràng đã khác! và cái khác ấy được tạo nên bởi ẩn dụ tri nhận trong kết cấu bài thơ. “Thư gửi mẹ” là một bức thư theo đúng nghĩa của nó. Nhưng sau bức thư ấy là gì? Êxênin đâu chỉ cho người đọc thấy câu chuyện, thấy tâm trạng của bản thân cũng như của người mẹ. Điều ông muốn đem đến chính là tượng đài của một bà mẹ nông dân Nga “nghèo mà lại giàu”… được tạc nên bởi tình mẫu tử thiêng liêng.
       Nếu trước đây ngôn ngữ học truyền thống quan niệm rằng ngôn ngữ mở cánh cửa đi vào thế giới khách quan quanh ta thì nay, với sự xuất hiện và phát triển của ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ giờ được coi là cánh cửa bước vào thế giới tinh thần cũng như trí tuệ của con người cũng như là phương tiện nhằm khám phá ra những bí mật của quá trình tư duy mà trước đây bị coi là không thể thấu đạt được của con người.
       Bài viết này chỉ dừng lại trình bày ẩn dụ tri nhận trên hai phương diện ngôn ngữ và kết cấu của bài thơ. Vì đây mới chỉ là kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá bước đầu, trong phạm vi hẹp và cũng “xin thêm những điểm nhìn”...

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn Cơ - Ngôn ngữ học tri nhận, Nxb Khoa học xã hội. H, 2007.
2. Nguyễn Hải Hà, Hà Thị Hoà, Đỗ Hải Phong - Giáo trình Văn học Nga - Nxb SP. H, 2009.
3. Lưu Thị Thu Hà - Cảm thức mất mát trong thơ Êxênin, BCKH 1163, ĐHSPHN 2007.
4. Hà Thị Hoà - Văn học Nga trong nhà trường - Nxb GD. H, 2009.
5. Nguyễn Hồng Lương - Tính tự thú trong thơ Êxênhin (từ 1917 - 1925) LV 638, ĐHSPHN, 2006.
6. Vũ Thị Thu - Nỗi buồn trong thơ Êxênin - KLTN 500, ĐHSPHN, 2000.
7. Nhiều tác giả - Lịch sử văn học Nga - Nxb GD. H, 2003.

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/03-12-2024_9f49939d4d234a971b2d595ba72517b2.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)