Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

“Không khí Tắt Đèn” - nơi Ngô Tất Tố thể hiện cái nhìn về nông thôn đi từ “biết” đến “hiểu”

Thứ sáu - 08/04/2016 02:47
Môn Văn học Việt Nam hiện đại I là môn chuyên ngành đối với các lớp Sư phạm Văn ở trường CĐSP Lạng Sơn. Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 là một thời kì có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc; có nhiều bộ phận, nhiều khuynh hướng và trào lưu cùng tồn tại với quan hệ qua lại khá phức tạp. Ngoài nội dung khái quát, học phần chú trọng cung cấp kiến thức về nhiều tác giả tiêu biểu như Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao... Và, bài viết này góp phần làm nổi bật thêm chân dung một nhà văn hiện thực xuất sắc của dân tộc - Ngô Tất Tố.
Nếu bức tranh nông thôn trong tác phẩm Nam Cao hiện lên xơ xác, im ắng thì mảnh đất và những cảnh đời ẩn sau luỹ tre xanh lại náo động, om sòm trong tác phẩm của Ngô Tất Tố. Đọc “Tắt Đèn”, từ những người đọc dễ tính cho đến người đọc khó tính, tất cả đều phải khẳng định óc quan sát của Ngô Tất Tố về cuộc sống nông thôn trước cách mạng là “một thứ óc quan sát tinh tường, rất chu đáo”. Những hình ảnh, âm thanh cứ nối tiếp nhau hiện lên rất sống động.
          Từ “không khí cuộc sống” đến “không khí Tắt Đèn”
          Chúng ta phải thừa nhận rằng Tắt Đèn rất có “không khí cuộc sống”. Đó là không khí của những ngày sưu thuế, đúng hơn là những ngày đốc thuế về cuối; là không khí căng thẳng, ngột ngạt đến tức thở như một “cơn hồng thuỷ chướng giật”, một đêm có bão ập đến khiến những cuộc đời, số phận phải tan tác như “bọt bèo”.
Ngô Tất Tố “biết” được điều ấy nhưng ông không chỉ nói “suông” cho độc giả biết mà cố gắng làm rõ việc nhận diện được sự tồn tại và tính chất của không khí ấy. Cụ thể hoá như sau:

 
 
          Chúng ta có thể thấy, Ngô Tất Tố đã “biết” và càm nhận thấm thía không khí xung đột giai cấp để từ đó ông “hiểu” và thể hiện ra một cách đầy ám ảnh.
          Âm thanh và hình ảnh là những phương tiện nghệ thuật tác động trực tiếp vào cảm giác con người một cách nhạy bén nhất. Phải chăng đây chính là những yếu tố hợp thành bút pháp nghệ thuật độc đáo của tác giả? Để tiện và gọn cho việc trình bày vấn đề, tôi chỉ khảo sát, phân tích một số hình ảnh, âm thanh tiêu biểu để chúng ta “biết” và “hiểu” về “không khí Tắt Đèn”.
          “Không khí Tắt Đèn” - không khí được xây dựng từ những hình ảnh có ý nghĩa như một tín hiệu dự báo
Khảo sát 27 chương, tôi chú ý tới một số hình ảnh và thống kê như sau:

Stt Hình ảnh Số lần xuất hiện Chương xuất hiện
1 Ánh nắng mặt trời 16 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 11, 12, 18, 21, 22
2 Trời tối sầm 1 22
3 Trời tối đen 1 27
 
          Những hình ảnh tạo không khí mang tính chất dự báo sự kiện xảy ra, như ánh nắng chói chang, bầu trời tấm sẫm… có sức biểu đạt rất cao. Nó không chỉ là hiện tượng tự nhiên đơn thuần mà mang chở những dự báo về số phận của một con người.
          Nhà văn biết và cảm nhận được cái oi rát của ánh nắng mặt trời vào tháng năm “Ánh nắng tháng năm rát như lửa chàm vào mặt. Hơi nước ở dưới đồng bốc lên, nóng như bơi trong chõ xôi. Những con cua chửa và những con rắn nước chịu không nổi sức nóng của nước trong ruộng, rủ nhau bò lên mặt đường và núp vào các khóm cỏ”. Qua những dòng văn của Ngô Tất Tố, ta dễ dàng thấy ông quan sát rất kĩ lưỡng, tỉ mỉ để hiểu về thứ nắng gắt ở một thời điểm nóng nhất, nắng nhất - thứ nắng chết người.
Sống dưới sự thiêu đốt của ánh nắng ghê gớm ấy, con người ta tưởng chừng rơi vào trạng thái “tĩnh” nào ngờ vẫn có những người gồng mình lên một cách mãnh liệt - trạng thái “động”. Biết điều này, tác giả đã xây dựng nhân vật chị Dậu là một con người như thế “Chị Dậu cố sống cố chết, nhũng nhẵng dẫn con và chó lẽo đẽo dưới ánh nắng mùa hè”. Chi tiết này thể hiện sức chịu đựng của con người đã lấn át tất cả những khắc nghiệt của thiên nhiên.
Thiên nhiên là nơi chứa đựng sự sống của muôn loài nhưng trong văn học thiên nhiên trở thành phương tiện giúp nhà văn gửi gắm ý tứ, thông điệp cuộc sống…vào trong đó. Và là tấm gương soi chiếu tâm hồn nhân vật, đôi khi lưu giữ hình ảnh dự báo về những biến cố trong cuộc đời nhân vật ấy “Trời đang nắng gắt tự nhiên thấy tối sẫm lại” và sau cơn giông “ánh nắng lại ở trên đầu dội xuống như thiêu như đốt” - Ánh nắng sau cơn mưa như báo hiệu sự an lành song chưa phải đã hết cạm bẫy. Để rồi xuất hiện hình ảnh khép lại trang tiểu thuyết “Trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị” Tất cả hình ảnh ấy là hiện tượng vốn có của thiên nhiên. Thành công của Ngô Tất Tố là ở chỗ biết và mượn thiên nhiên diễn đạt cho độc giả cùng hiểu, sự hà khắc của ánh nắng và sự đổi thay của sắc trời như một lời dự báo tai hoạ, dự báo tiền đồ cho con người - cụ thể là chị Dậu.
“Không khí Tắt Đèn” - không khí được xây dựng từ những âm thanh có ý nghĩa như một tín hiệu của bạo lực
Khảo sát và thống kê một số âm thanh như sau:
Stt Âm thanh Số lần xuất hiện Chương xuất hiện
1 Tiếng mõ 6 1, 2
2 Tiếng trống 13 1, 2, 18, 19, 20, 21, 24, 25
3 Hiệu ốc hiệu sừng 5 1, 16, 19, 20
4 Tiếng tù và 5 1, 2, 19, 20
5 Tiếng kẻng 1 24
6 Tiếng chửi om sòm 1 1
7 Tiếng thét mắng, đâm, đánh 3 1, 16
8 Tiếng cãi cọ 1 3
 
          Nếu thoạt nhìn các âm thanh trong bảng thống kê chắc chắn sẽ có người cho rằng tôi đã có chút sai lầm nào đó. Bởi những âm thanh mang màu sắc bạo lực đâu phải tiếng mõ, tiếng trống, tiếng tù và, tiếng kẻng hay hiệu ốc hiệu sừng… Ngô Tất Tố đã biến cái “không phải” thành “phải” bởi ông là người “biết” những âm thanh này đi liền với mùa sưu thuế, gây kinh hoàng cho người dân. Sau những tiếng tù và, hiệu ốc thúc lên… sẽ là cảnh bắt bớ, đánh đập, thét đâm, thét đánh không thương xót: “Suốt năm ngày nay, ngày nào cũng vậy, mõ cái, trống thúc liên hồi, hiệu ốc hiệu sừng inh ỏi. Suốt từ sáng sớm đến tối mịt, trong làng lúc nào cũng có đám đánh cướp”. Cho nên mới nói âm thanh mang màu sắc bạo lực là vì thế. Và âm thanh vốn là “tự nhiên” đã chuyển sang âm thanh “xã hội”.
          Ở đây, âm thanh có các mức độ khác nhau, nó không chỉ trải rộng ra không gian mà còn trải dài theo thời gian, thậm chí nó “đằm” sâu vào trí óc của con người. Những âm thanh từ xa dội lại “Xa xa trong nẻo đình, một hồi mõ cái thật dài tiếp luôn đến trống ngũ liên nện đủ ba hồi chín tiếng”. Có khi lại như chúa chát bên tai “Mõ cái trên cột đình lại há miệng nhận những giùi giận dữ. Trống cái dưới xà đình lại lì mặt chịu những cái nện phũ phàng”. Những âm thanh ấy trải rộng khắp không gian “Tiếng chó sủa, tiếng người hét, tiếng hiệu rúc thổi báo động suốt cả mấy xóm”. Và kéo dài theo thời gian “Ngoài đình trống lại thúc, mõ lại khua, tù và thúc liên thanh bất tử, suốt từ sáng đến tối mịt”. Có thể nói, những âm thanh phát ra từ nhiều “vật” khác nhau, khi là tiếng mõ, tiếng trống, tiếng tù và, khi lại là tất cả cùng vang lên đã làm ra một bản giao hưởng gây khiếp sợ cho con người.
Việc tạo được không khí đầy ám ảnh về cuộc sống, xã hội nông thôn oi ngạt bằng hai phương diện hình ảnh và âm thanh là một thành công nổi bật của ngòi bút Ngô Tất Tố, thành công đó cho thấy tác giả không chỉ quan sát bằng đôi mắt mà ông quan sát bằng cả trái tim, để Ngô Tất Tố đi từ chỗ “biết” đến “hiểu” sâu sắc thực trạng nông thôn nóng bỏng đương thời.  
Qua bài viết này, tôi muốn đưa thêm một cách nhìn về bức tranh nông thôn trước cách mạng qua tiểu thuyết Tắt Đèn của Ngô Tất Tố và “khảm” hai chữ “Tắt Đèn” vào sâu thẳm trái tim độc giả đã, đang và sẽ đọc “Tắt Đèn”.
Tài liệu tham khảo chính:
1.     Ngô Tất Tố, Tắt đèn, Nxb Văn học
2.     Nhiều tác giả, Ngô Tất Tố về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H.2000
3.     Trần Đăng Xuyền (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỉ XX, tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, H.2005

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_2aa443cfcca4bee4661059ae1d5888b9.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)