Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho sinh viên trường CĐSP Lạng Sơn

Thứ hai - 30/05/2016 22:25
Sinh viên (SV) được xem là một bộ phận thanh niên ưu tú, được đầu tư giáo dục đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ trở thành lực lượng lao động trí tuệ chính trong xã hội, góp phần không nhỏ vào sự tiến bộ xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH - HĐH) đất nước. Do đó, công tác giáo dục (GD) nói chung, giáo dục truyền thống và bản sắc văn hóa cho SV nói riêng, mang một ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Bài viết này sẽ tập trung làm nổi bật hoạt động đó tại trường CĐSP Lạng Sơn.
1. Vai trò của việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc (GDTTVHDT) cho sinh viên trong nhà trường
          GDTTVHDT là hoạt động có định hướng, có tổ chức nhằm hình thành năng lực nhận thức, ý thức ứng xử đúng đắn với các giá trị văn hóa dân tộc và hoàn thiện phẩm chất, đức tính tốt đẹp cho SV trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay.
          Để SV biết gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống một cách tự giác, trước hết cần làm cho họ thấy được mối liên hệ cụ thể giữa yếu tố văn hóa truyền thống với sự phát triển của SV hiện nay, tức là hiểu được sự cần thiết và lợi ích của TTVHDT xuất phát từ nhu cầu phát triển của SV. Từ đó hình thành thái độ tôn trọng và định hướng các hành vi cá nhân trong đời sống hàng ngày. Như thế, TTVHDT muốn “sống” lâu bền nhất thiết phải cần đến sức mạnh của văn hóa tư tưởng, tinh thần.
          GDTTVHDT không chỉ đơn thuần là phổ biến tri thức về những giá trị văn hóa truyền thống hay những giá trị bản sắc văn hóa mà cần xem xét TTVHDT trong mối quan hệ với đối tượng bảo tồn và phát huy nó. Đấy chính là SV. Sự hiểu biết TTVHDT không dừng ở việc nắm bắt, liệt kê, mô tả được một vài giá trị nào đó mà còn là khả năng bao quát hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thậm chí phát hiện ra những nhận thức lệch lạc còn tồn tại trong một bộ phận SV; vai trò của các nhà trường và các thiết chế văn hóa xã hội khác trong việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho SV; đánh giá sự vào cuộc của các tổ chức và cá nhân... Do vậy, GDTTVHDT là GD văn hóa kết hợp với GD đạo đức, kĩ năng sống nhằm xây dựng những thế hệ SV phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... góp phần vào việc thực hiện chiến lược con người, phát triển giáo dục - đào tạo, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
          Như vậy, GDTTVHDT chính là GD ý thức công dân, GD con người toàn diện. Trong nhà trường, hoạt động này có thể đánh giá tổng thể trên một số lĩnh vực cơ bản như đạo đức, lối sống, học vấn, trí tuệ... thông qua quá trình tác động có định hướng, có mục đích.
 
 
 
2. Kết quả thực hiện GD TTVHDT ở trường CĐSP Lạng Sơn hiện nay
          Từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động, trường CĐSP Lạng Sơn đã đặc biệt quan tâm đến công tác GDTTVHDT cho SV và thu được những thành quả quan trọng. Để có cơ sở đánh giá thực trạng của việc giáo dục TTVHDT ở trường CĐSP Lạng Sơn hiện nay, năm học 2015-2016, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về khung chương trình đào tạo; tìm hiểu việc thực hiện nội dung GDTTVHDT, tài liệu DH và đội ngũ giảng viên (GV); đồng thời thực hiện điều tra bằng phiếu hỏi với 300 SV năm thứ nhất đến năm thứ ba thuộc 05 khoa khác nhau. Kết quả như sau:
          1) Những kết quả đạt được
          a) Các hoạt động có tác dụng mạnh đến GDTTVHDT cho SV
Bảng 1. Các hoạt động GDTTVHDT cho SV
Hoạt động Số lượng Tổng Tỉ lệ (%) Xếp vị trí
Tích luỹ khi còn ở nhà 42 300 14 5
Qua tự đọc sách báo, tự tìm hiểu 98 300 32,7 4
Qua sinh hoạt ngoại khoá 205 300 68,3 2
Qua sinh hoạt Đoàn, Hội 186 300 62 3
Qua các môn KHXH&NV 272 300 90,1 1
         
Tỉ lệ (%) ở bảng 1 cho thấy, vốn hiểu biết của SV về TTVHDT khi còn ở nhà còn hạn chế (14%) và khả năng, ý thức tự tìm hiểu còn thấp (32,7%). Vai trò chủ đạo của GD nhà trường tỏ ra có hiệu quả. SV tiếp nhận các nội dung về TTVHDT chủ yếu qua các môn KHXH&NV (90,1%) - các môn học có lợi thế về giáo dục. Tiếp đó, xếp thứ 2 và 3 là thông qua hoạt động Đoàn, Hội và các buổi sinh hoạt chuyên môn. Kết quả này phản ánh khá chân thực thực trạng các hoạt động có tác dụng mạnh đến GDTTVHDT cho SV ở trường CĐSP Lạng Sơn. Bởi lẽ, những năm gần đây, xu hướng cơ bản được nhà trường xác định là xây dựng, lồng ghép, tích hợp các nội dung trên qua các môn học thuộc khối xã hội nhân văn để GDTTVHDT cho SV, bên cạnh việc xây dựng các chuyên đề ngoại khoá, sinh hoạt Đoàn, Hội chuyên biệt.
          b) Các nội dung TTVHDT giáo dục cho SV.
          Nội dung các giá trị TTVHDT rất phong phú, đa dạng. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi chỉ lựa chọn những nội dung chủ yếu nhất có liên quan trực tiếp đến việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất cho SV hiện nay.
          - Yêu nước, nhân bản: Giáo dục cho SV lòng yêu nước thương nòi nồng nàn, ý thức tự hào tự tôn dân tộc sâu sắc, tinh thần dũng cảm, đức tính hi sinh quên mình vì đại nghĩa, vì Tổ quốc. Đặt trong tình hình hiện nay để SV tích cực chống nghèo nàn lạc hậu, vươn tới xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hiện đại.
          - Đoàn kết cộng đồng: Truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng được biểu hiện qua các mối quan hệ cộng đồng lớn nhỏ khác nhau như gia đình, gia tộc, làng xã và lớn hơn là cộng đồng dân tộc, cộng đồng người Việt Nam. Do đó, giáo dục truyền thống đoàn kết cộng đồng cho SV là từng bước xây dựng cho sinh viên ý thức tập thể. Qua đó trang bị cho SV phương pháp hữu hiệu để giải quyết mối quan hệ cá nhân với tập thể, cá nhân với xã hội, biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, biết hy sinh cái riêng để phục vụ cái chung.
          - Hòa đồng, khoan dung: Kế thừa và phát huy truyền thống lấy bao dung và hòa đồng làm cơ sở để xem xét các hiện tượng tự nhiên, xã hội và con người nhằm đề ra những giải pháp mang tính sáng tạo. Qua đó, giá trị này sẽ giúp SV có thái độ cởi mở, thích ứng nhanh với mọi môi trường xung quanh mình; giáo dục SV kính thầy, yêu bạn, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, sinh hoạt, quý trọng của công, quan tâm đến nỗi bất hạnh của người khác; giúp SV không ngừng nâng cao nhận thức, tự giác sống tốt đẹp hơn, biết lấy lợi ích tập thể, lợi ích dân tộc làm định hướng cho cuộc sống của mình, góp phần hình thành và phát triển nhân cách SV.
          - Yêu lao động: Nhờ có truyền thống yêu lao động cần cù, tiết kiệm mà dân tộc ta đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, giáo dục truyền thống yêu lao động sẽ giúp SV nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của lao động trong sự phát triển xã hội, giúp họ có tình yêu và thái độ đúng đắn đối với lao động.
           - Tinh tế, bình dị: Đó là những nét đẹp trong tích cách, phẩm chất của con người Việt Nam. Giáo dục thái độ tinh tế và lối sống bình dị cho SV nhằm xây dựng những công dân mới năng động, sáng tạo nhưng không mất đi vẻ đẹp tế nhị, kín đáo trong giao tiếp; giản dị, dân dã trong lối sống.
Bảng 2. Đánh giá của SV về các giá trị TTVHDT được đưa vào giáo dục
TT Các giá trị TTVHDT Rất quan trọng Quan trọng Bình thường Không quan trọng
SL % SL % SL %
1 Yêu nước, nhân bản 274 91,3 22 7,3 4 1,4 0
2 Đoàn kết cộng đồng 203 67,7 85 28,3 12 4 0
3 Hòa đồng, khoan dung 135 45 147 49 18 6 0
4 Yêu lao động, sáng tạo 204 68 65 21,7 31 10,3 0
5 Tinh tế, bình dị 126 42 156 52 18 6 0
 
          Kết quả điều tra thể hiện rằng tất cả các SV đều ý thức được vai trò, ý nghĩa của những giá trị TTVHDT được đưa vào giáo dục (bảng 2).
          Những số liệu trên đều khẳng định thành quả của công tác GDTTVHDT ở trường CĐSP Lạng Sơn trong thời gian qua. Sau khi tốt nghiệp, các thế hệ SV đều được trang bị một hành trang TTVHDT cơ bản, xứng đáng là những công dân trẻ vững chuyên môn, giỏi kỹ năng, tự tin hội nhập.
3. Những con đường cơ bản GDTTVHDT cho SV trường CĐSP Lạng Sơn
          1) Tăng cường nhận thức của SV về các giá trị văn hoá
          a) Mời các nhà khoa học, các chuyên gia báo cáo theo chủ đề về lối sống văn hoá, bản sắc văn hoá dân tộc... Hoạt động này giúp SV hiểu về các chủ đề, các phạm trù, khái niệm, các biểu hiện về văn hoá, bản sắc văn hoá, đồng thời khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Muốn vậy, chủ đề cầm đảm bảo tính hấp dẫn, sinh động, thời sự, phù hợp với đặc điểm vùng miền, với lứa tuổi sinh viên.
          b) Khuyến khích SV tổ chức các diễn đàn thảo luận về văn hoá, nếp sống (đặc biệt chú ý đến văn hoá của SV sư phạm). Thông qua hoạt động này, SV được tự do bày tỏ quan điểm, tự đưa ra các tiêu chí sống đẹp của SV sư phạm. Trên cơ sở đó nhà trường sẽ hình thành nội quy và tổ chức rèn luyện cho SV. Sự rèn luyện này đảm bảo cho quá trình tiếp nhận những tri thức về văn hoá cũng như việc chấp nhận các chuẩn mực đối với SV là hoàn toàn tự giác, không có sự áp đặt giáo điều.
          c) Tổ chức các hình thức thi đua về nếp sống văn hoá qua hình thức: học tập, sinh hoạt ký túc xá, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao... Mở mỗi hoạt động, SV lại được củng cố thêm về các giá trị văn hoá trong học tập, trong sinh hoạt và các hoạt động khác. Phát huy và tôn trọng các đề xuất của họ về các hình thức tổ chức hoạt động, cách tổ chức thi phù hợp với lứa tuổi, nghề nghiệp. Qua đó, SV đã bộc lộ nhu cầu tự thể hiện mình.
          2) Tổ chức giáo dục các giá trị văn hoá
          Để có thể đạt được mục tiêu giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc cho sinh viên các trường sư phạm, phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
          a) Xây dựng nội dung chương trình, tài liệu đưa vào dạy học chính khoá và ngoại khoá có chứa đựng nội dung GDTTVHDT. Ở trường CĐSP Lạng Sơn, môn “Cơ sở văn hoá Việt Nam” được lựa chọn là môn học sẽ tích hợp, lồng ghép nhiều kiến thức về TTVHDT nhất để giúp SV học tốt hơn, đồng thời làm phong phú thêm nội dung kiến thức từ môn học. Ngoài ra, TTVHDT còn được lồng ghép tích hợp qua các môn KHXH&NV như: Triết học, Giáo dục học, Tâm lí học, Ngữ văn, Lịch sử... và các chủ đề ngoại khoá thực hiện trong chương trình giáo dục SV.
          b) Hình thành và phát triển kỹ năng tự tìm hiểu, phát hiện những TTVHDT qua các hoạt động cụ thể. Trong công tác giáo dục SV, việc hình thành các kỹ năng hoạt động là một mục tiêu cơ bản cần đạt được. Kỹ năng chỉ được hình thành thông qua các hoạt động, qua luyện tập, nhờ đó hình thành năng lực nhận thức và hành động cho nhân cách. Trường CĐSP Lạng Sơn tiến hành tổ chức một số hoạt động cụ thể như: Thống kê sưu tầm về văn hoá, bản sắc văn hoá các dân tộc qua các đợt điền dã dân gian, các cuộc tìm hiểu lịch sử văn hoá ở Khoa Xã hội; Sưu tầm qua sách báo, thông tin hàng ngày; Tìm hiểu các nội dung trên qua các cuộc thi sáng tác: thơ, văn, kịch, nhạc, vẽ biểu tượng...; Khảo sát, thống kê tư liệu về các nội dung bản sắc văn hoá các dân tộc từ nội dung các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục, Văn hoá....
          c) Thiết kế mẫu một số môđun về GDTTVHDT cho SV. Theo lý luận DH, một môđun là một đơn vị độc lập tương đối, thiết kế chi tiết các việc làm nhằm khai thác kiến thức để đạt được mục đích đề ra. Tiếp cận vấn đề GDTTVHDT bằng cách xây dựng các môđun DH là hướng đi đúng đắn. Loại môđun này sẽ gồm 04 phần chính: mục đích, nội dung và phương pháp, nguồn tài liệu tham khảo, và các bảng liệt kê nội dung.
          d) Thảo luận rộng rãi với nhiều hình thức sinh hoạt để phát huy các yếu tố tiến bộ và loại bỏ dần các yếu tố hủ tục. Bên cạnh việc đào tạo trở thành một người thầy giáo, SV còn được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để trở thành một nhà khoa học, một nhà giáo dục. Do đó, hoạt động này sẽ từng bước tiếp cận đến phương pháp nhận thức của nhà khoa học, tinh thần khoa học, tinh thần tự đánh giá bản thân, đánh giá các vấn đề mà bản thân mình và xã hội đang quan tâm. Một số nội dung có thể thảo luận, trao đổi, sinh hoạt chuyên đề như trang phục dân tộc trong sinh viên; vấn đề sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt và học tập; việc làm sau khi ra trường của sinh viên vùng sâu; chất lượng học tập của sinh viên cử tuyển; thói quen và nếp sống sinh viên sư phạm miền núi(...); tục làm ma khô; nạn tảo hôn; tục cúng bái tràn lan ở một số dân tộc; thói quen phá rừng làm rẫy; thói quen, tác phong chậm đổi mới trong xã hội công nghiệp; thói quen, phong tục lạc hậu khác (...).
          Đó là những con đường, biện pháp cơ bản mà trường CĐSP Lạng Sơn đã và đang áp dụng vì những biện pháp ấy đều tập trung ngăn chặn xu hướng suy thoái về lối sống, đạo đức, sự mờ nhạt của bản sắc văn hoá dân tộc trong nhận thức và hành vi của thế hệ trẻ. Đồng thời, tăng cường nhận thức đúng đắn, tạo lập hành vi tốt đẹp, hình thành lối sống có văn hoá cho SV.
          Để đạt được mục tiêu GDTTVHDT cho SV, công tác giáo dục đòi hỏi mỗi người GV cần ý thức đầy đủ trách nhiệm lớn lao của mình trong sự nghiệp “trồng người” nói chung và GDTTVHDT cho SV nói riêng. Đồng thời, bản thân SV phải luôn có ý thức rèn luyện, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm tăng thêm nguồn động lực tinh thần, đưa sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước ta đi đến thắng lợi.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Huỳnh Công Bá. Cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Thuận Hóa, Huế. 2012.
2. Lê Văn Quán. Nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam. Nxb Lao động, TpHCM. 2007.
3. Phạm Hồng Quang (Chủ biên). Giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho sinh viên sư phạm. Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2002.
4. Lê Cao Thắng. Hoạt động giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên hiện nay (Qua khảo sát một số trường Đại học ở Hà Nội). Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, H. 2013.
 
Abstract: Educating cultural national tradition for students is educating the sense of civic responsibility via the oriented teaching progress. This article aims to present the traditional values which are directly related to the virtuous c-haracter education and supplementary training for students in this period. This paper also demonstrates the solutions and results of the study which was carried out in Langson College of Education.     
Tóm tắt: Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho sinh viên chính là giáo dục ý thức công dân thông qua quá trình tác động có định hướng, có mục đích. Bài viết này sẽ trình bày các giá trị văn hóa truyền thống có liên quan trực tiếp đến việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất cho sinh viên hiện nay và một số biện pháp, kết quả thực hiện tại trường CĐSP Lạng Sơn.
 
                                (Tạp chí Giáo dục số đặc biệt tháng 4/2016)

Tác giả bài viết: Hà Thị Thúy Hằng

Nguồn tin: Ban Giám Hiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/25-04-2024_ed80cc350ee2a24a3f378fe3f7da3522.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)