Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Rèn luyện kĩ năng học tập hợp tác theo nhóm cho học sinh Trung học Cơ sở

Chủ nhật - 21/06/2015 23:32
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, việc đổi mới phương pháp dạy học có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp phát triển một số năng lực cần thiết cho học sinh (HS) như: năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn, năng lực khám phá, năng lực tự học, năng lực hợp tác,… phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm (gọi tắt là phương pháp dạy học theo nhóm) là một trong những phương pháp tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để bồi dưỡng những năng lực này cho HS trung học cơ sở.
Với phương pháp dạy học theo nhóm, giáo viên (GV) tổ chức HS hình thành các nhóm học tập. Mỗi thành viên trong nhóm học tập này có trách nhiệm tự học tập, đồng thời có trách nhiệm giúp đỡ các thành viên khác trong nhóm để cùng hoàn thành mục đích học tập chung của nhóm. Phương pháp dạy học theo nhóm tạo môi trường thuận lợi giúp HS có cơ hội phát biểu, trao đổi và học tập lẫn nhau, cùng nhau tìm hiểu kiến thức mới. Những HS yếu, kém có cơ hội được học hỏi những bạn giỏi hơn; HS khá giỏi không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình mà còn cần giúp đỡ các bạn yếu hơn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Học tập theo nhóm giúp HS phát triển năng lực xã hội, phát triển những kĩ năng như: sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp, thảo luận, bảo vệ ý kiến, giải quyết mâu thuẫn,… HS có cơ hội phát huy hoạt động sáng tạo, đánh giá, tổng hợp, phân tích, so sánh,… biết giải quyết các vấn đề và tình huống, từ đó học hỏi được những kinh nghiệm cần thiết cho bản thân.
Để đáp ứng được nhu cầu dạy học theo phương pháp tích cực, các sinh viên sư phạm cần được trang bị những kiến thức về các phương pháp đó ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà không phải chờ đến khi ra trường mới tự mình tìm tòi, khám phá. Muốn vậy, các giảng viên dạy phương pháp cần cập nhật những kiến thức phù hợp với đặc trưng các môn học. Trong quá trình giảng dạy bộ môn phương pháp Toán ở trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn, tôi nhận thấy dạy học theo nhóm là một trong những phương pháp dạy học tích cực có thể áp dụng cho dạy học Toán ở trường THCS khá hiệu quả. Với những đặc điểm tâm lý của HS trung học cơ sở như: tự coi mình đã trưởng thành, muốn thể hiện quan điểm cá nhân của mình; tình cảm phong phú, nhiệt tình trong quan hệ bạn bè; ý chí phát triển cao, các em đã có những trang bị cần thiết để chinh phục và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong học tập, và khi làm được điều đó sẽ đem lại cho các em sự tự tin đáng kể.  Từ đó phương pháp học tập theo nhóm đem lại những hiệu quả nhất định, đáp ứng những đặc điểm tâm sinh lí kể trên của các em. Thông qua bài viết này, tôi mong muốn đem lại cho sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành Toán những hiểu biết cơ bản về phương pháp dạy học theo nhóm và những kĩ năng cần thiết phải rèn luyện cho HS trong quá trình dạy học bằng phương pháp này. Đây là một phương pháp dạy học phổ biến, dễ thực hiện và tương đối phù hợp với quá trình dạy học Toán ở trường trung học cơ sở.
Muốn thực hiện thành công dạy học theo nhóm ở trường trung học cơ sở, ngoài việc GV cần có những kĩ năng dạy học như: thiết kế mục tiêu và nội dung bài học phù hợp với mô hình dạy học nhóm, phối hợp với các phương pháp dạy học tích cực, điều hành các hoạt động học tập hợp tác, kĩ năng tổng kết nội dung bài học,…. HS cũng cần được rèn luyện những kĩ năng học tập nhất định để thích hợp với các nguyên tắc và yêu cầu của phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm như:
1. Kĩ năng thành lập nhóm: HS sau khi nhận được nhiệm vụ học tập cần di chuyển nhanh vào nhóm, không gây ồn ào; cần tham gia hoạt động ngay sau khi ngồi vào nhóm, ngồi cùng với nhóm trong suốt quá trình hoạt động, giao tiếp vừa đủ không làm ảnh hưởng đến nhóm khác, thực hiện các công việc của nhóm từng bước theo sự phân công.
2. Kĩ năng lập kế hoạch hoạt động nhóm: Có kĩ năng xây dựng một kế hoạch hoạt động cho nhóm một cách cụ thể, hợp lí, bao gồm: thứ tự công việc, nội dung công việc, thời gian, người chịu trách nhiệm,… sẽ đảm bảo cho mỗi thành viên chủ động và có định hướng trong công việc của mình và của cả nhóm.
3. Kĩ năng xây dựng nội quy học tập nhóm: Cần thiết lập những nội quy, những nguyên tắc chung trong hoạt động để mọi thành viên trong nhóm dựa vào đó mà thực hiện, đảm bảo sự quy củ, nghiêm túc trong hoạt động của nhóm.
4. Kĩ năng phân công nhiệm vụ rõ ràng, hợp lí: Phụ thuộc vào vai trò và kĩ năng chỉ đạo của nhóm trưởng. Cần phân công công việc rõ ràng, phù hợp với năng lực của mỗi thành viên để họ ý thức được vai trò của mình, có trách nhiệm hoàn thành công việc. Ngược lại, nếu phân công công việc không rõ ràng, không hợp lí, có người phải đảm nhiệm quá nhiều việc, có người lại không có việc để làm, kết quả là sự bất hợp tác sẽ tác động lớn đến chất lượng của hoạt động nhóm và sản phẩm của nhóm.
5. Kĩ năng thảo luận, trao đổi: Điểm đặc trưng nổi bật nhất của học tập hợp tác theo nhóm là sự hợp tác nhằm xây dựng một sản phẩm trí tuệ tập thể bằng việc thống nhất các ý kiến thông qua sự thảo luận, trao đổi, giữa các thành viên trong nhóm. Vì vậy, đây là một kĩ năng có vị trí rất quan trọng trong hoạt động nhóm. Thảo luận, trao đổi là hoạt động đòi hỏi các thành viên phải tư duy và có tinh thần xây dựng ý kiến hết mình cho nhóm. Để thảo luận, trao đổi có hiệu quả, các thành viên trong nhóm cần có khả năng thuyết trình, diễn giải vấn đề sao cho mạch lạc, thuyết phục; khả năng phản biện cũng như khả năng lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên khác. Thông qua thảo luận, trao đổi có thể nhận biết được cách tiếp cận vấn đề, quan niệm riêng của từng thành viên, mức độ tác động lẫn nhau giữa các thành viên. Kĩ năng này không chỉ giúp cả nhóm thống nhất được ý kiến mà còn giúp mỗi thành viên học hỏi lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển.
6. Nghiên cứu tài liệu: Nghiên cứu tài liệu là một kĩ năng cần thiết trong học tập hợp tác theo nhóm vì kiến thức đưa ra cho hoạt động nhóm thường là những vấn đề rộng, đòi hỏi HS tự tìm tòi, nghiên cứu qua các tài liệu. Muốn nghiên cứu tài liệu hiệu quả, cần biết cách huy động kiến thức, biết đánh giá, chọn lọc, phân tích, tổng hợp các kiến thức theo những vấn đề mình cần tìm… kĩ năng nghiên cứu tài liệu giúp mọi thành viên trong nhóm giải quyết công việc của nhóm mình nhanh chóng hơn.
7. Kĩ năng chia sẻ trách nhiệm: Để hoạt động của nhóm đạt chất lượng và không khí làm việc trong nhóm vui vẻ, đoàn kết mọi thành viên cần chia sẻ trách nhiệm với nhau. Biết chia sẻ hợp lí trách nhiệm giữa các thành viên sẽ tạo động lực giúp hoạt động nhóm đạt hiệu quả cao hơn.
8. Kĩ năng lắng nghe một cách chủ động, tích cực: Lắng nghe một cách hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế rắc rối, thắt chặt các mối quan hệ. Trong học tập hợp tác theo nhóm, kĩ năng lắng nghe là cần thiết, vì lắng nghe là phương pháp cơ bản để tập hợp thông tin. Mục tiêu của lắng nghe là để hiểu, học hỏi, lĩnh hội, giúp đỡ, hỗ trợ.
9. Kĩ năng chia sẻ thông tin: Học tập hợp tác theo nhóm là hợp tác trên cơ sở chia sẻ kiến thức và thông tin từ nhiều thành viên để hoàn thiện nội dung kiến thức chung một cách tốt nhất. Vì vậy kĩ năng chia sẻ thông tin là rất cần thiết, giúp lượng thông tin thêm phong phú – một điều kiện để sản phẩm nhóm đạt chất lượng cao.
10. Kĩ năng giải quyết xung đột: Những xung đột giữa các tư tưởng, ý kiến, lí thuyết, lời giải và phương pháp giải bài tập… có thể gây ra sự bất hoà trong nhóm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động nhóm. Vì vậy, kĩ năng giải quyết xung đột là rất quan trọng đối với hoạt động nhóm, đặc biệt là với nhóm trưởng – người chịu trách nhiệm điều hoà các mối quan hệ trong nhóm.
11. Kĩ năng tự đánh giá hoạt động của nhóm: Để hoạt động nhóm ngày càng đạt hiệu quả, nhóm cần phải thường xuyên đánh giá hoạt động của mình để tự điều chỉnh kịp thời. Đồng thời , tự đánh giá cũng là cách để phát hiện, biểu dương các thành viên tích cực, phê bình các thành viên còn thiếu ý thức… nhằm tạo thêm động lực cho các thành viên trong nhóm nhiệt tình hơn với hoạt động chung. Cần đặc biệt coi trọng sự công bằng trong đánh giá, bởi đó là nguyên nhân chính thúc đẩy hay kìm hãm động lực làm việc của các thành viên. Tự đánh giá ở đây gồm hai nội dung: tự đánh giá sự tham gia hoạt động nhóm của các thành viên trong nhóm và tự đánh giá hoạt động của nhóm (mặt tốt, mặt hạn chế nhằm có biện pháp khắc phục).
Tóm lại, để tổ chức các hoạt động học tập cho HS, không chỉ sử dụng các phương pháp nhận thức học tập mà còn phối hợp với phương pháp giao tiếp, hợp tác nhằm giúp HS giải quyết các nhiệm vụ học tập một cách có hiệu quả hơn. HS không chỉ được hình thành các tri thức và phẩm chất trí tuệ mà còn cần có bản lĩnh giải quyết vấn đề trong môi trường thu nhỏ (nhóm lớp) tạo nền tảng để sau này HS có khả năng thích ứng nhanh với các hoạt động thực tiễn xã hội. Như vậy, việc xác định và rèn luyện kĩ năng học tập hợp tác theo nhóm cho HS sẽ phát huy tính tích cực, đồng thời tạo sự phối hợp, hợp tác hiệu quả giữa các chủ thể trong quá trình học tập ở trường trung học cơ sở.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Bá Kim. Phương pháp dạy học môn Toán. NXB Đại học sư phạm. 2004.
2. Bùi Văn Nghị. Vận dụng lí luận vào thực tiễn dạy học môn Toán ở trường phổ thông. NXB Đại học sư phạm. 2008.
3. Thái Duy Tuyên. Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới. NXB Giáo dục. 2008.

Tác giả bài viết: Đặng Thị Thủy

Nguồn tin: Khoa Tự Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/05-01-2025_e8b7b36cc37c6b0635d8cc9a244cc27f.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)