Nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới
Lương Ánh Chung
2019-11-05T04:32:04-05:00
2019-11-05T04:32:04-05:00
https://bak16.lce.edu.vn/vi/news/Phong-Quan-Li-Dao-Tao/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-dao-tao-theo-hoc-che-tin-chi-tai-truong-cao-dang-su-pham-lang-son-dap-ung-yeu-cau-trong-giai-doan-moi-1011.html
/themes/default/images/no_image.gif
Trường CĐSP Lạng Sơn
https://bak16.lce.edu.vn/uploads/about/empty.png
Thứ ba - 05/11/2019 04:31
Đào tạo theo học chế tín chỉ là một phương thức đào tạo đã chứng minh có nhiều ưu thế hơn so với phương thức đào tạo truyền thống, Hầu hết các cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng tại Việt Nam đã và đang triển khai phương thức đào tạo tiên tiến này trên cơ sở thực hiện phương hướng chỉ đạo của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, trong đó đã nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích lũy kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ở nước ngoài”.
Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn sau gần 57 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, với những chủ trương định hướng đúng đắn, cùng với những chính sách đồng bộ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo Nhà trường đã không ngừng lớn mạnh.
Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; đào tạo bồi dưỡng cử nhân cao đẳng, trung cấp các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật; hợp tác đào tạo đại học; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ủy - Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí giáo dục, tăng cường đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Với chủ chương là trường đào tạo đa ngành, Nhà trường đang thực hiện đào tạo hai nhóm ngành chủ yếu theo hình thức đào tạo tín chỉ bắt đầu từ năm học 2016 - 2017 đến nay gồm: Nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành không đào tạo giáo viên, thực hiện theo các văn bản chỉ đạo hiện nay như: Quy chế 43/2007/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc Ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, văn bản hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15/4/2014 của Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.
Sau gần 3 năm tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả cụ thể sau:
- Về chương trình đào tạo: Hiện nay, bậc đào tạo Cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn bao gồm 9 ngành tương ứng là 9 chương trình đào tạo, việc biên soạn đề cương chi tiết môn học đã được Nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để kịp thời giảng dạy ở các lớp học, khóa học theo quy định.
- Về xây dựng kế hoạch giảng dạy cho từng học kỳ, từng năm học với từng chuyên ngành đào tạo theo yêu cầu của đào tạo tín chỉ; phân bổ các học phần theo học kỳ, năm học, sắp xếp các học phần theo các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành đảm bảo điều kiện tiên quyết và tính logic của các học phần trong chương trình đào tạo. Thời gian dạy học được bố trí từ 2 tiết đến 5 tiết, mỗi tiết giảng dạy 45 phút. Lịch giảng dạy được phân bổ hợp lý giữa giờ lý thuyết, thảo luận, thực hành và giờ nghiên cứu, tự học của sinh viên.
- Về xây dựng đội ngũ giảng viên: Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu về tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên đáp ứng các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn vững, nghiên cứu khoa học và có kiến thức thực tiễn, bố trí giảng viên hợp lý phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo theo tín chỉ, từ 2017 đến nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn có 2 viên chức học nghiên cứu sinh, 15 viên chức học cao học, 1 viên chức hoàn thành học văn bằng 2 GDQP-AN, 2 viên chức học lý luận chính trị cao cấp, 18 viên chức học Trung cấp lý luận Chính trị. Trong những năm qua, nhà trường đã cử nhiều lượt giảng viên đi thực tế ngắn hạn tại các đơn vị địa phương, tham gia học tập nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước.
- Về đổi mới phương pháp giảng dạy: Đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá, coi trọng khâu tự học, tự nghiên cứu, năng lực thực hành, thực tế của sinh viên, đội ngũ giảng viên Nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo tín chỉ theo hướng tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học như trình chiếu Powerpoint, quản lý, đánh giá, xếp loại sinh viên theo kỳ, theo năm, toàn khóa bằng phần mềm, sử dụng trực quan sinh động, tăng cường kiến thức thực tiễn tạo hứng thú học tập cho sinh viên. Tăng cường các hoạt động sau giảng như: báo cáo thực tế, thảo luận, giao bài tập; đồng thời tăng cường tổ chức nghiên cứu tình huống; hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu nhằm giúp các em sinh viên hiểu sâu hơn về nội dung bài giảng.
- Về hoạt động kiểm tra, đánh giá: Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá theo quy định về đào tạo theo tín chỉ theo hướng chuyển từ chủ yếu kiểm tra, đánh giá kiến thức sang kiểm tra, đánh giá năng lực của người học. Việc kiểm tra, đánh giá các học phần sát thực và toàn diện hơn. Điểm học phần được đánh giá bằng nhiều điểm bộ phận như: Điểm chuyên cần, điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ và điểm thi kết thúc học phần... với trọng số khác nhau tùy theo đặc điểm, tính chất của từng học phần trong chương trình, việc quản lý danh sách, tính điểm học tập, rèn luyện, xếp loại của sinh viên theo hình thức đào tạo tín chỉ đều được ứng dụng, tính toán trên phần mềm Quản lý Đào tạo Unisoft, dần dần đã mang lại hiệu quả và tính chính xác cao trong hoạt động đào tạo của nhà trường.
Nhà trường đã đa dạng hóa các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá như: thi vấn đáp, thực hành, thi tự luận, viết tiểu luận... tổ chức nghiêm túc việc học lại, thi lại, thi cải thiện điểm... theo quy định về đào tạo theo tín chỉ. Hiện nay, Nhà trường xây dựng được ngân hàng đề thi kết thúc học phần để phục vụ công tác tổ chức thi kiểm tra, đánh giá được khách quan, chính xác, khắc phục tình trạng sinh viên học tủ, học lệch.
- Về kết quả học tập, rèn luyện đào tạo các khóa theo chương trình đào tạo học chế tín chỉ đạt cao hơn; tỉ lệ khá, giỏi nhiều hơn so với đào tạo niên chế. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ so với đào tạo niên chế không chỉ dựa trên kết quả học tập để đánh giá chất lượng mà cần phải đánh giá theo tổng thể các biện pháp đối với khóa đào tạo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt như trên, quá trình tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn còn một số khó khăn khi triển khai, cụ thể như sau:
- Về tổ chức và quản lý đào tạo: Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn thời gian qua còn một số nội dung chưa được triển khai đồng bộ như việc tổ chức cho sinh viên được lựa chọn giảng viên, tổ chức lớp học theo học phần còn chưa thực hiện được, do số lượng biên chế các lớp không nhiều và không đồng đều nhau giữa các nhóm ngành; việc kiểm tra đánh giá, xếp loại kết quả học tập được chia nhỏ bằng nhiều mức khác nhau, từ đó việc xây dựng thời khóa biểu cũng như đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên vẫn theo mô hình gần như niên chế.
- Về đội ngũ giảng viên: Số lượng giảng viên nhóm ngành không đào tạo giáo viên còn thiếu so với nhu cầu thực tế của Nhà trường. Một số giảng viên còn chậm đổi mới về xây dựng, thiết kế bài giảng, chưa phát huy tính tích cực, sáng tạo và chủ động trong học tập của sinh viên. Nhận thức của giảng viên về hoạt động đào tạo học chế tín chỉ cũng chưa đầy đủ đặc biệt là giảng viên làm công tác GVCN/CVHT trong việc quản lý, đánh giá, xếp loại sinh viên, giảng viên lên lớp trực tiếp còn áp dụng các phương pháp giảng dạy theo cách truyền thống chưa thực sự hiệu quả, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo theo mô hình mới.
- Về phía học sinh sinh viên: Số lượng tuyển sinh hàng năm không đồng đều giữa các nhóm ngành, sinh viên nhóm ngành không đào tạo giáo viên luôn chiếm phần đa số, ý thức phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên nhóm ngành này còn hạn chế dẫn đến chất lượng học tập chưa cao.
- Về cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo: Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo theo học chế tín chỉ còn chưa đồng bộ với quy mô đào tạo của Nhà trường, chưa phù hợp với quy mô và cách thức tổ chức lớp học theo tín chỉ. Số lượng phòng học, phòng chuyên dùng đảm bảo những yêu cầu cơ bản của việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập; số lượng sinh viên khối ngành không đào tạo giáo viên khá đông, số lượng phòng học còn thiếu so với quy mô đào tạo theo từng ngành đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ, hiện đại. Hệ thống tài liệu, giáo trình tại thư viện và lưu trữ chưa phong phú, đa dạng về số lượng và nội dung để phục vụ học viên nghiên cứu, khai thác, nhất là giáo trình, tài liệu tham khảo về học tập, đặc biệt là giáo trình, tài liệu tham khảo cho chuyên ngành tiếng Trung Quốc đang là ngành đào tạo thế mạnh của nhà trường.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo theo học chế tín chỉ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới Trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, Nhà trường cần tiếp tục duy trì và triển khai phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ đối với các hệ đào tạo chính quy. Qua thời gian triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ ở Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho thấy, đây là phương thức đào tạo tiên tiến và có nhiều ưu thế so với đào tạo theo niên chế, phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học Việt Nam và thế giới, từ đó từng bước thực hiện học chế tín chỉ một cách triệt để.
Thứ hai, Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng chương trình đào tạo và nội dung đào tạo. Cải tiến nội dung chương trình giảng dạy, phương pháp dạy học theo hướng cơ bản, thiết thực và hiện đại. Coi trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, trải nghiệm thực tế bằng các mô hình giảng dạy liên kết như: cử giảng viên đi học tập tại nước ngoài, đi thực tế tại các đơn vị có đào tạo mô hình tương đương….. Đổi mới phương pháp đào tạo theo phương thức trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, từng bước xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ cố vấn học tập đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn công tác giáo dục đào tạo hiện nay. Trước hết để đào tạo theo hệ thống tín chỉ đạt hiệu quả cao cần xây dựng đội ngũ giảng viên trình độ cao. Muốn được như vậy, đối với giảng viên các đơn vị, ngoài việc đi thực tế như hiện nay, bên cạnh việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, cần đặc biệt chú ý đào tạo nâng cao ý thức nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với các đồng chí giảng viên trẻ, tập huấn về phương pháp giảng dạy tích cực. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của GVCN/CVHT trong việc giúp đỡ sinh viên học tập theo hệ thống tín chỉ. GVCN/CVHT được xem là một mắt xích trong sợi dây chuyền đào tạo theo hệ thống tín chỉ. GVCN/CVHT cần giúp đỡ, định hướng cho sinh viên trong quá trình học tập các môn chuyên ngành để các em có được hướng học tập đúng đắn.
Thứ tư, tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác đào tạo theo học chế tín chỉ. Tập trung hoàn thiện hệ thống tài liệu, giáo trình, sách giáo khoa đảm bảo vừa có nội dung lý luận cơ bản, vừa bao quát phản ánh được những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh.
Bố trí phòng học chuyên dùng ổn định cho giảng dạy sinh viên chuyên ngành đặc biệt là chuyên ngành tiếng Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên sử dụng phương tiện kỹ thuật vào dạy học.
Tiếp tục sử dụng, khai thác phần mềm Unisoft đồng bộ, tổng thể để tổ chức và quản lý đào tạo một cách toàn diện hơn như việc sắp xếp lịch giảng, tổ chức thi, xét kết quả học tập, rèn luyện, quản lý phòng học…. từng bước thực hiện việc đăng ký học theo học chế tín chỉ…
Thứ năm, bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên theo hướng phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự học của người học, gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên phù hợp với yêu cầu thực tiễn đòi hỏi - đào tạo phải theo nhu cầu của xã hội.
Tác giả bài viết: Lương Ánh Chung