Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn (đợt 2) năm học 2020 - 2021 của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn; thực hiện Nghị quyết tháng 3/2021, ngày 25/4/2021 Chi bộ Phòng Tổ chức - Tài chính – Hành chính và Chi bộ Phòng Đào tạo - Khảo thí - Khoa học đã phối hợp, triển khai sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu Khu di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng và Khu du lịch cộng đồng xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn”.
Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ mong muốn nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên về Khu di tích lịch sử Chi Lăng và Khu du lịch cộng đồng xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Qua đó, góp phần bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên kiến thức thực tiễn để vận dụng trong giảng dạy, nghiên cứu và tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về những trang sử hào hùng của dân tộc, những nét đẹp, sự phát triển trong văn hóa, du lịch hiện nay của tỉnh Lạng Sơn. Chuyến đi cũng là dịp để cán bộ, đảng viên thêm gắn kết, học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách nhà giáo; từ đó thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc xây dựng hình ảnh, vị thế của Trường CĐSP Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay.
Tới thăm Khu di tích lịch sử Chi Lăng, đoàn chúng tôi đã dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng trước khuôn viên Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng. Khu di tích lịch sử Chi Lăng gồm 52 điểm di tích, nằm trong lòng chảo Chi Lăng dài hơn 20km. Khu di tích ghi dấu chiến thắng chống quân Tống (thế kỷ XI), chiến thắng chống quân Nguyên (thế kỷ XIII) và đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh với “Trận Chi Lăng” nổi tiếng năm 1427, mở ra bước ngoặt quyết định tiến tới thắng lợi hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn “mười năm nếm mật nằm gai” đầu thế kỷ XV.
Tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nội dung trưng bày tại đây gồm 3 chủ đề chính: Chi Lăng lịch sử đất nước và con người - Chi Lăng lịch sử - Chi Lăng phát huy truyền thống. Hệ thống trưng bày đã tái hiện lại lịch sử những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của cha ông ta diễn ra trên mảnh đất Chi Lăng anh hùng mà đỉnh cao là chiến trận Chi Lăng - Xương Giang (năm 1427), chiến thắng quân Minh xâm lược.
Điểm đến tiếp theo, chúng tôi dừng chân tại Khu du lịch cộng đồng xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Hữu Liên nằm trong khu dự trữ rừng đặc dụng gồm có làng Cóc, làng Bên và làng Là Bàn. Với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của xã là hồ Đồng Lâm, các nếp nhà sàn của người Dao và khu rừng tự nhiên, các thế hệ lãnh đạo của xã, huyện và tỉnh, đặc biệt nhân dân Hữu Liên đã quyết tâm xây dựng mô hình phát triển Du lịch sinh thái cộng đồng. Đến nay, việc phát triển du lịch tạo điều kiện cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên của 02 chi bộ đã hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch của mảnh đất Chi Lăng và Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Chúng tôi - những cán bộ, giảng viên, đảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn luôn luôn tự hào và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, năng lực công tác để góp phần xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày càng phát triển bền vững./.
Một số hình ảnh
Cán bộ, đảng viên, giảng viên chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Chiến thắng Chi Lăng
Tham quan Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng
Đồng chí Phùng Quý Sơn - Bí thư Đảng bộ Trường ghi Sổ lưu niệm tại Nhà trưng bày
chiến thắng Chi Lăng
Thăm Khu rừng đặc dụng xã Hữu Liên