Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Thi sĩ George Gordon Byron với When we two parted (Khi đôi ta chia tay)

Thứ hai - 28/09/2015 04:15

 
 Tình yêu là điều gần gũi, giản dị nhất nhưng cũng là điều quý giá, thiêng liêng nhất mà bất kì ai cũng mong muốn chia sẻ và có được trong cuộc sống. Tình yêu chính là sự hội ngộ của khổ đau và hạnh phúc, hai thứ cảm xúc cao nhất mà con người có thể gọi tên khi buồn, khi vui. Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn nhưng không dễ gì có được, còn khổ đau là thứ không ai mong muốn đón nhận nhưng cũng chẳng dễ gì tránh được. George Gordon Byron - một thi sĩ Anh, một con người như bao người khác đã hơn một lần yêu, hơn một lần được hạnh phúc, và cũng hơn một lần phải ôm trọn khổ đau vào lòng, để rồi trong phút giây nào đó tác giả tâm sự nỗi niềm của mình cùng khách thơ qua thi phẩm “When we two parted” (Khi đôi ta chia tay).
 
Để hiểu cụ thể nội dung của thi phẩm này, bài viết này sẽ lần lượt đi tìm hiểu các khía cạnh: Thanh điệu, vần, sự trùng điệp, sự ngắt nhịp và nhạc cảm xúc. Những khía cạnh hình thức này cấu kết với nhau tạo nên sự ngân vang mãi, gây xúc động trong hồn người đọc; hợp thành phương diện nghệ thuật và coi như những thủ pháp được tác giả sử dụng mà qua đó chúng ta có thể nhận ra cái phần ẩn chứa bên trong bài thơ - đó là những cung bậc tình cảm của nhân vật trữ tình, điều khiến người đọc phải “nằm lòng” về nó.
1. Nhạc cảm xúc
Thơ cũng như bản thân tình yêu, chỉ nở rộ ở những tâm hồn nghe được tiếng thở của con tim, là khi cảm nhận giữa người và thơ cùng có chung tần số. Đó là lúc nhạc cảm xúc xuất hiện, tồn tại trong hồn người. Cũng phải nói thêm, nhạc cảm xúc là nhạc ở bên trong cho nên đến với thơ hiện đại dù không có vần nhưng ta vẫn cảm được một phần tính nhạc trong thơ.
Cấu trúc bài thơ thể hiện đúng đặc trưng tư duy của một người không đến được bến bờ xa thẳm của tình yêu, của hạnh phúc. Bước chân tâm trạng của nhân vật trữ tình (một chàng trai) đi từ những hoài niệm quá khứ rồi mới chuyển sang hiện tại mang chở nỗi đau về một tình yêu tan vỡ. Đau khổ, xót xa, phảng phất sự trách móc và để lộ cái tội nghiệp, đáng thương của bản thân chính là âm hưởng chủ đạo của bài thơ này. Vì vậy để hiểu mạch cảm xúc chính của bài thơ, chúng ta tiếp cận bài thơ từ những đoạn cụ thể. Bài thơ có thể chia làm bốn đoạn. Mỗi đoạn là một cung bậc tình cảm, tâm trạng của chàng trai.
Câu đầu tiên cũng là tiêu đề của cả bài thơ, nó được viết lên bằng sự hồi tưởng, bằng thứ cảm giác từ quá khứ, cảm giác đó đi từ mơ hồ đến những điều có thật:

When we two parted
In silence and tears,
Half broken-hearted,
To sever for years,
Pale grew thy cheek and cold,
Colder thy kiss;
Truly that hour foretold
Sorrow to this.
Khi đôi ta chia tay
Trong im lặng và những giọt nước mắt
Một nửa trái tim tan vỡ
Chia cắt dài lâu
Gò má em trở nên tái nhợt và lạnh lẽo
Nụ hôn của em còn lạnh hơn
Đúng là thời khắc đó báo trước
Nỗi mất mát khổ đau này
 
Đó là tâm trạng của một người đang đau khổ bởi tình yêu, nghĩ về những ngày tháng kể từ khi rời xa người mình yêu, chàng trai chỉ còn lại một mình với nửa trái tim cô đơn bởi nửa kia đã tan vỡ theo mối tình dang dở. Và cả những dự cảm về sự chia ly được báo trước trên “gò má” và trong “nụ hôn buốt lạnh” của cô gái mà chàng trai yêu!
Những “điềm báo” không chỉ đến từ cô gái mà còn đến từ những điều đang tồn tại quanh chàng trai. “Đôi gò má tái nhợt” và “nụ hôn lạnh giá” như báo những năm tháng nối dài nỗi đau sau này và những giọt sương buổi sớm là những giọt nước mắt lạnh giá trên “khóe mi” là điềm báo cho những nỗi đau hằn lên trong tim chàng trai.
Đoạn thơ đơn giản không sử dụng thủ pháp nghệ thuật nào, chỉ gọi tên và sắp xếp các cảm giác mà mình trải qua trong sự hồi tưởng để dẫn người đọc vào thế giới tâm trạng chung của một người không được yêu. Nhưng dường như có một chút bao biện cho cô gái bởi “đôi gò má tái nhợt” có thể được xem như minh chứng cho một nỗi đau cũng hiện hữu trong người chàng trai yêu.
Sang đến đoạn thứ hai:
The dew of the morning
Sank chill on my brow
It felt like the warning   
Of what I feel now.
Thy vows are all broken,   
And light is thy fame:
I hear thy name spoken,
And share in its shame.
Giọt sương buổi sớm
Giá lạnh trên mi anh
Nó như là điềm báo trước của  
Của điều anh cảm thấy hiện giờ
Lời hẹn ước thề nguyền của em đã tan vỡ
Và  tên  em nhạt nhòa dần
Anh nghe thấy ai đó nhắc tên em
Và cả điều hổ thẹn trong đó
 
Lạnh là một yếu tố ẩn dụ rất quan trọng, nó như tình cảm mà người đàn ông đã hướng tới người phụ nữ: “The dew of the morning/ Sunk chill on my brow” (Giọt sương buổi sớm/ Giá lạnh trên mi anh). Đặc biệt “sương” (dew), lạnh (chill), và hồi chuông báo (knell), rùng mình (shudder) ở những câu thơ sau là những từ tượng trưng cho cái lạnh trong nhiều ngữ cảnh và nhiều cách hiểu khác nhau đối với người đọc.
Quá khứ thực sự bừng sống dậy với những cảm xúc, dù sau bao năm vẫn chỉ như mới hôm qua. Dòng thơ “Of what I feel now” (cảm xúc của anh bây giờ). Nó đã phá vỡ cảm xúc hoài niệm của chàng trai. Khiến kỉ niệm đang ngủ yên chợt thức giấc và chàng trai buông lời trách móc cô gái đã quên mất những “lời thề hẹn” ngày xưa.
Câu bị động “Thy vows are all broken” (những lời thề là tất cả tan vỡ) cho thấy sự ra đi là ở phía cô gái, những lời thề năm xưa thực sự đã tan vỡ vào hư không chỉ để lại những vết cắt trong trái tim một con người. Chàng trai chợt thấy nỗi đau len lỏi trong tế bào khi nghe nhắc đến tên cô gái. Và cảm xúc ấy của chàng trai còn mạnh hơn trong những câu thơ tiếp theo:
They name thee before me, 
A knell to mine ear;
A shudder comes o'er me
Why wert thou so dear?   
They know not I knew thee,
Who knew thee too well:
Long, long shall I rue thee
Too deeply to tell.
Người ta nhắc đến tên em trước mặt anh
Như một hồi chuông báo tử
Anh rùng mình
Tại sao em lại như vậy
Họ đâu biết là anh quen em
Anh biết em rõ nhất
Anh còn hối tiếc về em lâu nữa
Quá sâu sắc để nói ra.
 
Lúc này không chỉ còn là những lời trách móc nữa mà nỗi xót xa đã trở thành nỗi dau dâng lên trong tim chàng trai, anh nghe thấy người ta nhắc tên cô gái và bỗng thấy “rùng mình” - cái rùng mình gai lạnh không chỉ đơn thuần của sự sợ hãi mà trong đó có cả cảm giác đau đớn, cảm giác tiếc nuối, cảm giác níu với trong bất lực khi người mà mình cảm thấy đã hiểu rất rõ lại rời bỏ mình, chàng trai không thể lí giải được tại sao cô gái anh yêu lại như thế? tại sao cô ấy có thể ném bỏ những lời thề hẹn mà ra đi? Nỗi đau trong trái tim chàng trai cứ thế dâng lên đến tột cùng của cảm xúc! Cho dù đã chia xa bao năm tháng nhưng nỗi đau vẫn còn đó với nguyên vẹn những cảm giác như nó chỉ vừa mới diễn ra hôm qua! Những cảm giác mơ hồ, những hoài niệm miên man nhường chỗ cho những đớn đau hiện hữu! cái tên mà ngày xưa chàng trai nghe và gọi bằng tất cả sự thân thương trìu mến thì giờ nghe như “hồi chuông báo tử”, cô gái ấy đã khai tử cho một cuộc tình và hơn hết là khai tử cho tình yêu mãnh liệt của chàng trai! Cô làm cho trái tim của anh tan vỡ trong “lặng câm và nước mắt!” hơn thế, niềm tin của chàng trai cũng sụp đổ theo sự ra đi của cô gái, niềm tin ấy là niềm tin vào người mình yêu, vào tình yêu và vào chính bản thân mình.
Những tưỏng bằng sự run sợ gai người khi nghe nhắc đến cái tên thân quen ấy sẽ làm cho chàng trai không bao giờ muốn gặp lại cô gái đã phản bội và rời bỏ anh! Nhưng không phải thế, tình yêu vẫn cao hơn lòng thù hận và sự ích kỉ:
In secret we met
In silence I grieve
That thy heart could forget,
Thy spirit deceive.
If I should meet thee
After long years,
How should I greet thee?      
With silence and tears.
Trong bí mật đôi ta gặp gỡ
Trong im lặng anh ưu sầu
Điều trái tim em có thể quên
Tâm hồn anh dối lừa
Nếu anh gặp lại em
Sau những tháng năm dài
Anh biết chào em thế nào
Với im lặng và những giọt nước mắt
 
            Trong những lời tâm sự ở đoạn cuối cùng, ngay hai câu thơ đầu tiên đã xuất hiện hai từ về hình thức có thể đồng nghĩa, nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau, nó như những tương phản của bài thơ: “In secret we met” (Trong bí mật đôi ta gặp gỡ), ở đây Byron muốn nhắc đến niềm đam mê, sự bâng khuâng của hai con người, hai trái tim trong cuộc gặp gỡ bí mật đầu tiên. Và “In silence I grieve” (Trong sự im lặng, anh ưu sầu) dường như không ai có thể giúp người đàn ông này nở lại nụ cười vì trái tim anh đã thuộc về người phụ nữ của anh yêu thương.NgheĐọc ngữ âm Từ điển - Xem từ điển chi tiết Cũng có thể hiểu rằng: bí mật gặp nhau, trong lặng câm chàng trai một mình đớn đau. Hãy tưởng tượng một chàng trai đứng rất gần cô gái mình yêu thương nhưng không thể tiến gần, không thể chạm vào và không thể nói một câu chân thành đơn giản “anh yêu em”. Hãy tưởng tượng một chàng trai đứng nhìn tình yêu của mình tan vỡ trong sự níu kéo bất lực, chàng trai không biết làm gì hơn ngoài lặng câm và khóc! một mình tự đặt câu hỏi tại sao cô ấy lại ra đi? tại sao cô ấy lại lừa dối?...
Cấu trúc câu giả định không có thực “Nếu (if)…” kết hợp với động từ “gặp” (meet) chia ở quá khứ và một sự lặp lại, tạo ra mối liên hệ với động từ “met” đã được nói tới ở câu đầu tiên trong đoạn kết của bài thơ. “Trong bí mật đôi ta gặp nhau” (In secret we met) cuộc gặp gỡ ấy diễn ra ở đâu? như thế nào? câu trả lời: Trong bí mật! Thật là mơ hồ, thiếu thuyết phục. Nhưng dường như dòng thơ này đã mang sẵn trong lòng nó sự hoài nghi không có thực ấy. Và có lẽ ý đồ của tác giả nằm ở đây? Một câu giả định kết hợp với một sự hoài nghi không có thật để hướng tới một sự khẳng định mới, sự khẳng định như chính việc lặp lại của động từ “gặp” (met - meet) về cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra nhưng có một điều không bao giờ đổi thay là “im lặng và nước mắt” (silence and tears). Đây đích thực là tiếng nói của một trái tim vẫn con tình yêu, một con tim vẫn rực cháy khát vọng của gặp gỡ mặc dù chàng trai cũng không biết chào cô gái như thế nào giữa cuộc đời này!
Vậy nguyên nhân của sự băn khoăn ấy là gì? Khát vọng được gặp nhưng chào em thế nào? đón em thế nào? sẽ khóc nữa hay là thôi? Chào nhau như hai người bạn hay sẽ bước qua nhau như những người xa lạ hoặc chỉ lặng lẽ nhìn nhau rồi quay đi trong lặng câm và nước mắt! còn đau là còn yêu, còn sợ gặp lại thì tình yêu còn đong đầy! Đi từ đầu đến cuối bài thơ với những cung bậc cảm xúc tăng dần từ suy nghĩ đơn thuần, từ việc nghĩ lại giản đơn những điều trong quá khứ đến sự trách móc, hờn giận, đến sự tức giận oán trách, đến rùng mình kinh sợ cuối cùng trở lại vẫn là một tình yêu sâu sắc dịu dàng chàng trai dành cho cô gái. Cho dù cô ấy có phụ bạc, có dối lừa thì tình yêu của anh vẫn đủ lớn để bao dung tha thứ cho cô! Cho dù cô gái có mang đến cho anh những nỗi đau vô bờ thì khi cô ra đi chàng trai vẫn tiếc nuối cô đến vô cùng và vẫn mong gặp lại bởi chàng trai tin, tin là người yêu cô và hiểu cô rõ nhất! trái tim của anh đủ tự tin để cho cô đi tìm người khác! Đó là bởi cuộc đời, tâm hồn của chàng trai không đơn giản như những vật vô tri, dễ nhìn. Cuộc đời ấy sống động với một trái tim máu thịt đời thường, ở đó có hạnh phúc - khổ đau, thiếu thốn - giàu sang, có cả sự trường cửu - tan vỡ... Và qua mỗi nhịp đập của trái tim mình, chàng trai biết rằng luôn có sự hiện diện của người mình yêu thương mặc dù người ấy đã rời xa chàng trai. Cho nên “như thế nào?” không dễ có thể biết, thậm chí là đoán định. Câu hỏi “Anh chào em như thế nào?” (How should I greet thee?) không chỉ nêu mà còn khẳng định cho điều ấy.

2. Thanh điệu
Khác với tiếng Viêt, tiếng Anh không có nhiều thanh và chia thành thanh Bằng, thanh Trắc mà chỉ có duy nhất một thanh là thanh ngang. Cho nên việc tìm ra thanh điệu của bài thơ là rất khó, nó phụ thuộc vào cách gieo vần và các trọng âm của từ được sử dụng.
Về trọng âm, từ nào cũng có trọng âm. Từ một âm tiết thì bản thân nó đã mang trọng âm, còn từ cấu tạo bởi hai âm tiết trở lên thì trọng âm chỉ rơi vào một âm tiết nào đó. Ở đây, chúng tôi quan tâm đặc biêt tới hệ thống trọng âm của từ cấu tạo bởi hai âm tiết trở lên.

When we two ‘parted
In ‘silence and tears,
Half ‘broken-hearted,
To ‘sever for years,
Pale grew thy cheek and cold,
‘Colder thy kiss;
‘Truly that hour fore’told
‘Sorrow to this.
 
The dew of the ‘morning
Sank chill on my brow
It felt like the ‘warning 
Of what I feel now.
Thy vows are all ‘broken,  
And light is thy fame:
I hear thy name ‘spoken,
And share in its shame.
They name thee before me, 
A knell to mine ear;
A ‘shudder comes o'er me
Why wert thou so dear? 
They know not I knew thee,
Who knew thee too well:
Long, long shall I rue thee
Too ‘deeply to tell.
In ‘secret we met
In ‘silence I grieve
That thy heart could for’get,
Thy ‘spirit de’ceive.
If I should meet thee
‘After long years,
How should I greet thee?      
With ‘silence and tears.
            Quan sát các từ in đậm, ta thấy hệ thống các từ đa âm tiết tập trung chủ yêu ở những dòng thơ của đoạn đầu và đoạn kết.
Ở đoạn đầu, mục đích là nhấn mạnh việc “chia tay” đã xảy ra (parted) và để gợi lại sự “im lặng” (silience), “tan vỡ của con tim” (broken - hearted), “cắt đứt” (sever) của những người trong cuộc, để cảm nhận lại nụ hôn “lạnh giá” (colder), với một điều dự báo (foretold) duy nhất - dự báo cho cuộc chia tay này, nhưng lại “đúng!” (truly) và cao hơn tất cả là nỗi “buồn rầu” (sorrow) không kể xiết và sẽ không bao giờ miêu tả được.
Ở đoạn kết, như một điệp khúc về cảnh ngộ, tâm trạng của chàng trai, chỉ là một “bí mật” (secret) riêng ta biết, cùng với sự “câm lặng” (silience) nơi thế giới tâm hồn, nhưng điều tưởng trừng không thể nhưng lại là “có thể” (forget), bởi cuộc sống dẫu đầy thi vị mà cũng nhiều đắng cay, dẫu lòng trung thực vẫn có nhưng không thiếu gì cái gọi là “lọc lừa” trái ngang (spirit deceive). Và rồi sau một thời gian, dù ngắn hay dài, chỉ để lại sự “lặng im và những giọt nước mắt” (silence and tears).
Các từ đơn âm tiết như những tác nhân hữu ích giúp các từ đa âm tiết thể hiện rõ nét sự dồn nén cảm xúc rồi “vỡ tung” trên bề mặt ngôn từ của bài thơ. Như một sự cố gắng, các từ đa âm tiết ở đoạn đầu và kết đã “dồn sức” vặn xoắn hai khối tròn của con số tám vốn dính liền nhau trở thành hai con số không theo đúng nghĩa của nó. Để muốn khẳng định: bắt đầu là không thì kết thúc cũng là không! Nói cách khác, hệ thống trọng âm đem lại “bước sóng lòng” phù hợp với tâm trạng của chàng trai. Mở đầu là con sóng lớn tràn sâu vào bờ, bộc lộ thật nhiều, nhằm giải phóng cho cảm xúc dồn nén bấy lâu; rồi lại từng nhịp từng nhịp như những con sóng nhỏ nhẹ nhàng lăn lăn trên mặt cát, thủ thỉ tâm tình để nhớ về một miền kí ức xa xôi. Và sau cùng phải nhường chỗ cho con sóng ngầm của lòng người trong sự “đằm mình” suy ngẫm nhiều hơn về một cuộc tình dở dang.
3. Vần điệu và sự ngắt nhịp
Hệ thống vần và nhịp là những yếu tố cơ bản tạo nên tính nhạc của thơ ca nói chung. Vần được hiện với nhau trong một câu hay đoạn thơ là sự hài hòa sẽ níu kéo, lưu giữ lấy nhau, kết hợp với sự ngắt nhịp hợp lí tạo nên sự trầm lắng, mênh mông, bâng khuâng, da diết… góp phần biểu đạt một cách hiệu quả tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Cụ thể: tất cả các chữ cuối của mỗi dòng thơ đều ngắt nhịp, gieo vần với chữ cuối ở vị trí cách dòng. Hiểu đơn giản thì chữ cuối của các dòng lẻ được gieo vần với nhau và các dòng chẵn cũng vậy. Chữ cuối của dòng 1 (parted) vần với chữ cuối của dòng 3 (hearted); chữ cuối của dòng 2 (tears) vần với chữ cuối của dòng 4 (years)… và cứ thế sự gieo vần rất tự nhiên, rất nhịp nhàng.
Nếu chỉ dừng lại ở việc phát hiện ra cách thức gieo vần ấy thì e rằng chúng ta còn đơn giản quá! Cái hay của sự gieo vần và ngắt nhịp của dòng thơ nằm ngay trong sự sắp đặt ý nghĩa của các cặp vần: “chia tay với trái tim tan vỡ” (parted - broken hearted), “nước mắt với thời gian” (tears - years), “cái lạnh với sự dự báo trước” (cold - foretold), “buổi sáng với sự cảnh báo” (morning - warning), “tan vỡ với việc nói ra” (broken - spoken), “danh tiếng với sự hổ thẹn” (fame - shame), “gặp gỡ với có thể quên” (met - forget), “ưu sầu với lừa dối” (grieve - deceive) và ghép lại bằng “thời gian với nước mắt” (years - tears). Mỗi cặp vần xuất hiện như một cặp đôi được tạo nên bởi ý muốn không thể cưỡng lại nổi. Mỗi “đôi” ấy là sự kết cấu của một đối tượng vô hình “trái tim tan vỡ” (broken hearted), “thời gian” (years), “tan vỡ” (broken)… với một đối tượng hữu hình “chia tay” (parted), “nước mắt” (tears), “việc nói ra” (spoken)… dường như giữa chúng có mối quan hệ không thể tách rời và rất khó gọi thành tên.            
4. Sự trùng điệp
Sự trùng điệp có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra ngôn từ cho thơ.  Nó làm cho câu thơ thu hút được sự chú ý của người đọc. Thông qua sự trùng điệp, lời thơ có thể ngắn gọn hơn, dễ nhớ hơn. Cách kết hợp tài tình các loại sự trùng điệp với các dấu chấm câu giúp lời thơ như có âm thanh, có hình tượng hơn. Đồng thời, sự trùng điệp còn nhấn mạnh một tình cảm hay cảm xúc nào đấy, vui buồn, hồ hởi, căm giận… Trùng điệp cũng để nhấn mạnh thêm nghĩa cho câu hoặc làm sáng tỏ vấn đề còn băn khoăn mà lời thơ đem lại (có thể ở phía trước hoặc sau nó).
Trong bài thơ “im lặng và nước mắt” (silence and tears) xuất hiện hai lần, theo sau giới từ “trong” (in) - chỉ sự bao bọc, giới từ “với” (with) - chỉ sự liên quan, và ở vào hai vị trí đặc biệt. Sau khi khách thơ nhận thức được tâm trạng chung của nhân vật trữ tình “Khi tôi ta chia tay” (When we two parted) cũng là lúc động thái “im lặng” với “nước mắt” hiện lên. Hai động thái như hai giọt nước nhẹ nhàng rơi xuống từ ngọn một chiếc lá đã “đổi màu và rách mất một nửa”, chúng đưa đẩy, chuyển hóa, hoàn trộn vào nhau. Bởi thế ta có thể hiểu là nước mắt lặng câm hoặc giọt lệ thinh lặng… đều đúng cả. Im lặng, nước mắt đã xảy ra trong quá khứ, sự có mặt trước hết của nó chỉ đơn thuần có được thuộc về sự hoài niệm nên nó nằm gọn trong thứ cảm xúc hoài niệm ấy và được đặt sau giới từ in. Còn ở cuối bài thơ, im lặng và nước mắt như có được thuộc về sự giả định nên nó liên quan tới sự giả định ấy và được đặt sau giới từ “with”. Cũng trong đoạn cuối này, “in silence” được lặp lại lần nữa, sự câm lặng chính là cái bóng đeo đuổi chàng trai, cái bóng ấy như thể một không gian sống, bao trùm lên cuộc đời anh, thậm chí cả lúc anh ưu sầu, đau đớn.
Một số từ ngữ khác được lặp lại cũng mang một ý nghĩa nhấn mạnh cho lời thơ. Song có một trường hợp chúng ta phải chú ý, đó là Long, long shall I rue thee”. Tính từ Long thể hiện cái dài, cái nối tiếp nhau, bằng cách lặp lại và đi liền nhau dường như ta thấy thời gian tự nó đang kéo dài mình ra, nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau không có điểm dừng. Khoảng cách giữa chàng trai và cô gái ngày một nối dài hơn. Và họ đi qua nhau, nhìn nhau, im lặng, không có điểm dừng để cùng đứng lại, cứ thế trôi qua nhau…
“When we two parted” (Khi đôi ta chia tay) là một bài thơ lãng mạn về một tình yêu bí mật. Bài thơ mang đến cho người đọc một sự trở lại trong quá khứ sống với cảm giác “thắng - thua” ở cái mà ta vẫn quen gọi là “tình trường”. Ở đây ông đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc của mình về tình yêu một cách chân thật nhất, sâu sắc nhất…

Khi đôi ta chia tay
Tác giả: George Gordon Byron
Dịch nghĩa: Thế Anh[1]
 
Khi đôi ta chia tay
Trong im lặng và những giọt nước mắt
Một nửa trái tim tan vỡ
Chia cắt dài lâu
Gò má em trở nên tái nhợt và lạnh lẽo
Nụ hôn của em còn lạnh hơn
Đúng là thời khắc đó báo trước
Nỗi mất mát khổ đau này.
 
Giọt sương buổi sớm
Giá lạnh trên mi anh
Nó như là điềm báo trước của  
Của điều anh cảm thấy hiện giờ
Lời hẹn ước thề nguyền của em đã tan vỡ
Và  tên  em nhạt nhòa dần
Anh nghe thấy ai đó nhắc tên em
Và cả điều hổ thẹn trong đó
 
Người ta nhắc đến tên em trước mặt anh
Như một hồi chuông báo tử
Anh rùng mình
Tại sao em lại như vậy
Họ đâu biết là anh quen em
Anh biết em rõ nhất
Anh còn hối tiếc về em lâu nữa
Quá sâu sắc để nói ra.
 
Trong bí mật đôi ta gặp gỡ
Trong im lặng anh ưu sầu
Điều trái tim em có thể quên
Tâm hồn anh dối lừa
Nếu anh gặp lại em
Sau những tháng năm dài
Anh biết chào em thế nào
Với im lặng và những giọt nước mắt
 
 


[1] Vì dịch thơ đòi hỏi phải có thời gian, vốn sống và kinh nghiệm cho nên với bài thơ này người dịch chỉ xin dừng lại ở bản dịch nghĩa. Bản dịch thơ xin hẹn ở một dịp sau.
 

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_1b47cd34de0fd77b1d1e896e89f2cbe8.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)