Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Quy trình thực hiện sáng kiến trong hoạt động sư phạm

Chủ nhật - 25/12/2016 22:27
Tóm tắt: Sáng kiến là một sản phẩm quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp, đòi hỏi chủ thể phải suy nghĩ, tìm tòi và đưa ra những giải pháp/ ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công việc. Quy trình suy nghĩ ý tưởng, thử nghiệm, kiểm chứng hiệu quả và phổ biến, ứng dụng sáng kiến gồm nhiều công đoạn khác nhau, được thực hiện tương đối khoa học.
Từ khóa: Quy trình, thực hiện, sáng kiến 
Tóm tắt: Sáng kiến là một sản phẩm quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp, đòi hỏi chủ thể phải suy nghĩ, tìm tòi và đưa ra những giải pháp/ ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công việc. Quy trình suy nghĩ ý tưởng, thử nghiệm, kiểm chứng hiệu quả và phổ biến, ứng dụng sáng kiến gồm nhiều công đoạn khác nhau, được thực hiện tương đối khoa học.
Từ khóa: Quy trình, thực hiện, sáng kiến
          Viết sáng kiến (sáng kiến cải tiến kỹ thuật) là một công việc có ý nghĩa đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói chung và với mỗi giảng viên nói riêng, có tác dụng kép: vừa giúp người lao động nghiên cứu, tìm tòi những ý tưởng/giải pháp mới mang tính sáng tạo để nâng cao hiệu suất lao động của bản thân cũng như của đồng nghiệp; vừa giúp tác giả phát triển và hoàn thiện dần thành năng lực nghiên cứu, khám phá, tìm kiếm, sáng tạo trong lĩnh vực công tác, tiệm cận tới hoạt động khoa học. Thực tế cho thấy, quy định về cách trình bày sáng kiến ở mỗi ngành, cơ quan, đơn vị là khác nhau. Thậm chí trong cùng một ngành nhưng trong những thời điểm khác nhau cũng quy định cách viết khác nhau. Điều đó là hoàn toàn phù hợp, mang tính đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong cách viết sáng kiến. Tuy nhiên, quy trình thực hiện sáng kiến có những điểm chung. Bài viết này trình bày về quy trình thực hiện sáng kiến nói chung và trong lĩnh vực hoạt động sư phạm nói riêng, đáp ứng yêu cầu quy định và nâng cao hiệu quả của sáng kiến.
1.  Khái quát về sáng kiến
1.1. Khái niệm sáng kiến
* Có nhiều khái niệm khác nhau, song theo quy định trong các văn bản hiện nay thì khái niệm sáng kiến như sau:
Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó;
b) Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực.
c) Không thuộc đối tượng bị loại trừ  sau:
          - Các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động của ngành, của tỉnh.
- Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu hoặc có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
          - Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.
          Đối với ngành GD-ĐT, các giải pháp có thể là quy trình quản lý, kỹ thuật dạy học, đồ dùng, thiết bị dạy học (website, giáo trình, tài liệu, sách điện tử, phần mềm)…
          * Theo chúng tôi, có thể phân loại sáng kiến:
          - Dựa vào phạm vi áp dụng: sáng kiến cấp tỉnh, sáng kiến cấp ngành và  sáng kiến cấp đơn vị.
          - Dựa vào tính chất của sáng kiến: sáng kiến mới hoàn toàn, sáng kiến mang tính chất cải tiến, sáng kiến trong ứng dụng hoạt động nghề nghiệp.
          - Dựa vào sản phẩm của sáng kiến: phương pháp/kỹ thuật/quy trình dạy học, giáo dục, quản lý (định tính) và đồ dùng, thiết bị, mô hình (sản phẩm cụ thể) (định lượng).
          1.2. Đặc điểm của sáng kiến
     - Đảm bảo tính mới và tính sáng tạo.
     -  Đã được áp dụng thử nghiệm trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực.
     - Người viết sáng kiến thực hiện.
          - Sáng kiến được thực hiện theo quy trình: Suy nghĩ, Thử nghiệmKiểm chứng


 
. Suy nghĩ: Phát hiện vấn đề và đề xuất giải pháp thay thế.
 
. Thử nghiệm: Thử nghiệm giải pháp thay thế
 
. Kiểm chứng:  Xem giải pháp thay thế có hiệu quả hay không.
1.3. Cấu trúc của sáng kiến (bản mô tả sáng kiến)
            Có nhiều cách viết sáng kiến, tùy theo từng ngành nghề mà có quy định cụ thể về mẫu viết sáng kiến. Nội dung chính trong bản mô tả sáng kiến theo quy định hiện nay gồm:
I. Thông tin về sáng kiến
              - Tên sáng kiến
              - Lĩnh vực áp dụng sáng kiến
              - Tác giả
              - Đồng tác giả (nếu có)
              - Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến (nếu có)       
              - Đơn vị áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có)
              - Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến
     II. Mô tả giải pháp truyền thống đã, đang áp dụng
     III. Mô tả sáng kiến
              - Tính mới, tính sáng tạo
              - Khả năng áp dụng, nhân rộng       
                    - Hiệu quả (Hiệu quả kinh tế, hiệu quả về mặt xã hội, môi trường)/             Lợi ích thiết thực mà sáng kiến mang lại.
Tài liệu đính kèm
            1. Bản vẽ mô tả chi tiết giải pháp kỹ thuật của sáng kiến (nếu có);
            2. Ảnh minh họa sáng kiến được áp dụng trong thực tế (nếu có);
           3. Sản phẩm khác kèm theo (nếu có).
1.4. Tiêu chuẩn đánh giá sáng kiến
          1.4.1. Tính mới, tính sáng tạo
          Có tính mới, tính sáng tạo trong phạm vi toàn tỉnh/ngành/đơn vị. Một giải pháp được coi là có tính mới trong phạm vi toàn tỉnh/ngành/đơn vị nếu tính đến trước ngày nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào sớm hơn) trong phạm vi toàn tỉnh/ngành/đơn vị, giải pháp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
          - Không trùng với nội dung của giải pháp trong đơn đề nghị công nhận sáng kiến nộp trước;
          - Chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được;
          - Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;
          - Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.
1.4.2. Khả năng áp dụng, nhân rộng
Có khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện của toàn tỉnh/ngành/đơn vị: Giải pháp đề nghị xét công nhận sáng kiến đã được áp dụng, sản xuất hoặc đã được áp dụng thử, sản xuất thử và chứng minh được khả năng áp dụng rộng rãi, có hiệu quả trong điều kiện của toàn tỉnh/ngành/đơn vị.
1.4.3. Hiệu quả kinh tế (Lợi ích sáng kiến đem lại)
Có khả năng mang lại lợi ích thiết thực. Một giải pháp được coi là mang lại lợi ích thiết thực nếu đạt được một trong hai tiêu chí sau:
- Hiệu quả kinh tế: Nâng cao hiệu quả kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm, giảm chi phí về tiền, thời gian, sức lao động; tăng hiệu suất sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị công tác; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác, góp phần cải cách thủ tục hành chính; có tác dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí …;
          - Hiệu quả xã hội: Nâng cao điều kiện an toàn lao động, điều kiện công tác, hoặc góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ an toàn cơ quan, tài liệu, tài sản, hoặc cải thiện điều kiện sống, làm việc, hoặc bảo vệ sức khỏe con người; nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ; tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh giúp phát triển thể chất và trí tuệ hoặc góp phần tiết kiệm tài nguyên, phòng chống thiên tai, hoặc góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường…
          Lưu ý: trong giáo dục hiệu quả kinh tế được thể hiện là dễ thực hiện, ít tốn kém, nhiều người tham gia, nâng cao kết quả quản lý, dạy học, giáo dục…
2. Quy trình thực hiện sáng kiến trong hoạt động sư phạm
          Trong quá trình thực hiện sáng kiến, để đảm bảo có hiệu quả cần tuân thủ theo quy trình sau:
2.1. Phân tích bối cảnh hiện tại (hiện trạng áp dụng các giải pháp đã có):
          - Suy nghĩ, phát hiện những hạn chế của thực trạng trong dạy học, quản lý và các hoạt động khác của trường (mô tả cách thực hiện/áp dụng các giải pháp đã có trong hoạt động quản lý tại thời điểm hiện tại; chỉ ra những ưu điểm/hạn chế và nguyên nhân tạo nên).
          Tuy nhiên, không nhất thiết thực trạng cho thấy hạn chế. Sáng kiến có thể giúp nâng cao hiệu quả/ năng suất/ chất lượng theo một hướng khác (dễ làm/ phù hợp bối cảnh địa phương…) nhằm đề xuất thêm một hướng lựa chọn khác cho người áp dụng. Ví dụ: thực trạng có thể cho thấy dạy học tiếng Anh ở tiểu học bằng phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm đang được áp dụng có hiệu quả bằng phương pháp thảo luận nhóm, dạy học dự án…. Sáng kiến đề xuất thêm một cách khác hiệu quả: kĩ năng vẽ tranh và thuyết trình hoặc các kỹ thuật dạy học để nâng cao hiệu quả của phương pháp thảo luận nhóm hoặc dạy học dự án.
          - Suy ngẫm về tình hình hiện tại (nhìn lại các vấn đề trong dạy học/quản lý giáo dục). Ví dụ một số vấn đề thường được giáo viên đưa ra:
     + Vì sao nội dung/bài học này không thu hút học sinh tham gia?
     + Vì sao kết quả học tập của học sinh sụt giảm khi học nội dung này?
     + Phương pháp này có nâng cao kết quả học tập của học sinh hay không?
     + Có cách nào tốt hơn để thay đổi nhận thức của cha mẹ học sinh về giáo dục trong nhà trường không?
     + Vì sao giáo viên không thực hiện đổi mới phương pháp dạy học?
     + Vì sao có nhiều học sinh bỏ học/đi học muộn/…?
     + Vì sao chất lượng bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học ở địa phương chưa hiệu quả?
     + Vì sao thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa?
          - Từ những câu hỏi này, giáo viên bắt đầu tập trung vào vấn đề cụ thể nảy sinh sáng kiến cải thiện thực trạng.
           Trả lời câu hỏi: Sáng kiến giải quyết vấn đề gì trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, tham mưu, tổng hợp, phục vụ…?
2.2. Nảy sinh giải pháp thay thế (sáng kiến) (ý tưởng/quy trình/sản phẩm)
          - Với một vấn đề thực tiễn cụ thể, giáo viên suy nghĩ và tìm các giải pháp thay thế cho giải pháp đã và đang sử dụng.
          -  Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu vấn đề xem vấn đề đó đã được giải quyết ở một nơi khác hoặc có giải pháp tương tự cho vấn đề hay chưa?/ Giải pháp ở mức độ nào? Có hạn chế gì?
 - Nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học (lý thuyết khoa học) vào các lĩnh vực thực tiễn cụ thể, sáng tạo các nguyên lý và giải pháp ứng dụng.
   Vì vậy, phương thức phát hiện vấn đề/ sáng kiến gồm:
          + Theo dõi các thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cần nghiên cứu.
          + Nghiên cứu các phương pháp mới, quy trình mới, nguyên lí mới, kỹ thuật mới…v..v…áp dụng vào thực tiễn.
+ Nghiên cứu đối tượng cũ bằng các phương pháp mới, quan điểm mới với những điều kiện mới.
+ Tham khảo ý tưởng, quan điểm của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn.
+ Nghiên cứu những vấn đề thường tạo nên sự mâu thuẫn, bất đồng trong trong lĩnh vực chuyên môn mà chủ thể thực hiện.
2.3. Đặt tên sáng kiến và đăng ký với cơ quan quản lý
Sau khi đã xác định được vấn đề nghiên cứu (ý tưởng của sáng kiến), tác giả phải chuyển ý tưởng thành tên sáng kiến và đăng ký với cơ quan quản lý. Đó mới là pháp danh của chủ thể sáng kiến.
          Tên sáng kiến cần đảm bảo ngắn gọn (không quá 30 tiếng), nêu được vấn đề nghiên cứu, khách thể, địa bàn nghiên cứu (phạm vi nghiên cứu). Ngoài ra có thể chỉ ra thêm: mức độ nghiên cứu, thời gian nghiên cứu.
               Ví dụ: Sử dụng sơ đồ tư duy trong giảng dạy học phần Tâm lý học cho sinh viên trường CĐSP Lạng Sơn
Những điều cần tránh:
+  Tên đề tài có độ bất định cao
+ Thí dụ: - “Một số biện pháp…”; “Thử bàn về …”; “Thử tìm hiểu về …”
     - Hạn chế cụm từ chỉ mục đích trong tên đề tài, thí dụ: nhằm…; góp phần…
2.4. Thiết kế giải pháp thay thế (sáng kiến)
          - Mô tả được sáng kiến đó là gì (nội dung của sáng kiến, phạm vi và lĩnh vực áp dụng,  cách thức thực hiện, một số lưu ý khi thực hiện). Sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục có thể là:
          + Thiết bị dạy học, bộ thí nghiệm, đồ dùng, phương tiện dạy học.
          + Mô hình trường học mới, quy trình về quản lý, dạy học, giáo dục.
          + Phương pháp/ kỹ thuật/ thủ thuật dạy học, kiểm tra - đánh giá người học.
          + Nội dung về quản lý, dạy học, giáo dục: về kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị…
          - Áp dụng/ sử dụng như thế nào? Sử dụng trong dạy học, giáo dục và trong quản lý giáo dục góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục. Vì vậy, tác giả cần chỉ ra đối tượng được áp dụng, địa bàn, thời gian cũng như những điều kiện cụ thể để áp dụng sáng kiến.
          Ví dụ:  Thiết kế quyển sách điện tử về thí nghiệm vật lý cho học sinh THCS.
          Tác giả phải mô tả được: Cách thức thiết kế, nội dung quyển sách, hướng dẫn cách sử dụng.
          Cách thức sử dụng: giáo viên có thể sử dụng để tổ chức hoạt động ngoại khóa, giảng bài mới, dạy thực hành, kiểm tra bài cũ. Học sinh có thể sử dụng trong tự học như chuẩn bị bài trước khi lên lớp, làm bài tập, tìm hiểu để minh chứng cho lý thuyết mà giáo viên đã hướng dẫn trên lớp.
          Phạm vi, điều kiện thực hiện: Sách điện tử chỉ sử dụng được trong điều kiện nào? Có máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại  thông minh…
2.5. Thử nghiệm/ áp dụng trong thực tiễn công tác
          Thử nghiệm/áp dụng sáng kiến trong thực tiễn để minh chứng cho tính hiệu quả của sáng kiến. Cụ thể:
          - Xây dựng kế hoạch xác định được thời gian, địa điểm thực hiện; nội dung thực hiện; đối tượng thực hiện…
          + Tùy theo nội dung của sáng kiến, thời gian thực hiện thử nghiệm sáng kiến có thể là trong chương/ chủ đề/ hoạt động/ kỳ học/ năm học/ giai đoạn.
          + Địa điểm: lớp học, vườn trường, xưởng trường, trường, cụm trường
          + Đối tượng thực nghiệm: giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh học sinh…
          + Nội dung thực nghiệm:  toàn bộ nội dung hoặc 1 phần của nội dung.
          - Tiến hành thực nghiệm theo kế hoạch triển khai trong thực tiễn công tác.
2.6. Thu thập,  xử lý số liệu minh chứng và đánh giá kết quả áp dụng/ thử nghiệm
          - Trong quá trình thực nghiệm cũng như sau khi thực nghiệm, tác giả phải thu thập minh chứng về sáng kiến và hiệu quả của nó.
          -  Phân tích các dữ liệu thu thập được và giải thích để trả lời các câu hỏi nghiên cứu (có thể sử dụng các công cụ đánh giá định lượng hoặc định tính) hoặc định lượng kết hợp với định tính.
          - So sánh kết quả trước và sau tác động về kiến thức (sử dụng bài kiểm tra/điểm số), kỹ năng/ hành vi/ năng lực và thái độ (sử dụng phiếu quan sát/ trưng cầu ý kiến với các tiêu chí cụ thể).
          - Khẳng định được giá trị/ hiệu quả của sáng kiến bằng việc đưa ra những minh chứng cụ thể, số liệu hoặc cứ liệu sau thực nghiệm cao hơn/ tốt hơn trước thực nghiệm.
          - Rút ra các kết luận và  đề xuất kiến nghị.
           2.7. Viết sáng kiến (hoàn thành sáng kiến)
          2.7.1. Mô tả giải pháp truyền thống đã, đang áp dụng (thực trạng/ bối cảnh hiện tại)
          - Nêu tên giải pháp đã và đang áp dụng.
          - Mô tả  kết quả áp dụng các giải pháp đã và đang áp dụng/thực trạng dạy học, giáo dục hoặc quản lý khi áp dụng các giải pháp đã có.
          - Đánh giá ưu điểm và hạn chế của giải pháp đã và đang áp dụng hoặc thuận lợi và khó khăn khi áp dụng các giải pháp đã có. Nhấn mạnh những hạn chế của giải pháp và những nguyên nhân gây nên hạn chế.
          2.7.2. Mô tả sáng kiến
* Tính mới, tính sáng tạo
          - Mô tả ngắn gọn về sáng kiến
            Khái quát nội dung, quy trình/cách thức thực hiện, lưu ý khi thực hiện (có thể kèm theo bản vẽ, sơ đồ, hình ảnh…).
Thuyết minh được:
+ Sáng kiến này có ai nghiên cứu chưa? Tác giả? Phạm vi sáng kiến? Sáng kiến do mình viết có cái mới ở chỗ nào? Nhằm giải quyết vấn đề gì? Nêu nội dung mới so với các sáng kiến trước đó, so với hiện trạng.
+ Tính sáng tạo của sáng kiến ở điểm nào? (Thể hiện ở các tiêu chí: về mặt lý thuyết, về mặt thực tiễn).
Khẳng định được tính mới và tính sáng tạo của sáng kiến bằng phương pháp mô tả (định tính) so sánh sáng kiến với giải pháp đã có hoặc khảo sát/ trưng cầu ý kiến (định lượng) của người được tham gia nghiệm thu, thực hiện.
          * Khả năng áp dụng, nhận rộng
          -  Chứng minh được tác giả đã áp dụng sáng kiến ở đối tượng nào? Địa bàn nào? (xác nhận của địa bàn thực nghiệm).
          - Nêu phạm vi (khu vực/lĩnh vực) có khả năng áp dụng sáng kiến thông qua việc phân tích những điều kiện của khu vực đó để có thể áp dụng.
          - Chỉ ra được các tiêu chí có thể nhân rộng sáng kiến như: dễ thực hiện, phù hợp với nhiều đối tượng; chi phí thấp, giá thành hạ, đem lại hiệu quả thiết thực.
-  Khẳng định được khả năng áp dụng, nhân rộng của sáng kiến bằng phương pháp biện luận sử dụng bằng chứng từ thu thập tài liệu hoặc khảo sát/ trưng cầu ý kiến.
          *Hiệu quả
          -  Đánh giá được hiệu quả của sáng kiến bằng cách so sánh với những giải pháp tương tự đã có (đã biết). Cần nêu rõ chỉ tiêu kinh tế (giáo dục) mà sáng kiến mang lại cao hơn giải pháp đã biết hoặc nêu rõ những khiếm khuyết đã được khắc phục của những giải pháp đã biết. Cụ thể:
          + Trong lĩnh vực quản lý giáo dục:  Xây dựng được quy trình đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (chuyên  môn, nghiệp vụ);  Quản lý hoạt động dạy và học, quản lý chuyên môn; Đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; Phục vụ tốt cho công tác xã hội hóa giáo dục; Xây dựng môi trường văn hóa sư phạm; Hướng nghiệp cho học sinh/Tư vấn việc làm cho sinh viên…
          + Trong dạy học: Khơi gợi nhu cầu học tập của học sinh; Nâng cao hứng thú, tính tích cực học tập của học sinh; Nâng cao kết quả học tập; Rèn phương pháp tự học; Phát triển kỹ năng năng lực giao tiếp, hợp tác, tư duy phản biện, tư duy logic cho học sinh; Tạo ra nguồn học liệu đa dạng, phong phú…
          + Trong giáo dục:  Xây dựng tập thể học sinh/ đội ngũ tự quản; Giáo dục học sinh cá biệt; Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; Phát triển khả năng tự giáo dục.
- Khẳng định được hiệu quả của sáng kiến bằng phương pháp mô tả định tính (quan sát/ phỏng vấn….) hoặc định lượng (khảo sát/ trưng cầu ý kiến).
- Để chứng minh được hiệu quả của sáng kiến, tác giả cần thực hiện các bước sau:
+ Thiết kế phương pháp thực nghiệm (thử nghiệm) và bộ công cụ đánh giá: Xác định mục đích, nhiệm vụ thực nghiệm; Xây dựng nội dung thực nghiệm; Lựa chọn phương thức thực nghiệm phù hợp để thu thập dữ liệu đáng tin cậy và có giá trị; Xây dựng bộ công cụ đánh giá dựa trên cơ sở lý luận/cơ sở pháp lý của vấn đề nghiên cứu (xây dựng các tiêu chí đánh giá). Hay xây dựng công cụ đo lường và thu thập dữ liệu theo phương thức thực nghiệm.
+ Tổ chức thực nghiệm sư phạm và đánh giá kết quả thực nghiệm. Phân tích kết quả bằng phương pháp mô tả (định tính) hoặc khảo sát/trưng cầu ý kiến (định lượng). Hay phân tích các dữ liệu thu thập được và giải thích hiệu quả của sáng kiến.
2.8. Phổ biến, triển khai ứng dụng kết quả của sáng kiến
          Sau khi nghiên cứu thành công, sáng kiến được đưa vào áp dụng. Tùy vào giá trị mà sáng kiến đem lại, có thể áp dụng ở mức độ khác nhau: cấp tỉnh, cấp ngành hay đơn vị.
          - Phổ biến sáng kiến bằng các hình thức: Tổ chức hội nghị, hội thảo; tập  huấn; viết tin bài nghiên cứu, tài liệu, sách báo, video…
          - Triển khai ứng dụng: Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai ứng dụng, đánh giá kết quả ứng dụng. Sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục có thể áp dụng trong công tác quản lý, giảng dạy và giáo dục học sinh.
          Tóm lại, quy trình thực hiện sáng kiến được linh hoạt, tuy nhiên cần có những phương pháp nhất định. Vì vậy, các tác giả cần tìm hiểu những quy định trong từng ngành cũng như hiểu được bản chất của quá trình thực hiện sáng kiến. Có như vậy, quy trình suy nghĩ, thực hiện và ứng dụng sáng kiến vào hoạt động nghề nghiệp mới đem lại hiệu quả đích thực, hướng tới thực tiễn và cải tạo thực tiễn.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
          1. Dự án Việt - Bỉ (2007). Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Tài liệu tập huấn giáo viên.
          2. Nghị định Ban hành Điều lệ Sáng kiến (Ban hành kèm theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012).
          3. Quy chế Tổ chức, hoạt động của Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh (Ban hành kèm theo Quyết định số  1504/QĐ-UBND ngày 26/8/2016)

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_a0f8862ebac8eb1a09c9493d2ef44fd4.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)