Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Nghệ thuật trào phúng của Trần Tế Xương trong bài Vịnh khoa thi Hương

Thứ hai - 06/11/2017 03:01
          Trần Tế Xương (Tú Xương) là một trong hàng vạn sĩ tử dự khoa thi Hương Đinh Dậu. Ông là người tham dự, là người chứng kiến tất cả. Từ nỗi đau của người hỏng thi mà ông ngẫm về cái nhục của sĩ tử, của trí thức, của nhân tài đất Bắc. Nỗi đau nhục về mất nước như ngưng đọng uất kết lại thành tiếng thở dài, lời than và có cả những dòng lệ tuôn rơi…
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến.
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó.
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

                                                          (Vịnh khoa thi Hương - Trần Tế Xương)
          “Vịnh khoa thi Hương” còn mang một nhan đề khác là “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”, Tú Xương vừa ghi lại cảnh “nhập trường”, vừa tả lại cảnh “lễ xướng danh” qua đó nói lên tâm trạng đau đớn, chua xót của nhà thơ. Một hiện thực đau buồn, nhốn nháo, nhố nhăng, nhưng cũng trữ tình thấm thía bao cay đắng, tủi nhục.      
          Hai câu đề đã tái hiện được không khí, bối cảnh chung và một nét mới của khoa thi Đinh Dậu: 
“Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà”
         Việc thi cử ngày xưa là của vua, của triều đình nhằm mục đích kén chọn kẻ sĩ tài giỏi, chọn nhân tài ra làm quan phò vua, giúp nước. Nhưng bây giờ đã thuộc về “nhà nước”, tức thực dân Pháp xâm lược. Việc thi cử vẫn còn thi chữ Hán và theo lệ cũ “ba năm mở một khoa” song đã cuối mùa. Và, kẻ chủ xướng là “nhà nước” - là chính phủ bảo hộ. Hai từ “nhà nước” đứng ở ngay đầu bài thơ như một lời mỉa mai về sự thoái vị của triều đình phong kiến trong việc tổ chức thi cử. Đồng thời cũng là lời thông báo về tính chất trào phúng của bài thơ. Câu thơ thứ hai nêu lên tính chất hỗn tạp, nhốn nháo của kỳ thi “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Không có gì hứa hẹn sự trang nghiêm cần có của những kì thi như thế này. Hai câu đề thể hiện thái độ mỉa mai, châm biếm kín đáo và cũng bộc lộ một nỗi buồn sâu lắng trong tâm hồn tác giả.
          Cái nhìn thi cử được lọc qua tâm trạng chán nản, đau buồn của tác giả đã chuyển thành những hình ảnh hài hước đặc sắc ở hai câu thực.
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa”
         Hai câu thơ là hai nét vẽ, hai cảnh hài hước khác nhau nhưng có cùng điểm chung chính là “cái chua chát”. Ở nét vẽ thứ nhất, tác giả đảo ngữ hai chữ “lôi thôi” lên đầu câu thơ gây ấn tượng nhếc nhác đáng buồn “vai đeo lọ”. Tú Xương chủ yếu không quan sát sĩ tử mà đập vào mắt là dáng vẻ lôi thôi của họ. Đạo học (chữ Hán) đã cuối mùa, “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo - Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi” cho nên trường thi mới có hình ảnh mỉa mai ấy, mới tạo nên ấn tượng nổi bật. Nét vẽ thứ hai cũng thật tài tình: “Ậm oẹ quan trường miệng thét loa”, nhà thơ không nghe nội dung lời nói của quan trường mà nghe thấy âm thanh méo mó, kì dị của tiếng loa phát ra. “Ậm oẹ” cho thấy bộ nạt nộ, hăm doạ. Cấu trúc câu thơ đảo ngữ đưa hai tiếng tượng thanh “ậm oẹ” lên đầu câu  để làm nổi bật hình ảnh các quan trường “miệng thét loa”. Trường thi không còn là chốn tôn nghiêm nền nếp nữa, quá lộn xộn, quá ồn ào, khác nào cảnh họp chợ. Sĩ tử thì lôi thôi nhếc nhác, mất đi cái vẻ nho nhã thư sinh. Quan trường, giám thị, cũng chẳng còn cái phong thái nghiêm trang, trịnh trọng vốn có. Bức tranh nhị bình biếm hoạ độc đáo này gợi tả lại cảnh hoàng hôn của chế độ phong kiến ở nước ta.
         Bức tranh “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” được tô đậm ở hai câu luận bằng hai bức biếm hoạ về ông Tây và mụ đầm. Các ông cử tân khoa, các ông tú mền, tú kép… phải cúi rạp mình xuống mà lạy ông Tây, lạy mụ đầm “váy lê quét đất”, “trên ghế, ngoi đít vịt”. Cái nhục của hàng vạn sĩ tử Bắc Hà không thể nào kể hết:
“Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến
Váy lê quét đất, mụ đầm ra”

         Với thủ pháp tiểu đối và bình đối, Tú Xướng đã miêu tả rõ cảnh đón tiếp đại diện của thực dân xâm lược. Cờ cắm rợp trời đối với quan sứ đến. Cờ cắm rợp trời tưởng để đón ai hoá ra để đón tiếp dành cho “quan sứ”, lũ cướp đất nước ta, một nghi lễ cực kỳ long trọng. Đó là nỗi đau mất nước. Từ xưa tới năm ấy (1897) chốn trường thi là nơi tôn nghiêm, lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, đàn bà đâu được bén mảng đến nơi kén chọn nhân tài. Thế mà bây giờ, không chỉ “mụ đầm ra” mụ đầm đến với “váy lê quét đất” mà còn bày ra giữa thanh thiên bạch nhật một nghịch cảnh vô cùng nhục nhã “trên ghế bà đầm ngoi đít vịt”. Việc đối giữa câu trên với câu dưới cũng tạo nên sắc thái trào lộng, mỉa mai, đả kích mạnh mẽ. “Cờ” đối với “váy”, “quan” đối với “mụ”, “rợp trời” đối với “quét đất”. Cái trang trọng của tên quan sứ bị hạ bệ ngay bằng chiếc váy của mụ đầm. Nhưng ẩn lấp sau câu chữ là giọng cười, lối cười, hương cười, sắc cười của câu thơ Tú Xương kế thừa được cái cười dân tộc trong ca dao, trong chèo, tuồng cổ. Hàm chứa tâm trạng đau đớn, nhục nhã, uất ức của tác giả. Còn nói chi đến đạo thánh hiền, luân thường đạo lí cao siêu khi mà kẻ làm chủ kì thi lại là những kẻ ngoại bang xâm lược.  
          Bài thơ có 8 câu thì 6 câu đầu vừa hiện thực vừa trào phúng, còn hai câu kết thực sự là nguồn mạch trữ tình như được chiết xuất ra từ những điều mắt thấy tai nghe, từ những nhố nhăng, lôi thôi, lộn xộn trong ngoài, trên dưới nơi trường Nam năm Đinh Dậu:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”
          Câu thơ như một lời than, trong lời kêu gọi, nhắn nhủ của một nhà nho hướng đến những sĩ tử, những tri thức đất Bắc và tất cả người Việt một lần nữa nhìn lại thực trạng cay đắng của đất nước. Ba tiếng “nào ai đó” phiếm chỉ, càng cho lời kêu gọi trở nên thấm thía, lay động thức tỉnh. Chữ “ngoảnh cổ” gợi tả một thái độ, một tâm thế không thể cam tâm sống nhục mãi trong đời nô lệ. Phải biết đau nỗi đau của đất nước. Phải biết nhục trong nỗi nhục nô lệ. Phải biết “ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”. “Cảnh nước nhà” là cái cảnh nhục nhã:
“Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu…
(…) Kẻ chức bồi, người tước cu li
Thông ngôn, kí lục chi chi
Mãn đời lính tập, trọn vị quan sang!”
                                              (Á tế á ca)
Người viết xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Tuân để kết lại cho bài viết này: “…thơ nói về trường thi của Tú Xương giống như những lời thanh nghị của một lớp sĩ phu thời đó. Không đánh được ai bằng khí giới, thì ít nhất cũng phải lấy bút làm vẩy cái mực sĩ khí vào những nghè, những cử bịt mũi xu thời! Vẩy vào, và than một đôi lời”.

Tài liệu tham khảo
1. Lịch sử văn học Việt Nam, tập bốn A, NXB Giáo dục, năm 1978.
2. Bài tập Ngữ văn 11(sách thí điểm), ban KHXH&NV, tập một, NXB Giáo dục, năm 2005.
3. Sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục, năm 2006.
4. Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam, tập hai, NXB ĐHSP, năm 2007.
 

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Giáo dục Trung học cơ sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_07306afcc72763f8e6b11fc9d89276b8.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)