Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Người “chiến sỹ” thầm lặng gìn giữ cảnh quan

Chủ nhật - 16/11/2014 22:05
         Thời gian thấm thoắt tựa thoi đưa, mới ngày nào tôi còn là một cô sinh viên chân ướt chân ráo vừa tốt nghiệp đại học về trường CĐSP Lạng Sơn công tác. Cho đến hôm nay, ngôi trường đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi, tạo dựng cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc. Những tháng năm qua, tôi và nhiều đồng nghiệp đã có thêm trải nghiệm về sự nghiệp “trồng người”; đã chứng kiến nhiều bước thăng trầm, nhiều chặng đường gian nan nhưng thật vẻ vang của những người làm công tác giáo dục ở trường CĐSP Lạng Sơn. Mỗi cán bộ, giảng viên đều để lại trong tôi  ấn tượng khó quên về tư cách đạo đức, phong cách sống và làm việc, giúp tôi luôn cố gắng học tập noi theo để hoàn thiện bản thân. Trong bài dự thi lần này, viết về “Tấm gương người tốt, việc tốt”, thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5, tôi muốn giới thiệu cho bạn đọc một nhân vật - nhân viên tạp vụ của trường CĐSP Lạng Sơn. Đồng chí không bao giờ thể hiện bằng lời nói mà thực hiện bằng hành động thiết thực của mình để trường lớp ngày càng xanh sạch đẹp hơn, góp phần thực hiện tốt phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.


Khu Hiệu bộ trường CĐSP Lạng Sơn
         
        Nói đến chị (hãy cho phép tôi gọi như vậy cho thân thiện), chắc hẳn bạn đọc đã đoán ra là ai rồi. Đó là chị Hoàng Thị Hiến, năm nay 42 tuổi, công tác tại phòng Hành chính - Tổng hợp, trường CĐSP Lạng Sơn. Sinh ra và lớn lên ở xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, mảnh đất anh hùng cách mạng đã tiếp cho chị thêm nghị lực và ý chí vươn lên. Nghe nói, quê chị nghèo lắm, nơi đó chỉ có những ngọn núi chập chùng, người dân chỉ quen sống bằng nghề trồng cấy và hái lượm. Sinh ra trong một gia đình nông dân, có nhiều anh em nên chị không có cơ hội được học hành một cách bài bản, có bằng cấp như nhiều cán bộ, giảng viên. Giống như những cô gái nông thôn khác, mười tám đôi mươi, chị xây dựng hạnh phúc gia đình, rồi sinh con. Nhưng may mắn thay, năm 1998, chị cùng chồng con ra thành phố làm việc, được “thoát ly”, không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và nỗi thấp thỏm mong đợi những vụ mùa lúc được, lúc mất. Đó cũng là niềm vui căng tràn trong con người chị, mong muốn được cống hiến hết sức mình cho nhà trường, cơ quan để mỗi ngày mới, trường sở lại sạch đẹp hơn, tươi mới hơn.

Đ/c Hoàng Thị Hiến- Đứng đầu tiên, bên phải, hàng thứ nhất
 
         Chị xây dựng hạnh phúc gia đình được hơn hai mươi năm, đã có cuộc sống  tương đối ổn định. Tưởng rằng cuộc sống và hạnh phúc chỉ đơn giản và bình yên như vậy. Thật không may, cách đây gần hai năm, chồng chị đã ra đi trong một vụ tại nạn giao thông, bất ngờ để lại cho chị hai đứa con, một gái một trai. Hiện nay, cháu gái đang học năm thứ hai ở trường CĐSP Lạng Sơn, cháu trai đang học lớp 4. Các con của chị sống giản dị, học hành giỏi dang, ngoan ngoãn, luôn chăm chỉ giúp mẹ việc nhà. Như những đứa trẻ khác, cháu gái cũng ước ao cháy bỏng được học tập ở một trường đại học danh tiếng. Nhưng gia đình hoàn cảnh, không có điều kiện đi học thêm như những cô cậu học trò khác. Thương cháu, có lần chị Nguyệt (chị gái tôi dạy ở khoa Tự Nhiên) đã bảo cháu đến ôn thi đại học ở lớp của chị mà không phải trả tiền. Nhưng chị Hiến e ngại, sợ làm phiền. Khi còn sống, chồng chị thường đi làm ăn ở xa, một mình một nách hai con nhỏ đã vất vả nhưng giờ đây càng vất vả hơn nhiều vì chị vừa thay cha, làm mẹ chăm sóc gia đình, nuôi dạy các con. Với đồng lương ít ỏi (khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng) cùng với những đồng tiền kiếm được nhờ nuôi thêm mỗi năm một hai con lợn, một mình chị đứng mũi, chịu sào đảm bảo cuộc sống cho ba mẹ con ở thành phố, ngoài ra còn lo đối nhân xử thế, việc to, việc nhỏ, việc hiếu, việc hỉ cũng đều qua bàn tay chị. Những ngày nghỉ, mọi người lo diện váy áo, cả nhà cùng nhau đi chơi, đi hội, du lịch, tôi chỉ thấy chị lủi thủi trồng rau, nuôi lợn, chăn gà. Hè năm 2011, chị đã cố gắng thu xếp cho các con đi nghỉ mát cùng tổ Tâm lý học - Giáo dục học chúng tôi rất vui vẻ ở Trà Cổ. Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất để thưởng cho con gái nhân dịp tốt nghiệp tú tài. Có lần, chị đã kể cho tôi nghe làm tôi vô cùng xúc động mà chưa bao giờ kể cho ai. Con trai chị đã nói: “Bố mất rồi, từ bây giờ trở đi chắc nhà mình chẳng bao giờ còn được đi tắm biển nữa đâu mẹ nhỉ”. Đó là sự thiệt thòi của các con, sự ra đi của bố có lẽ là nỗi mất mát lớn nhất đối với các con, nhưng các con còn nhỏ không thể hiểu được rằng, mẹ còn mất mát nhiều thứ hơn nhiều. Chị thiếu vắng một bờ vai, một chỗ dựa đáng tin cậy để nuôi dạy các con trong phần đời còn lại.
         Những lúc rỗi, chị em phụ nữ nói chuyện về gia đình, quần áo, đầu tóc, trang phục, mọi người cùng nhau nhận xét, cười nói rôm rả, chị chỉ nhìn và cười trừ. Tôi đọc được trong mắt chị một nỗi buồn khó tả nhưng điều đó càng làm tôi trân trọng chị hơn. Điều tôi cảm phục ở chị, không phải vì thế mà xa lánh mọi người, mặc cảm tự ti. Nhìn chị hiền lành, nhiều lúc trông khắc khổ nhưng ánh lên trong mắt chị một nghị lực phi thường, đó là nội lực giúp chị vượt qua những khó khăn và “góc tối” của cuộc sống. Không chỉ việc trường, việc nhà mà việc hiếu, việc hỷ, chị cũng lo toan cho khu phố hết sức nhiệt tình, có trách nhiệm nên được mọi người yêu quý, trân trọng. Trong suốt thời gian sống gần chị, được tiếp xúc với chị, chưa bao giờ tôi thấy chị to tiếng với ai, kể xấu, chê trách ai, người giàu người nghèo, người già người trẻ trong cơ quan, chị đều giao tiếp niềm nở, vui vẻ. Hơn ai hết, chị thực sự xứng đáng với 8 chữ vàng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
          Những lúc rảnh rỗi, ngồi tâm sự cùng nhau, chị kể cho tôi nghe về cuộc sống thường nhật của chị. Đó là một cuộc sống bình dị, lặp đi lặp lại qua ngày này tháng khác, trở nên đơn điệu, nhàm chán và vất vả mà không phải người phụ nữ nào cũng trải qua. 6 giờ sáng khi tôi ngủ dậy, mở tung cánh cửa để hít một làn gió trong lành, đã thấy chị đi lau dọn các khu nhà vệ sinh của trường về. Để chuẩn bị cho một ngày mới, chị phải dậy từ 4 giờ 30, thoăn thoắt dọn từ khu nhà này đến khu nhà khác, từ tầng nhà này đến tầng nhà khác. Chị không còn thời gian để gạt đi những giọt mồ hôi rơi trên gương mặt hay nỗi cực nhọc của bộn bề công việc mà phải làm thật nhanh để rồi có thời gian chăn lợn, nuôi gà, đưa con đến trường cho kịp giờ học. Khoảng 7 giờ kém, chị đi chiếc xe đạp cũ đưa con trai đến trường, chở con đến quán ăn sáng, chị chỉ ngồi yên nhìn con ăn và luôn miệng giục ăn nhanh để kịp giờ vào lớp. Chị chẳng ăn sáng ở quán bao giờ, tôi hiểu số tiền tiết kiệm ít ỏi ấy chị dành hết cho con, nuôi con ăn học. Thật đúng như câu ngạn ngữ đã ca ngợi người phụ nữ Việt Nam “miếng nạc thì để phần chồng, miếng xương mẹ gặm, miếng lòng phần con”. Đường xe tấp nập, khói bụi, trời nắng cũng như trời mưa, thân hình nhỏ bé, tảo tần của chị oằn lưng đạp xe đưa con đến trường ngày này qua tháng khác. Tiếng máy nổ, tiếng còi xe như nhắc chị đạp xe nhanh lên cho kịp mọi người, tôi thấy chị càng phải cố gắng hơn bao giờ hết, cố đua trên đường đua của dòng đời. Thoắt một cái, khoảng 7 giờ 30, tôi đã thấy chị về quét dọn các sân trường, sân lớn, sân nhỏ, sân trong, sân ngoài, phòng học, đường đi lối lại đều có bàn tay của chị. Quét dọn xong sân trường, chị đi nhổ cỏ, tưới cây, chăm sóc bồn hoa cây cảnh. Tôi thường đùa chị, không có nơi nào là không có dấu chân của chị đâu nhỉ, chị cười hiền từ và tôi hiểu “đừng khen chị quá như vậy”. Tôi còn nhớ rất rõ, vào mùa cây đa thay lá, chỉ sau một trận gió, một đêm mưa là những chiếc lá đa dày to rụng nhiều vô kể. Thấy chị quét một sân lá đa sạch sẽ từ chiều hôm trước, sáng hôm sau lá rơi bạt ngàn hơn, tôi nhìn mà thương chị. Chị chỉ cười và nói: Đây là công việc của chị mà, trước sau lá đa cũng rụng nhiều, chị dọn một vài buổi là bớt ngay. Hình ảnh nhỏ bé, gầy gò của chị trước sân lá đa dày đã in đậm trong tâm trí tôi.
 

Đ/c Hoàng Thị Hiến đang thực hiện nhiệm vụ thường nhật
       
          Xế trưa, tôi đã thấy chị đạp xe sang tận chợ Giếng Vuông để mua rau về nuôi lợn. Buổi chiều chị lại tiếp tục những công việc thường nhật mà chưa hoàn thành được ở buổi sáng. Khác với giảng viên chúng tôi, công việc của chị không đánh giá bằng số lượng thời gian cụ thể mà đánh giá bằng hiệu quả, vì vậy chị phải bố  trí hợp lý để hoàn thành một cách tốt nhất công việc được giao. Dù ở đâu, chị cũng lo đón con đúng giờ tan học và đưa con về nhà, rồi chị lại tiếp tục công việc dọn vệ sinh buổi chiều. Mỗi lần gặp, tôi thường nhắc chị phải đeo găng tay và đi ủng để dọn nhà vệ sinh vì chị thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trường học đông, có nhiều người sinh hoạt thì công tác vệ sinh phức tạp gấp bội. Học sinh sinh viên không chú ý đổ rác đúng nơi quy định, vô tình vứt rác bừa bãi thì chị càng vất vả hơn nhiều. Chiều tối, chị cùng con gái, con trai đi đến các dãy nhà trong khu tập thể để thu gom “nước rác” về nuôi lợn. Buổi tối, chị dạy con học bài và lại chuẩn bị cho một ngày mới vào hôm sau.
         Với chị, cuộc sống là sự cố gắng nỗ lực không ngừng, không cần phải được mọi người chú ý đến mới cố gắng làm hết khả năng của mình. Nhiều người nghĩ rằng, làm việc để được vinh danh, để được khẳng định bằng những thành tích to nhỏ, được tặng giấy khen, bằng khen hay phần thưởng vật chất nào đó. Nhưng với chị, chỉ cần trường lớp sạch đẹp, không có rác ở khắp mọi nơi là chị đã ấm lòng rồi. Từ lúc tôi về trường cho đến bây giờ, chị chưa có nhiều thành tích nổi bật trong nhà trường và đơn vị vì công việc của chị đâu có đột phá gì. Tuy vậy, mỗi lần đến trường, thấy trường lớp sạch đẹp, nhà vệ sinh thơm tho và những bông hoa đua nhau nở, ong bướm tung tăng bay lượn ngắm nhìn và hút mật. Lòng tôi lại lâng lâng một niềm vui khó tả. Tôi thầm cảm ơn chị, chị là người đã đem mật ngọt cho đời, là người “chiến sỹ” thầm lặng giữ gìn cảnh quan sạch đẹp cho Nhà trường. Sự làm việc âm thầm của chị đã tô thêm vẻ đẹp cho trường lớp, là nguồn cổ vũ, động viên chúng tôi mỗi ngày đến trường là một ngày vui, là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thầy trò tôi thi đua dạy tốt, học tốt. Với tôi, chị là người phụ nữ đáng được vinh danh, là tấm gương tiêu biểu để mọi người học tập và noi theo vì thực hiện tốt các chuyên đề: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Hết lòng hết sức phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân; Nói đi đôi với làm..., xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.


Trường CĐSP Lạng Sơn đón chào một ngày mới
 
           Công việc của chị là một nội dung giáo dục mà tôi thường phân tích cho học sinh sinh viên trong bài giảng của mình về định hướng giá trị: “Dù bạn là ai, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên, chính trị gia hay người lao công, không bao giờ được phép chán ghét công việc của mình, hãy làm hết sức và không bao giờ hổ thẹn về công việc mà mình đã chọn”. Ngoài kia, những bài hát vang lên ca ngợi tinh thần ngày Quốc tế Lao động 1/5 bất diệt. Bài hát “Một rừng cây, một đời người” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn đang vang lên: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...”.  Xin trân trọng tặng chị bài hát giàu cảm xúc và đầy ý nghĩa này; kính chúc chị dồi dào sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và vững tay lái chèo thuyền đưa các con chị đến bến bờ bình yên.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Tổ Tâm lí học - Giáo dục học

Tổng số điểm của bài viết là: 74 trong 15 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 15 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_f102247cd07257987930747ab14fa709.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)