Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên giáo viên của hiệu trưởng trường tiểu học thành phố Lạng Sơn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Thứ hai - 26/10/2015 23:49
1.Đặt vấn đề.
        Nghị quyết số 29-NQ/TW nhấn mạnh công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó chú trọng “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm..."[1].
        Ngày 28 tháng 11 năm 2014 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; ngày 27 tháng 3 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông được đặt ra là: Chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng tăng cường và phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, bổ sung kịp thời các kiến thức kỹ năng, phương pháp, các kỹ thuật quản lý, giáo dục, dạy học mới giúp giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhà giáo và đáp ứng triển khai tốt đổi mới giáo dục phổ thông.
          Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục hiện nay và thực hiện mục tiêu giáo dục nói chung thì việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trở thành một nhu cầu bức thiết đòi hỏi người cán bộ quản lý giáo dục phải hết sức quan tâm, đặt công tác này vào vị trí trung tâm trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Việc cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng tập trung tại cơ sở làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên hàng năm khó đáp ứng được nhu cầu nâng cao trình độ, năng lực của từng giáo viên và khó sát với yêu cầu của mỗi nhà trường. Mặt khác đứng trước những thay đổi nhiều mặt của giáo dục, của nhà trường, của người học, của chương trình giáo dục đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Theo đó trách nhiệm của hiệu trưởng trường học phải quản lý được việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên
2. Yêu cầu quản lý bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học
       Phát triển đội ngũ giáo viên là yêu cầu cấp thiết, là yếu tố cơ bản có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển giáo dục. Bồi dưỡng là hoạt động giúp giáo viên tăng thêm về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất … Bồi dưỡng thường xuyên là hoạt động bồi dưỡng hàng năm giúp giáo viên học tập để cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế - xã hội, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, yêu cầu nhiệm vụ năm học, cấp học, yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
       Để thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, trong công tác quản lý phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
            Thứ nhất, phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hàng năm cụ thể, phù hợp điều kiện của nhà trường và của giáo viên, đảm bảo giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên 3 nội dung theo qui định, trong đó nội dung tự chọn giáo viên thực hiện tự bồi dưỡng là chính dưới sự quản lý trực tiếp của hiệu trưởng;
            Thứ hai, hướng dẫn giáo viên lựa chọn các chuyên đề bồi dưỡng bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cấp học theo năm học, tập trung bồi dưỡng những khía cạnh mà mỗi giáo viên còn thiếu, còn yếu. Các nội dung chuyên môn cần chú ý bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên tiểu học hiện nay có thể kể đến là: Phát triển chương trình nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dạy học cả ngày FDS; Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; Dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN); Dạy học trải nghiệm; Đổi mới dạy học môn Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy học tích hợp...
            Thứ ba, gắn kết giữa nhu cầu của từng giáo viên trên cơ sở cho giáo viên tự lựa chọn nội dung bồi dưỡng, kết hợp với sử dụng kết quả đánh giá giáo viên hàng năm theo chuẩn nghề nghiệp để hướng dẫn giáo viên lập kế hoạch bồi dưỡng và giám sát quá trình thực hiện
            Thứ tư, phải tổ chức được lực lượng tham gia bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, lựa chọn các giảng viên ở các cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng lực lượng giáo viên cốt cán ở địa phương, ở nhà trường để hỗ trợ giáo viên trong quá trình bồi dưỡng; đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, tạo cơ hội cho mọi giáo viên được bồi dưỡng theo đúng qui định.
            Thứ năm, phân công cán bộ quản lý trường học phụ trách công tác bồi dưỡng giáo viên rõ ràng, cam kết trách nhiệm, trong đó hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính; Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên giáo viên nghiêm túc, công bằng, khoa học, cung cấp được các thông tin phản hồi cần thiết để điều chỉnh việc bồi dưỡng của giáo viên cũng như việc quản lý của chính hiệu trưởng.
3. Hiệu trưởng các trường tiểu học thành phố Lạng Sơn quản lý bồi dưỡng thường xuyên giáo viên: một số kinh nghiệm và đề xuất
            3.1. Những kết quả bước đầu:
         Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng, trên địa bàn thành phố hiện có 10 trường tiểu học với gần 10.000 học sinh. Trong những năm qua công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên của tỉnh Lạng Sơn nói chung và của các trường tiểu học ở thành phố Lạng Sơn nói riêng thực hiện theo đúng những quy định của ngành. Hiệu trưởng các trường tiểu học của thành phố Lạng Sơn đã triển khai để giáo viên thực hiện đầy đủ các nội dung bồi dưỡng.
         Theo báo cáo tổng hợp của phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn [5], kết quả bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trong hai năm gần đây: Số cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn tại Sở GD &ĐT, Bộ GD&ĐT: 276 lượt người, trong đó cán bộ quản lý: 87 người, giáo viên: 57 người; Số lớp tổ chức: 24 lớp.; Phòng GD&ĐT thành phố tổ chức: 8 lớp có 380 người tham gia, trong đó cán bộ quản lý: 27 người, giáo viên: 353 người (100%) với 696 lượt, trong đó cán bộ quản lý: 98 lượt, giáo viên: 568 lượt. Số lớp do trường tổ chức: 56 lớp với 380/380 cán bộ, giáo viên tham gia (đạt 100%). 100% cán bộ, giáo viên qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng được đánh giá đạt yêu cầu trở lên. Xác định rõ kiểm tra chuyên môn thường xuyên để kịp thời phát hiện các vấn đề giáo viên còn thiếu, còn yếu nhằm hướng dẫn giáo viên tiếp tục bồi dưỡng để điều chỉnh, bổ sung là việc làm cần thiết, hiệu trưởng các trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn kiểm tra hồ sơ, giáo án của giáo viên thường xuyên 01 lần/tháng. Ban Giám hiệu có kiểm tra và phê duyệt định kì hàng tháng. Kết quả: Số giáo viên được kiểm tra: 349/353 GV(98,9%) với 12283 lượt (Xếp loại: Tốt 252/349: 72,2%; Khá: 94/349: 26,9%; TB: 3/349: 0,9%); Bồi dưỡng giáo viên qua thăm lớp dự giờ cũng được hiệu trưởng các trường tiểu học Thành phố Lạng Sơn chú trọng.  Năm học 2014 - 2015 tổng số giáo viên được giờ dự: 344 với 7473 tiết (Trong đó Ban giám hiệu dự: 1443 tiết, Xếp loại: Tốt: 869, Khá: 557, Trung bình: 17; Tổ chuyên môn dự: 1274 tiết, Xếp loại: Tốt: 1012, Khá: 258, Trung bình: 04; giáo viên tự dự giờ lẫn nhau: 4756 tiết); Dự giờ các lớp VNEN: 3650 tiết; Tiếng việt 1 - Công nghệ giáo dục: 931 tiết.Đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên: tổng số cán bộ, giáo viên được đánh giá  xếp loại là 372 người, chiếm 97,9%, trong đó Giỏi: 122 người, chiếm 32,8%; Khá có 241 người, chiếm 64,8%; trung bình 8 người chiếm 3,4% [5].
            Có thể thấy hiệu trưởng các trường tiểu học thành phố Lạng Sơn đã chú ý đến công tác bồi dưỡng giáo viên. Kết quả bồi dưỡng giáo viên đạt được khá cao. Tuy nhiên các nội dung và hình thức bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu; Quản lý bồi dưỡng thường xuyên giáo viên đã theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp nhưng tính kế hoạch, cũng như việc đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên giáo viên còn hình thức. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tiểu học, đội ngũ giáo viên vẫn cần thường xuyên được bồi dưỡng, hiệu trưởng các trường tiểu học cần có những điều chỉnh nhất định trong quản lý công tác này. Dưới dây là một số đề xuất.
            3.2. Định hướng thực hiện công tác dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học
Trước hết mỗi hiệu trưởng phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên. Thực hiện đúng qui định tại thông tư 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và tổ chức triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao; Tổ chức đánh giá, tổng hợp, xếp loại, báo cáo kết quả bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên theo các quy định hiện hành; Thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước và của địa phương đối với giáo viên tham gia bồi dưỡng thường xuyên; Đề nghị các cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thành tích hoặc vi phạm trong việc thực hiện Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên.
Theo đó, người đứng đầu nhà trường cần thực hiện tốt những nội dung sau: Điều tra nhu cầu học tập, bồi dưỡng; Lựa chọn nội dung bồi dưỡng; Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng; Tổ chức bồi dưỡng; Đánh giá kết quả học tập trong bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên [2].
       * Xác định nhu cầu bồi dưỡng: Hiệu trưởng phải nhận thức được xác định nhu cầu bồi dưỡng là một trong những điều kiện để xây dựng các chương trình bồi dưỡng, kế hoạch bồi dưỡng phù hợp và thiết thực. Điều tra, khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên được coi là một công việc bắt buộc của công tác bồi dưỡng. Hiệu trưởng thực hiện xác định nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên theo quy trình: Xác định mục tiêu  đối tượng điều tra, khảo sát à Xác định nội dung à Lựa chọn phương pháp à Thiết kế công cụ điều tra, khảo sát à Tiến hành điều tra, khảo sát à Xử lí kết quả điều tra, khảo sát à Tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát. Hiệu trưởng nên kết hợp khảo sát bằng phương pháp điều tra định tính và định lượng; Kết hợp nghiên cứu các báo cáo, số liệu tổng hợp kết quả đánh giá giáo viên hàng năm và điều tra bằng phiếu với phỏng vấn giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, tọa đàm, quan sát để xác định cụ thể và khách quan nhu cầu cần bồi dưỡng của giáo viên.
* Lựa chọn nội dung bồi dưỡng: Nhằm tối ưu hóa mục tiêu bồi dưỡng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng và cấp thiết của giáo viên, tránh được sự chồng chéo hoặc bỏ sót cần lựa chọn nội dung bồi dưỡng căn cứ vào nhiệm vụ giáo viên được giao; bối cảnh thực tiễn; năng lực thực hiện và hoàn cảnh của mỗi giáo viên... Trong đó căn cứ vào năng lực thực hiện nhiệm vụ của giáo viên so với yêu cầu nhiệm vụ là hướng căn bản để xác định nhu cầu bồi dưỡng. Lựa chọn nội dung bồi dưỡng cần đảm bảo các nguyên tắc: (i) phù hợp với mục tiêu của công tác bồi dưỡng; (ii) “không áp đặt”; (iii) hình thức, nội dung bồi dưỡng đa dạng nhưng nhất quán trong trường, gắn với thực tiễn địa phương; (iv) nội dung và phương pháp bồi dưỡng cập nhật, hiện đại và ổn định tương đối; (v) đảm bảo tính kế thừa; (vi) linh hoạt, mềm dẻo; (vii) thiết thực, phù hợp và khả thi. Các nội dung cần quan tâm bồi dưỡng và hướng dẫn giáo viên tiểu học tự bồi dưỡng hiện nay là dạy học tích hợp, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, đánh giá học sinh tiểu học theo qui định mới, xây dựng mô hình lớp học tự quản, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực...
       * Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên: Lập kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên có liên quan tới rất nhiều vấn đề: như mục tiêu bồi dưỡng, nội dung bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng, phương pháp bồi dưỡng, các điều kiện (nhân lực, vật lực, tài lực) đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động bồi dưỡng. Chính vì vậy khi lập kế hoạch hiệu trưởng cần thực hiện theo các bước sau: Xác định các căn cứ hay cơ sở để lập kế hoạch; Phân tích khái quát thực trạng công tác bồi dưỡng trên cơ sở đánh giá nhu cầu học tập bồi dưỡng và phong cách học tập bồi dưỡng của các nhóm giáo viên; Xác định mục tiêu bồi dưỡng; Xác định các nội dung công việc (nội dung kế hoạch) và phân công thực hiện; Xác định các nguồn lực thực hiện (nhân lực, vật lực, tài lực); Xác định các biện pháp, chỉ số theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động bồi dưỡng thường xuyên của đơn vị; Hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng giáo viên.
       * Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên: Công  tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên có thể được thực hiện theo các hình thức gồm: Một là, bồi dưỡng thường xuyên bằng tự học của giáo viên kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn của nhà trường, liên trường hoặc cụm trường. Hai là, bồi dưỡng thường xuyên tập trung theo lớp - bài để hướng dẫn tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung khó, mới đối với giáo viên; Để thực hiện hình thức này, hiệu trưởng phải lựa chọn được báo cáo viên phù hợp. Tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội được trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và luyện tập kỹ năng. Ba là, khai thác triêt để ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, đặc biệt sử dụng mô hình "trường học kết nối", tạo các diễn đàn học tập để giúp giáo viên trao đổi, học hỏi phát triển chuyên môn. Bốn là, phân công giáo viên cốt cán kèm cặp giúp đỡ giáo viên trong quá trình công tác; Năm là tổ chức cho giáo viên tham quan, thực tế học hỏi từ các trường bạn;
            * Đánh giá kết quả học tập trong bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên: Việc đánh giá kết quả bồi dưỡng giáo viên cũng nhằm phát hiện những lỗ hổng, sự bất hợp lý, phi thực tế của quá trình đào tạo, bồi dưỡng để từ đó nâng cao chất lượng bồi dưỡng hoặc cung cấp những nội dung bồi dưỡng cho người học mang tính thiết thực và hiệu quả cao.
            Hiệu trưởng phải kiểm tra, đánh giá được kết quả  bồi dưỡng thường xuyên giáo viên bằng phương thức đa dạng: Thông qua tổ chuyên môn kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên; Đánh giá qua dự giờ; đánh giá qua bản thu hoạch của giáo viên; qua tổ chức cho giáo viên làm bài kiểm tra...Yêu cầu trong đánh giá kết quả bồi dưỡng: Đảm bảo tính khách quan, độ tin cậy; tính toàn diện; đánh giá phải đảm bảo tính hệ thống, công bằng, công khai và minh bạch.
            Để việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên đạt hiệu quả, hiệu trưởng cần giúp mỗi giáo viên thực hiện bồi dưỡng một cách tự giác, tích cực trên cơ sở nâng cao nhận thức cho giáo viên về sự cần thiết phải bồi dưỡng. Hiệu trưởng phải nắm được những vấn đề trọng tâm trong đổi mới giáo dục tiểu học để định hướng cho giáo viên trong bồi dưỡng tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ.
4. Kết luận
Để việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trong các trường tiểu học thiết thực và hiệu quả, hiệu trưởng phải thực hiện dân chủ hóa quá trình bồi dưỡng thường xuyên, nắm bắt kịp thời các yêu cầu của ngành, các thay đổi trong giáo dục cấp học để định hướng cho giáo viên trong học tập nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ. Mỗi giáo viên phải có ý thức chủ động nắm bắt các yêu cầu mới của xã hội, của ngành đối với việc thực hiện chương trình giáo dục tiểu học để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực và phẩm chất của mình. Phải làm cho mọi giáo viên thấy rõ mục đích của việc bồi dưỡng thường xuyên nhằm giúp họ cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế - xã hội, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, yêu cầu nhiệm vụ năm học, cấp học, yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương; Phát huy vai trò quản lý hoạt động bồi dưỡng thường xuyên của hiệu trường trường tiểu học; Đảm bảo sự lãnh đạo sát sao của các cấp quản lý giáo dục, sự chủ động, trách nhiệm của hiệu trưởng và sự tự giác, tích cực của giáo viên.
            Với chức năng nhiệm vụ của khoa Bồi dưỡng CBQL&NV trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn sẽ tích cực tham mưu với các cấp quản lý ngành giáo dục của tỉnh để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên với việc đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng giáo viên, xây dựng văn hóa hợp tác lực lượng tham gia bồi dưỡng, xây dựng nhà trường thành tổ chức học tập để giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 7 năm 2012 ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
2. Bộ giáo dục và Đào tạo, Tài liệu tập huấn cán bộ quản lí trung tâm giáo dục thường xuyên về tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
3. Bộ giáo dục và Đào tạo, kỷ yếu Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông của các cơ sở đào tạo giáo viên.
4. Đảng cộng sản, Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam, ban hành ngày 4 tháng 11 năm 2013.
5. Phòng GD và ĐT Thành phố Lạng Sơn, báo cáo tổng kết năm học 2014 - 2015.

Tác giả bài viết: Phạm Thúy Hà

Nguồn tin: Khoa Bồi dưỡng cán bộ quản lí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/24-11-2024_6427ccd8299f0a830507d1072454ad14.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)