Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Nâng cao chất lượng dạy học nội dung lịch sử địa phương ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Thứ hai - 30/05/2016 22:30
Abstract: Local History exhibits a specific part of the nation's history. Based on the analysis of the current status of teaching and understanding of the process of training students in the Teacher Training College, the article will suggest some concrete solutions to improve the quality of the teaching content in "Local History" in secondary schools in Lang Son province.
Keywords: Improving the quality of teaching, Local history …
 
          Lịch sử địa phương (LSĐP)  nói chung và lịch sử tỉnh Lạng Sơn nói riêng có mối quan hệ mật thiết với lịch sử con người và đất nước Việt Nam. Đó chính là sự biểu hiện một phần rất cụ thể, sinh động của lịch sử dân tộc. Trong những năm qua, việc dạy học LSĐP trong các trường Trung học Cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả nhất định, song còn nhiều bất cập về nội dung, tính cập nhật, tính khoa học, phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học chưa đáp ứng được nhu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học. Trên cơ sở phân tích thực trạng dạy học và vốn hiểu biết trong quá trình đào tạo sinh viên ở trường CĐSP, bài viết sẽ đề xuất một số biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng dạy học nội dung LSĐP ở trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
1. Ý nghĩa của dạy học nội dung LSĐP ở trường THCS tỉnh Lạng Sơn
LSĐP là lịch sử của làng, xã, huyện, tỉnh hay khu vực, vùng, miền cũng như lịch sử của các đơn vị sản xuất, chiến đấu, các trường học, cơ quan, xí nghiệp … Xét về yếu tố địa lý, các đơn vị đó đều gắn với một địa phương nhất định, song nội dung của nó mang tính kỹ thuật, chuyên môn, do vậy có thể xếp nó vào dạng lịch sử chuyên ngành.
            Lạng Sơn-mảnh đất biên cương, nơi địa đầu phía Bắc của tổ quốc với bề dày truyền thống lịch sử. Lạng Sơn có một vị thế đặc biệt trở thành phên dậu bảo vệ cho cả một dải quê hương đất nước, đã chứng kiến nhiều sự kiện và những chiến công hiển hách của dân tộc trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ. Có thể nói, mỗi tấc đất của địa danh Xứ Lạng đều gắn liền với những di tích lịch sử như: di tích Khảo cổ Mai Pha, hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Ải Chi Lăng, thành nhà Mạc, khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, hay các địa danh gắn liền với tên tuổi của các danh nhân văn hóa, các chiến sỹ cách mạng kiên trung như Ngô Thì Sỹ, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi... Lạng Sơn cũng là mảnh đất sinh tụ của nhiều tộc người như: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa… nơi gặp gỡ giao lưu của luồng văn hóa tạo thành một cộng đồng lớn với hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng và phong phú. Nhiều di tích kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng đặc sắc ở Xứ Lạng như: động Tam Thanh, Nhị Thanh, chùa Tiên, Diên Khánh Tự, đền Kỳ Cùng, đền Bắc Lệ… với các lễ hội giàu bản sắc tưng bừng khi mùa xuân về trên thành phố, thị trấn cũng như làng quê. Vì vậy,  việc tìm hiểu về LSĐP có tác dụng kép vừa giúp HS hiểu được truyền thống của quê hương, bản quán; vừa hình dung ra bức tranh tổng quát, gắn lịch sử của đất nước của dân tộc với lịch sử của địa phương; giáo dục truyền thống văn hóa, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc; phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương giàu đẹp.
2. Thực trạng dạy học nội dung LSĐP ở trường THCS trên đại bàn tỉnh Lạng Sơn
            2.1. Vài nét về phân phối chương trình
Khung chương trình môn Lịch sử THCS ngoài 2 nội dung cơ bản Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam còn dành một thời lượng nhất định cho phần LSĐP. Cụ thể: - Lớp 6: 1 tiết - tuần 33 (tiết 33), với bài Lạng Sơn thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước; - Lớp 7: 3 tiết - tuần 29 (tiết 55, 56); Tuần 30 (tiết 57) với bài Lạng Sơn từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII; - Lớp 8: 2 tiết - tuần 28 (tiết 44), tuần 29 (tiết 45) với bài Tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội Lạng Sơn; - Lớp 9: 3 tiết - Tuần 29 (tiết 37); Tuần 34 (tiết 47, 48) với bài Phong trào chống Pháp của nhân dân Lạng Sơn và Lạng Sơn từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Số tiết bắt buộc phải thực hiện dành cho nội dung LSĐP bậc THCS là 9/209 so với chương trình dạy học môn Lịch sử. Ở hầu hết các khối lớp chỉ có 1 đến 3 tiết và nằm ở cuối học kì hoặc cuối chương trình năm học.
            2.2. Về tài liệu giảng dạy
Trước đây tài liệu nghiên cứu LSĐP được đề cập ở các góc độ và mức độ khác nhau. Vì vậy, giáo viên (GV) tự tìm kiếm tư liệu và biên soạn bài giảng. Thực tế chưa có một cuốn giáo trình lịch sử Lạng Sơn được biên soạn theo hình thức thông sử, theo chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành để dạy học cho học sinh (HS) ở trường THCS. Vì vậy, người dạy và người học còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu và học tập nội dung này. Từ năm 1999, Sở GD&ĐT Lạng Sơn tổ chức biên soạn cuốn tài liệu giảng dạy LSĐP Lạng Sơn phần nào tạo nên sự thống nhất giảng dạy LSĐP giữa các trường nhưng đối với từng đơn vị hành chính huyện, thị thì nội dung này là phần chung, GV cần nghiên cứu tìm hiểu thêm các tài liệu khác để bổ sung kiến thức. Năm 2009, được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sự quan tâm của Dự án Việt - Bỉ, nhóm giảng viên Lịch sử trường CĐSP Lạng Sơn đã biên soạn giáo trình Lịch sử địa phương tỉnh Lạng Sơn từ nguồn gốc đến nay. Đây là cuốn giáo trình giành cho giảng viên và sinh viên chuyên ngành Văn - Sử trường CĐSP Lạng Sơn đồng thời là tài liệu tham khảo cho GV và HS các trường THCS trên địa bàn tỉnh.    
            2.3. Về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
            Hoạt động dạy học chủ yếu theo phương pháp truyền thống diễn ra chủ yếu ở trong lớp học. Vì vậy, nội dung dạy học khô khan, gò ép chưa có liên hệ thực tiễn một cách sâu sắc. HS chưa có điều kiện tham quan học tập, tìm hiểu thực tế hoặc kiến tạo tri thức cho bản thân bằng chính hoạt động của mình. Nội dung bài học còn hàn lâm, chưa phản ánh được sự khác biệt giữa LSĐP và lịch sử của dân tộc. Do vậy, HS chưa nắm chắc và nhớ lâu được nội dung bài học, chưa giáo dục sâu sắc lòng tự hào, tự tôn về quê hương, xử sở nơi các em sinh và lớn lên. Vì vậy, một số giờ học về LSĐP còn mang tính chiếu lệ, nghèo nàn về nội dung, hạn chế về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, chưa kích thích được hứng thú học tập ở HS. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS thường coi nhẹ bởi lẽ  nội dung này mang tính chất địa phương vì vậy thường được liên hệ và vận dụng trong phần Lịch sử Việt Nam hoặc ít được kiểm tra, đánh giá. Do vậy, HS hạn chế  hiểu biết, thậm chí xem nhẹ việc tìm hiểu LSĐP.
2.4. Đánh giá những thuận lợi và khó khăn
            2.4.1. Thuận lợi: - Chương trình, tài liệu giảng dạy và học tập đúng quy định; GV bám sát chương trình, hoàn thành nội dung và đảm bảo tiến trình dạy học;- Nội dung dạy học hấp dẫn vì nói về quê hương, xứ sở, địa phương của GV và HS sinh sống, lao động, học tập; tài liệu thực tiễn phong phú, có thể sưu tầm, khai thác được bằng các nguồn khác nhau.
            2.4.2. Khó khăn: - Số tiết trong phân phối chương trình dạy học quá ít, nội dung dạy học nhiều, trải dài, song hành cùng Lịch sử Việt Nam; - GV và HS chịu áp lực về học hành, thi cử về các nội dung khác;- Nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học còn gò bó, chưa mở rộng môi trường học tập, chưa phát triển tối đa phẩm chất và năng lực của người học.
3. Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học nội dung LSĐP ở trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
            3.1. Thiết kế và tổ chức những bài học “trí tuệ”
            * Mục tiêu: Khơi gợi vốn hiểu biết, kích thích hứng thú học tập trong những giờ học, phát triển khả năng hợp tác, trình bày, tư duy lịch sử cho HS.
            * Cách thức thực hiện: Tiến hành tổ chức dạy học LSĐP theo phân phối chương trình và kế hoạch dạy học, bên cạnh việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực,  GV chú trọng đổi mới giờ học bằng cách: - Xây dựng và sử dụng trò chơi học tập như: đuổi hình bắt chữ, thiết kế câu hỏi bằng phương pháp trắc nghiệm, xem video và trả lời câu hỏi về các dữ kiện lịch sử, tìm hiểu những câu nói nổi tiếng của các nhân vật lịch sử hoặc về các nhân vật lịch sử;- Tổ chức sưu tầm và kể chuyện về lịch sử;- Tổ chức sắm vai, trình diễn sự kiện lịch sử;- Tổ chức thuyết trình sự kiện, địa danh, nét văn hóa hoặc anh hùng dân tộc trên quê hương, bản quán.
            3.2. Xây dựng chuyên đề LSĐP theo chủ điểm gắn với các dự án học tập, bài tập liên môn
            * Mục tiêu: Hình thành chuỗi các vấn đề học tập (chuyên đề) cần giải quyết; khi giải quyết được các nhiệm vụ học tập sẽ tạo thành một nội dung hoàn chỉnh toàn diện cả về bề rộng lẫn chiều sâu của chuyên đề, liên hệ thực tiễn và liên kết các môn học với nhau như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật…; phát triển năng lực hệ thống hóa kiến thức, rút ra quy luật và bài học lịch sử; khả năng tự nghiên cứu, củng cố và đào sâu kiến thức đã học; năng lực trình bày các sản phẩm học tập đa dạng; năng lực làm việc hợp tác và cá nhân.
            * Cách thức thực hiện:
            - Nghiên cứu nội dung dạy học, thiết kế các chuyên đề theo các lớp học 6,7,8,9 hoặc nội dung giai đoạn phát triển của LSĐP. Trong đó có thể tiến hành phân chia các chuyên đề thành các nhiệm vụ học tập phân hóa và không phân hóa. Ví dụ với chuyên đề: Khái quát văn hóa, xã hội tỉnh Lạng Sơn, GV có thể thiết kế thành các dự án học tập hoặc bài tập liên môn sau: (1) Tìm hiểu những di tích văn hoá danh lam thắng cảnh, di tích gắn liền với tôn giáo tín ngưỡng ở Lạng Sơn; (2) Tìm hiểu những di tích lịch sử tiêu biểu ở Lạng Sơn; (3) Tìm hiểu những lễ hội tiêu biểu, các món ăn, đồ uống nổi tiếng ở Lạng Sơn; (4) Khái quát cơ cấu xã hội Lạng Sơn qua các thời kì, giới thiệu các dân tộc ở Lạng Sơn.
            -  Tổ chức tình huống, giao nhiệm vụ học tập cho HS (dự án học tập, bài tập liên môn) bằng cách sử dụng các kỹ thuật thiết kế nhiệm vụ học tập, chia nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm.
            - Hướng dẫn HS xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các phương án hoàn thành nhiệm vụ học tập bằng cách sử dụng kỹ thuật thiết kế sơ đồ tư duy 5W1H (What, When, Why, Who, Whe-re, How).
            - HS (nhóm HS) chủ động tìm tòi, giải quyết nhiệm vụ học tập với sự theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ của GV bằng cách sử dụng kỹ thuật khăn trải bàn, động não, mảnh ghép, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập.
            - Tổ chức trình bày và đánh giá sản phẩm học tập mang tính xây dựng, tạo môi trường học tập mở bằng cách sử dụng kỹ thuật luân phiên, phản hồi.
            - GV chốt lại kiến thức bằng cách sử dụng câu hỏi, bài tập, trò chơi học tập) và gợi ý cho HS phát hiện các vấn đề tiếp theo cần giải quyết.
            Dạy học chuyên đề gắn liền với đánh giá quá trình, kết hợp đánh giá định lượng và định tính. Thông qua việc trình bày sản phẩm học tập, GV đánh giá được mức độ kiến tạo kiến thức, tính tích cực và sáng tạo, năng lực hoàn thiện sản phẩm học tập. Thông qua việc thiết kế và tổ chức các bài kiểm tra chuyên đề, GV xác định và mô tả 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu vận dụng, đánh giá của mỗi câu hỏi/bài tập để đánh giá năng lực và phẩm chất của HS.
            3.3. Tổ chức dạy học thực địa, ngoại khóa LSĐP
            * Mục tiêu: Giúp HS hình dung sâu sắc về quá khứ, có được biểu tượng lịch sử cụ thể chính xác; mở rộng kiến thức; phát triển óc quan sát, liên hệ với thực tiễn đời sống, tránh tình trạng “hiện đại hóa lịch sử”; giáo dục HS thái độ đúng đắn trong việc bảo vệ di tích lịch sử; góp phần tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng ý thức bảo tồn, bảo trì di tích lịch sử.
            * Cách thức thực hiện: Có thể thực hiện các hình thức tổ chức dạy học sau: - Tham quan, học tập tại di tích lịch sử, di tích cách mạng, những công trình kiến trúc, nhà bảo tàng, nhà truyền thống… Ví dụ: Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, khu di tích Ba Sơn…; - Dạy bài lịch sử địa phương tại thực địa, nơi xảy ra các sự kiện lịch sử như khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, ải Chi Lăng…; - Tổ chức ngoại khóa LSĐP gắn với tổ chức các ngày lễ, kỉ niệm các sự kiện lịch sử, dạ hội lịch sử…; - Mở các cuộc thi tìm hiểu LSĐP, cần định hướng nội dung cuộc thi để ra câu hỏi cho sát, câu hỏi phải gây hứng thú, kích thích sự tò mò của HS; - Lập các nhóm sưu tầm lịch sử địa phương, đây là việc làm phải có kế hoạch, đầu tư nhiều công sức và có quy trình cụ thể, đặc biệt là sưu tầm phần lịch sử cận hiện đại, sưu tầm những câu chuyện kể về các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng…
            Các bước tiến hành dạy học thực địa, ngoại khóa LSĐP:
- Xây dựng kế hoạch tổ chức, thiết kế các nhiệm vụ học tập, bài kiểm tra (nếu cần), chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; có sự phối kết hợp giáo viên với cha mẹ HS, các đơn vị, cá nhân tổ chức hoạt động dạy học.
- Giao nhiệm vụ cho HS nghiên cứu tài liệu trước khi đi thực địa hoặc tổ chức ngoại khóa.
- Tổ chức dạy học thực địa lồng ghép với đặt câu hỏi, kể chuyện lịch sử.
- Củng cố, kiểm tra kiến thức bằng cách viết bài thu hoạch; sáng tác thơ ca, vẽ tranh, truyện ngắn; sưu tầm tư liệu, xây dựng các chủ đề thuyết trình, kể chuyện, tiểu phẩm hoặc tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức giữa các nhóm HS.
            3.4. Tổ chức cuộc thi  khoa học kỹ thuật các cấp dành cho HS THCS
            * Mục tiêu: Tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật thường niên cho HS giúp thúc đẩy phong trào học tập, tích cực nghiên cứu, hướng vào các hoạt động thực tiễn; nâng cao nhận thức về việc phát huy và bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, địa phương; đảm bảo được tính liên môn trong các môn học, phát hiện và bồi dưỡng những hạt nhân tích cực có khả năng nghiên cứu khoa học. Qua cuộc thi học sinh có thể lựa chọn những đề tài liên quan đến lịch sử địa phương (ví dụ một địa danh hoặc một nhân vật lịch sử cụ thể trên địa bàn Lạng Sơn) để tìm hiểu và giới thiệu tới độc giả. Đề tài nghiên cứu phải được trình bày như một công trình nghiên cứu khoa học thực sự (lí do chọn đề tài, khách thể, đối tượng nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu, phương pháp, thời gian cụ thể…), qua đó độc giả có thể hiểu rõ về nhân vật hoặc địa danh lịch sử đó.
            * Cách thức thực hiện: - Xây dựng thể lệ hội thi cụ thể, rõ ràng, khả thi; - Lựa chọn những ý tưởng(đề tài) độc đáo, mới mẻ, phù hợp với năng lực của HS và khả năng hướng dẫn của GV; - Hướng dẫn HS xây dựng đề cương và kế hoạch nghiên cứu, xác định được lý do chọn đề tài, mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, dự kiến các sản phẩm cũng như các điều kiện phục vụ cho việc nghiên cứu phù hợp với yêu cầu và thể lệ của cuộc thi;- Tổ chức tiến hành nghiên cứu, có sự trợ giúp của GV, nhà trường hoặc cha mẹ HS. GV theo dõi, trợ giúp về chuyên môn cũng như những điều kiện để tiến hành nghiên cứu; - GV hướng dẫn và trợ giúp HS hoàn thành và trình bày sản phẩm nghiên cứu;- Hoàn thiện sản phẩm sau khi nhận được các ý kiến phản hồi của các chuyên gia và chuẩn bị cho hội thi cấp cao hơn. Chẳng hạn như tìm hiểu về di tích lịch sử Ải Chi Lăng, học sinh có được những hiểu biết về vị trí địa lý, đặc điểm, ý nghĩa của di tích; từ đó giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di tích lịch sử Ải Chi Lăng nói riêng và di tích lịch sử địa phương nói chung.           

***

            Tóm lại, nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử nói chung, nội dung LSĐP nói riêng giữ vị trí quan trọng, vừa giúp HS củng cố, mở rộng, đào sâu, hệ thống hóa, khái quát hóa tri thức lịch sử, liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn, vừa giáo dục HS những năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta hiện nay. Các nhà trường cũng như GV cần thiết kế nội dung dạy học theo hướng chuyên đề, liên môn dưới dạng các module với các hoạt động phong phú, đa dạng không đóng khung trong một giờ học; tạo ra môi trường học tập mở, phát huy vai trò kiến tạo kiến thức và kỹ năng của người học. Để thực hiện được điều đó cần phải tiế hành đổi mới đồng bộ từ hoạt động quản lý- giảng dạy - đánh giá. Đồng thời các cơ sở đào tạo GV cần định hướng đào tạo về chuyên môn - nghiệp vụ để tổ chức dạy học hiệu quả nội dung LSĐP đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
 

Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn (1996). Lịch sử Đảng bộ Lạng Sơn ( tập 1).
2. Hoàng Thị Nhu - Nguyễn Văn Tuấn (2010). Lịch sử địa phương Tỉnh Lạng Sơn (Giáo trình đào tạo giáo viên THCS hệ CĐSP) .NXB Đại học Sư phạm.
3. Sở GD&ĐT Lạng Sơn (1999) . Tài liệu giảng dạy Lịch sử địa phương Lạng Sơn. Lưu hành nội bộ.
4. Đỗ Hồng Thái (1996). Nghiên cứu và dạy -  học Lịch sử địa phương ở Việt Bắc. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
Tóm tắt: Lịch sử địa phương biểu hiện một phần rất cụ thể, sinh động của lịch sử dân tộc. Trên cơ sở phân tích thực trạng dạy học và vốn hiểu biết trong quá trình đào tạo sinh viên ở trường CĐSP, bài viết sẽ đề xuất một số biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng dạy học nội dung “Lịch sử địa phương” ở trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tác giả bài viết: Hoàng Thu Thủy

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-12-2024_d37f6bd333bfbf04942f24d8acc1d91c.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)