Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách

Thứ sáu - 28/04/2017 00:33

Nhân cách là đối tượng nghiên của nhiều ngành khoa học như Tâm lý học, Giáo dục học, Nhân trắc học, Xã hội học cũng như trong nghiên cứu của những nhà tư tưởng lớn của lịch sử nhân loại như C. Mác, V.I. Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa, nhà thơ và là lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời hy sinh cho sự nghiệp cứu dân, cứu nước, nhân cách Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của niềm tin yêu, niềm tự hào và là tấm gương sáng cho toàn dân tộc Việt Nam noi theo. Trong những ngày này, cả nước đang thi đua thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5 và 19/5; đặc biệt thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vì vậy, tìm hiểu về tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân cách cũng như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là việc làm cần thiết để bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho các thế hệ người Việt.

Nhân cách là hệ thống những phẩm giá xã hội của cá nhân, thể hiện những phẩm chất bên trong của cá nhân, mối quan hệ qua lại của cá nhân với cá nhân khác, với tập thể, xã hội, với thế giới xung quanh và mối quan hệ của cá nhân với công việc trong quá khứ, hiện tại và tương lai (1). Nhân cách là cốt cách làm người của mỗi con người, khi con người chết đi, giá trị nhân cách vẫn còn. Nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hòa quyện nhiều phẩm chất: anh hùng và nhà văn hóa, nhà quân sự với nhà thơ, người nghệ sỹ, thể hiện một nhân cách hoàn hảo. Lí tưởng và lẽ sống cao cả của người cha già dân tộc là nỗi lo dành trọn cho dân tộc Việt Nam và năm châu, cho thế hệ này và cho cả thế hệ mai sau. Lòng nhân đạo cao cả, bao la của Bác đã được Tố Hữu xúc động ngợi ca trong bài thơ Bác ơi. Bài thơ có đoạn viết:

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau...

 

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già”.

 

Trái tim mênh mông của Người ôm ấp, bao bọc cả non sông, mọi kiếp người. Tình yêu thương rộng dài, vô bờ của Bác để dành nghĩ cho người, thương cho đời, bởi vậy mà nặng lòng, mà khắc khoải, mà chẳng được thảnh thơi. 
Tình thương, nỗi lo, tấm lòng yêu thương của Bác không chỉ rộng dài theo không gian “năm châu” mà còn trải suốt chiều dài của thời gian “cho hôm nay và cho mai sau”. Lẽ sống ấy vừa vĩ đại, cao lớn, vừa gần gũi, thiêng liêng như muôn mối lo của lòng mẹ, của tình nghĩa tử máu thịt. Tình yêu rộng dài ấy khi dành những vật bé nhỏ, mong manh như ngọn lúa, cành hoa, khi hướng tới sự tự do thiêng liêng của mỗi cuộc đời. Đó là một tình yêu lớn của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn, thể hiện sự hiểu biết sâu rộng, của tư tưởng uyên thâm. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân cách được thể hiện:

1. Đạo đức cách mạng là cái gốc của nhân cách

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Người coi đó là gốc rễ của mọi công việc, là nền tảng thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia, của dân tộc. Trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người viết “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (6). Nội dung của đạo đức cách mạng trong tư tưởng của Người là:

- Yêu nước, yêu nhân dân, yêu lao động,  yêu chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng “yêu tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt; đoàn kết tốt kỷ luật tốt; giữ gìn vệ sinh thật tốt…”. Trong tâm tưởng của Người suốt đời chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội.

- Đạo đức không tách rời tài năng. Đạo đức (phẩm chất) và tài năng (năng lực) của con người là hai nhân tố trung tâm tạo nên nhân cách con người, hai nhân tố này phải gắn bó chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau. Người cho rằng “Có tài  mà không có đức ví như một anh hùng làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người” (3). Vì vậy, Bác đã dạy “Có tài  mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”.

- Quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ có ích cho cách mạng, cho xã hội. Theo Người, vì sự nghiệp đất nước, vì lợi ích chung, lợi ích của mọi người mà thực hiện nhiệm vụ. Muốn vậy, phải gạt bỏ lợi ích cá nhân, ích kỷ, phục vụ cho lợi ích chung. Người dạy “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đều đó thể hiện ý chí của Người trong việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Bằng cuộc đời hoạt động cách mạng đầy khó khăn gian khổ và biết bao hy sinh, những ý tưởng của Người đã đúc kết để căn dặn thanh niên. Bài thơ được Bác đọc vào đêm lửa trại trung tuần tháng 9/1950 ở Nà Tu, Bạch Thông, Bắc Kạn trong lần đến thăm Đội Thanh niên xung phong công tác trung ương (Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên).

                                                 “Không có việc gì khó
                                            Chỉ sợ lòng không bền
                                            Đào núi và lấp biển
                                           Quyết chí ắt làm lên”.
 
2. Nhân cách là tư cách làm người
        Tư cách được Hồ Chí Minh đề cập từ năm 1925 trong cuốn “Đường Kách mệnh”. Sau này, Hồ Chí Minh còn đề cập tới tư cách người đảng viên, người công an vũ trang. Theo Hồ Chí Minh, nội dung của tư cách là những thành phần cấu trúc nên nhân cách, gồm: thành phần “đối với tự mình”, thành phần “đối với người khác” và thành phần “đối với công việc”. Cả ba thành phần tạo nên bức tranh tổng thể của nhân cách xã hội; trong đó thành phần thứ nhất là phẩm chất tâm lý của nhân cách bên trong. Hai thành phần sau có liên quan tới bên ngoài, là nhân cách xã hội.
       - Về thành phần “đối với tự mình”: Theo Bác, chủ thể phải có tri thức, luôn luôn phải xem xét, nghiên cứu, học hỏi, có tình cảm và ý chí cách mạng, cả quyết nhẫn nại, có nhu cầu phù hợp, ít ham muốn vật chất, phải có lập trường, có lý tưởng; Phải có nét tính cách tốt: cẩn thận, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo.
       - Về thành phần thứ hai “đối với người khác”: Quan hệ với mọi người phải đem chí công vô tư; đối với người thì khoan thứ, giúp đỡ, trung thực; đối với Đảng, Chính phủ thì trung thành; đối với nhân dân phải kính trọng.
       - Về thành phần thứ ba “đối với công việc”: Người yêu cầu “ham làm những công việc ích quốc lợi dân, phải có năng lực xem xét cụ thể, phải có ý chí, khó mấy cũng phải làm, phải tận tụy, siêng năng. Đặc biệt công việc phải thể hiện động cơ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Người viết:
  
                                            “Tự mình phải:
                                           Cần kiệm
                                           Hòa mà không tư
                                           Cả quyết sửa lỗi mình
                                           Cẩn thận mà không nhút nhát
                                           Hay hỏi
                                           Nhẫn nại
                                           Hay nghiên cứu, xem xét.
 
                                           Đối với người phải:
                                           Với từng người thì phải khoan thứ…
                                           Với đoàn thể thì phải nghiêm…
 
                                           Làm việc phải:
                                           Xem xét hoàn cảnh kỹ càng
                                           Quyết đoán
                                           Dũng cảm….” (4)
 
       Đánh giá tư cách, đạo đức của một người phải dựa vào hệ thống mối quan hệ bên trong của cá nhân, quan hệ với cá nhân khác, với xã hội và với công việc. Trong đó nổi lên động cơ xã hội và thực hiện hành động vì động cơ xã hội. Đó là thang giá trị đánh giá nhân cách con người.
3. "Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm" là những phẩm chất nhân cách cốt lõi
       “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm Về đạo đức cách mạng (3) như:
       - Nhân là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào; sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người; hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải làm, họ đều làm được.
       - Nghĩa là ngay thẳng, không có tâm tư, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu đoàn thể, ngoài lợi ích của đoàn thể, không có lợi ích riêng phải lo toan.
       - Trí là không có việc gì tư túi, mù quáng nên đầu óc trong sạch, sáng suốt; dễ tìm phương hướng; biết xem người, biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho đoàn thể.
       - Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc gì phải có gan làm, thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa; cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho đoàn thể, cho Tổ quốc, không bao giờ rụ rè, nhút nhát.
       - Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc. Vì vậy mà quang vinh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một cái ham là ham học, ham làm và ham tiến bộ.
       Khi nói đến đạo đức của con người, Khổng Tử đã nêu lên 5 đức tính: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín". Tuy nhiên, các phẩm chất đạo đức này chỉ nhằm phục vụ giai cấp thống trị. Ông đề cao đại nhân còn tiểu nhân vẫn bị coi thường. Điều khác, nội dung đạo đức của Khổng Tử là lễ và tín so với Hồ Chí Minh là dũng và liêm, thể hiện tính chất cách mạng trong quan niệm đạo đức của Hồ Chí Minh. Con người có phẩm chất dũng cảm, có ý chí mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Nội dung nhân nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính nhân dân và thực tiễn sâu sắc.
4. Cái “tâm” là cơ sở của nhân cách
       Cái “tâm” được hiểu như toàn bộ phẩm chất nhân cách từ nhận thức, tình cảm đến ý chí của nhân cách. Nó bao trùm lên các hiện tượng tâm lý khác.
       - Tâm thức (nhận thức)
       - Tâm cảm, tâm tư, tâm tình, tâm trạng (tình cảm)
       - Tâm chí (ý chí)
       - Tâm tính (tính cách)
       - Tâm linh (siêu thức)
       Cái “tâm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong mối quan hệ với chính bản thân mình thì cần, kiệm, liêm, chính; thể hiện trong mối quan hệ với người khác và xã hội thì khoan thứ; với đoàn thể thì nghiêm, trung với nước, hiếu với dân; với công việc thì dù khó mấy cũng phải làm.
5. Về ý chí trong nhân cách
       Hồ Chí Minh - con người khổng lồ về ý chí, Người cho rằng: ý chí bao giờ cũng gắn liền với một tinh thần, một ý thức nhất định. “Muốn quyết tâm thì phải có tinh thần, phải có sáu cái yêu: yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu khoa học và kỹ thuật”(5). Vì vậy, muốn cho hành động có kết quả phải thực hiện hành động có ý chí. Có nghĩa là các hành động đó phải có mục đích, động cơ, có biện pháp thực hiện. Hành động đó phải gắn liền với cái tinh thần, tức là ý thức mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Nhờ có tinh thần ấy mà con người có ý thức với hành động của mình, dám chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Con người phải tính toán, suy nghĩ, cân nhắc, yêu ghét cái gì, vì cái gì mà hành động phù hợp với quy luật khách quan. Vì vậy, ý chí được sinh ra từ cái tinh thần ý thức ấy.
       Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh là một di sản vô tận về bài học ý chí. Bài học lớn đầu tiên là bài học về tự rèn luyện ý chí, tự giáo dục mà vượt qua tất cả, thể hiện trong bài thơ Nghe tiếng giã gạo (Nhật ký trong tù) của Hồ Chủ tịch.
Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công”.
 
       Nhờ tự rèn luyện ý chí mà Hồ Chí Minh đã vượt lên trên tầm nhìn của nhiều nhà cách mạng lúc bấy giờ và cuối cùng đã thực hiện được lý tưởng của mình. Ý chí tạo dựng cho Người một nhãn quan chính trị sáng suốt, tìm ra hướng đi và giải quyết có hiệu quả các vấn đề tưởng chừng như phức tạp.
       Bài học thứ hai về rèn luyện chí khí là phải gắn liền giữa mục đích, biện pháp và hành động thiết thực. Người dạy “Phương hướng một, quyết tâm mười, biện pháp thực hiện ba mươi”.  Ý chí của Hồ Chí Minh nêu ra không phải là ý chí luận mà ý chí phải gắn với thực tiễn, phải căn cứ vào việc làm để đánh giá ý chí của họ.
       Bài học thứ ba, việc rèn luyện ý chí phải gắn liền với rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm”. Quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng đòi hỏi con người phải có ý chí, phải rèn luyện các phẩm chất ý chí như tính độc lập, tính tự chủ, tính mục đích, tính kiên trì, tính dũng cảm.
*****
       Ngày nay, chúng ta tìm hiểu những tư tưởng về nhân cách của Người chính là nhắc nhở chúng ta kế thừa một di sản văn hóa của nhân loại - Nhân cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là những bài học có giá trị mà mỗi người chúng ta trong một chừng mực nào đó có thể học tập và làm theo. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã, đang thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Ngọc Bích. Tâm lý học nhân cách. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2000.
2. Tố Hữu. Bác ơi. Tập thơ Ra trận. Nxb Văn học. Năm 1972.
3. Hồ Chí Minh. Về đạo đức cách mạng. NXB Sự thật. Hà Nội 1976
4. Hồ Chí Minh. Về vấn đề cán bộ. Nxb Sự thật. Hà Nội 1974
5. Hồ Chí Minh. Về giáo dục thanh niên. Nxb Thanh niên 1977
6. X.Y.Z. Sửa đổi lề lối làm việc. Nxb Sự thật. Hà Nội 1959 (tái bản lần thứ 7)

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_16863ca2fe31d3a09838ee23a11242ef.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)