Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu thân thế, sự nghiệp đồng chí Hoàng Văn Thụ

Thứ tư - 30/10/2019 05:02
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ và thực hiện đợt thi đua kỷ niệm các ngày lễ lớn do trường CĐSP Lạng Sơn phát động. Ngày 22/10/2019, khoa Giáo dục mầm non phối hợp cùng với các đơn vị: Khoa Bồi dưỡng cán bộ quản lý - nghiệp vụ; Khoa Kinh tế - Kỹ thuật; Trung tâm ngoại ngữ - Tin học tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp đồng chí Hoàng Văn Thụ” tại hội trường Cơ sở 2 trường CĐSP Lạng Sơn. Buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm củng cố, bồi dưỡng tư tưởng chính trị đạo đức cho giảng viên, sinh viên học tập theo tấm gương của đồng chí Hoàng Văn Thụ - người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, kiên cường, tài ba, lỗi lạc của đất nước Việt Nam, quê hươngxứ Lạng. Qua đó nâng cao nhận thức cho bản thân mỗi người tự tu dưỡng rèn luyện nhân cách, phấn đấu tốt hơn nữa trong giảng dạy, học tập cũng như trong cuộc sống.
Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có các đồng chí lãnh đạo, giảng viên các đơn vị và đặc biệt là sự hiện diện của các em sinh viên các lớp khoa Giáo dục mầm non: K14MN, K15MN, K16MN; Sinh viên khoa Kinh tế- Kỹ thuật có lớp K37KTDNA và lớp K1-KT. Sau phần khai mạc của đồng chí Dương Chí Dũng - Trưởng khoa Kinh tế- Kỹ thuật là phần xem phim tài liệu Việt Nam với nhan đề: “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, cả hội trường như ngừng lặng khi theo dõi cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí được tái hiện trên những thước phim qua các giai đoạn lịch sử: Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1909 tại xóm Phạc Lạng, xã Nhân Lý, châu Điềm He, huyện Văn Uyên (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Xuất thân trong gia đình nông dân, cha là ông giáo làng tên Hoàng Khải Lan. Ngay từ nhỏ Hoàng Văn Thụ đã được học cả chữ Hán và chữ quốc ngữ. Năm 11 tuổi (1920), ông ra thị xã Lạng Sơn học tiếp. Tại đây, Hoàng Văn Thụ đã gặp và kết bạn với Hoàng Đình Giong và Lương Văn Tri, đó là những người bạn hoạt động cách mạng của ông sau này.
Năm 1926, ông đã cùng Lương Văn Tri thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Cuối năm 1927, ông cùng Lương Văn Tri sang Bản Đáy (Quảng Tây, Trung Quốc) là nơi Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đang tổ chức các lớp huấn luyện chính trị. Nhưng khi ông vừa tới nơi thì bị đặc vụ vây bắt. Ông chạy thoát về Long Châu, trải qua nhiều khó khăn gian khổ để kiếm sống và hoạt động ông vẫn không nản chí, vẫn luôn tận tụy không ngừng trong các hoạt động đấu tranh.
Năm 1930, ông được người quen giới thiệu vào học thợ và làm việc tại xưởng cơ khí Nam Hưng, một xí nghiệp do một số nhà cách mạng Việt Nam lập ra, làm cơ sở liên lạc, nơi hội họp đồng thời là cơ sở hoạt động kinh tế để lấy kinh phí hoạt động. Tại đây Chi bộ Đông Dương cộng sản đảng gồm ba người: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong và Hoàng Vĩnh Tuy đã được thành lập, từ chi bộ ba người đã trở thành Ban liên tỉnh ủy Cao - Lạng. Hoàng Văn Thụ được phân công phụ trách Lạng Sơn gây dựng cơ sở liên lạc với những người cách mạng ở Việt Nam. Năm 1932, ông được Lê Hồng Phong giúp đỡ học tập chủ nghĩa Mac – Lenin và làm trợ bút cho tờ báo Châu Giang để học thêm tiếng Hán. Nhờ vốn tiếng Hán, ông đã tiếp cận với nhiều cấpdưới của Mao Trạch Đông. Từ khi Ban chỉ huy hải ngoại thành lập, ông trở thành người giúp việc tích cực của ban này và chắp nối với các cơ sở trong nước.
 Cuối năm 1934, Hoàng Văn Thụ cùng các đảng viên trong Ban liên tỉnh ủy lâm thời họp và ông được đề cử là đại biểu đi dự đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1935, sau khi dự đại hội, ông được cử về nước hoạt động. Hoàng Văn Thụ trở về Việt Bắc làm chủ bút báo "Tranh đấu" ở miền thượng du. Sau đó ông gây dựng cơ sở đảng ở Võ Nhai, Bắc Sơn. Tháng 2 năm 1937, ông về Cao Bằng lãnh đạo phong trào bình dân và viết báo Lao động. Sau đó, vì bị người Pháp theo dõi gắt gao, ông trốn sang Hương Cảng hoạt động.
 Giữa năm 1938, ông được đồng chí Lê Hồng Phong giao nhiệm vụ về gặp Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hà Nội để truyền đạt chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít ở Đông Dương. Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó ông lại được cử ra Hòn Gai, Uông Bí để củng cố cơ sở Đảng.
Đầu năm 1939, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Thời gian hoạt động ở Hà Đông, cơ quan Xứ ủy bị người Pháp theo dõi, khủng bố ráo riết. Để tránh bị lộ, ông thường xuyên phải cải trang và di chuyển, đi ở nhờ trong nhiều nhà dân và vận động được nhiều người tham gia, ủng hộ cách mạng.
 Tháng 11 năm 1940, tại Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương lần thứ 7 diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá I. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương tăng cường đàn áp, hàng ngàn đảng viên đảng Cộng sản bị bắt giam. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương rút vào hoạt động bí mật, ông cùng đồng chí Trường Chinh phải lặn lội đi nhiều tỉnh để chắp nối liên lạc trong cảnh vô cùng thiếu thốn và gian khổ.
 Đầu năm 1941, ông được cử sang Tịnh Tây (Trung Quốc) dự đại hội đoàn thể cách mạng Việt Nam để bàn việc thống nhất các lực lượng cách mạng trong và ngoài nước. Ông được nhận trách nhiệm cùng Tỉnh ủy Cao Bằng đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước. Mặt trận Việt Minh ra đời, phong trào chống Pháp - Nhật lên cao. Ban Thường vụ đặt cơ quan bí mật ngay tại quận 5 Hà Nội. Hoàng Văn Thụ cùng ở với Tổng bí thư Trường Chinh. Ông tích cực vận động binh lính địch ở Hà Nội. Trong khi đang vận động các binh lính, do bị chỉ điểm, ông bị bắt tháng 8 năm 1943.
 Tại nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ và tra tấn những nhà cách mạng lớn của đất nước, ông truyền thụ nhiều lý luận cách mạng và nêu cao tinh thần bất khuất cho các đồng đội trong ngục. Ông mở cuộc tranh luận với các thủ lĩnh Đảng Đại Việt làm họ thấy chủ trương đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Ông tranh thủ cảm hoá các giám ngục, binh lính trông tù, nhiều người trong tù rất kính phục ông. Hoàng Văn Thụ bị nhiều trận tra tấn rất nặng. Tuy nhiên, thực dân Pháp không thể khuất phục được ông. Trong thời gian chịu đòn tra tấn, ông vẫn ôn tồn thuyết phục, tuyên truyền cho sự hợp tác giữa những người Pháp và người Đông Dương trong việc chống lại phát xít Nhật.
Tháng 1 năm 1944, ông bị kết án tử hình. Sáng ngày 25 tháng 4 năm 1944, thực dân Pháp mang ông ra xử bắn. Ông ung dung ra pháp trường Tương Mai. Khi giám thị hỏi ông có cần bịt mắt hay không, ông trả lời không cần. Quan toà hỏi ông có cần nói lời cuối cùng, ông đã nói: "Trong cuộc đấu tranh sinh tử, giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng".
Viên giám thị thấy vậy đã nói: "Thật là một người cộng sản gang thép"
Hoàng Văn Thụ bị tử hình lúc 6 giờ sáng. Năm đó ông 35 tuổi.
Trước khi bị xử bắn, Hoàng Văn Thụ đã viết một bài thơ gửi tới bà Hoàng Ngân,ở sà lim cạnh phòng ông. Đó là bài thơ Nhắn bạn nổi tiếng và bất hủ:
Việc nước xưa nay có bại thành,
Miễn sao giữ trọn được thanh danh,
Phục thù, chí lớn không hề nản,
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,
Chí còn theo dõi buổi tung hoành.
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu,
Trước sau xin giữ tấm lòng thành.
Bộ phim đã kết thúc sau gần 2 giờ đồng hồ, nhưng tất cả người xem vẫn ngồi lặngđi trong hội trường một lúc lâu, không khỏi xúc động, dư âm về hình ảnh cuôc đời năm tháng hoạt động cách mạng đầy gian khổ, kiên cường bấtkhuất, sự hy sinh anh dũng của đồng chí Hoàng Văn Thụ - người con ưu tú, niềm tự hào của cả đồng bào dân tộc Việt nam cũng như nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Bộ phim là bàihọc giáo dục thật ý nghĩa, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Chắc chắn sẽ còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người (nhất là với những bạn sinh viên trẻ) những trăn trở suy nghĩ, thay đổi ít nhiều trong nhận thức, hoài bão nên làm những việc gì có ích cho bản thân, cho xã hội? Tấm gương hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ sẽ mãi mãi tỏa sáng cho các thế hệ trẻ Việt Nam và trẻn quê hương Lạng Sơn của đồng chí Hoàng Văn Thụ, chúng ta tự nhủ sẽ không ngừng học tập phấn đấu và rèn luyện tu dưỡng bản thân theo bước chân những người anh hùng, xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ!
 
Một số hình ảnh của buổi sinh hoạt chuyên đề
 

Đồng chí Dương Chí Dũng - Trưởng khoa Kinh tế - Kỹ thuật khai mạc buổi  sinh hoạt chuyên đề


Giảng viên và sinh viên tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề
 

Nhan đề bộ phim tài liệu: “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”


Cả hội trường chăm chú theo dõi phim
 

Hình ảnh đồng chí Hoàng Văn Thụ còn đọng mãi trong lòng mỗi người.
 
 

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Xuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_51c2731fe97ea80be81b056e084611ed.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)