Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Đổi mới kiểm tra- đánh giá kỹ năng viết theo hướng tiếp cận khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam

Thứ sáu - 28/04/2017 00:45
Tóm tắt: Trong đào tạo sinh viên chuyên ngành tiếng Anh hệ cao đẳng ở trường CĐSP Lạng Sơn, kiểm tra - đánh giá đóng  vai trò then chốt. Thông qua các bài kiểm tra, giảng viên xác định được khả năng, mức độ lĩnh hội kiến thức, kĩ năng vận dụng ngôn ngữ, đánh giá được những vấn đề tồn tại trong các kĩ năng nói chung và kĩ năng viết nói riêng, từ đó tự điều chỉnh, cải tiến phương pháp giảng dạy, giúp sinh viên giải quyết các khó khăn đó. Kiểm tra - đánh giá  thúc đẩy động cơ học tập, giúp sinh viên tự đánh giá mức độ đạt được kĩ năng tiếp nhận, tương tác, sản sinh ngôn ngữ của mình, có kế hoạch, phương pháp tự ôn tập, củng cố kiến thức, tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực hướng đến đạt chuẩn đầu ra theo chuyên ngành đào tạo.
Từ khóa: Kiểm tra, đánh giá, năng lực ngoại ngữ, kỹ năng viết.

 
1. MỞ ĐẦU
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại ngữ trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để tuyển dụng nhân lực và là chìa khóa để phát triển hội nhập. Vì vậy nâng cao NLNN nói chung đặc biệt là tiếng Anh trong các nhà trường được đặc biệt quan tâm. Việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, tài liệu, giáo trình phù hợp, đổi mới kiểm tra -đánh giá (KT- ĐG) đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình dạy và học tiếng Anh. Trong đó, KT-ĐG NLNN được coi là khâu đột phá trong quá trình dạy học ngoại ngữ, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Hiện nay, việc KT-ĐG sinh viên (SV) chuyên ngành tiếng Anh ở trường CĐSP phạm Lạng Sơn chủ yếu sử dụng bài kiểm tra thường xuyên và thi học kì. Phương pháp KT-ĐG mới chỉ  tập trung vào kết quả học tập tại thời điểm kiểm tra mà chưa đánh giá được cả quá trình học tập, việc áp dụng vào thực tế. Vì vậy, nghiên cứu việc đổi mới KT- ĐG kỹ năng viết theo hướng tiếp cận khung NLNN (NLNN) 6 bậc Việt Nam cho SV chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh góp phần giải quyết thực trạng trên.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Vai trò của KT- ĐG trong dạy và học tiếng Anh hiện nay
Đánh giá hiệu quả trên lớp học tiếng Anh mở ra nhiều cơ hội để người học thể hiện NLNN đồng thời cung cấp những thông tin, bằng chứng đáng tin cậy chính xác về tiến bộ học tập, năng lực và kết quả học tập của người học. Hơn nữa giúp người học có cơ hội tham gia không chỉ với tư cách đối tượng bị đánh giá mà còn với tư cách là người tự đánh giá, tham gia đánh giá những người khác, sử dụng những thông tin có được qua KT- ĐG để tối ưu hiệu quả học tập. Vì vậy, các hoạt động KT-ĐG ít nhất cần được thiết kế để đo chính xác cái cần đo (valid), có hình thức và nội dung rõ ràng (clear) đảm bảo độ công bằng đối với tất cả đối tượng được đánh giá (fair), đáng tin cậy (reliable), chính xác (authentic), khả thi (practical) và tác động tích cực tới hoạt động học tập của người học (positive backwash). Qua các hoạt động đánh giá đa dạng, phong phú trên lớp học, người học có thể xác định được năng lực tiếng Anh của mình đang ở mức độ nào và đạt được lộ trình chuẩn đầu ra theo chương trình đào tạo mà mình đang tham gia.
2.2.  Đánh giá tiếng Anh theo năng lực
(i) Bậc năng lực theo khung tham chiếu chung Châu Âu
Theo tác giả Vũ Thị Phương Anh (2006), sự phát triển trình độ ngôn ngữ của một người từ lúc chưa biết gì đến lúc hoàn toàn thành thạo như một người bản ngữ (educated native speaker) là một quá trình hết sức lâu dài, vì vậy việc phân chia trình độ ngoại ngữ ra nhiều mức độ khác nhau là rất cần thiết. Khung NLNN chung Châu Âu đã đưa ra một khung quy chiếu chung về NLNN của người học bao gồm 6 mức trình độ tổng quát như sau: Trình độ A (sử dụng căn bản): gồm 2 mức A1 (giao tiếp ‘theo công thức’- formulaic), và A2 (giao tiếp đơn giản); Trình độ B (sử dụng độc lập): gồm 2 mức B1 (giao tiếp độc lập trong một số tình huống hạn chế); và B2 (giao tiếp độc lập trong những tình huống quen thuộc); Trình độ C (sử dụng thành thạo): gồm 2 mức C1 (giao tiếp chủ động và thành thạo trong nhiều tình huống đa dạng), và C2 (giao tiếp chủ động và thành thạo trong hầu hết mọi tình huống).

(ii) Khung NLNN 6 bậc Việt Nam
Khung NLNN 6 bậc Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng khung NLNN Châu ÂU (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam, được chia làm 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp) và 6 bậc (từ bậc 1 đến bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong khung tham chiếu Châu Âu CEFR). Cụ thể như sau:
Khung NLNN 6 bậc Việt Nam được mô tả tổng quát tương thích với
  Khung tham chiếu NLNN Châu Âu (CFR)
  Các bậc Mô tả tổng quát
Sơ cấp
 
Bậc 1
(A1 CFR)
Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè … Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.
Bậc 2
(A2
CFR)
Có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.
Trung cấp
 
Bậc 3
(B1 CFR)
Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v... Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.
Bậc 4
(B2 CFR)
Có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ. Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
Cao cấp
 
Bậc 5
(C1 CFR)
Có thể hiểu và nhận biết được hàm ý của các văn bản dài với phạm vi rộng. Có thể diễn đạt trôi chảy, tức thì, không gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ diễn đạt. Có thể sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn. Có thể viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện được khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết.
Bậc 6
(C2 CFR)
Có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết. Có thể tóm tắt các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic. Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp.
 
2.3. Thực trạng KT-ĐG  kỹ năng viết của SV trường CĐSP Lạng Sơn
SV chuyên ngành tiếng Anh trường CĐSP Lạng Sơn hầu hết là người dân tộc thiểu số đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh, việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để SV nắm được các kỹ năng ngoại ngữ, đòi hỏi quá trình dạy học cũng như KT-ĐG phải linh hoạt, phù hợp với năng lực thực tế của SV.
Công tác KT- ĐG đối với SV chuyên ngành Tiếng Anh được thực hiện theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy được ban hành theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Hiện tại, chương trình đào tạo chuyên ngành tiếng Anh bao gồm 110 đơn vị học trình, 71 đơn vị học trình kiến thức đại cương, nghiệp vụ và cơ sở ngành. Công tác KT-ĐG  được khái quát hóa cụ thể như sau:
(i) Về hình thức KT- ĐG: Hoạt động KT-ĐG  thường xuyên và cuối kỳ hầu hết áp dụng hình thức trắc nghiệm 50%, tự luận 20%  và vấn đáp 5%, kết hợp tự luận và trắc nghiệm 20%, đánh giá quá trình người học chỉ chiếm 5%. Các đề thi học phần còn thiếu công cụ đánh giá chuẩn thống nhất như các đề thi chuẩn quốc tế. Các phương thức đánh giá chưa có độ tin cậy cao vì do giảng viên giảng dạy, ra đề, chấm điểm.
(ii) Nội dung đánh giá: Tập trung vào kiểm tra kiến thức, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ. Đánh giá chủ yếu thông qua bài kiểm tra giữa kì, bài thi kết thúc học phần. Các bài KT-ĐG  kỹ năng Viết chưa tập trung nhiều vào viết sáng tạo, chủ yếu được đánh giá thông qua hai bài kiểm tra định kì và một bài thi kết thúc học phần. Các tiêu chí biểu mẫu chấm kỹ năng Viết chưa được áp theo chuẩn theo khung NLNN 6 bậc do giảng viên dạy đưa ra. Do vậy, SV có ít cơ hội được thực hành viết, đặc biệt là viết sáng tạo. Theo cách KT-ĐG  này, GV không dành được nhiều  thời gian để chữa bài cho SV do số lượng lớp quá đông.
Khảo sát 42 SV năm thứ hai chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh qua bảng tự đánh giá năng lực Viết theo Thông tư 01/2014-BGD&ĐT. Kết quả cho thấy, SV tự đánh giá kỹ năng viết: trình độ bậc 1 (64.2%), bậc 2 (28.5%),  bậc 3 (7.3%) và không có SV tự đánh giá năng lực Viết của mình ở bậc 4 trở lên.
1
Biểu đồ  2.1. Kết quả khảo sát tự đánh giá kỹ năng Viết theo khung NLNN 6 bậc
 
Phần lớn SV hay mắc phải các nhóm lỗi trong bài KT-ĐG kỹ năng Viết sau: Chưa xác định đúng từ khóa của yêu cầu bài viết dẫn đến việc SV viết bị lạc đề chiếm 66.6%; SV không có thói quen lập dàn ý, soát lại bài, cách hành văn không mạch lạc, rõ ràng, lập luận không chặt chẽ chiếm 35.7% ; còn mắc nhiều về ngữ pháp, cách dùng sai thì, cấu trúc, dấu câu chiếm 38%; sử dụng từ vựng chưa đa dạng, chưa biết cách sử dụng các từ học thuật trong bài viết chiếm 76.1%. Tuy nhiên, đây là những tiêu chí quan trọng dùng để đánh giá chuẩn về năng lực kĩ năng Viết đối với người học.
2
Biểu đồ 2.2. Kết quả khảo sát kỹ năng viết theo tiêu chí đánh giá NLNN 6 bậc
 
Việc đổi mới hình thức KT-ĐG đối với SV chuyên ngành là cần thiết. Việc đa dạng hóa các hình thức KT-ĐG  quá trình như: đánh giá dự án (project assessment), hồ sơ học tập (writing portfolios), nhật ký học tập (diary) và đặc biệt là tự đánh giá (self-assessment). Tuy nhiên, GV phải biết lựa chọn hình thức đánh giá cho phù hợp nhằm nâng cao độ tin cậy của kết quả đánh giá. Việc đa dạng các hình thức KT-ĐG giúp SV có thêm kiến thức về hoạt động này bởi họ sẽ là những GV trong tương lai. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, GV cần tích cực đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ theo phương pháp tương tác để giúp SV phát triển năng lực ngôn ngữ.
2.4. Biện pháp đổi mới KT- ĐG phát triển năng lực Viết theo khung NLNN 6 bậc Việt Nam cho SV chuyên ngành tiếng Anh
2.4.1. Đánh giá quá trình về năng lực viết của SV thông qua tập bài viết  Portfolios
Viết là kỹ năng khó nhất trong 4 kỹ năng đối với hầu hết người học tiếng Anh. Nunan (1999) đã chỉ ra rằng để có thể viết được một bài viết mạnh lạc, trôi chảy, theo đúng văn phong qui định không phải là chuyện dễ dàng với tất cả người học tiếng Anh. Việc học đã khó, việc đánh giá đúng khả năng viết của SV có lẽ còn khó hơn và người GV dạy kĩ năng viết thường phải khá vất vả trong việc chấm bài, đánh giá và cho điểm SV, đặc biệt là ở những lớp có sĩ số đông. Đánh giá quá trình học tập kĩ năng viết của SV bằng phương pháp lưu tập bài viết (portfolios) là một trong những cách hay, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, gần đây được nhiều GV áp dụng. Hồ sơ lưu bài viết là một tập hợp các bài viết thường được chọn lựa bởi chính SV, được chấm điểm hay đánh giá vào cuối khóa học và được coi là minh chứng cho sự tiến bộ của chính người viết. Thông thường, tập hồ sơ lưu bài viết gồm 3 phần: (i)Tập hợp bài viết mẫu viết trên lớp (collection); (ii) Các bài viết SV tự chọn lựa (selection); (iii) SV tự đánh giá (self-reflection). Cách thức tiến hành ứng dụng tập hồ sơ lưu bài viết trong giảng dạy kĩ năng viết:
Bước 1. Xác định đặc điểm của SV
Đây là bước đầu tiên GV cần xác định để có cách thức hướng dẫn SV khai thác hiệu quả tập hồ sơ lưu bài viết. Những đặc điểm về SV mà GV cần lưu ý là: Độ tuổi; Mức độ thành thạo tiếng Anh; Kiến thức nền/ kinh nghiệm; Động lực; Tính chủ động. Tùy vào trình độ của SV, mức độ thành thạo kĩ năng tiếng mà GV có thể giao những nhiệm vụ (task) ở mức độ khó, dễ khác nhau sao cho vừa sức để các em không nản (nếu nhiệm vụ quá khó), hoặc cũng không coi thường (nếu nhiệm vụ quá dễ).
Bước 2. Thống nhất các qui định về nội dung và hình thức của tập hồ sơ lưu bài viết
Trước tiên, GV cần hướng dẫn SV một cách cụ thể về một tập hồ sơ lưu bài viết tiêu chuẩn. Các vấn đề như: tiến trình xây dựng tập hồ sơ, thành phần, độ dài, cách thức và tiêu chí lựa chọn bài viết để đưa vào tập hồ sơ, tiêu chí cho điểm v.v..
Thứ hai, cuối học kì/khóa học, SV phải viết một bài (reflection paper) nêu những nhận thức của mình về những điểm yếu, điểm mạnh của bản thân và những giải pháp cho những điểm yếu, những gì mà các em đã học được trong suốt học kì/khóa học, những gì các em mong chờ trong khóa học kĩ năng viết tiếp theo.
GV đưa  ra một tập hồ sơ lưu bài viết mẫu cho SV tham khảo trước khóa học để tránh trường hợp SV không hiểu tập hồ sơ lưu bài viết là gì, cũng như mục đích của nó. Tuy nhiên, để phát huy tính sáng tạo của SV, GV nên có tạo ra hoạt động cùng khám phá và chia sẻ những hiểu biết của mình về hình thức, nội dung, mục đích của tập hồ sơ lưu bài viết (dưới dạng hoạt động nhóm). Trong tiêu chí cho điểm nên có một phần cho tính sáng tạo.
Bước 3. Đưa ra các tiêu chí đánh giá (assessment)
            Đánh giá cuối cùng của GV (teacher’s assessment) rất quan trọng đối với SV vì đánh giá này phản ánh chính xác hơn và mang tầm chuyên môn cao hơn những góp ý, nhận xét từ các SV khác trong lớp (peer feedback). Vì vậy, đánh giá của GV phải thể hiện được tính khách quan, tích cực và độ tin cậy cao. Ngay từ đầu khóa học, GV cần nêu rõ quan điểm đánh giá để SV hiểu rõ và phấn đấu hoàn thiện bài viết cũng như cố gắng làm cho tập hồ sơ lưu bài viết đạt chất lượng tốt nhất có thể.
Các tiêu chí đánh giá tập bài viết được GV và SV cùng nhau xác định trước. Các tiêu chí này đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn SV trong quá trình biên tập các bài viết. SV có thể tham khảo các tiêu chí trong khi tự đánh giá, phê bình, đánh giá bài viết của các SV khác…và thực hiện những thay đổi hợp lý. Các tiêu chí cũng dẫn dắt GV trong quá trình hướng dẫn và chấm bài.
2.4.2. Đánh giá quá trình về năng lực viết của SV thông qua Facebook
Trong lớp học tiếng Anh, đặc biệt là các lớp học kỹ năng Viết, việc đưa ra nhận xét đánh giá, phản hồi cho từng SV là một điều rất khó khăn. Vì vậy, việc áp dụng đánh giá trong nhóm học thực sự trở thành một giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao tần suất viết và phản hồi bài viết cho SV. Nghiên cứu được thực hiện với 42 SV năm thứ hai chuyên ngành tiếng Anh. Khóa học này nhằm giúp SV phát triển kỹ năng Viết theo hướng tiếp cận NLNN dùng cho Việt Nam. Kết quả của SV trong khóa học được đánh giá dựa theo các tiêu chí sau: 20% điểm tham gia lớp học, 80% điểm cho các bài viết dựa trên các tiêu chí cụ thể như trả lời đầy đủ toàn bộ yêu cầu của đề (task response): 20%; trình bày quan điểm một cách rõ ràng trong suốt bài essay (coherence and cohesion): 20%; sử dụng từ vựng (lexical sources): 20%; ngữ pháp (grammatical range and accurracy): 20%. Để sử dụng hiệu facebook trong việc giúp SV phát triển năng lực viết của mình cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Tạo một tài khoản chung trên diễn đàn để nhóm thành viên có thể truy cập được.
Bước 2. Trong giai đoạn này, ngoài việc chỉ giới thiệu khái quát môn học, mục đích, mức độ cần đạt, các tiêu chí đánh giá cũng như nội dung ở từng tiết, GV dành nhiều thời gian hướng dẫn SV cách đưa bình luận (comments) bằng cách giải thích kỹ các quy định, cung cấp cho SV các tiêu chí rõ ràng để đánh giá nhiệm vụ của SV và được đưa lên diễn đàn. Để tránh việc SV chưa hiểu rõ những yêu cầu của nhóm, diễn đàn phân tích bài viết mẫu của SV trong lớp học và đưa những nhận xét về bài viết lên diễn đàn nhằm đảm bảo chắc chắn SV phải viết gì, nhận xét bài của người khác như thế nào. Trong thời gian đầu này, do SV chưa quen, GV cần nhắc nhở SV phải nhận xét lại nếu các nhận xét của họ xơ xài, không đúng theo những tiêu chí đánh giá đã đưa ra.
Bước 3. Sau khi GV cung cấp lý thuyết, SV được yêu cầu gửi bài lên nhóm facebook 2 ngày trước khi hết hạn nộp bài. Sau đó, các SV khác đưa ra nhận xét về bài của bạn trên online dựa vào bảng tiêu chí đã được thống nhất.
2.5. Kết quả thực nghiệm
Kết quả thực nghiệm 2 học kì đối với 42 SV chuyên ngành Tiếng Anh cho thấy khả năng và ý thức tự học của SV được nâng cao, kỹ năng viết của SV ngày một tiến bộ. SV tự nhận thấy mắc ít lỗi về ngữ pháp, chính tả, dấu câu, sử dụng từ ngữ đa dạng hơn, cách hành văn mạch lạc hơn. Ngoài ra, SV còn cho rằng họ thấy tự tin khi trình bày và nhận xét về bài viết của người khác. Bên cạnh đó, thông qua việc sử dụng tập bài viết (portfolios) cũng như nhóm facebook giúp SV tăng hiệu quả học tập hợp tác trong kỹ năng Viết. Với thực tế sĩ số SV trong lớp đông và trình độ không đồng đều, việc thực hiện tập bài viết cũng như nhóm facebook sẽ giúp cho SV tương tác với nhau. Qua đó, người học nhận được những phản hồi từ thầy cô và bạn bè.
Sau khi kết thúc khóa học, tất cả SV được phát phiếu tự đánh giá năng lực Viết dựa theo Thông tư 01/2014 của BGD&ĐT về khung NLNN 6 bậc dùng cho người Việt Nam. Kết quả ở bảng cho thấy năng lực Viết của SV đã được cải thiện nhiều so với trước khi khảo sát. Đây là bậc khung NLNN mà SV cần đạt sau khi tốt nghiệp ra trường.
Để tăng tính chính xác thực của kết quả nghiên cứu, ngoài việc khảo sát, phỏng vấn, bộ công cụ kiểm tra Pre-test và Post-test cũng được đưa vào dùng để đánh giá sự tiến bộ về năng lực Viết của SV.
Trước khi tham gia vào việc đánh giá thông qua tập bài viết và nhóm facebook cho thấy: trong khi viết bài, SV thường không đọc kỹ đề do vậy không xác định đúng vấn đề được đưa ra thảo luận trong bài viết và bị lạc đề (chiếm 66.6%); số SV sử dụng các từ nối  trong câu và các đoạn trong bài viết để cho bài viết có tính mạch lạc và rõ ràng còn tỉ lệ thấp (chiếm 35.7%) và tỉ lệ này đã được cải thiện (chiếm 76.4%). Sau khi SV được thay đổi phương pháp học tập và phương thức KT-ĐG, về cách sử dụng từ vựng của SV:  Đa phần SV chưa sử dụng được nhữg từ học thuật, cách sử dụng đa dạng về từ loại còn hạn chế. Số SV biết sử dụng tốt từ vựng (chiếm 40.4%), trong khi đó tỉ lệ mắc lỗi ngữ pháp như dùng thì sai, chưa biết dùng dấu câu, chủ yếu sử dụng câu đơn trong bài viết (chiếm 61.9%). Những hạn chế trong bài viết của SV đã được cải thiện sau một thời gian được hướng dẫn sử dụng tập bài viết, nhóm facebook. Bằng phương pháp này, SV tự viết và sửa nhiều lần qua việc nhận xét của thầy cô giáo và các bạn trong nhóm. SV tự nhận ra các lỗi trong khi viết và tránh lặp lại ở những bài viết sau. Tỉ lệ SV biết cách sử dụng từ học thuật tăng (chiếm 71.4%) và số SV mắc các lỗi ngữ pháp đã giảm (chiếm 28.5%).
3. KẾT LUẬN          
           KT- ĐG là hoạt động quan trọng trong quá trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo SV chuyên ngành tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay. Đây là một phép đo không chỉ giành cho SV mà còn để kiểm chứng chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy. Đánh giá năng lực Viết của SV thông qua tập bài viết (portfolio) và nhóm ứng dụng công nghệ thông tin (facebook) đã có những tác động tích cực tới hiệu quả dạy học. Năng lực Viết của SV cũng đã được cải thiện rõ rệt. Vì vậy, cần được các nhà quản lý, giảng viên cũng như SV quan tâm, nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới trong dạy - học ngoại ngữ, KT- ĐG theo năng lực người học đáp ứng chuẩn đầu ra theo yêu cầu đổi mới hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bộ GD-ĐT “Thông tư 01/2014-BGD &ĐT ngày 24 tháng 1 năm 2014 về việc Ban hành Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam.”
  2. Vũ T. Phương Anh, 2006. Khung trình độ chung Châu Âu (Common European Framework) và việc nâng cao hiệu quả đào tạo tiếng Anh tại ĐHQG- HCM, Tạp chí phát triển KH&CN, Tập 9, Số 10.
  3. Cummins, J. (1984). Wanted: A theoretical framework for relating language proficiency to academic achievement among bilingual students. In C, Rivera (ed.) Language Proficiency and Academic chievement. Clevedon, England: Multilingual Matters.
  4. Black, P. and William, D,1999. Assessment for learning: Beyond the black  box. University of Cambridge School of Education.
  5. Bloom,B.S (ed.), 1956. Taxonomy of Educational Objectives, the classification of educational goals - Handbook I: Cognitive Domain New York: McKay

Tác giả bài viết: Trần Anh Quyền

Nguồn tin: Khoa Ngoại Ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_5d310cb9da379a78f195022967974102.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)