Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Quy chế đào tạo theo tín chỉ - hệ CĐCQ và Trung cấp

Thứ tư - 29/11/2017 00:36
CHƯƠNG 1
QUY ĐỊNH CHUNG
         
I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM, GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
1. Đào tạo theo tín chỉ
Đào tạo theo tín chỉ được tổ chức theo học kỳ, là phương thức đào tạo trong đó người học chủ động lựa chọn theo quy định của nhà trường để học và tích lũy từng môn học/học phần cho tới khi hoàn tất toàn bộ chương trình đào tạo. Người học tích lũy đủ số tín chỉ được quy định trong chương trình đào tạo của ngành học thì được xét cấp bằng tốt nghiệp.
2. Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo cần thể hiện rõ: trình độ đào tạo; đối tượng đào tạo, điều kiện nhập học và điều kiện tốt nghiệp; mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học khi tốt nghiệp; khối lượng kiến thức lý thuyết, thực hành, thực tập; kế hoạch đào tạo theo thời gian thiết kế; phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập và các điều kiện thực hiện chương trình.
Mỗi chương trình gắn với một ngành và được cấu trúc từ các học phần thuộc hai khối kiến thức: giáo dục chung/đại cương và giáo dục chuyên môn/ngành.
a) Khối kiến thức giáo dục chung/đại cương gồm các học phần thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, giáo dục chính trị, tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên  (HSSV) nền tảng kiến thức rộng và cơ bản, nắm vững phương pháp tư duy khoa học để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên môn/ngành.
b) Khối kiến thức giáo dục chuyên môn/ngành gồm các học phần cơ sở phục vụ chuyên ngành, các học phần bổ trợ, các học phần chuyên ngành và thực tập, khóa luận tốt nghiệp nhằm cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần thiết và chuyên sâu.
3. Chương trình/Đề cương môn học
Chương trình/Đề cương môn học của từng học phần/môn học phải thể hiện rõ tên học phần/môn học, số tín chỉ; vị trí, tính chất học phần/môn học, điều kiện tiên quyết (nếu có); mục tiêu học phần/môn học; nội dung lí thuyết, thảo luận/bài tập/thực hành/thí nghiệm, phân bổ thời gian; phương pháp, cách thức kiểm tra/đánh giá học phần; giáo trình, tài liệu tham khảo và các điều kiện thực hiện học phần/môn học.
3. Học phần và Tín chỉ
3.1. Học phần
Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn của một bộ môn khoa học, được thiết kết thuận lợi cho HSSV tích luỹ trong quá trình học tập. Kiến thức trong mỗi học phần gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Từng học phần được kí hiệu bằng một mã số riêng do nhà trường quy định.
Các loại học phần:
- Học phần bắt buộc là học phần có những nội dung kiến thức chính của chương trình đào tạo. HSSV bắt buộc phải hoàn thành học phần này;
- Học phần tự chọn có điều kiện là học phần có những nội dung kiến thức thể hiện tính đa dạng của chương trình đào tạo. HSSV lựa chọn trong số các học phần tự chọn theo quy định của chương trình đào tạo để hoàn thành chương trình;
- Học phần tiên quyết là học phần bắt buộc HSSV phải học và thi đạt yêu cầu mới được tiếp tục học sang học phần sau;
- Học phần tương đương là một hay một nhóm học phần thuộc chương trình đào tạo. Một học phần được công nhận tương đương với học phần khác khi học phần đó có nội dung giống ít nhất 80% và số tín chỉ bằng hoặc lớn hơn học phần so sánh.
- Học phần điều kiện là các học phần: giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh. Kết quả đánh giá các học phần điều kiện không tính vào điểm trung bình chung học kỳ, năm học và điểm trung bình chung tích lũy, xếp loại tốt nghiệp nhưng là một trong các điều kiện để xét tốt nghiệp và được ghi trong bảng điểm học tập toàn khóa của HSSV.
Khóa luận tốt nghiệp hoặc học phần tương tương là học phần tự chọn có điều kiện trong chương trình đào tạo.
3.2. Tín chỉ
Tín chỉ học tập là đơn vị qui chuẩn để lượng hóa khối lượng kiến thức và khối lượng học tập, giảng dạy trong quá trình đào tạo. Tín chỉ học tập cũng là đơn vị để đo lường tiến độ và đánh giá kết quả học tập của HSSV dựa trên số lượng tín chỉ đã tích lũy được. Giờ tín chỉ được quy định như sau:
Một tín chỉ thực hiện được tính bằng 15 tiết lí thuyết hoặc hướng dẫn thảo luận, bài tập; 30 tiết thực hành, thí nghiệm; 45 giờ thực tập tại cơ sở, bài tập lớn, đồ án, khóa luận tốt nghiệp.
Tỉ lệ số tiết lí thuyết, bài tập, thực hành và thảo luận đối với từng học phần do Khoa/Tổ bộ môn đề xuất và thể hiện chi tiết trong chương trình/đề cương môn học.
Thời gian thực học là thời gian HSSV nghe giảng trên lớp, thực hành, thí nghiệm, thảo luận, thực tập hoặc học theo phương thức tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, thí nghiệm.
II. TỔ CHỨC ĐÀO TẠO
1. Kế hoạch đào tạo
Việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo học chế tín chỉ. Nhà trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo học kỳ, năm học và khóa học, thực hiện theo các quy chế đào tạo hiện hành.
Mỗi năm học có hai học kỳ chính và một học kỳ phụ. Mỗi học kỳ chính được bố trí ít nhất 15 tuần thực học và 03 tuần thi. Mỗi học kỳ phụ có ít nhất 5 tuần thực học và 1 tuần thi để HSSV được học lại, học bù hoặc học vượt.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành giáo dục, Nhà trường xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo theo học kỳ, năm học và khóa học để quản lý và tổ chức đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế.
2. Tổ chức lớp học
HSSV khi nhập học được tổ chức biên chế thành lớp theo ngành học và lớp học phần
a) Lớp theo ngành học được tổ chức theo khóa tuyển sinh của ngành đào tạo và giữ ổn định từ đầu đến cuối mỗi khóa học nhằm quản lý HSSV, duy trì các hoạt động đoàn thể, các phong trào thi đua, các hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa, thể thao trong quá trình học tập. Phụ trách lớp theo ngành học là cố vấn học tập. Đại diện lớp theo ngành học là Ban cán sự lớp. HSSV lớp theo ngành học có mã ký hiệu theo quy định của trường CĐSP Lạng Sơn. Trường hợp HSSV được phép nghỉ học tạm thời khi trở lại học tiếp được bố trí vào lớp theo ngành học phù hợp với khối lượng kiến thức đã tích lũy nhưng giữ nguyên mã HSSV đã được cấp.
b) Lớp học phần được tổ chức cho HSSV học cùng một học phần trong cùng một học kỳ. Khoa/Tổ bộ môn phụ trách học phần có trách nhiệm quản lý lớp học phần.
Giảng viên giảng dạy học phần trực tiếp phụ trách lớp học phần. Đại diện lớp học phần là lớp trưởng do giảng viên giảng dạy học phần chỉ định. Lớp trưởng lớp học phần hỗ trợ giảng viên theo dõi việc học tập của HSSV. Tinh thần, thái độ và kết quả học tập của HSSV theo lớp học phần được kết hợp với kết quả rèn luyện lớp theo chuyên ngành để thống nhất quản lý, đánh giá HSSV. Kết quả này được chuyển cho cố vấn học tập, ban cán sự lớp theo chuyên ngành, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đơn vị quản lý HSSV.
Tên lớp học phần được gọi theo mã học phần. Trường hợp một học phần có nhiều lớp học phần, tên lớp học phần được bổ sung thêm số thứ tự lớp học phần.
3. Đăng ký khối lượng học tập
a) Số tín chỉ đăng ký học tập trong mỗi học kỳ (không bao gồm các học phần Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh).
- Đối với HSSV xếp hạng học lực bình thường: tối thiểu số tín chỉ cho mỗi học kỳ được quy định tại chương trình đào tạo các ngành;
- Đối với HSSV xếp hạng học lực yếu: tối đa 75% số tín chỉ cho mỗi học kỳ được quy định trong chương trình đào tạo các ngành.
b) Đăng ký học phần
Đầu mỗi năm học, nhà trường thông báo lịch trình học dự kiến cho từng chương trình trong các học kì, danh sách các học phần bắt buộc và tự chọn, đề cương/chương trình môn học, điều kiện tiên quyết để được đăng kí học cho từng học phần, lịch kiểm tra và thi, hình thức kiểm tra, thi đối với các học phần.
Trong học kì đầu khi mới nhập học, HSSV học theo thời khóa biểu do nhà trường sắp xếp cho từng lớp. Trong các học kì tiếp theo, HSSV tự chọn và đăng kí các môn học phù hợp với điều kiện cá nhân dưới sự hướng dẫn của cố vấn học tập. Việc đăng ký các học phần được thực hiện qua phần mềm đăng ký học hoặc qua phiếu đăng ký học phần.
Việc đăng kí các học phần sẽ học cho từng học kì phải bảo đảm điều kiện tiên quyết của từng học phần và trình tự học tập của mỗi chương trình cụ thể.
Trường hợp số lượng HSSV đăng ký thấp hơn số lượng tối thiểu do nhà trường quy định thì lớp học phần sẽ bị hủy và HSSV phải đăng ký học lớp khác (có thể cùng hoặc khác học phần với lớp bị hủy) đảm bảo đủ khối lượng học tập tối thiểu cho mỗi học kỳ theo quy định.
Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với HSSV ở học kì phụ.
c) Thời gian đăng ký học phần
- Trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, HSSV tham khảo ý kiến tư vấn của cố vấn học tập để đăng ký các học phần dự định sẽ học trong học kỳ đó;
- Việc đăng ký học được thực hiện từ 02 tháng trước khi học kỳ bắt đầu, thời điểm bắt đầu đăng ký được công bố trên website của trường; chậm nhất 1 tháng trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, HSSV phải hoàn thành đăng ký các học phần.
d) Đăng ký học lại
- HSSV có học phần bị cấm thi (không đủ điều kiện dự thi kết thúc học phần) hoặc có học phần bắt buộc bị điểm F+, F (không đạt) sau hai lần thi, HSSV phải đăng ký học lại (tối thiểu 80% khối lượng kiến thức) học phần đó cho đến khi thi kết quả đạt từ điểm D trở lên. Các hình thức học lại đối với học phần lí thuyết và học phần thực hành được thực hiện theo quy định của nhà trường.
- Đối với học phần tự chọn, nếu bị điểm F+, F sau hai lần thi, HSSV đăng ký học lại học phần đó hoặc đăng ký học học phần tự chọn khác tương đương.
e) Đăng ký học cải thiện điểm
Đối với các học phần đạt điểm D+, D HSSV được đăng ký học lại học phần đó hoặc học đổi sang học phần khác (nếu là học phần tự chọn) để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy. Điểm học phần là điểm cao nhất sau khi học cải thiện điểm. HSSV chỉ được đăng ký học cải thiện điểm một lần cho mỗi học phần.
f) Học phần được bảo lưu, học phần tương đương
 Điểm và số tín chỉ của các học phần có cùng nội dung, thời lượng mà HSSV đã học được Nhà trường công nhận giá trị chuyển đổi, bảo lưu để lập hồ sơ HSSV trước khi bắt đầu thực hiện kế hoạch học tập theo chương trình đào tạo mới (học hai chương trình). Trong thời hạn đăng ký học phần, HSSV không phải đăng ký học phần được công nhận giá trị chuyển đổi và bảo lưu, chỉ cần đăng ký những học phần không được bảo lưu trong chương trình đào tạo.
g) Kết quả đăng ký học phần
Phòng Quản lý đào tạo thông báo kết quả đăng ký học phần cho HSSV khi HSSV đã hoàn thành việc đăng ký đảm bảo khối lượng học tập tối thiểu của học kỳ theo quy định. Kết quả đăng ký bao gồm số học phần trong học kỳ; tên, số tín chỉ, tên lớp học phần, tiết học, phòng học của từng học phần và xác nhận những học phần được bảo lưu, tương đương (nếu có).
Kết quả đăng ký học phần chỉ được chấp nhận sau khi HSSV hoàn thành nộp học phí đối với những chuyên ngành phải đóng học phí theo quy định.
4. Học phần điều kiện
a) Các học phần điều kiện bao gồm Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, HSSV phải tham gia học tập, đánh giá kết quả đạt từ điểm D trở lên theo quy định sẽ được xét hoàn thành khối lượng học tập, xét tốt nghiệp khóa đào tạo, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình môn học đối với hệ cao đẳng và được ghi vào bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp.
Kết quả đánh giá các học phần điều kiện không tính vào điểm trung bình chung học kỳ, năm học, điểm trung bình chung tích lũy, xếp loại tốt nghiệp.
b) Việc miễn, giảm hoặc tạm hoãn học các học phần Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện theo các văn bản quy định hiện hành.
c) Miễn, tạm hoãn học các học phần giáo dục thể chất:
- Đối tượng được miễn học: HSSV đã được cấp chứng chỉ giáo dục thể chất phù hợp với trình độ đào tạo.
- Đối tượng được tạm hoãn học: HSSV đang học nhưng sức khỏe không đảm bảo; nữ sinh đang mang thai, đang trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định hiện hành hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.
Các đối tượng trên sau khi hết thời hạn tạm hoãn phải tiếp tục học những nội dung còn thiếu trong chương trình môn học quy định.
5. Xét điều kiện dự thi; tổ chức kỳ thi kết thúc học phần, thi lại
a) Xét điều kiện dự thi kết thúc học phần
Căn cứ quy chế đào tạo, văn bản hướng dẫn của nhà trường, các Khoa tổ chức xét điều kiện dự thi kết thúc học phần của HSSV. Nộp biên bản xét điều kiện dự thi, danh sách HSSV đủ điều kiện dự thi, danh sách HSSV không đủ điều kiện dự thi về Phòng Quản lý đào tạo, Phòng Khảo thí – KĐCL – CNTT.
b) Tổ chức kì thi kết thúc học phần
Cuối mỗi học kì, nhà trường tổ chức kì thi kết thúc học phần gồm lần 1 và lần 2 (nếu có) cho mỗi học phần. Thi lần 2 dành cho những HSSV không đủ điều kiện tham dự kì thi lần 1 nhưng đã bổ sung đủ điều kiện trước khi thi lần 2 hoặc có học phần bị điểm F+, F.
c) Thi lại: HSSV có học phần bị điểm F+, F sau lần thi thứ nhất được thi lại lần hai hoặc tham gia kỳ phụ theo lịch quy định của nhà trường.
6. Cảnh báo học vụ
Cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ và thông báo tới HSSV có kết quả học tập kém để biết và lập phương án học tập thích hợp, từ đó có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình.
Việc cảnh báo kết quả học tập của HSSV dựa trên một trong ba điều kiện sau:
a) Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1,20 đối với HSSV năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với HSSV năm thứ hai, dưới 1,60 đối với HSSV năm thứ ba.
b) Điểm trung bình chung học kì đạt dưới 0,80 đối với học kì đầu của khóa học, dưới 1,00 đối với các học kì tiếp theo.
c) Tổng số tín chỉ các học phần bị điểm F+, F lớn hơn hoặc bằng 24 tín chỉ đối với hệ cao đẳng, 15 tín chỉ đối với hệ trung cấp tính từ đầu khóa đến thời điểm xét.
Nếu số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá 02 lần liên tiếp hoặc vượt quá thời hạn 05 năm đối với hệ cao đẳng, 04 học tập đối với hệ trung cấp thì HSSV bị buộc phải thôi học.
7. Học cùng lúc hai chương trình
Học cùng lúc hai chương trình dành cho HSSV có đủ điều kiện theo quy định và có nhu cầu đăng ký học thêm một chương trình thứ hai để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng. Điều kiện để học cùng lúc hai chương trình:
a) Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất;
b) Sau khi đã kết thúc năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất và HSSV không thuộc diện xếp hạng học lực yếu.
c) Trong quá trình học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 2,00 thì phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.
Khi học chương trình thứ hai, HSSV được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.
HSSV chỉ được xét tốt nghiệp ở chương trình thứ hai nếu đã tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.
8. Xếp hạng năm đào tạo và xếp loại kết quả học tập
a) Xếp hạng năm đào tạo: Sau mỗi học kì, căn cứ khối lượng kiến thức tích lũy trong chương trình đào tạo, HSSV sẽ được xếp hạng các năm đào tạo theo quy định.
b) Xếp loại kết quả học tập: Căn cứ vào điểm trung bình chung tích luỹ (theo thang điểm 4), HSSV được xếp loại về kết quả học tập theo học kỳ như sau:
- Loại Xuất sắc: điểm trung bình chung tích lũy từ 3,60 đến 4,00
- Loại Giỏi: điểm trung bình chung tích lũy từ 3,20 đến 3,59
- Loại Khá: điểm trung bình chung tích lũy từ 2,50 đến 3,19
- Loại Trung bình: điểm trung bình chung tích lũy từ 2,00 đến 2,49
 - Loại Yếu: điểm trung bình chung tích lũy thấp hơn 2,00.
Kết quả học tập trong học kì phụ (nếu có) được nhập vào kết quả học tập trong học kì chính ngay trước khi kết thúc học kì phụ để xếp loại HSSV về học lực.
9. Đánh giá kết quả học tập
Kết quả học tập của HSSV được đánh giá sau từng học kì qua các tiêu chí:
a) Số tín chỉ của các học phần mà HSSV đăng kí học vào đầu mỗi học kì (khối lượng học tập đăng kí).
b) Điểm trung bình chung học kì là điểm trung bình có trọng số của các học phần theo thang điểm 4 mà HSSV đăng kí học trong học kì đó, với trọng số là số tín chỉ tương ứng của từng học phần.
c) Khối lượng kiến thức tích lũy là khối lượng tính bằng tổng số tín chỉ của những học phần đã được tích lũy (đạt điểm A+, A, B+, B, C+, C, D+, D theo thang điểm chữ) tính từ đầu khóa học.
d) Điểm trung bình chung tích lũy là điểm trung bình theo thang điểm 4 của các học phần đã được tích lũy (đạt điểm A+, A, B+, B, C+, C, D+, D theo thang điểm chữ) tính từ đầu khóa học cho tới thời điểm được xem xét vào lúc kết thúc mỗi học kì.
10. Quy đổi điểm môn học, điểm trung bình chung học kỳ, điểm trung bình chung tích lũy
a) Điểm học phần là tổng điểm của tất cả các điểm đánh giá bộ phận của học phần nhân với trọng số tương ứng (theo Mục 3 – Chương 2, Mục 3 – Chương 3). Điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân theo thang điểm 10, sau đó được chuyển thành điểm chữ như sau:
* Loại đạt:                   
A+ (9,5 – 10) và A (8,5 – 9,4)         Giỏi
B+ (8,0 – 8,4) và B (7,0 – 7,9)        Khá
C+ (6,5 – 6,9) và C (5,5 – 6,4)        Trung bình
D+ (5,0 – 5,4) và D (4,0 - 4,9)         Trung bình yếu
Điểm học phần chỉ được tích lũy khi đạt từ điểm D trở lên (Điểm học phần là bằng hoặc lớn hơn 4,0 theo thang điểm 10).
* Loại không đạt:        F+ (2,0 – 3,9) và F (dưới 2,0)          Kém
Đối với những học phần chưa đủ cơ sở để đưa vào tính điểm trung bình chung học kì, khi xếp mức đánh giá được sử dụng các kí hiệu sau:
                           I           Chưa đủ dữ liệu đánh giá
                           X         Chưa nhận được kết quả thi.
Đối với những học phần được nhà trường cho phép chuyển điểm, khi xếp mức đánh giá được sử dụng kí hiệu R viết kèm với kết quả.
* Thủ tục xin điểm I và R như sau:
- HSSV làm đơn gửi trưởng khoa và trưởng phòng Quản lý đào tạo (kèm theo minh chứng xác đáng cần thiết)
- HSSV nhận lại kết quả (02 bản photo) sau 03 ngày, 01 bản nộp về khoa quản lý HSSV, bản còn lại HSSV tự lưu để theo dõi.
- Khoa quản lý HSSV nhập điểm I, R cho HSSV
* Thủ tục trả điểm I: khi học phần mà HSSV đã xin điểm I và được chấp nhận có tổ chức thi kết thúc học phần, HSSV làm đơn gửi phòng Quản lý đào tạo, Khảo thí – KĐCL – CNTT để được cấp giấy xác nhận vào phòng thi.
Việc xếp loại theo mức điểm X được áp dụng đối với học phần mà Phòng Quản lý đào tạo chưa nhận được báo cáo kết quả học tập của HSSV từ khoa chuyển lên
* Mối quan hệ giữa thang điểm 10, điểm chữ và thang điểm 4 như sau:
Xếp loại Thang điểm 10 Thang điểm 4
Điểm chữ Điểm số
Loại đạt
(Tích lũy)
Từ 9,5 đến 10 A+ 4,0
Từ 8,5 đến 9,4 A
Từ 8,0 đến 8,4 B+ 3,5
Từ 7,0 đến 7,9 B 3,0
Từ 6,5 đến 6,9 C+ 2,5
Từ 5,5 đến 6,4 C 2,0
Từ 5,0 đến 5,4 D+ 1,5
Từ 4,0 đến 4,9 D 1,0
 
 
Xếp loại Thang điểm 10 Thang điểm 4
Điểm chữ Điểm số
Loại không đạt Từ 2,0 đến 3,9 F+ 0,5
Dưới 2,0 F 0,0
 
 
b) Cách tính điểm trung bình chung
Điểm trung bình chung học kì, năm học và điểm trung bình chung tích lũy được tính theo công thức sau và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân (theo thang điểm 10):  

   Trong đó:
A là điểm trung bình chung học kì hoặc điểm trung bình chung tích lũy
ai là điểm của học phần thứ i
ni là số tín chỉ của học phần thứ i;   n là tổng số học phần.
Điểm trung bình chung học kì để xét học bổng, khen thưởng sau mỗi học kì chỉ tính theo kết quả thi kết thúc học phần ở lần thi thứ nhất. Điểm trung bình chung học kì và điểm trung bình chung tích lũy để xét thôi học, xếp hạng học lực HSSV và xếp hạng tốt nghiệp được tính theo điểm thi kết thúc học phần cao nhất trong các lần thi.
III. XÉT VÀ CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP
1. Khoá luận tốt nghiệp hoặc học phần tương đương
Đầu học kỳ cuối khoá, HSSV có thể đăng kí làm khoá luận tốt nghiệp hoặc học thêm một số học phần tương đương theo quy định sau:
a) Khoá luận tốt nghiệp: áp dụng cho HSSV đạt mức kết quả học tập theo quy định của trường. Khoá luận tốt nghiệp là học phần có khối lượng không quá 04 tín chỉ.
b) Học và thi một số học phần tương đương: HSSV không được xét làm khoá luận tốt nghiệp phải đăng kí học thêm một số học phần chuyên môn tương đương được quy định trong chương trình của từng ngành và được xem như những học phần bắt buộc.
c) Điều kiện HSSV được làm khóa luận tốt nghiệp
Các điều kiện để HSSV được đăng kí làm khoá luận tốt nghiệp như sau:
- Điểm trung bình chung học tập của 4 học kì đầu và các học phần thuộc chuyên ngành làm khóa luận tốt nghiệp phải đạt từ 2,5 trở lên (theo thang điểm 4);
- HSSV có đơn đăng kí, được giảng viên đồng ý hướng dẫn và được Hội đồng khoa học và đào tạo xem xét lựa chọn. Danh sách HSSV làm khóa luận do phòng Quản lý đào tạo, phòng Quản lý khoa học – CTĐN quản lí và được Hiệu trưởng phê duyệt.
2. Điều kiện xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp
HSSV có đủ các điều kiện sau thì được xét và công nhận tốt nghiệp:
a) Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỉ luật ở mức đình chỉ học tập;
b) Tích lũy đủ số học phần và khối lượng của chương trình đào tạo chuyên ngành theo quy định;
c) Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên (theo thang điểm 4);
d) Thỏa mãn một số yêu cầu về kết quả học tập đối với nhóm học phần thuộc ngành đào tạo chính, chuẩn đầu ra và các điều kiện khác do Hiệu trưởng quy định;
e) Có đơn gửi phòng Quản lý đào tạo đề nghị được xét tốt nghiệp trong trường hợp đủ điều kiện tốt nghiệp sớm hoặc muộn so với thời gian thiết kế của khoá học.
3. Xếp hạng và cấp bằng tốt nghiệp
a) Hạng tốt nghiệp được xác định theo điểm trung bình chung tích lũy của toàn khoá học, như sau:
Loại Xuất sắc:             Điểm trung bình chung tích lũy từ 3,60 đến 4,00;
Loại Giỏi:                    Điểm trung bình chung tích lũy từ 3,20 đến 3,59;
Loại Khá:                     Điểm trung bình chung tích lũy từ 2,50 đến 3,19;
Loại Trung bình:         Điểm trung bình chung tích lũy từ 2,00 đến 2,49.
Hạng tốt nghiệp của những sinh viên có kết quả học tập toàn khoá loại Xuất sắc và Giỏi sẽ bị giảm đi một mức, nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
- Có khối lượng của các học phần phải thi lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình (không tính các học phần điều kiện);
- Đã bị kỉ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học tập tại trường.
Kết quả học tập của HSSV được ghi vào bảng điểm theo từng học phần. Trong bảng điểm ghi rõ chuyên ngành (hướng chuyên sâu) hoặc ngành phụ (nếu có).
Bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp được quy định thống nhất về hình thức và nội dung, trong đó điểm đánh giá của từng học phần ghi theo mức điểm chữ và điểm số (thang điểm 10).
b) Cấp bằng tốt nghiệp
Bằng tốt nghiệp được cấp theo ngành học, trong bằng có ghi rõ tên ngành học, hình thức đào tạo và hạng tốt nghiệp.
Công bố công khai danh sách HSSV tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử của Nhà trường.
* Ghi chú: HSSV không tốt nghiệp được cấp giấy chứng nhận về các học phần đã học trong chương trình của Nhà trường. Những HSSV này nếu có nguyện vọng, được quyền làm đơn xin chuyển qua các chương trình khác theo quy định.  
IV. LƯU HỒ SƠ VÀ BẢO LƯU KẾT QUẢ HỌC TẬP
1. Lưu hồ sơ đào tạo
a) Cấp Khoa: Các khoa có trách nhiệm lưu và bảo quản các hồ sơ liên quan trong quá trình đào tạo do khoa quản lý.
* Hồ sơ đào tạo phải lưu có thời hạn gồm:
- Biên bản xét điều kiện dự thi;
- Biên bản của Hội đồng thi;
- Bài thi kết thúc học phần.
* Hồ sơ đào tạo phải lưu lâu dài gồm:
- Bảng điểm thi kết thúc học phần;
- Bảng điểm tổng hợp theo kỳ, năm học của các lớp do đơn vị quản lý (có chữ ký xác nhận của CVHT/GVCN, Lãnh đạo khoa, Phòng Quản lý đào tạo).
Ngoài ra, các khoa có trách nhiệm quản lý Sổ lên lớp hàng ngày của các lớp thuộc đơn vị, kết thúc khóa học bàn giao cho phòng Quản lý đào tạo.
b) Cấp trường: Phòng Quản lý đào tạo, phòng TC-CTHSSV lưu hồ sơ các ngành đào tạo của nhà trường theo chức năng nhiệm vụ.
* Hồ sơ lưu tại phòng Quản lý đào tạo gồm:
- Quyết định xác định chỉ tiêu đào tạo của Bộ GDĐT, Bộ LĐ – TB&XH;
- Quyết định trúng tuyển nhập học;
- Quyết định phân lớp đào tạo;
- Bảng điểm tổng hợp theo kỳ, năm học của tất cả các lớp (có chữ ký xác nhận của CVHT/GVCN, Lãnh đạo khoa, phòng Quản lý đào tạo);
- Bảng điểm toàn khóa các lớp (có ký duyệt của lãnh đạo trường);
- Sổ lên lớp hàng ngày toàn khóa học;
- Hồ sơ của Hội đồng xét tốt nghiệp;
- Quyết định công nhận tốt nghiệp; Quyết định hoàn thành chương trình Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và an ninh;
- Hồ sơ cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định.
* Hồ sơ lưu tại phòng Tổ chức – Công tác HSSV gồm:
- Quyết định xác định chỉ tiêu đào tạo của Bộ GDĐT, Bộ LĐ – TB&XH;
- Quyết định trúng tuyển nhập học;
- Quyết định phân lớp theo ngành học;
- Bảng tổng hợp kết quả rèn luyện theo kỳ, năm học, khóa học của tất cả các lớp (có chữ ký xác nhận của CVHT/GVCN, lãnh đạo khoa, phòng TC – CTHSSV);
- Quyết định công nhận tốt nghiệp.
2. Bảo lưu kết quả học tập
HSSV được bảo lưu kết quả học tập theo yêu cầu cá nhân phải hoàn thành ít nhất một kỳ học tại trường và phải đạt điểm trung bình chung các học phần đã tích lũy tính từ đầu khóa học không được dưới 1,60 (theo thang điểm 4) và những học phần đạt từ điểm D trở lên mới được bảo lưu điểm. Hồ sơ xin bảo lưu gồm:
- Đơn xin bảo lưu kết quả học tập của HSSV (mẫu của phòng TC-CTHSSV).
- Bảng điểm của HSSV xin bảo lưu theo học kỳ/năm học phải có đầy đủ điểm các học phần, kể cả môn Giáo dục thể chất, GDQP&AN (có chữ ký xác nhận của CVHT/GVCN, lãnh đạo khoa quản lý HSSV). Cố vấn học tập nhận đơn và lập bảng điểm HSSV xin bảo lưu (có xác nhận lãnh đạo đơn vị), phòng Quản lý đào tạo chịu trách nhiệm thẩm định kết quả. Phòng Tổ chức – Công tác HSSV nhận, quản lý hồ sơ và tham mưu cho lãnh đạo nhà trường giải quyết.
 
 
CHƯƠNG 2
MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI HỆ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM
 
1. Điều kiện dự thi kết thúc học phần
HSSV được dự thi kết thúc học phần khi có đủ các điều kiện sau:
- Không được nghỉ quá 20% số tiết học của học phần kể cả có lý do chính đáng được nhà trường cho phép.
- Có đủ số điểm kiểm tra thường xuyên/định kỳ theo quy định.
HSSV nghỉ học quá 20% số tiết quy định của mỗi học phần thì không được dự thi kết thúc học phần lần thứ nhất. Những HSSV này sau khi tham gia học bổ sung đủ nội dung kiến thức còn thiếu của học phần thì được dự thi kết thúc học phần ở kỳ thi lần 2, trong đó những HSSV nghỉ học có lý do chính đáng thì được tính là thi lần đầu.
HSSV không tham gia học bổ sung nội dung kiến thức còn thiếu của học phần do nghỉ học quá thời gian theo quy định mà không có lý do chính đáng phải nhận điểm 0 để tính là điểm thi kết thúc học phần của học phần đó.
HSSV nghỉ học có lý do chính đáng nhưng không tham gia học bổ sung kiến thức còn thiếu của học phần trong thời hạn cho phép thì cũng phải nhận điểm 0 để tính là điểm thi kết thúc học phần của học phần đó.
Trường hợp HSSV nghỉ học từ 20% đến 50% số tiết của học phần thì phải học bổ sung 50% số tiết của học phần đó; nghỉ học quá 50% số tiết thì phải học bổ sung ít nhất 80% số tiết của học phần đó. HSSV học bổ sung phải đóng lệ phí theo quy định của nhà trường.
Đề cương giảng dạy học phần cho HSSV học bổ sung do giảng viên  trực tiếp dạy xây dựng, tổ trưởng chuyên môn phê duyệt. Khoa xây dựng lịch học bổ sung cho HSSV có thể trước hoặc trong thời gian thi lần 1. Sau khi đã dạy bổ sung đủ số tiết, số điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ, khoa xét điều kiện dự thi học phần theo quy định.
2. Đánh giá học phần
Đánh giá học phần bao gồm: ý thức học tập/chuyên cần, kết quả kiểm tra thường xuyên/định kỳ và thi kết thúc học phần.
2.1. Đối với các học phần chỉ có lí thuyết hoặc có cả lí thuyết và thực hành: Điểm tổng hợp đánh giá học phần (sau đây gọi tắt là Điểm học phần) được tính căn cứ vào các điểm đánh giá bộ phận sau:
Điểm ý thức học tập/chuyên cần: Điểm đánh giá về thái độ tham gia thảo luận, thực hành và chuyên cần, trọng số là 10%.
Đánh giá điểm ý thức/chuyên cần như sau:
TT Nội dung, tiêu chí đánh giá Mức điểm
1 Đi học đầy đủ; thái độ học tập, tham gia các hoạt động học tập (thảo luận, thực hành, ...), hoàn thành và giải quyết các vấn đề liên quan đến môn học,...ở mức độ tốt Từ 9,0 đến 10 điểm
2 Nghỉ học ≤ 8%; thái độ học tập, tham gia các hoạt động học tập (thảo luận, thực hành, ...), hoàn thành và giải quyết các vấn đề liên quan đến môn học,...ở mức khá Từ 7,0 đến 8,9 điểm
3 8% < Nghỉ học ≤ 12%; thái độ học tập, tham gia các hoạt động học tập (thảo luận, thực hành, ...), hoàn thành và giải quyết các vấn đề liên quan đến môn học,...ở mức độ trung bình khá Từ 5,0 đến 6,9 điểm
4 12% < Nghỉ học ≤ 15%; thái độ học tập, tham gia các hoạt động học tập (thảo luận, thực hành, ...), hoàn thành và giải quyết các vấn đề liên quan đến môn học,...ở mức độ trung bình. Từ 3,0 đến 4,9 điểm
5 15% < Nghỉ học ≤ 20%; thái độ học tập, tham gia các hoạt động học tập (thảo luận, thực hành, ...), hoàn thành và giải quyết các vấn đề liên quan đến môn học,...ở mức độ còn hạn chế. Từ 0 đến 2,9 điểm
 
 
Điểm kiểm tra định kỳ: Kiểm tra định kỳ được quy định trong chương trình môn học. Kiểm tra định kỳ có thể bằng hình thức kiểm tra viết (tự luận, trắc nghiệm,...) với thời gian làm bài từ 45 đến 60 phút, kiểm tra vấn đáp, chấm điểm bài tập lớn, tiểu luận, làm bài thực hành và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác. Trọng số điểm kiểm tra định kỳ là 30%.
Hình thức kiểm tra định kỳ và thi kết thúc học phần cần thống nhất và được quy định trong chương trình môn học, cụ thể như sau:
- Học phần 02 tín chỉ phải có ít nhất 01 điểm kiểm tra định kỳ.
- Học phần từ 03 đến 04 tín chỉ phải có ít nhất 02 điểm kiểm tra định kỳ.
- Học phần từ 05 tín chỉ trở lên phải có ít nhất 03 điểm kiểm tra định kỳ.
HSSV không dự kiểm tra nếu không có lý do chính đáng thì phải nhận điểm 0 (không) cho bài kiểm tra đó, trường hợp có lý do chính đáng thì được làm bài kiểm tra bổ sung. Giảng viên phụ trách học phần phải công bố cho HSSV các điểm trên trước khi kết thúc học phần và được ghi trong sổ điểm của lớp.
Điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi học phần và trọng số là 60%.
Trong một số trường hợp, việc lựa chọn các hình thức kiểm tra bộ phận và trọng số các điểm kiểm tra bộ phận do giảng viên đề xuất và được quy định trong đề cương môn học được phê duyệt.
* Lưu ý:
Đối với các học phần lí thuyết, trên cơ sở ý thức và kết quả học tập của HSSV theo quy định, giảng viên có thể đề nghị Tổ bộ môn và Khoa xét duyệt danh sách HSSV được làm tiểu luận học phần. Điểm đánh giá tiểu luận học phần sẽ thay thế cho điểm thi kết thúc học phần. Khoa và Phòng Quản lý đào tạo chịu trách nhiệm quản lí danh sách HSSV và kết quả tiểu luận. Số lượng HSSV được phép làm tiểu luận của mỗi học phần được thực hiện theo quy định của nhà trường.
2.2. Đối với các học phần thực hành: HSSV phải tham dự đầy đủ các bài thực hành. Điểm trung bình cộng của điểm các bài thực hành trong học kì được làm tròn đến một chữ số thập phân là điểm của học phần thực hành.
3. Cách tính điểm đánh giá bộ phận, điểm học phần
a) Điểm đánh giá chuyên cần, điểm kiểm tra thường xuyên/định kỳ và điểm thi kết thúc học phần được chấm theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10), làm tròn đến một chữ số thập phân.
b) Điểm tổng hợp học phần (Điểm học phần) được tính theo trọng số các loại điểm thành phần của học phần, làm tròn đến một chữ số thập phân, cụ thể:

trong đó:
ĐHP: Điểm học phần
ĐCC: Điểm đánh giá ý thức học tập/chuyên cần, trọng số 10%;
ĐKTĐK: Điểm trung bình cộng của các điểm kiểm tra định kỳ, trọng số 30%;
ĐT: Điểm thi kết thúc học phần, trọng số 60%
Một học phần được xem là đạt nếu điểm đánh giá học phần là bằng hoặc lớn hơn 4,0 điểm (theo thang điểm 10).
 
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI HỆ CAO ĐẲNG VÀ TRUNG CẤP
CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO NGOÀI SƯ PHẠM
 
1. Điều kiện dự thi kết thúc học phần
HSSV được dự thi kết thúc học phần khi bảo đảm các điều kiện sau:
- Tham dự ít nhất 80% thời gian học lý thuyết và đầy đủ các bài học tích hợp, bài học thực hành, thực tập và các yêu cầu của học phần/môn học được quy định trong chương trình môn học.
- Có đủ số điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo quy định; Điểm trung bình chung các điểm kiểm tra đạt từ 5,0 điểm trở lên theo thang điểm 10.
HSSV nghỉ học quá 20% số tiết quy định của mỗi học phần thì không được dự thi kết thúc học phần lần thứ nhất. Những HSSV này sau khi tham gia học bổ sung đủ nội dung kiến thức còn thiếu của học phần thì được dự thi kết thúc học phần ở kỳ thi lần 2, trong đó những HSSV nghỉ học có lý do chính đáng thì được tính là thi lần đầu.
HSSV không tham gia học bổ sung nội dung kiến thức còn thiếu của học phần do nghỉ học quá thời gian theo quy định mà không có lý do chính đáng phải nhận điểm 0 để tính là điểm thi kết thúc học phần của học phần đó.
HSSV nghỉ học có lý do chính đáng nhưng không tham gia học bổ sung kiến thức còn thiếu của học phần trong thời hạn cho phép thì cũng phải nhận điểm 0 để tính là điểm thi kết thúc học phần của học phần đó.
Trường hợp HSSV nghỉ học từ 20% đến 50% số tiết của học phần thì phải học bổ sung 50% số tiết của học phần đó; nghỉ học quá 50% số tiết thì phải học bổ sung ít nhất 80% số tiết của học phần đó. HSSV học bổ sung phải đóng lệ phí theo quy định của nhà trường.
2. Đánh giá học phần
Đánh giá học phần bao gồm: kết quả kiểm tra thường xuyên, định kỳ và thi kết thúc học phần. Trong đó điểm trung bình kiểm tra có trọng số 40% và điểm thi kết thúc học phần có trọng số 60%.
2.1. Tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ
- Kiểm tra thường xuyên được quy định trong chương trình môn học. Kiểm tra thường xuyên do giáo viên giảng dạy môn học thực hiện tại thời điểm bất kỳ trong quá trình học theo từng môn học thông qua việc kiểm tra vấn đáp trong giờ học, kiểm tra viết (tự luận, trắc nghiệm,...) với thời gian làm bài bằng hoặc dưới 45 phút, kiểm tra một số nội dung thực hành, thực tập, chấm điểm bài tập và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác.
- Kiểm tra định kỳ được quy định trong chương trình môn học. Kiểm tra định kỳ có thể bằng hình thức kiểm tra viết (tự luận, trắc nghiệm,...) với thời gian làm bài từ 45 đến 60 phút, kiểm tra vấn đáp, chấm điểm bài tập lớn, tiểu luận, làm bài thực hành, thực tập và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác.
Hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ và thi kết thúc học phần cần thống nhất và được quy định trong chương trình môn học.
* Quy định số bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ:
- Học phần 02 tín chỉ phải có ít nhất 01 điểm kiểm tra thường xuyên, 01 điểm kiểm tra định kỳ.
- Học phần từ 03 đến 04 tín chỉ phải có ít nhất 01 điểm kiểm tra thường xuyên, 02 điểm kiểm tra định kỳ.
- Học phần từ 05 tín chỉ trở lên phải có ít nhất 01 điểm kiểm tra thường xuyên, 03 điểm kiểm tra định kỳ.
HSSV không dự kiểm tra nếu không có lý do chính đáng thì phải nhận điểm 0 (không) cho bài kiểm tra đó, trường hợp có lý do chính đáng thì được làm bài kiểm tra bổ sung. Giảng viên phụ trách học phần phải công bố cho HSSV các điểm trên trước khi kết thúc học phần và được ghi trong sổ điểm của lớp.
2.2. Đối với các học phần thực hành: HSSV phải tham dự đầy đủ các bài thực hành. Điểm trung bình cộng của điểm các bài thực hành trong học kì được làm tròn đến một chữ số thập phân là điểm của học phần thực hành.
2.3. Thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi học phần (trừ các học phần được quy định trong chương trình đào tạo của ngành học) và trọng số là 60%.
* Lưu ý: Đối với các học phần lí thuyết, trên cơ sở ý thức và kết quả học tập của HSSV theo quy định, giảng viên có thể đề nghị Tổ bộ môn và Khoa xét duyệt danh sách HSSV được làm tiểu luận học phần. Điểm đánh giá tiểu luận học phần sẽ thay thế cho điểm thi kết thúc học phần. Khoa và Phòng Quản lý đào tạo chịu trách nhiệm quản lí danh sách HSSV và kết quả tiểu luận. Số lượng HSSV được phép làm tiểu luận của mỗi học phần được thực hiện theo quy định của nhà trường.
3. Cách tính điểm đánh giá bộ phận, điểm học phần
a) Điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ và điểm thi kết thúc học phần được chấm theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10), làm tròn đến một chữ số thập phân.
b) Điểm tổng hợp học phần (Điểm học phần) được tính theo trọng số các loại điểm thành phần của học phần, làm tròn đến một chữ số thập phân, cụ thể:

trong đó:
- ĐHP: Điểm học phần
- ĐTBKT: Là điểm trung bình cộng của các điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo hệ số của từng loại điểm, trọng số 40%. Trong đó điểm kiểm tra thường xuyên tính hệ số 1, điểm kiểm tra định kỳ tính hệ số 2, cụ thể:

            TBTX: là điểm trung bình cộng các bài kiểm tra thường xuyên
            TBĐK: là điểm trung bình cộng các bài kiểm tra định kỳ.
- ĐT: Điểm thi kết thúc học phần, trọng số 60%
* Lưu ý:
- Điểm trung bình thường xuyên, điểm trung bình định kỳ, điểm trung bình kiểm tra là điểm đánh giá theo thang 10, làm tròn đến một chữ số thập phân.
- Một học phần được xem là đạt nếu điểm đánh giá học phần là bằng hoặc lớn hơn 4,0 điểm (theo thang điểm 10).
 
 
CHƯƠNG 4
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
Các phòng, khoa, tổ, các tổ chức tư vấn đào tạo thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn theo thẩm quyền được giao có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện.
Ban Giám hiệu căn cứ văn bản để chỉ đạo, thanh tra và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn trường. Biểu dương, khen thưởng, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Các nội dung khác không nêu tại văn bản Quy định này, thực hiện theo các Quy chế đào tạo tín chỉ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Văn bản có hiệu lực kể từ ngày ký, áp dụng từ học kỳ I năm học 2017 – 2018 cho hệ cao đẳng, trung cấp chính quy đào tạo theo tín chỉ.
Định kì trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tiến hành tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện, bổ sung và chỉnh sửa chương trình đào tạo, các quy định về đào tạo theo tín chỉ. Đề nghị lãnh đạo các đơn vị quán triệt và triển khai đến toàn thể cán bộ, giảng viên, HSSV. Những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện cần báo cáo kịp thời để được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_39bac8aaef0ca997adade88b0fa9e4dd.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)