Thực hiện kế hoạch số 435/KH-CĐSP ngày 25/9/2019 và Thông báo số 452/TB-CĐSP ngày 30/09/2019 của Trường CĐSP Lạng Sơn về việc thi đua kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 – 4/11/2019); kỷ niệm 188 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 – 4/1/2019) và thực hiện Nghị quyết tháng 9 năm 2019 của Chi bộ phòng Đào tạo - Khảo thí – Khoa học, ngày 28/10/2019, Chi bộ phòng Đào tạo – Khảo thí – Khoa học tổ chức hoạt động
“Thăm quê hương anh Hoàng Văn Thụ” tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, Đoàn đã tổ chức dâng hương, tưởng niệm, tham quan và nghe hướng dẫn viên giới thiệu về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng, sự hi sinh cao cả của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Hoàng Văn Thụ sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học. Đứng trước hoàn cảnh đất nước bị đô hộ người dân bị áp bức, bóc lột đến tận xương tủy người anh hùng Hoàng Văn Thụ đã vô cùng căm phẫn và quyết đi theo con đường cách mạng để giải phóng dân tộc. Giác ngộ lý tưởng cộng sản từ khi tuổi đời còn rất trẻ anh đã trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và có những cống hiến to lớn góp phần xây dựng tổ chức Đảng cộng Sản Việt Nam lớn mạnh.
Trong suốt chặng đường 15 năm hoạt động cách mạng, với sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương… Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng, phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn khá rộng lớn. Hoạt động rộng khắp của đồng chí trên nhiều địa bàn, trong nước, ngoài nước, miền núi, đồng bằng, thành phố, trong hầm mỏ, nhà máy… đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.
Với tư chất của một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và nhiệt thành của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp quan trọng, có tính chất quyết định tới thắng lợi của đường lối thắng lợi của Đảng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập báo “Giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Những bài viết, dịch của đồng chí về lý luận chủ nghĩa Mác – Lê Nin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật đầy hiệu quả do đồng chí xây dựng, đã giúp cho Đảng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong qua trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.
Chi bộ phòng Đào tạo – Khảo thí – Khoa học lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh về thân thế, cuộc đời sự nghiệp
đồng chí Hoàng Văn ThụNhững hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng đã góp phần thức tỉnh và lôi cuốn được nhiều binh lính, sĩ quan yêu nước người Việt Nam trong quân đội Pháp ở thuộc địa, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng tám năm 1945 thành công. Bước đường hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã để lại cho thế hệ cách mạng đời sau tấm gương sáng chói về một người cộng sản đầy ý chí và nghị lực, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thường xuyên tự trau dồi, rèn luyện để không ngừng trưởng thành. Từ một thanh niên học sinh yêu nước khi tham gia hoạt động cách mạng mới chỉ có ít vốn chữ Nho học ở trường làng và tiếng Pháp học ở trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn, khi trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bằng việc tự học tập và rèn luyện, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có một trình độ lý luận cao, tầm hiểu biết rộng và sâu sắc về thực tiễn. Đồng chí vừa là một nhà chiến lược tài ba, vừa là một dịch giả tiếng Trung Quốc, vừa là người viết báo sắc bén. Những hoạt động sáng tạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều phương diện đã bộc lộ khả năng tiềm tàng của trí tuệ, của trình độ lý luận, kiến thức khoa học được rèn luyện nghiên cứu, học tập qua nhiều năm gian khổ phấn đấu.
Chi bộ phòng Đào tạo – Khảo thí – Khoa học dâng hương tại quê hương đồng chí Hoàng Văn ThụHình ảnh hiên ngang bất khuất của đồng chí trước pháp trường đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, là bản anh hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí của người chiến sĩ cộng sản. Bản lĩnh của đồng chí đã khiến cho chúng tôi thật sự khâm phục và cảm thấy tự hào về truyền thống của quê hương; thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất, con người Lạng Sơn.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã mãi mãi đi xa, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Ðảng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Ðảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Ðồng chí để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý thức tự phê bình và phê bình trong Ðảng, tình thân ái, thương yêu đồng chí, đồng đội và nhân dân.
Chi bộ phòng Đào tạo – Khảo thí – Khoa học chụp ảnh lưu niệm tại quê hương đồng chí Hoàng Văn ThụChuyến hành trình đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi thành viên trong Đoàn. Đó là niềm tự hào, là lòng biết ơn, là lời hứa nguyện mãi noi gương ý chí, tinh thần, lòng yêu nước như lời bài thơ “Nhắn bạn” bất hủ của đồng chí:
“Việc nước xưa nay có bại thành,
Miễn sao giữ trọn được thanh danh.
Phục thù chí lớn không hề nản,
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,
Chí còn theo đuổi mộng tung hoành.
Hỡi bạn gần xa hăng chiến đấu,
Trước sau xin giữ tấm lòng thành.”