Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Hoạt động trải nghiệm tiếp cận sự kiện của sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non trường CĐSP Lạng Sơn

Thứ ba - 23/04/2019 04:20
Thực hiện nghị quyết của Chính phủ số 14/2005/NQ – CP về đổi mới căn bản giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, hệ thống các trường cao đẳng và đại học đã có những bước đột phá mang tính chiến lược nhằm đào tạo nguồn nhân có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó phải kể đến thay đổi cách dạy và học. Một trong những hình thức dạy học mới đang được triển khai rộng rãi đó là hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm. Giáo dục trải nghiệm là phương thức giáo dục phát huy tính tích cực, tự chủ, nỗ lực kiên trì của  người học giúp họ chiếm lĩnh hội thức và phát triển năng lực cá nhân. Trong xu thế phát triển giáo dục hiện nay, hoạt động trải nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên nói chung và sinh viên khoa giáo dục mầm non nói riêng.
Một trong các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh - sinh viên hiệu quả nhất đó là thông qua thực hành, thực tập. Đây là một hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm giúp người học quan sát, suy nghĩ và tham gia các hoạt động thực tiễn, qua đó động viên và tạo điều kiện cho người học tích cực nghiên cứu, tìm ra những giải pháp mới dựa vào kiến thức đã được học trong nhà trường và những gì đã trải qua trong hoạt động thực tiễn của cuộc sống để từ đó hình thành ý thức, phẩm chất, kĩ năng sống, kĩ năng sư phạm cho HSSV.  Thực hành, thực tập là hoạt động rèn luyện nhằm hình thành năng lực nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Hoạt động này không những giúp học sinh, sinh viên (HSSV) nhận thức được vai trò trách nhiệm của người giáo viên mầm non (GVMN) mà còn củng cố, mở rộng, nâng cao kiến thức đã học, tạo điều kiện cho HSSV được trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào rèn luyện các thao tác, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, gắn lý luận với thực tiễn, qua đó bồi dưỡng lòng yêu nghề, mến trẻ, say mê với công việc, trau dồi, rèn luyện những phẩm chất và năng lực sư phạm cần thiết của người GVMN, hình thành thái độ tự giác tích cực trong học tập. Bên cạnh đó hoạt động này còn giúp giáo viên, đặc biệt là giảng viên giảng dạy bộ môn phương pháp phát huy tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, bám sát thực tiễn gắn lý thuyết với thực hành trong giảng dạy. 
Trong xu thế phát triển giáo dục hiện nay, việc hình thành kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm tiếp cận sự kiện là một xu hướng mới để rèn luyện kỹ năng chuyên biệt cho sinh viên chuyên ngành giáo dục mầm non. Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ tiếp cận sự kiện trong trường mầm non, được sử dụng nhằm biến những mục tiêu giáo dục, những dự kiến, kế hoạch đã lập bằng các hoạt động cụ thể thích hợp, đó cũng là một hoạt động sư phạm không thể thiếu của GVMN trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo SV mầm non, chúng tôi chú trọng hình thành cho các em những kỹ năng này nhằm giúp SV có đủ năng lực thực hiện tốt vai trò của người GVMN trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm tiếp cận sự kiện cho trẻ ở trường mầm non. Vậy trong trường mầm non có các sự kiện nào?
1. Các sự kiện và nội dung tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ tiếp cận sự kiện
Ở trường mầm non có rất nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc sống của trẻ, song có thể lựa chọn những sự kiện để tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ như:
- Khai giảng năm học mới: (Ngày hội đến trường của bé), đó là dấu mốc ngày đầu đi học của năm học và là sự mở đầu, có tác dụng tạo hứng khởi cho suốt một năm học. Có thể tổ chức các hoạt động cho trẻ trải nghiệm: Dự lễ khai giảng tưng bừng, nhộn nhịp; Bé lao động vệ sinh trường lớp; Thăm quan những khu vực trong trường mầm non.
- Tết Trung thu: Là ngày dành riêng cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tết Trung thu tổ chức vào ngày rằm tháng Tám. Có thể giới thiệu cho trẻ về thời tiết mùa thu, về trăng, cây cỏ, các loại hoa quả, trang phục của mọi người… Tổ chức chương trình cần chú ý đến các hoạt động: bày cỗ, rước đèn, phá cổ, hát múa dân gian...
- Tết Nguyên đán: Là tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Cần tổ chức cho trẻ đón xuân, đón Tết năm mới với tâm trạng vui mừng. Giới thiệu cho trẻ những phong tục tập quán tốt đẹp trong ngày Tết: chúc tết bố mẹ, con cái, người thân, thầy cô giáo; Tổ chức sum họp, mừng thọ người cao tuổi; mọi người mặc quần áo đẹp; tổ chức các trò chơi dân gian; gói bánh trưng; thời tiết mùa xuân cây cối đâm hoa nẩy lộc, không khí trong lành, vui vẻ; mỗi dân tộc có những tập quán, cách đón Tết khác nhau, giáo dục ở trẻ tình yêu thiên nhiên và cuộc sống.
Ngoài ra còn một số sự kiện ở trường mầm non như: Lễ hội hóa trang (Halloween); Ngày hội của các cô giáo (20/11); Lễ giáng sinh, Tết dương lịch; Ngày quốc tế phụ nữ (8/3); Kỉ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5); Ngày sinh nhật của trẻ trong lớp; Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam; Ngày môi trường thế giới; Ngày 1/6, ngày hội của thiếu nhi và lễ ra trường của các cháu mẫu giáo lớn.
Bên cạnh đó còn có những sự kiện diễn ra trong cuộc sống của trẻ không mang tính cố định đó là các sự kiện diễn ra khác nhau về thời gian, vùng miền, trường, lớp của trẻ, ví dụ như ngày hội cắm trại ngoài trời; Top of FormNgày hội nghề nghiệp tương lai của bé; hoặc các sự kiện gần gũi với cuộc sống của trẻ mang tính chất thời sự như lở đất xảy ra ở vùng núi phía Bắc, lũ lụt xảy ra ở miền Trung,... hay chỉ là một điều mới mẻ được trẻ trong lớp quan tâm. Ví dụ: Mẹ mới mua con mèo, sinh nhật một bạn ở lớp,... Các sự kiện nêu trên làm phong phú nội dung, nhằm đạt mục tiêu giáo dục trẻ. Căn cứ vào từng sự kiện, khi thực hành, thực tập, SV tập xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện.
          2. Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ tiếp cận sự kiện trong trường mầm non qua thực hành, thực tập của SVMN
2.1. Mục đích: Giúp cho HSSV rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ tiếp cận các sự kiện diễn ra trong cuộc sống thực, qua các chủ đề trong năm học ở trường mầm non. SV nắm được quy trình, cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm, từ đó hình thành và phát triển vốn sống kinh nghiệm, đồng thời bộc lộ những khả năng, năng lực tiềm ẩn ở mỗi HSSV.
2.2. Tổ chức thực hiện
* Yêu cầu SV lựa chọn sự kiện theo các tiêu chí sau:
- Sự kiện phải phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ, cụ thể được trẻ quan tâm, gần gũi với cuộc sống hiện tại của trẻ (để có thể khai thác kinh nghiệm đã có của trẻ và trẻ có thể tìm kiếm thông tin từ ngoài nhà trường).
- Triển khai các hoạt động và trò chơi cho trẻ. Tùy theo nội dung vấn đề và hứng thú của trẻ mà thời gian thực hiện có thể từ một vài ngày đến 1- 2 tuần.
- Các hoạt động này có thể giúp trẻ cảm nhận tốt hơn về thế giới mà trẻ sống (có ý nghĩa đối với cuộc sống của trẻ).
- Có nguồn vật liệu cung cấp cho trẻ thực hành.
- Đáp ứng một phần mục tiêu giáo dục của chủ đề đang thực hiện.
- Sinh viên có hiểu biết nhất định, có hứng thú với vấn đề (có thể mở rộng các hoạt động bằng các nguồn tư liệu, thông tin và sự hiểu biết của mình).
* Cách thực hiện: Quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ tiếp cận sự kiện trong trường mầm non được tiến hành theo 3 giai đoạn:
 
Giai đoạn 1: Chuẩn bị
Yêu cầu SV cần thực hiện những nội dung công việc sau: Thiết kế môi trường học tập để thực hiện hoạt động trải nghiệm cho trẻ tiếp cận sự kiện. Khi tiến hành phần lớn môi trường lớp học phải thể hiện được nội dung của sự kiện đó. Tùy thuộc vào khả năng thực tế về đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu để bố trí môi trường lớp học của trẻ. Sự bố trí này chỉ mang tính chất gợi ý cho trẻ hoạt động và sắp xếp môi trường của mình. Môi trường này sẽ được hoàn thiện trong quá trình thực hiện sự kiện đó. SV cùng với trẻ tham gia vào việc tổ chức môi trường học tập để gây hứng thú cho trẻ đến chủ đề.
Giai đoạn 2: Thực hiện hoạt động trải nghiệm cho trẻ tiếp cận sự kiện được tiến hành theo 3 bước:
Bước 1: Mở đầu về sự kiện
Có thể giới thiệu cho trẻ bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên có thể sử dụng những phương pháp dưới đây một cách linh hoạt để dẫn dắt trẻ hướng vào sự kiện một cách tự nhiên như:
- Trò chuyện, đàm thoại để giúp trẻ nhớ lại hoặc khai thác những hiểu biết và kiến thức liên quan đến sự kiện, thông qua đó để biết được mức độ nắm kiến thức của trẻ về sự kiện.
- Các hoạt động thể hiện kinh nghiệm của trẻ về sự kiện như vẽ, hát, kể chuyện, minh họa bằng động tác để tăng cảm xúc. Tất cả những hoạt động đó đều hướng vào tạo hứng thú và sự quan tâm bước đầu của trẻ đối với sự kiện.
- Khi đã thu hút được sự quan tâm, chú ý, tạo được sự hứng thú của trẻ đối với sự kiện, SV lần lượt đặt các câu hỏi, đưa ra các vấn đề mà trẻ chưa biết, chưa trả lời được hay chưa giải quyết được để kích thích nhu cầu muốn tìm hiểu ở trẻ, đồng thời đây cũng là cách để thăm dò những vấn đề mà trẻ muốn biết khi tiếp cận về sự kiện này. Tiếp đến, thu hút trẻ cùng tham gia xây dựng kế hoạch và bàn phương án tìm câu trả lời. Phối hợp với gia đình trẻ để thực hiện cho trẻ tiếp cận sự kiện mới và đề xuất gia đình giúp trẻ sưu tầm những thứ liên quan đến sự kiện mang đến lớp. Lúc này, để trả lời các câu hỏi đặt ra càng thúc đẩy nhu cầu khám phá được tăng lên.
Bước 2: Khám phá sự kiện
 Tổ chức hoạt động để trẻ khám phá, trả lời các câu hỏi và giải quyết các vấn đề đặt ra trong bản lập kế hoạch như hoạt động tham quan, quan sát, thảo luận, trò chuyện, phỏng vấn, tìm hiểu qua sách, tranh ảnh, khám phá trực tiếp thông qua thực hành, thí nghiệm, lao động... các hoạt động được thể hiện.
 Với mỗi sự kiện, sinh viên cần xác định và xây dựng được kế hoạch cho các hoạt động chính, coi đó là những hoạt động cơ bản tạo cơ hội cung cấp, củng cố kinh nghiệm, làm tăng sự tò mò, hứng thú, hài lòng ở trẻ, tạo những động cơ mới để phát triển nội dung sự kiện. Chính vì vậy mà SV cần chuẩn bị kĩ lưỡng những hoạt động này nhằm gây được ấn tượng mạnh đầu tiên với trẻ. Từ đó có thể tổ chức các hoạt động xoay quanh hoạt động chính.
Ví dụ: Để tổ chức hoạt động tham quan có hiệu quả, cần chuẩn bị kĩ địa điểm trẻ sẽ đến và xác định: thời gian thích hợp để đi tham quan; cách để trẻ quan sát trực tiếp; những người trẻ sẽ gặp gỡ nói chuyện, những đối tượng sẽ quan tâm; những thứ trẻ có thể lấy, mua, đem về lớp.... Trong quá trình tham quan, quan sát, kích thích trẻ trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và nói lên cảm nhận cuả mình. SV cần bày tỏ sự hứng thú đối với tất cả những hứng thú nhận xét, thừa nhận sự phát triển của trẻ. Sau khi tham quan hoặc sau quan sát, SV cần tổ chức cho trẻ được trò chuyện, tranh vẽ, bài thơ,... để giúp trẻ thể hiện càng sớm, càng nhiều càng tốt. Điều này có ý nghĩa rất lớn nhằm lưu lại cảm xúc ấn tượng mạnh mẽ trong trẻ về chuyến tham quan, đồng thời cũng là cơ sở để lên kế hoạch hoạt động tiếp theo, hình thành các câu hỏi, các vấn đề mới.
 Kích thích trẻ tự khám phá qua sách, tranh ảnh, qua xem tivi, thông qua người khác... SV có thể đóng giả là khách đến thăm lớp, cùng trao đổi, trò chuyện, kể chuyện cho trẻ, trả lời các câu hỏi của trẻ làm cho nội dung kiến thức trở nên phong phú hơn, đồng thời trẻ học được những kĩ năng giao tiếp, ứng xử với người lạ khi có khách đến chơi.
 Việc thu hút gia đình trẻ cùng tham gia vào quá trình thực hiện sự kiện là một việc làm có ý nghĩa để duy trì hứng thú, sự quan tâm ở trẻ không chỉ ở lớp mà là ở mọi lúc mọi nơi. SV khuyến khích trẻ trao đổi với bố mẹ về vấn đề cô và trẻ nêu ra ở lớp và cùng tham gia bàn bạc cách giải quyết. Thông thường, trẻ tỏ ra hãnh diện khi trẻ và gia đình mình phát hiện được điều bí mật và góp công sức vào quá trình khám phá của lớp, trẻ rất vui sướng khi thể hiện điều đó với mọi người.
 Bên cạnh những hoạt động nhằm cung cấp tri thức cũng cần chú trọng đến những nội dung khơi gợi cảm xúc, hình thành mối quan hệ, thái độ đúng đắn của trẻ đối với đối tượng mình tìm hiểu và cả thái độ và hành vi ứng xử của con người đối với thế giới xung quanh. Điều quan trọng đối với mỗi kiến thức mới khám phá tìm hiểu là SV phải tạo cho trẻ trải qua những cảm xúc vui sướng, hài lòng, cảm thấy có ý nghĩa và mong muốn hiểu biết nhiều hơn nữa.
 Trong quá trình này, SV cần quan tâm, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ, các mục tiêu đề ra của chủ đề, đồng thời đưa thêm các câu hỏi và nêu lên các vấn đề để kích thích trẻ tiếp tục tìm hiểu, khám phá.
Bước 3: Kết thúc sự kiện
Chọn một sự việc đỉnh điểm, ví dụ như tổ chức trưng bày sản phẩm liên quan đến sự kiện. Đây là dịp để trẻ có cơ hội thể hiện những gì mình đã biết với những người khác (bố, mẹ, trẻ các lớp khác, các cô bác trong trường mầm non ...) trẻ được mọi người lắng nghe, thừa nhận, từ đó làm tăng cảm xúc tự hào, phấn khởi, hài lòng về bản thân để có thể tự tin hơn về bản thân.
Trước khi kết thúc sự kiện, SV nên cùng trẻ bàn bạc về kế hoạch tổ chức ngày hội như: Có thể trưng bày những sản phẩm gì? Trưng bày ở đâu? Mời ai đến dự? Trẻ sẽ làm gì, nói gì với cha mẹ, khách mời? SV tạo cho trẻ niềm vui, sự phấn chấn trong suốt quá trình chuẩn bị và làm cho buổi kết thúc sự kiện có ý nghĩa hơn.
          Giai đoạn 3: Đánh giá việc thực hiện sự kiện
Được tiến hành ở giai đoạn cuối mỗi hoạt động. Căn cứ vào mục tiêu đề ra có thể đánh giá mức độ đạt được về các kiến thức, kĩ năng, thái độ theo 5 lĩnh vực phát triển của trẻ. Trên cơ sở đó, SV xác định kế hoạch và biện pháp giáo dục cụ thể, thích hợp với trẻ ở các sự kiện tiếp theo.
Ví dụ: Với “Sự kiện bão lụt ở miền Trung”, có thể thực hiện theo gợi ý sau:
- Trong buổi trò chuyện đầu giờ cô hỏi trẻ: “Hôm qua con có xem ti vi không?”; “Con thấy những hình ảnh gì về lũ lụt? Xảy ra ở đâu?”
 Có nhiều trẻ trả lời nhưng SV nên gợi ý để trẻ nói, VD: “Con xem tivi thấy nước ngập cả mái nhà và có cả người khóc nữa”.
- Cho trẻ xem một đoạn băng về bão lụt ở miền Trung. Sau đó cho trẻ nói lại một số hình ảnh trong đoạn băng và trả lời câu hỏi “Tại sao khi bị nước ngập thì có người lại khóc?” (Giúp trẻ trả lời không phải theo suy nghĩ chủ quan của trẻ như trên mà dựa vào theo những điều trẻ quan sát được từ đoạn băng)…
- SV có thể hỏi trẻ: “Bây giờ chúng ta sẽ làm gì để bày tỏ tình cảm của mình đối với những người/ các bạn nhỏ đang gặp khó khăn ở miền Trung?”. Cho trẻ nói ý định của mình. SV ghi lại các hoạt động của trẻ ra một tờ giấy to. Cho trẻ thực hiện ý định đó bằng cách vẽ tranh, làm bưu thiếp, viết thư, làm quà tặng, quyên góp... hoạt động này kéo dài một hay vài ngày (tùy theo khả năng của trẻ ) sao cho trẻ có thể hoàn thành dự định của mình.
- Kết thúc hoạt động: Cho trẻ trưng bày sản phẩm của mình, trình bày chia sẻ và nhận xét các sản phẩm (ý nghĩa và tác dụng đối với những người đang gặp khó khăn do bão lũ) phân loại các sản phẩm và thảo luận những sản phẩm nào sẽ gửi cho các bạn đang gặp khó khăn ở miền Trung?
Cách tổ chức này không chỉ mang lại hứng thú mà còn đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của trẻ. Trẻ có cơ hội áp dụng những kiến thức, kĩ năng của mình vào hoàn cảnh thực tế trong cuộc sống thật của trẻ. Vì vậy để những năm học sau hướng dẫn SV hoạt động này tốt hơn, chúng tôi đưa ra những định hướng sau:
 3. Các định hướng cho SV tổ chức hoạt động trải nghiệm
Thứ nhất: Trong các hoạt động thực hành, ngoại khóa, rèn luyện nghiệp vụ ở trường sư phạm cũng nên gắn các sự kiện để SV tập tổ chức hoạt động cho trẻ trải nghiệm tiếp cận sự kiện.
Thứ hai: Trường sư phạm cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục mầm non khi tổ chức các sự kiện nên cho HSSV được tham gia, học tập trao đổi kinh nghiệm.
           Như vậy tổ chức hoạt động cho trẻ trải nghiệm có ý nghĩa lớn đối với giáo dục, nhất là đối với giáo dục bậc mầm non. Nếu vận dụng một cách nghiêm túc phương pháp trải nghiệm vào tổ chức giáo dục cho trẻ mầm non sẽ đem lại kết quả rất cao. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc dạy cho SV phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở mầm non. Thông qua hoạt động tổ chức cho trẻ trải nghiệm tiếp cận sự kiện sẽ tạo điều kiện cho SV gắn lý luận với thực tiễn, nắm được những kiến thức về phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm tiếp cận sự kiện cho trẻ ở trường mầm non ngày càng vững chắc hơn. Hoạt động này cũng chính là con đường để SV rèn luyện khả năng ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, giúp SV có đủ năng lực thực hiện tốt vai trò của người GVMN tương lai trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ tiếp cận sự kiện ở trường mầm non.
 
Một số hình ảnh SV tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ



 

Tác giả bài viết: Lưu Thị Minh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_19f994ed78eff887e7af6d0690694b12.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)