Nghiên cứu khoa học (NCKH) là dạng hoạt động trí tuệ đặc biệt mang tính chuyên sâu giúp sinh viên tự tìm kiếm, khám phá và ứng dụng tri thức dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Đây là phương pháp học tập phù hợp với bậc giáo dục đại học, nhằm tối ưu hóa vai trò của cá nhân, hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực làm việc độc lập, tư duy sáng tạo, thích ứng với thời đại bùng nổ thông tin và yêu cầu ngày càng cao của hoạt động nghề nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012 thay thế Quyết định số 08/2000/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2000 Quy định về hoạt động NCKH của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Thông tư đã xác định rõ: Xây dựng và thực hiện kế hoạch; quản lý hoạt động NCKH của sinh viên; trách nhiệm và quyền của sinh viên tham gia NCKH và người hướng dẫn. Nhận thức được điều này, trong những năm qua, Trường CĐSP Lạng Sơn đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng chế tài cụ thể cho công tác NCKH của sinh viên. Hoạt động này đã đi vào quỹ đạo, từng bước có những chuyển biến tích cực về mặt số lượng và chất lượng, mang tính chuyên nghiệp hơn. Hoạt động khoa học công nghệ góp phần đổi mới, sáng tạo trong sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn.
1. Công tác quản lý và hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ của sinh viên Trường CĐSP Lạng SơnTháng 4/2011, Hội đồng KH&ĐT rà soát, chỉnh sửa và bổ sung và ban hành Quy định mới cũng như những biểu mẫu quản lý công tác NCKH của sinh viên. Quy định mức chi cho hoạt động khoa học công nghệ của sinh viên trong quy chế chi tiêu nội bộ của trường và quy định số giờ NCKH cho giảng viên hướng dẫn; hỗ trợ kinh phí cũng như tính điểm học tập và rèn luyện; phát triển Đảng cho sinh viên có thành tích trong công tác NCKH. Quy định này là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và chỉ đạo công tác NCKH của sinh viên. Trong quá trình tổ chức hoạt động khoa học công nghệ cho sinh viên, nhà trường tiếp tục hoàn thiện các văn bản quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ban Giám hiệu, Hội đồng KH&ĐT và các đơn vị luôn quan tâm đến công tác quản lý hoạt động NCKH của sinh viên, thực hiện theo đúng quy trình: Xây dựng kế hoạch; tổ chức, chỉ đạo thực hiện; nghiệm thu và định kỳ tổng kết; đánh giá kết quả hoạt động theo từng giai đoạn. Các đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch, động viên, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu và tổ chức nghiệm thu công khai nghiêm túc, theo đúng quy trình, tạo điều kiện và cơ hội cho sinh viên được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Các đơn vị đánh giá đây là buổi sinh hoạt chuyên môn thực sự có giá trị không chỉ cho sinh viên mà cho cả giảng viên.
Tuy vậy, công tác quản lý hoạt động NCKH của sinh viên còn một số tồn tại: Việc tổ chức các sân chơi trí tuệ, các hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề chưa nhiều nên sinh viên ít có điều kiện trao đổi chuyên môn, học thuật. Vì vậy, tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu còn hạn chế.
2. Thực trạng hoạt động khoa học công nghệ của sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn Từ năm học 2012 trở lại đây, hoạt động NCKH của sinh viên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động này đã đi vào nền nếp, số lượt sinh viên tham gia viết tiểu luận học phần tăng lên đáng kể, mở rộng lĩnh vực nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cùng tham gia tìm hiểu một vấn đề nghiên cứu; thiết kế, sáng tạo đồ dùng dạy học mang lại những hiệu quả và hiệu ứng nhất định trong hoạt động NCKH. Các hình thức NCKH của sinh viên chủ yếu là viết tiểu luận học phần, tham gia đề tài nhánh của giảng viên, sáng tạo khoa học kỹ thuật và thiết kế đồng dùng dạy học.
Bảng 1. Tổng hợp sản phẩm khoa học công nghệ của sinh viên
giai đoạn 2012 - 2017
TT | Lĩnh vực nghiên cứu | Năm học 2012 - 2013 | Năm học 2013 - 2014 | Năm học 2014 - 2015 | Năm học 2015 - 2016 | Năm học 2016 - 2017 | Tổng |
1 | Nghiên cứu chuyên sâu (cơ bản) | 20 | 11 | 17 | 20 | 17 | 85 |
2 | Phương pháp dạy học, giáo dục ở trường CĐSP | 8 | 5 | 3 | 5 | 4 | 25 |
3 | Nội dung, phương pháp dạy học, giáo dục và kiểm tra, đánh giá ở trường mầm non, tiểu học, THCS | 30 | 47 | 40 | 30 | 32 | 179 |
4 | Khai thác, sử dụng đồ dùng, phương tiện dạy học ở trường mầm non, tiểu học, THCS | 2 | 10 | 7 | 16 | 7 | 42 |
5 | Sáng tạo khoa học kỹ thuật, đồ dùng dạy học | 0 | 2 | 0 | 17 | 0 | 19 |
6 | Các lĩnh vực khác | 4 | 1 | 1 | 4 | 7 | 17 |
Cộng | 64 | 76 | 68 | 92 | 67 | 367 |
Nội dung nghiên cứu tương đối phong phú, đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực phục vụ cho hoạt động học tập và rèn luyện cũng như thực hành nghề nghiệp của sinh viên. Các vấn đề nghiên cứu nhỏ, hẹp phù hợp với năng lực của sinh viên. Đề tài thiên về thực hành, giảm bớt tính lý thuyết hàn lâm, hướng tới tính ứng dụng như: nghiên cứu chuyên sâu học phần; phương pháp dạy học, giáo dục ở trường CĐSP; nội dung, phương pháp dạy học, giáo dục và kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông, mầm non; ứng dụng CNTT, đồ dùng, phương tiện dạy học ở trường phổ thông, mầm non và các lĩnh vực khác. Lĩnh vực nghiên cứu về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học ở trường phổ thông, mầm non chiếm ưu thế.
Tuy vậy, một số lĩnh vực mang tính cập nhật của giáo dục phổ thông, mầm non hiện nay chưa được sinh viên nghiên cứu hoặc nghiên cứu còn khiêm tốn như: khai thác và sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học; công nghệ dạy học; mô hình dạy học VNEN; dạy học tích hợp (liên môn); kỹ thuật và thủ thuật dạy học; kiểm tra, đánh giá theo năng lực; phương pháp xây dựng mô hình học sinh tự quản, giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên, ôn luyện cho học sinh giải toán trên máy tính cầm tay, thi trực tuyến môn Toán và Tiếng Anh trên Internet. Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu học phần cũng mới chỉ dừng ở việc phân tích, đánh giá các nội dung phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của sinh viên chứ chưa mang tính phát hiện, sáng tạo.
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên còn tổ chức câu lạc bộ học tập và nghiên cứu khoa học để giảng viên và sinh viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong học tập và nghiên cứu. Nhà trường tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học cho sinh viên để tạo diễn đàn để đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên cùng rà soát, đánh giá, tổng kết, chiêm nghiệm lại những vấn đề, tình huống trong thực tế công việc trước hết là của chính mình, sau nữa là của sinh viên, từ đó cùng đưa ra thảo luận những vấn đề chung phản ánh thực trạng, những vấn đề sát sườn, tác động trực tiếp đến quá trình đổi mới phương pháp NCKH cho sinh viên. Từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng cũng như năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên.
3. Hoạt động khoa học công nghệ góp phần đổi mới nghiên cứu, sáng tạo trong sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn Sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ góp phần đổi mới nghiên cứu, sáng tạo trong học tập và rèn luyện. Viết tiểu luận học phần, thực hiện bài bài tập lớn, dự án học tập giúp sinh viên bước đầu tham gia công tác NCKH, biết cách lựa chọn vấn đề nghiên cứu, xây dựng đề cương và kế hoạch nghiên cứu, tổ chức thực hiện, trình bày cũng như triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó góp phần đổi mới trong phương pháp học tập, nghiên cứu chiếm lĩnh tri thức ở trường sư phạm cũng như sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời bước đầu hình thành năng lực tư duy khoa học và các phẩm chất trí tuệ, phẩm chất nhân cách của người nghiên cứu.
Năm học 2013 - 2014, thầy giáo Nguyễn Sỹ Trọng - chủ nhiệm đề tài NCKH cấp tỉnh cùng nhóm các thầy cô giáo tổ Vật lý, Khoa Tự Nhiên
“Xây dựng bộ thí nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Vật lý ở các trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” hướng dẫn 28 lượt sinh viên tham gia nghiên cứu 7 mảng nội dung của các đề tài nhánh. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên được tham gia nghiên cứu, chế tạo bộ thí nghiệm vật lý ở trường THCS. Sinh viên hỗ trợ giảng viên tham gia thực nghiệm sư phạm tổ chức hoạt động ngoại khóa vật lý ở một số trường THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Với thí nghiệm “Sự nở vì nhiệt của chất rắn” và “Mô hình đường sắt giảm tiếng ồn” tham gia nội dung thi Thiết kế đồ dùng, thiết bị dạy học trong Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Toàn quốc năm 2013 đạt Huy chương Đồng. Những kết quả đó tạo hiệu ứng thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong học tập và rèn luyện của sinh viên với hoạt động thiết kế đồ dùng, thiết bị dạy học.
Sản phẩm nghiên cứu sáng tạo của sinh viên
Tổ chức ngoại khóa Vật lý ở trường THCS
Hội thi NVSP toàn quốc năm 2013
Nghiệm thu đề tài cấp tỉnh năm 2015
Năm học 2015 - 2016, Trường CĐSP Lạng Sơn tổ chức Hội thi
“Sinh viên sáng tạo khoa học kĩ thuật và đồ dùng thiết bị dạy học”. Trong đó có 13/17 sản phẩm đạt giải. Ưu điểm của các sản phẩm dự thi là đáp ứng tốt các tiêu chí về tính mới và sáng tạo; tính sư phạm và thẩm mỹ; kinh tế và khoa học kỹ thuật, có thể nhân rộng. Một số sản phẩm tiêu biểu thể hiện sự sáng tạo trong cải tiến các thí nghiệm được ban hành trong chương trình sách giáo khoa phổ thông như Bộ thí nghiệm đối lưu (Khoa Tự nhiên); khắc phục được việc sử dụng thí nghiệm ảo như Bộ thí nghiệm minh họa sóng cơ học (Khoa Tự nhiên); là cơ sở để chế tạo robot như Động cơ điện kiểu Piston (Khoa Tự nhiên); phát triển khả năng tưởng tượng của học sinh như Bộ công cụ dạy - học loại bài khởi nghĩa, chiến tranh cách mạng trong dạy học Lịch sử ở trường THCS (Khoa Xã hội); tăng cường hứng thú, phát triển khả năng ngôn ngữ như Bộ đồ dùng dạy học Magic pizza . Điển hình là sản phẩm Máy vẽ tự động (Khoa Tự nhiên), thể hiện sự sáng tạo trong thiết kế và chế tạo sản phẩm khoa học kỹ thuật dựa trên sự hiểu biết về vật lý cơ học, điện tử học và tin học lập trình.
SV Khoa GDMN thuyết trình sản phẩm
Tập thể có nhiều sản phẩm dự thi và đạt giải
Hội thi “Sinh viên sáng tạo khoa học kĩ thuật và đồ dùng thiết bị dạy học" Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên say mê nghiên cứu, thử nghiệm rồi tiếp tục nghiên cứu giúp các em đã biết kết hợp giữa việc nghiên cứu và ứng dụng. Sinh viên ứng dụng sản phẩm nghiên cứu trong học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của bản thân, bước đầu mang lại hiệu quả đích thực. Điều quan trọng là sinh viên thể hiện sự sáng tạo và đổi mới phương thức học tập, thích ứng nhanh với những yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp.
4. Định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ của sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn NCKH là hoạt động nhận thức phức tạp, mang tính mới mẻ và tính sáng tạo. Hoạt động này chỉ thực sự có hiệu quả khi được chứng minh và kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Hoạt động NCKH chỉ thực sự có hiệu quả khi chủ thể ý thức được vai trò, tác dụng của NCKH, có năng lực nghiên cứu và thực sự yêu thích khoa học. Để nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ cho sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn, các đơn vị cũng như mỗi giảng viên cần chú trọng hơn nữa đến hoạt động này. Đứng trước thềm của công cuộc đổi mới giáo dục, Trường CĐSP Lạng Sơn cần có những định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ của sinh viên mang tính đồng bộ như:
1. Tiếp tục hoàn thiện quy định quản lý, cơ chế, chính sách khuyến giảng viên và sinh viên tham gia NCKH.
2. Khuyến khích giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện tiểu luận học phần, bài tập lớn, dự án học tập, chuyên đề nghiên cứu liên quan đến khoa học công nghệ; thực hiện đề tài khoa học độc lập các cấp; tăng cường nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu; tổ chức những sân chơi bổ ích cho sinh viên như: cuộc thi “nghiên cứu khoa học”, hội thi “sáng chế, thiết kế đồ dùng, phần mềm dạy học và quản lý”.
3. Tạo điều kiện cho sinh viên tham dự và viết bài nghiên cứu cho hội thảo khoa học các cấp, bài đăng website; công bố và giới thiệu những sản phẩm nghiên cứu tiêu biểu của sinh viên trên các phương tiện thông tin đại chúng, kỷ yếu, website và tạp chí chuyên ngành.
4. Tăng cường tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ học tập và NCKH; tư vấn giúp đỡ sinh viên phương pháp học tập ở trường CĐSP; tổ chức các chuyên đề theo định kỳ, gắn học tập với nghiên cứu, gắn học tập với thực hành nghề của sinh viên, gắn học tập và nghiên cứu ở trường sư phạm với thực tiễn giáo dục phổ thông, mầm non.
5. Tư vấn, giúp đỡ và bồi dưỡng cho giảng viên trẻ năng lực NCKH và hướng dẫn sinh viên NCKH. Đồng thời đào tạo kỹ năng NCKH cho sinh viên.