Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Định hướng một số phương pháp dạy học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực ở trường cao đẳng sư phạm

Thứ bảy - 14/11/2015 03:48
Một trong những vấn đề mà giáo dục hiện đại quan tâm chính là giáo dục định hướng phát triển (tiếp cận) năng lực. Giáo dục định hướng phát triển năng lực không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển năng lực chuyên môn mà còn phát triển năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá  nhân. Để thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ theo tinh thần của Nghị quyết 29- NQ/TW ngày 04 /11/2013 đặc biệt là phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn sau năm 2015, mỗi cơ sở đào tạo giáo viên cần quan tâm đào tạo về chuyên môn- nghiệp vụ nhất là phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra - đánh giá  cho đội ngũ giáo viên theo hướng tiếp cận năng lực.
1. Đặc trưng của dạy học theo hướng phát triển năng lực
Nếu trước đây, mục tiêu của dạy học phát triển tri thức, kỹ năng, kỹ xảo thì dạy học ngày nay hướng tới phát triển năng lực người học. Đây là mục tiêu mang tính chất chiến lược, giúp người học thích ứng với yêu cầu của đổi mới giáo dục. Dạy học theo hướng phát triển năng lực có những đặc trưng sau đây:
          - Mục tiêu dạy học: Phát triển năng lực người học (định hướng kết quả đầu ra của quá trình dạy học), phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học; chú trọng vận dụng kiến thức vào tình huống thực tiễn, chuẩn bị năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, giúp người học thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
          - Nội dung dạy học: Nội dung và hoạt động cơ bản trong các môn học được liên kết với nhau, gắn với tình huống thực tiễn. Chương trình chỉ quy định những nội dung chính nhằm đạt được kết quả đầu ra, gắn với việc hình thành và phát triển năng lực.
          - Phương pháp dạy học: Người dạy tổ chức, tư vấn, hỗ trợ giúp người học tự lực, tích cực và  sáng tạo trong học tập. Người dạy chú trọng sử dụng các quan điểm, phương pháp, kỹ thuật, thủ thuật dạy học tích cực giúp người học trải nghiệm thực tế tìm kiếm và vận dụng kiến thức.
          - Hình thức tổ chức dạy học: Chú trọng các hình thức học cá nhân, học hợp tác với các hoạt động đa dạng như: hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải  nghiệm sáng tạo, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin.
          - Môi trường học tập: Đa dạng ở trên lớp, ngoài lớp, ngoài trường đặc biệt là vườn trường, xưởng trường, vận dụng trong đời sống thực tế. Môi trường học tập đa dạng, linh hoạt phát huy được tính sáng tạo của người học, có sự  hỗ trợ hoặc tham gia của các tổ chức xã hội và gia đình.
          - Đánh giá người học: Dựa vào tiêu chí hoặc bộ công cụ chủ yếu hướng vào năng lực đầu ra, tính đến sự tiến bộ, tư vấn cho người học biện pháp thay thế bằng phương thức học tập hiệu quả; chú trọng vào các sản phẩm học tập và khả năng vận dụng trong các tình huống thực tiễn.
          Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực là bước đột phá trong quan điểm dạy học của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Với những đặc trưng nêu trên, một câu hỏi lớn đặt ra cho các trường sư phạm là: Sử dụng các phương pháp dạy học và kiểm tra – đánh giá nào để phát triển năng lực cho người học?

2. Một số phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực ở các trường  cao đẳng sư phạm
          Dạy học theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi người dạy phải sử dụng các phương pháp dạy học để làm bộc lộ và phát triển các năng lực của người học. Quan điểm này đòi hỏi người dạy phải tiếp cận và sử dụng được một số phương pháp dạy học mới, tích cực, tạo điều kiện cho người học phát triển năng lực. Vì vậy, để thực hiện tốt quan điểm dạy học theo hướng phát triển năng lực, các cơ sở đào tạo giáo viên nói chung trường CĐSP Lạng Sơn nói riêng cần đào tạo và bồi dưỡng giáo viên một số phương pháp dạy học sau:
2.1.  Dạy học hợp tác (Cooperative Learning)
          Dạy học hợp tác không chỉ giới hạn trong thảo luận nhóm mà mở rộng hơn trong các hoạt động, thực hành, xemina, workshop… Có 5 yếu tố cơ bản của dạy học hợp tác mà giảng viên cần chú ý:
- Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm: Tất cả các thành viên trong nhóm phải nhận thức được sự cần thiết phải liên kết với nhau để đạt được mục đích chung. Mỗi cá nhân phải hoàn thiện được hoạt động của bản thân để hoạt động của nhóm đi đến thành công.
- Trách nhiệm cá nhân: Mỗi thành viên trong nhóm phải đáp ứng và chứng minh được trách nhiệm của bản thân đối với hoạt động học và đối với nhóm.
- Sự tương tác trực tiếp: Cá nhân trao đổi trực tiếp về ý tưởng giải quyết nhiệm vụ, cùng nhau giải quyết và đánh giá sản phẩm học tập thông qua việc trao đổi các ý  tưởng với nhau.
- Kỹ năng xã hội: Các kỹ năng tương tác của cá nhân được hình thành như khuyến khích, lắng nghe, giúp đỡ lẫn nhau, tổ chức, giao tiếp, trung thực, lãnh đạo, giải quyết xung đột, tự đánh giá…
- Quy trình làm việc theo nhóm được tổ chức như sau:
             + Bước 1: Làm việc chung cả lớp. Bao gồm: Nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ nhận thức; Tổ chức các nhóm giao nhiệm vụ; Hướng dẫn cách làm việc của các nhóm. Để thực hiện hiệu quả các bước này, đòi hỏi giáo viên phải sử dụng các kỹ thuật dạy học như: thiết kế các tình huống có vấn đề, nhiệm vụ học tập đòi hỏi sức mạnh trí tuệ của tập thể; kỹ thuật chia nhóm như: chia nhóm cố định hoặc ngẫu nhiên để tạo ra môi trường đa dạng, linh hoạt.
      + Bước 2: Làm việc theo nhóm. Bao gồm: Phân công trong nhóm và cá nhân làm việc độc lập; Trao đổi thảo luận nhóm; Cử đại diện trình bày kết quả làm việc của nhóm. Để thực hiện các bước này, giáo viên sử dụng kỹ thuật như: động não, khăn trải bàn, mảnh ghép, sơ đồ tư duy, kỹ thuật hợp tác… để phát huy tính tích cực, hiệu quả hoạt động của cá nhân và tập thể.
      + Bước 3: Đánh giá, tổng kết trước lớp. Bao gồm: Các nhóm lần lượt báo cáo kết quả; Thảo luận, đánh giá chung toàn lớp; Giáo viên tổng kết, đặt vấn đề cho bài học hoặc nhiệm vụ tiếp theo. Để thực hiện các bước này, giáo viên sử dụng các kỹ thuật dạy học như: luân phiên, trò chơi… tạo ra môi trường học tập thân thiện và hiệu quả.
Phương pháp này sử dụng đơn giản, ở mọi lúc, mọi nơi với đa dạng các nhiệm vụ học tập đa dạng phù hợp với mọi nhà trường hiện đại.
Trong quá trình giảng dạy ở trường sư phạm, chúng tôi nhận thấy học hợp tác được sử dụng đa dạng trong các tiết học, dễ sử dụng, mang liệu hiệu quả cao trong việc phát triển năng lực của sinh viên. Giảng viên có thể tiến hành tổ chức cho sinh viên học theo cặp, nhóm nhỏ trực tiếp trên lớp, nhóm lớn ở nhà hoặc qua mạng. Qua đó phát triển đa dạng các năng lực cá nhân, năng lực chuyên môn và năng lực phương pháp cho sinh viên. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng  dạy học theo nhóm trong một tiết học.


 
2.2. Dạy học dự án (Project-based learning)
Phương pháp dạy học dự án là phương pháp dưới sự tổ chức của giảng viên, sinh viên cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ học tập không chỉ về mặt lý thuyết mà còn về mặt thực tiễn. Nhiệm vụ học tập có tính chất tổng hợp, tạo điều kiện cho người học cùng quyết định trong tất cả các giai đoạn học tập, tạo ra một sản phẩm hoạt động nhất định.
Nhờ dạy học dự án, sinh viên phát huy được tính tích cực, tự lực và tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong quá trình lĩnh hội tri thức, “học qua làm”. Đồng thời,  dạy học dự án, người học phát triển kỹ năng làm việc hợp tác, giao tiếp, thuyết trình, tự học, tự nghiên cứu, sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tìm hiểu và vận dụng kiến thức liên môn, thực hiện nguyên tắc “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, theo quy trình phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề và trình bày kết quả học tập theo sự lựa chọn của người học. Vì vậy, giảng viên cần định hướng cho sinh viên đảm bảo tốt các đặc điểm của dạy học dự án như: định hướng hành động, làm việc hợp tác, tự tổ chức và tự chịu trách nhiệm trước các hoạt động, định hướng thực hiện các nhiệm vụ học tập, định hướng thực tiễn và sản phẩm hoạt động.
Ở trường sư phạm có thể tiến hành dạy học dự án hoặc kết hợp giữa dạy học dự án và dạy học hợp đồng đối với những môn học có tính thực tiễn như: Văn học - văn hóa dân gian, Giáo dục học, Công tác Đội, Triết học…. Dựa vào các tiêu chí khác nhau có thể phân loại dự án theo nội dung (trong môn học, ngoài môn học, liên môn); theo thời gian (dự án nhỏ khoảng 2 - 6 giờ, dự án trung bình- ngày dự án, dự án lớn - tuần dự án); theo hình thức tham gia (dự án cá nhân, nhóm, toàn lớp, toàn trường);  theo nhiệm vụ (dự án tìm hiểu, nghiên cứu, kiến tạo, hành động).
 
 
   Dạy học dự án được thực hiện theo quy trình nhằm phát triển năng lực người học.
          - Bước 1: Xác định chủ đề và mục đích của dự án. Ở bước này thể hiện ở sự xuất hiện sáng kiến và phác họa được ý tưởng của dự án. Dự án là một vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thực tiễn được đưa vào nhà trường phù hợp với trình độ và năng lực, giúp người học phát triển năng lực định hướng hành động.
     - Bước 2: Lập kế hoạch thực hiện dự án. Người học xây dựng sơ đồ tư duy để định hướng nguồn nhân lực, tài lực, vật lực và thời gian thực hiện dự án, sử dụng kỹ thuật 5W1H để tập hợp ý kiến của các thành viên trong nhóm, kết hợp các ý tưởng, xây dựng cấu trúc kiến thức, xác định quy mô tìm hiểu và các hoạt động học tập.
          - Bước 3: Thực hiện dự án để phát triển năng lực tổ chức và triển khai các hoạt động. Người học thu thập thông tin qua các nguồn: báo chí, Internet, thư viện, thực nghiệm, quan sát, điều tra, phỏng vấn; sử dụng kỹ thuật thiết kế bảng hỏi, phiếu quan sát, phỏng vấn, lưu trữ thông tin qua nhật ký, chụp ảnh, quay băng hình; xử lý thông tin: sử dụng các bảng, biểu đồ, cách phân tích số liệu trên biểu đồ biểu đồ để giải thích các dữ liệu thu được trên cơ sở khoa học; xây dựng sản phẩm của dự án trên cơ sở tập hợp các kết quả thu được; phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trình bày hồ sơ và sản phẩm của dự án.
     - Bước 4: Trình bày sản phẩm của dự án nhằm phát triển năng lực giao tiếp, trình bày sản phẩm và đánh giá kết quả học tập.

2.3. Dạy học thông qua thực hành dạy (teaching practice)
          Theo Jean - Pol Martins: “Dạy học thông qua thực hành dạy” là phương pháp dạy học định hướng hoạt động, trong đó mỗi sinh viên (nhóm sinh viên) thay nhau đảm nhiệm vai trò như một giáo viên để dạy cho các bạn khác trong lớp một vấn đề kiến thức nào đó dưới sự hướng dẫn của giảng viên hoặc sinh viên thực hành, tập giảng, thi giảng. Vấn đề kiến thức này có thể do sinh viên tự lựa chọn hoặc do giảng viên phân công. Người giảng viên giữ vai trò quan sát, hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên hoàn thành nhiệm vụ như một giáo sinh thực tập.
          Lợi ích của phương pháp dạy học thông qua thực hành dạy: Về kiến thức giúp sinh viên hiểu vấn đề sâu hơn, làm chủ được kiến thức của mình; Về kỹ năng: phát triển kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, phân tích và tổng hợp, trình bày, sáng tạo, phê phán, kỹ năng giao tiếp (trình bày vấn đề trước đông người, diễn đạt ý một cách dễ hiểu, lập luận bảo vệ quan điểm cá nhân, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác). Ngoài ra còn giúp sinh viên tự tin và chủ động hơn trong quá trình học tập, rút ngắn khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên, tạo môi trường học tập thân thiện, đoàn kết, ý thức về giá trị của bản thân…Phương pháp này đòi hỏi giảng viên tư vấn cho sinh viên lựa chọn, xây dựng kế hoạch, thực hiện và đánh giá các nhiệm vụ học tập phù hợp với trình độ của sinh viên.
2.4. Dạy học thông qua trải nghiệm sáng tạo  (creative experience)
          Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp. Hoạt động này là sự phát triển của “học qua làm” bởi lẽ nội dung hoạt động và kết quả đầu ra là năng lực thực tiễn, phẩm chất và tiềm năng sáng tạo. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo phát triển một số năng lực như: hoạt động và tổ chức hoạt động; tổ chức và quản lý cuộc sống; tự nhận thức và tích cực hóa bản thân; Ngoài ra còn phát triển một số năng lực sau: tự học, giải quyết vấn đề, thẩm mỹ, giao tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin ICT)…Một số hình thức trải nghiệm:
          -   Hoạt động trải nghiệm có tính khám phá: Thực địa, thực tế; Tham quan; Cắm trại; Trò chơi (lớn).
          -   Hoạt động trải nghiệm có tính triển khai: Dự án và nghiên cứu khoa học; Hội thảo/xemina; Các câu lạc bộ.
          -  Hoạt động trải nghiệm có tính trình diễn: Diễn đàn; Giao lưu; Sân khấu hóa.
          - Hoạt động trải nghiệm có tính cống hiến: Thực hành lao động; Các hoạt động xã hội/ tình nguyện. Đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể sử dụng bảng kiểm kê như sau:
 
 
 
Năng lực
Phương pháp kiểm tra – đánh giá
TNKQ Viết thu hoạch Vấn đáp Giải quyết tình huống Quan sát thực tiễn Bảng kiểm Thư giới thiệu/
Ý kiến
Giải quyết vấn đề
 
            X
Tự học   X          
Tự nhận thức và tích cực hóa bản thân   X     X    
Tổ chức và quản lý cuộc sống X       X    
Hoạt động và tổ chức hoạt động       X X X X
Ứng dụng công nghệ thông tin (ICT)         X   X
Giao tiếp     X X X   X
…..              
 
         
Sử dụng thang đo 3 mặt của năng lực (Bloom, Dreyfus và Krathwohl) từ thấp đến cao. Cụ thể:
          - Kiến thức (Bloom): Ghi nhớ; Hiểu; Áp dụng; Phân tích đánh giá; Sáng tạo.
          - Kỹ năng (Dreyfus): Mới học chưa có kinh nghiệm; Bắt đầu có kinh nghiệm; Hình thành được năng lực; Thực hiện chuyên nghiệp; Năng lực ở cấp chuyên gia.
          - Thái độ (Krathwohl): Tiếp nhận; Ứng đáp; Định giá trị; Tổ chức, cấu trúc lại; Tạo giá trị đặc thù.
          Xác định hình thức, phương pháp và công cụ kiểm tra- đánh giá được thực hiện trong quá trình và kết quả đầu ra của hoạt động trải nghiệm sáng tạo.





 
 
3. Phương pháp đánh giá sinh viên
          Giảng viên nên sử dụng một hệ thống các phương pháp đánh giá mức độ kiến thức và năng lực thông qua các hoạt động mà sinh viên đã thực hiện trong quá trình học tập. Cụ thể:
          - Đánh giá hồ sơ học tập (Portfolio assessment): Là phương pháp tập hợp được các sản phẩm hoạt động của sinh viên nhằm mục đích lượng giá kiến thức và hình thành hoạt động học tập. Quá trình này bao gồm sự tham gia của sinh viên trong việc xây dựng mục tiêu, lựa chọn hoạt động và tài liệu học tập thông qua tự đánh giá.
          - Tự đánh giá (Student Self - Assessment): Là quá trình đánh giá trực tiếp của người học đối với bản thân, liên quan đến sự phản ánh, giám sát, đánh giá, đặt ra mục đích và kế hoạch thực hiện để đạt được mục đích đó.
          - Đánh giá sự trình diễn của sinh viên (Performance Assessment): Là sự tập trung những thông tin về hoạt động học dựa trên sự chứng minh những điều mà sinh viên đã làm được. Đánh giá được quá trình cũng như sản phẩm của hoạt động học tập là vì sự tiến bộ của sinh viên.
          - Đánh giá các dự án học tập: Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ học tập gắn liền với thực tiễn. Đó là những yêu cầu thể hiện các kỹ năng và áp dụng những ý tưởng trong các sản phẩm học tập.
          - Trao đổi với sinh viên về những suy nghĩ của họ thông qua sản phẩm vẽ, tạo tác, hành động sắm vai, lập bản đồ tư duy.
          Ngoài ra còn có các phương pháp khác như: Quan sát trực tiếp, phỏng vấn, quay băng hình, bài viết, câu hỏi mở, phóng sự, sổ tay học tập…
4. Điều kiện để tiến hành phương pháp dạy học, đánh giá theo hướng phát triển năng lực
          4.1. Về phía người dạy
- Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, quy trình và các kỹ thuật sử dụng phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận người học.
          - Chủ động, linh hoạt thiết kế các hoạt động, tiêu chí và bộ công cụ để đánh giá năng lực của sinh viên trong mỗi môn học cũng như liên môn.
          - Xây dựng được mục tiêu, đánh giá sinh viên sau mỗi giai đoạn hoạt động; tư vấn, theo dõi và tổ chức các hoạt động tiếp theo, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển năng lực.
          - Chủ động thiết kế các đồ dùng học tập phù hợp với mục tiêu, nội dung môn học, bài học, hoạt động học tập.
          4.2. Về phía người học
          - Nhận thức được cách thức sử dụng các phương pháp cũng như chủ động tham gia vào các hoạt động học tập.
          - Phát triển khả năng tự đánh giá, tự giáo dục và tự hoàn thiện.
          4.3.Về phía nhà quản lý giáo dục
          - Tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, đồ dùng thiết bị dạy học.
          - Cho phép người dạy tạo không gian mở trong quá trình dạy học.
- Trong một chừng mực nào đó, trao cho giảng viên quyền tự chịu trách nhiệm phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập.
- Có cơ chế chính sách trong đào tạo giảng viên; động viên, khuyến khích giảng viên sử dụng và thu hút được sự tham gia phụ huynh sinh viên, các tổ chức xã hội trong việc sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực.
Tóm lại, một trong những yếu tố cốt lõi của dạy học theo hướng phát triển  năng lực là việc sử dụng các phương pháp dạy học vì phương pháp là yếu tố vận hành nội dung để đạt được mục tiêu. Việc sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực phụ thuộc phần lớn vào năng lực nghiệp vụ sư phạm và năng lực chuyên môn của giảng viên. Muốn đổi mới giáo dục phổ thông trước hết phải đổi mới giáo dục ở các trường sư phạm, khoa sư phạm. Vì vậy, các cơ sở đào tạo giảng viên cần sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực. Đồng thời, các cơ sở đào tạo giáo viên cần xây dựng nội dung chương trình nghiệp vụ sư phạm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên về các phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực một cách hiệu quả.

 Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Phương Hoa (2010), Lý luận dạy học hiện đại - Tập bài giảng cao học.
2. Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 BCHTW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
3. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Dạy học phát triển năng lực - Tạp chí Quản lý giáo dục (Học viện QLGD - Bộ GD&ĐT) - Số đặc biệt 4/2015.
4. Đinh Thị Kim Thoa, Xây dựng chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới - Tạp chí Quản lý giáo dục (Học viện QLGD - Bộ GD&ĐT) - Số đặc biệt 4/2015.
5. Professional Qualification Program, Cannada, 2007.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/13-11-2024_fdec8ac074e41ec11fea690d8b516a04.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)