Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Phong cách phê bình của Hoài Thanh qua bài viết về Đoàn Phú Tứ với thi phẩm “Màu thời gian”

Thứ hai - 12/11/2018 02:19
          Phê bình văn học đã, đang và sẽ đồng hành, gắn bó với đời sống văn học nghệ thuật, đời sống xã hội của con người. Trong “Thi nhân Việt Nam” có nhiều bài viết khá dài nhưng cũng không ít bài viết ngắn, thậm chí rất ngắn. Để nhận xét, đánh giá phong cách phê bình của Hoài Thanh thì những bài viết dài là sự lựa chọn “khôn ngoan”. Nhưng như thế liệu các bài viết ngắn sẽ bị lãng quên chăng? Với suy nghĩ “mạo hiểm”, người viết thử sức với một bài viết ngắn của tác giả về Đoàn Phú Tứ.
          Hoài Thanh viết về Đoàn Phú Tứ rất ngắn gọn, trước bài thơ “Màu thời gian”, ông phải dành đến hơn một trang in cho 10 lời chú, cộng thêm một trang riêng viết lời bình (ngoài phần đầu - vài nét phác thảo đơn giản về tiểu sử và sáng tác của tác giả).
          Đọc “Thi Nhân Việt Nam”, cho đến Đoàn Phú Tứ dường như người đọc nhận ra Hoài Thanh mắc phải “tật” ở mở đầu mỗi bài viết. Đó là điểm xuất phát của ông đi từ cảm xúc cá nhân rồi mới nói đến đối tượng phê bình. Thoáng đọc, cảm xúc ấy khá khách quan “hẳn có kẻ”, “người ta vẫn nghĩ” nhưng kì thực nó lại mang màu sắc chủ quan đậm nét. 
          Phần vinh danh Đoàn Phú Tứ chỉ vẻn vẹn có hơn chục câu. Câu hỏi đặt ra là: viết ngắn như thế liệu việc truyền tải nội dung có đủ không? mà chưa muốn nói có đúng và sâu sắc hay không? Ở đây, để vinh danh cho một thi sĩ, Hoài Thanh không dùng tiêu chí số lượng mà đề cao về chất lượng, về giá trị tác phẩm của thi sĩ ấy: “Người ta vẫn nghĩ Đoàn Phú Tứ chỉ có tài viết kịch và diễn kịch. Nhưng thơ hay không cần nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm có dăm bảy bài mà hầu hết là những bài đặc sắc”. Ðọc mấy lời nhận định trên của Hoài Thanh, chúng ta có thể thấy ông xem thơ như một biểu hiện của tâm hồn, do đó, xem mức độ nhạy cảm và độc đáo của tâm hồn, thứ mà Hoài Thanh gọi là “hồn thơ”, là thước đo để đánh giá một tài thơ. Vì thế, một “Màu thời gian” đã đủ đại diện cho cả một đời thơ Đoàn Phú Tứ.
          Thêm vào đó, Hoài Thanh thể hiện cách phê bình rất văn, rất thơ của mình chỉ qua hai dòng: “Thi nhân ghi lại bằng những nét mong manh những cảm giác rất nhẹ nhàng. Người xem thơ cũng biết rằng đây là hình ảnh một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá không thể đoán những mẩu đời kia ra thế nào”. Hệ thống hình tượng cần chú ý là “những nét mong manh”, “những cảm giác nhẹ nhàng” phải chăng là những vần thơ, những xúc cảm của tâm hồn thi sĩ. Còn “đôi mẩu đời” là hiện thực đời sống, hiện thực của số phận, của cuộc đời nhân vật trữ tình và ẩn khuất bóng dáng của nhà thơ. “Hình ảnh mờ quá không thể đoán những mẩu đời kia” là gì? Có lẽ là những suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm về thế giới tình cảm, về cuộc sống với những quy luật vốn có trong lòng nó.
          Về bài thơ “Màu thời gian”, “Thi nhân Việt Nam” đã có những chú giải thú vị. Nó như những gợi dẫn sắc sảo, cần thiết nếu như không muốn nói rằng không thể thiếu. Hoài Thanh ghi nhận trước hết mấy lời về “câu chuyện tâm tình”. Để rồi từ đó, ông chú giải khuôn tình của tác giả qua duyên nợ của các chân dung từ những thuở xa xưa, vượt qua bao sóng gió thời gian để thể hiện trong nét tình của Đoàn Phú Tứ. Qua đây, người đọc sẽ có cảm nhận “Màu thời gian” là sự bày tỏ và khơi gợi trong chúng ta cái khát vọng kiếm tìm sự bí ẩn của thế giới tâm linh, thế giới cảm giác của con người đằng sau sau mỗi hình ảnh, mỗi câu chữ trong bài thơ.
          Bàn tiếp đến bài bình về “Màu thời gian”, dựa vào ấn tượng, cảm xúc, rung động của mình khi đọc tác phẩm, Hoài Thanh đã lần lượt bình giá bài thơ trên ba phương diện ý thơ, lời thơ và điệu thơ. Ông phô diễn tất cả bằng thứ ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc, hình ảnh và nhịp điệu: “Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi dần dần trở về hiện tại. Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ”. Chỉ bằng cách gọi tên “hồn thi nhân” gắn với khoảng thời gian “quá khứ”, “hiện tại” mà Hoài Thanh vừa tạo ra hình ảnh, vừa tạo ra nhịp điệu cho câu văn, quan trọng hơn là nhịp điệu cho hình ảnh đã được tạo ra trước nó. Có thể nói, Hoài Thanh làm phê bình mà dường như làm thơ, đúng hơn là phát biểu những ấn tượng thơ. Chỉ khác thi nhân lấy vật liệu từ đời sống thì ông lấy vật liệu từ thi phẩm.
          Tìm khắp bài viết của Hoài Thanh ta không bắt gặp từ khen “hay” nào, thế mà vẫn biết ông đang đánh giá cao tác phẩm và tác giả. Quả thực, là cách khen “kín mà lộ” nhưng có điều “lộ” một cách rất tự nhiên, làm người đọc không thể nhận ra sự sắp đặt sẵn của tư duy: “Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ”…“Trong thơ ta, có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế”. Chính quan hệ gián cách này đã làm cho lời khen của Hoài Thanh được cất dấu và tạo ra độ mờ về ý nghĩa.
          Câu “chốt hạ” trong bài bình này rất có ý nghĩa: “Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế”. Sự tinh tế và kín đáo ấy của “Màu thời gian” có lẽ được tạo nên bởi các đặc trưng của thơ tượng trưng, bởi sự thức tỉnh của giác quan và tâm hồn tác giả. Cho đến nay, bài viết nào nói đến “Màu thời gian” cũng đều viện dẫn nhận định vinh danh này. Đơn giản chỉ vì Hoài Thanh đã thực hiện đúng nhiệm vụ, vai trò của một nhà phê bình. Nhận định của ông vừa tổng kết ý nghĩa cho một thi phẩm, vừa khai mở cho những cách tiếp cận để làm sáng tỏ ý nghĩa ấy. Nhận định đã có tác động, chỉ dẫn, lôi kéo để người đọc từ đó thẩm định giá trị của “Màu thời gian”. Bởi vậy, khi viết về Hoài Thanh (trong cuốn Đi vào cõi Thơ, Tập II, Nhà xuất bản An Tiêm, Paris, năm 1998, trang 70), Bùi Giáng phải thốt lên rằng “không biết bao nhiêu con đường cho những thi sĩ và phê bình gia đi sau” được nảy nở từ phong cách phê bình của Hoài Thanh.
Bài phê bình của Hoài Thanh về Đoàn Phú Tứ và thi phẩm “Màu thời gian” đọng lại trong tâm trí người viết ở hai nếp nghĩ. Một là, phong cách phê bình cảm thụ hồn nhiên theo thị hiếu cá nhân, rất sang cả, nhẹ nhõm, tinh vi và tạo ra nhiều con đường tiếp cận cho người đọc cũng như các phê bình gia sau này. Hai là, ngôn ngữ giàu hình ảnh, các khái niệm và thuật ngữ khoa học đều được chuyển thành hình tượng, cách ngắt nhịp câu văn tạo ra sự cân đối nhịp nhàng mang sức gợi lớn...
          Đến đây, người viết có thể khẳng định: tài của Hoài Thanh là đưa đến một phương thức tiếp nhận văn học bằng lí trí mà không đánh mất những rung động xúc cảm của người đọc, của nhà phê bình. Nói cách khác, phê bình vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, người phê bình dùng lí trí để tư duy và dùng trái tim thể thổ lộ.

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_14f52305615fdc006b347d31c4857891.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)