Từ năm học 2012 – 2013 đến nay một số nhà trường tiểu học của tỉnh Lạng Sơn đã và đang áp dụng Mô hình trường học mới và đạt được được những kết quả nhất định. Mô hình trường học mới đã tạo ra không khí đổi mới thực sự về giáo dục, tác động mạnh đến giáo dục tiểu học của tỉnh nhà.
Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học…
Mô hình trường học mới được triển khai ở Việt Nam theo quan điểm: Lựa chọn nội dung phù hợp, những cách làm hay của Côlômbia, đồng thời kế thừa những nội dung Việt Nam đã triển khai tốt để xây dựng, vận dụng Mô hình sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Ngoài ra Mô hình trường học mới còn dựa trên qui luật nhận thức và những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến trên thế giới để triển khai.
Theo báo cáo định kỳ của các sở Giáo dục và Đào tạo, qua hội nghị của các tỉnh và Trung ương và qua kiểm tra thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng thế giới, UNESCO đã có đánh giá bước đầu về Mô hình trường học mới tại Việt Nam: Mô hình đã đi vào cuộc sống, tạo ra không khí đổi mới thực sự về giáo dục, các hoạt động trong nhà trường thay đổi theo hướng thân thiện và gắn liền với cuộc sống. Giáo viên đã giảm hẳn việc giảng giải, thuyết trình, tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn tổ chức học tập, hỗ trợ học sinh, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Học sinh tự tin, chủ động, giao tiếp tích cực, hào hứng học tập và sinh hoạt tập thể; bước đầu hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, phát triển năng lực tự quản, tự học, tự đánh giá. Cha mẹ học sinh và cộng đồng đồng thuận, ủng hộ tích cực tham gia hỗ trợ cho nhà trường. Mô hình trường học mới đã thay đổi nhận thức, thuyết phục cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, tác động mạnh đến giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông trên cả nước.
Trường học mới không phải mới về cơ sở vật chất. Mô hình trường học mới dựa trên các quan điểm giáo dục hiện đại, kết hợp hài hòa với thực tiễn của giáo dục Việt Nam, Mô hình trường học mới tập trung vào đổi mới phương pháp dạy, đổi mới phương pháp học, đổi mới phương pháp đánh giá học sinh, đổi mới tổ chức lớp học, đổi mới sự tham gia của cha mẹ học sinh, cộng đồng vào giáo dục tại các trường tiểu học. Những đổi mới này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cũng như tất cả học sinh tiểu học trên toàn quốc, cùng với thực hiện đổi mới quản lý, đổi mới sinh hoạt chuyên môn.
Dạy học theo Mô hình trường học mới ở bậc tiểu học được mở rộng triển khai đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên nắm vững phương pháp dạy học tích cực, nắm vững Mô hình trường học mới. Thực tiễn này đòi hỏi các trường Sư phạm phải có những đổi mới, cập nhật nội dung, phương pháp dạy học ở cấp tiểu học.
Năm học 2011 - 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu tiến hành triển khai thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam” Năm học 2012 – 2013, thực hiện trên 63 tỉnh thành với tổng số 1447 trường tham gia, tỉnh Lạng Sơn có 81 trường tiểu học tham gia. Năm học 2015 – 2016 tỉnh Lạng Sơn có 152 trường (81 thuộc dự án và 71 trường nhân rộng) áp dụng Mô hình trường học mới.
Cùng với việc các nhà trường tiểu học triển khai Mô hình trường học mới, từ năm học 2012- 2013 đến nay giảng viên của Trường CĐSP Lạng Sơn nói chung, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học riêng đã được tham gia các lớp tập huấn dạy học theo Mô hình trường học mới, đây là điều kiện cần thiết để hướng dẫn sinh viên tiếp cận với Mô hình trường học mới trong giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Thực hiện chỉ đạo của Ban giám hiệu Trường CĐSP Lạng Sơn, Khoa Giáo dục tiểu học đã triển khai dạy học chuyên đề mô hình học mới VNEN cho sinh viên từ năm học 2013 – 2014, đến năm học 2015 – 2016 với tổng số 371 sinh viên.
Hướng dẫn sinh viên tìm hiểu khái quát về Mô hình trường học mới là nội dung được đặt lên hàng đầu qua đó sinh viêu hiểu khái quát về Mô hình trường học mới, đặc điểm của Mô hình trường học mới tổ chức lớp học theo Mô hình trường học mới.
Thực hiện Hoạt động cơ bản trong tiết học Bên cạnh đó sinh viên tiếp cận với thực tiễn dạy học ở phổ thông dự giờ giáo viên tiểu học. Thông qua hoạt động dự giờ giáo viên tiểu học sinh viên được quan sát trực tiếp tại lớp học, quan sát các nhóm học sinh hoạt động, sinh viên nắm bắt được 5 bước dạy của giáo viên, 10 bước học tập của học sinh, tổ chức lớp học theo Mô hình trường học mới, cách nhận xét đánh giá học sinh...
Sau khi sinh viên được tham gia dự giờ giáo viên tiểu học sinh viên thực hiện phân tích tiết dạy theo Mô hình trường học mới và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm sau khi đi thực tập giữa khóa. Trong quá trình trao đổi thảo luận đã nảy sinh rất nhiều vấn đề cần trao đổi, chia sẻ sau khi sinh viên được thực tế giảng dạy theo Mô hình trường học mới tại các trường thực tập.
Hướng dẫn sinh viên phân tích tiết dạy theo Mô hình trường học mới Theo đánh giá của các nhà trường tiểu học trong các đợt thực tập giữa khóa và thực tập tốt nghiệp, khi sinh viên thực tập tại lớp học theo Mô hình trường học mới đã thực hiện tương đối tốt các bước dạy của giáo viên, khai thác tốt mục tiêu bài học theo Mô hình trường học mới, Khả năng bao quát lớp khá tốt, bước đầu sinh viên đã biết vận dụng kỹ năng đánh giá học sinh theo thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào đánh giá học sinh tiểu học
Hướng dẫn sinh viên tiếp cận Mô hình trường học mới là một trong những biện pháp rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay./.