Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Phát huy vai trò của các tổ công đoàn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn ở trường CĐSP Lạng Sơn

Thứ tư - 01/03/2017 02:53
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, trường CĐSP Lạng Sơn đã ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp phát triển giáo dục nói riêng, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn nói chung. Những thành tựu đạt được của trường CĐSP Lạng Sơn trong những năm qua luôn chứng minh và khẳng định vai trò to lớn của tổ chức Công đoàn nhà trường. Trong quá trình đó, dù trong điều kiện nào, Công đoàn trường cũng luôn cố gắng hoàn thành sứ mệnh tập hợp, đoàn kết toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên chức (CBCNVC), tạo thành một khối thống nhất về cả ý chí và hành động để đưa nhà trường vượt qua những khó khăn, thử thách, không ngừng vươn lên khẳng định mình trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. Trong giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết, Công đoàn trường CĐSP Lạng Sơn phải tiếp tục nâng cao và phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong quá trình phát triển trường CĐSP Lạng Sơn, góp phần chung tay thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toán quốc của Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI. Để hoàn thành được trách nhiệm đó, Công đoàn trường tiếp tục phải có những đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn, trong đó việc nâng cao, phát huy vai trò của các tổ công đoàn trong nhà trường là một trong những giải pháp quan trọng. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của các tổ công đoàn ở trường CĐSP Lạng Sơn luôn được quan tâm, trú trọng.
1. Sự cần thiết phải nâng cao và phát huy vai trò của các tổ công đoàn ở trường CĐSP Lạng Sơn
          Các tổ công đoàn là nơi tập hợp, đoàn kết các đoàn viên công đoàn có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau trong nhà trường thành một khối thống nhất đảm bảo thực hiện thành công những nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
          Công đoàn trường CĐSP Lạng Sơn cho đến thời điểm hiện nay (tháng 02/2017) có tổng số là 178 đoàn viên công đoàn. Các đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 14 tổ công đoàn, về cơ bản là theo cơ cấu tổ chức của trường. Cơ cấu tổ chức của trường CĐSP Lạng Sơn cũng như tất cả các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm nhiều phòng chức năng, khoa, tổ bộ môn và tổ chức đoàn thể. Từ khi trường Trung học sư phạm Lạng Sơn được nâng cấp thành trường CĐSP thì cơ cấu tổ chức của trường bao gồm: Đảng ủy, Ban Giám hiệu, 06 phòng chức năng, 06 khoa, 03 tổ trực thuộc, 01 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và 03 tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên).
          Khối các phòng chức năng bao gồm: Phòng Tổ chức - CTHSSV, Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Quản lý Đào tạo, Phòng Khảo thí - KĐCL&CNTT, Phòng Quản lý Khoa học & Công tác đối ngoại. Các Khoa bao gồm: Khoa Tự nhiên, Khoa Xã hội, Khoa Ngoại ngữ, Khoa GD Mầm non, Khoa GD Tiểu học, Khoa Bồi dưỡng CBQL&NV. Các tổ trực thuộc bao gồm: Tổ Tâm lý học - GD học, Tổ Lý luận Chính trị, Tổ GD thể chất & Công tác Đội. Đặc biệt, trong mỗi Khoa còn có nhiều tổ trực thuộc bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau như: Khoa Tự nhiên gồm có: Tổ Toán, Tổ Vật Lý, tổ Tin, Tổ Sinh - Hóa; Khoa Xã hội gồm có: Tổ Sử - Địa, Tổ Ngữ Văn;  Khoa Ngoại ngữ gồm có: Tổ Lý thuyết tiếng, Tổ thực hành tiếng, Tổ tiếng Trung; Khoa GD Mầm non gồm có: Tổ cơ sở lý luận, Tổ phương pháp;  Khoa GD Tiểu học gồm có Tổ Tự nhiên - Xã hội, Tổ Toán, Tổ Văn, Tổ Mỹ thuật, Tổ Âm nhạc.
          Mỗi phòng, ban, khoa, tổ có chức năng, nhiệm vụ riêng và có những đặc thù về chuyên môn, nghiệp vụ riêng. Để hoạt động Công đoàn đạt được hiệu quả, trong những năm qua Công đoàn trường CĐSP Lạng Sơn đã tổ chức thành 15 tổ công đoàn để tập hợp số lượng CBCNVC, làm việc ở  tất cả các phòng ban, khoa, tổ tham gia các hoạt động công đoàn. Đây là một mô hình phù hợp với đặc điểm của một nhà trường có số lượng đoàn viên công đoàn tương đối đông và đa dạng về chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi tổ công đoàn tập hợp những đoàn viên chuyên môn nghiệp vụ tuy khác nhau nhưng có chức năng, nhiệm vụ tương đối thống nhất và hơn nữa là cùng sinh hoạt, công tác trong một đơn vị của trường. Đó là cơ sở tạo nên sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong các hoạt động Công đoàn cũng như tạo điều kiện cho sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Công đoàn với tổ chức Đảng, chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và của nhà trường.
          Thông qua các tổ công đoàn việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn thuận lợi và có hiệu quả hơn.
          Theo Điều 15 của Điều lệ Công đoàn thì Công đoàn cơ sở có những nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau:
          (1) Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
          (2) Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên. Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
          (3) Phối hợp với thủ trưởng cơ quan thực hiện Quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động.
          (4) Cùng với thủ trưởng cơ quan cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của CNVCLĐ, tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong CNVCLĐ.
          (5) Tổ chức vận động CNVCLĐ trong cơ quan thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của CBCC, lao động; tham gia quản lý cơ quan, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
          (6) Phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
          Như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn là rất toàn diện, bao trùm mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Thông qua các tổ công đoàn, những nhiệm vụ, quyền hạn đó được thực thi, triển khai về cả chiều rộng và chiều sâu; tác động đến được mọi đoàn viên công đoàn, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trường.
          Thông qua các tổ công đoàn, các đoàn viên công đoàn có điều kiện được thực hiện đầy đủ các quyền và nhiệm vụ của mình.
          Theo Điều 3 của Điều lệ Công đoàn thì đoàn viên công đoàn có những quyền sau:
          (1) Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của công đoàn, ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn; phê bình chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn, kiến nghị bãi miễn cán bộ công đoàn có sai phạm.
          (2) Được yêu cầu công đoàn bảo vệ nhân phẩm và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
          (3) Được công đoàn bảo vệ nhân phẩm và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
          (4) Được công đoàn tư vấn miễn phí về pháp luật lao động và công đoàn; hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Được tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi do công đoàn tổ chức….
          Tại Điều 4 của Điều lệ công đoàn quy định đoàn viên công đoàn có những nhiệm vụ chủ yếu sau:
          (1) Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          (2) Thực hiện các Nghị quyết của công đoàn, tham gia các hoạt động và sinh hoạt công đoàn, đóng đoàn phí, tuyên truyền phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn.
          (3) Không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, tay nghề; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
          (4) Giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và tổ chức tốt cuộc sống; đoàn kết giúp nhau bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và của tổ chức công đoàn.
          Quyền và nhiệm vụ luôn song hành với nhau. Quyền và nhiệm vụ của đoàn viên công đoàn đã được quy định rõ nhưng để việc thực hiện quyền và nhiệm vụ đó còn đòi hỏi ở sự nhận thức đúng đắn của mỗi đoàn viên, của tổ chức công đoàn và cách thức tổ chức thực hiện, môi trường thực hiện. Thông qua tổ công đoàn, công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện, xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCNVC được thực hiện; mỗi đoàn viên công đoàn được chăm lo, quan tâm, đảm bảo những quyền và được tạo điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách kịp thời, thiết thực và sát sao.
2. Tình hình phát huy vai trò của các tổ công đoàn ở trường CĐSP Lạng Sơn
Trong những năm qua, các tổ công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống cho các đoàn viên công đoàn thể hiện qua những việc làm cụ thể sau: ngay từ đầu năm học, cùng với công đoàn trường phối hợp với lãnh đạo chính quyền nhà trường ký cam kết thực hiện đúng các nội dung đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Trong  năm học, phối hợp với chính quyền nhà trường thực hiện chế độ làm việc, giải quyết chế độ nghỉ ốm, thai sản, hiếu, hỉ; xây dựng quy chế chi tiêu tài chính công, thực hiện quỹ phúc lợi đảm bảo công khai, công bằng, chia sẻ; giúp đỡ kịp thời các đoàn viên gặp khó khăn, hoạn nạn. Các tổ công đoàn còn chủ động động viên, phân công các đoàn viên quan tâm chăm lo đến việc vệ sinh, sắp xêp văn phòng làm việc sạch sẽ, gọn gàng; mua sắm cốc, chén, bình nước, đảm bảo nước uống…để CBCNVC có điều kiện làm việc ngày càng tốt hơn. Thông qua tổ công đoàn vai trò của công đoàn được thể hiện và phát huy rõ nét, đặc biệt thể hiện ở công tác thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong từng tổ công đoàn và trong nhà trường. 
Thực hiện sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên, công đoàn trường, các tổ công đoàn động viên các đoàn viên tích cực tham gia đẩy đủ các hoạt động như viết bài dự thi, ủng hộ các quỹ làm công tác xã hội, từ thiện; tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong môi trường làm việc và tăng cường tinh thần hiểu biết, đoàn kết trong nhà trường. Cùng với công đoàn nhà trường, các tổ công đoàn tích cực, chủ động trong thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của ngành, của phụ nữ, thiếu nhi. Ngoài những hoạt động chung của trường, các tổ công đoàn còn có những hoạt động riêng tạo nên sự quan tâm thân thiết trong nội bộ tổ như tổ chức tết Thiếu nhi 1/6 cho các cháu, tổ chức những buổi tọa đàm nhân ngày 8/3, 20/11, cùng nhau tham gia các hoạt động do Công đoàn trường phát động như "Hội thi khéo tay, hay làm", "Hội thi tiếng hát công đoàn", “Nét đẹp giảng viên” động viên, cổ vũ đoàn viên tham gia Hội thi giáo viên giỏi và thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ …
          Thông qua các tổ công đoàn, quy chế dân chủ được thực hiện một cách có tổ chức và hiệu quả như lấy ý kiến của đoàn viên chuẩn bị cho Hội nghị công nhân viên chức, Đại hội Công đoàn, xây dựng quy chế chi tiêu tài chính công, thực hiện chế độ chính sách về chế độ làm việc, về giải quyết nhà ở công vụ, về điều kiện làm việc, giảng dạy…Những tâm tư nguyện vọng của các đoàn viên đã được các tổ công đoàn phản ánh đến Công đoàn trường và Ban giám hiệu để nhà trường phối hợp, đề ra  những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đáp ứng được nguyện vọng của CBCNVC trong trường.
          Cùng với Công đoàn trường, các tổ công đoàn động viên các đoàn viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", thực hiện văn minh công sở… Đầu năm cùng với tổ chức chính quyền phổ biến các tiêu chí thi đua, vận động các đoàn viên đăng ký và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt các danh hiệu thi đua đã đăng ký. Kết quả là hàng năm, có khoảng 99% đoàn viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; nhiều đoàn viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 100% nữ đoàn viên đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", nhiều đoàn viên đạt danh hiệu Đoàn viên xuất sắc; nhiều tổ công đoàn đạt tổ công đoàn vững mạnh.
          Các tổ công đoàn đã quan tâm đến việc vận động đoàn viên nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nội quy, quy chế của ngành, nhà trường, duy trì có hiệu quả nề nếp sinh hoạt chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Tuyên truyền, giáo dục đoàn viên có ý thức phấn đấu vào Đảng; giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng. 
3. Một số biện pháp nâng cao vai trò của các tổ công đoàn ở trường CĐSP Lạng Sơn
          Một là, tổ chức Đảng, Công đoàn cấp trên và Công đoàn trường tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hoạt động của các tổ công đoàn. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần có những hướng dẫn cụ thể, thấu đáo để các tổ công đoàn dễ triển khai đến toàn thể đoàn viên công đoàn tạo sự đồng thuận trong hưởng ứng các phong trào, nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó cũng cần có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ công đoàn để kịp thời có biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
          Hai là, Công đoàn cấp trên tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn được học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác công đoàn. Cung cấp đầy đủ tài liệu về nghiệp vụ và thông tin công đoàn đến các công đoàn cơ sở.
          Ba là, Ban chấp hành Công đoàn trường chủ động tích cực đổi mới và khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ công đoàn đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn. Đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Công đoàn cho toàn thể đoàn viên, cán bộ công đoàn trong trường để nâng cao tinh thần tự giác trong thực hiện các hoạt động công đoàn của các đoàn viên công đoàn.
          Bốn là, đội ngũ cán bộ công đoàn, tổ trưởng công đoàn cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tổ công đoàn. Không ngừng học tập, tự bồi dưỡng về nghiệp vụ công đoàn. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ công đoàn trong các hoạt động công đoàn.
          Năm là, các tổ công đoàn tiếp tục tích cực đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức tổ chức hoạt động công đoàn để hoạt động công đoàn ngày càng được nâng cao. Tích cực tham mưu với Công đoàn trường những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, đáp ứng được nguyện vọng của các đoàn viên công đoàn.
          Như vậy, các tổ công đoàn là bộ phận vô cùng quan trọng trong tổ chức Công đoàn trường. Thông qua các tổ công đoàn, đội ngũ CBCNVC nhà trường được tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện và trưởng thành. Trong thời gian tới, các tổ công đoàn cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục hạn chế để vai trò của các tổ công đoàn ngày càng được nâng cao, phát huy và khẳng định góp phần nâng cao vị thế của Công đoàn trường và Công đoàn Giáo dục trong sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.

Tác giả bài viết: Hà Thị Thúy Hằng

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_2e1a842b4da0c5e08de9b68fba95f69c.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)