Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Truyện cổ tích thần kì Chăm mang chở những giấc mơ đẹp của nhân dân Chăm

Thứ hai - 03/04/2017 00:24
Không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích thần kì (TCTTK) Chăm không chỉ là tấm gương phản ánh trung thành hiện thực cuộc sống mà còn như một tiếng nói thân cận với tâm hồn Chăm, như người bạn đường hoàn toàn tin cậy để biểu lộ ước mơ của họ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà M.Gorki đưa nhận định rằng: “Sức tưởng tượng của người cổ xưa là sự thể hiện những ước mơ của họ, của những điều mà họ tin và có thể tới được...”. Đó là những ước nguyện và khát vọng chính đáng của con người trước cuộc sống lúc nào cũng đòi hỏi vươn tới sự hoàn thiện. TCTTK Chăm nói riêng là nơi người Chăm gửi gắm những ước mơ bình dị, gần gũi mà cao quý: có được một đời sống vật chất phong phú, có được sự dễ dàng và khát vọng hạnh phúc trong tình yêu, trong hôn nhân hay khắc phục được thiên nhiên và diệt trừ cái ác, hoặc có được sự công bằng... Qua đó, chúng tôi hiểu rõ hơn TCTTK Chăm chính là những lời kể, lời nói gợi ra trong trí tưởng tượng của nhân dân và KGCĐ là khung khổ bao chứa hàng loạt những hình ảnh sinh động mà nhân dân Chăm dùng để thể hiện những ý nghĩ của mình.
            Ước mơ có được một đời sống vật chất phong phú được bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động vất vả của người Chăm trên mảnh đất miền Trung khô cằn, đầy nắng đầy cát. Ước mơ được gửi gắm qua rất nhiều truyện và nhẹ nhàng như “cánh bướm đậu trên hoa”. “Cậu Xoài” bẻ đũa rồi niệm thần chú, những cây vụn biến thành những con gà chạy đầy sân, cây vừa biến thành những con dê, cây dài biến thành những con bò đầy sân. Chàng lười (Bong Lah) lại khác, chỉ do tình cờ không chặt cây đa thần mà được tặng những vật thần kì. Sau đó đánh đuổi được giặc, lấy công chúa và có cuộc sống sung sướng. Đơn giản hơn, vì một sự hiểu nhầm mà Ja Ri Băh nghèo (Thằng Khổ) đi bắt ếch bị quạ tha mất quần áo nhưng lấy được vợ. Hai vợ chồng lại vô tình nhặt được vàng. Xuất phát nghèo khó, thức ăn miếng nước cũng không có đến chỗ sung sướng, giàu có một cách nhanh chóng, dù chỉ là tình cờ, mà chỉ phải vất vả chút ít, thậm chí không phải vất vả gì. Điều đó đã thể hiện ước mơ của nhân dân lao động về một đời sống vật chất phong phú và không phải lao động nặng nhọc.
            Ngưởi Chăm không chỉ ước muốn về cuộc sống vật chất phong phú mà họn còn muốn có được cuộc sống tinh thần đủ đầy, viên mãn. Họ có thể đói ăn, khát nước nhưng họ vẫn chưa bao giờ ngừng, chưa bao giờ thôi hướng đến sự phong phú trong đời sống tinh thần, tình cảm. Đó là lí do mà không phải ngẫu nhiên Inrasara viết: “Đói khổ, Chăm vẫn cứ làm lễ, cứ nhảy múa, ca hát và yêu thương” [1]. Với Chăm, tình yêu và hôn nhân vốn là những việc rất quan trọng trong vòng đời người. Tình yêu và hôn nhân chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố mà rào cản cao nhất, khó vượt qua nhất là địa vị xã hội và tôn giáo. Vì thế, người Chăm muốn bày tỏ nỗi niềm, trao gởi mơ ước có được sự dễ dàng, có được hạnh phúc đích thực trong tình yêu và hôn nhân. Chàng mồ côi xấu xí, ghẻ lở (Chàng Rít) tình cờ cứu được con bò - con gái của thần chúa tể các loài súc vật nên được cưới hai cô vợ xinh đẹp. Đó chẳng phải là ước mơ về sự dễ dàng trong tình yêu và hôn nhân đó sao? Bên cạnh sự dễ dàng, ước mơ ấy còn được thể hiện qua rất nhiều mối tình bị kẻ ác ngăn phá. Chẳng hạn như: Mơ Nai và Thành Chớ (Con gà trắng và chiếc nhẫn đồng) nhưng phải chịu cảnh người sống kẻ chết. Nhưng, nhờ vào lòng chung thủy mà họ được đoàn tụ và sống hạnh phúc. Còn người em út xấu xí trong “Ba chị em” lại trải qua nhiều khó khăn  do hai chị hãm hại sau khi biết thầy bói phán cô em út sẽ lấy được Hoàng tử. Dẫu vậy, cô vẫn lấy được Hoàng tử... Như vậy việc xây dựng KGCĐ với sự góp mặt của quan hệ trai - gái đầy đủ cung bậc, sắc thái khác nhau, từ đơn giản - tình cờ đến thử thách, khó khăn rồi bi kịch vì không thể vượt qua... đã thể hiện trọn vẹn ước mơ của nhân dân Chăm về đời sống tình yêu và hôn nhân. Những ước mơ bình dị, cao quý và rất đáng trân trọng. 
            Khát vọng thắng đoạt tự nhiên của con người vốn đã được thể hiện rõ nét ở thể loại thần thoại, nhưng ước mơ ấy vẫn tiếp tục đi vào TCTTK Chăm qua một lối rẽ khác. Nó chính là chiến thắng của bốn anh em tài nghệ (Chuyện bốn anh em) giết chết rồng và giải cứu được người đẹp là công chúa, là sự tài ba dũng mãnh của chàng dũng sĩ diệt chằn tinh trong truyện cùng tên, là những lần vượt qua thử thách của Cơ Rích (Hoa Bơ-nga Chơ-re) trong chuỗi âm mưu nham hiểm của tên vua độc ác, bắt chàng trai phải hết lấy sữa rắn, sữa trăn, sữa gấu, đến phải lấy hoa Chơ-re có trăm nghìn loài cá dữ canh trông ngoài biển Đông... Từ đó còn cho thấy ước mơ của nhân dân lao động về sự chiến thắng các thế lực tàn bạo để bảo vệ con người và cuộc sống bình yên cho chính họ.
            Người Chăm còn mong muốn dễ dàng có được vẻ đẹp hình thức như Pơ Ria trong truyện “Pơ Ria, Pơ Ró” chỉ cần ngồi lâu bên gốc cây cam mọc lên từ mộ mẹ mà trở nên xinh đẹp tựa bông hoa của núi rừng. Họ ước có được nước thần tắm xong trở nên xinh đẹp như người vợ trong “Ai bội bạc”. Họ ước mơ có được sự bất tử, thoát ra khỏi vòng sinh tử của tạo hóa qua hình ảnh bông cây sung (Hà Niêu lấy người), cây đa thần (Chàng cuội cây đa) hay “Cây gậy đầu sinh đầu tử” để hễ ai đã chết dùng bông nhai nhỏ rồi thổi phù một cái vào miệng hoặc dùng đầu sinh giúp người đó sống lại...   
            Trong số những “bình gốm chứa ước mơ” của người Chăm mà chúng tôi gọi là “bầu ước mơ Chăm” có một bầu chứa đầy khát vọng tự ngàn đời nay của nhân dân Chăm, đó là lẽ công bằng trong cuộc sống. Đơn giản hơn, chỉ với đức tính thật thà, không bao giờ bớt xén của khách mà người thợ chạm (Phần thưởng cho người thật thà) được trả công xứng đáng. Hay hai chị em mồ côi nghèo, hiền lành, thật thà (Chuyện về chị em cô gái bẫy chim) được chim đưa đi nhặt ngọc về sống yên ổn... Qua những câu truyện này người Chăm muốn gieo nơi người đọc một niềm tin rằng ai quý trọng lao động, biết thương yêu, biết chia sẻ thì người đó sẽ được hưởng hạnh phúc và ngược lại, ai coi thường lao động, độc ác thì sẽ bị trừng phạt. Vì Chăm tin như thế nên TCTTK Chăm mới đậm đặc ước mơ này.
            Như vậy, có thể nói rằng bao nhiêu ước mơ của nhân dân Chăm được nảy sinh từ chính cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của họ. Và những ước mơ ấy được “nói to lên” ngay từ những lời đầu tiên cho đến những lời cuối cùng của câu truyện. Và, thực sự “không ở đâu như trong TCT những ước mơ dù bé nhỏ hay lớn lao đều được thực hiện chóng vánh và hoàn hảo đến như vậy. Những ước mơ đó thể hiện tinh thần lạc quan và tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhân dân lao động” [2]. Vì lẽ đó mà mọi người nhớ và yêu TCT.
 
[1] Inrasara (2011), Hàng mã kí ức, Nxb Văn học, H, Tr.271
[2] Giáo trình Văn học dân gian, Sđd, Tr.78.

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-12-2024_02b6640a9e50a2cf32ed256489028e9a.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)