Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Người lái đò tâm huyết, giàu nghị lực

Thứ ba - 01/12/2015 21:47

Cô giáo Trương Minh Hằng
(Khoa Xã hội, trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn)
 
Nếu được chọn lại, cô còn chọn nghề dạy học nữa không? Đây không phải lần đầu tiên cô được nghe câu hỏi này, thậm chí đôi lần cô cũng tự nghĩ rồi tự hỏi chính mình rằng: nếu được chọn lại, mình có chọn nghề giáo không nhỉ?... Và, câu trả lời của cô là không đầy 03 năm nữa, cô sẽ ra nhập Hội cựu giáo chức rồi. Đó là những lời bộc bạch, chia sẻ rất chân tình của Cô Trương Minh Hằng nhân dịp chúng tôi đến chúc tết đầu xuân Ất Mùi tại nhà riêng của cô.
Sau chặng đường dài học tập tại khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, không gì hạnh phúc hơn khi những sinh viên như chúng tôi ra trường lại được sống bằng chính nghề nghiệp của mình, bằng chính tri thức và nhân cách của mình. Đã vài năm, kể từ ngày chúng tôi nhận quyết định về làm việc tại khoa Xã hội của trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (CĐSPLS). Thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu, quý mến và trân trọng một người lái đò tâm huyết, giàu nghị lực - Trương Minh Hằng giảng viên khoa Xã hội, trường CĐSPLS.
Từ ước mơ “mai đây làm cô giáo”…
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, ai cũng có ít nhất một ước mơ để phấn đấu và theo đuổi ước mơ ấy. Ước mơ của cô Hằng (sinh năm 1962) năm xưa được hình thành và lớn lên trong những lần chơi trò “lớp học” cùng lũ bạn thuở xa lắc, xa lơ nơi núi rừng Tây Bắc (Sơn La). Cô giáo trong mắt của những đứa trẻ ngây thơ là một người quan trọng lắm, là người thể hiện sự hiểu biết vượt trội và có khả năng dẫn dắt, chỉ bảo. Thế nên, ai cũng thích cũng muốn được làm cô giáo. Và dường như có duyên chăng? khi những lần chơi ấy cô bé thường được làm cô giáo nhiều hơn làm học trò. Giấc mơ trở thành một cô giáo cứ nhen nhóm, cứ bay cao cùng cánh diều no gió, cứ nồng nàn trong những giấc trưa say tròn của mắt lá, cứ len lỏi trong giấc ngủ hằng đêm nơi tâm hồn của cô bé từ đây.
Sinh ra và trưởng thành trong thời đạn bom khói lửa của đất nước, thêm vào đó, cha cô bé sớm đã gắn bó cuộc đời với binh nghiệp nay đây mai đó, sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, lên 5 tuổi, do cha phải chuyển đơn vị chiến đấu và cả gia đình đã rời Sơn La sang miền đất biên ải Lạng Sơn. Quãng thời gian học sinh THCS rồi đến học sinh THPT và cho đến lúc là sinh viên trường chuyên nghiệp, cô sinh viên trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (tại Thái Nguyên) càng nhìn nhận, đánh giá và trân trọng hơn ước mơ nhỏ bé của mình. Với cô giáo Hằng tương lai, nghề dạy học không đơn giản chỉ bó hẹp trong những con chữ mà còn là dạy người như cây thông trên sườn núi, cây hồi giữa rừng, thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Bởi thế, “nghề dạy học mới là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Hiểu như vậy, cô sinh viên càng khao khát trở thành một nhà giáo hơn khi trải qua những lần thực tập sư phạm trước khi rời ghế giảng đường. Hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng, cao quý và cô đã thực sự thăng hoa, vỡ òa khi lần đầu tiên được nghe học trò gọi mình là “cô ơi!” - một sự xúc động còn mãi trong cô vẫn rạng ngời trên khuôn mặt khi tâm sự với chúng tôi.
…đến hiện thực một “kỹ sư tâm hồn”
Từ năm 1982, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, cô Hằng là giáo viên trường Trung học phổ thông Mỏ than Na Dương. Sau bốn năm, cô chuyển về công tác tại trường Trung học Sư phạm 12 + 3 tỉnh Lạng Sơn nay là trường CĐSPLS.
Cô được giao nhiệm vụ giảng dạy học phần tiếng Việt thực hành; Đại cương ngữ âm tiếng Việt; Ngữ pháp tiếng Việt; phương pháp dạy học tiếng Việt... Khi còn bỡ ngỡ bước vào trường, lần đầu tiên được gặp và tiếp xúc với cô, tôi cảm thấy sự lạnh lùng, nghiêm khắc, khó gần, nhưng sau một thời gian ngắn làm việc thì mọi cái nhìn về cô đã thật sự thay đổi. Cô là một người giản dị, đúng mực, nghiêm khắc và tỉ mỉ trong công việc.
Trong cuộc sống hàng ngày, cô Hằng luôn dạy cho sinh viên những kỹ năng cần thiết của một giáo viên tương lai, cô như người mẹ hiền đúng nghĩa, luôn ân cần, chỉ bảo các thế hệ sinh viên từ những chi tiết nhỏ nhất. Cô luôn nhẹ nhàng sửa lỗi cho những sinh viên người dân tộc thiểu số thường nói ngọng dấu sắc và dấu ngã để thuận lợi trong giao tiếp và chuẩn mực trong công tác giảng dạy của sinh viên sau này… Còn với đồng nghiệp, bạn bè cô luôn hòa đồng, thân thiện giúp đỡ mọi người xung quanh.
Với trách nhiệm Trưởng khoa Xã hội, cô Trương Minh Hằng đã góp phần làm dầy thêm những thành tích cho truyền thống gần 20 năm phấn đầu bền bỉ, liên tục và không ngừng lớn mạnh trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như công tác rèn luyện nghiệp vụ nghề nghiệp và các phong trào đoàn thể của khoa Xã hội… Thực tế cho thấy, từ ngôi nhà trách nhiệm - kỉ cương - tình thương này, không ít thầy, cô và nhiều thế hệ sinh viên đã được vinh danh nhận những phần thưởng cao quý của các cấp, ngành trao tặng. Đặc biệt, nhiều thầy cô đã và đang giữ những cương vị quan trọng ở các phòng, sở, ban, ngành trong và ngoài tỉnh. Cũng chiếc nôi này đang ngày đêm vun đắp nên những nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình cho nền văn học nghệ thuật quê hương xứ Lạng.
Đến nay, bản thân cô Trương Minh Hằng đã có 33 năm gắn bó với nghề dạy học, trong đó có 29 năm liên tục tại trường CĐSPLS. Cô đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ công dân của khối phố, nghĩa vụ viên chức của ngành, của nhà trường…  Một người có phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết với đồng nghiệp, bạn bè, đúng mực với học sinh, sinh viên; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cô Hằng luôn phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lí, tham gia đầy đủ, hiệu quả các đợt tập huấn do ngành, nhà trường tổ chức. Nhiều năm liền từ 2007 đến năm 2015 cô đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến của ngành Giáo dục.
Vì cùng cảnh gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo nên điều mà tôi khâm phục, kính trọng và học tập ở cô nhiều nhất chính là lòng nhiệt huyết với nghề, nghị lực vượt lên trên mọi vất vả, khó khăn trong công tác cũng như trong cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhà trường, trách nhiệm đối với gia đình. Tháng 11 năm 2011 trường CĐSP Lạng Sơn tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm truyền thống Nhà trường, 15 năm thành lập khoa Xã hội. Cùng với sự bộn bề của công việc, một bất hạnh đến với cô, chồng cô mắc bệnh ung thư phải nằm điều trị ở bệnh viện K Hà Nội. Cô đi về như một con thoi, vừa hoàn thành công việc nhà trường, vừa lo chăm sóc sức khỏe cho chồng ở bệnh viện. Sau đó ít lâu, người chồng xấu số qua đời để lại cho cô một gánh nặng gia đình. Cô là mẹ, là cha, là bà, là ông của cháu ngoại mới tròn một tháng tuổi. Giảng viên, sinh viên trong khoa, trong trường không khỏi ái ngại và lo lắng cô Hằng sẽ gục ngã trước hoàn cảnh đó. Nhưng cô đã cố gắng giấu nỗi buồn vào trong để ngày ngày lại đến trường với những công việc thường nhật: quản lý khoa, giảng dạy, cùng tập thể giảng viên, sinh viên khoa Xã hội tổ chức thành công lễ kỉ niệm 15 năm thành lập khoa Xã hội. Cô Hằng tiếp tục chăm lo, động viên hai cô con gái trông nom gia đình và phấn đấu làm việc, học tập. Năm ngoái niềm vui đã đến với cô khi con gái lớn đỗ Cao học và con gái thứ hai cũng đỗ vào khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tâm sự đến đây, cô cười thật tươi và rạng rỡ.
Bước vào nghề, vào khoa với lòng nhiệt huyết và sự hăng say nhập cuộc của tuổi trẻ nhưng cũng biết bao là bỡ ngỡ, mới lạ. Từ ngày đầu tiên bước chân vào cổng trường  mà trong dạ vừa hân hoan một niềm vui của người giảng viên trẻ trước một chân trời mới, vừa lo lắng sợ sệt không biết mình sẽ như thế nào… đến nay, tất cả cảm xúc ấy cũng trôi qua nhường chỗ cho những tiếng cười do những đồng nghiệp, những học sinh thân thiện đem tặng cho chúng tôi và đưa chúng tôi đến sống tại ngôi nhà thân yêu này - ngôi nhà thứ hai. Vì ở đó, chúng tôi có một đồng nghiệp - một người thầy - một người cô thật tận tụy với nghề, chân thành và ấm áp.
Một bài viết ngắn chưa đủ để dựng lên một chân dung nhưng hơn ai hết, chúng tôi hiểu và trân trọng một tấm gương tâm huyết với nghề, giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống khó khăn. Có lẽ, bởi chúng tôi tự thắp trong mình một niềm tin son sắt rằng những người như cô Hằng - ai cũng “chân cứng đá mềm” để bước tiếp con đường thành đạt dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách, ai cũng có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chung và ai cũng hạnh phúc trong đời tư dù là nhỏ nhoi nhất…
vì chúng tôi là những kỹ sư tâm hồn...

Tác giả bài viết: "Tập Chi"

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_c58214e58cc13459d433708b282f8f58.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)