Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Trường CĐSP Lạng Sơn tổ chức thành công Hội thảo Khoa học "Dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn"

Thứ tư - 11/01/2017 04:15
          Được sự quan tâm và cho phép của Sở GDĐT Lạng Sơn, sự phối hợp của các phòng GDDT các huyện và thành phố, ngày 24/12/2016, trường CĐSP Lạng Sơn tổ chức thành công Hội thảo Khoa học với chủ đề "Dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn".
          Tham dự Hội thảo Khoa học có trên70 đại biểu là Lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục; giáo viên các trường THCS trên  địa bàn tỉnh Lạng Sơn và giảng viên, sinh viên tiếng Anh trường CĐSP
 Đại biểu Sở GDĐT: ThS.Trần Minh Châu - Phó trưởng phòng GDTrH; ThS.Nguyễn Các Tâm - Phó trưởng phòng GDTH.
 Đại biểu các Phòng GDĐT: Lãnh đạo và chuyên viên tiếng Anh các phòng GDĐT huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định, Đình Lập, Văn Quan, Văn Lãng, Lộc Bình; Lãnh đạo và giáo viên  tiếng Anh các trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
         Đại biểu trường CĐSP Lạng Sơn: ThS. Ninh Văn Hưng - Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu, Ban tổ chức, giảng viên và sinh viên tiếng Anh, khoa Ngoại ngữ.
 
 
          Mục tiêu của Hội thảo là:
- Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy và học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh;
- Bàn thảo xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh cho học sinh các trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
          Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo có tác dụng kép vừa nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở trường THCS đồng thời định hướng cho trường CĐSP Lạng Sơn trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh bậc THCS theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.
          Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính sau:
- Thực trạng dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh ở trường THCS;
- Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cụ thể: Nâng cao năng lực tiếng Anh và năng lực dạy học, kiểm tra - đánh giá cho giáo viên tiếng Anh; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và khai thác học liệu bằng tiếng Anh; Phát triển năng lực tự học tiếng Anh cho học sinh; Phương pháp xây dựng mô hình tiếng Anh cộng đồng.
          Sau gần 3 tháng chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 16 tham luận của cán bộ quản lí, giảng viên và giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Bên cạnh việc đánh giá thực trạng dạy học tiếng Anh ở trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các tham luận chủ yếu tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính:
           Nhóm thứ nhất tập trung vào các vấn đề chung và giải pháp về công tác quản lý, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất và các nguồn học liệu để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh THCS.
 Nhóm thứ hai tập trung vào các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh.
          Nhóm thứ ba tập trung vào các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của người học nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh tại các trường THCS.   
          Nhóm thứ tư tập trung xây dựng mô hình tiếng Anh cộng đồng và rèn năng lực tự học tiếng Anh cho học sinh THCS.
          Các tham luận đã cho thấy sự phong phú, đa dạng với nhiều giải pháp hợp lý trong việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

TS. Phùng Quý Sơn - Phó Hiệu trưởng trường CĐSP Lạng Sơn,
Phó Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo
 
          Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phùng Quý Sơn - Phó Hiệu trưởng trường CĐSP Lạng Sơn, Phó Trưởng ban tổ chức Hội thảo đã nhấn mạnh: Giáo dục phổ thông Việt Nam đang được đánh giá là có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, trước tiên là ở phương châm giáo dục: hình thành cho người học những phẩm chất, năng lực thích ứng và giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra. Vì thế, chương trình giáo dục chuyển hướng từ tiếp cận nội dung, mục tiêu sang hướng tiếp cận năng lực người học; từ phương pháp dạy học theo lối truyền thụ một chiều “thầy giảng trò nghe” sang hướng dạy học “lấy người học làm trung tâm”; phương thức kiểm tra - đánh giá từ quan tâm tới kết quả học tập được quy đổi thành con số sang quan tâm tới quá trình học tập với những lời nhận xét của giáo viên về học sinh để có thể tác động kịp thời nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ VIII của Ban chấp hành Trung ương khóa XI cũng đã xác định đổi mới chương trình đào tạo, phương thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học là nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy, tiếng Anh không còn đơn thuần là một môn học chủ yếu chỉ được sử dụng ở trường học như trong thời gian qua, mà việc dạy học ngoại ngữ còn cần chú ý hơn tới việc rèn các kỹ năng, ứng dụng kiến thức và năng lực của người học vào thực tiễn. Với tinh thần khoa học nghiêm túc, Ban tổ chức Hội thảo trân trọng ghi nhận đóng góp của các tác giả trong quá trình tiến tới tổ chức Hội thảo này.

ThS. Lê Thị Thanh Hương - Trưởng Khoa Ngoại ngữ báo cáo tham luận
"Thực trạng và giải pháp dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh
trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn"
 

CN. Đoàn Bích Vân - Trường PTDT nội trú THCS Huyện Lộc Bình báo cáo
tham luận "Dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực HS trường PTDT
nội trú THCS Huyện Lộc Bình"

 
 CN. Liễu Thị Khảm, Trường THCS Tràng Phái, huyện Văn Quan
báo cáo tham luận "Biện pháp rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh cho học sinh THCS"
 
            Các  đại biểu đã được nghe 4 báo cáo tham luận của các giảng viên và giáo viên tiếng Anh về dạy học theo hướng tiếp cận năng lực học sinh trường THCS. Trên cơ sở các báo cáo khoa học, Hội thảo đã nghiêm túc đánh giá thực trạng cũng như những thuận lợi và khó khăn của hoạt động dạy học tiếng Anh trong những năm qua; chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác quản lý cũng như đổi mới dạy học tiếng Anh ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Đặc biệt  bàn thảo nhiều về các vấn đề sau đây:
          1. Về công tác phát triển đội ngũ: Người thầy giữ vai trò quyết định chất lượng trong công tác giáo dục. Trong đó yếu tố chuyên môn giữ vai trò quan trọng, vì vậy, giáo viên tiếng Anh cần phải chú trọng phát triển "năng lực tiếng" (năng lực ngôn ngữ) bằng các con đường như nâng cao trình độ qua các khóa học đào tạo đại học, sau đại học, các lớp cấp chứng chỉ về ngôn ngữ như PET, IELTS TOEFL/TOEIC… Tham gia có hiệu quả các khóa học về bồi dưỡng thường xuyên, phát triển khả năng tự học, tự bồi dưỡng. Tổ chức tốt sinh hoạt chuyên môn, trao đổi học thuật với các trường trong và ngoài tỉnh có kinh nghiệm về giảng dạy ngoại ngữ; Tổ chức thi giáo viên giỏi có kiểm tra trình độ ngoại ngữ của giáo viên. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực nghiệp vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học theo hướng tiếp cận năng lực học sinh THCS  miền núi.
          2. Về phía người học: Cần xây dựng động lực, động cơ học tập đúng đắn cho học sinh, đặc biệt là rèn phương pháp, ý chí và thói quen tự học trong môi trường công nghệ thông tin.
          3. Đổi mới phương pháp, phương tiện, hình thức và kỹ thuật dạy học như phát triển chương trình dạy học, khai thác ngữ liệu phù hợp với đối tượng học sinh nhưng vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra; sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực tăng cường tính "đa giác quan", "học qua làm", tăng cường "học trải nghiệm" và đảm bảo tính liên môn trong quá trình dạy học. Phát triển kỹ năng nói và viết, đặc biệt kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh THCS trong từng hoàn cảnh cụ thể.
          4. Dạy học phải tương đồng với kiểm tra đánh giá người học: Kết hợp đánh giá thời điểm và đánh giá quá trình, đánh giá định lượng với đánh giá định tính;  Đánh giá thời điểm cần chú trọng các khâu xây dựng ma trận đề thi, ra đề, chấm thi; đặc biệt là phân tích, đánh giá kết quả bài kiểm tra. Tăng cường đánh giá quá trình thông qua các tiết học project, sử dụng hồ sơ học tập (portfolio) (sản phẩm học tập), nhật ký học tập (journal); tổ chức cho học sinh nói đầu giờ, luyện thi IOE..  Chú trọng xây dựng các tiêu chí đánh giá, rèn cho học sinh phương pháp đánh giá và tự đánh giá cũng như tư vấn cho học sinh phương thức cải thiện thực trạng học tập bộ môn. Đặc biệt là tổ chức các bài thi nói tiếng Anh cho tất cả các lớp học sinh bậc THCS.
           5. Đầu tư cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ hoạt động dạy và học ngoại ngữ. Tổ chức tập huấn cho giáo viên về phương pháp khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ; Có chế tài khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nội, ngoại khóa như khai thác nguồn học liệu đa dạng; giới thiệu cho học sinh các trang web tiếng Anh như 123tienganh.com;.britishcouncil.org; monstergrammar.com; thiết lập các lớp học online; trả bài online bằng các phần mềm gnomio.com, word press; sử dụng hòm thư điện tử để trao đổi thông tin trong quá trình tự học; luyện thi IOE ….
          6. Xây dựng mô hình tiếng Anh cộng đồng: Tăng cường tổ chức câu lạc bộ cho tất cả học sinh tham gia, với hình thức đa dạng, phong phú. Tổ chức các hình thức khác đơn giản, dễ thực hiện như làm bản tin tiếng Anh, lập hồ sơ trong lớp bằng tiếng Anh (profile), lập góc tiếng Anh trong lớp, báo tường, hội thi tiếng Anh (hội học), xây dựng cộng đồng mạng, thư viện mở. Đồng thời, xây dựng môi trường tiếng Anh ở trong lớp, trong trường với những lời chỉ dẫn, biểu ngữ, khẩu hiệu bằng tiếng Anh.
          7. Trao đổi về chương trình dạy học 7 năm và 10 năm đối với bộ môn tiếng Anh ở trường THCS, đồng thời quan tâm đến công tác dạy học tiếng Anh ở trường tiểu học để xây dựng nền tảng vững chắc cho học sinh học tập ở trường THCS.
          8. Chú trọng công tác quản lý dạy và học  tiếng Anh trong các nhà trường THCS.
 
CN. Trần Kim Ánh - Trưởng phòng GDĐT huyện Hữu Lũng
chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý dạy và học ngoại ngữ

 
CN. Hà Lý Ánh Dương - Trường THCS Thị trấn Đồng Mỏ chia sẻ những thuận lợi
và khó khăn trong quá trình dạy và học ngoại ngữ tại nhà trường
 
          Thay mặt cán bộ và giảng viên trường CĐP Lạng Sơn, ThS. Ninh Văn Hưng - Hiệu trưởng nhà trường đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tham dự và đóng góp ý kiến của quý vị đại biểu trong Hội thảo lần này. Đồng thời đồng chí cũng nhấn mạnh: Giảng dạy tiếp cận năng lực là đáp ứng nhu cầu học tập của người học, phù hợp với từng nhóm cũng như từng cá nhân học sinh trong những điều kiện cụ thể. Trong Hội thảo này, số lượng đại biểu tham dự còn khiêm tốn so với đội ngũ những người làm công tác giáo dục của toàn ngành. Vì vậy, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo của các Phòng GDĐT để hiệu ứng, tinh thần của Hội thảo lan tỏa tới nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, trường CĐSP Lạng Sơn tiếp tục tạo điều kiện gắn kết giảng viên sư phạm với giáo dục phổ thông để tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trên địa bàn tỉnh.
 
Hội thảo trao đổi, thảo luận
          Hội thảo Khoa học "Dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh  trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn" đã kết thúc tốt đẹp. Hội thảo đã tạo ra diễn đàn để đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học và các thầy cô giáo tiếng Anh cùng đánh giá thực trạng cũng như những thuận lợi, thách thức và khó khăn của việc dạy học tiếng Anh tại những địa bàn đặc thù như tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời bàn thảo và đưa ra những ý kiến đa chiều cũng như đề xuất những giải pháp phù hợp cho dạy học tiếng Anh trong bối cảnh hiện tại. Hội thảo lần này sẽ tiếp tục lộ trình lâu dài để chúng ta có nhiều cơ hội, nhiều diễn đàn mới để tìm kiếm những giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực ở trường THCS nói riêng, các trường phổ thông nói chung, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_bbd8a86f6fd05a65f3629c8277f7da2d.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)