Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác liên kết đào tạo trình độ đại học tại trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn
Hoàng Mạnh Tùng
2017-11-29T21:33:51-05:00
2017-11-29T21:33:51-05:00
https://bak16.lce.edu.vn/vi/news/Boi-duong/mot-so-bien-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-lien-ket-dao-tao-trinh-do-dai-hoc-tai-truong-cao-dang-su-pham-lang-son-783.html
/themes/default/images/no_image.gif
Trường CĐSP Lạng Sơn
https://bak16.lce.edu.vn/uploads/about/empty.png
Thứ tư - 29/11/2017 21:32
Liên kết đào tạo trình độ đại học giữa các trường đại học là một hoạt động quan trọng của trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn nhằm góp phần phát triển trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn nguồn nhân lực có một cách hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học.
Trên thế giới, liên kết đào tạo với quy mô, tính chất, trình độ khác nhau là hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục đại học. Hoạt động liên kết là để chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chương trình và nội dung đào tạo, tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học, khả năng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Đó cũng là hoạt động tạo điều kiện cho người học có cơ hội tiếp cận trình độ học thuật cao hơn và tính đa dạng, thế mạnh riêng của các cơ sở giáo dục. Hoạt động liên kết để đào tạo phù hợp với sự phân tầng của các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng đại học nghiên cứu hay đại học ứng dụng, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ cao của người dân, thực hiện chiến lược phát triển bền vững nguồn nhân lực theo vùng miền, địa phương, cơ cấu ngành nghề. Liên kết đào tạo giảm chi phí của người học, của cơ sở đào tạo và xã hội. Tuy nhiên, hoạt động liên kết đào tạo trình độ đại học, phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ của Khoa Bồi dưỡng CBQL&NV. Năm học 2017 – 2018 Khoa đang quản lý liên kết đào tạo 7 ngành đại học, quy mô tuyển sinh mỗi năm 200 chỉ tiêu đại học, 55 chỉ tiêu văn bằng 2. Trong quá trình liên kết, khoa đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, trao đổi và chuyển giao giáo trình, tài liệu, kinh nghiệm tổ chức quản lý để các trường nói trên đủ điều kiện mở các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, hoạt động liên kết tích cực đó không chỉ đem lại lợi ích, vị thế cho các bên tham gia liên kết mà góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao một cách bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý các lớp liên kết tại trường CĐSP Lạng Sơn, tôi đề xuất một số biện pháp sau:
1. Bám sát quan điểm đào tạo theo nhu cầu nhân lực của xã hội, điều kiện của người học, khả năng đáp ứng của nhà trường.
Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm căn cứ vào nhu cầu của người học và nhu cầu của cơ sở liên kết, tiềm lực đội ngũ cán bộ của trường. Việc bố trí thời gian học hợp lý (vào các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần) đã tạo điều kiện cho các học viên đang làm việc có thể theo học đầy đủ chương trình đào tạo.
Hoạt động liên kết không đơn thuần tạo nguồn thu theo cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học mà trước hết phải đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao của địa phương. Việc lựa chọn chuyên ngành đào tạo, số tượng và đối tượng người học được thực hiện đúng mục tiêu phát triển nhân lực.
2. Quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo, từ tuyển sinh, quản lý hoạt động dạy học, đánh giá luận văn tốt nghiệp.
Tăng cường cử cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý hoạt động liên kết đào tạo trình độ đại học. Thực hiện tốt thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định đào tào liên thông cao đẳng, đại học; thông tư số 08/2015/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 4 năm 2015 về việc bổ sung một số điều của Quy định đào tào liên thông cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thông tư số 06/2017/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học. Có các văn bản quy định trách nhiệm quản lý chất lượng đào tạo giữa CĐSP và cơ sở liên kết. Hợp đồng liên kết đào tạo được ghi rõ chức năng, trách nhiệm của mỗi bên trong việc quản lý chất lượng đào tạo, hoạt động giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Cơ sở liên kết thường xuyên kiểm tra lịch giảng dạy và học tập, đánh giá vào phiếu báo giảng của mỗi giảng viên. Quán triệt cho giảng viên, cán bộ thỉnh giảng để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, quản lý hoạt động tự học của học viên. Lịch học tập, thi hết môn, đánh giá luận văn tốt nghiệp,… được cụ thể hóa từng môn học, ngày học cho cả một khóa đào tạo. Các môn học bố trí tập trung vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và giãn khoảng cách các đợt học để tạo điều kiện thời gian cho học viên chủ động trong việc sắp xếp, bố trí kế hoạch đi học, làm việc ở cơ quan và gia đình.
Để đảm bảo chất lượng bền vững của hoạt động liên kết đào tạo, khoa đã tham mưu với nhà trường cùng với các cơ sở liên kết có các biện pháp để hạn chế những bất cập về đào tạo ở xa (giảm thiểu kinh phí đào tạo, sử dụng tài liệu qua thư viện của trường, kết hợp thực hành thí nghiệm trong các đợt tập trung tại trường…) đã đảm bảo đúng quy chế hiện hành, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện mọi mặt cho học viên, giảm các chi phí cho người học.
3. Tích cực tham mưu và phát huy mạnh hiệu quả sự quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ có hiệu quả của các cấp, ngành
Thực hiện Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Nghiên cứu, ban hành các văn bản chỉ đạo về hoạt động liên kết, xác định chỉ tiêu và nhu cầu đào tạo các chuyên ngành cần thiết, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để học viên thuộc các huyện, thành phố có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tham mưu để các địa phương có chính sách tiếp nhận, sử dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ đạt trình độ đào tạo đại học. Nghiêm túc, cầu thị tiếp nhận những ý kiến đánh giá, phản biện của chính quyền địa phương về chất lượng, hiệu quả hoạt động liên kết đào tạo đại học. Những kết quả về liên kết đào tạo trình độ đại học cho các địa phương của Trường đã được cấc cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành GD-ĐT ở khác khẳng định, ghi nhận.
4. Phối hợp có hiệu quả hoạt động liên kết đào tạo đại học với nhà trường.
Chủ động đổi mới hình thức liên kết đào tạo, không độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình đại học, chia sẻ trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học về những vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục. Trong quá trình liên kết đào tạo, Khoa đã tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm, bài học từ phía đối tác về công tác quản lý, phát triển chuyên môn, tăng cường năng lực ngoại ngữ, tổ chức nghiên cứu khoa học, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế... Từ hoạt động liên kết đào tạo trình độ đại học, Khoa đã có những biện pháp để chỉ đạo quản lý, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, của nhà trường; điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phân công đội ngũ…
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn. Chính vì vậy, liên kết đào tạo đai học, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là yếu tố quyết định niềm tin của xã hội đối với các cơ sở liên kết đào tạo. Vì vậy, hoạt động liên kết đào tạo phải thực hiện đúng các quy định hiện hành và đáp ứng được các yêu cầu của người học, của xã hội, của đơn vị liên kết. Không coi trọng chất lượng đào tạo, không đáp ứng nhu cầu của xã hội thì không những sẽ triệt tiêu kết quả hoạt động liên kết mà làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường, vị thế của cơ sở đào tạo. Hiệu quả, chuyển giao là một trong những động lực để các cơ sở giáo dục đại học liên kết bền vững trong việc đào tạo nhân lực có trình độ đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế 4.0. Đó cũng là một trong những hoạt động mà khoa Bồi dương CBQL - Trường CĐSP đang tiếp tục liên kết với các cơ sở giáo dục đại học khác, góp phần phát triển bền vững hoạt động đào tạo nhân lực có trình độ cao, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tác giả bài viết: Hoàng Mạnh Tùng
Nguồn tin: Khoa Bồi dưỡng cán bộ quản lí